1/3/16

TÌNH ANH LÍNH CHIẾN (*).




1. Hai năm cuối tiểu học và bắt đầu vào trung học, khi đã bắt đầu biết nghe nhạc, tôi không thích bài hát này. Từ ấu thơ, tôi đã nghe anh chị ở nhà chơi đàn mandolin và hát những bản nhạc tiền chiến mà nhạc điệu và ca từ trong cảm nhận mơ hồ và non nớt của tôi ngày ấy là “không chê vào đâu được”!: Hòn Vọng phu, Bến cũ, Thiên Thai, Trường ca sông Lô, Hoài cảm…Do vậy, nghe bài này cũng như nghe Bức tâm thư của Lam Phương, “Vài hàng gửi anh trìu mến…đi quân dịch là thương nòi giống”, như nghe Lối về xóm nhỏ của Trịnh Hưng, “Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca, ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà…”.Lên sinh viên, những bài hát này chúng tôi liệt vào dòng nhạc lính, nhạc sến!
Vài năm trước cho đến lúc này, bài này tôi hát nhiều, lâu lâu hát lại, chàng con rễ bảo “Ông bố rền rỉ nhạc sến hoài!”. Khi hát, tôi nói với vợ lý do và kể cô ấy nghe những kỷ niệm gắn bó với mình. Đó là sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương: “Tình Anh Lính Chiến”.Thật lòng thì hồi tiểu học tôi không hiểu nổi câu đầu: “Xuyên lá cành trăng lên lều vải”, chưa bao giờ đi trại, có nghe ai nói đến cái lều bao giờ, làm gì đã biết đến “Uncle Tom’s cabin” của Harriet Beacher Stowe và cứ tưởng “lá cành” là… danh từ, có lúc nghĩ cái cành đâm xuyên khóm lá!
Học đệ thất, nghe kể thầy Võ Hành dạy Lý Hóa ở trường thương chị Xuyên học đệ tứ. Hồi đó nữ sinh đệ tứ lớn lắm. Thế là anh chị lớp lớn nhại rằng “Xuyên với Hành thương nhau nhiều quá!.
Thời sinh viên, tôi trọ học ở Cư xá sinh viên Huỳnh Thúc Kháng của hội Ái hữu Đồng châu Quảng Nam dành cho SV trong Quảng ra Huế học. Năm 1973, một trận bão lụt không lớn nhưng cũng làm hư hại nhiều nhà dân ở các quận Duy Xuyên, Đại Lộc (hồi đó không gọi là huyện như bây giờ). Ở Duy Xuyên, nặng nhất là vùng gần Trà Kiệu, thánh địa ngày xưa của vương quốc Champa. Sinh viên cư xá chúng tôi về đó giúp dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa,vườn tược và nhận tôle, cement, tiền của ty Xã hội Quảng Nam về phân phát cho đồng bào. Cùng đi với chúng tôi có cả các bạn dân Quảng ở cư xá Nam Giao, Đội Cung, trường Cán sự Y tế, trường Nữ Hộ sinh Quốc gia Huế làm thành một đoàn hơn ba mươi người.

