28/6/15

CHUYỆN BẰNG CẤP VÀ XUẤT BẢN SÁCH (2)



2. Có bốn tên của bốn người phụ nữ mà những ai nghe đến hay đọc thấy sẽ thấy bình thường, đó là: Trương Thị Hằng, Đào Thị Thủy, Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Đào Thị Dậu nhưng sẽ không bình thường khi biết đây là tên của 4 thạc sĩ văn chương, đồng tác giả của “Những bài làm văn mẫu (lớp) 8”, 2 tập, nxb Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2014. Điều đáng tiếc là sách tái bản lần I, xuất hiện trên thị trường mãi một năm sau mới lọt vào tay blogger Hoàng Tuấn Công để ông này lôi ra quá nhiều sai sót mà loại sách mẫu không thể mắc phải cả về kiến thức cơ bản lẫn diễn đạt qua hai bài viết trên tuancongthuphong blog mới xuất hiện gần đây (1, 2).
(Hình lấy từ tuancongthuphong. blog)
 
Trong entry đầu, ở đề 16, “Thuyết minh về con trâu trong công việc nhà nông” theo tác giả HTC có 3 điểm sai cơ bản là: thời gian mang thai của trâu (mâu thuẫn giữa dàn bài và bài làm), số lần đẻ trong năm và trâu con vừa sinh ra đã biết ăn cỏ. Đề 18 “Thuyết minh về cây lúa” lại có thêm 4 sai lầm cơ bản: (a) họ hai lá mầm/ họ hòa thảo: (b) 4 giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa: (c) thời kỳ mạ và riêng (d) thời kỳ đứng cái có 3 chỗ sai!

Qua entry sau, tác giả (có vẻ thông cảm khi) cho rằng chuyện con trâu và cây lúa thuộc về lãnh vực sinh học, bốn nữ thạc sỉ này không am tường là có thể nhưng sai lầm khi phân tích bài “Nhớ rừng” của Thế Lữ là không thể tha thứ nhất là khi mà văn trong bài văn mẫu “còn có kiểu hành văn dài lê thê, nôm na, lủng củng, tối nghĩa. Tình trạng này xuất hiện hầu như trong tất cả các bài làm với mức nhiều mức độ khác nhau.”.

Chuyện viết sách bát nháo để xuất bản kiểu này thường từ mấy mục đích sau: danh, lợi hay cả hai chứ không thể nói đến chuyện phục vụ cộng đồng, để mọi người tham khảo, giải trí hoặc chí ít như các giáo trình mà giảng viên đại học viết cho sinh viên dùng hoặc mở rộng kiến thức cho họ. Trường hợp hai vị nổi tiếng như Nguyễn Lân và Vũ Khiêu thì không biết vì mục đích gì vì họ thuộc vào dạng “bất khả tư nghì” và “kính nhi viễn chi” nhưng điều khó hiểu là tại sao trong cả bốn vị thạc sĩ văn học đáng kính của chúng ta lại không ai vì học trò, vì độc giả mà kiểm tra lại qua bộ mộn sinh vật và biết bao nhiêu tài liệu khác để rủ nhau cùng sai đến mức trầm trọng như HTC đã đề cập? Vả lại, từ khi một quyển sách được viết ra đến khi đến tay người sử dụng còn qua một loạt các việc biên tập, kiểm duyệt, cấp giấy phép, sữa bản in rồi mới cho in chính thức, có phải tất cả đều được lót tay bằng tiền để qua ải và kết quả là học sinh lớp 8 không biết phải tin vào đâu  khi cô giáo dạy rằng cây lúa thuộc họ hòa thảo còn sách viết rằng cây lúa thuộc họ hai lá mầm? Từ đó làm sao các cháu tin ở nhà trường, ở nền giáo dục? Đã thế thì cũng không khác gì chuyện “Con voi” trong “Những người thích đùa” của nhà văn Asit Nezin!.
Đầu năm nay, tôi lại đọc được bài viết trên blog “Sách dạy tiếng Anh mất dạy” của nhà báo Bùi Bảo Trúc (3). Ông nhận được một quyển sách dạy tiếng Anh từ một người bạn cho đã mất bìa nên không biết tên sách, tác giả, nhà xuất bản và năm xuất bản nhưng biết chắc là xào nấu lại từ một quyển sách dạy tiếng Anh của một tác giả Mỹ, mỗi trang 3 cột, cột đầu là tiếng Anh, cột tiếp theo là phiên âm và cột cuối là dịch ra tiếng Việt các tiếng Anh của cột đầu. Theo tác giả bài viết thì người soạn sách không biết nói tiếng Anh nên phiên âm sai rất nhiều chỗ và còn thiếu cả dấu nhấn, bỏ qua các âm cuối trong các từ số nhiều và một quyển khác nữa thì vừa sai vừa tục tĩu (vì sai mà thành tục tĩu). 

