27/3/14

Nhạc Trịnh Công Sơn trong cuộc sống đời thường.



 (Để tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân ngày giỗ thứ 12 của ông, 01.4.2014)

Hiếm có một nghệ sĩ nào ở Việt Nam mà khi qua đời được nhiều người tiếc thương,  nói về, viết về nhiều đến như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn! 
--> Read more..

16/3/14

IKEA




Nhiều bài viết của các trang web du lịch Việt Nam khi giới thiệu về các tour du lịch Thái Lan hay câu trả lời của nhiều người đi du lịch ở đất nước này về đều có chung câu : Bangkok là thiên đường mua sắm có lẽ không sai khi nói về sự phong phú đa dạng, độ tinh xảo, độ bền, hình thức mẫu mã và giá thành không cao của hàng hóa ở đây.
 Bangkok có nhiều trung tâm mua bán tấp nập khách hàng ra vào, nhiều shopping mall như  Centre World, Siam, Tesco Lotus, Emporium, Pantip, Home Pro, MBK…, chợ bán hàng sỉ  Pratunam, chợ trời Chatuchak rộng mênh mông bất tận đi cả ngày không hết nhưng tôi nghĩ có lẽ ấn tượng và thú vị nhất với tôi là khu Mega Bangna. 

Tọa lạc trên một khuôn viên khá rộng lớn cách trung tâm Bangkok chừng 8km ở Bangna, Mega Bangna là một tổ hợp các siêu thị lớn do liên doanh giữa Siam Future Development PLC, Ikano Pte. Ltd. Và S.P.S. Global Trade. Sự liên kết này là sự pha trộn giữa phương pháp quản lý và bán hàng tốt nhất của địa phương và quốc tế: kho tàng kinh nghiêm điều hành và khai thác các trung tâm bán hàng của Thái và kinh nghiệm quốc tế qua sự hợp tác với Ikano, tổ chức điều hành mạng lưới bán lẻ ĐNÁ của IKEA theo mô hình Ikea toàn cầu với hơn 300 cửa hàng ở 36 quốc gia. 

 Mega Bangna quy tụ 5 đối tác nổi tiếng: Major Cineplex, Home Pro, Big C, Robinson và IKEA mà khi bắt đầu đi vào ta đã nhìn thấy từ xa các hàng chữ trên như khi đến METRO ở Việt Nam. Với một không gian đậu xe 2 gồm tầng sức chứa lên đến 8000 chiếc, nơi đây còn tổ chức một tuyến xe buýt đưa đón khách của IKEA đến trạm Skytrain gần nhất đề vế thành phố nhằm phục vụ giới tiêu dùng không đến bằng xe hơi.          Để giúp khách hàng tiện tìm những thứ cần mua, khu mua sắm này chia thành 9 khu vực: thức ăn, thời trang, dụng cụ thể thao, ngân hàng, hàng hóa và đồ chơi trẻ em, kỹ thuật, dụng cụ gia đình… theo các tên gọi như Mega Food, Mega Fashion, Mega Banking…Mega Lifestyle...

Trong 5 thành viên của Mega Bangna, IKEA là thành viên có gốc từ Thụy Điển, thành lập từ năm 1943 chuyên sản xuất và cung cấp các vật dụng và tiện nghi trong nhà như bàn ghế giường tủ, dụng cụ nhà bếp, ly chén bát đĩa, lọ hoa, hoa tươi, hoa khô… Chiếm một không gian khá rộng lớn một trệt một lầu, IKEA phục vụ khách hàng khá chu đáo mặc dầu sử dụng một lực lượng nhân viên không đông đảo lắm là điều khiến tôi thích thú nhất khi nghĩ rằng điều này làm giảm chi phí và giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ.

