12/11/15

VỀ MỘT NGƯỜI ĐẸP VIỆT Ở BANGKOK: Thủy Tiên


Bức ảnh "Trở về".
Nếu có một người bạn mà hình ảnh của họ, rất bất ngờ được vài bạn khác tìm được trên internet, upload lên Facebook, người thì đưa vào bộ sưu tập ảnh “Những người đẹp Việt Nam” (Vĩnh Tiến), người thì dùng để minh họa bài thơ “Chớm thu” của mình (Cuồng Từ), lại có người đưa vào khung kính treo ở phòng khách (Nguyen Khanh) bạn có vui không? Riêng tôi, không những vui mà còn có chút tự hào vì người ấy xứng đáng nhận được ưu ái đó.
Người đó là Thủy Tiên, một thời là người đẹp Hoa học đường (giải nhất cuộc thi Thanh lich Hoa Học đường) ở Sài Gòn 1994, người trong bức ảnh “Trở về” của Nguyệt Vy và là bạn nhỏ của tôi.

--> Read more..

7/11/15

VÀI NGÀY RONG CHƠI.



 Rời Sài Gòn 7 ngày, đi Đà Lạt, Cam Ranh, Nha Trang. Nơi này vài ngày, chỗ khác ba hôm. Vẫn những con đường ngày xưa tôi đã đi qua nhưng nay khác nhiều. Ta đã già rồi hay “vật đổi sao dời” nên cảnh vật đổi thay, hay cả hai?
Những người thân, bạn bè cũ - mới, học trò cũ tiếp tôi bằng những tình cảm hơn cả mong đợi. Thì ra, nghĩ rằng nếu ta mở lòng với mọi người, với mọi vật thì không ai nỡ lòng … bỏ rơi ta. Hihi.
Sẽ là thừa khi ngợi ca hay viết lời cám ơn họ, nói thật lòng, ai đó có thể nghĩ là tôi khoe khoang nhưng không thể không nhắc đến những events bất ngờ tôi nhận được để chỉ nói về nó mà không nhắc lại những gặp gỡ khác.

Đà Lạt. Uống café với học trò, con gái, em tới bằng hai xe hai bánh, một đàn ông chở em và một phụ nữ đi một mình. Tôi theo xe người đàn ông, chồng em, biết anh vừa soạn nhạc, vừa là nhạc công từng chơi ở các tụ điểm ca nhạc và sân khấu ở Sài Gòn, nay lên mở phòng trà ca nhạc (Tiếng Dương Cầm), nơi đó đang tu bổ. Chúng tôi vào K+ vì cô học trò nói, và đúng vậy, nơi này ít ồn ào để dễ nói chuyện. Góc quán có cây đàn piano, anh chồng mượn dạo vài bài theo lời yêu cầu của tôi. Và thế là cô bạn đi cùng, ca sĩ chính của phòng trà hát, những bài hát xưa, giọng ấm, diễn cảm sâu và chừng như gửi cả tâm tình mình theo tác phẩm. Tôi không thể ngăn được và nói ra ý nghĩ là mình mừng khi những bạn trè giữ được những gì thế hệ trước đã làm.

Tối, cùng một bạn đồng môn ngày xưa ở Đà Lạt đến khách sạn thăm 3 người bạn từ Huế vào và một từ Di Linh lên, tôi mời họ đến nhà cô học trò vì sáng nay em thiết tha mời đến. Không khí sang trọng và ấm cúng. Nến thắp sáng, rượu vang và nhạc, cô ca sĩ từ sáng cũng đến và hát. Có phải vì không khí hay do âm thanh mà giọng hát bỗng hay hơn lúc sáng nhiều.Mừng cho học trò. Cần phải về dù không ai muốn. Anh bạn Huế bảo là mấy lần lên Đà Lạt chỉ ở khách sạn, chưa đến một nhà nào. Nay được đến, vui, và ai cũng sốt sắng quay phim, chụp hình!.

 Cam Ranh. Ghé một bạn nhỏ trên đường từ bến xe về, chàng nói ngay, chiều nay mời anh uống với em, tâm tình, tối em sẽ giới thiệu anh một nơi đến thú vị. Chưa đến chiều thì chàng đã gọi, và đi, ở đó có cả một người quen cũ. Uống chút ít nhưng chuyện trò nhiều. Chủ nhân “nơi đến thú vị” cũng đến, thì ra cũng đã từng biết nhau. Anh là một họa sĩ được khá nhiều dân văn nghệ ở đây biết đến. Nơi cần đến là một khu vực giữa đường lên núi Hàm Rồng, anh bỏ công sức tiền bạc xây dựng khá nhiều năm nên gần như hoàn chỉnh từ sắp xếp nơi ở, nơi uống rượu, đàm đạo và cả nơi để nhày đầm. Hệ thống đèn chiếu sáng có vẻ được lắp đặt hợp lý nhờ tính toán công phu. 