Theo tác giả: “ Phát âm như sách chỉ dẫn thì có bố Mỹ cũng chịu thua, không cách gì hiểu nổi.
Thí dụ bờ rinh mi quơ tờ; woát đít; pút phít in tu dờ phờ ri dờ; ơrên dơ cờlâu… thì nhất định là ta nói ta nghe, Mỹ nói Mỹ nghe là cùng. Những câu phát âm đó là gì vậy? Xem cột thứ nhất thì đó là các câu bring me water; wash dishes; put fish into the fridge; arrange the cloths (đáng lẽ phải là clothes vì cloth là vải chưa may thành quần áo, không có số nhiều).

Rốt cuộc xin chút nước, nhờ rửa mấy cái chén bát, yêu cầu bỏ cá vào tủ lạnh, xếp quần áo thì người được nhờ làm những việc đó cứ thế mà đứng ngây người ra mà im lặng thở dài, nghiêm và buồn cả buổi mà thôi.”
(Hình này và hình trên đều lấy từ blog của BBT)

Và Bùi Bảo Trúc đã kết luận như sau: “Tiếng Anh gì mà sexy quá vậy? Sexy hay mất dạy đây? Thế mà chỉ vừa mấy tuần trước, báo chí trong nước đã nhắng lên rằng trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam được coi là cao nhất Đông Nam Á.
Sách dạy tiếng Anh mà như vậy thì trình độ nhất tiếng Anh với ai đây?”.

Thật buồn, thật hổ thẹn và cũng thật đáng khinh (cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau) khi một thạc sĩ cao học K18 (2009-2011) có luận văn được Hội đồng Thẩm định trường ĐHSP Hà Nội đánh giá là xuất sắc, được trường mời giảng dạy ở trường một thời gian thì bị “đánh hội đồng”, bị buộc thôi việc, bị dọa rút bằng và vị PGS TS đỡ đầu luận văn cho nạn nhân cũng bị cho nghỉ hưu trước 5 năm không có lý do (4) trong khi bốn vị thạc sĩ đáng kính nói trên không biết học hành, bằng cấp thế nào đến nỗi không hiểu được bài “Nhớ rừng” mà sách còn in đến lần thứ 2!

Chợt nhớ lại một bài viết của Nguyễn Nhật Huy đăng trên tuongtri.com (5) hồi cuối tháng tư vừa rồi có đoạn thật thấm thía: “Trở lại định nghĩa “giả tạo là không thật, được tạo ra một cách không tự nhiên” người viết tự hỏi, bằng cấp giả là chuyện phổ biến từ trung ương xuống địa phương vài chục năm nay nhưng cái chức danh giáo sư, học giả, danh hiệu do nhà nước phong tặng cho một con người cao quý như ông Vũ Khiêu có phải là “giả tạo” khi mà những gì báo chí phanh phui thời gian sau Tết là điều không thể chối cải, không thể phản bác và như ông Nguyễn Lân, cha của 8 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, một gia đình nổi tiếng lại là cha đẻ của Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Từ điển từ và ngữ Việt Nam với quá nhiều sai lầm mà dầu công luận lên tiếng nhiều vẫn không mảy may đính chính, có quyển được tiếp tục tái bản đã để lại cho các thế hê sau không biết bao nhiêu thiệt thòi khi tham khảo và nhất là làm hỏng tiếng Việt!”.

Và có lẽ trích đoạn trên cũng quá đủ để không cần phải có thêm một kết luận cho bài này!

Chú thích:

(5) http://tuongtri.com/2015/03/28/bon-muoi-nam-doi-dieu-nhin-lai/

--> Read more..

