11/3/14

NHƯ LÀ...CÚNG ĐẤT.




Cuối tháng tư năm ngoái, tôi viết entry “Đại hội thường niên”(*)  kể chuyện họp mặt cư dân chung cư nơi chúng tôi đang sống, dungNobita post comment như sau: "Giống cầu an hàng năm, kiểu cúng đất nhà miềng, hơn là .... đại hội!". Nghĩ lại thấy có lý nhưng vì không thấy “cúng” nên tôi trả lời là không cúng!

Nay thì chắc chắn là dungNobita đúng rồi!. Thứ 5 tuần trước, Khun Mai (người đã được tôi nhắc đến 2 entry trong blog của mình) khi đến làm việc có mời cả nhà tôi Chúa Nhật đến nhà cô “dự một họp mặt giống như năm ngoái tổ chức ở tầng trệt chung cư, có ăn buffet vào buổi trưa” (nguyên văn lời cô nói bằng tiếng Anh).

Từ lâu, tôi vẫn muốn đến thăm nhà cô như là một thâm nhập thực tế để biết phần nào cuộc sống của một người Thái từ tỉnh về Bangkok sinh sống nên tôi nghĩ dịp này đến là thuận tiện nhất. Cô mời rất nhiệt tình  nhưng tôi vẫn ngại ngùng nên hỏi cô mời những ai, có mời những gia đình nơi cô đến làm việc như chúng tôi không và nghi thức thế nào?...Cô trả lời là chỉ gia đình tôi, vài người bạn, vài láng giềng bà con và các sư đến làm lễ, tất cả không quá ba chục người lớn nhỏ. Cô bảo cô xem chúng tôi là bạn, chúng tôi như là gia đình của cô, thật cảm động, và tôi hứa sẽ sắp xếp để đến.

Chúa nhật, lúc gần đi có vài việc phải giải quyết nên không thể đi như giờ dự kiến - dầu rằng từ thứ 7, khi đến IKEA Bangna, vợ tôi và con gái đã chọn mua quà cho cô trước - và việc tìm nhà hơi khó nên không đến kịp khi lễ bắt đầu.

Gia đình hai chị em gái và một người anh của cô tất cả 10 người cùng thuê chung một căn hộ một trệt hai lầu 8x8m trong một khu có 5 căn liền nhau mặt tiền một con đường rộng 6m. Khi chúng tôi đến nơi, ngoài hiên có một số thanh niên đang ngồi chắp tay trước ngực nghe tiếng tụng kinh từ trong nhà vọng ra. Năm vị sư đang ngồi thằng góc nhau ở phía trái nhà, nơi này có lẽ trước đây là nơi tiếp khách, trên tường là hình ảnh các vị Phật, bên dưới căng một tấm drap màu dệt như thổ cẩm làm phông, bên trong có một bàn thờ Phật, nơi có hai bình hoa sen, hai cây nến và một bình nhỏ cắm nhang đang cháy. Cách trang hoàng và bố trí không khác khi tôi dự lễ này năm ngoái nơi tôi ở, cũng có một dây cotton to và chắc hơn sợi chỉ giăng vòng quanh bờ tường vào trong nhà đến nơi làm lễ, cuộn dây còn lại đặt ngay bàn thờ Phật. Vợ chồng tôi, vợ chồng con gái và hai anh cháu ngoại vào bên trong và xếp bằng, chắp tay ngồi nghe các sư tụng kinh.
Bàn thờ bên phải sư, nhìn kỹ hình có thể thấy dây cotton

Chuẩn bị dâng thức ăn cho các sư
 Đây là lễ cầu an cho gia đình (người Thái gọi là Khỏo pôn) được thực hiện bởi các sư Theravada đối với tất cả các gia đình người Thái theo đạo Phật, kiểu cúng đất của người Việt nhưng không có thời gian cụ thể mà chủ nhà chọn một ngày nào thuận lợi trong năm (trong lúc ở một vài điạ phương của Khánh Hòa như Diên Khánh, Ninh Hòa có  tháng cụ thể hay lễ cúng đất mà vài nơi ở trung Trung phần VN gọi là “cúng Tạ thổ” và người thực hiện lễ cúng này là các thầy cúng, thầy phù thủy). Theo phong tục nhiều gia đình theo đạo Phật và thờ cúng ông bà ở Việt Nam, mỗi khi nhà có cúng bái, giỗ kỵ ngoài mâm cúng người quá cố ở bàn thờ tổ tiên còn một mâm ngoài trời để cúng cô bác (gồm thổ thần thổ địa, âm hồn cô hồn và  các vong linh tiền khuất), ngoài ra người Việt Nam còn dành ngày tết Trung nguyên (rằm tháng 7) làm ngày “xá tội vong nhân” cầu siêu cho những người đã chết, đặc biệt là các oan hồn uổng tử trong lúc người Thái cúng đất cúng nhà chỉ một ngày trong năm, mọi việc giỗ chạp đều thực hiện ở chùa. Vào dịp tết Dương lịch hoặc Tết cổ truyền (Songkran) người Thái chỉ tổ chức ăn uống, vui chơi, du lịch.