Sau mấy ngày hăng say làm việc với tinh thần thiện nguyện, chúng tôi khá bằng lòng với thành quả của mình và chiều cuối cùng xuống Hội An để sáng hôm sau về lại Huế. Tối, tổ chức đêm lửa trại chia tay các bạn ở các cư xá khác. Không cắm trại nhưng một đống lửa đốt ngay trên bãi cỏ ngoài sân ty Xã hội Quảng Nam cũng tạo được cái không khí bập bùng làm giảm cái se lạnh của những ngày cuối Đông năm ấy. Và ở đây, đến cuối buổi sinh hoạt, nếu hát bài Shalom Severim hay Rời tay phút chia ly, bạn ơi vui lên nhé thì cũng… vô cùng thích hợp!. Anh Chủ tịch Cư xá cũng là trưởng đoàn tổng kết chuyến đi cứu trợ, cám ơn các bạn tham dự đợt này rồi chúng tôi cùng  hát, những bài dân ca, những bài hát cộng đồng phổ biến ngày ấy.
Đang ngồi thành vòng tròn vừa vỗ tay vừa hát tôi nghe có ai vỗ vai mình từ phía sau. Ngoái đầu nhìn lại, đứng sau tôi là Hồng Vân cười và nói nhỏ vào tai tôi: “Mai nếu đời ngăn chia ngàn lối, đừng quên nhé những ngày bên nhau Q. nhé!”. Vân nói cả thành lời lẫn bằng mắt. Cái tâm trạng những ngày vui, sống hết mình với công việc và bạn bè đã qua và phải chia tay, thật buồn. Tôi lặng người, cầm tay em bóp nhẹ và gật đầu. Có thể nói gì hơn trong lúc này và mọi lời nói đều thừa hoặc không cần thiết.
Hồng Vân dân Hội An gốc, học năm cuối NHSQG, khuôn mặt sáng rưng, đôi mắt to, tròn và  biết nói. Những dịp sinh hoạt chung trước đó chúng tôi quen rồi thân nhau nhưng chỉ dừng lại ở liên hệ bạn bè vì lúc đó tôi đang có người yêu. Không thể kết luận đều này chở theo tín hiệu gì nhưng tình cảm tự nhiên và chân thành của Hồng Vân làm tôi rất xúc động.  

Ra trường, chúng tôi mất dấu nhau cho đến bây giờ nhưng “những ngày bên nhau” thì khó quên được dầu “đời (đã) ngăn chia ngàn lối”. Bài hát theo tôi những khi nhớ về kỷ niệm thời đi học đã qua gần nữa thế kỷ.
Kỷ niệm riêng tư, không kể làm gì nếu không có một việc khác liên hệ đến bài viết này.
2.  Năm 2014 tập 1 của cuốn sách Ride The Thunder (A Vietnam War Story Of Honor and Triumph) của Richard Botkin, bản Việt dịch của nhóm 4 dịch giả Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hoàng Diệu và Trịnh Bình An tựa đề là Cưỡi ngọn sấm (Một câu chuyện về vinh dự và chiến thắng trong cuộc chiến Việt Nam) xuất bản ở Mỹ (**).Chuẩn tướng James Joy TQLC Hoa Kỳ đã về hưu viết trong lời tựa như sau: “Câu chuyện của hai người chiến binh vĩ đại (đại úy Riply và thiếu tá Lê Bá Bình, hai nhân vật chính có thật của quân chủng TQLC) cùng phục vụ cho một mục đích chung thật là hiển nhiên. Nếu đã có thêm nhiều người như Lê Bá Bình thì chắc chắn kết quả của cuộc chiến đã khác hẵn”. Đại tướng Walter E. Boomer TQLC Hoa Kỳ hồi hưu cũng viết trong lời giới thiệu cuốn sách này “…”Cưỡi ngọn sấm” là một câu chuyện xứng đáng được chia sẻ với các thế hệ tiếp nối của nước Mỹ, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp họ hiểu được cái giá mà cha ông họ phải trả nhằm bảo tồn nền tự do mà ngày nay họ đang được hưởng”.

