27/6/15

CHUYỆN BẰNG CẤP VÀ XUẤT BẢN SÁCH (1)


Ở Việt Nam từ sau 1975 mà gần nhất là 15 năm của thế kỷ 21 này có lẽ có hai vấn đề cứ lâu lâu là trở thành chuyện thời sự được báo chí và dư luận nói đến, rồi chìm, rồi quay lại, càng về sau thì tần suất càng cao hơn, đó là chuyện bằng cấp và chuyện xuất bản sách, một chuyện liên hệ đến con người, xa hơn là nguyên khí quốc gia, một chuyện thuộc về giáo dục và học thuật. Cả hai chuyện đều là những vấn đề hết sức nhức nhối mà nhà nước không thể và không muốn giải quyết rốt ráo vì liên quan đến cán bộ đảng, chính phủ, các bộ ngành trung ương và đầu tỉnh không khác gì “quốc nạn tham nhũng” từ nhiều năm nay! Bài viết này xin được nhắc lại đôi điều qua tổng hợp một số số liệu và sự kiện đã được đăng tải từ lâu.

1. Chuyện bằng cấp ở Việt Nam có thể trở thành một đề tài xã hội học cả trăm trang A4 mà cũng có thể dùng cho một nghiên cứu làm luận văn tiến sĩ khoa học nhân văn vì rất rộng lớn, liên hệ đến lịch sử, hành chánh, chính trị xã hội và nhiều ngành khác!

Theo những số liệu rất đáng tin cậy, thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) thì năm 2013 cả nước có 24.300 tiến sĩ (TS) và 101.000 thạc sĩ và số liệu của bộ GD-ĐT thì “tính đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học”(1), người ta tự hỏi vậy 15.000 tiến sĩ đang làm việc ở những đâu và bao nhiêu trong số họ có bằng từ ngoại quốc qua học hành nghiên cứu, bao nhiêu người như  ông Hà Văn Thắm, chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương mà blog tuanvannguyen đã nói đến? (“ông Hà Văn Thắm, chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương, "tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Comlombia Common Wealth – Mỹ và bảo vệ Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại Học Công nghệ Paramount – Mỹ". Nhưng cả hai trường này đều đáng nghi ngờ vì chẳng có tiếng tăm hay tên tuổi gì trong học thuật”) (2). Lại tự hỏi, có bao nhiêu trong số 24.300 tiến sĩ hay chí ít là trong số 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học có các công trình, báo cáo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học thế giới (trong khi đó bài báo của 2 giảng viên Đại học Quốc tế TP Hồ Chí Minh là Tiến sĩ Nguyễn Văn Toàn và Tiến sĩ Trần Thị Hạnh đã bị rút khỏi tạp chí khoa học SpringerPlus:Như Một Thế Giới đã thông tin, phiên bản gốc của bài báo (Van Toan và Thi Hanh 2013) đã bị rút lại do các vấn đề liên quan đến đạo đức: thử nghiệm lâm sàng đã không được chấp thuận bởi một ủy ban đạo đức, và các tác giả đã không cung cấp các bằng chứng cho thấy họ được đồng ý bởi các bệnh nhân.”) (3) Chưa kể đến trường hợp gần đây nhất mà ai cũng biết là các tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân, Nguyễn Văn Ngọc, Dương Chí Dũng!

Theo số liệu trên báo vietnamnet (4), năm học 2012-13 Việt Nam có :  
• 207 trường Đại học
• Số sinh viên: 1,453,067
• Số sinh viên tốt nghiệp trong năm: 248,291
• Tổng số giảng viên: 61,674 
• Số tiến sĩ: 8869 (14% tổng số giảng viên) 
• Số thạc sĩ: 28987 (47% tổng số giảng viên) 

Số giáo sư và phó giáo sư trong các đại học: không có số liệu cho niên học 2012-2013, nhưng số liệu cho niên học 2006-2007 là:
• Tổng số giảng viên: 38137 
• Phó giáo sư: 445 (1.2% tổng số giảng viên) 
• Giáo sư: 2432 (6.4% tổng số giảng viên) 
• Tổng cộng: 2877 (7.6% tổng số giảng viên)


Việc cấp phép mở trường đại học ồ ạt nhất là các đại học tư, việc sinh viên liên thông từ trung cấp lên cao đẳng rồi lên đại học quá dễ dàng (để thu học phí) rồi quản lý chất lượng đầu ra lỏng lẻo chưa kể việc liên kết đào tạo giữa các đại học lớn với các địa phương đã cấp bằng tốt nghiệp cho nhiều cán bộ trình độ yếu học các lớp chuyên tu và tại chức. Do vậy đã có những trường hợp chưa tốt nghiệp PTTH vẫn được nợ bằng để vào học và nhận bằng đại học mà báo chí đăng tải sôi nỗi một thời, chuyện chỉ có ở Việt Nam đã lâu và mới đây, Tuổi Trẻ Online ngày 25.6.2015 vừa đưa tin về Đại học Nguyễn Tất Thành cũng khôi hài tương tự.