Nửa chai rượu trong hộp gỗ được mang ra nhưng không ai uống nhiều, chỉ là xã giao để chủ nhà vui. Chừng như sau khi nghe giới thiệu nơi này, nghe bản “Hòa âm điền dã” trong không gian yên ắng từ tiếng ếch nhái trong hồ, tiếng vổ cánh của loài chim đêm về ngủ bay đi vì bị động, nghe bản hợp tấu của bốn chú chó theo điệu kèn harmonica anh thổi, mỗi con một giọng khác nhau, ai cũng lắng hồn mình nhìn dãy đèn phía xa của vịnh Cam Ranh, nhìn trăng mười bảy lờ lững trên bầu trời đêm không một gợn mây mà thấy không có niềm vui nào hơn lúc này. Ở đó, thị phi, hơn thua, yêu ghét… không gợn trong lòng mình!
Rời nơi này đã khuya, chủ nhà đưa xuống tận đường lớn để yên tâm là các ban không lao vào bờ rào, không dính gai bàn chãi vì đường khó đi. Anh mời ngày mai ba chúng tôi theo anh đi tàu cao tốc qua đảo, nơi anh có một bãi biển vắng người ở Bình Hưng, đã xây dựng ở đó một số tiện nghi cho du lịch, anh qua để giới thiệu với một nhà đầu tư từ Sài Gòn ra muốn hợp tác và thực hiện một video clip nơi này. Bãi đẹp và sạch, chuyến đi ngằn nhưng thú vị dầu rằng tôi cứ nghĩ nơi đây sẽ đẹp hơn nhiều như vài người mô tả trước đó. 

Chia tay với chàng nghệ sĩ trẻ nhưng tài hoa, tôi chỉ nói lời cám ơn anh và hai người bạn, đã cho tôi, chưa đầy một ngày nhưng tận hưởng đủ cảnh sắc: trời, trăng, non, nước …

Nha Trang. Mưa lớn hai ngày trước, tối nghe mưa mà lo đường Nha Trang-Thành ngập không thể xuống ga về Sài Gòn. Lo xong việc, tôi xuống sớm gần 10 tiếng đồng hồ. Chuyện là một anh bạn trẻ tôi quen nhiều năm nay ở Sài Gòn tha thiết muốn gặp nhóm văn nghệ Nha Trang và nhờ tôi ráp nối. Trời xám xịt màu mây và mưa lớn từng cơn dài cả nữa giờ. Không hề gì, bạn tôi đã đón anh ở bến xe vài giờ trước đó. Chúng tôi gặp nhau ở một quán trên bờ sông Cái, sát cầu gổ Phú Kiểng ở Ngọc Hiệp. Anh chỉ gặp được một trong số hai người mà anh cần gặp. Mưa lớn kéo theo lũ thượng nguồn, bèo trôi về bám đầy chân cầu nên chính quyền ở đó buộc phải tháo ván và huy động người, ca nô vớt bèo. Chiều xuống trong mưa vẫn có vẻ đẹp riêng và quang cảnh nơi này nhìn về phia cầu gổ đẹp lạ lùng.

Chúng tôi, sáu người chuyện trò với nhau, bạn tôi hòa mình nhanh chóng nên nhập cuộc tranh luận những vấn đề về Phật pháp. Những tranh luận làm sáng một số vấn đề với những ai chưa đọc đến. Tôi từ giả về sớm vì còn việc phải đi sau khi một người bạn hứa sẽ đến ga tặng tôi tập tranh Buddhist Arts song ngữ trong triển lãm ở chùa Bái Đính (Ninh Bình) năm ngoái nhân dịp Đại lễ Phật ĐảnVesak mà anh có tranh in trong tập này.

Và anh đến với áo mưa trên người trước khi tôi lên tàu. Cám ơn anh rất nhiều, PH nhé!

Cám ơn tất cả những người thân, bạn bè, các em học sinh cũ vì những tình cảm dành cho tôi trong chuyến đi này dầu có hay không được nhắc đến ở đây.
--> Read more..

13/8/15

THẦN KINH HAY TÂM THẦN?



Đã bảo với lòng mình là hãy lơ những chuyện ruồi bu mà báo chí Sài Gòn xưa xếp vào loại “xe cán chó, chó cán xe” như tham những,  hối lộ, xây tượng đài, ăn trộm chó bị giết chết…dành thì giờ tìm chuyện vui up lên để bạn bè giải trí, vậy mà mấy ngày nay đụng vào đâu cũng …tượng đài! Thôi thì mình chỉ trích dẫn mà nói chuyện khác:

Ngày xưa, ở miền Nam chỉ nghe nói bệnh điên, nhẹ hơn là khùng (ví dụ: nhà thương điên Biên Hòa). Ngày nay, không rõ do y học tiến bộ, phát hiện thêm nhiều bệnh, có thêm nhiều chuyên khoa hẹp (hay sính dùng từ kiểu “gạt nợ” gọi là mất khả năng chi trả, “đói xanh xương” gọi là thiếu ăn trong lúc giáp hạt, điếc gọi là kỹ năng nghe bị hạn chế , nhào dô ăn chực thì nói cho tôi tham gia với…)mà gọi là tâm thần (mental illness), thần kinh (neuropathy)?, dân dã thì nhiều hơn: tàng tàng, sảng sảng, mát mát, chạm dây, tưng tưng… Hai bệnh dưới đây không biết thuộc thứ nào trong những bệnh kể trên:

1.  Cánh Cò blog viết:  “GS Ngô Bảo Châu viết trên Facebook của ông: "Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh".