27/6/15

CHUYỆN BẰNG CẤP VÀ XUẤT BẢN SÁCH (1)


Ở Việt Nam từ sau 1975 mà gần nhất là 15 năm của thế kỷ 21 này có lẽ có hai vấn đề cứ lâu lâu là trở thành chuyện thời sự được báo chí và dư luận nói đến, rồi chìm, rồi quay lại, càng về sau thì tần suất càng cao hơn, đó là chuyện bằng cấp và chuyện xuất bản sách, một chuyện liên hệ đến con người, xa hơn là nguyên khí quốc gia, một chuyện thuộc về giáo dục và học thuật. Cả hai chuyện đều là những vấn đề hết sức nhức nhối mà nhà nước không thể và không muốn giải quyết rốt ráo vì liên quan đến cán bộ đảng, chính phủ, các bộ ngành trung ương và đầu tỉnh không khác gì “quốc nạn tham nhũng” từ nhiều năm nay! Bài viết này xin được nhắc lại đôi điều qua tổng hợp một số số liệu và sự kiện đã được đăng tải từ lâu.

1. Chuyện bằng cấp ở Việt Nam có thể trở thành một đề tài xã hội học cả trăm trang A4 mà cũng có thể dùng cho một nghiên cứu làm luận văn tiến sĩ khoa học nhân văn vì rất rộng lớn, liên hệ đến lịch sử, hành chánh, chính trị xã hội và nhiều ngành khác!

Theo những số liệu rất đáng tin cậy, thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) thì năm 2013 cả nước có 24.300 tiến sĩ (TS) và 101.000 thạc sĩ và số liệu của bộ GD-ĐT thì “tính đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học”(1), người ta tự hỏi vậy 15.000 tiến sĩ đang làm việc ở những đâu và bao nhiêu trong số họ có bằng từ ngoại quốc qua học hành nghiên cứu, bao nhiêu người như  ông Hà Văn Thắm, chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương mà blog tuanvannguyen đã nói đến? (“ông Hà Văn Thắm, chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương, "tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Comlombia Common Wealth – Mỹ và bảo vệ Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại Học Công nghệ Paramount – Mỹ". Nhưng cả hai trường này đều đáng nghi ngờ vì chẳng có tiếng tăm hay tên tuổi gì trong học thuật”) (2). Lại tự hỏi, có bao nhiêu trong số 24.300 tiến sĩ hay chí ít là trong số 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học có các công trình, báo cáo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học thế giới (trong khi đó bài báo của 2 giảng viên Đại học Quốc tế TP Hồ Chí Minh là Tiến sĩ Nguyễn Văn Toàn và Tiến sĩ Trần Thị Hạnh đã bị rút khỏi tạp chí khoa học SpringerPlus:Như Một Thế Giới đã thông tin, phiên bản gốc của bài báo (Van Toan và Thi Hanh 2013) đã bị rút lại do các vấn đề liên quan đến đạo đức: thử nghiệm lâm sàng đã không được chấp thuận bởi một ủy ban đạo đức, và các tác giả đã không cung cấp các bằng chứng cho thấy họ được đồng ý bởi các bệnh nhân.”) (3) Chưa kể đến trường hợp gần đây nhất mà ai cũng biết là các tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân, Nguyễn Văn Ngọc, Dương Chí Dũng!

Theo số liệu trên báo vietnamnet (4), năm học 2012-13 Việt Nam có :  
• 207 trường Đại học
• Số sinh viên: 1,453,067
• Số sinh viên tốt nghiệp trong năm: 248,291
• Tổng số giảng viên: 61,674 
• Số tiến sĩ: 8869 (14% tổng số giảng viên) 
• Số thạc sĩ: 28987 (47% tổng số giảng viên) 

Số giáo sư và phó giáo sư trong các đại học: không có số liệu cho niên học 2012-2013, nhưng số liệu cho niên học 2006-2007 là:
• Tổng số giảng viên: 38137 
• Phó giáo sư: 445 (1.2% tổng số giảng viên) 
• Giáo sư: 2432 (6.4% tổng số giảng viên) 
• Tổng cộng: 2877 (7.6% tổng số giảng viên)


Việc cấp phép mở trường đại học ồ ạt nhất là các đại học tư, việc sinh viên liên thông từ trung cấp lên cao đẳng rồi lên đại học quá dễ dàng (để thu học phí) rồi quản lý chất lượng đầu ra lỏng lẻo chưa kể việc liên kết đào tạo giữa các đại học lớn với các địa phương đã cấp bằng tốt nghiệp cho nhiều cán bộ trình độ yếu học các lớp chuyên tu và tại chức. Do vậy đã có những trường hợp chưa tốt nghiệp PTTH vẫn được nợ bằng để vào học và nhận bằng đại học mà báo chí đăng tải sôi nỗi một thời, chuyện chỉ có ở Việt Nam đã lâu và mới đây, Tuổi Trẻ Online ngày 25.6.2015 vừa đưa tin về Đại học Nguyễn Tất Thành cũng khôi hài tương tự.