Sau 12 năm bị tù ở VN, Lê Bá Bình định cư ở Mỹ. Trong lễ nhận huy chương Silver Star của TQLC Mỹ, “huy chương cao quý nhất dành cho quân đội đồng minh về những công trạng ngoài mặt trận”, Bình gặp, quen biết và trở thành bạn thân của tác giả, cũng là cựu thiếu tá TQLC.
Chuyện của Bình là niềm phấn khích để tác giả bỏ thì giờ sưu tầm tài liệu về chiến tranh VN, phỏng vấn hàng trăm nhân vật liên quan và đi thực tế ở VN nơi xãy ra các trận giao tranh đề cập đến trong tác phẩm. Có lẽ nhờ vậy nên tôi hơi bất ngờ khi đọc được ở chương 3, tập 1 (Đại úy Ripley- Đại đội Lima) trang 57, 58, 59 nói về nền âm nhạc cận đại VN thời đó, như một người trưởng thành yêu thích âm nhạc và sống ở miền Nam. Tác giả viết: “Từ năm 1962 trở về sau, âm nhạc được phát triển cùng với nhịp độ ngày càng gia tăng của cuộc xung đột. Giọng ca ủy mỵ và diễn xuất tuyệt vời của Hoàng Oanh trong bản “Tình Anh Lính Chiến” (The Love of a Fighting Man) được biết đến và ghi khắc trong lòng của mỗi quân nhân cũng như những phụ nữ đang chờ đợi họ. Trong bài hát, người lính đi chiến đấu ngoài mặt trận và người yêu thì ở lại hậu phương. Trong màn đêm, chàng trai ngắm trăng tròn và tự hỏi, giống như mọi chiến binh khắp nơi, không biết người yêu có đang ngắm cùng một vầng trăng với mình hay không?”.
Ở một đoạn khác, tác giả khen ngợi thêm: “Đối với những người Mỹ yêu nước thuộc thế hệ xưa, những người thích trung sĩ Barry Sadler với bài “Ballad of the Green Berets” nếu như họ biết thì có lẽ “Tình Anh Lính Chiến” sẽ hấp dẫn và quen thuộc với họ hơn”.

Về giòng nhạc miền Nam 1954- 63, các tác giả đã đề cập trong nhiều bài viết nhưng mang tính chuyên môn, có hệ thống và giá trị khái quát cao thì tôi chưa đọc được. Dù sao thì những gì Richard Botkin đề cập đến trong Ride The Thunder cũng giúp độc giả ngoại quốc và cả người Việt thế hệ sau biết thêm về chế độ Cộng Hòa, cách riêng, nền nhạc Việt giai đoạn đó.
Với những người miền Nam sinh vào thập niên 1940-50, được đọc tác phẩm này  là được sống với những năm tháng hào hùng, được nhắc nhớ những kỷ niệm về những người lính của một binh chủng oai hùng: Thủy Quân Lục Chiến. Tác phẩm đáng được làm tài liệu tham khảo khách quan của một tác giả ngoại quốc cho những ai nghiên cứu quân sử sau này. Với người viết, đây là một bản anh hùng ca rất đáng dành thì giờ để đọc.

(*)Bài viết này đã đăng trên tuongtri.com

(**) Trang tuongtri.com đã đăng nhiều kỳ từ đầu tháng 6/2015. Tập 2 đã phát hành đầu năm 2016. “Cưỡi ngọn sấm” cũng đã được đạo diễn Fred Coster dựng thành phim chiếu ra mắt tại Wesminster, CA 3/2015.

--> Read more..

12/2/16

Du Xuân

"Xuân du phương thảo địa” (Thôi Hiệu)


“Du Xuân” là chữ chị Thúy Hà, giảng viên Đại học Chulalongkorn dùng khi gửi thư mời tôi và một số bạn đi viếng Làng Mai ở Thái Lan. Năm ngoái và năm nay, chị đều tổ chức cho một số du SV Việt Nam ở Thái Lan không về quê ăn Tết đi thăm nơi tu hành theo Pháp môn Làng Mai của thầy Nhất Hạnh.
Làng Mai ở đây thành lập năm sáu năm trước, khi “bọn côn đồ xã hội đen” phá phách và gây rối ở tu viện Bát Nhã Lâm Đồng thành lập trước đó không lâu. Lúc đầu, các sư thầy tá túc tạm ở một trang trại của một gia đình đạo hữu, chỉ mua đất và định cư ở nơi mới này ba năm trước. Làng Mai gần và trên đường đi Công viên Quốc Gia Khao Yai, một thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Thái Lan, cách Bangkok hơn 200km.
Khởi hành từ hơn 5h sáng mùng hai âm lịch tại điểm hẹn, đoàn chúng tôi gồm hơn 30 người đi trên một xe bus du lịch 54 chỗ. Chỉ có 3 khách mời lớn tuổi là tôi và hai chị khác, còn lại là các du sinh viên của Đại học Chulalongkorn, các đại học Thammasat, Mahidol, Khon Khen và Học viện Công Nghệ Thông Tin châu Á (AIT) học lấy bằng Cao học và Tiến Sĩ, trong đó có một số đã làm việc và giảng dạy ở các đại học trong nước.