Người Việt Nam có câu “Sống cái nhà, già cái mồ”để nói về tầm quan trọng của căn nhà đối với người sống thì IKEA cũng giới thiệu về những mặt hàng trang bị trong nhà trên trang web của mình đơn giản và ý nghĩa như sau: “Home is the most important place in the world. A personal space and comforting spot where family and friends gather, where children learn and grow. It is a place where everyone is welcome to just hang out every day. IKEA helps to create a better everyday life at home for many people.”
Một vài loại hoa vải bán ở IKEA.

Tại cửa đi vào khu trưng bày hàng, có một nơi để sẵn những túi xách lớn bền chắc kiểu túi ở METRO (sẽ trả lại khi tính tiền) và xe đẩy nhỏ để khách đựng hàng, có nơi để bản đồ bố trí hàng hóa, thước dây bằng giấy và bút chì gọt sẵn (chiều dài bằng ½ bút chì thường); thước để khách đo bàn ghế, tủ kệ, salon chọn thứ phù hợp với yêu cầu về kích cỡ của mình, bút chì để ghi mã số hàng hóa dùng đối chiếu khi lấy hàng ở kho. Tôi chỉ có thể nói là khu này rộng mênh mông bất tận và để khách hàng khỏi đi lạc hoặc quay lại nơi đã qua, người ta đã lát dưới sàn những mũi tên chỉ đường. Tôi đã đến đây ba lần nhưng không biết là đã đi qua những nơi nào và ai đi qua khu bàn ghế và salon, mỗi khi mỏi chân là ngồi nghỉ ở thoải mái các ghế nệm, các xích đu hoặc có vài cháu nhỏ nằm thử ở các giường nệm trưng bày làm hàng mẫu. Có những gian hàng bố trí một nhà bếp mẫu, một phòng khách mẫu, hay một phòng ngũ, phòng đọc sách mẫu…
Phút nghỉ ngơi khi chân đã mỏi!



Sau khi đi hết khu trưng bày nói trên, khách ra đến khu ăn uống, thức ăn có một số món nấu theo khẩu vị Thụy Điển và phần nhiều là món ăn Thái. Khách nhận một xe đẩy nhỏ ba tầng, mỗi tầng đặt vừa một cái khay nhỏ, đến một dãy dài hình chữ U bán thức ăn, phía trên là tên món ăn, hình ảnh và giá thành để khách tùy nghi chọn lựa, mua món nào nhân viên giao món đó bỏ vào khay, lấy xong ra quày tính tiền. Trong bill tính sẵn tiền nước uống (25 THB), uống thứ nào tùy khách chọn lựa ở một quày tự động gần các bàn ăn gồm Coca, Pepsi, Sprite, nước ép dâu, nước ép dưa hấu, café, trà, uống bao nhiêu tùy thích…có sẵn ống hút, đá viên, các gói nhỏ muối, tiêu, đĩa nhỏ đựng tương ớt, sauce cà chua…Hơn tám chục bàn ăn bố trí khắp phòng rộng mênh mông và tùy số lượng người mà chọn bàn hai, bốn hay sáu người hoặc hơn nữa. Ăn xong, khách tự giác dọn chén bát đĩa đem đến nơi quy định và phân loại, sắp xếp để nhân viên bỏ vào máy rửa.
Khách hàng với xe đẩy thức ăn
Quày nước giải khát

