4/6/15

Dan Brown

Đọc Dan Brown


Tôi biết đến Dan Brown khi lần đầu tiên đọc tác phẩm của ông - Pháo đài số - được dịch và bán ở Việt Nam. Từ đó, mỗi lần có sách mới của tác giả này  tôi không bỏ qua mà đều tìm đọc  như đã từng theo dõi Harry Potter của J. K. Rowling):  Thiên thần và Ác quỹ, Điểm dối lừa, Mật mã Da Vinci. Biểu tượng thất truyền…
Cái thú vị khi đọc tiểu thuyết trinh thám hư cấu của Dan Brown  là ông không theo mô thức viết của các tác gia nổi tiếng về thể loại này như Conan Doyle, Agatha Christie hoặc vài người khác mà ông lồng những kiến thức thực tế vào tác phẩm khi giới thiệu về một thành phố, một bảo tàng viện, một tác phẩm hội họa của những họa sĩ lừng danh… điều đó làm người đọc biết thêm những nơi, những điều  chưa biết và cảm thấy cốt truyện bớt tẻ nhạt, nhàm chán. Tôi cảm nhận điều này khi đọc “Pháo đài số”, toàn những kiến thức về IT, những thứ mình vừa mày mò đọc cho biết  và luôn thao thức kiếm tìm.
Năm ngoái, về Sài Gòn, con trai tôi copy giúp tác phẩm khá đình đám của ông : “Hỏa ngục”  vào Amazon Kindle, vì bận đọc những bộ khác, nay mới rớ vào và sau khi đọc xong, một số cảm giác thú vị ngày xưa lại tái hiện đồng thời cũng nhận ra những điều khác khá bổ ích cho mình.
Hỏa ngục  của Dan Brown do Nguyễn Xuân Hồng dịch, nxb Thời Đại, sách giấy khổ 16x24, 688 trang, phát hành tháng 3/2014, là sách bán chạy nhất ở Mỹ và Anh năm 2013.


(Hình bìa cuốn Hỏa ngục).


(Trang đầu cuốn Hỏa ngục trên Kindle)

Hỏa ngục (Inferno) lấy cảm hứng từ Thần khúc (La divina commedia) là trường ca của nhà thơ Ý thời Trung cổ Dante Alighieri (1265-1321), là một trong số những nhà thơ kiệt xuất nhất của nước Ý và thế giới. Truyện xoay quanh nhân vật chính Robert Langdon là giáo sư biểu tượng học của Harvard cùng với Sienna Brookks, một nữ bác sĩ trẻ cùng chạy trốn những người lạ mặt muốn ám hại ông ta và cả hai cùng tìm cách nhận diện một chuỗi mật mã do Bertrand Zobrist một nhà khoa học xuất chúng  tạo nên vì nhà khoa học này bị ám ảnh bởi sự diệt vong của thế giới  đến từ lý thuyết về dân số của nhà nhân khẩu học người Anh, Thomas Malthus (dân số tăng theo cấp số nhân, thực phẩm làm ra tăng theo cấp số cộng…) vừa  đam mê mãnh liệt với trường ca Thần khúc của Dante.
Đúng như trong lời giới thiệu: “mọi thông tin tham khảo bằng hình ảnh, minh họa, văn học, khoa học và lịch sử trong cuốn tiểu thuyết này đều có thật”, và “Hỏa ngục thực sự là một tác phẩm vô cùng thú vị, một cuốn tiểu thuyết làm say lòng độc giả bằng vẻ đẹp của nghệ thuật, lịch sử và văn học kinh điển Ý, đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi nhức nhối về vai trò của khoa học trong tương lai của chúng ta”


(Comentia la Comedia 1472, hình Wikipedia)

Bạn sẽ ngạc nhiên vì gần cuối truyện xuất hiện một tình huống đầy bất ngờ và kịch tính nhưng khi tác giả “lần đầu mối” bằng cách mượn các nhân vật giải thích thì người đọc sẽ thấy ở đó một logique khá chặt chẻ. Và bạn cũng sẽ ngạc nhiên hơn khi truyện có một kết cục bất ngờ  theo kiểu “happy ending”. Khi Sienna được bà Elizabeth Sinskey, người lãnh đạo cao nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mời cùng bà  sang Thụy Sĩ để dự một cuộc họp với các nguyên thủ Châu Âu thì Robert Langdon lên chiếc C130 “không cửa sổ” quay về Mỹ. Trước giờ chia tay, Langdon nói với Sienna câu này: “Có một câu nói xưa thường được cho là của Dante: “Hãy nhớ tối nay… vì nó là khởi đầu của mãi mãi” ”. Sienna lau nước mắt và nhìn Langdon, nói nhỏ: “Cuối cùng thì em cũng tìm ra mục tiêu của đời mình!” Tuyệt,nếu đọc toàn bộ truyện!