Rõ ràng là GS Châu chơi chữ. Không thể nào một ông Phó Thủ tướng lại mắc bệnh thần kinh, có nghĩa là tâm thần không bình thường, ký những quyết định đi ngược lại với nhân văn, với đạo lý dân tộc. Ông chỉ có thể "khốn nạn" trong ý thức. Ông không xem trẻ em lê lết trong các mái trường không thua chuồng trại súc vật đầy dẫy tại các tỉnh biên giới mà Sơn La là một điển hình của sự nghèo túng cùng cực. Ông không hề nghĩ tới hàng chục ngàn hộ thiếu ăn quanh năm và đối với họ chỉ cần đủ ăn đã là hạnh phúc. Đối với họ Hồ Chí Minh chỉ là một cục đá được dẽo gọt chỉ để đứng nhìn sự thống khổ, kiệt quệ của họ, những người quanh năm không biết tới một mẩu thịt là gì.”



2.  Anh bạn tôi là một nhà nghiên cứu điền dã, cũng là nhà báo kể rằng nhiều người giật mình vì trên Facebook  của mình, giáo sư Văn Như Cương viết "Môn học Tích hợp là ghép nhiều môn riêng lẻ thành một môn chung. Ví dụ trước kia học sinh phải học ba môn Lý, Hóa, Sinh với ba thầy khác nhau và ba cuốn SGK khác nhau , nay thì ghép lại thành môn tích hợp là môn "Khoa học Tự nhiên".
Trên VTV1 vài ngày qua, khi PV hỏi ông Nguyễn Vinh Hiển (Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT) rằng môn học ấy mấy thầy dạy ? Liệu thầy vốn trước kia dạy Lý thì nay có thể dạy thêm cả Hóa và Sinh hay không ?...thì nhận được câu trả lời là : " được chứ, vì thầy đã học qua phổ thông rồi, đã học Hóa, Sinh rồi thì bằng cách nghiên cứu thêm sẽ dạy được ".
Anh viết: “Nếu đúng như thế này thì tôi xin nói BGD&ĐT là bộ Tâm thần”.



Chuyện 1, tôi không nói là “khốn nạn” hay “thần kinh”,  điều chắc chắn là tôi chỉ tin ông Vũ Đức Đam, (trên cương vị Phó thủ tướng ký thế cho Thủ tướng chính phủ quyết định chấp thuận cho UBND thành phố Sơn La kinh phí 1.400 tỷ để xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh trong thành phố)  và ông Trần Bảo Quyến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Sơn La vì lòng kính trọng bác Hồ, vì yêu nước khi dám  thề độc trước công luận (chuyện hy hữu), trước đền chùa như mấy anh giang hồ trong tiểu thuyết kiếm hiệp, mấy chị bán vé số rằng: “Tôi mà xơ múi một ly bia, một chầu nhậu hay tiền bạc, quà cáp trong việc ký/ quyết định xây dựng tượng đài này thì chết không toàn thây, gia đình tôi và con cháu tôi từ nay về sau bị tuyệt diệt…”. Dám không?  Hihi.

--> Read more..

26/7/15

Gặp gỡ Đông - Tây.


Một lần cách đây nhiều năm, khi công nghệ kỹ thuật số (digital) đã phát triển ở Việt Nam, một anh bạn bác sĩ nói với tôi rằng công nghệ này vốn bắt nguồn từ lý thuyết âm dương của người Tàu hàng ngàn năm trước, anh giới thiệu hẵn tên một quyển sách của một tiến sĩ Vật lý người Việt đề cập vấn đề này nhưng tiếc là tôi không còn nhớ tên sách và tác giả. Lại có một sự gặp gỡ thú vị Đông Tây cũng sau hàng ngàn năm mà tôi sẽ kể hầu các bạn sau đây.

1.Sách  Đại Học trong Tứ Thư dạy rằng con đường tiến thân của kẻ sĩ  phải tuân thủ tám bước : “Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” nhưng phần lớn sách trước đây chỉ nhắc đến bốn bước sau cùng!. Không biết có phải vì hiểu không đến nơi đến chốn (bài học mà khả năng thành công trong trị nước rất cao),  nhiều người  có tham vọng lại trở thành những chính trị gia hoạt đầu nhằm thỏa mãn những nhu cầu rất riêng tư mà quên đi đại cuộc đều không thành công với chính  bản thân họ và còn di hại cho quốc gia dân tộc.
Nhìn lại con đường họ đã đi qua, nhiều người thấy rằng họ đã theo một hành trình ngược lại: Chưa thành ý, chính tâm …mà đòi bình thiên hạ. Khi bình thiên hạ thất bại, lý do lớn nhất là đất nước không yên, quay về trị quốc cũng không được, tìm hiểu  thì thấy chính vì gia đình lộn xộn, lục đục. Lo chuyện  tề gia cũng không xong nốt vì bản thân mình không ra gì. Can đảm đối đầu thực tại, lo việc tu thân thì đã… về già!



2. Tại hầm mộ trong tầng hầm nhà thờ Wesminster  nổi tiếng ở Luân Đôn nơi an táng các vị vua nước Anh  và những nhân vật nổi tiếng như Newton, Charles  Dickens, Darwin… có một tấm bia mộ bằng đá hoa cương bình thường cả về kích thước lẫn kiểu dáng, không ghi thân thế, ngày sinh ngày mất của người quá cố nhưng khắc những dòng chữ mà  nhiều người, nhất là những nhà tư tưởng, những chính trị gia  đọc thấy đều rất xúc động. Do vậy, tấm bia mộ trở thành nổi tiếng. Đến thăm nơi này, có thể bỏ qua những nhân vật lừng danh trong lịch sử Anh quốc và thế giới nhưng không thể không đến chiêm bái ngôi mộ có tấm bia nổi tiếng và đọc những dòng chữ này:

“Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới.

Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của tôi.

Nhưng nó cũng như vậy, dường như là không thể thay đổi được. Khi tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi.

Nhưng than ôi, điều này cũng là không thể. Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra:

Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, khuyến khích của gia đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước và biết đâu đấy, tôi thậm chí có thể làm thay đổi thế giới!”

Người ta nói nhà cách mạng Nam Phi, ông Nelson Mandela đã từng đọc những dòng chữ ghi trên và đã vạch con đường cách mạng giải phóng dân tộc ông thành công, thoát khỏi ách đô hộ và tệ nạn phân biệt chủng tộc của người da trắng từ những gợi  ý này.
--> Read more..

7/7/15

LẠI CHUYỆN TRUYỆN TÀU.

 Sự kiện kết thúc bộ tiểu thuyết kiếm hiệp “Tầm Tần Ký” của Huỳnh Dị  là nhân vật chính Hạng Thiếu Long (đã giới thiệu trên status “Nhân đọc truyện Tàu” hồi 14.6) (1) sau khi dẹp xong âm mưu thoán ngôi của cả Lã Bất Vi lẫn Lao Ái, người được thái hậu Chu Cơ tin dùng và đối xử như tình nhân trong lốt một hoạn quan có năng lực tình dục hơn cả người  thường  vào hầu hạ, dẹp xong âm mưu chống Tần của 6 nước với việc nước Tề đầu hàng vào năm thứ 26 thời Tần Vương Chính,  hoàn thành việc phò tá Doanh Chính lên ngôi làm vua nước Tần thì … quy ẩn.
 Mẹ con Doanh Chính trước đây phải làm con tin ở nước Triệu, Hạng Thiếu Long bí mật tráo người, giúp đỡ đưa về Tần, một tay huấn luyện, đào tạo Doanh Chính (là Tiểu Bàn, con của Thục Ni) để y trở thành bị quân của nước Tần, giúp Chính vượt qua muôn vàn khó  khăn trước thù trong giặc ngoài và được Chính xem như thầy , như cha, nhưng khi Chính ngày càng lớn, Hạng Thiếu Long thấy rõ tính cách con người này, sợ rằng “công trạng hơn vua” sẽ không thể yên thân với Chính nên đã cùng bố vợ là Ô Đại Nguyên, một nhà buôn mở mục trường ở vùng thảo nguyên phía Bắc, thành lập một tiểu quốc gia để khi Doanh Chính lên ngôi thì thực hiện sở nguyện từ lâu: “Công thành thân thoái” vì Hạng Thiếu Long không thích chiến tranh và ngôi vị, một việc làm lạ lùng và một cụm từ chắc không có trong đầu óc  các nhà lãnh đạo Việt Nam  sau 1975!



Cùng về sống ở thảo nguyên phương  Bắc có vợ và một bầy thê thiếp, người hầu gồm Ô Đình Phương, Kỷ Yên Nhiên, Cầm Thanh, Triệu Chi, chị em Điền Trinh- Điền Phụng, những  chiến hữu đồng cam cộng khổ với Hạng Thiếu Long một thời gian dài như Đằng Dực và vợ , Kinh Tuấn và vợ, những người bạn nối khố sẵn sàng chết vì mình, bạn vong niên như Đồ Tiên, bạn đồng thời như Tiêu Nguyệt Đàm.
Nhiều vợ nhưng lại không có con,  Hạng nhận con của Đằng Dực -Thiện Lan làm con nuôi từ khi mới đẻ đặt tên là Hạng Bảo Nhi. Giờ đây, cậu bé “trông to khỏe  rắn chắc hơn những trẻ khác, đầu đội chiếc mão có căm lông vũ, mắt to mày rậm, trông rất có cá tính”.
Chưa đọc những nhận xét của các nhà phê bình văn học về bộ tiểu thuyết này nhưng tôi nghĩ  Huỳnh Dị rất tài giỏi khi lái các tình tiết tác phẩm đi theo ý mình, mặc vào cho nhân vật tính cách mình mong muốn dựa  vào lý do Hạng Thiếu Long là người từ thế kỷ 21 nhờ “cổ máy thời gian” quay lại thời Chiến quốc, đã đọc lịch sử, đã coi phim về Tần Thủy Hoàng nên hành xử theo lịch sử. Ví dụ khi Doanh Chính đề nghị trừ khử Lã Bất Vy, Hạng can gián vì theo  lịch sử thì Lã Bất Vy không chết do Tần Doanh Chính giết!