Rất nhiều bàn ăn dành cho khách
Nơi khách trả chén bát sau khi phân loại.
So với các food court ở Bangkok, thức ăn ở đây rất ngon nhưng giá cả rất mềm vì không tốn chi phí phục vụ và ngay cả việc chọn nơi này bán thức ăn cũng là một tính toán kỹ lưỡng, đây là nơi cuối cùng trước khi khách xuống tầng dưới nơi bán chén bát đĩa lọ bình hoa, khung hình, hoa vải, hoa tươi, chậu cây cảnh…và nhận hàng hóa cồng kềnh như bàn ghế, tủ, kệ rồi ra quày thanh toán. Việc nhận hàng hóa cồng kềnh cũng là một điểm cần ghi nhận, ở đây cũng không hề có nhân viên phục vụ, căn cứ trên mã số hàng hóa ghi vào giấy sau khi chọn lựa, khách xuống dãy kho nhiều tầng, kệ có ghi số hiệu, hàng đã được đóng gói sẵn để đúng vị trí, khách chỉ lấy bỏ vào xe đẩy, đẩy ra quày tính tiền. 
Nơi khách tự tìm và lấy hàng trước khi tính tiền.
Rời Mega Bangna ra về, lần nào cũng vậy, lòng tôi vẫn tự hỏi như một ước mơ: bao giờ ở Sài Gòn hay Hà Nội có được một nơi thế này?. Rồi lại nghĩ, nếu có được, thì những công ty đầu tư vào  đây cũng sẽ không thể tồn tại được vì dân mình nghèo quá (*)làm gì có thể sắm nổi những hàng hóa ở đây, mà chỉ một ít người giàu thì không thể nào nuôi sống nổi các tên tuổi như Big C, Robinson, chưa nói gì đến IKEA!

____________________________
(*) -Vào năm 2012, thu nhập (GDP) đầu người của Việt Nam là 1.750 USD, xếp thứ 140 trong gần 200 nước lớn nhỏ trên thế giới. Vì dân số tương đối đông nên vị trí của GDP (năm 2012 là 157 tỉ USD) cao hơn nhưng cũng chỉ ở hạng 58. Tại vùng Đông Á hiện nay, GDP đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Cambodia, Lào và Myanmar.
-Theo ADB, từ nay đến năm 2030, Việt Nam phát triển trung bình 7,2%, và GDP vào năm 2030 là 416 tỉ USD, chỉ bằng 40% của Thái Lan, 17% của Indonesia và nhỏ hơn Malaysia và Philippines. (theo GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản:  Việt Nam: Giấc mơ thành quốc gia thượng đẳng?)
-Thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan năm 2012 là 5394 USD (theo Wikipedia) nhưng con số này là 5678 USD theo IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế).






--> Read more..

11/3/14

NHƯ LÀ...CÚNG ĐẤT.




Cuối tháng tư năm ngoái, tôi viết entry “Đại hội thường niên”(*)  kể chuyện họp mặt cư dân chung cư nơi chúng tôi đang sống, dungNobita post comment như sau: "Giống cầu an hàng năm, kiểu cúng đất nhà miềng, hơn là .... đại hội!". Nghĩ lại thấy có lý nhưng vì không thấy “cúng” nên tôi trả lời là không cúng!

Nay thì chắc chắn là dungNobita đúng rồi!. Thứ 5 tuần trước, Khun Mai (người đã được tôi nhắc đến 2 entry trong blog của mình) khi đến làm việc có mời cả nhà tôi Chúa Nhật đến nhà cô “dự một họp mặt giống như năm ngoái tổ chức ở tầng trệt chung cư, có ăn buffet vào buổi trưa” (nguyên văn lời cô nói bằng tiếng Anh).

Từ lâu, tôi vẫn muốn đến thăm nhà cô như là một thâm nhập thực tế để biết phần nào cuộc sống của một người Thái từ tỉnh về Bangkok sinh sống nên tôi nghĩ dịp này đến là thuận tiện nhất. Cô mời rất nhiệt tình  nhưng tôi vẫn ngại ngùng nên hỏi cô mời những ai, có mời những gia đình nơi cô đến làm việc như chúng tôi không và nghi thức thế nào?...Cô trả lời là chỉ gia đình tôi, vài người bạn, vài láng giềng bà con và các sư đến làm lễ, tất cả không quá ba chục người lớn nhỏ. Cô bảo cô xem chúng tôi là bạn, chúng tôi như là gia đình của cô, thật cảm động, và tôi hứa sẽ sắp xếp để đến.

