27/8/13

MERIT MAKING (DÂNG VẬT THỰC)


Những năm sau 1975, trong những buổi học chính trị tôi thường nghe báo cáo viên nói nhiều lần, qua nhiều năm một câu (hình như của ngài Thủ tướng Phạm Văn Đồng?):
“Ở Việt Nam, ra ngõ là gặp anh hùng!”. Ngày ấy, tôi ngờ ngợ chuyện này. Hơn một năm sống ở Thái Lan tôi lại nói: “Ở Thái Lan, ra đường là thấy Phật!”. Phật ở đây dĩ nhiên không phải là tượng Phật mà là “tánh Phật”, “tâm Phật” trong mọi con người thuộc đủ mọi giai tầng xã hội, đủ mọi trình độ  khác nhau mà tôi từng tiếp xúc, từ ông cảnh sát nghỉ hưu đến cô giáo đương nhiệm, từ chị dọn quét, lau kính trong chung cư đến anh xe ôm, bác tài xế tắc xi, đến cô manager, đến người bán tạp hóa ở chợ… với tỉ lệ rất cao.

1.
Là một quốc gia mà đạo Phật được công nhận là quốc giáo với  khoảng 95% dân số là Phật tử, ở Thái Lan, đạo Phật đi vào đời sống người dân khá rõ, chùa chiền được xây dựng to rộng ở nhiều nơi, người tu hành được xã hội trọng vọng là nét phổ quát nhất nhưng nếu để tâm quan sát sẽ thấy thêm nhiều chuyện khác mang tính làm chứng rõ hơn:
- Ở nhiều nơi, các văn kiện hành chánh, bích chương, hạn sử dụng  trong nhãn hàng hóa (date) ghi năm theo Phật lịch (2556) thay vì theo Dương lịch (2013).
- Theo nhiều tài liệu tiếng Việt trên các website về đất nước và Phật giáo ở Thái, các công trình giao thông lớn và quan trọng  chính quyền nhờ  Nhà Chùa và Tăng Lữ  giám sát thi công để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình dầu bản thân các chủ thầu cũng là những tín đồ Phật tử thuần thành.
- Mỗi năm có nhiều ngày lễ Phật, các nhà máy, công sở, trường học… được nghỉ .
- Trong những ngày lễ lớn, tín đồ đến chùa rất đông để cầu nguyện, nghe pháp, kinh hành với thái độ trang nghiêm đúng mực, ngày thường thỉnh thoảng cũng có người đủ mọi lứa tuổi đến lễ Phật, cúng dường, đóng góp từ thiện hoặc góp tiền trùng tu chùa chiền. Ngoài hoa trái thường bán ngay lối vào chùa để dâng bàn thờ, Phật tử còn mua y để cúng dường cho sư, gạo, nước tương, nấm các loại, …biếu bếp ăn nhà chùa.
- Trên con đường nhỏ vào trường Patana ở Bang na cách trung tâm Bangkok chừng 20km có một tự viện, vào mỗi buổi sáng  rất nhiều người dân bỏ thức ăn vào bình bát khi sư đi ngang một khu buôn bán ven đường rất trang nghiêm và thành kính!

2.
Mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tại Thái Lan, Công Ty Nestle của Thụy Sĩ  bây giờ là một Công ty đa quốc gia (được biết đến ở VN với các nhãn hiệu hàng hóa như NestCafe, NestTea, Sữa Milo, nước khoáng La Vie…) tổ chức lễ Dâng Vật Thực Cho Sư ngay trước tòa nhà Centre World, trung tâm Bangkok, nơi đặt Head Office của Công Ty. Đây là một nét trong sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của người Thái Lan.

Hơn 7g sáng, việc chuẩn bị đã hoàn thành, có hai hàng bàn dài được xếp ngay thẳng, mỗi hàng 7 dãy ngăn cách nhau bởi các cột lớn, mỗi dãy có 5 bàn, loại bàn học của học sinh cỡ 1m x 0.4m trên đó đặt rất nhiều quà, phần lớn được gói giấy kính thắt nơ vàng lịch sự, trên một số bàn khác đặt rất nhiều cà mèn 3 tầng và hàng trăm chai pet nước khoáng.
Một trong 7 dãy bàn có sẵn quà và nhân viên dâng quà

Các nhân viên Nestle đã sẵn sàng trước các gói quà!
Các nhân viên công ty áo quần trang trọng đứng trước các dãy bàn. Một số đến sau trên tay đều mang theo các bao quà tặng cá nhân.
Những người đến sau đem theo quà tặng cá nhân của mình trước dãy chính giữa
Bên kia đường có  một hàng 15 xe 17 chỗ đang đậu.
Xe chở các sư áo vàng bên kia đường và cà mèn đựng thức ăn
Đúng 7g30, từ phía trái của sảnh có 48 sư theo hàng dọc mặc áo nâu, vừa nâu đậm vừa nâu nhạt từ ngoài đường đi vào. Đây là những sư tu ở ngôi chùa lớn tại khu Siam, khu sầm uất nhất ở trung tâm Bangkok, chùa Wat Pathumwanaram cách nơi tổ chức lễ chừng 300m. Các sư được hướng dẫn đi hàng một đến trước các bàn, nhân viên Công Ty vái chào thành kính rồi trao tận tay sư các món quà. Các sư đi chân đất nên người tặng quà cũng tháo giày dép bỏ ra ngoài (để thấp hơn các Sư)  khi tặng và theo quy định mà tất cả phải tuân thủ, quà hay vật thực chỉ được đặt vào bình bát và khay bạc do chính các sư đem theo. Chỉ là nhận tượng trưng vì sau đó, một số nhân viên gom vào các xe loại đẩy hàng siêu thị giúp đưa về chùa hoặc giỏ cần xé nhựa đem ra xe vì mỗi sư cùng nhận được nhiểu gói quà khác nhau và số lượng giống nhau.
Sư ở Wat Pathumwanaram đang đi bộ vào nơi tổ chức lễ

Các nhân viên đang dâng quà, chân không giày dép

Trong lúc các sư áo nâu nhận vật thực thì các sư trên những xe đậu trước mặt sảnh xuống xe xếp hàng và tuần tự vào nhận. Những sư này mang y màu vàng cam, vừa cam đậm vừa cam nhạt, tôi đếm được có 150 vị, nhiều độ tuổi khác nhau, có những sư rất già, tuổi trên 70 và cũng có những sư vào độ tuổi 12-13 mà ở Việt Nam chúng ta thường gọi là chú tiểu (điệu). Những sư này ở các chùa chung quanh thành phố. Dầu áo nâu hay áo vàng, biểu hiện trên nét mặt các sư khi nhận vật thực đều giống nhau, nghiêm trang,  lặng lẽ.   
Sau khi  tất cả nhận quà xong, các sư đứng thành hàng trước các bàn chắp tay tụng kinh, cũng là chúc phúc cho Công Ty Nestle và mọi người rồi lần lượt ra về.

Trong một entry năm ngoái, tôi đã có bài viết về chuyện làm từ thiện của công đồng người Anh sinh sống ở Thái: Ploenchit Fair tổ chức hàng năm hội chợ gây quỹ từ thiện. Và hoạt động Dâng Vật Thực cho sư, là một hoạt động ngoại giao- xã hội của Công Ty này cũng ý nghĩa như việc tổ chức hội chợ của người Anh. Ngoài hoạt động này, số tiền đóng góp từ thiện xã hội của Nestle ở Thái cũng thường xuyên và không nhỏ.


Bỏ qua mục đích quảng bá thương hiệu, tôi nghĩ rằng đây là một việc làm mang ý nghĩa văn hóa, tôn giáo rất lớn và chắc chắn những quà tặng, vật thực đến tận tay các sư cũng như tiền từ thiện sẽ đến đúng địa chỉ cần đến trên đất nước nhiều Phật này, không thất thoát, không vào túi cá nhân như ở đất nước nhiều anh hùng kia!.
--> Read more..

24/8/13

CŨNG MỘT CÁCH NHÌN.

1.
Anh bạn thân của tôi, hiệu trưởng một trường trung học lớn, là người có tài. Ở trường, lãnh đạo công việc dạy và học rất thành công, ở nhà, tổ chức kinh doanh hiệu quả, viết lách tốt, thường có nhiều bài viết gía trị đăng trên một số tờ báo trung ương, viết kịch bản và tổ chức thành công nhiều buổi lễ, sự kiện lớn trong trường…
--> Read more..

19/8/13

ĐỌC “CUNG ĐƯỜNG VÀNG NẮNG”*.


Lâu lắm mới có một tác giả in sách giấy buộc tôi đọc đến tác phẩm thứ nhì sau khi xong tác phẩm trước: Nguyễn Nhật Ánh, “Cho tôi một vé về tuổi thơ” rồi “Xóm Gò đi lên”. Bây giờ lại một tác giả khác, còn muốn quay lại những chương mình thú vị, có vẻ như muốn đọc lần hai: Dương Thụy, Oxford thương yêu” rồi “Cung đường vàng nắng”.
--> Read more..

13/8/13

Những địa chỉ khó quên ở Nha Trang



Tôi đến Nha Trang lần đầu tiên vào Giáng sinh 1968 khi từ Đà Lạt chạy Honda xuống với đứa em họ, đi công việc và chỉ ở lại một đêm rồi quay về nhưng thành phố này đã tồn tại trong tôi từ năm lên sáu qua những chuyện kể, những tấm hình anh Hai tôi làm việc ở đây giữa thập niên 50 của thế kỷ trước đem về.
Nhà ga, chùa Hải Đức, nhà thờ Đá, cầu Xóm Bóng… in đậm trong tâm trí tôi từ những tháng ngày xa xưa ấy với những tự hào trẻ con, làm gì mà lũ bạn cùng xóm  hay cùng lớp nghe nói đến những nơi này? Tôi nhớ những tối mùa hè sáng trăng, đem chiếc chõng tre  ra trước sân nhà ngồi hóng mát, mẹ tôi vẫn thường đọc “Trăng rằm mười sáu trăng treo/ Anh đóng giường lèo cưới vợ Nha Trang”, mỗi lần nghe thế, tôi nghĩ đến anh Hai và mong mau đến ngày anh về.

Ra trường, vào Cam Ranh dạy học tôi đi máy bay, khoảng 4g chiều thì máy bay lượn vài vòng, hạ độ cao để xuống phi trường Nha Trang. Ra khỏi đồng rưộng phía Nam, từ trên máy bay nhìn xuống là biển xanh ngan ngát, những con sóng ngoài khơi lăn tăn và xa xa là vài chiếc thuyền đánh cá, biển và bờ biển trong nắng nhạt buổi chiều đẹp như vẽ, là nhiều căn nhà màu trắng của thành phố và hình ảnh đó đọng lại trong tôi mãi đến bây giờ khi tôi gắn bó với nơi này đã bốn mươi năm.

Cam Ranh cách Nha Trang 60 cây số, hồi ấy chỉ đi xe đò, tôi lại không có người thân ở đó nên thời gian đầu thấy xa lạ dầu rằng ngay từ 1968, khi chạy xe về lại Đà Lạt, trên đường Nha Trang-Thành, nhìn khung cảnh hiền hòa hai bên đường, tôi đã mơ sẽ được định cư lâu dài ở xứ này. Cuối tuần, những đồng nghiệp có nhà ở đây về nhà, người khác có bạn bè, người thân thì ra chơi, nghỉ cuối tuần, khi vào lại kháo nhau nào là đi uống bia dưới Duy Tân, nào là coi phim “Meurtre au soleil” ở Nha Trang Ciné đường Hoàng tử Cảnh mà mình chưa có cách nào vì vài tháng đầu tôi chưa có bạn để đi cùng.
Nhưng rồi, “Que sera, sera!”, dạy ở Cam Ranh đúng 4 tháng thì quân giải phóng đánh BMT rồi miền Nam mất, di tản, quay về, xin dạy lại, làm quen với nền giáo dục mới…và trong bối cảnh đó, tôi có KN, một “đàn chị” sinh trước tôi vài tháng, ra trường trước tôi hai năm nhưng cùng lứa “tú tài Mậu thân” và cùng học ở Huế với nhau.

1. KN có một người cô ruột (em bố) làm việc ở bệnh viện tỉnh có chồng là đại úy pháo binh VNCH, nhà ở đường Phương Sài, khi chúng tôi có nhau, nàng đưa tôi về giới thiệu rồi từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi ra nhà hoặc mỗi dịp hè về sở giáo dục học chính trị - nghiệp vụ tôi đều ghé nhà Phương Sài, nhà của O trở thành địa chỉ đầu tiên gắn bó với tôi với khá nhiều kỷ niệm vui buồn nhất là khi tôi thành cháu rễ của O, Chú đầu năm 1978.
Tháng 10 năm đó, khi chúng tôi chuyển lên dạy ở trường miền núi Phú Yên thì nhà O trở thành chốn đợi về, chốn nương thân của chúng tôi khi về thành phố, nơi chú cháu ngồi khề khà tâm tình, đàm đạo chuyện thời thế bên ly rượu thuốc, nơi O tôi, bằng đồng lương ít ỏi của mình vẫn sắm chút gì cho anh chị ăn chứ ở núi mấy tháng rồi! Sau này khi vợ tôi sinh con gái đầu và khi cu Út bệnh chuyển từ Tuy Hòa về Nha Trang điều trị dài ngày đều về ở đây và có sự giúp đỡ của O Chú và các em..
Khi chúng tôi về hẵn Diên Khánh, nhà O vẫn là nơi chúng tôi tá túc trước khi có chổ ở ở trường, vẫn thường xuyên lên xuống nhưng khi chúng tôi ổn định ở nhà riêng của mình không lâu thì tôi đi làm xa, vợ tôi cũng bận rộn, xuống Nha Trang thì dành thì giờ ghé ông bà ngoại các cháu từ Huế vào sống sau này, chúng tôi ít ghé thăm, mỗi năm chỉ ghé vào mùng một Tết và ngày giổ bà nội nhưng từ sâu thẳm lòng mình vẫn luôn nhớ ơn O Chú.

2. Khi chúng tôi chuyển lên miền núi Phú Yên vào gần cuối thập niên 1970’s, trường mới thành lập, có 3 cô giáo vừa ra trường khóa 2 CĐSP từ Nha Trang cùng lên. Trong môi trường khó khăn vất vả ấy, mọi người dựa vào nhau để sống, làm việc và nhóm Nha Trang nhanh chóng gần gủi nhau, giúp nhau từng việc nhỏ trong khả năng của từng người. Có người xuống núi là sẵn sàng giúp đỡ những người ở lại, giúp chuyển thư tới tận nhà cho từng người, khi lên lại đem thư và quà lên giúp. Và tôi biết đến địa chỉ thứ 2, đường Lạc Long Quân trong trường hợp này.

Ông bà ngoại Sơn. chủ nhà, như cách gọi thân mật của chúng tôi sau này,  người gốc Huế, sống Nha Trang từ lâu lắm, có 10 người con, chị đầu lấy chồng ở gần, Mai, cô giáo dạy cùng trường tôi là con thứ tư và một bầy lít nhít phía sau, hình như chỉ có hai người đầu nói giọng Huế còn mấy anh chị em sau đều nói giọng Nha Trang.

Khi tôi đến lần đầu chuyển thư Mai, mọi người nhìn tôi rất lạ, sau này mới biết là vì khuôn mặt tôi “khá giống” với chàng rễ chồng Dung, cô gái thứ ba trong nhà, thiếu tá QLVNCH đang cải tạo tận ngoài Trung. Chiều hôm đó tôi ngồi trước hiên, người anh thứ hai đạp xích lô về, lại cận thị, nhìn thế nào tưởng tôi là em rễ, định chạy lại ôm mừng! Có thể chuyện này cộng với cách cư xử thật lòng của tôi, không lâu sau tôi được mọi người đối xử rất gần gủi thân tình, nhất là ông ngoại và người con trai lớn.

Lên trường gần 3 tháng thì về  Nha Trang ăn Tết rồi giữa tháng giêng năm đó vợ tôi sinh con đầu lòng và nghỉ hậu sản mấy tháng ở đây, mặc dầu đường sá cách trở, xe cộ khó khăn với 7-10km đi bộ nhưng tôi cũng thường xin về và lần nào cũng ghé Lạc Long Quân chuyển thư.
Có lần gia đình nhờ tôi giúp dẫn Dung lên thăm em gái ở trường, vậy là tôi có được một lần đi có bạn đồng hành, 170km mua vé xe đò hai bến và 7 hoặc 10km đi bộ qua các khu canh tác của nông trường.
Sáng ngày đi, tôi ra bến xe nội tỉnh xếp hàng mua vé trước cho hai người, đang chờ đến lượt thì nghe có ai vổ nhẹ vào lưng, giật mình quay lại, Dung đã tới với nụ cười thật tươi,  ăn mặc giản dị nhưng đẹp và sang mà hình ảnh còn lại trong tôi là áo lain cổ tròn màu Bordeaux chen vài ba hình vuông nhỏ màu đen và xanh đen ở thân trước. Lúc đó em chỉ vừa 24 tuổi nhưng đã có một con gái lên ba!
Xe chạy tới Vạn Giã thì Dung say xe, mệt, xây xẩm và buồn nôn. Tôi phải trổ tài thầy thuốc, xoa dầu, bắt gió … cho em tựa đầu vào vai tôi để nghỉ ngơi. Nhờ đó, em ổn định dần để đến khi xuống hết đèo thì em bình thường lại, nói cười vui vẻ và không hiểu sao tôi cũng thấy lòng mình vui khi nghĩ chắc hành khách trên xe nghe cách xưng hô của chúng tôi và nhìn thấy cách chăm sóc của tôi cho em, chắc chắn sẽ nghĩ đây là hai vợ chồng!
Ra tới Tuy Hòa thì biết được một tin vui: xe của trường xuống thị xã công tác, vậy là chúng tôi sẽ bớt được chín, mười cây số đi bộ và Dung cũng đỡ nhọc nhằn khi mới mệt xong. Chúng tôi cùng qua ngã ba lên Phú Thứ để ngồi chờ xe trường, rất may, có một mái tranh, hình như là quán sạp của ai đó đã không còn dùng, anh em tôi vào ngồi để xe về ngang dễ nhìn thấy.
Gần 2 giờ chờ ở đây, anh em nói chuyện lan man không đầu đuôi gì, Dung kể tôi nghe chuyện học vài năm luật ở Sài Gòn, chuyện lấy chồng, chuyện công việc hiện tại rồi bất ngờ nặn mụn trên mặt cho tôi, tôi nghĩ, vậy là mọi chuyện bắt đầu, chuyện say xe ở Vạn Giả không  chừng cũng “trong kịch bản”. Có điều, Dung trẻ trung, xinh đẹp, cư xử rất dễ thương cũng dễ làm mình xiêu lòng để rồi…”gone with the wind”!
Hình như có cái bẫy giăng ra và không ngờ tôi lại ngoan ngoãn chui vào trong đó!
Sau này, lần nào về Nha Trang kể cả khi chúng tôi đã rời miền núi, cô đồng nghiệp đã chuyển về Nha Trang tôi vẫn ghé thăm ông bà, thăm cả nhà, thăm mẹ con Dung, em vẫn nhận hàng HTX về nhà làm nên rãnh rỗi, buổi tối chúng tôi lấy xe đạp ra biển, đi uống nước rồi chạy vòng vòng nhiều nơi, nói là để sau này có chuyện mà nhớ nhau, để một trong hai đứa có dịp đi qua là nhớ đứa còn lại.
Chúng tôi về Diên Khánh ít lâu thì chồng em xong cải tạo về nhà, vài tuần sau, nhân sinh nhật con gái, họ mời vợ chồng tôi dự, khách mời và gia đình hơn 20 người ngồi trên một dãy bàn dài, vô tình tôi, vợ tôi, chồng Dung cùng ngồi một bên nhưng cách nhau, em đến sau tôi sau khi đã bấm trước với thợ chụp hình, tựa cằm vào vai tôi để thợ bấm máy. Em nói với tôi, đến lúc phải kết thúc mọi chuyện và tôi cũng thấy đó là điều cần thiết, rồi sau đó, chúng tôi đối với nhau như anh em, cho đến ngày gia đình em xuất cảnh, khi tôi biết thì em đã định cư rồi ở Mỹ rồi!.
Nếu có ai nghĩ đây là một chuyện tình thì tôi nói rằng, với tôi, đây là chuyện tình nhỏ có happy end!

Hoàng Dung ơi, hơn ba mươi năm qua, mỗi lần nghĩ đến em, nghĩ về quan hệ của bọn mình anh vẫn thầm cám ơn, trân trọng những tình cảm em dành cho anh và nhất là cách xử sự đầy hiểu biết của em nhưng vẫn thấy, ở khía cạnh nhân bản của mối quan hệ này, anh có lỗi với em. Rồi nghĩ lại, anh lại tha thứ cho mình vì lỗi do anh không cố ý và không hiểu biết để hành xử đúng trong tình huống này!
Hình chụp chung với em anh không có tấm nào nhưng chắc rằng chúng ta rất giống với người Việt khi vừa vượt biển đến Palawan phải không em?
Lần ghé gần đây nhất của anh là tháng 9 năm ngoái, lúc nghe tin ông ngoại bệnh nặng nhưng đến nơi thì rất mừng, ông khỏe, nói chuyện vui vẻ, tỉnh táo…chỉ đáng tiếc là sau bao năm, vật đổi sao dời, anh không còn nhìn thấy được một chút dấu vết, một chút hình ảnh ngôi nhà ngày xưa đã xa lắm rồi, để mường tượng hình ảnh em ở đâu đó trong nhà chạy ra, cười bằng mắt và hỏi: “Anh về khi nào, có khỏe không, bao giờ đi lại…?”.
--> Read more..

7/8/13

Nhớ những bản nhạc mùa Thu

Chắc không mang “tâm lý bầy đàn” nhưng có thể có chuyện “Thấy người ta ăn khoai mài vác mai chạy quấy”. Mấy ngày nay, dạo một vòng trên các blog, thấy trên Ký ức nhỏ của Nobita có “Bóng mùa thu”, Nguyễn Thu Thủy có “Sang thu”, lại nghe anh HHP đọc trên HATCAT có “Lạc thu”… lòng tôi cũng rộn lên những suy nghĩ về mùa Thu, một mùa đã gợi  cho văn thi sĩ  rung động để viết nên nhiều tác phẩm giá trị mà Anatole France, Appolinaire, Thanh Tịnh là những tên tuổi được nhiều người biết.
Nếu sức đánh động lòng người không lớn thì tại sao ngay cả trong mục “Tìm bạn tâm tình”, người ta tự giới thiệu tuổi bằng câu (rất sến): “Đã qua (ví dụ như) 21 mùa lá rụng / mùa thu nhìn lá rụng” mà không là mùa đông lội lụt hoặc mùa hè nhìn phượng nở?