Xe bus 45 chỗ chở đoàn đi,

Với chị Hồ Thu, người Pháp gốc Việt hiện sống ở BKK.

Trong xe bus.

Là người thường tổ chức sự kiện, chị Thúy Hà và anh Lac, chồng chị, lo cho đoàn khá chu đáo từ việc liên hệ trước với Làng để sắp xếp chương trình đến ăn uống nhẹ trên xe buổi sáng và cả việc tập cho đoàn các bài hát để sinh hoạt ở Làng. Chương trình dự kiến gồm “bói Kiều”, coi múa Lân, đến chúc Tết các ni sư và thăm viếng vài nơi trong khuôn viên 15-16ha của làng.


Vừa xuống khỏi xe bus lúc 9h.

Đến nơi hơn 9 giờ, lên thiền đường đã thấy các sư chuẩn bị sẵn sàng. Mọi người có cả tăng ni cùng đảnh lễ Phật và bắt đầu nghi thức bói Kiều mà sư chủ trì giới thiệu “là việc làm thuộc về truyền thống dân tộc, tích hợp kinh nghiệm tổ tiên, kiến thức tâm lý và Phật học nhằm chuyển hóa khổ đau cho bá tánh”. Truyền thống Làng Mai chú ý đến thanh tịnh trong mỗi bước đi, từng hơi thở nên người xin quẻ từ chỗ ngồi đi xuống cuối phòng rồi khoan thai đi lên nơi đặt chuông đồng, đảnh lễ Phật, vịn tay vào chuông, lâm râm khấn nguyện điều muốn biết và lấy ngẫu nhiên từ chuông một phong bì. Phong bì in câu Kiều mà người xin bốc được và các Ni, Sư sẽ giải đoán.


Trên đường vào thiền thất.

Chị Thúy Hà, người tổ chức chuyến đi.

Toàn cảnh thiền đường.

Có một chị từ Phan Rang đến, một ni sinh người Đức, ba du SV trong đoàn xin quẻ bói. Điều rất ngạc nhiên là tất cả 10 câu Kiều từ quẻ rất phù hợp với điều 5 người cầu cần biết! Chị Mộng Cầm ở Phan Rang có ước mong sẽ “lan tỏa một công việc chị thực hiện từ 3 tháng nay rất có lợi cho cộng đồng”, hỏi có thể được không và xin lời khuyên. Câu Kiều chị nhận được là “Ngày Xuân em hãy còn dài/ Mừng nào lại quá mừng này lớn chăng?”. Cô ni sinh người Đức xin cụ Nguyễn Du bày cho “phép thực tập hành thiền thế nào để nương tựa chính mình và đạt nhiều tiến bộ”. Cô bốc được câu “Thấy lời thủng thỉnh như chơi/ Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân” Các du SV còn lại đều xin lời khuyên về việc học, về hoàn cảnh gia đình, về hôn nhân dị giáo… Có một điều không thể không thừa nhận là các ni, sư là giảng viên của Làng giải thích và lồng vào giảng pháp khiến số đông chúng tôi rất bằng lòng và khâm phục. Tuy vậy, tôi cũng hỏi các sư rằng Đức Phật dạy chúng sanh phải nương tựa vào mình thì làm sao có việc “bói” và rằng vì sao các câu trong quẻ là ghép? (Ví dụ quẻ của chị Mộng Cầm ghép hai câu 731 và 2940, của ni sinh người Đức ghép hai câu 1589 và 1080). Có một sư giải thích trước toàn thể và một sư khác giải thích riêng. Cả hai lời giải thích giúp tôi tạm bằng lòng vì không có giờ để… tranh luận!