Có lẽ vì đất nước có nhiều người trình độ Giáo sư, phó Giáo sư, Tiến sĩ trong đó không ít là bằng giả, bằng mua, bằng do gian lận mà có nên có tình trạng lạm phát bằng cấp trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước!. Khỏi cần phải suy nghĩ nhiều, chỉ cần xem  thống kê sau đây của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn được boxitvietnam (5) đăng lại thì “không tin được dù đó là sự thật!”.

Việt Nam: Nội các 2011-2016 có 27 thành viên, kể luôn 5 phó thủ tướng.  Trong số này, có 12 (44%) người có bằng tiến sĩ, 5 thạc sĩ, và 10 người là cử nhân. Sẵn dịp, tôi có đếm phân bố bằng cấp của 16 thành viên Bộ Chính trị. Thật thú vị, trong số 16 vị, 8 vị (tức 50%) có bằng tiến sĩ.  Tính tương đối, trình độ học vấn của Bộ Chính trị còn cao hơn cả Nội các Chính phủ!
: Nội các có 22 người (tính luôn cả những người 7 người có hàm/chức vụ tương đương bộ trưởng). Trong số này chỉ có 2 người có bằng tiến sĩ, 4 người thạc sĩ, và 16 cử nhân. Chú ý, tôi tính bằng cấp loại JD trong nhóm cử nhân.
Úc: Trong số 18 bộ trưởng và thủ tướng trong Nội các Tony Abbott, 3 người có bằng cao học, 12 người có bằng cử nhân (đặc biệt là cử nhân luật, LLB). Không có ai có bằng tiến sĩ, nhưng có 3 người chưa tốt nghiệp đại học.

So với hai đại cường Mỹ- Úc, các số liệu này cho thấy Việt Nam hơn hẵn họ về trình độ, thảo nào đất nước thống nhất đã 40 năm mà lãnh thổ ngày càng thu hẹp về diện tích, niềm tự hào làm người dân Việt ngày càng thui chột, ra nước ngoài người tự trọng không mấy ai dám nói mình là dân Việt Nam, tất cả các giá trị đạo đức luân lý cả nước nói chung, miền Nam nói riêng hun đúc và xây nên từ hàng trăm năm đã mất đi khá nhiều, bốn mươi năm rồi mà chia rẽ Nam Bắc vẫn còn, chuyện hòa hợp dân tộc chỉ là mơ ước, nhân tâm ly tán, nội bộ lãnh đạo bất hòa, các báo cáo thống kê của những tổ chức uy tín trên thế giới vẫn xếp Việt Nam luôn đứng trong top ten những nước đói nghèo, lạc hậu, chất lượng sống thấp, tham nhũng…, nếu không có nguồn vốn ODA như là một viện trợ từ thiện, nếu không có hàng ngàn tỷ USD kiều hối người Việt khắp năm châu gửi về không biết đất nước này có phải là địa ngục của địa ngục?

Chừng như từ nhiều năm nay ở Việt Nam có chức, có quyền, có học hàm học vị đi kèm với có điều kiện tham nhũng, đục khoét nên nhiều người đã bất chấp hậu quả, đặt lương tri qua một bên để đạt được, nếu không thế thì đã không có chuyện ông Nguyễn Xuân Tuyến, đường đường là Hiệu trưởng trường ĐHSP Huế đã âm thầm “lượm” một số kiến thức của một công trình khoa học ở Nga cho đề tài khoa học của mình không dẫn chứng, chuyện xôn xao cả nước và bộ trưởng bộ GD-ĐT đã phải trả lời chất vấn của cử tri Thừa Thiên Huế trong tâm thái rất bẻ bàng! Nếu không thế thì mọi người không biết đến một trang web rất thú vị: Tạp Chí GS Dỏm Việt Nam  Journal of Incompetent Professors in Vietnam – JIPV mà nếu có thì giờ vào đọc Bảo tàng tiến sĩ dỏm của trang này sẽ thấy chuyện vừa nêu và kinh hoàng cho tương lai dân tộc và đất nước! Việc này cũng được giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đề cập trong một bài viết khá công phu trên blog của mình và báo Người Việt đăng lại (7): “Bàn về lạm dụng danh xưng”. Những chuyện nói trên, nếu là người có nhân cách chắc chắn sẽ không mắc phải và người đã mắc phải lâu nay thì không ai thấy xấu hổ khi bị công khai phê phán!
Đã có rất nhiều lý do  được đưa ra để giải thích vấn nạn nhức nhối này: lỗi của nền giáo dục, của sự quản lý nhà nước, của tệ nạn mua quan bán tước, tham nhũng…  nhưng suy cho cùng sẽ không ai phản đối khi cho rằng đó là do bản chất của chế độ!