Sau khi các sư tụng kinh xong, gia đình bày thức ăn trước mặt các sư, mọi người lại đọc theo các sư từng câu ngắn hiểu như lời cầu nguyện, cám ơn Trời Đất đã cho các phẩm vật để nấu mâm cơm dâng sư rồi mời các sư dùng bữa. 
Chụp hình kỷ niệm với Khun Mai khi các sư dùng bữa
Xong bữa ăn trưa là gia chủ dâng lễ vật gồm tiền (trong bì thư), một bó hoa, và một xô nhỏ đựng sữa, đường, mì gói, xà phòng…tùy theo khả năng tài chánh và tấm lòng của chủ nhà. Nhận lễ vật của gia đình xong, sư chủ trì làm phép rãy nước cho tất vả mọi người tham dự như là ban sự may mắn và “làm phép” cho hai chị em chủ nhà khi ra về.
Dâng quà cho các sư

 Bữa tiệc dọn ở trước hiên cho trẻ em và thanh niên, phía trong cho người nhà và phụ nữ, nơi các sư vừa ăn xong cho khách mời. Gia đình chúng tôi ngồi ở mâm này.
Cứ ngỡ là ăn chay nhưng lại là ăn mặn với thức ăn gồm tám món ăn kèm cơm và bún. Các món đều ngon, vừa miệng nhưng cay, đúng đặc trưng của các món ăn Thái. Riêng tráng miệng thì có chừng 4 loại bánh và 4 thứ trái cây, tất cả đều do người nhà chế biến.
Bữa tiệc thịnh soạn với nhiều món ngon miệng.

Điều chúng tôi rất tâm đắc vì thấy rất gần với phong tục Việt Nam đó là giống đám tiệc ở thôn quê, khách đến dự đều được tặng quà là thức ăn hoặc trái cây đem về và tôi cũng thấy người nhà bưng ra ngoài ba mâm thức ăn, hỏi thì được trả lời là biếu hàng xóm. Tiếc là chưa được dự một đám kiểu này của người thành phố để xem có khác gì?

Đến với gia đình Khun Mai, nhìn cách cô ân cần chào đón, lăng xăng ra vào, mời nước mời trái cây, mời từng món ăn cứ như người thân lâu ngày gặp lại, thật vui!  Quan sát đồ đạc và cách bài trí trong nhà, nhìn các bức hình về các tượng Phật, hình Quốc vương và Hoàng hậu ở những vị trí trang trọng, nhìn cách các thành viên cư xử với nhau, chúng tôi rất mừng!  Đó là những người dân tỉnh, lên thành phố đã vài chục năm, sống lương thiện, đồng tiền kiếm ra do mồ hôi nước mắt, chịu khó làm việc, có tín ngưỡng và kính trọng Hoàng gia, riêng Khun Mai là người nghiêm túc, làm việc siêng năng và nhiệt tình kể cả sẵn sàng cưu mang người thông gia cao tuổi nhiều năm liền, họ xứng đáng được hưởng những đáp trả xứng đáng từ một đấng linh thiêng mà họ sùng kính (nếu có) và từ cuộc đời đem đến cho họ. Âu đó cũng là những ơn phước và thiện duyên họ nhận được trong cuộc đời.

Cám ơn Khun Mai đã tạo cơ hội để tôi được biết thêm những vấn đề cần và muốn biết trong thời gian ngắn ngủi tôi được sống ở đất nước dễ thương này.

12 nhận xét:

  1. Môt cách tiếp cận văn hóa của người Thái thật tuyệt vời của bác HN. Gia đình bác có cô bạn Khun Mai hay lắm. :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dầu rất muốn đi xa hơn, tìm hiểu sâu hơn nhưng mình không có điều kiện và trở ngại lớn nhất là rào cản ngôn ngữ bác NHP ơi!

      Xóa
  2. Tôi có thời gian ở gần người Kheme tại VN nên thấy lễ bái cũng na ná như người Thái , có điều nghèo hơn nhiều .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhìn chung GDP/pc của người Thái đối với khu vực là cao, cao hơn nhiều so với người Khơ Me, có lần HN đi Pnompenh, Xiêm Rệp cũng thấy dân CPC còn quá nghèo bạn DN ơi.

      Xóa
  3. Rất thú vị anh ạ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh HHP rất nhiều về chia sẻ này.

      Xóa
  4. Bây giờ thì đi chơi Thái với anh HN nè! hehe...

    Trả lờiXóa
  5. Cám ơn đã đi cùng giao ơi! Hihi.

    Trả lờiXóa
  6. Họ cũng giống mình ở chỗ cúng kiến xong thì bày tiệc và mang thức ăn hoa quả biếu hàng xóm anh HN nhỉ . Biết thêm tập tục của người dân nước khác cũng hay lắm (-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có nhiều nét văn hóa, phong tục họ rất gần với người VN, HN chỉ tiếc là chưa dự những gặp gỡ tương tự ở những nhà khá giả xem thế nào MB ơi.

      Xóa
  7. Tới xứ lạ được tham dự vào những sinh hoạt trong gia đình người bản xứ là thích thú nhất!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mà đúng là thích thật Nô ơi! Khi ông sư có vẻ chức lớn nhất trong 5 người làm phép cho hai chị em chủ nhà xong đi ra cửa, HN ngồi ngay đó khều khều chân ông, chỉ vào dầu mình ra dấu, ông đứng lại và làm phép lâu hơn. Những người có mặt ai cũng vui và nói là HN sẽ lucky. Hihi.

      Xóa

Flags..


Flag Counter