Có lẽ vì đất nước có nhiều người trình độ Giáo sư, phó Giáo sư, Tiến sĩ trong đó không ít là bằng giả, bằng mua, bằng do gian lận mà có nên có tình trạng lạm phát bằng cấp trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước!. Khỏi cần phải suy nghĩ nhiều, chỉ cần xem  thống kê sau đây của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn được boxitvietnam (5) đăng lại thì “không tin được dù đó là sự thật!”.

Việt Nam: Nội các 2011-2016 có 27 thành viên, kể luôn 5 phó thủ tướng.  Trong số này, có 12 (44%) người có bằng tiến sĩ, 5 thạc sĩ, và 10 người là cử nhân. Sẵn dịp, tôi có đếm phân bố bằng cấp của 16 thành viên Bộ Chính trị. Thật thú vị, trong số 16 vị, 8 vị (tức 50%) có bằng tiến sĩ.  Tính tương đối, trình độ học vấn của Bộ Chính trị còn cao hơn cả Nội các Chính phủ!
: Nội các có 22 người (tính luôn cả những người 7 người có hàm/chức vụ tương đương bộ trưởng). Trong số này chỉ có 2 người có bằng tiến sĩ, 4 người thạc sĩ, và 16 cử nhân. Chú ý, tôi tính bằng cấp loại JD trong nhóm cử nhân.
Úc: Trong số 18 bộ trưởng và thủ tướng trong Nội các Tony Abbott, 3 người có bằng cao học, 12 người có bằng cử nhân (đặc biệt là cử nhân luật, LLB). Không có ai có bằng tiến sĩ, nhưng có 3 người chưa tốt nghiệp đại học.

So với hai đại cường Mỹ- Úc, các số liệu này cho thấy Việt Nam hơn hẵn họ về trình độ, thảo nào đất nước thống nhất đã 40 năm mà lãnh thổ ngày càng thu hẹp về diện tích, niềm tự hào làm người dân Việt ngày càng thui chột, ra nước ngoài người tự trọng không mấy ai dám nói mình là dân Việt Nam, tất cả các giá trị đạo đức luân lý cả nước nói chung, miền Nam nói riêng hun đúc và xây nên từ hàng trăm năm đã mất đi khá nhiều, bốn mươi năm rồi mà chia rẽ Nam Bắc vẫn còn, chuyện hòa hợp dân tộc chỉ là mơ ước, nhân tâm ly tán, nội bộ lãnh đạo bất hòa, các báo cáo thống kê của những tổ chức uy tín trên thế giới vẫn xếp Việt Nam luôn đứng trong top ten những nước đói nghèo, lạc hậu, chất lượng sống thấp, tham nhũng…, nếu không có nguồn vốn ODA như là một viện trợ từ thiện, nếu không có hàng ngàn tỷ USD kiều hối người Việt khắp năm châu gửi về không biết đất nước này có phải là địa ngục của địa ngục?

Chừng như từ nhiều năm nay ở Việt Nam có chức, có quyền, có học hàm học vị đi kèm với có điều kiện tham nhũng, đục khoét nên nhiều người đã bất chấp hậu quả, đặt lương tri qua một bên để đạt được, nếu không thế thì đã không có chuyện ông Nguyễn Xuân Tuyến, đường đường là Hiệu trưởng trường ĐHSP Huế đã âm thầm “lượm” một số kiến thức của một công trình khoa học ở Nga cho đề tài khoa học của mình không dẫn chứng, chuyện xôn xao cả nước và bộ trưởng bộ GD-ĐT đã phải trả lời chất vấn của cử tri Thừa Thiên Huế trong tâm thái rất bẻ bàng! Nếu không thế thì mọi người không biết đến một trang web rất thú vị: Tạp Chí GS Dỏm Việt Nam  Journal of Incompetent Professors in Vietnam – JIPV mà nếu có thì giờ vào đọc Bảo tàng tiến sĩ dỏm của trang này sẽ thấy chuyện vừa nêu và kinh hoàng cho tương lai dân tộc và đất nước! Việc này cũng được giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đề cập trong một bài viết khá công phu trên blog của mình và báo Người Việt đăng lại (7): “Bàn về lạm dụng danh xưng”. Những chuyện nói trên, nếu là người có nhân cách chắc chắn sẽ không mắc phải và người đã mắc phải lâu nay thì không ai thấy xấu hổ khi bị công khai phê phán!
Đã có rất nhiều lý do  được đưa ra để giải thích vấn nạn nhức nhối này: lỗi của nền giáo dục, của sự quản lý nhà nước, của tệ nạn mua quan bán tước, tham nhũng…  nhưng suy cho cùng sẽ không ai phản đối khi cho rằng đó là do bản chất của chế độ!

