6/6/14

LỆ THẦN TRẦN TRỌNG KIM VÀ SÁCH VIẾT VỀ PHẬT GIÁO.




Mấy năm trước, hồi còn ở Sài Gòn, có lần ghé Quỳnh Mai, một nhà sách khá lớn trên đường NTMK tôi rất bất ngờ trước bìa sách “Phật lục” của Trần Trọng Kim (xuất bản năm 2007) bèn mua về “đọc thử”. Nói “bất ngờ” vì xưa nay tôi chỉ biết đến ông qua Việt Nam sử lược, Nho giáo (2 tập) do Trung tâm Học Liệu Bộ Quốc gia Giáo dục VNCH in và phát hành mà hầu như SV Văn khoa ngành Việt Hán và Sử Địa đều có. Riêng Việt Nam sử lược là tác phẩm tham khảo chính cho những nhà biên soạn Sử Việt (và cả sách giáo khoa) như Phan Khoang, Phạm Văn Sơn, Nguyễn Thế Anh… sau này có biết thêm Một cơn gió bụi và Luân lý giáo khoa thư nữa. Vài tháng trước, biết vợ tôi hay đọc sách Phật, một đứa cháu lại tặng dì cuốn “Phật giáo”, ngay trang trong có thêm hàng chữ bên dưới: “Trong ba bài diễn thuyết” cũng cùng tác giả, cùng của NXB Đà Nẵng (2002) và trình bày bìa như quyển trước.

Thì ra, học giả Trần Trọng Kim còn viết cả sách Phật!
Tôi chỉ tiếp cận với kinh sách Phật giáo từ sau 1975, lúc đầu qua quyển “What’s the Buddha taught” của Rahula Walpola do Thích nữ Trí Hải dịch, bản tiếng Việt là “Con đường thoát khổ”, (sau này còn thấy trên Ebook (đuôi .prc) có quyển “Đức Phật đã dạy những gì?”). Tôi cho rằng với những người có duyên với đạo Phật, đọc được quyển này là đã có được những hiểu biết rất cơ bản (vì tác giả giảng cho những người châu Âu). Dần dà tôi tìm đến“Đức Phật và Phật pháp” của ngài Narada rồi chuyển sang “Phật học phổ thông” (thời còn in nhiều tập). Ngày ấy, một vị đàn anh và là đồng nghiệp của tôi là một cư sĩ mà đến lúc này tôi vẫn nghĩ là anh khá uyên bác về Phật pháp đã hướng dẫn tôi đọc rất hệ thống, giúp mình những kiến thức từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Mỗi lần gặp thuật ngữ lạ hoặc những vấn đề khó, những đoạn khó hiểu lại đến anh hỏi, có những thứ anh trả lời ngay, có những thứ anh đưa sách để đọc và cũng có những vấn đề vừa trả lời vừa đưa sách. Khi tôi viết những dòng này thì anh đã đi xa nhưng lòng tôi vẫn thầm cám ơn anh, người thầy đầu tiên trong bước đầu giúp tôi học Phật. Sau này, khi đã tạm “đủ lông đủ cánh”, tôi tự bay một mình, đến những phương trời xa hơn, tìm đến Trung bộ kinh, Thiền học và Lão Trang, Huyền học đạo Phật và đạo Thiên Chúa…chưa kể loạt sách của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sau này nhưng nói thật lòng, bây giờ có ai đó hỏi thì chỉ có thể nói qua loa đại khái vì… không nhớ được nhiều. Có thể gọi là “khổ thân” không nhỉ?

Đem quyển Phật lục về, đọc thử, thật ngạc nhiên vì văn phong giản dị và nội dung súc tích của  sách. Đúng như tác giả viết trong “Mấy lời ngỏ cùng độc giả” rằng tác giả “làm ra quyển sách nhỏ này, nói lược qua mấy cái đại ý về đạo cứu thế của nhà Phật cùng cái ý nghĩa thờ phụng chư Phật và chư Bồ tát ở trong chùa, để giúp thêm sự hiểu biết của các tín đồ và họa may có bổ ích được một đôi chút cho những người muốn hiểu biết đại khái đạo Phật là thế nào chăng.”

Sách khổ 13x19cm, 128 trang, 5 chương: I. Thích-Ca Mầu-Ni Phật (trong đó có Thập đại đệ tử) II. Chư Phật (trong đó có nói riêng về A-di-đà-Phật và Dược sư Lưu li quang Phật) III. Chư Bồ tát gồm Di lặc, Quan thế âm, Đại thế chí, Văn thù, Phổ hiền và Địa tạng Bồ tát. IV.Thế gian và thế giới. V. Sự thờ phụng và cách bài trí các tượng ở trong chùa.

