28/12/11


 Tản mạn chuyện chữ nghĩa


Cách đây không lâu, một người bạn gữi cho bài viết NHỮNG TỪ DÙNG SAI TRONG NGÔN NGỮ VIỆT NAM , không có tên tác giả, tôi nghĩ chắc là của anh vì anh là giáo viên Văn, mới về hưu. Bài viết dài 9 trang A4, 16 mục, nêu những biểu hiện và nguyên nhân dùng sai, có chú thích cả chữ Hán, so sánh với từ tiếng Anh, tiếng Pháp. Với một tín đồ sơ cơ của ngôn ngữ, tôi nghĩ đây là một bài viết công phu, có nghiên cứu và khá đầy đủ, đọc rất thích vì tác giả có pha thêm đôi chút humour trong đó. Chuyện dùng từ sai có thể làm thành một công trình nghiên cứu ngôn ngữ học, đề tài tốt nghiệp cử nhân hay thạc sĩ vì VN chưa có hàn lâm viện ngôn ngữ, người ta tùy tiện sữa đổi, thêm từ…mà không ai có trách nhiệm ngăn chận, chỉnh đốn cho dầu rất nhiều người, nhiều bài viết đã cảnh báo.


Việc thiếu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước không biết sẽ…dừng lại lúc nào, do vậy cái sai thành đúng, cái đúng thành sai cứ mập mà mập mờ mà thầy giáo dạy quốc văn thì cứ theo SGK là “pháp lệnh của nhà nước”, thậm chí có thầy cũng sai nên càng ngày càng tệ. Rồi, điện thọai di động, Yahoo chat ngày càng phát triển rộng rãi đã hình thành một lọai ngôn ngữ viết mới của tuổi teen, dân ngọai đạo đọc chẳng hiểu gì khi các cháu muốn truyền đạt ý tưởng nhanh chóng nên: không thành hok, biết thành bit, bây giờ thành bi h, chúc ngủ ngon viết là G9 (ai nghĩ rằng đó là Good night ?) và không hiểu một cô bé khi thấy chàng trai đang tán tỉnh mình kết thúc e-mail tỏ tình bằng hàng chữ “Iu M nhìu nhìu” sẽ nghĩ gì nhưng thế hệ hàng 4 trở lên chắc sẽ thấy …điên đầu!
Bài viết gợi tôi nhớ ngày tôi còn đi học trung học, cũng hay thắc mắc, hay tìm tòi, truy nguyên nguồn gốc và tự nghĩa của các từ, nghiêm túc cũng có mà đùa bỡn cũng có. Đùa bỡn kiểu: tại sao có chợ búa mà không có chợ kềm?, tại sao nói con cá này nhiều thịt mà không nói con thịt này nhiều cá?…  Nghiêm túc kiểu: Ăn mày là gì? Vì sao người ta gọi những người ăn xin là ăn mày? Có phải không có gạo ăn nên phải ăn mày gạo (mày là phần chóp trên đầu hạt gạo, thường nhám và rất ít tinh bột) hoặc thấy ai có hòan cảnh đáng thương, người ta thường dùng chữ tội nghiệp, tự nghĩa từ này là gì? Có liên quan gì đến nghiệp báo trong giáo lý nhà Phật? Hay là hòan cảnh đáng thương này là hậu quả của tội nghiệp gây ra từ vô lượng tiền kiếp? Những thắc mắc, tò mò này khi có lời giải thì rất thú vị! Ngày xưa, khi còn ở quê, nhà tôi có cái mền mà ai cũng gọi là mền chiên. Tôi cứ thắc mắc hòai mà hỏi ai cũng không biết và hình như không ai thèm trả lời khi bảo cứ biết vậy đi! Mãi rất lâu sau này khi nhìn vào góc mền cùng chất liệu như mền ngày xưa thấy có một miếng vải chữ nhật thêu hình con cừu (sheep), tôi nghĩ con cừu trước đây còn gọi là con chiên (như con chiên của Chúa), vậy là mền chiên là mền lông cừu. Tôi nghĩ câu trả lời này thỏa đáng với mình!
Khi các con tôi vào trung học, đọc một số sách, truyện xuất bản ở miền Nam trước 1975, các cháu gặp rất nhiều địa danh pha âm Hán/ Hán Việt ví dụ: thành phố Cựu Kim Sơn, thủ đô Vọng Các, nước Tân Gia Ba…hỏi thầy giáo dạy Văn: không biết, hỏi cô giáo Địa lý: lắc đầu, về hỏi bố, tôi phải làm một bản đối chiếu tên nước, thủ đô bằng tiếng Anh, Pháp và tiếng Việt trước đây cho các cháu. Mà cũng không trách giáo viên được khi trong các giáo trình họ học được ở đại học đâu có nhắc đến chuyện này, chỉ là thương cho kiến thức nông cạn của họ vì có lẽ phải mất quá nhiều thời gian cho môn chính trị, triết học Marx- Lénine…