Một điều khác cũng cho thấy tài năng tác giả mà chỉ đến cuối truyện người đọc mới nhận ra đó là việc đứa con nuôi Hạng Bảo Nhi muốn quay về Trung Nguyên, để “ trở thành loài phi ưng trên trời cao có thể tự do bay lượn đến khắp nơi”, muốn đổi tên nên  Kỷ Yên Nhiên đề nghị tên “Ưng” còn Cầm Thanh bảo con chê tên này như cầm thú và muốn đổi thành chữ “Vũ”, Hạng giật mình vì nghĩ đến 2 chữ “Hạng Vũ”. “Đó phải chăng là Sở Bá Vương Hạng Vũ, người đã cùng tranh thiên hạ với Lưu Bang?”(2) Khi soát lại lịch sử thì việc này xãy ra khi Hạng Vũ hơn ba mươi tuổi!  Và  y nghĩ tiếp: “Một đứa con của mình là Tiểu Bàn (sau này là Doanh Chính) xây dựng nên đế quốc Đại Tần, một đứa con khác của mình là Hạng Vũ lại phá hủy đế quốc Đại Tần ấy”, một việc tưởng chừng như phi lý nhưng khả năng xãy ra trong đời thường lại rất cao và ít nhiều mang dấu ấn của tư tưởng triết Đông.
Thời Chiến quốc (476-221 TCN) trong sử Tàu là thời kỳ lịch sử loạn lạc kéo dài đến 250 năm, các nước thôn tính, chinh phạt nhau trong đó mạnh nhất là Hàn, Triệu, Ngụy, Tần, Sở, Tề, Yên nên còn gọi là thời Thất hùng (như thời Xuân Thu gọi là thời Ngũ bá). Ai đã từng đọc Đông Chu liệt quốc sẽ thấy rõ thời kỳ này. Do vậy, truyện Tầm Tần Ký của Huỳnh Dị khi hư cấu cũng dựa vào các tư liệu lịch sử nhưng rất, rất nhiều mưu mô của vua quan, mưu sĩ các nước thực hiện nhắm vào nhau, vào Hạng Thiếu Long hoàn toàn là do tác giả bịa ra. Hầu hết những mưu mô này đều hợp lý, thuyết phục là một minh chứng Huỳnh Dị là một cây bút đầy trí tuệ.

Có lẽ chính vì sức hấp dẫn của tác phẩm được viết bởi một tác giả tài hoa nên đến nay (02.7.2015), hai bộ tiểu thuyết của ông ta đều dẫn đầu về số người đọc trên Việt Nam Thư Quán với “Đại Đường Song long truyện “ là 35.881.754 và “Tầm Tần Ký “ là 22.224.659 (sau “Tru Tiên”, 29.593.312) nhưng đứng trên hai tác phẩm nổi tiếng của Kim Dung là “Lộc Đĩnh Ký” và “Tiếu Ngạo Giang Hồ”. Hihi.

Chú thích:  (1)  https://www.facebook.com/quy.nguyenhoang/posts/993648550655005  (2) Hạng Tịch (項籍) (232 TCN-202 TCN), tên tự là Vũ/Võ (羽), còn gọi là Tây Sở Bá Vương (西楚霸王). Ông là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ (Lưu Bang) đầu thời nhà Hán. (Wikipedia)   (3) http://vnthuquan.net/truyen/
--> Read more..

28/6/15

CHUYỆN BẰNG CẤP VÀ XUẤT BẢN SÁCH (2)



2. Có bốn tên của bốn người phụ nữ mà những ai nghe đến hay đọc thấy sẽ thấy bình thường, đó là: Trương Thị Hằng, Đào Thị Thủy, Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Đào Thị Dậu nhưng sẽ không bình thường khi biết đây là tên của 4 thạc sĩ văn chương, đồng tác giả của “Những bài làm văn mẫu (lớp) 8”, 2 tập, nxb Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2014. Điều đáng tiếc là sách tái bản lần I, xuất hiện trên thị trường mãi một năm sau mới lọt vào tay blogger Hoàng Tuấn Công để ông này lôi ra quá nhiều sai sót mà loại sách mẫu không thể mắc phải cả về kiến thức cơ bản lẫn diễn đạt qua hai bài viết trên tuancongthuphong blog mới xuất hiện gần đây (1, 2).
(Hình lấy từ tuancongthuphong. blog)
 
Trong entry đầu, ở đề 16, “Thuyết minh về con trâu trong công việc nhà nông” theo tác giả HTC có 3 điểm sai cơ bản là: thời gian mang thai của trâu (mâu thuẫn giữa dàn bài và bài làm), số lần đẻ trong năm và trâu con vừa sinh ra đã biết ăn cỏ. Đề 18 “Thuyết minh về cây lúa” lại có thêm 4 sai lầm cơ bản: (a) họ hai lá mầm/ họ hòa thảo: (b) 4 giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa: (c) thời kỳ mạ và riêng (d) thời kỳ đứng cái có 3 chỗ sai!

Qua entry sau, tác giả (có vẻ thông cảm khi) cho rằng chuyện con trâu và cây lúa thuộc về lãnh vực sinh học, bốn nữ thạc sỉ này không am tường là có thể nhưng sai lầm khi phân tích bài “Nhớ rừng” của Thế Lữ là không thể tha thứ nhất là khi mà văn trong bài văn mẫu “còn có kiểu hành văn dài lê thê, nôm na, lủng củng, tối nghĩa. Tình trạng này xuất hiện hầu như trong tất cả các bài làm với mức nhiều mức độ khác nhau.”.