Xin kết thúc phần này bằng một câu chuyện thật. Nhiều năm trước, có một lớp 8 của một trường ngoại thành Hà Nội đến tham quan Văn miếu Quốc Tử Giám, một phóng viên VTV không rõ đi theo đoàn hay vô tình gặp rồi đi cùng. Khi đến thăm các bia tiến sĩ trên lưng các cụ rùa một cháu gái hỏi cô thuyết minh: “Cô ơi, nước mình nghèo mà sao có được nhiều người học giỏi đến thế? Và cô ơi, có quá nhiều người học hỏi mà sao đất nước vẫn cứ nghèo?”. (Chuyện này đã được đăng báo hoặc phát trên VTV nhưng đã lâu lắm rồi nên không nhớ chính xác).

Chú thích:
(1) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/164238/24-000-tien-si-viet-nam-dang-lam-gi-.html

--> Read more..

13/6/15

Những gì cháu tôi học được. (2)

Những gì cháu tôi học được. (2)



Trong entry trước tôi đã viết rằng thầy cô và nhà trường  Patana (theo  đúng tinh thần Âu - Mỹ) luôn tạo mọi đều kiện để học sinh tự chủ trong học hành và phát huy tối đa năng lực sáng tạo. Đi học, các cháu thường đem về những “bài làm”, đó là những cục gạch cháu tự trang trí và thầy giúp bỏ vào lò nung, những mô hình, tranh vẽ, thiệp mời, bài tập viết, bài làm toán… Những gì không đem về được như  việc các cháu bắt cá trong thau, cho trăn quấn trên người thì gia đình nhìn thấy hình ảnh trên website của trường. Hihi.


(bài làm lớp 1 của Sóc)


(bài làm lớp mẫu giáo lớn của Nhím)


(thiệp mời Giáng sinh của Nhím)

Vào mẫu giáo lớn (K2) chừng 4 tháng, gần Giáng sinh Sóc (thằng anh) đem về một thiệp mời xem cháu diễn kịch. Vở kịch tái hiện sự tích Chúa Giêsu giáng sinh ở hang Bethlehem,  cháu thủ vai người gác vườn. Cả nhà cùng đi và thấy mười mấy cháu trong lớp đều có vai diễn. Lạ!

Năm nay, Sóc  học lên lớp 2, hôm giữa tháng 3 cũng đem về giấy mời  dự buổi diễn kịch ở Grand Theatre (The Rozamund Stuetzel Theatre) của  trường, vở kịch có tên là “The Really Rotten Pirates”, Google dịch là “Những tên cướp biển thực sự thối”. Vở diễn được chuẩn bị và dàn dựng khá công phu trong một thời gian dài nhằm gây quỹ giúp 3 nhà tình thương ở Thái mà khối lớp 2 này đỡ đầu. Giấy mời cũng là một xấp giấy in trên 8 mặt của 4 tờ giấy A4 giới thiệu chương trình từ thiện của khối lớp 2; lời bài hát “Pirate song”;  phân cảnh của vở kịch và phân vai, cảnh 1 (Ở biển) do học sinh 2D & 2T diễn, tên học sinh đội nam, đội nữ;  cảnh 2 (Ở trên đảo và trên tàu) do học sinh 2A & 2P diễn;  cảnh 3 do học sinh hai lớp 2M & 2L diễn gồm 2 cảnh (Ở trên tàu và kho báu trên đảo);  cảnh 4 (Ở trên chuông vàng và ở dưới nước) do học sinh lớp 2R & 2E diễn. Đếm trên tờ chương trình, thấy trong 8 lớp có tất cả 119 học sinh cùng diễn. Ngoài bài “Pirate Song” đầu tiên  còn có lời của 4 bản nhạc nền tiếp theo (theo trình tự vở diễn): “A Pirate Went to Sea”, “The Pirates Sailed on the Good Ship Golden Bell”, “Going Over the Sea” và “A Pirate Sailed Over the Ocean”. Trang phục các vai diễn là do thầy gợi ý với sự hợp tác thực hiện của gia đình. Vở diễn bắt đầu đúng giờ và kết thúc sau 1h30’. Những người thực hiện, diễn viên và các cháu đều rất hài lòng. Nhờ tập đợt kỹ nên khi công diễn không có sơ sót gì (ít ra là dưới mắt khán giả).  Hihi.