Đọc xong quyển này rồi đọc lại lần hai, tôi thấy thật sự bổ ích cho mình dầu rằng mình không phải là đối tượng người muốn hiểu biết đại khái đạo Phật là thế nào như đã dẫn ở trên, những kiến thức tản mác, bàng bạc, cóp nhặt đây đó trong một thời gian dài nay được sách hệ thống hóa, vừa bổ sung vừa chỉnh đốn những chỗ trước đây chưa hiểu hoặc hiểu sai nhất là hai chương IV và V mà hiểu biết và hình dung của mình khá mù mờ!

Trước đây, đọc Việt Nam Sử lược và Nho giáo tôi thấy sự làm việc nghiêm cẩn của một nhà giáo, một nhà nghiên cứu có trách nhiệm với việc mình làm trước người đọc. Tất nhiên, qua thời gian, qua nhãn quan của từng thời đại và từng chế độ chính trị người ta có thể đồng tình hoặc không đồng tình với tác giả nhưng riêng việc Trần Trọng Kim viết “Phật lục” này thì tôi càng hết sức kính phục về công phu khảo cứu, tìm tòi của tác giả. Một quyển sách viết cách chúng ta gần ¾ thế kỷ (năm 1940) trong điều kiện sách vở, tư liệu và phương tiện kiếm tìm ngày ấy không như bây giờ mà tác giả đã làm được, và làm được bằng một tinh thần nghiên cứu khoa học để thực hiện một mục đích đơn giản như đã dẫn ở trên thì đáng quý biết bao!

Không biết tác giả đã dùng những tài liệu tham khảo nào để viết Phật lục vì cuối sách không có trang thư mục (tham khảo) nhưng qua việc dò từng trang trong 128 trang sách, tôi thấy ông đã dùng đến 8 quyển sách và 15 quyển (bộ) kinh* khi trích dẫn. Tác giả cũng đã cẩn thận dùng phương pháp khảo chứng thông qua kinh truyện ở Tàu, ở Tây Tạng, ở Sri Lanka, ở Mianma để xác định năm giáng thế của Đức Thích-ca mầu-ni Phật (tr.9). Ở chương III: Chư Bồ tát, tác giả đã giải thích căn nguyên cội nguồn của danh xưng Quan thế âm Bồ tát, lý do tại sao người đời vẫn gọi là Phật bà và quan điểm của ông về vấn đề này (tr.65). Tôi cũng  rất thú vị khi được biết rõ vì sao tượng chư Phật và chư Bồ tát thường ngồi hoặc đứng trên tòa sen (chương V, tr.105) và ý nghĩa cổng Tam quan trước các chính điện ở các chùa, cái mà ngày xưa mình cứ nghĩ đơn giản rằng chẳng qua chỉ là…cách trang trí (trong lúc “tam quan” ở đây là ba điều cần xem xét rõ trong đạo Phật: không quan, giả quan và trung quan).

Ở “Phật giáo trong ba bài diễn thuyết” (mà nxb Đà Nẵng chỉ ghi bìa sách là Phật giáo!) đều là những bài giảng về Phật pháp phù hợp với những đối tượng Phật tử là trí thức lẫn bình dân. Đó là Phật giáo đối với cuộc nhân sinh diễn thuyết tại chùa Quán sứ Hà Nội ngày 17.3.1935, Thuyết Thập nhị nhân duyên của Phật giáo cũng tại chùa Quán sứ ngày 11.01.1936 và Phật giáo tiểu thặng và đại thặng chỉ viết xong nhưng chưa thuyết trình. Sách cũng đúng 128 trang nhưng tác giả dành 16 trang cho 3 phụ lục ** và 4 trang cho Từ giải (giải thích từ) mà ở Phật lục không có vì tác giả đã chú thích cuối mỗi trang. Vả lại, vì đây chỉ là bài diễn thuyết trong khi ở Phật lục, vì là sách đọc nên các khái niệm, tên người, tên kinh sách đều được viết bằng chữ Việt (phiên ra âm Việt), chữ Hán và chữ Phạn bằng mẫu tự La tinh. Đủ thấy công phu đầu tư của tác giả đáng trân trọng đến mức nào.

Trong bài diễn thuyết đầu tiên của Trần Trọng Kim mà tôi được đọc, không hiểu có phải vì hội đủ duyên hay vì cách diễn đạt của tác giả mà tôi có thể đi đến chỗ rốt ráo của một vài vấn đề mà trước đây tôi…ngờ ngợ? Dầu bởi lý do gì thì tôi vẫn thấy vui và cần viết lại!

Tính từ bài diễn thuyết đầu tiên đến nay đã 80 năm, do đó, một số từ (gọi tên) không như thời đại chúng ta, ví dụ: Cõi ta bà tác giả viết là Cõi sa bà; tì kheo-> tỉ khưu;  thừa (trong Đại thừa, Tiểu thừa) -> thặng;  phái Tịnh độ -> phái Tĩnh thổ, tiếng Phạn -> tiếng Phạm; cây Sala -> cây Ba-la; tam  muội (miệu) tam bồ đề -> tam-diểu tam bồ- đề. Những chỗ này, tôi nghĩ, nếu người biên tập chịu khó chú thích bên dưới thì sẽ giúp đỡ cho người đọc hiểu dễ  hơn (thay vì trong trang 4 của cả hai quyển đều ghi tên người biên tập nhưng có lẽ họ chỉ sao y quyển cũ!).
Tác giả Thái Kim Đỉnh trong bài viết nhan đề “Lệ thần Trần Trọng Kim 1883-1953: Học giả và chính khách” *** nói rằng nhà xuất bản Tân Việt – Sài Gòn đã ấn hành các tác phẩm Phật lục, Phật giáo thuở xưa và Phật giáo ngày nay, và Phật giáo trong Ba bài Diễn thuyết của ông, tiếc là tôi chưa có cơ hội đọc được tác phẩm thứ nhì để xem nhận định của Trần Trọng Kim thế nào?

Để kết luận bài này, như một chút lòng trân trọng tri ân tiền bối, xin ghi lại những đánh giá về Trần Trọng Kim tôi đọc được sau đây:
-“Trần Trọng Kim được đánh giá là một học giả uyên thâm cả tân họccựu học, là người tận tụy cho ngành giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ 20…Tác phẩm Việt Nam sử lược được đánh giá là một trong những quyển sử Việt Nam có phong cách ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu, được tái bản nhiều lần” (Từ điển Wikipedia tiếng Việt).
- Nguyễn Lang, trong Việt Nam Phật giáo sử luận: “Những bài khảo cứu của Trần Trọng Kim cho ta biết là… ông đã để ra rất nhiều thì giờ để khảo cứu và học hỏi về Phật giáo. Ông đã nghiên cứu về các tông phái Đại thừa và Tiểu thừa, về thế giới quan và nhân sinh quan của đạo Phật. Ông cũng đã phiên dịch Bát Nhã tâm kinh từ Hán văn ra Quốc ngữ. Nhà xuất bản Tân Việt – Sài Gòn đã ấn hành các tác phẩm Phật lục, Phật giáo thuở xưa và Phật giáo ngày nay, và Phật giáo trong Ba bài Diễn thuyết của ông. Phật lục là một tập sách phổ thông về Phật học… Phật giáo thuở xưa và Phật giáo ngày nay có ba chương… nói về Phật giáo Tiểu thặng và Phật giáo Đại thặng, … về Phật giáo nước Tàu, … và … về Phật giáo ở Việt Nam, lại có một phần phụ lục dịch “Trì danh Diệu Hạnh luận” và “Sơn cư bách vịnh” và “nhiều bài Diễn thuyết rất vững chãi về Phật học”. “Trần Trọng Kim đóng góp không những về phần nghiên cứu và phổ biến Phật học mà còn về phần tổ chức của Hội Bắc kỳ Phật giáo nữa” (trích dẫn bởi Thái Kim Đỉnh, bđd).
-  Đánh giá về tác phẩm của Trần Trọng Kim, nhà văn, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan có nhận xét: “Đọc tất cả các văn phẩm của Trần Trọng Kim, người ta thấy tuy không nhiều, nhưng quyển nào cũng vững vàng chắc chắn, không bao giờ có sự cẩu thả. Ông có cái khuynh hướng rõ rệt về loại biên khảo; chỉ đọc qua nhan đề các sách của ông, người ta cũng có thể thấy ngay hết lịch sử đến đạo Nho, đến đạo Phật, rồi lại đến mẹo luật tiếng Việt Nam. Ông là một nhà giáo dục, nên những sách của ông toàn là sách học cả. Văn của ông là một thứ văn rất hay, tuy rất giản dị mà không bao giờ xuống cái mức tầm thường; lời sáng suốt, giọng lại thiết tha, như người đang giảng dạy. Lối văn ấy là lối văn của một nhà văn có lòng thành thật” (Nhà văn hiện đại – 5 tập, H.1940). (trích dẫn bởi Thái Kim Đỉnh, bđd).