(Hình bìa Mật mã Da Vinci bản tiếng Anh)

Có cảm tưởng kết luận của cuốn tiểu thuyết này là một thông điệp mà Dan Brown muốn chia sẻ với mọi người nhưng không hiểu sao tôi lại liên tưởng đến nhiều chuyện và thật sự thấm thía: Trên máy bay về Mỹ, nhìn ra ngoài không trung, Langdon đắm mình trong suy nghĩ về tất cả những gì đã diễn ra trong mấy ngày qua.
NHỮNG NƠI TĂM TỐI NHẤT CỦA ĐỊA NGỤC DÀNH RIÊNG CHO NHỮNG KẺ GIỮ THÁI ĐỘ TRUNG DUNG TRONG THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG ĐẠO ĐỨC (Lời ghi sau 19 đoạn văn cám ơn các tổ chức và cá nhân giúp tác giả hoàn thành cuốn sách này).  Với Langdon, ý nghĩa của lời này chưa bao giờ rõ ràng hơn thế.“Trong những thời khắc nguy hiểm, không có tội lỗi nào lớn hơn sự chây ì” và  “Khi thế giới xảy ra những hoàn cảnh khó khăn, thái độ từ chối đã trở thành một đại dịch toàn cầu”.

Qua việc đọc cuốn tiểu thuyết này, tôi lại có dịp nhờ Wikipedia để biết thêm về Dante và tác phẩm của ông ta, một nhà thơ nổi tiếng  thời Trung cổ mà hồi đi học chỉ được nghe nhắc đến tên, được biết rõ về Dan Brown, một tác giả mình ngưỡng mộ mà số tác phẩm ông viết tôi đọc được nhiều hơn một tác giả khá say mê ngày xưa, Erich Maria Remarque.

Như cách nói đùa với bạn bè hồi đi học khi được hỏi về một cuốn phim đang chiếu rạp, một quyển sách đang được nhiều người tìm đọc hay dở thế nào sau khi đã coi, đã đọc, tôi bảo: “Nếu không coi/ đọc phim/sách này kể như mất nửa cuộc đời.” Các sách của Dan Brown nói chung và Hỏa ngục nói riêng, nếu không đọc thì cũng coi như … mất nửa cuộc đời. Hihi.

Ghi chú thêm:
-   Một tháng sau khi phát hành, quyển tiểu thuyết Hỏa ngục của nhà văn Dan Brown đã bán được chín triệu bản tại 13 nước trên thế giới.[1]
-  Mật mã Da Vinci(2003) (The Da Vinci Code, cuốn thứ hai trong bộ tam phẩm viết về nhân vật Robert Langdon của Brown đã gặt hái thành công lớn với gần 10.000 bản khi phát hành và mỗi lần tái bản sau đó cũng với số lượng tương tự. Khi tái bản lần thứ 4, Mật mã Da Vinci, đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất, đứng đầu danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của nhật báo The New York Times (New York Times Best Seller list) trong suốt tuần đầu tiên khi tái bản. Giờ đây, tiểu thuyết này được đánh giá là một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của mọi thời đại (mặc dù xung quanh cuốn tiểu thuyết này có những ý kiến phê bình trái ngược nhau) với 60,5 triệu bản sách được bán trên toàn cầu tính đến năm 2006. [6] Thành công của cuốn tiểu thuyết này cũng đã giúp các tác phẩm của Brown trước đó bán chạy hơn. Năm 2004, toàn bộ 4 tiểu thuyết của Brown đã lọt vào danh sách của New York Times trong tuần đầu tái bản, [7] và năm 2005, ông được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong năm. Tạp chí Forbes đã xếp hạng Dan Brown thứ 12 trong danh sách "Celebrity 100" (100 người nổi tiếng) năm 2005 và ước tính thu nhập hàng năm của ông vào khoảng 76,5 triệu USD. Tạp chí Time ước tính, chỉ riêng cuốn tiểu thuyết Mật mã Da Vinci đã mang về cho Brown khoảng 250 triệu USD. (http://vi.wikipedia.org/wiki/Dan_Brown)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags..


Flag Counter