(trang 16 và trang 1 thiệp mời của lớp Sóc)


("diễn viên" Cat Thien, vai cướp biển)


(các diễn viên nhí chụp hình kỷ niệm với thầy sau khi diễn xong)

Được dự những vở diễn kiểu này mới hiểu  vì sao học sinh tự tin, dạn dĩ, sẵn sàng đối phó và giải quyết mọi tình huống các cháu gặp khi còn nhỏ và nhất là sau này khi ra đời. Con em mình học trường Việt ít được tự làm, môn thủ công đã có cha mẹ anh chị làm giúp, cháu nào tự mày mò làm đồ chơi ở nhà thì cha mẹ cấm vì sợ dao kéo làm đứt tay, thầy chọn làm văn nghệ ở trường thì một mực thoái thác, con thoái thác vì sợ xuất hiện trước đám đông, cha mẹ sợ thì giờ tập làm chễnh mảng chuyện học hành!.

Ba tuần trước, đứa em đi học về, khi ngồi ăn tối cũng thủ thỉ với vợ chồng tôi, tuần tới ông bà ngoại đến trường coi Nhím nhảy nhé. Hỏi ba mẹ cháu thì biết là cháu được ba mẹ ghi danh học thêm môn nhảy (dance). Khác với lớp của anh Sóc diễn kịch, cả lớp FSE (mẫu giáo lớn) của Nhím chỉ mình cháu tham dự cùng các bạn lớp khác. Chương trình ECA Dance Extravaganza bao gồm các tiết mục nhảy của toàn trường, từ mẫu giáo lớn là lớp thấp nhất đến lớp 12 và các tiết mục cũng do học sinh của các lớp cùng khối tập với thầy cô dạy nhảy và diễn chung.


(bảng quảng cáo chương trình ngay cổng vào)


(diễn viên Nhím FSE sau khi hóa trang xong)


(các diễn viên nhí trước giờ ra sân khấu)


(trên sân khấu)


(chụp hình với ông bà ngoại khi ra xe về)

So với việc đi coi kịch ở  khối lớp 2 của Sóc thì coi chương trình này thích hơn vì phong phú các điệu nhảy, “vũ công” lớn, nhất là các lớp 11, 12 thì rất sành điệu và gần như chuyên nghiệp vì các cháu theo học nhảy từ các lớp nhỏ. Không nhớ tất cả bao nhiêu tiết mục được trình diễn vì có những khối lớp có đến 3 tiết mục  nhưng tiết mục nhảy của khối mẫu giáo là những vũ điệu diễn tả bài “Gummi Bear”. Đó là màn trình diễn mà đối với cả nhà hát là rất ấn tượng vì các vũ công nhí quá tự nhiên, cháu này nhắc cháu kia nếu thực hiện sai động tác hoặc đứng sai vị trí. Khán giả vổ tay theo bài hát để ủng hộ và tràng pháo tay khi kết thúc cũng rất dài. Hai tiết mục cuối cùng khép lại chương trình dài gần 2 giờ này là của các thầy cô giáo,  rất vui nhộn và ý nghĩa.

Trong một nhà hát 2 tầng có đánh số ghế, âm thanh, ánh sáng, nhạc đệm vô cùng chuyên nghiệp, lòng tự tin của “diễn viên” và “vũ công” chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều nhưng tất cả phụ huynh chúng tôi, ở cả hai lần dự đều không thấy mình phí thời gian khi đến trường để xem các chương trình này đó là chưa kể còn có thêm niềm vui khi thấy con cháu mình vui và rất tự tin trước “khán giả”.
--> Read more..

