19/8/13

ĐỌC “CUNG ĐƯỜNG VÀNG NẮNG”*.


Lâu lắm mới có một tác giả in sách giấy buộc tôi đọc đến tác phẩm thứ nhì sau khi xong tác phẩm trước: Nguyễn Nhật Ánh, “Cho tôi một vé về tuổi thơ” rồi “Xóm Gò đi lên”. Bây giờ lại một tác giả khác, còn muốn quay lại những chương mình thú vị, có vẻ như muốn đọc lần hai: Dương Thụy, Oxford thương yêu” rồi “Cung đường vàng nắng”.

Chuyện là lần trước, tò mò vì thấy một tác giả trẻ, có sách tái bản đến lần thứ…18, tôi thử đọc và viết vài suy nghĩ của mình post lên blog để chia sẻ với bạn bè, anh Bulukhin báo sẽ tìm đọc, và anh đã đọc nhưng chưa có ý kiến đồng tình hay phản bác những điều tôi viết, một cô cháu cùng tuổi với tác giả, qua giới thiệu của tôi, cũng đọc và rất thích.  

Cuối tuần rồi, cùng cả nhà đi nghỉ ở Cha-am Beach, Tây Nam Bangkok, tôi đang đọc những trang cuối cùng của bộ trường thiên tiểu thuyết 3 tập, “Sông Côn mùa lũ” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác  trên Kindle. Nghĩ rằng đem theo sẽ bất tiện, tôi bỏ vào vali của mình “Cung đường vàng nắng”. Đi ăn, đi chơi, đi ngắm cảnh ở resort và biển chỉ trong 2 ngày mà thời gian di chuyển mất gần 12 giờ, tôi không dành toàn tâm toàn ý cho tác phẩm nhưng vẫn nhận ra rằng, tác phẩm rất hợp với gout thưởng ngoạn của mình và (tôi nghĩ là) thú vị hơn, dí dỏm hơn quyển trước.
Hình bìa sách 
Không thể căn cứ trên ngày cấp giấy phép xuất bản để xác định thời gian viết sách của một tác giả nhưng nếu lấy đó làm căn cứ thì quyển này có lẽ được viết sau Oxford  thương yêu dầu đều có phép trong năm 2012, trong tác phẩm trước, nhân vật chính ở ngôi thứ ba (tác giả kể lại việc đi du học, chuyện tình của nhân vật chính) thì tác phẩm này nhân vật chính, cô Nguyễn Phương Vy ở ngôi thứ nhất, là người kể chuyện, xưng tôi!

Nguyễn Phương Vy là con gái lớn trong một gia đình có gốc gác trung lưu ở Sài Gòn trước 1975, cha cô ngày xưa là dân trường Tây, trường Taberd nổi tiếng, sống văn nghệ, từng là thành viên trong ban nhạc nhà trường nhưng sau 1975 thì chỉ biết cố gắng làm lụng để lo cho các con và vẫn giữ nếp nhà theo kiểu giấy rách phải giữ lấy lề.
Tốt nghiệp đại học, đi làm cho công ty kinh doanh thực phẩm Van Lattel của Bỉ ở Việt Nam được hai năm, trong một dịp tình cờ, chị trưởng phòng nghỉ việc bất ngờ, Vy được đi dự khóa tu nhiệp 2 tuần ở công ty mẹ tại Bruxelles (Bỉ), dịp này Phương Vy quen với Jean, cậu ấm trong giòng họ sáng lập và đang nắm giữ số cổ phần ưu thế của công ty, vừa tốt nghiệp master ở Mỹ về làm việc được 6 tháng nhưng xuất hiện trước cô trong vai một anh tài xế  làm việc ở Công Ty được 4 năm. Cũng trong mấy ngày đầu này, Vy lại quen với một Việt kiều ở Pháp làm việc ở đây mà rất lâu sau, Vy mới biết anh ta là giám độc một công ty phần mềm lớn có hợp đồng cung cấp sản phẩm cho Van Lattel!