Cô tu sinh người Đức thành tâm và khoan thai đến nơi xin quẻ Kiều.

Đặy tay lên chuông và lâm râm khấn điều cầu xin.

Làng có hơn 200 ni sư, gồm cả giảng viên và tu sinh đến tu học. Giảng viên từ Làng Mai ở Pháp về, tu sinh phần lớn là người Việt. Ngoài ra còn có người Thái, châu Âu và vài quốc tịch khác. Thỉnh thoảng Làng tổ chức các khóa tu một, hai tuần cho tín đồ ở xa. Khóa tu một tuần gần nhất bắt đầu vào ngày mùng 6 âm lịch này cho người Việt.
Nhờ có sẵn Phật tâm, gia đình sùng đạo, lại giảng dạy Phật giáo dòng Anamikaya, chị Thúy Hà có liên hệ thân thiết với Làng từ nhiều năm nay nên khi đến, mọi người đối xử với chị như người nhà. Đoàn đến thăm 4 phòng ở của các ni, mỗi phòng 3 người, nơi nào chúng tôi cũng được đón tiếp nồng hậu và chí tình của các ni. Ngoài bánh mứt, hạt dưa, hạt điều, nước ngọt, mỗi phòng đều được mời một món đặc biệt: Bánh tráng trộn, Bánh ướt, Xúp, Gỏi bưởi, Bánh bột lọc từ chính tay các ni chế biến nhưng hơn hết mọi thứ là tấm lòng và ánh mắt từ ái từ các ni, những lời giảng pháp thật gần gủi và thâm thúy dành cho đoàn. Đó là hình ảnh mà chắc chắn tôi mang theo suốt đời. Dịp này, chúng tôi cũng được may mắn gặp sư bá, Hòa thượng thủ tọa Giác Viên đến chúc Tết các phòng và nghe giảng về việc bảo vệ hành tinh xanh cũng như giữ tình thân ái huynh đệ trong cuộc sống hàng ngày.


Trang hoàng nơi ở của các ni.

Chụp hình kỷ niệm với các ni múa lân.

Các ni chuẩn bị bánh ướt mời khách Bangkok.

Sư cô Dũng Nghiêm (nhà Cây phượng vỹ) tâm tình với đoàn.

Ni sinh người Thái, hát được tiếng Việt và bảo rằng nhờ đọc sách thầy Nhất Hạnh nên biết đến Làng Mai và tim đến xin tu học.

Ở Làng Mai Thái Lan, chúng tôi hưởng một ngày Tết đậm chất Việt khi thấy hoa Mai, hoa Đào trên thiền đường, thấy cảnh trang trí trong Làng, từ cây nêu ngoài vườn cho đến hoa trái từng phòng, quan trọng nhất là nghe lời ca tiếng hát và lời chúc tụng ở phòng các ni cô khi các sư đến thăm và chúc Tết.


Trước thất của Sư Ông mà từ lúc hoàn thành đến nay Sư chưa về được!

Ao ước được đến nơi này đã có trong tôi từ vài năm trước vì vài lần về VN tôi thường nghe bạn bè, học trò cũ đã từng đến đề nghị chúng tôi đến thăm. Nay, nhờ tấm lòng của vợ chồng chị Thúy Hà và bạn bè VN ở Bangkok như chị Thảo, chị Thủy Tiên tôi đến được, được hưởng một ngày Tết thanh bình, được nghe pháp, nghe lòng mình đằm xuống, gạt bỏ bên ngoài những phiền trược đời thường. Tôi nghĩ, đó là hạnh phúc. Còn một hạnh phúc khác trong chuyến đi mà tôi chia sẻ trong lời cám ơn trên xe trước lúc đoàn chia tay: thấy 
những người trẻ, những người học thức có cơ duyên đến gần pháp Phật, tôi thật sự vui mừng cho họ.
Mặc dầu trời nắng nhưng vẫn lạnh se se như thời tiết Sapa, Đà Lạt mùa hè. Trong ấm áp bằng hữu của những người cùng đi và nhận được lòng nhiệt tình, cởi mở của những chủ nhân Làng Mai, mọi người ai cũng cảm nhận được niềm vui của chuyến Du Xuân đầu năm này.