4/6/15

Dan Brown

Đọc Dan Brown


Tôi biết đến Dan Brown khi lần đầu tiên đọc tác phẩm của ông - Pháo đài số - được dịch và bán ở Việt Nam. Từ đó, mỗi lần có sách mới của tác giả này  tôi không bỏ qua mà đều tìm đọc  như đã từng theo dõi Harry Potter của J. K. Rowling):  Thiên thần và Ác quỹ, Điểm dối lừa, Mật mã Da Vinci. Biểu tượng thất truyền…
Cái thú vị khi đọc tiểu thuyết trinh thám hư cấu của Dan Brown  là ông không theo mô thức viết của các tác gia nổi tiếng về thể loại này như Conan Doyle, Agatha Christie hoặc vài người khác mà ông lồng những kiến thức thực tế vào tác phẩm khi giới thiệu về một thành phố, một bảo tàng viện, một tác phẩm hội họa của những họa sĩ lừng danh… điều đó làm người đọc biết thêm những nơi, những điều  chưa biết và cảm thấy cốt truyện bớt tẻ nhạt, nhàm chán. Tôi cảm nhận điều này khi đọc “Pháo đài số”, toàn những kiến thức về IT, những thứ mình vừa mày mò đọc cho biết  và luôn thao thức kiếm tìm.
Năm ngoái, về Sài Gòn, con trai tôi copy giúp tác phẩm khá đình đám của ông : “Hỏa ngục”  vào Amazon Kindle, vì bận đọc những bộ khác, nay mới rớ vào và sau khi đọc xong, một số cảm giác thú vị ngày xưa lại tái hiện đồng thời cũng nhận ra những điều khác khá bổ ích cho mình.
Hỏa ngục  của Dan Brown do Nguyễn Xuân Hồng dịch, nxb Thời Đại, sách giấy khổ 16x24, 688 trang, phát hành tháng 3/2014, là sách bán chạy nhất ở Mỹ và Anh năm 2013.


(Hình bìa cuốn Hỏa ngục).


(Trang đầu cuốn Hỏa ngục trên Kindle)

Hỏa ngục (Inferno) lấy cảm hứng từ Thần khúc (La divina commedia) là trường ca của nhà thơ Ý thời Trung cổ Dante Alighieri (1265-1321), là một trong số những nhà thơ kiệt xuất nhất của nước Ý và thế giới. Truyện xoay quanh nhân vật chính Robert Langdon là giáo sư biểu tượng học của Harvard cùng với Sienna Brookks, một nữ bác sĩ trẻ cùng chạy trốn những người lạ mặt muốn ám hại ông ta và cả hai cùng tìm cách nhận diện một chuỗi mật mã do Bertrand Zobrist một nhà khoa học xuất chúng  tạo nên vì nhà khoa học này bị ám ảnh bởi sự diệt vong của thế giới  đến từ lý thuyết về dân số của nhà nhân khẩu học người Anh, Thomas Malthus (dân số tăng theo cấp số nhân, thực phẩm làm ra tăng theo cấp số cộng…) vừa  đam mê mãnh liệt với trường ca Thần khúc của Dante.
Đúng như trong lời giới thiệu: “mọi thông tin tham khảo bằng hình ảnh, minh họa, văn học, khoa học và lịch sử trong cuốn tiểu thuyết này đều có thật”, và “Hỏa ngục thực sự là một tác phẩm vô cùng thú vị, một cuốn tiểu thuyết làm say lòng độc giả bằng vẻ đẹp của nghệ thuật, lịch sử và văn học kinh điển Ý, đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi nhức nhối về vai trò của khoa học trong tương lai của chúng ta”


(Comentia la Comedia 1472, hình Wikipedia)

Bạn sẽ ngạc nhiên vì gần cuối truyện xuất hiện một tình huống đầy bất ngờ và kịch tính nhưng khi tác giả “lần đầu mối” bằng cách mượn các nhân vật giải thích thì người đọc sẽ thấy ở đó một logique khá chặt chẻ. Và bạn cũng sẽ ngạc nhiên hơn khi truyện có một kết cục bất ngờ  theo kiểu “happy ending”. Khi Sienna được bà Elizabeth Sinskey, người lãnh đạo cao nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mời cùng bà  sang Thụy Sĩ để dự một cuộc họp với các nguyên thủ Châu Âu thì Robert Langdon lên chiếc C130 “không cửa sổ” quay về Mỹ. Trước giờ chia tay, Langdon nói với Sienna câu này: “Có một câu nói xưa thường được cho là của Dante: “Hãy nhớ tối nay… vì nó là khởi đầu của mãi mãi” ”. Sienna lau nước mắt và nhìn Langdon, nói nhỏ: “Cuối cùng thì em cũng tìm ra mục tiêu của đời mình!” Tuyệt,nếu đọc toàn bộ truyện!