Chuyện viết sách bát nháo để xuất bản kiểu này thường từ mấy mục đích sau: danh, lợi hay cả hai chứ không thể nói đến chuyện phục vụ cộng đồng, để mọi người tham khảo, giải trí hoặc chí ít như các giáo trình mà giảng viên đại học viết cho sinh viên dùng hoặc mở rộng kiến thức cho họ. Trường hợp hai vị nổi tiếng như Nguyễn Lân và Vũ Khiêu thì không biết vì mục đích gì vì họ thuộc vào dạng “bất khả tư nghì” và “kính nhi viễn chi” nhưng điều khó hiểu là tại sao trong cả bốn vị thạc sĩ văn học đáng kính của chúng ta lại không ai vì học trò, vì độc giả mà kiểm tra lại qua bộ mộn sinh vật và biết bao nhiêu tài liệu khác để rủ nhau cùng sai đến mức trầm trọng như HTC đã đề cập? Vả lại, từ khi một quyển sách được viết ra đến khi đến tay người sử dụng còn qua một loạt các việc biên tập, kiểm duyệt, cấp giấy phép, sữa bản in rồi mới cho in chính thức, có phải tất cả đều được lót tay bằng tiền để qua ải và kết quả là học sinh lớp 8 không biết phải tin vào đâu  khi cô giáo dạy rằng cây lúa thuộc họ hòa thảo còn sách viết rằng cây lúa thuộc họ hai lá mầm? Từ đó làm sao các cháu tin ở nhà trường, ở nền giáo dục? Đã thế thì cũng không khác gì chuyện “Con voi” trong “Những người thích đùa” của nhà văn Asit Nezin!.
Đầu năm nay, tôi lại đọc được bài viết trên blog “Sách dạy tiếng Anh mất dạy” của nhà báo Bùi Bảo Trúc (3). Ông nhận được một quyển sách dạy tiếng Anh từ một người bạn cho đã mất bìa nên không biết tên sách, tác giả, nhà xuất bản và năm xuất bản nhưng biết chắc là xào nấu lại từ một quyển sách dạy tiếng Anh của một tác giả Mỹ, mỗi trang 3 cột, cột đầu là tiếng Anh, cột tiếp theo là phiên âm và cột cuối là dịch ra tiếng Việt các tiếng Anh của cột đầu. Theo tác giả bài viết thì người soạn sách không biết nói tiếng Anh nên phiên âm sai rất nhiều chỗ và còn thiếu cả dấu nhấn, bỏ qua các âm cuối trong các từ số nhiều và một quyển khác nữa thì vừa sai vừa tục tĩu (vì sai mà thành tục tĩu). 

Theo tác giả: “ Phát âm như sách chỉ dẫn thì có bố Mỹ cũng chịu thua, không cách gì hiểu nổi.
Thí dụ bờ rinh mi quơ tờ; woát đít; pút phít in tu dờ phờ ri dờ; ơrên dơ cờlâu… thì nhất định là ta nói ta nghe, Mỹ nói Mỹ nghe là cùng. Những câu phát âm đó là gì vậy? Xem cột thứ nhất thì đó là các câu bring me water; wash dishes; put fish into the fridge; arrange the cloths (đáng lẽ phải là clothes vì cloth là vải chưa may thành quần áo, không có số nhiều).

Rốt cuộc xin chút nước, nhờ rửa mấy cái chén bát, yêu cầu bỏ cá vào tủ lạnh, xếp quần áo thì người được nhờ làm những việc đó cứ thế mà đứng ngây người ra mà im lặng thở dài, nghiêm và buồn cả buổi mà thôi.”
(Hình này và hình trên đều lấy từ blog của BBT)

Và Bùi Bảo Trúc đã kết luận như sau: “Tiếng Anh gì mà sexy quá vậy? Sexy hay mất dạy đây? Thế mà chỉ vừa mấy tuần trước, báo chí trong nước đã nhắng lên rằng trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam được coi là cao nhất Đông Nam Á.
Sách dạy tiếng Anh mà như vậy thì trình độ nhất tiếng Anh với ai đây?”.

Thật buồn, thật hổ thẹn và cũng thật đáng khinh (cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau) khi một thạc sĩ cao học K18 (2009-2011) có luận văn được Hội đồng Thẩm định trường ĐHSP Hà Nội đánh giá là xuất sắc, được trường mời giảng dạy ở trường một thời gian thì bị “đánh hội đồng”, bị buộc thôi việc, bị dọa rút bằng và vị PGS TS đỡ đầu luận văn cho nạn nhân cũng bị cho nghỉ hưu trước 5 năm không có lý do (4) trong khi bốn vị thạc sĩ đáng kính nói trên không biết học hành, bằng cấp thế nào đến nỗi không hiểu được bài “Nhớ rừng” mà sách còn in đến lần thứ 2!

Chợt nhớ lại một bài viết của Nguyễn Nhật Huy đăng trên tuongtri.com (5) hồi cuối tháng tư vừa rồi có đoạn thật thấm thía: “Trở lại định nghĩa “giả tạo là không thật, được tạo ra một cách không tự nhiên” người viết tự hỏi, bằng cấp giả là chuyện phổ biến từ trung ương xuống địa phương vài chục năm nay nhưng cái chức danh giáo sư, học giả, danh hiệu do nhà nước phong tặng cho một con người cao quý như ông Vũ Khiêu có phải là “giả tạo” khi mà những gì báo chí phanh phui thời gian sau Tết là điều không thể chối cải, không thể phản bác và như ông Nguyễn Lân, cha của 8 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, một gia đình nổi tiếng lại là cha đẻ của Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Từ điển từ và ngữ Việt Nam với quá nhiều sai lầm mà dầu công luận lên tiếng nhiều vẫn không mảy may đính chính, có quyển được tiếp tục tái bản đã để lại cho các thế hê sau không biết bao nhiêu thiệt thòi khi tham khảo và nhất là làm hỏng tiếng Việt!”.

Và có lẽ trích đoạn trên cũng quá đủ để không cần phải có thêm một kết luận cho bài này!