--> Read more..

4/2/16

ĐỌC TRUYỆN NGẮN PHẠM TÍN AN NINH.




Tôi biết đến nhà văn Phạm Tín An Ninh khi đọc truyện của anh lần đầu cách đây hơn 3 năm. (Hồi đó không hiểu sao không thử gõ tên anh trên Google để tìm thêm mà sau này, đọc được một số truyện nữa mới nghĩ ra?).
Vừa rồi, trang tuongtri.com (*) được anh báo qua email cho đăng các truyện trên website chính thức của anh, báo tin hai tập truyện ngắn: “Ở cuối hai con đường” và “Rừng khóc giữa mùa Xuân”vừa xuất bản ở ngoại quốc, tôi nhắn tin xin người cháu ở Mỹ. Không ngờ cháu và tác giả quen biết nhau từ trước, anh ký và viết lời đề tặng vợ chồng tôi. Tôi viết thư cám ơn. Lại nghĩ rằng, để đáp lại điều mà người xưa gọi là “duyên tri ngộ”, tôi ghi lại một số suy nghĩ về truyện anh viết dầu rằng đã có nhiều người làm việc này.

Truyện ngắn đầu tiên của Phạm Tín An Ninh tôi đọc được là “Về cái chết oan khuất của nhạc sĩ Minh Kỳ”, tác giả của hai bài hát về Nha Trang mà tôi say mê từ những năm trung học. Tôi đọc đi đọc lại không biết bao lần. Từ đó, tên tác giả hằn trong tâm trí tôi với sự quý mến đặc biệt vì bài viết vừa mang tính thông tin vừa chia sẻ tâm trạng.

Tiếp tục tìm đọc các truyện ngắn khác của anh, tôi gặp được nhiều truyện rất ấn tượng mà hai trong số đó là “Cậu bé đánh giày người Nghĩa Lộ”“Ở cuối hai con đường” liên quan đến những năm tác giả ở tù ngoài Bắc. Có hai tập truyện trong tay, càng tìm thấy nhiều truyện hay, đánh động sâu sắc lên tâm hồn mình mà ít có nhà văn nào, kể cả những nhà văn nổi tiếng tôi đọc nhiều từ trước đến nay được như vậy. Tôi nghĩ cái chính là do điều mà tôi gọi là “chia sẻ tâm trạng”. Truyện của anh đánh động tâm tưởng mình vì nội dung xoay quanh vết thương tâm hồn của người lính VNCH, quanh niềm căm phẩn vì người bạn đồng minh phản bội để những người lính kiêu hùng của quân đội phải buông súng một cách bất ngờ và đầy tức tưởi. Truyện của anh cũng, nơi này nơi khác, lúc này lúc khác kể về tâm trạng những người Việt Nam xa xứ, mơ một ngày về lại quê hương nhưng quệ hương ngày càng mịt mù và xa tít vì không thấy sự hòa giải dân tộc như nhà nước tuyên truyền trong khi tuổi tác những người vượt biển và đến Mỹ theo diện HO đều trên 70, 80 (“Những đàn chim thiên di”), (“Những điều mơ ước”).