Xin kết thúc phần này bằng một câu chuyện thật. Nhiều năm trước, có một lớp 8 của một trường ngoại thành Hà Nội đến tham quan Văn miếu Quốc Tử Giám, một phóng viên VTV không rõ đi theo đoàn hay vô tình gặp rồi đi cùng. Khi đến thăm các bia tiến sĩ trên lưng các cụ rùa một cháu gái hỏi cô thuyết minh: “Cô ơi, nước mình nghèo mà sao có được nhiều người học giỏi đến thế? Và cô ơi, có quá nhiều người học hỏi mà sao đất nước vẫn cứ nghèo?”. (Chuyện này đã được đăng báo hoặc phát trên VTV nhưng đã lâu lắm rồi nên không nhớ chính xác).

Chú thích:
(1) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/164238/24-000-tien-si-viet-nam-dang-lam-gi-.html

9 nhận xét:

  1. Cái giả và dỏm ở đất nước ta thì muôn màu, muôn vẻ, trăm hoa đua nở. Bằng giả đã đành, nhưng kinh hơn là bằng thật học giả, cái này thì thật sự là đầy, nhất là hệ tại chức. Chưa kể trình độ học vấn bây giờ không tương xứng với bằng cấp. Nhiều cử nhân, thạc sĩ, hoặc cao hơn nữa bây giờ kiến thức lơ mơ, nhiều khi phát biểu cứ như kẻ mơ ngủ...

    Cứ nhìn thực trạng đất nước thì biết cái tài lãnh đạo và giáo dục, hù hù!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác NHP và MB ơi, Phó xếp ngày xưa của HN gốc người Nghệ đậu bằng thạc sĩ về quản lý. Nguyên tắc là phải xong bằng C tiếng Anh, biết tin này, HN có lẽ thi bằng B không đậu nhưng “tuôn ra” cho anh ta một tràng tiếng Anh và nói nhanh như khi nói những câu thông dụng với người Mỹ. Anh lạy như tế sao và nói thiệt lòng: “Bác thông cảm, em có biết chi mô, chẳng qua là kiếm cái bằng để sau này khi xếp về hưu là thế chỗ ấy mà”. Tội nghiệp, xếp về hưu thì cơ quan lại sáp nhập, anh ôm cái thạc sĩ và bằng C mà… ngắm chờ ngày về hưu!

      Xóa
  2. Thật tình chẳng biết nói gì sau khi đọc bài này!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu có lòng mời bạn đọc tiếp bài 2 để chia sẻ với mọi người Tran Ai nhé! Cám ơn bạn đã đọc!

      Xóa
  3. Đọc những số liệu anh HN ghi trong entry mà hoa cả mắt , Nơi phường M ở , có 2 vị lãnh đạo phường có học vị thạc sĩ ( chắc là thạc sĩ về chánh trị , hành chánh gì đó ) , hay thiệt. Theo M hiểu thì những người có học vị cần cho lãnh vực nghiên cứu, bây giờ đề nghị ai có học vị thì đưa qua làm ở lãnh vực nghiên cứu hết . Lúc đó chắc chẳng ai đi chạy bằng cấp làm gì nữa , hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày xưa MB đọc "Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu!" ("Cry, the beloved country!") của Alan Paton chứ?. Tình cảnh bọn mình chắc còn tệ hơn nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết này nhiều!

      Xóa
    2. M tiếc là chưa đọc quyển sách anh HN nói , còn ''tình cảnh'' của mình giờ thì đúng là tệ , tệ lắm !!!

      Xóa
  4. Chuyện bằng cấp dổm dảo của quan chức VN đã thành chuyện thường ngày ở huyện, xin chờ đọc chuyện "xuất bản" của anh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ là "hâm nóng" như đã nói từ đầu. Chuyện "xuất bản" post rồi đó. Cám ơn bạn!

      Xóa

Flags..


Flag Counter