Chú thích:

(5) http://tuongtri.com/2015/03/28/bon-muoi-nam-doi-dieu-nhin-lai/

--> Read more..

27/6/15

CHUYỆN BẰNG CẤP VÀ XUẤT BẢN SÁCH (1)


Ở Việt Nam từ sau 1975 mà gần nhất là 15 năm của thế kỷ 21 này có lẽ có hai vấn đề cứ lâu lâu là trở thành chuyện thời sự được báo chí và dư luận nói đến, rồi chìm, rồi quay lại, càng về sau thì tần suất càng cao hơn, đó là chuyện bằng cấp và chuyện xuất bản sách, một chuyện liên hệ đến con người, xa hơn là nguyên khí quốc gia, một chuyện thuộc về giáo dục và học thuật. Cả hai chuyện đều là những vấn đề hết sức nhức nhối mà nhà nước không thể và không muốn giải quyết rốt ráo vì liên quan đến cán bộ đảng, chính phủ, các bộ ngành trung ương và đầu tỉnh không khác gì “quốc nạn tham nhũng” từ nhiều năm nay! Bài viết này xin được nhắc lại đôi điều qua tổng hợp một số số liệu và sự kiện đã được đăng tải từ lâu.

1. Chuyện bằng cấp ở Việt Nam có thể trở thành một đề tài xã hội học cả trăm trang A4 mà cũng có thể dùng cho một nghiên cứu làm luận văn tiến sĩ khoa học nhân văn vì rất rộng lớn, liên hệ đến lịch sử, hành chánh, chính trị xã hội và nhiều ngành khác!

Theo những số liệu rất đáng tin cậy, thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) thì năm 2013 cả nước có 24.300 tiến sĩ (TS) và 101.000 thạc sĩ và số liệu của bộ GD-ĐT thì “tính đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học”(1), người ta tự hỏi vậy 15.000 tiến sĩ đang làm việc ở những đâu và bao nhiêu trong số họ có bằng từ ngoại quốc qua học hành nghiên cứu, bao nhiêu người như  ông Hà Văn Thắm, chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương mà blog tuanvannguyen đã nói đến? (“ông Hà Văn Thắm, chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương, "tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Comlombia Common Wealth – Mỹ và bảo vệ Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại Học Công nghệ Paramount – Mỹ". Nhưng cả hai trường này đều đáng nghi ngờ vì chẳng có tiếng tăm hay tên tuổi gì trong học thuật”) (2). Lại tự hỏi, có bao nhiêu trong số 24.300 tiến sĩ hay chí ít là trong số 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học có các công trình, báo cáo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học thế giới (trong khi đó bài báo của 2 giảng viên Đại học Quốc tế TP Hồ Chí Minh là Tiến sĩ Nguyễn Văn Toàn và Tiến sĩ Trần Thị Hạnh đã bị rút khỏi tạp chí khoa học SpringerPlus:Như Một Thế Giới đã thông tin, phiên bản gốc của bài báo (Van Toan và Thi Hanh 2013) đã bị rút lại do các vấn đề liên quan đến đạo đức: thử nghiệm lâm sàng đã không được chấp thuận bởi một ủy ban đạo đức, và các tác giả đã không cung cấp các bằng chứng cho thấy họ được đồng ý bởi các bệnh nhân.”) (3) Chưa kể đến trường hợp gần đây nhất mà ai cũng biết là các tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân, Nguyễn Văn Ngọc, Dương Chí Dũng!

Theo số liệu trên báo vietnamnet (4), năm học 2012-13 Việt Nam có :  
• 207 trường Đại học
• Số sinh viên: 1,453,067
• Số sinh viên tốt nghiệp trong năm: 248,291
• Tổng số giảng viên: 61,674 
• Số tiến sĩ: 8869 (14% tổng số giảng viên) 
• Số thạc sĩ: 28987 (47% tổng số giảng viên) 

Số giáo sư và phó giáo sư trong các đại học: không có số liệu cho niên học 2012-2013, nhưng số liệu cho niên học 2006-2007 là:
• Tổng số giảng viên: 38137 
• Phó giáo sư: 445 (1.2% tổng số giảng viên) 
• Giáo sư: 2432 (6.4% tổng số giảng viên) 
• Tổng cộng: 2877 (7.6% tổng số giảng viên)


Việc cấp phép mở trường đại học ồ ạt nhất là các đại học tư, việc sinh viên liên thông từ trung cấp lên cao đẳng rồi lên đại học quá dễ dàng (để thu học phí) rồi quản lý chất lượng đầu ra lỏng lẻo chưa kể việc liên kết đào tạo giữa các đại học lớn với các địa phương đã cấp bằng tốt nghiệp cho nhiều cán bộ trình độ yếu học các lớp chuyên tu và tại chức. Do vậy đã có những trường hợp chưa tốt nghiệp PTTH vẫn được nợ bằng để vào học và nhận bằng đại học mà báo chí đăng tải sôi nỗi một thời, chuyện chỉ có ở Việt Nam đã lâu và mới đây, Tuổi Trẻ Online ngày 25.6.2015 vừa đưa tin về Đại học Nguyễn Tất Thành cũng khôi hài tương tự.

Có lẽ vì đất nước có nhiều người trình độ Giáo sư, phó Giáo sư, Tiến sĩ trong đó không ít là bằng giả, bằng mua, bằng do gian lận mà có nên có tình trạng lạm phát bằng cấp trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước!. Khỏi cần phải suy nghĩ nhiều, chỉ cần xem  thống kê sau đây của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn được boxitvietnam (5) đăng lại thì “không tin được dù đó là sự thật!”.