PTAN không viết theo đơn đặt hàng của những người chống cộng ở ngoại quốc mà viết để bộc bạch tâm tư, kể lại những trăn trở của mình trong những tháng năm cầm súng mà “Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm” luôn là lý tưởng hàng đầu, về những tháng năm tù tội và cả sau này, khi sinh sống ở vùng đất tự do. Suốt những tháng năm đó, tình bạn nổi lên rõ nét bao nhiêu thì niềm căm thù của người lính đối với sự phi nhân của cộng sản sau khi chiếm miền Nam cũng rõ nét bấy nhiêu. Tình bạn trong chiến đấu của Trần Công Lam, Đặng Trung Đức, Phùng trong “Người con gái Phú Hòa”, với Lê Minh Thống trong “Đà Lạt trời mưa”, với Di trong “Chiếc nhẫn”, với Lâm Ni trong “Chuyện người bạn học” và bàng bạc trong một số truyện khác đều đẹp vô ngần. Tình bạn giữa Narziss và Goldman trong “Đôi bạn chân tình” của Herman Hess hay tình bạn giữa các nhân vật trong “Chiến hữu” (Les Camarades) của Erich Maria Remarque cũng chỉ đến thế.
Tôi cũng rất cảm phục tấm lòng của một viên hạ sĩ, là tài xế (của Di) đối với của viên sĩ quan chỉ huy ngày xưa của mình trong “Chiếc nhẫn”. Ở đời, rất khó kiếm một người trung thành như Lắm, tên anh, sống ở Cần Thơ nơi có ông chủ nhà giàu Hồng Hương là cơ sở “cách mạng”. Anh đã ba lần giúp đỡ “ông thầy” của mình, lần đầu khi Di vừa bị bắt đưa đến nhà giam, lần tiếp theo khi dắt Hồng (vợ Di) tìm đến trại thứ hai thăm Di, giúp lần thứ ba là ra đến Nha Trang tìm Nguyệt, em gái của Di rồi đón Nguyệt và mẹ vào Cần Thơ để xin đứa con của Di về. Những giúp đỡ trên cùng với việc giấu Hồng, đưa lên Rạch Giá tìm cách để cô ấy vượt biên đã đưa đến cho Lắm một kết cục bi thảm: bị bắt và tra tấn đến chết!.

Đọc PTAN, độc giả còn thấy một sự giằng co, giành giật giữa lằn ranh Quốc – Cộng mà nạn nhân là những nông dân hiền hòa do sự phản bội hiệp định Genève 1954 của chính quyền miền Bắc. Đó là trường hợp của chị Ngà, một lòng sắt son với chồng trong “Chị Ngà”, của gia đình ông bác Hai, vừa nhận bằng liệt sĩ chưa bao lâu thì lo chôn người con cả là sĩ quan QLVNCH về hưu chết vì đói và sốt rét trong tù (“Giòng sông tuổi thơ” tr. 111). Một người khác là ông Năm Giăng có lúc là bác sĩ của cụ Hồ, về thăm quê, chở anh Cả đi thăm mộ của cha mẹ, gia đình, thắp nhang và khấn vái trước cả mộ thằng cháu mới chết. “Đứng trước các mộ bia, ông đều thì thầm với người đã khuất. Nhưng không ai nghe được là ông đã nói điều gì, nhất là với anh em con cháu đã chết dưới tay những đồng chí của ông”.(sđd, tr.111)

Tác giả không nói thẳng nhưng qua những truyện đọc được, dầu đã qua bốn mươi năm, hình ảnh người sĩ quan VNCH, cách riêng, những người xuất thân trừ trường Võ Bị QGVN luôn được nhắc đến với niềm kính phục sâu sắc. Sự kính phục về tư cách, năng lực, tinh thần chiến đấu và nhất là lý tưởng quốc gia nơi họ. Khi mô tả trại tù ở Thượng Sơn, Nghĩa Lộ tác giả viết: “…Và cũng là nơi đã từng nhốt nhiều tù cải tạo từ miền Nam chuyển ra, từ anh binh nhì TQLC bị bắt trận Hà Lào, cho đến hơn ba mươi tướng lãnh mà đa số đã không bỏ rơi đồng đội mình vào giờ thứ hai mươi lăm (“Thằng bé đánh giày…” tr.141) Đặc biệt, truyện ngắn “Những cánh đại bàng qua cơn bão lửa” là bằng chứng hùng hồn nhất về tấm lòng tác giả đối với lớp người này nhân dịp dự họp mặt “Bảy mươi tuổi đời – Năm mươi tuổi lính” của những cựu sĩ quan VBQGVN khóa 17.