Sáu tháng sau chuyến đi tu nghiệp, Phương Vy vay được tiền của Van Lattel qua gợi ý của Jean và được đến Liege (Bỉ) để học lấy bằng master, điều mà từ rất lâu cô đã ao ước: sống một mình, tự do, được đi du lịch bụi, ngắm những thành phố cổ của Châu Âu nhưng cũng “còn một lý do thầm kín khác: được gặp chàng hoàng tử trong mơ của mình” (p116). Vy xem cả hai nhiệm vụ : tốt nghiệp khóa Cao học và tìm được người yêu đem về đều là …bất khả thi!
Dương Thụy (ành Internet)
“Cung đường vàng nắng” là chuyện tình tay ba giữa Vy với Jean, anh tài xế lúc đầu bị Vy đánh giá là ngờ nghệch và “thật thà quá mức cần thiết” và với Quang, chàng Việt kiều bảnh trai nhưng dễ ghét vì thói hợm hĩnh Việt kiều, là người tình nguyện giúp Vy có thêm hiểu biết về thành phố Bruxelles này nhưng mỗi lời nói, mỗi động tác của Quang đều được cô ta soi rọi và cảnh giác.
Vẫn sắp xếp các chương theo trình tự cốt truyện nhưng với những tên chương rất hóm hỉnh, dễ thương, đôi lúc buộc người đọc phải động tâm suy đoán nội dung trong này sẽ thế nào, trong từng chương tác giả để các tình tiết tự phát triển, nhiều chỗ đang là sự kiện lại nhảy qua suy nghĩ, tâm trạng nhân vật nhưng rất nhẹ, rất hài hòa đủ cho chúng ta thấy “thủ pháp” vững vàng của tác giả.

Truyện có 33 chương, 10 chương đầu nói về 2 tuần tu nghiệp của Vy, 23 chương sau nói về chuyện tình, dung lượng tình tiết mỗi chương khá đều nhau, phần lớn là 8-9 trang mỗi chương, chỉ có vài chương đến 10 trang, như thế sẽ giúp người đọc đỡ nhàm khi phải sa đà vào những niềm vui hoặc nỗi lo theo tâm trạng nhân vật.

Trên cái nền của việc du học, của những mối giao tiếp với sinh viên từ nhiều nước tới học ở Bỉ tác giả đã kể lại chuyện tình của mình. Nếu người đọc thích thú khi ở vào cuối chương 14 họ bắt gặp Phương Vy và Jean bắt đầu bộc lộ tình cảm dù rất nhẹ nhàng thì càng thú vị khi biết thêm những tình tiết của lần đi ăn đầu tiên đó được kể rõ hơn ở cuối chương 17, “Hội chợ Boulevard d’Avroy” và rồi sẽ lo lắng khi đọc tiếp chương 18 và 19 khi Vy kể về những lần gặp Quang, những mẫu đối thoại của họ với nhau và mặc dầu từ chối lời mời ăn trưa, ăn tối với Quang nhưng Vy đã “nghĩ mình quá đáng”, “đã bị ‘quá tải’ trước những lời thú nhận của Quang rồi. Đến đây, hẵn người nhạy cảm sẽ tự hỏi – tất nhiên – vậy thì tình cảm Vy sẽ dành cho ai, Jean hay Quang? Cái thú vị của người đọc cũng là cái tài nghệ của tác giả thể hiện ở những chỗ này!