Chúa nhật, lúc gần đi có vài việc phải giải quyết nên không thể đi như giờ dự kiến - dầu rằng từ thứ 7, khi đến IKEA Bangna, vợ tôi và con gái đã chọn mua quà cho cô trước - và việc tìm nhà hơi khó nên không đến kịp khi lễ bắt đầu.

Gia đình hai chị em gái và một người anh của cô tất cả 10 người cùng thuê chung một căn hộ một trệt hai lầu 8x8m trong một khu có 5 căn liền nhau mặt tiền một con đường rộng 6m. Khi chúng tôi đến nơi, ngoài hiên có một số thanh niên đang ngồi chắp tay trước ngực nghe tiếng tụng kinh từ trong nhà vọng ra. Năm vị sư đang ngồi thằng góc nhau ở phía trái nhà, nơi này có lẽ trước đây là nơi tiếp khách, trên tường là hình ảnh các vị Phật, bên dưới căng một tấm drap màu dệt như thổ cẩm làm phông, bên trong có một bàn thờ Phật, nơi có hai bình hoa sen, hai cây nến và một bình nhỏ cắm nhang đang cháy. Cách trang hoàng và bố trí không khác khi tôi dự lễ này năm ngoái nơi tôi ở, cũng có một dây cotton to và chắc hơn sợi chỉ giăng vòng quanh bờ tường vào trong nhà đến nơi làm lễ, cuộn dây còn lại đặt ngay bàn thờ Phật. Vợ chồng tôi, vợ chồng con gái và hai anh cháu ngoại vào bên trong và xếp bằng, chắp tay ngồi nghe các sư tụng kinh.
Bàn thờ bên phải sư, nhìn kỹ hình có thể thấy dây cotton

Chuẩn bị dâng thức ăn cho các sư
 Đây là lễ cầu an cho gia đình (người Thái gọi là Khỏo pôn) được thực hiện bởi các sư Theravada đối với tất cả các gia đình người Thái theo đạo Phật, kiểu cúng đất của người Việt nhưng không có thời gian cụ thể mà chủ nhà chọn một ngày nào thuận lợi trong năm (trong lúc ở một vài điạ phương của Khánh Hòa như Diên Khánh, Ninh Hòa có  tháng cụ thể hay lễ cúng đất mà vài nơi ở trung Trung phần VN gọi là “cúng Tạ thổ” và người thực hiện lễ cúng này là các thầy cúng, thầy phù thủy). Theo phong tục nhiều gia đình theo đạo Phật và thờ cúng ông bà ở Việt Nam, mỗi khi nhà có cúng bái, giỗ kỵ ngoài mâm cúng người quá cố ở bàn thờ tổ tiên còn một mâm ngoài trời để cúng cô bác (gồm thổ thần thổ địa, âm hồn cô hồn và  các vong linh tiền khuất), ngoài ra người Việt Nam còn dành ngày tết Trung nguyên (rằm tháng 7) làm ngày “xá tội vong nhân” cầu siêu cho những người đã chết, đặc biệt là các oan hồn uổng tử trong lúc người Thái cúng đất cúng nhà chỉ một ngày trong năm, mọi việc giỗ chạp đều thực hiện ở chùa. Vào dịp tết Dương lịch hoặc Tết cổ truyền (Songkran) người Thái chỉ tổ chức ăn uống, vui chơi, du lịch.