Chú thích: * Sách và kinh Trần Trọng Kim đã dùng để trích dẫn:
A. SÁCH: 1. Phật bản hành 2. Tì lại gia tạp sự   3. Thủ hoa  4. Phó pháp tạng  5. Tây vực ký  6. Phật tổ thống ký  7. Tứ đại luận  8. Bi tạng kí.
B. KINH: 1. Đại phạm thiên vương vấn Phật  2. Tăng nhất A hàm  3. Lăng nghiêm  4. Phật thuyết A Di đà  5. Bi hoa  6. Đại đi đà  7. Dược sư Lưu ly quang như lai bản nguyện  8. Pháp hoa  9. Đình thủy  10. Quan vô lượng thọ  11. Phóng bát  12. Địa tạng bản nguyện  13. Liên hoa tam muội (chưa kể những kinh tác giả không dùng để trích mà chỉ giới thiệu)
**Ba phụ lục trong sách Phật giáo trong ba bài diễn thuyết: 1. Các tông trong Tiểu thặng và Đại thặng  2. Bát nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh  3. Nghĩa tiếng kiếp trong Phật giáo.
*** http://vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/le-than-tran-trong-kim-1883-1953-hoc-gia--chinh-khach

12 nhận xét:

  1. Tôi cũng có quyển Phật lục của Trần Trọng Kim, đọc đã khá lâu. Một người khác cũng viết khá nhiều sách về Phật giáo mà trước đây tôi không ngờ tới, là Quốc vụ khanh thời Đệ nhị Công hòa Mai Thọ Truyền. Cụ Trần Trọng Kim là một nhà Nho, cũng là một Tây học uyên bác, như Đào Duy Anh... Thời gần trăm năm về trước, mà các cụ này đã viết những quyển sách có giá trị, bây giờ máy ai sánh được. Thời các cụ ấy muốn viết gì việc đi tìm tài liệu tham khảo thôi đã khó khăn rồi.

    Còn Nguyễn Lang viết quyển Việt Nam Phật giáo sử luận là Nhất Hạnh. Tôi phải công nhận thời Pháp họ đào tạo được những nhà trí thức đúng nghĩa trí thức.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN chỉ nghe nói cụ Mai Thọ Truyền là một Phật tử thuần thành, một chính khách từ thời Ngô Đình Diệm có viết sách về Phật giáo nhưng chưa có duyên đọc bác ạ. Thầy Nhất Hạnh mà sao lại ký là Nguyễn Lang hả bác NHP? Hay là khi ấy ngài chưa xuất gia?

      Xóa
    2. Vậy tôi muốn in sách này ra được không mọi người

      Xóa
  2. Các anh đọc sách Phật nhiều thiệt, coi chừng thành... Phật sống hết đó nhe! Giáo giỡn chơi chút chứ sách Phật thì Giáo chịu thua, chỉ thích chạy qua mấy anh đọc bài dễ trôi hơn đọc sách! hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN có rất nhiều người bạn là con chiên của Chúa nhưng am hiểu về Phật giáo còn hơn những Phật tử quy y đã lâu giao ơi!

      Xóa
  3. Bác HN đề cập đến một nhân vật mà bu tui cực kì kính trọngvà cảm phục. Mỗi lần đọc lại hồi kí của ông bu tui xót xa nghĩ đến bọn bồi bút ngậm máu phun người quy ông là tay sai Nhật là phản quốc.
    Với Bu Kiệt tác của ông là VIÊT NAM SỬ LƯỢC tóm tắt những gì cốt lõi nhất lịch sử nước nhà từ Thượng cổ thời đại cho đến khi Pháp sang. Tra khảo điều gì thì tìm đến Trần Trọng Kim nhanh hơn bơi trong Đại Việt Sử Kí toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục…Ngay từ năm 1919 khi viết sách ông đã xem kỉ Hồng Bàng là không xác thực, 18 đời vua Hùng chiếm mát 2000 năm là không đáng tin…Tác phẩm đáng đọc thứ hai là bộ Nho giáo, tuy nó không thâm trầm đáo để bằng Khổng học đăng của Phan Bội Châu nhưng là công sức tâm huyết của một học giả mà hậu thế thế nể phục.
    Cụ Trần Trọng Kim có nghiên cứu Phật giáo ở mức “Sơ lược đại ý về đạo cứu thế của Phật cùng ý nghĩa thờ phụng chư Phật và chư Bồ tát trong chùa” (Phật lục)
    Trong số học giả nghiên cứu Phật giáo ở VN thì bu đánh gía cao bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897 – 1969). Quê ông ở Quảng Nam, làm bác sĩ y khoa, những năm tập kết ra bắc ông ngồi tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) biên dịch và luận giải bộ Kinh cực hay THỦ LĂNG NGHIÊM đã tái bản đến lần thứ tám.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu nhắc đến "hồi kí" của Trần Trọng Kim có lẽ muốn nói về "Một cơn gió bụi"? HN khi đi học cũng nghe các giảng viên ở trường đôi lúc nói về cụ nhưng không hề có ý chỉ trích hay chê bai mà cái chính là kính phục, kính phục về con người về tầm hiểu biết về tấm lòng với dân tộc và một số đóng góp của cụ khi tham chính. Riêng tác giả Nguyễn Mạnh Hùng trong "Nhìn lại sử Việt" cũng có vài chỗ không đồng tình với cụ, việc này HN không nắm chính xác nên không dám bàn. HN cũng có nghe nhiều người ở Đà Nẵng nói về bác sĩ Lê Đình Thám nhưng chưa biết về bộ kinh ông dịch và luận giải mà bác Bu nói. Cám ơn đã góp thêm cho bài này một số thông tin bổ sung khá cần thiết bác nhé!