Nếu ở chương 23, người đọc bâng khuâng không hiểu Giáng sinh này Vy sẽ hẹn hò với ai, ở đâu, chắc sẽ rất đồng tình và chia sẻ với Vy khi quyết định bỏ chuyến tàu đi Paris để xuống ga Bruxeeles vì It’s now or never! Và ở chương 25, có lẽ chỉ nghe tựa “Ấm áp Vienne trắng”, chúng ta sẽ hình dung Jean và Vy hạnh phúc đến thế nào vì cả hai con tim đều đập cùng một nhịp, vì quyết định của Jean khi Vy rời khỏi phòng y tế , It’s now or never cũng khá …kịp thời!
Chưa hết, chuyện Vy về Việt Nam chịu tang bà nội có Quang về cùng sau một loạt vận động của chị Linh, sẽ nói về sau, thái độ của Jean trong lần gặp lại Vy sau khi Vy qua trở lại và Vy “bắt đầu thấy mình nên suy nghĩ nhiều hơn về Quang”(p.263) chắc chắn cũng sẽ làm nhiều độc giả…lo lắng, bận lòng!
Kết thúc truyện tình, tác giả đã cho Jean và Phương Vy gặp lại nhau trong một tình huống bất ngờ ở Bỉ sau hai năm không gặp nhau vì hoàn cảnh đẩy đưa mỗi người theo một con đường riêng dầu chắc chắn lòng họ vẫn luôn hướng về nhau. Dầu đặt một dấu chấm lửng ở cuối truyện nhưng chắc độc giả cũng đoán được hồi kết sẽ là một happy end!

Truyện của Dương Thụy đang ăn khách trên các tiệm sách ở Việt Nam có lẻ nhờ viết về những chuyện tình có yếu tố nước ngoài của những thành phần có chữ nghĩa, riêng “Cung đường vàng nắng” còn chia sẻ kinh nghiệm của một du học sinh sau đại học, của một người làm việc một thời gian rồi mới đi học để có kiến thức từ doanh nghiệp rồi quay lại giảng đường, kinh nghiệm vay tiền công ty mình làm việc để đi học và phần nào giới thiệu tính cách, tập quán người châu Âu, châu Phi và cách riêng, của người Bỉ trong công việc, giao tiếp và cả quan hệ yêu đương.
Mâu thuẫn giữa những suy tư hiện đại với những định kiến, nếp nghĩ từ gia đình làm Phương Vy nãn lòng trong chuyện du học, những suy nghiệm của Jean về cuộc đời (*1) trang 224), của Vy về tình yêu (*2) (trang 225), cả quan niệm về cuộc đời của Vy nói đến trong chương 28 (*3) (trang 251,252) có lẽ cũng là những tư duy thời thượng hoặc là thông điệp tác giả muốn gửi gắm đã phần nào thu hút những người trẻ có học.

Truyện của Dương Thụy viết bằng một giọng văn tự nhiên, tưng tửng, từ lối kể chuyện đến ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật, giúp người đọc tiếp thu dễ dàng, thích thú  và tránh làm đầu óc độc giả bận rộn để có thể cùng chia sẻ với tác giả những quan niệm sống, những nhìn nhận về sự kiện, về con người. Ngoài ra, những đoạn tả cảnh qua những lần thời tiết chuyển mùa và các nơi nhân vật chính đi qua thỉnh thoảng chen vào nhẹ nhàng làm tăng nét duyên dáng của nội dung cần biểu đạt. Nếu được hỏi: “Bạn thích nhất chương nào trong tác phẩm này?” tôi có thể trả lời ngay rằng: “chương 18 Những nổi khổ rất bản năng của nhân loại”. Thoạt nhìn có vẻ như không liên quan nhiều đến nội dung cốt truyện nhưng tôi nghĩ chương này vẽ ra được sinh hoạt của những người Việt Nam đi du học sau đại học, những khó khăn rất khó nói của họ và đó cũng là điều thôi thúc nhân vật nữ đi tìm nửa còn lại của mình. Một chương rất thật và cũng rất…cận nhân tình!
Tôi vẫn thích chữ “trai” như theo trai, mê trai tác giả dùng đến 3 lần (*4) rất ngộ nghĩnh  và phù hợp nhưng có một nhân vật phụ mà tần suất xuất hiện trong tác phẩm quá nhiều lần (*5) rất dễ tạo ra những nhàm chán. Nhân vật ấy là chị Linh, chị họ và ngày xưa là vú em cho Phương Vy, một Việt kiều có chồng Pháp, cũng là người vận động trong bà con ở ngoại quốc lập quỹ khuyến học giúp Vy, chia sẻ với Vy khá nhiều chuyện trong thời gian ở Bỉ, đầu dây nối kết Quang- Vy (về sau) nhưng vì chỗ nào cũng có (chị Linh) nên vô hình trung làm phai mờ tính cách nhân vật chính vốn là người tự trọng và bản lãnh.