Trở lại vấn đề dùng từ sai, chúng cư gọi là chung cư, tinh xá gọi là tịnh xá, ngày- sinh- nhật…mà bài viết bạn tôi đã nói và ông An Chi/ Huệ Thiên mục chuyện đông chuyện tây trên Kiến thức ngày nay từng nói trước  đây ai cũng cho rằng đã thành thói quen và phổ biến một thời gian dài thì khó sữa (thậm chí khi nói : cô gái này ăn mặc/mái tóc này hợp thời trang sẽ bị cho là cổ hủ, nói là a la mode thì bị cho là nói sai mà phải nói là ăn mặc mô đen, kiểu tóc mô đen!)nhưng người lớn còn dùng sai cả rất nhiều câu thành ngữ thì thật là tai họa cho lớp trẻ sau này! Nhiều người trình độ phổ thông, có chức vụ địa vị, hay đọc sách, báo mà cứ nói: An cư lập nghiệp, hoặc nhất quá tam hoặc nữa, giả mù theo mưa, lẽ ra lạc lại nói thành lập, sự bất quá tam, giả mù pha mưa thì mới đúng theo câu thành ngữ!
Người xưa nói:“Tứ thập nhi bất hoặc”…“Lục thập nhi nhĩ thuận”, tôi cũng đứng vào “hàng sáu”, cứ ngỡ mình đã nhĩ thuận nhưng do hay đọc, lại ít có thì giờ tra cứu nên đôi lúc đôi bờ sai đúng thật chênh vênh! Hồi trước nghe thấy: “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu/ Thọai bất đồng tâm bán cú đa” cho là đúng quá, bây giờ lại nghe thấy chữ đồng tâm thay bằng chữ đầu cơ hoặc “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”bây giờ lại đọc thấy “Nhất tự vi sư, chung thân vi phụ”.
Đành xếp những chuyện này vào mục “thắc mắc biết hỏi ai?” với mong mỏi là những bậc thức giả, những người có trách nhiệm sớm có những động thái tích cực để tiếng Việt không bị ngày càng biến dạng và mất dần cái hồn tính của nó.  Nếu không, tương lai văn hóa Việt Nam sẽ là một bức tranh đầy màu xám!
  • KIM THANH
    Em đã đọc bài anh gửi. Cám ơn a rất nhiều.  
  • Rose Pham
    Năm mới mà bài vẫn cũ!
  • Như thị
    Huhu... dkt cũng "trùm" viết sai lỗi chính tả, nên nghe nhột quá hà! Giống như chị Kim Thanh, anh cho em xin bài viết đó nha Để có cơ hội "sám hối".
  • aqaqaqaqaq
      Là một người viết hay bị lỗi chính tả, xin thầy rộng lượng chuyển 9 trang nói trên vào email của Aqa.    Híc híc...
  • sauhien25
    Gặp tay ngang ngược giữa đường Nếu mình yếu thế đành nhường nó qua Nếu mình ngon cứ quát,la Đâu cần chờ mấy thằng cha chính quyền ! Xưa nay chữ ngĩa thiệt phiền Như tắc kè cứ liên miên đổi màu ! Chẳng phải riêng ở ta đâu Mà cả thế giới cũng rầu chuyện ni ! Dù "tờ i " hóa "tì ơ " Mình vẫn hiểu nó là thằng "tờ ti " Cốt sao chữ nghĩa mình ghi Tùy theo hướng chuẩn mà đi đúng đường Để khi thiên hạ soi gương Không chỉ thấy một màu sương nhạt nhòa.
  • KIM THANH
    Chào anh, Đọc bài này, KT rất tâm đắc và nảy sinh "lòng tham", nên muốn xin anh bài viết của người bạn, để được hiểu biết thêm. Nếu được, xin a gửi theo địa chỉ:   phuthuygaodua@yahoo.com.vn Trân trọng
  • nobita
    Gặp những ca này thì tìm " Sát thủ đầu mưng mủ " mà nghiền thôi!  Anh hn à! Mà anh không về NT được sao???
  • Rose Pham
    Một bài viết rất hay và có ý nghĩa đối với cư dân blog, những người thích viết và thích đọc. Ngoài việc dùng từ sai, RP còn thấy tình trạng sai lỗi chính tả là khá phổ biến, điều này phần lớn là do gõ sai phím, nhất là đối với các blogger lớn tuổi mắt kém, chứ khi viết tay thì không đến nỗi! Vì vậy chúng ta nên đọc kỹ và sửa bài trước khi post để tránh tình trạng đáng tiếc là 1 entry có nội dung, câu chữ rất hay mà sai chính tả thì ... hơi buồn cho mấy độc giả khó tính.
    • hongngoc
      Cám ơn RP đã nhắc nhỡ, một vấp váp có thể được thông cảm nhưng cũng là những hạt sạn làm giảm những "cái được" của nội dung. Chúc an vui. HN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags..


Flag Counter