Việt Nam: Nội các 2011-2016 có 27 thành viên, kể luôn 5 phó thủ tướng.  Trong số này, có 12 (44%) người có bằng tiến sĩ, 5 thạc sĩ, và 10 người là cử nhân. Sẵn dịp, tôi có đếm phân bố bằng cấp của 16 thành viên Bộ Chính trị. Thật thú vị, trong số 16 vị, 8 vị (tức 50%) có bằng tiến sĩ.  Tính tương đối, trình độ học vấn của Bộ Chính trị còn cao hơn cả Nội các Chính phủ!
: Nội các có 22 người (tính luôn cả những người 7 người có hàm/chức vụ tương đương bộ trưởng). Trong số này chỉ có 2 người có bằng tiến sĩ, 4 người thạc sĩ, và 16 cử nhân. Chú ý, tôi tính bằng cấp loại JD trong nhóm cử nhân.
Úc: Trong số 18 bộ trưởng và thủ tướng trong Nội các Tony Abbott, 3 người có bằng cao học, 12 người có bằng cử nhân (đặc biệt là cử nhân luật, LLB). Không có ai có bằng tiến sĩ, nhưng có 3 người chưa tốt nghiệp đại học.

So với hai đại cường Mỹ- Úc, các số liệu này cho thấy Việt Nam hơn hẵn họ về trình độ, thảo nào đất nước thống nhất đã 40 năm mà lãnh thổ ngày càng thu hẹp về diện tích, niềm tự hào làm người dân Việt ngày càng thui chột, ra nước ngoài người tự trọng không mấy ai dám nói mình là dân Việt Nam, tất cả các giá trị đạo đức luân lý cả nước nói chung, miền Nam nói riêng hun đúc và xây nên từ hàng trăm năm đã mất đi khá nhiều, bốn mươi năm rồi mà chia rẽ Nam Bắc vẫn còn, chuyện hòa hợp dân tộc chỉ là mơ ước, nhân tâm ly tán, nội bộ lãnh đạo bất hòa, các báo cáo thống kê của những tổ chức uy tín trên thế giới vẫn xếp Việt Nam luôn đứng trong top ten những nước đói nghèo, lạc hậu, chất lượng sống thấp, tham nhũng…, nếu không có nguồn vốn ODA như là một viện trợ từ thiện, nếu không có hàng ngàn tỷ USD kiều hối người Việt khắp năm châu gửi về không biết đất nước này có phải là địa ngục của địa ngục?

Chừng như từ nhiều năm nay ở Việt Nam có chức, có quyền, có học hàm học vị đi kèm với có điều kiện tham nhũng, đục khoét nên nhiều người đã bất chấp hậu quả, đặt lương tri qua một bên để đạt được, nếu không thế thì đã không có chuyện ông Nguyễn Xuân Tuyến, đường đường là Hiệu trưởng trường ĐHSP Huế đã âm thầm “lượm” một số kiến thức của một công trình khoa học ở Nga cho đề tài khoa học của mình không dẫn chứng, chuyện xôn xao cả nước và bộ trưởng bộ GD-ĐT đã phải trả lời chất vấn của cử tri Thừa Thiên Huế trong tâm thái rất bẻ bàng! Nếu không thế thì mọi người không biết đến một trang web rất thú vị: Tạp Chí GS Dỏm Việt Nam  Journal of Incompetent Professors in Vietnam – JIPV mà nếu có thì giờ vào đọc Bảo tàng tiến sĩ dỏm của trang này sẽ thấy chuyện vừa nêu và kinh hoàng cho tương lai dân tộc và đất nước! Việc này cũng được giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đề cập trong một bài viết khá công phu trên blog của mình và báo Người Việt đăng lại (7): “Bàn về lạm dụng danh xưng”. Những chuyện nói trên, nếu là người có nhân cách chắc chắn sẽ không mắc phải và người đã mắc phải lâu nay thì không ai thấy xấu hổ khi bị công khai phê phán!
Đã có rất nhiều lý do  được đưa ra để giải thích vấn nạn nhức nhối này: lỗi của nền giáo dục, của sự quản lý nhà nước, của tệ nạn mua quan bán tước, tham nhũng…  nhưng suy cho cùng sẽ không ai phản đối khi cho rằng đó là do bản chất của chế độ!

Xin kết thúc phần này bằng một câu chuyện thật. Nhiều năm trước, có một lớp 8 của một trường ngoại thành Hà Nội đến tham quan Văn miếu Quốc Tử Giám, một phóng viên VTV không rõ đi theo đoàn hay vô tình gặp rồi đi cùng. Khi đến thăm các bia tiến sĩ trên lưng các cụ rùa một cháu gái hỏi cô thuyết minh: “Cô ơi, nước mình nghèo mà sao có được nhiều người học giỏi đến thế? Và cô ơi, có quá nhiều người học hỏi mà sao đất nước vẫn cứ nghèo?”. (Chuyện này đã được đăng báo hoặc phát trên VTV nhưng đã lâu lắm rồi nên không nhớ chính xác).

Chú thích:
(1) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/164238/24-000-tien-si-viet-nam-dang-lam-gi-.html

--> Read more..

Flags..


Flag Counter