Sau khi các sư tụng kinh xong, gia đình bày thức ăn trước mặt các sư, mọi người lại đọc theo các sư từng câu ngắn hiểu như lời cầu nguyện, cám ơn Trời Đất đã cho các phẩm vật để nấu mâm cơm dâng sư rồi mời các sư dùng bữa. 
Chụp hình kỷ niệm với Khun Mai khi các sư dùng bữa
Xong bữa ăn trưa là gia chủ dâng lễ vật gồm tiền (trong bì thư), một bó hoa, và một xô nhỏ đựng sữa, đường, mì gói, xà phòng…tùy theo khả năng tài chánh và tấm lòng của chủ nhà. Nhận lễ vật của gia đình xong, sư chủ trì làm phép rãy nước cho tất vả mọi người tham dự như là ban sự may mắn và “làm phép” cho hai chị em chủ nhà khi ra về.
Dâng quà cho các sư

 Bữa tiệc dọn ở trước hiên cho trẻ em và thanh niên, phía trong cho người nhà và phụ nữ, nơi các sư vừa ăn xong cho khách mời. Gia đình chúng tôi ngồi ở mâm này.
Cứ ngỡ là ăn chay nhưng lại là ăn mặn với thức ăn gồm tám món ăn kèm cơm và bún. Các món đều ngon, vừa miệng nhưng cay, đúng đặc trưng của các món ăn Thái. Riêng tráng miệng thì có chừng 4 loại bánh và 4 thứ trái cây, tất cả đều do người nhà chế biến.
Bữa tiệc thịnh soạn với nhiều món ngon miệng.

Điều chúng tôi rất tâm đắc vì thấy rất gần với phong tục Việt Nam đó là giống đám tiệc ở thôn quê, khách đến dự đều được tặng quà là thức ăn hoặc trái cây đem về và tôi cũng thấy người nhà bưng ra ngoài ba mâm thức ăn, hỏi thì được trả lời là biếu hàng xóm. Tiếc là chưa được dự một đám kiểu này của người thành phố để xem có khác gì?

Đến với gia đình Khun Mai, nhìn cách cô ân cần chào đón, lăng xăng ra vào, mời nước mời trái cây, mời từng món ăn cứ như người thân lâu ngày gặp lại, thật vui!  Quan sát đồ đạc và cách bài trí trong nhà, nhìn các bức hình về các tượng Phật, hình Quốc vương và Hoàng hậu ở những vị trí trang trọng, nhìn cách các thành viên cư xử với nhau, chúng tôi rất mừng!  Đó là những người dân tỉnh, lên thành phố đã vài chục năm, sống lương thiện, đồng tiền kiếm ra do mồ hôi nước mắt, chịu khó làm việc, có tín ngưỡng và kính trọng Hoàng gia, riêng Khun Mai là người nghiêm túc, làm việc siêng năng và nhiệt tình kể cả sẵn sàng cưu mang người thông gia cao tuổi nhiều năm liền, họ xứng đáng được hưởng những đáp trả xứng đáng từ một đấng linh thiêng mà họ sùng kính (nếu có) và từ cuộc đời đem đến cho họ. Âu đó cũng là những ơn phước và thiện duyên họ nhận được trong cuộc đời.

Cám ơn Khun Mai đã tạo cơ hội để tôi được biết thêm những vấn đề cần và muốn biết trong thời gian ngắn ngủi tôi được sống ở đất nước dễ thương này.

--> Read more..

5/3/14

Tháng ba.



