19/3/15

TỪ MỘT TẤM HÌNH.


Một người bạn, gửi qua email cho tôi link một entry : “100 năm miền Bắc Việt Nam qua ảnh” (*), tác giả entry này cho biết đã bỏ ra hai ngày “lục tung trên Internet”, sắp xếp, viết đề dẫn và chú thích cho gần 300 bức hình phong cảnh, các sinh hoạt nhân văn của miền Bắc và nhiều nhất là  Hà Nội trong một trăm năm qua (1915-2015). Một số hình ảnh là hình bìa tạp chí LIFE, một số khác của những nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Thật xúc động khi nhìn ảnh “Hà Nội băm sáu phố phường” xưa,  những hình ảnh mà khi học Trung học, đọc các tác phẩm của Tự lực Văn Đoàn tôi đã cố hình dung: Ô Quan Chưởng, phố Khâm Thiên, phố Sinh Từ, trường Bưởi, bãi Phúc Xá… Và, trong cuốn phim quay chậm ngược thời gian đó, tôi gặp một tấm hình, tấm thứ 39, quảng cáo sữa Nestlé ở Hà Nội năm 1940, thế là ký ức thời ấu thơ trong tôi ùa về, nhớ biết bao!


Đó là làng quê thanh bình của tôi sau đình chiến, những năm 1955-56, gia đình tôi phục hồi lại nghề nông, cha tôi quay lại nghề thuốc bắc từ thời ông nội mà trong chiến tranh Việt Pháp đã mai một đi nhiều. Cha tôi coi mạch, bốc thuốc, thân chủ là người trong xã, huyện, có người ở xa hơn, ông còn bán thêm cao đơn hoàn tán của các hãng Đông dược lớn có đại lý ở Hội An, Đà Nẵng. Có những tên thuốc sặc mùi Tàu như Tiêu ban lộ, Thần công tán, Phế trung bửu…  nhưng cái tôi cần là vỏ các chai, hộp này. Mỗi lần có, tôi cất giữ cẩn thận, đợi khi có nhiều  đem ra chơi bán hàng với bạn bè kiểu trẻ con bây giờ chơi “đồ hàng”.

Ngày ấy tôi lên sáu, chưa có bạn học nhưng có bạn cùng xóm, hai thằng: Tí và Ba. Tí là con ông Hữu nhà ở sau nhà tôi, tên đi học là Nguyễn Tứ, tên Tí là đặt theo năm sinh, nó lớn hơn tôi 2 tuổi, theo quan hệ bà con, tôi phải kêu nó bằng chú, nghe kể bà nội nó là em cô cậu của cố tôi.  Ba là con chú Đào nhà  ở phía trong Gò Mồ sát đình làng Thuận Long.  Vợ chú mất sớm, có hai người con, anh cả Đào đã lấy vợ ra riêng, chú là thợ cày nhưng trung thành và trách nhiệm như một quản gia của gia đình, đi làm chú dẫn theo thằng Ba, hai cha con ăn ở nhà tôi, tối cùng về. Ba lớn hơn Tí 1 tuổi tức là hơn tôi 3 tuổi, là anh em cô cậu ruột, Tí vai anh. Sau này hiểu ra là vì hai thằng đều là con người làm trong nhà, lại  nhà nghèo nên trong xưng hô có sự coi thường.

Chơi bán hàng tôi thường cùng với hai bạn này, sắp xếp tất cả những hộp của đủ các loại thuốc, đủ kiểu dáng khác nhau thành (như) một tủ thuốc, người lớn ai nhìn vào cũng thích, nghĩ  là sau này tôi sẽ thành một chủ tiệm, mà y như  rằng sau này là chủ tiệm, chỉ khác là bán… cháo phổi! Có một trò chơi cũng thú vị không kém là gánh nước đổ vào hồ mà thùng gánh là vỏ lon sữa Nestlé. Đó là loại lon nhỏ chừng 200cm3, thấp và nhỏ hơn loại như hồi đó ghi trên nhãn mà tôi còn nhớ như in: “Sữa đặc có đường – Sữa hiệu con chim – Cân đúng 397 cà ram”. Có 2 vỏ lon loại này, chúng tôi đóng thanh ngang, cột dây làm quai, làm đòn gánh và gánh nước đổ vào hồ là một chậu bằng đất lớn cỡ thau rửa mặt!

Sữa đặc ngày ấy chỉ có nhà giàu mới mua hoặc chỉ dùng cho người bệnh, tôi thích uống cái chất đặc ngọt và thơm của nó hơn là hòa với nước sôi nhưng cũng chỉ năm thuở mười thì mới được mẹ tôi chiếu cố, do vậy, hình ảnh cái tổ chim, biểu tượng của Nestlé đọng mãi trong khu vườn ký ức tuổi thơ tôi, cho đến bây giờ!

Tí ở lại quê khi nơi này “được giải phóng”, bị trúng bom chết khi đi dạy bổ túc văn hóa khoảng năm 1965, Ba ra phố làm cán bộ xây dựng nông thôn, rày đây mai đó, sau 1975 về Long Khánh làm nghề hớt tóc, con bầy cháu đàn, thỉnh thoảng về quê đều ghé thăm mẹ và anh chị tôi, tôi cũng có lần gặp lại sau 45 năm xa cách và uống với nó ở Sài Gòn.

Đầu tháng 10/2001, bé Na, con gái tôi tốt nghiệp, ra trường. Khi cháu báo được nhận vào làm việc ở Nestlé Việt Nam, vợ chồng tôi vui mừng khôn xiết, một lần nữa, lại thấy cái tổ chim, logo của Nestlé gần gủi, gắn bó với và nhắc nhỡ mình những kỷ niệm của một thời thơ ấu êm đẹp. Thành lập ở Thụy Sĩ từ năm 1866, bây giờ đã trở thành một Công ty đa quốc gia, sản phẩm không chỉ là Sữa đặc có đường mà nhiều mặt hàng thực phẩm, thức uống có mặt ở nhiều nước trên hành tinh này. Với bề dày gần 150 năm, mở văn phòng đầu tiên ở Việt Nam tại Sài Gòn hơn 100 năm, Nestlé trở thành thân thiết với đại gia đình tôi,  với người tiêu dùng khó tính và cẩn trọng ở Việt Nam nhất là các sản phẩm dành cho trẻ em. Nescafe, Nestea, Nesvita, xì dầu và  dầu hào Maggi là những thứ gần gủi và gắn bó hàng ngày, “Good food, good life” là một slogan đánh động sâu sắc đến mọi người.







Khi con gái tôi chuyển sang làm việc cho Nestlé Thailand, chúng tôi lại tiếp xúc nhiều hơn với các sản phẩm hãng này: Cookie Crisp, Honey Stars, máy pha Nescafe Red Cup, máy pha cà phê Dolce Gusta …  và hàng chục loại kem cây, kem hộp Nestlé. Thế nhưng, không hiểu sao, bỏ qua ý nghĩ  trân trọng kỷ niệm, tôi vẫn  mê cái lon “Sữa đặc có đường – Sữa hiệu con chim – Cân đúng 397 cà ram” của ngày xưa và cái logo tổ chim với tôi vẫn luôn là hình ảnh vô cùng ấn tượng!

(*) http://mannup.vn/100-nam-mien-bac-viet-nam-qua-anh/
--> Read more..

Flags..


Flag Counter