Anh PTAN nhiều lần nói với bạn bè, kể cả trong email gửi cho tôi rằng anh không có tham vọng trở thành nhà văn. Điều này có lẽ rất thật. Anh viết như kể chuyện, như ôn lại những quá vãng cả đớn đau lẫn vàng son của mình, không than van, ít trách cứ, cứ như một người ở xa nhìn vào hơn là người trong cuộc dầu cái đớn đau gặm nhắm tâm hồn anh không ít và vết thương quá khứ lâu lâu lại tấy lên mỗi khi có điều kiện tái hiện. Văn anh không trau chuốt, không dụng công như của những nhà văn chuyên nghiệp làm người đọc có cảm giác như anh bất ngờ gặp lại một đồng đội cũ, kéo nhau vào một quán cóc ven đường kể chuyện ngày qua hơn là nghe anh đọc diễn văn trước hội nghị. Và có lẽ chính điều này, chính sự tự nhiên, mộc mạc cùng với những tình tiết bất ngờ, hấp dẫn và lôi cuốn độc giả để cứ muốn đọc hết truyện này qua truyện khác mà không thả sách xuống được.

Tôi cứ ao ước những tên như (bà) Vương Chu Khánh Hà, anh Nguyễn Văn Thà, nàng “Sylvie Vartan” Jacqueline Cuvéro Gauthier, Giáng Vân… là tên những con người thật, kể cả hai nhân vật tác giả đã tự đổi tên theo yêu cầu của họ: Nhất Anh, Nhị Anh là có thật. Có thật để cuộc đời này đẹp hơn, để những người trải lòng với cuộc đời được nhận từ cuộc đời những tưởng thưởng xứng đáng, để người đọc, dầu chưa hề quan tâm gì đến giáo lý nhà Phật thấy được lẽ nhân quả báo ứng, lý vô thường và thuyết nhân duyên. “Trời đất bao la” không dễ gì tác giả gặp lại mộ người yêu xưa khi xe hỏng trong một chuyến đi ngang qua nước Pháp!. Và chỉ có tấm lòng đối với Người bán sách trên bãi biển Nha Trang mà tác giả tìm lại mộ An Bình, cô em gái mà những lần tìm trước ngỡ như vô vọng. Những cơ duyên, những trùng hợp quá bất ngờ để khó tin là thật.

Từ câu nói ngây ngô của Thằng bé đánh giày…: “Bạn đồng đội của chú chắc là những người tốt”, từ lời hứa – rất trịnh trọng – với tác giả là ba thằng sẽ thường xuyên rủ nhau đến nghĩa trang quân đội Biên Hòa khi bốn người ghé thăm trên đường đi Vũng Tàu về, tôi nghĩ đây là một chi tiết tác giả cố ý đưa vào, rất tài tình, làm nên giá trị thật của truyện này. Xếp sách lại, tôi cứ mong rằng, trong một ngày không xa, bản dịch sang tiếng Anh của hai tập truyện sẽ được phát hành rộng rãi để các thế hệ F1, F2 của người Việt ở ngoại quốc hiểu thêm về một thời kỳ đau buồn trong lịch sử Việt Nam, đất nước mà ông bà cha mẹ các cháu phải bỏ đi dầu biết trước phải đối đầu với muôn vàn khó khăn, kể cả cái chết.

Một số kết cục trong các truyện là buồn, tất nhiên, nhưng với lời ghi cuối truyện, như là nói về tâm trạng của mình, tác giả đã giúp người đọc vơi đi những cảm thương lẫn bức xúc. Nhờ đó, truyện của Phạm Tín An Ninh đi vào lòng người nhẹ nhàng, thoải mái và độc giả luôn mong nhờ những sáng tác mới của anh.

(*) bài này đã đăng ở link sau:




--> Read more..

Flags..


Flag Counter