1. Nhà văn Vũ Bằng khi di cư vào Nam đã gửi thương nhớ của mình về bà Nguyễn Thị Quỳ, người vợ yêu dấu của ông nhiều nhất trong “Thương nhớ mười hai”. Mỗi tháng trong mười hai tháng, ông đều mô tả về cảnh vật, thời tiết, lễ hội…ở miền Bắc và những kỷ niệm với bà. Tháng ba: “Rét nàng Bân”, Vũ Bằng kể chuyện nàng Bân đan áo cho chồng và nhân đó, nhắc nhớ những kỷ niệm ngày xưa. Có những câu mà người đọc có cùng tâm trạng không thể nào không xúc động:
“…Em ơi, em ơi, nhắc lại như thế thì nhớ quá. Nhớ cũng đúng vào cữ tháng ba như thế này, vạn năm đã xa xôi, chúng ta cùng nhịn đói đi xem tung còn mà bụng thấy no, phải không Quỳ?”
và: “Ở Tuyên thành, bây giờ em có lần nào trở lại xem hội tung còn ngày trước nữa không? Phải chi én nhạn biết nói tiếng người như trong truyện thần tiên, thể nào ta cũng cậy chim, cậy cá nói nhỏ vào tai người yêu một câu thương nhớ và xin với nàng ghi dạ đừng quên:
- Người yêu ơi! Nếu có dịp xem hội tung còn, em nhớ khâu còn và cũng tung thử vài hội xem sao nhé. Tung thử để bói xem trời để cứ mông mênh thế này thì đôi ta biết có còn giữ được mối tình tư quy lúc bẻ cành liều ở chân gò Mả Đỏ?”
Nhưng đó là chuyện của những năm trước và trong thập niên 50, viết lại từ nữa sau thập niên này của thế kỷ trước.
2. Bây giờ, đã là giữa thập niên thứ nhì thế kỷ sau, tháng ba đến mà lòng người đa đoan ngỗn ngang nhiều thứ nhưng nhiều nhất trên báo chí là những đề tài về phụ nữ nhân ngày Quốc tế phụ nữ 08.3.
Đã có quá nhiều chủ trương, chính sách, văn bản của nhà nước “bảo vệ” và “chăm lo” cho phụ nữ, nhiều bài diễn văn “tôn vinh phụ nữ” vào những ngày 08.3, 20.10 nhưng việc áp dụng thực tế hoàn toàn mang tính hình thức, vài lần thì bỏ qua nhưng quá nhiều lần trong nhiều năm dẫn người ta tới suy nghĩ đây là trò lừa mị, đây là những cái bánh vẽ và xa hơn, những thủ đoạn để bóc  lột phụ nữ nhiều và tinh vi hơn.
Đọc trên www.baomoi.com  thấy  tin các bà Mai Kiều Liên CEO Vinamilk, bà Nguyễn Thị Mai Thanh  CEO của tập đoàn cơ điện lạnh REE  và bà Nguyễn Thị Nga  Chủ tịch SeABank có tên trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực của Châu Á năm 2014 được tạp chí Forbes bình chọn. Vui.
Đọc trên blog Cu làng cát  bài “Những chú em, cô em của các ông lớn” kể chuyện “cô em tinh thần” của Dương Chí Dũng cựu TGĐ Vinalines tặng “một ông anh” của Dũng cả  triệu đô la sau khi Dũng biếu ông anh này  510.000 đô la, rồi chuyện “cô em kết nghĩa” của ông Trần Văn Truyền cựu Tổng thanh tra nhà nước đã làm cho ông ta một cơ ngơi ở Sài Gòn, ông này giao lại cho con dâu, lại về Bến Tre xây tặng ông ngôi biệt thự. Buồn.