      Xóa
    2. Vào gúc gồ bác sẽ gặp đoạn này

      Trong những năm ở Bắc, ngoài ngày giờ làm việc cho nhà nước, ông đến chùa Quán Sứ để dịch kinh và giảng kinh, hướng dẫn việc tu học giúp nhà chùa. Kết quả của những năm tháng dày công quả vì đạo pháp và dân tộc ấy còn được thể hiện qua các kinh sách uyên thâm như:
      1. Kinh Thủ Lăng Nghiêm. 2. Luận Nhơn Minh 3. Đại Thừa Khởi Tín Luận 4. Bát Thúc Qui Củ tụng. 5. Phật Học thường thức. 6. Bát Nhã Tâm Kinh. 7. Lịch sử Phật giáo Việt Nam và Phật Tổ Thích Ca. 8. Tâm Minh - Lê Đình Thám tuyển tập (gồm 5 tập).
      Đời người là vô thường, ông đã ngộ lý ấy và đã bình thản ra đi ngày 23-4-1969 (nhằm 7-3 âl, năm Kỷ Dậu), sau khi đã đàm đạo lần cuối cùng với Hòa thượng Đôn Hậu, tại bệnh viện Việt - Xô, Hà Nội, thọ 73 tuổi và 42 năm phụng sự Tam Bảo.
      Để ghi nhớ những công lao của một cư sĩ ưu tú của Phật giáo, chư vị Tôn Đức Giáo phẩm Thừa Thiên-Huế đã tạc một bức tượng bán thân cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám trong khuôn viên Tổ đình Từ Đàm, Huế. Có thể nói đây là vị Cư sĩ duy nhất từ trước đến nay có vinh hạnh lớn được chư vị Tôn Đức quý mến và dựng tượng tưởng niệm.
      -------------
      Trong phần giới thiệu kinh Thủ Lăng nghiêm có nói ông được Thủ tướng Trần Trọng Kim mời ra làm bộ trưởng bộ y tế..

      Xóa
    3. Vậy mấy cuốn sách kinh của cụ tìm ở đâu vậy bạn

      Xóa
  4. Tôi có một quyển sách viết về Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, ông được nhiều người kính trọng, nhà văn Nguyên Ngọc cũng có bài viết về ông, tôn vinh ông như một nhà văn hóa và nhân cách lớn. Ngoài quyển Từ điển Hán Việt ông cũng viết, dịch nhiều kinh sách Phật giáo, cuộc đời của ông một đời theo đảng nhưng cũng rất long đong.

    Khi đọc nhiều hồi ký, bút ký, nhiều sách mới thấy những người thực sự trí thức, giỏi của đất nước một thời bị đối xử chẳng ra gì, thật tiếc cho đất nước.

    Trả lờiXóa
  5. Trong lòng mình cụ Lệ Thần là một bậc hiền triết như các hiền triết học trò của Đức Khổng vậy (như thầy Tử Lộ, Nhan Uyên, Tăng Tử, v.v...) Ông không phải là thánh nhân, nhưng xứng đáng được coi là hiền nhân (chữ Hiền của bậc Thánh, bậc Hiền chứ không đơn giản là hiền lành đâu). Mình rất thích sách của ông, cả chụt năm qua mình ra sức sưu tập hết những sách do ông viết mà đến gìơ vẫn chưa tìm hết được...

    Trả lờiXóa
  6. Vậy cho hỏi mấy cuốn sách kinh của Lệ thần Trần Trọng Kim muốn tìm sách đó ở đâu vậy mọi người

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter