Có vẻ như tôi không có
“duyên” hay không có “mạng” làm từ thiện!. Hồi đi dạy, thấy vài học sinh nghèo quá, muốn tìm giúp các cháu một
nguồn trợ cấp thường xuyên, nhân tổ chức chia tay với một học sinh trong lớp đi
xuất cảnh, tôi nói ý định xin em này mỗi tháng 10 USD khi em đã ổn định, cả lớp
ngạc nhiên nhưng khi biết ý định của tôi thì vui (vì tôi cũng nhờ em này chuyển
thư tôi đến 4 em trong lớp đã định cư trước đó). Em hứa hẹn và các em nhận thư
đều hứa hẹn, ít mà! Vậy mà ngày tháng qua, bặt tin!
Gần đây, nhân thấy con
trai đang mình làm từ thiện rất hiệu quả, khi tình cờ biết tin ở một xã cùng huyện
quê tôi có một thôn có gần 40 gia đình có người bệnh ngặt nghèo gồm ung thư cổ
tử cung và tâm thần, tôi cũng kêu gọi trên Facebook, đến nay đã hơn tháng vẫn
không có phản hồi!
Hồi đi học ở Huế, thỉnh thoảng tôi thường cùng bạn bè đi làm công tác xã hội, lúc đó còn gọi là
đi cứu trợ với danh nghĩa sinh viên
liên cư xá, quy tụ sinh viên thiện chí ở tất cả các cư xá của thành phố Huế
(Nam Giao, Đội Cung, Xavier, Jeanne d’Arc, Huỳnh Thúc Kháng, Nữ hộ sinh, Cán sự
y tế…) gần thì về các xã nghèo ngoại ô dọn vệ sinh, khám bệnh, phát thuốc, hớt
tóc, tắm rửa, cắt móng tay, tổ chức vui chơi cho các cháu bé.., đi về trong
ngày, phương tiện, thuốc men tự túc hoặc tự vận động, cũng có lúc đi dọn nhà
cháy khi biết tin một xóm nào đó bị hỏa hoạn.
Có năm bão lụt ở Quảng Nam, dân bị bão thổi sập hoặc hoặc nước lũ cuốn mất nhà cửa, Ty xã hội tỉnh
cấp tôle, cement và một số tiền cho dân tự làm nhà nhưng thường thì những thứ
này không đến tay người dân đúng với số lượng được cấp phát vì bị ăn chận phần
nào từ cấp quận qua sự thông đồng với cấp tỉnh. Chúng tôi đến, nhận vật phẩm,
một nhóm phát trực tiếp cho từng gia đình, nhóm thì lo dọn dẹp vệ sinh, nhóm khác
phụ giúp dựng lại nhà tạm…Vì lẽ này, có lúc chúng tôi không được chính quyền sở
tại ủng hộ mà còn đe dọa là họ không bảo
đảm an ninh nếu xe của đoàn bị Việt cộng đặt mìn hoặc tấn công trên đường!
Những năm 1975-85, đất nước đói nghèo, chuyện hỗ trợ của
cộng đồng còn rất ít ỏi, nơi nào cần đến sự giúp đỡ thì thường nhận từ Chữ Thập
Đỏ thế giới hoặc các tổ chức tôn giáo, Việt Nam còn phải giúp đỡ các nước bạn
như khi xãy ra vụ rò rĩ lò phản ứng nguyên tử Tchernobưn ở Liên xô, các trường
học huy động học sinh quyên góp than hoạt tính từ gáo dừa để giải độc hoặc
quyên góp giấy bút, tập vở giúp “các bạn nhỏ Cuba”.
Sau 1990, nguồn tiền và hàng hóa cho cứu trợ thiên tai,
nghèo đói tăng lên đáng kể nhưng theo đó tình trạng ăn chận, ăn xén cũng phát
triển và người ta nhân danh mục đích cứu trợ, từ thiện để mưu lợi riêng cho
mình. Chỉ một chuyện nhỏ là xây nhà tình nghĩa cho mẹ VN anh hùng mà người ta lấy
tiền chia nhau, đến khi cấp trên về kiểm tra thì phải mượn một nhà mới xây cho
mẹ ở tạm để quay phim, đi cứu trợ lũ lụt miền Tây thì các quan chức nhân cơ hội
này ăn chơi trác táng!
Sau này, khi một nơi nào đó cần phải được giúp đỡ, nhiều
người có lòng hảo tâm tự góp tiền, mua thực phẩm, thuốc men trực tiếp đến nơi
cần giúp đỡ mà không cần qua trung gian.
Từ đầu thế kỷ XXI này, chuyện làm từ thiện nở rộ ở Việt Nam,
tổ chức và cá nhân tự lập ra các Quỹ (Fund) kiểu các quỹ học bỗng, khuyến học,
tìm cách cho sinh lợi để đưa đến những địa chỉ cần thiết mà họ quan tâm.
Tôi có khá đông học sinh định cư ở ngoại quốc cũng hay gửi
về quê giúp đỡ thường xuyên các trại mồ côi, nhà dưỡng lão nơi họ từng sống
hàng chục năm nay, có em nhân chuyến về thăm, quyên góp tiền đem về cho người
Việt sống trên làng nổi Biển Hồ (Campuchia), lại có một người quen, năm nay đã
80 tuổi, từ cách đây hàng chục năm anh chỉ có mỗi việc là hàng ngày đi lượm vỏ
lon bia, lon Coca Cola, đến nhà bạn bè xin các loại vỏ này đem bán lấy tiền về giúp xây chùa và cho người nghèo. Thật
đáng hoan nghênh!
Vợ tôi cũng có vài
người bạn dạy học ở Huế, nhân một bạn ở Mỹ gửi tiền về nhờ giúp người nghèo, lúc
đầu chỉ vài ba người, chúa nhật lấy tiền nấu chè, làm vài loại bánh đem đến
phát cho trại trẻ mồ côi, bây giờ, nhóm của họ đã lớn mạnh, mở rộng hoạt động
của mình đến nhiều nơi, quy tụ hàng mấy chục mạnh thường quân là giáo viên,
công chức, nhiều người Việt ở ngoại quốc biết hiệu quả việc này giúp rất mạnh
tay. Mỗi lần chúng tôi về thăm, các con tôi cũng thường gửi về hỗ trợ.
Trên bình diện cả nước, khi biết tin một ca sĩ, diễn viên,
một doanh nhân lập quỹ hoặc đi làm từ thiện, một nhóm thầy thuốc không biên giới qua VN giúp phẩu thuật…ai cũng thấy nức
lòng!
Quà của nhóm từ thiện ở Huế |
Tuy nhiên khi hướng tầm nhìn ra bên ngoài, có cảm tưởng là
người Việt, dân tộc Việt chỉ hô hào từ thiện kiểu Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
nhưng thực hiện thì rất ít!
Ở Mỹ, người ta không cho tiền ăn mày vì như thế là xúi giục
người đó biếng nhác, muốn làm từ thiện, hãy góp cho xã hội! “Từ thiện là nét đẹp lương tâm cộng đồng, là
triết lý công bằng xã hội, là món trang sức đẹp nhất của con người và hầu hết
người Hoa Kỳ đều hân hoan công nhận: thước đo giá trị con người là lòng từ
thiện!”
Theo công bố của đại học John Hopkins kết quả nghiên cứu về
tiền đóng góp từ thiện so với GDP các nước G7 thì Mỹ đứng đầu với 1,85% (hàng
năm trung bình dân chúng đóng góp cho từ thiện 1,85% GDP), Anh 0,84%, Pháp
0,32%, Nhật 0,22% và Đức 0,13%. Nếu trường đại học này cũng đưa Việt Nam vào đối
tượng nghiên cứu thì tỉ lệ này là bao nhiêu?
Hai nhân vật “làm việc
từ thiện vĩ đại nhất trên hành tinh này”là Warren Buffet và Bill Gate đều
là người Mỹ (Buffet lập quỹ từ 47 năm nay với 275 triệu đô la, năm 2006 tăng
thêm 3 tỷ và hứa tặng 35 tỷ vào quỹ Bill & Melinda Gates của vợ chồng Bill
Gate lập năm 2000) nhưng người được Gallup nghiên cứu thăm dò nhiều lần xem nhân loại bình chọn ai là người làm từ thiện
đáng kính phục nhất của thế kỷ 20, câu trả lời là Mẹ Teresa Calcutta, người
sáng lập Missionaries of Charity.
Rõ ràng, làm từ thiện chưa
thể trở thành việc làm thường xuyên và có ý thức của tầng lớp khá giả, không
trách người mình vô cảm trước những việc nghĩa cần làm khi mà người dân không
được chính quyền định hướng vì: “Đọc blog thấy có tin Thanh Hóa “đầu tư xây
dựng trụ sở Ban Bảo vệ – Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Thanh Hóa“. Có cái gì
ghê tởm ở đây. Chúng ta biết rằng người dân Thanh Hóa đang đói. Gần 250.000
người đói. Vậy mà người ta thản nhiên tập trung tiền bạc vào việc chăm sóc sức
khỏe cán bộ!” (: http://ttxva.org/tan-nhan/#ixzz2asThwkCR),
khi mà diễn viên, ca sĩ, người mẫu tranh nhau khoe hàng xịn, áo đầm tiền
tỷ, xe đời mới không đụng hàng 5-7 tỷ, và khi mà có người xây nhà thờ tộc tiêu
tốn đến 70 tỷ (*)!
Có phải những điều nói
trên là cách lý giải sự thất bại trong việc kêu gọi từ thiện của tôi không nhỉ?
Và đây là một câu châm ngôn về việc này mà tôi rất tâm
đắc, xin chép lại nguyên văn để bạn bè tham khảo: “IF YOU ARE NOT POOR ENOUGH
TO TAKE CHARITY, YOU ARE RICH ENOUGH TO GIVE IT!
________________________________________
(*) Mời tham
khảo thêm: MỘT CÂU CHUYỆN VỀ SỰ HỔ THẸN http://www.buudoan.com/2013/08/long-trac-va-su-ho-then.html
Có điều lạ, nước Mỹ đứng dầu thế giới về mọi phương diện...cho đến cả việc từ thiện. vậy mà các ông cộng sản hể nhắc đến Văn hóa Mỹ, người Mỹ thì cứ cho là xấu xa...Nhưng rồi lại âm thầm gửi con sang học cái nước xấu xa đó !
Trả lờiXóaNhận định này không đúng đâu bác Bu ơi, họ gửi con qua học là có ý tốt, một là muốn xem chủ nghĩa tư bản đứng đầu là Mỹ đang "giẫy chết" như thế nào?, hai là có thể nhân cơ hội đó, các cháu giúp "giải phóng" cho nhân dân lao động Mỹ ấy mà!
XóaHN còn nhớ, hồi mới 1975, một giáo viên "chi viện từ A vào" tìm đọc sách trước giải phóng kể cả tìm xem các hình ảnh trên các tạp chí khiêu dâm như Playboy, Penthouse, chuyện này đến tai thủ trưởng (cũng từ A vào), anh này bị thủ trưởng phê bình đã trả lời rằng: "Tôi tìm xem văn hóa miền Nam phản động, đồi trụy, lai căng, mất gốc đến múc nào?". Hihi.
Hôm nọ tôi tình cờ xem một chương trình lúc nửa đêm trên đài truyền hình TP. HCM do một ông đạo diễn khá nổi tiếng dẫn, trò chuyện cùng một cô ca sĩ người mẫu gì đó, hình như cũng không nổi tiếng lắm, nghe cô ấy nói xách túi xách hàng hiệu 100 triệu, một tháng làm móng tay gội đầu mười mấy triệu, mê shoping mỗi lần mua cả đống hàng về cất... Chuyện này cũng rất tốt bởi cô ấy xài tiền cô ấy làm ra, nhưng có một cái gì đó nhẫn tâm, khi cô ấy chỉ biết tiêu tiền như thế, trong suốt buổi nói chuyện tôi không hề nghe cô ấy nhắc đến việc dành một vài triệu, hay vài trăm ngàn hàng tháng gởi cho những người thật sự khốn khó.
Trả lờiXóaCòn chuyện chăm sóc sức khỏe cán bộ, hìhì, chắc lập ra để giúp cho các ngài giảm cân :-(((
Riêng "thằng" Mỹ, nó "làm" chứ không "nói" :-))
Vậy cho nên, các ca sĩ, người mẫu, diễn viên nào đó làm từ thiện dù chỉ là để "đánh bóng tên tuổi", không xuất phát từ lòng nhân ái thì cũng là điều đáng trân trọng vì vấn đề là những phận người khốn khó được thụ hưởng phải không bác NHP?
XóaTừ chuyện làm từ thiện không thành, anh hongngoc nghiên cứu đến việc từ thiện ở "tầm thế giới" . Thật đáng nể. Nhưng việc gì cũng vậy anh ơi, cũng phải có chút kỹ năng, chút duyên phận mới thành được. Thôi thì mình có gì giúp nấy trong phạm vi khả năng mình là được rồi.
Trả lờiXóaĐức Thánh Cha nhắc đến Thánh nữ Têrêxa hài đồng (như chú thích của anh), chứ không phải Mẹ Têrêxa Cancutta đâu anh ạ!
Việc này chẳng qua là hên xui, khi viết, gặp tài liệu thôi chứ không nghiên cứu nghiên kiết gì. Cái vụ kỹ năng thì nếu tiện, Nô chia sẻ nhé.
XóaCám ơn đã nhắc về chú thích, phải sữa lại ngay để tránh hiểu lầm! hihi.
Bác Nô rất đúng, Thánh nữ Terexa hài đồng là người Pháp sống vào nửa cuối thế kỷ 19, được phong thánh, Mẹ Terexa Cancutta lấy tên thánh nữ làm bổn mạng cho mình. Người Thiên chúa giáo xưa quen dùng tên thánh thay cho tên thật.
Trả lờiXóaBạn Nô và bác NHP ơi, sao HN cứ nhầm hai người này hoài. Thiệt bậy! Chắc là lú lẩn mất rồi. Phải nói lời cám ơn hai vị đã nhắc rồi mới sữa của mình sau. Hihi.
Trả lờiXóaHihi...
Trả lờiXóaNhờ anh HN mà nhưthị tui mới hiểu được ý nghĩa của hai chữ "từ thiện"
Hồi giờ tui "tưởng" từ thiện có nghĩa là... từ chối việc thiện chớ!
Thiện tai! Thiện tai!
Cũng như "thiện tai" mà như thị dùng là: làm việc thiện thì bị ăn tát tai hoặc "vô thường" có nghĩa là thương (thì) vồ phải không? Chít chưa? Hihi.
XóaXứ sở gì kỳ lạ hen, bảo vệ người có tiền có quyền còn dân nghèo thì đói thì bỏ cho chết luôn.
Trả lờiXóaCòn nhiều chuyện kỳ lạ và nhức đầu lắm Tám ơi. PS: HN thấy trên Tương Tri số 4 (tháng 5.2013) in "Chuyện tình ở ga xe lửa" rồi. Tám có chưa? Bây giờ đọc sách giấy, càng đã!
Xóangười nhỏ làm việc nhỏ...
Trả lờiXóacũng là từ thiện, phải ko anh?
"Mèo nhỏ bắt chuột nhắt". Hihi.
Trả lờiXóaThấy Mùa Thu Buồn khóc quá trời trong entry trước (Nô cũng theo khóc phụ), mà anh hongngoc ko đoái hoài tới! Dễ mất bạn hàng quá! :D
Trả lờiXóaAnh Hongngoc có Bạn hàng đâu mà sợ mất, khóc tiếp nè...........Huhuhuhuhuhuhuhuhuhuhuhuhuuhuh, tui phụ họa dùm Bác Nô luôn gòi đó nghen...hic.....hic
XóaKhổ quá! MTB lại đi tin cụ Nô nhát ma rồi! Anh HN trả lời là tại ông nhà mạng rùi!
Trả lờiXóa