3. Tháng Ba, tháng kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ, tôi cứ bâng khuâng hoài một câu hỏi từ rất lâu chưa có lời giải đáp: Vì sao chuyện bình đẳng giới không thực hiện được và tình trạng bạo lực gia đình vẫn tràn lan ở Việt Nam  khi mà những đứa cháu bà con tôi ở quê cũng như ở phố bị chồng hành hạ gần như hằng ngày dầu không là đứa hư thân mất nết mà còn lam lũ làm ăn, lo cho chồng con, lo cả gia đình chồng chỉ vì không đưa tiền chồng đi đánh bài, uống rượu?. Chừng như công an, chính quyền vô cảm trước chuyện này và chỉ can thiệp khi trong địa phương có ai đó dám đi biểu tình chống “người lạ” xâm lược hay đụng đến uy tín “đồng chí X”!
Trên blog “Tôi thích đọc”,  đăng lại một bài đăng đã khá lâu trên Vienamnet “Đàn ông trí thức lại càng tàn nhẫn” của Nguyễn Hiền (Thanh Xuân – Hà Nội) kể chuyện gia đình mà tác giả là nạn nhân, tôi nghĩ đây là những tâm sự không hề cường điệu. Cũng là vấn đề bạo hành nhưng không “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” mà là bạo hành tinh thần bằng trí tuệ, kinh khủng hơn nhiều!. Trong một trường hợp khác, nạn nhân là một đồng nghiệp cũ của tôi, vợ chồng đều là những người có chữ nghĩa, có lối sống nghệ sĩ, nghề nghiệp ổn định nhưng dăm bữa nửa tháng là cô nàng báo bệnh hoặc đến cơ quan với mặt mày thâm tím, tôi biết họ khi họ mới vừa có đứa con đầu lòng – người vợ phải chịu đựng sự bạo hành trong nhiều năm chỉ vì  chồng mặc cảm gia đình nghèo so với gia đình vợ, lại ghen bóng ghen gió khi cô vợ tương đối dễ nhìn, quảng giao,  thêm một chút bay bướm – cho đến khi đứa con vào lớp 9 mới ly hôn.
4. Tháng ba, những bức xúc về thảm trạng của các cô gái Việt lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, vì đói nghèo nhưng không thích hoặc không tìm được việc làm bị bán đi làm nô lệ tình dục bên Tàu và nhiều nước Đông Nam Á gợi lại khi đọc được trên blog của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh bài viết “Lao động Việt Nam thua  trâu Úc” khi anh viết: “Xuất qua vùng Tây Bắc VN 222 con trâu để giết thịt mà đích thân thủ hiến tiểu bang Bắc Úc qua tận nơi để xem xét trâu có khỏe mạnh không, được chăm sóc ra sao và bị giết có đúng theo quy định của Úc hay không. Đây là lô hàng đầu tiên đến vùng Tây Bắc VN trong số gần 2.200 con trâu được xuất sang VN trong năm nay…trong khi VN xuất đi mỗi năm mấy vạn lao động đến khắp nơi trên thế gới nhưng chưa thấy ông quan nào của VN đi đến tận nơi xem dân mình được đối xử ra sao”.
Thủ hiến Adam Gile của vùng Bắc Úc (trong chuyến đến VN lần này) nói rằng: “"Việc giết mổ tiến hành đúng với quy trình đã được chính phủ Úc có phê duyệt, đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu về quyền của động vật".
Trong tuần lễ này, chắc rằng những tiệm bán quà tặng, quần áo, vải vóc, nước hoa, son phấn… shopping mall khắp các thành phố sẽ đông khách, các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại sẽ bội thu, cuối tuần những shop hoa tươi, quán café, nhà hàng sẽ đông khách. Liệu có mấy ai nhận quà, nhận tin nhắn hay cuộc gọi chúc mừng, có mấy ai ngồi ăn uống ở các nhà hàng  có những suy nghĩ… lẩn thẩn như tôi viết ở trên?

Tôi vẫn tự nhủ lòng, cố gắng sống thế nào để trong 365 ngày của một năm ngày nào cũng là 14.02, 08.3, 20.10… rồi sắp đến đây, 20.3 sẽ còn thêm một ngày nữa: ngày Quốc tế Hạnh phúc. Vì thế, nếu có ai hỏi: Anh có quà gì cho vợ nhân mùng tám tháng ba?,  câu trả lời của tôi sẽ là: “Quà tôi dành tặng mẹ, chị, vợ, con gái, con dâu và những thân quen (thuộc female) của tôi năm nay là …bài viết này!”
--> Read more..

3/3/14

“Tưởng rằng đã”…yên!



 Thứ  7 vừa qua, có tin lực lượng biểu tình chống chính phủ tạm quyền của nữ Thủ Tướng Yingluck sẽ dọn dẹp các lều trại, chướng ngại ở nhiều nơi trong thành phố như  khu Royal Palace trên đường Ratchadamnoen, Sukhumvit, Asok…để dời tất cả về khu Lumpini Park, công viên lâu đời và rộng lớn nhất Bangkok.
Suốt ngày thứ 7, không  có những đoàn xe diễu hành trên đường Rama IV. Mọi người thở phào, giảm các khu vực nhằm “phong tỏa và đóng cửa thành phố”  này sẽ đồng nghĩa với việc giảm các vụ nổ bom, lựu đạn, giảm các cuộc “đấu súng”, hệ quả sẽ là bớt thương vong cho thường dân và những người trong cuộc! Với  phần lớn dân chúng, sinh hoạt thường ngày như đi làm, học tập, buôn bán sẽ bình thường lại và thuận lợi hơn hết là bớt kẹt xe vốn là chuyện xãy ra thường ngày ở Bangkok và gần đây, kẹt xe cả trên đường cao tốc!.
Người ta vui vẻ và yên tâm chờ đợi đến đầu tuần nhưng chiều chúa nhật trên đường Rama IV chạy qua Lumpini Park về phía Trung tâm Hội nghị Quốc gia Sirikit đã hình thành hai lô cốt dã chiến: một trên lể đường sát  chung cư Amanta Lumpini có hai dãy căn hộ 17 & 44 tầng và một trước Lumpini Tower, khu căn hộ và văn phòng 34 tầng nơi ngân hàng Krungsri làm văn phòng ở mặt tiền. Hai lô cốt chỉ cách nhau chừng 150m nhưng hình như có chức năng khác nhau, mỗi lô cốt có chừng một tiểu đội lính, quân phục rằn ri nhưng lô cốt đầu binh sĩ trong tình trạng sẵn sàng tác chiến với mũ sắt, súng ống đạn dược và lô cốt sau binh sĩ không trang bị vũ khí mà chỉ có các túi và dụng cụ cứu thương.
Lô cốt dã chiến trước Amanta Lumpini


Lô cốt cứu thương trước Lumpini Tower
Giữa hai lô cốt này có một cầu cho người đi bộ qua đường, trên thành cầu xếp các bao cát như các ụ chiến đấu.
Ụ chiến đấu bằng bao cát giữa cầu dành cho người đi bộ qua đường.
Sáng nay, thứ hai, trong thời gian cách nhau chừng một giờ có hai đoàn xe chạy qua, mỗi đoàn được dẫn dầu bởi một xe tải (10-15 tấn) không mui, rất đông người trên xe hô khẩu hiệu hoặc mở máy phóng thanh, phía sau có hơn hai chục  xe pick up, tất cả đều có người, trang bị cờ, biểu ngữ  từ phía công viên đi về hướng đường cao tốc Bangna- Don Mueng. Có vẻ đoàn diễu hành bằng xe này là một sự biểu dương lực lượng của phe biểu tình sau hai ngày im ắng?. Từ trên cao nhìn xuống, những xe máy chay cùng hướng với đoàn xe chạy nhanh hơn rất nhiều để vượt qua đoàn xe này. Chừng như người ta sợ có…nổ súng!. Những người đi bộ trên lề đường qua các lô cốt cũng không còn vẻ thong dong hằng ngày mà vội vã, vội vã hơn rất nhiều và thoáng hiện nét lo âu trên mặt.
Khi tôi viết những dòng này thì binh lính đang chất bao cát phiá bên kia đường, đối diện với lô cốt trước Amanta Lumpini, chưa rõ là làm lô cốt dã chiến hay ụ chiến đấu?
Vài binh sĩ đang đứng bên cạnh những bao cát.
Chưa biết sẽ xãy ra những gì tiếp sau, điều chắc chắn là sinh hoạt bình thường ở khu này đã thấy xuất hiện  những…bất thường!


PS:Khi bài này lên khuôn thì từ tầng 39 nhìn xuống nơi có những bao cát bên kia đường (hình trên) đã hình  thành một lô cốt dã chiến!
   
--> Read more..

Flags..


Flag Counter