Có được một truyện dài như Cung đường vàng nắng để đọc - trong hoàn cảnh sách giấy mất dần ưu thế và tiểu thuyết, truyện vì chạy theo lợi nhuận thường chìu theo thị hiếu thấp kém của khách hàng để cho ra đời nhiều tác phẩm tồi, không có giá trị văn chương, thiếu tác dụng giáo dục thế hệ trẻ - quả là việc đáng mừng. Cám ơn Dương Thụy.


­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
Chú thích:  * Truyện dài của Dương Thụy, tái bản lần thứ 3, NXB Trẻ
(1) trang 224 “Nhưng suy cho cùng cuộc đời mình là của mình…cuộc sống nhiều ý nghĩa”.
(2) trang 225 “ Tôi cần gì một chàng bạch mã hoàng tử khi bên cạnh tôi là một người con trai chân thành và ấm áp…thì còn gì mà không phải c’est l’amour?”.
(3) trang 251, 252.
(4) trang 126, 145, 180.

(5) 15 lần từ các trang 50, 52, 83, 114, 120, 131, 142, 158, 165, 195, 231, 239, 260, 284, 290.

22 nhận xét:

  1. Anh hongngoc chuyển nghề review sách rồi! Hỏi nhỏ anh tí: Thích chữ trai trong "mê trai" hay thích người hay nói 2 từ đó hở anh?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ là thấy vui vui nên viết vài suy nghĩ chơi Nô ơi, nghề này chắc cũng "nguy hiểm" như nghề biên tập!
      Khi HN đọc đến chữ "mê trai" bỗng dưng nhớ người "hay nói 2 từ đó". Đúng là Không gì qua mắt cụ Nô được!

      Xóa
  2. Sẽ quay lại bài này và nói dăm câu về “Oxford thương yêu”. Tiếc là bu tui không có năng khiếu bình sách nên nói trật trệu chỗ nào đó mong anh HN bỏ quá cho nhé
    (đi bộ ngắm biền VT buổi chiều đây)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu "hơi bị" cẩn thận, chưa gì đã "rào trước đón sau rồi" chắc vì ở Vũng Tàu bác hay ra Bãi Trước, Bãi Sau như chiều nay? Hihi. HN chờ bác đây.

      Xóa
  3. Như đã nói, từ rất lâu tôi đã mất khả năng đọc tiểu thuyết, tuy vẫn rất thường xem sách giấy. Nhưng vẫn còn đọc tốt tiểu thuyết như bác HN mà còn "bình" rất sắc sảo nữa là đáng hoan nghênh lắm :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đành bắt chước cụ Bùi Văn Sáu Giáng dùng 3 chữ "Vui thôi mà" bác NHP ơi. Hồi đi học, lâu lâu HN vẫn hay tìm những phim không hay, nhiều người chê để coi vì nghĩ: Biết đâu đấy! và đôi lúc, tìm ra được những chỗ dỡ của nó cũng là việc hay và thích thú bác ạ!

      Xóa
  4. TT tuy cũng như ai lăn mình vào tình trường nhưng không đánh vật vất vã toát mồ hôi nhiều nên kể như ... dốt (TT đoán chắc anh HN cũng thế mà hổng chừng còn như TT mới lớn đã yêu trộm một cô và chưa bao giờ bày tỏ).
    TT chứng kiến ở cuộc sống và đành võ đoán "tình yêu nó có lý lẽ riêng của nó".
    Còn kết của câu chuyện "Kết thúc truyện tình, tác giả đã cho Jean và Phương Vy gặp lại nhau ...chắc chắn lòng họ vẫn luôn hướng về nhau" có lẽ đúng vì tác giả là nữ. Nhưng phải chờ ý kiến của các bạn nữ giới. Chỉ tiếc là thiếu hẵn lời còm của phụ nữ Âu anh HN nhỉ!
    Chúc anh cùng gia đình vạn an.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN cũng mong có ai đó là độc giả nữ cùng đọc để xem thử họ nghĩ gì còn phụ nữ Âu thì chắc ít người biết tiếng Việt. HN có vào website của tác giả, đọc chừng vài chục cmt và email của độc giả mà tác giả đăng lại nhưng chỉ toàn là cám ơn và ca ngợi, ít có những nhận định nào sâu sắc. Dầu sao thì DT là tác giả nữ mình rất có cảm tình qua 2 tác phẩm đọc được.

      Xóa
  5. TT chưa thể post các giai thoại của cụ Chu, nhưng đã viết tóm tắt lại (nhớ đến đâu ghi lại đến đó vì khi được nghe kể TT chỉ mới ngài 20, khi đó hiểu được thì họa may còn nhớ, cái không hiểu thì chắc là quên. TT nghĩ là giai thoại thì có quyền sáng tác như vay mượn tên cụ Chu để đem cái trí thiển cận ngu dốt của mình lại dễ thành phỉ báng một bậc thánh nhân, chà đạp cả nền đạo lý Khổng Mạnh)
    TT chỉ viết lại nội dung do người khác kể, nên lưu ý người đọc cân nhắc đừng ngu dại mạo phạm cụ Chu, cũng đừng trách tác giả đã khuất. Còn thằng TT thì cũng đừng có chửi với câu "viết lại mà không suy nghĩ nhá! Có suy nghĩ đó mà chưa thấu đáo hoặc dùng từ không thích hợp.
    Giai thoại cụ Chu và anh Mọt (sang thăm anh xin gởi riêng anh chén cơm nguội với quả cà)
    Học trò khắp nước về học với cụ Chu sau khi người cởi áo từ quan (theo nguồn thì cụ treo mũ rồi chẳng thèm thưa thốt với Vua, về quê thẳng) rất nhiều. Có một anh tên Lê Thế Song (cái thế vô song) có tên thường gọi là Mọt, anh là con một viên chức nhỏ gia đình nề nếp. Ngoài tính cách anh chậm rãi cẩn thận, cha anh lại chuyên tâm gò ép anh theo đường khoa bảng và ông lấy khuôn phép của Thánh nhân mà dạy anh sống.
    Anh Mọt đi ngang vườn dưa dù bị dẫm phải gai cũng cứ cà thọt cà tưng mà đi (Nguỵ Vũ Đế có câu " Đi ở ruộng dưa không dừng lại sửa dép, ở dưới cây mận không dừng lại sửa mũ”), anh học hành chăm chỉ dù khả năng nhớ chậm bù lại anh chăm học bài. Trong giờ học, anh chẳng bao giờ xao lãng dù ngoài cửa hay trong lớp có việc gì anh quyết không quay đầu lại nhìn.
    Những câu nào anh không hiểu, anh hỏi và ghi chép lại cẩn thận lời giải nghĩa.
    Cụ Chu rất lo ngại, một hôm cụ gọi riêng anh Mọt đến và hỏi:
    - Anh đến học đã mấy năm, ta hỏi anh đang đi bị rắn cắn vào bàn chân thì anh làm sao?
    - Kính thầy! Con sẽ cột dây ngay trên chỗ cắn và nặn ngay máu độc.
    - Vậy anh bị rắn cắn khi đi ngang ruộng dưa thì làm thế nào?
    - Sinh tử nhẹ tợ mảy lông, con sẽ đi tiếp
    - Nếu anh chết thì chịu tiếng bất hiếu cùng song thân, lại bao năm đèn sách chí không thỏa chẳng tiếc lắm sao?
    Sau đó ít lâu, anh đến thưa cùng cụ Chu
    - Thưa thầy nếu bị rắn cắn ở ruộng dưa con sẽ cuối xuống lo chăm sóc vết thương.
    Cụ Chu than rằng:
    - Học mà không thông đạo lý thì giáo điển thành gông xiềng. Vì danh vì lợi vì sự sống bản thân phá bỏ khuôn khổ đạo người quân tử lại thành hoại chánh đạo. Kẻ này nếu theo khuôn phép chỉ là đồ cố chấp ương bướng, nếu phá bỏ khuôn phép lại thành phường vô lại. Y mà làm quan chỉ gây hại cho dân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn TT về chén cơm nguội cùng quả cà này. giai thoại cụ Chu và anh Mọt này HN e là cuả chính cụ Chu đây! Chỉ đơn giản vì nếu tinh thông kinh sách, thuộc chữ thánh hiền mà không biết vận dụng, thiếu quyền biến thì đôi lúc lại hại đời.

      Xóa
  6. Anh HN ơi!
    Khi nào anh về VN, mang theo "Cung đường vàng nắng" về tới NT, nhựthị... mới tin lận!
    Hihi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc reply của HN cho Nô đi, như thị cũng nên đọc thử Cung đường vàng nắng, vui lắm. Đợi đến khi HN về rồi mang về thì lâu quá, như thị chỉ hô một tiếng trong một bữa nhậu nào thiếu gì "trai" tình nguyện đem tới. Hihi.

      Xóa
  7. Bà già đã load quyển "Oxford thương yêu" về iphone để xem, mới được hai chương, tại vì dạo này bận quá. Mà lạ, dạo này lại ít đọc tiểu thuyết, ngay cả tác giả Daniel Steel là tác giả mà M yêu thích, M cũng chậm đọc lại. Không đọc tiểu thuyết có phải tại mình già chăng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bận rộn như GM mà còn đọc tiểu thuyết coi chừng "tẩu hỏa nhập ma"! Kết luận của GM trong entry này y chang của HN (chắc sẽ đề cập trong entry kế tiếp).

      Xóa
  8. Anh HN tâm hồn cứ trẻ mãi hỏng thèm già nên vẫn còn say sưa đọc tiểu thuyết của giới trẻ và còn bình rất hay nữa. Bái phục!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bình sách y như đánh trống chầu hát bộ, là điều ngu thứ bốn trong bốn điều ngu!. HN thiệt chả dám bình, đọc, thấy vui vui viết vài suy nghĩ của mình và rủ rê bạn bè đọc để chia sẻ thôi giao ơi. Rồi giao sẽ được đọc những entry già khú chứ không trẻ đâu!

      Xóa
  9. Nặc danh08:14 21/8/13

    Giá mà được đọc trên mạng. Cám ơn bài review rất hay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Viết mà được Tám khen là hạnh phúc rồi, chỉ mong sự thật đạt chừng 51% là vui. HN sẽ tìm xem trên Việt Nam thư quán hay E-thuvien.com xem có hay không để giới thiệu với Tám nhé.

      Xóa
  10. 1- Oxford thương yêu tái bản lần thứ 19 không ghi Tiểu thuyết thì nên hiểu nó là thể tài gì đây? Do Dương Thụy không xem “Oxford thương yêu” là tiểu thuyết, hay biên tập bỏ đi? Bielinxki (1811-1848) nhà phê bình văn học Nga gọi tiểu thuyết là sử thi của đời tư do chỗ nó miêu tả những tình cảm, dục vọng, và những biến cố thuộc đời sống riêng tư, và đời sống nội tâm của con người. Tác giả Dương Thụy không quan niệm tiểu thuyết là như vậy chăng.
    2- Bu rất có thiện cảm với tập sách này, cầm lên là đọc một lèo cho đến hết.
    - Dung lượng sách không quá lớn để làm người đọc ngợp, nhân vật không quá nhiều để làm người đọc rối. 16 tiểu mục từ “Ngỡ ngàng nhập học” cho đến “trở về”, gọn nhẹ, xinh xắn, như 16 toa tàu móc nối nhau trong cuộc hành trình đầy biến cố, và đến ga cuối trong rực rỡ hoa lá và nụ cười.
    - Người viết hiểu khá kỹ những địa danh tạo nên không gian nghệ thuật của tập sách như Oxford, New York, Lisbon…Tính cách nhân vật không nhòe lẩn người này sang người khác. Giáo sư baddley nhân hậu, giáo sư Portlock sát thủ, chàng châu Mỹ la tinh Mauricio trai lơ, David wilson nhẹ nhàng kín đáo, nhân vật chính Fernando sôi nổi, yêu chết bỏ nhưng không đi chệch hướng phía trước, một chàng trai Bồ đào nha thật dễ thương.
    - Tính cách Kim và Fernando khác nhau , tạo ra từng kịch tính nho nhỏ trong học tập, trong sinh hoạt… để rồi bùng phát cao trào có cơ tan vở khi chàng không báo sớm cho nàng biết sẽ đi công tác ở New York ba năm…Nhưng rồi cái gốc bền chặt của tình yêu đã gắn chặt hai người lại, làm câu chuyện được kết thúc tròn trĩnh, có hậu.
    - Văn chương Dương Thụy gảy gọn, sáng sủa, lưu loát, Không bị phương ngữ nam bộ chi phối. Các chi tiết, tình huống, xẩy ra không khiên cưỡng, gượng ép, cứ như tác giả là người trong cuộc.