(Hình bìa Mật mã Da Vinci bản tiếng Anh)

Có cảm tưởng kết luận của cuốn tiểu thuyết này là một thông điệp mà Dan Brown muốn chia sẻ với mọi người nhưng không hiểu sao tôi lại liên tưởng đến nhiều chuyện và thật sự thấm thía: Trên máy bay về Mỹ, nhìn ra ngoài không trung, Langdon đắm mình trong suy nghĩ về tất cả những gì đã diễn ra trong mấy ngày qua.
NHỮNG NƠI TĂM TỐI NHẤT CỦA ĐỊA NGỤC DÀNH RIÊNG CHO NHỮNG KẺ GIỮ THÁI ĐỘ TRUNG DUNG TRONG THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG ĐẠO ĐỨC (Lời ghi sau 19 đoạn văn cám ơn các tổ chức và cá nhân giúp tác giả hoàn thành cuốn sách này).  Với Langdon, ý nghĩa của lời này chưa bao giờ rõ ràng hơn thế.“Trong những thời khắc nguy hiểm, không có tội lỗi nào lớn hơn sự chây ì” và  “Khi thế giới xảy ra những hoàn cảnh khó khăn, thái độ từ chối đã trở thành một đại dịch toàn cầu”.

Qua việc đọc cuốn tiểu thuyết này, tôi lại có dịp nhờ Wikipedia để biết thêm về Dante và tác phẩm của ông ta, một nhà thơ nổi tiếng  thời Trung cổ mà hồi đi học chỉ được nghe nhắc đến tên, được biết rõ về Dan Brown, một tác giả mình ngưỡng mộ mà số tác phẩm ông viết tôi đọc được nhiều hơn một tác giả khá say mê ngày xưa, Erich Maria Remarque.

Như cách nói đùa với bạn bè hồi đi học khi được hỏi về một cuốn phim đang chiếu rạp, một quyển sách đang được nhiều người tìm đọc hay dở thế nào sau khi đã coi, đã đọc, tôi bảo: “Nếu không coi/ đọc phim/sách này kể như mất nửa cuộc đời.” Các sách của Dan Brown nói chung và Hỏa ngục nói riêng, nếu không đọc thì cũng coi như … mất nửa cuộc đời. Hihi.

Ghi chú thêm:
-   Một tháng sau khi phát hành, quyển tiểu thuyết Hỏa ngục của nhà văn Dan Brown đã bán được chín triệu bản tại 13 nước trên thế giới.[1]
-  Mật mã Da Vinci(2003) (The Da Vinci Code, cuốn thứ hai trong bộ tam phẩm viết về nhân vật Robert Langdon của Brown đã gặt hái thành công lớn với gần 10.000 bản khi phát hành và mỗi lần tái bản sau đó cũng với số lượng tương tự. Khi tái bản lần thứ 4, Mật mã Da Vinci, đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất, đứng đầu danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của nhật báo The New York Times (New York Times Best Seller list) trong suốt tuần đầu tiên khi tái bản. Giờ đây, tiểu thuyết này được đánh giá là một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của mọi thời đại (mặc dù xung quanh cuốn tiểu thuyết này có những ý kiến phê bình trái ngược nhau) với 60,5 triệu bản sách được bán trên toàn cầu tính đến năm 2006. [6] Thành công của cuốn tiểu thuyết này cũng đã giúp các tác phẩm của Brown trước đó bán chạy hơn. Năm 2004, toàn bộ 4 tiểu thuyết của Brown đã lọt vào danh sách của New York Times trong tuần đầu tái bản, [7] và năm 2005, ông được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong năm. Tạp chí Forbes đã xếp hạng Dan Brown thứ 12 trong danh sách "Celebrity 100" (100 người nổi tiếng) năm 2005 và ước tính thu nhập hàng năm của ông vào khoảng 76,5 triệu USD. Tạp chí Time ước tính, chỉ riêng cuốn tiểu thuyết Mật mã Da Vinci đã mang về cho Brown khoảng 250 triệu USD. (http://vi.wikipedia.org/wiki/Dan_Brown)
--> Read more..

Flags..


Flag Counter