Mùa thu gợi cho tôi nhớ và hát những bản nhạc tình.
- Nhớ “Thu quyến rũ” của Đoàn Chuẩn, Anh mong chờ mùa thu, trời đất kia ngả màu xanh lơ, đàn bướm kia đùa vui bên muôn nơi, bên những bông hồng đẹp xinh…
- Nhớ Hoài thu, không nhớ tác giả: Mùa thu năm ấy, trên đường đến miền cao nguyên, Đà Lạt núi rừng thâm xuyên, thác ngàn nước bạc thiên nhiên…
- Nhớ “Thu ca” Lạnh lùng sương rơi heo mây, buồn man mác bóng chim bay, mây tím giăng sầu đó đây…
- Nhớ “Mùa thu chết” của Phạm Duy phổ nhạc từ L’Automne morte: Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo, em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi….
- Nhớ “Nhìn những mùa đi” của Trịnh Công Sơn, Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng, và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng nghe tháng ngày chết trong thu tàn… 
- Còn một loạt bài: Buồn tàn thu, Thu cô liêu, Thu vàng, Mấy độ thu về, Ơi Nha Trang mùa thu lại về... và có thể còn nhiều nữa mà tôi chưa biết hay không còn nhớ!

Mỗi một bài hát, mỗi một lời nhạc đều gắn với và nhắc tôi về một thời, một nơi, một người bạn, một người tình… với những kỷ niệm buồn vui nhưng dễ thương và đẹp !

Nhớ quán Bờ Sông đầu cầu Vĩnh Phương hơn hai năm trước, ngồi cùng với anh Cuồng Từ, Phù Vân Đặng Cước, Dũng Nobita, Như Thị vào một chiều trời xám và mưa nhẹ nhưng nước từ nguồn đổ về ầm ào, Nobita đàn, tôi và Như Thị hát “Nhớ mùa Thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn, khán giả là hai anh còn lại:  Hà nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, ngồi kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói rêu phong… Bên bè bạn thân tình, men bia làm tôi mơ được một lần, vào một ngày mùa thu Hà Nội, ngồi bên “em” ở một ngôi nhà cổ trên phố xưa và lắng hồn mình lại để nghe quá khứ thì thầm!

Lại không thể quên, cũng tại quán này, ngày tôi về thăm Nha Trang, trùng với dịp Miêu Nữ và Ong từ Hà Nội ghé thăm, thực hiện lời hứa với AQ, tôi làm món gỏi bắp chuối đem xuống quán, mời anh em gặp để được thăm. Với rất đông bạn bè, vẫn Nobita đàn, tôi, Dũng, Miêu, cùng hát “Có phài em là mùa thu Hà Nội” Trần Quang Lộc phổ thơ Tô Như Châu: Tháng tám mùa thu, lá khơi vàng chưa nhỉ, từ dạo người đi, thương nhớ âm thầm? Có phải em là mùa thu Hà nội, thời phong sương anh cũng gắng đi tìm…

Ơi những mùa thu đã qua, ơi bạn bè thân quen, yêu dấu của tôi, tôi đang nhớ các bạn thật nhiều!, hôm nay là Lập thu năm 2013, ngày 07 tháng 8.


--> Read more..

4/8/13

TỪ THIỆN

Có vẻ như tôi không có “duyên” hay không có “mạng” làm từ thiện!. Hồi đi dạy, thấy vài  học sinh nghèo quá, muốn tìm giúp các cháu một nguồn trợ cấp thường xuyên, nhân tổ chức chia tay với một học sinh trong lớp đi xuất cảnh, tôi nói ý định xin em này mỗi tháng 10 USD khi em đã ổn định, cả lớp ngạc nhiên nhưng khi biết ý định của tôi thì vui (vì tôi cũng nhờ em này chuyển thư tôi đến 4 em trong lớp đã định cư trước đó). Em hứa hẹn và các em nhận thư đều hứa hẹn, ít mà! Vậy mà ngày tháng qua, bặt tin!
Gần đây, nhân thấy con trai đang mình làm từ thiện rất hiệu quả, khi tình cờ biết tin ở một xã cùng huyện quê tôi có một thôn có gần 40 gia đình có người bệnh ngặt nghèo gồm ung thư cổ tử cung và tâm thần, tôi cũng kêu gọi trên Facebook, đến nay đã hơn tháng vẫn không có phản hồi!
--> Read more..

Flags..


Flag Counter