    Trả lờiXóa
  11. 3- Sau khi gấp sách lại và ngẫm nghĩ cho đến khi gõ những dòng này thì thấy thêm:
    - Tác giả còn trẻ, học Tây nhiều nhưng tư duy tiểu thuyết hoàn toàn mang tính truyền thống Á đông. Tình tiết câu chuyện phát triển tuần tự như tiến, từ thấp lên cao, từ đơn giản lên phức tạp, theo kiểu đồng đại là lịch đại. Đây không hẳn là nhược điểm nhưng không cao tay ấn thì khó hay. Cũng như ai cũng làm được thơ lục bát như làm cho mới, cho hay, là khó vô cùng.
    - Oxford thương yêu là một bài thơ tình Việt - Bồ dễ thương, dễ cảm, làm bồi hồi người đọc. Tuy nhiên qua đó không nêu bật lên điều gì khả dĩ mang tính dân tộc và tính nhân loại. Đấy là yếu tố khẳng định một tác phẩm hay. Nó hay cho người Việt, hay cho không phải người Việt, hay cho hôm nay và muôn đời sau. Là bu tui nói cho hết nhẽ, chứ nếu được như thế thì sách Dương Thụy không nhất thiết tái bản 19 lần mà hội đồng Nobel đã xét trao giải. hihihi. Nhà văn Atiq Rahimi người Pháp sinh ở thủ đô kaboul viết tiểu thuyết Nhẫn thạch (hòn đá kiên nhẩn) 180 trang (kém sách DT 100 trang) được Pháp trao PRIX GONCOURT năm 2008, do nhà văn Nguyên Ngọc dịch ra Việt ngữ, Hội Nhà văn Việt Nam trao giải dịch xuất sắc. Sau 5 năm lưu hành sách chưa được tái bản lần nào tuy đã được 29 nước dịch. Anh Hồng Ngọc tìm đọc xem sao.
    - Về việc đánh giá Oxford thương yêu, bu và con gái đã bàn luận khá sôi nổi, nó bảo sách quá thường, vậy mà người ta làm ầm lên. Bu bảo con gái, đành rằng tác gỉa chưa làm được gì lớn lao ngoài kể chuyện tình yêu, nhưng hoàn toàn phủ nhận tính thời đại của tác phẩm là không ổn. Trước đây ở xứ mình hay nhấn mạnh khái niệm “ta”, đất nước ta, nhân dân ta, đảng ta, giai cấp ta…nay Dương Thụy dã góp phần biến “ta” thành “chúng ta”. Những giáo sư Phương Tây được xã hội tư bản đào tạo hoàn toàn không phân biệt đối xử với sinh viên ở nước cộng sản hay nước tư bản. Họ đào tạo ra con người làm khoa học phục vụ cho con người nói chung. Cô kim được các giáo sư quý mến và hết lòng dạy dỗ, ưu ái. Một vài người bảo Ông giáo sư Portlock sát thủ, đấy là sự đánh giá hời hợt, ông thực sự là một người sâu sắc, tình cảm nhiệt thành giấu vào bên trong. Lễ cưới của Kim và Fernando ở Sài Gòn, sự giao hảo của bố mẹ hai bên từ chỗ lạnh nhạt, đầm đìa nước mắt, đến chỗ đầy ắp nụ cười , quyến luyến kẻ ở người đi là một biểu hiện hòa hợp quốc tế, trong khi ở ta chưa thực sự có hòa hợp dân tộc.
    - Tỉ lệ người trẻ của dân Việt cao nhất nhì thế giới, trong đó số người bước vào yêu đương chiếm tỉ số khá cao. Quyển sách của Dương Thụy gải đúng chỗ ngứa của đám tuổi trẻ đang yêu, chắc chắn nó còn được tiếp tục tái bản. Số độc giả vào hàng bô lão như bu và Hồng Ngọc không phải nhiều. Nếu không đọc bài của anh thì bu tui cũng không biết Dương Thụy là ai .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thấy nhận định của bác Bu về “Oxford thương yêu”, đọc ngay nhưng chưa dám reply. Bây giờ viết sau khi đọc lại 2 lần nữa.
      1. Trước hết, HN cám ơn bác đã tận tình chia sẻ với HN khi đọc và viết cmt.
      2. Rất vui khi vì tuổi đời ngang ngửa nhau, những suy nghĩ của chúng ta về tác giả tác phẩm này có khá nhiều điểm tương đồng dầu biểu đạt không giống nhau.
      3. HN coi lại trang 2 của 2 quyển mình đọc, thấy ở “Cung đường vàng nắng” có ghi là “Tiểu thuyết” nhưng quyển trước thì không ghi gì, có điều theo cách ghi dưới hàng song ngữ thì có thể “Oxford thương yêu” là tiểu thuyết (?).
      4. Thiệt tình thì HN chưa đạt đến suy nghĩ như bác ở ý sau của nhận định này của bác: “Oxford thương yêu là một bài thơ tình Việt - Bồ dễ thương, dễ cảm, làm bồi hồi người đọc. Tuy nhiên qua đó không nêu bật lên điều gì khả dĩ mang tính dân tộc và tính nhân loại. Đấy là yếu tố khẳng định một tác phẩm hay”
      HN cũng không khen tác giả được như bác Bu về chuyện “biến cái ta thành cái chúng ta” nữa! (vì nhìn không ra việc này! Hihi)
      Thật sự là sau khi đọc xong và đến bây giờ, trong HN cũng còn thêm một số nhận định tuy không vào hàng “đinh” nhưng khi viết ra hoặc mở rộng ra cũng sẽ làm sáng tỏ thêm những ý chính mình đã nói vì hồi đó, nếu đưa thêm vào nó sẽ không phù hợp với tinh thần một bài viết ngắn nhằm rủ rê bạn bè giải trí. Những chuyện trên thuộc về nội dung một tiểu luận mà mình không đủ sức/ không muốn thực hiện. Vì vậy với nhà văn trẻ tài hoa và mình có nhiều cảm tình này cũng sẽ chỉ viết thêm sau khi đọc “Cung đường vàng nắng”mà HN đã post.

      Xóa
  12. Post một lần nhiều quá nó không cho bác ơi hihi!

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter