13/8/13

Những địa chỉ khó quên ở Nha Trang



Tôi đến Nha Trang lần đầu tiên vào Giáng sinh 1968 khi từ Đà Lạt chạy Honda xuống với đứa em họ, đi công việc và chỉ ở lại một đêm rồi quay về nhưng thành phố này đã tồn tại trong tôi từ năm lên sáu qua những chuyện kể, những tấm hình anh Hai tôi làm việc ở đây giữa thập niên 50 của thế kỷ trước đem về.
Nhà ga, chùa Hải Đức, nhà thờ Đá, cầu Xóm Bóng… in đậm trong tâm trí tôi từ những tháng ngày xa xưa ấy với những tự hào trẻ con, làm gì mà lũ bạn cùng xóm  hay cùng lớp nghe nói đến những nơi này? Tôi nhớ những tối mùa hè sáng trăng, đem chiếc chõng tre  ra trước sân nhà ngồi hóng mát, mẹ tôi vẫn thường đọc “Trăng rằm mười sáu trăng treo/ Anh đóng giường lèo cưới vợ Nha Trang”, mỗi lần nghe thế, tôi nghĩ đến anh Hai và mong mau đến ngày anh về.

Ra trường, vào Cam Ranh dạy học tôi đi máy bay, khoảng 4g chiều thì máy bay lượn vài vòng, hạ độ cao để xuống phi trường Nha Trang. Ra khỏi đồng rưộng phía Nam, từ trên máy bay nhìn xuống là biển xanh ngan ngát, những con sóng ngoài khơi lăn tăn và xa xa là vài chiếc thuyền đánh cá, biển và bờ biển trong nắng nhạt buổi chiều đẹp như vẽ, là nhiều căn nhà màu trắng của thành phố và hình ảnh đó đọng lại trong tôi mãi đến bây giờ khi tôi gắn bó với nơi này đã bốn mươi năm.

Cam Ranh cách Nha Trang 60 cây số, hồi ấy chỉ đi xe đò, tôi lại không có người thân ở đó nên thời gian đầu thấy xa lạ dầu rằng ngay từ 1968, khi chạy xe về lại Đà Lạt, trên đường Nha Trang-Thành, nhìn khung cảnh hiền hòa hai bên đường, tôi đã mơ sẽ được định cư lâu dài ở xứ này. Cuối tuần, những đồng nghiệp có nhà ở đây về nhà, người khác có bạn bè, người thân thì ra chơi, nghỉ cuối tuần, khi vào lại kháo nhau nào là đi uống bia dưới Duy Tân, nào là coi phim “Meurtre au soleil” ở Nha Trang Ciné đường Hoàng tử Cảnh mà mình chưa có cách nào vì vài tháng đầu tôi chưa có bạn để đi cùng.
Nhưng rồi, “Que sera, sera!”, dạy ở Cam Ranh đúng 4 tháng thì quân giải phóng đánh BMT rồi miền Nam mất, di tản, quay về, xin dạy lại, làm quen với nền giáo dục mới…và trong bối cảnh đó, tôi có KN, một “đàn chị” sinh trước tôi vài tháng, ra trường trước tôi hai năm nhưng cùng lứa “tú tài Mậu thân” và cùng học ở Huế với nhau.

1. KN có một người cô ruột (em bố) làm việc ở bệnh viện tỉnh có chồng là đại úy pháo binh VNCH, nhà ở đường Phương Sài, khi chúng tôi có nhau, nàng đưa tôi về giới thiệu rồi từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi ra nhà hoặc mỗi dịp hè về sở giáo dục học chính trị - nghiệp vụ tôi đều ghé nhà Phương Sài, nhà của O trở thành địa chỉ đầu tiên gắn bó với tôi với khá nhiều kỷ niệm vui buồn nhất là khi tôi thành cháu rễ của O, Chú đầu năm 1978.
Tháng 10 năm đó, khi chúng tôi chuyển lên dạy ở trường miền núi Phú Yên thì nhà O trở thành chốn đợi về, chốn nương thân của chúng tôi khi về thành phố, nơi chú cháu ngồi khề khà tâm tình, đàm đạo chuyện thời thế bên ly rượu thuốc, nơi O tôi, bằng đồng lương ít ỏi của mình vẫn sắm chút gì cho anh chị ăn chứ ở núi mấy tháng rồi! Sau này khi vợ tôi sinh con gái đầu và khi cu Út bệnh chuyển từ Tuy Hòa về Nha Trang điều trị dài ngày đều về ở đây và có sự giúp đỡ của O Chú và các em..
Khi chúng tôi về hẵn Diên Khánh, nhà O vẫn là nơi chúng tôi tá túc trước khi có chổ ở ở trường, vẫn thường xuyên lên xuống nhưng khi chúng tôi ổn định ở nhà riêng của mình không lâu thì tôi đi làm xa, vợ tôi cũng bận rộn, xuống Nha Trang thì dành thì giờ ghé ông bà ngoại các cháu từ Huế vào sống sau này, chúng tôi ít ghé thăm, mỗi năm chỉ ghé vào mùng một Tết và ngày giổ bà nội nhưng từ sâu thẳm lòng mình vẫn luôn nhớ ơn O Chú.

2. Khi chúng tôi chuyển lên miền núi Phú Yên vào gần cuối thập niên 1970’s, trường mới thành lập, có 3 cô giáo vừa ra trường khóa 2 CĐSP từ Nha Trang cùng lên. Trong môi trường khó khăn vất vả ấy, mọi người dựa vào nhau để sống, làm việc và nhóm Nha Trang nhanh chóng gần gủi nhau, giúp nhau từng việc nhỏ trong khả năng của từng người. Có người xuống núi là sẵn sàng giúp đỡ những người ở lại, giúp chuyển thư tới tận nhà cho từng người, khi lên lại đem thư và quà lên giúp. Và tôi biết đến địa chỉ thứ 2, đường Lạc Long Quân trong trường hợp này.

Ông bà ngoại Sơn. chủ nhà, như cách gọi thân mật của chúng tôi sau này,  người gốc Huế, sống Nha Trang từ lâu lắm, có 10 người con, chị đầu lấy chồng ở gần, Mai, cô giáo dạy cùng trường tôi là con thứ tư và một bầy lít nhít phía sau, hình như chỉ có hai người đầu nói giọng Huế còn mấy anh chị em sau đều nói giọng Nha Trang.

Khi tôi đến lần đầu chuyển thư Mai, mọi người nhìn tôi rất lạ, sau này mới biết là vì khuôn mặt tôi “khá giống” với chàng rễ chồng Dung, cô gái thứ ba trong nhà, thiếu tá QLVNCH đang cải tạo tận ngoài Trung. Chiều hôm đó tôi ngồi trước hiên, người anh thứ hai đạp xích lô về, lại cận thị, nhìn thế nào tưởng tôi là em rễ, định chạy lại ôm mừng! Có thể chuyện này cộng với cách cư xử thật lòng của tôi, không lâu sau tôi được mọi người đối xử rất gần gủi thân tình, nhất là ông ngoại và người con trai lớn.

Lên trường gần 3 tháng thì về  Nha Trang ăn Tết rồi giữa tháng giêng năm đó vợ tôi sinh con đầu lòng và nghỉ hậu sản mấy tháng ở đây, mặc dầu đường sá cách trở, xe cộ khó khăn với 7-10km đi bộ nhưng tôi cũng thường xin về và lần nào cũng ghé Lạc Long Quân chuyển thư.
Có lần gia đình nhờ tôi giúp dẫn Dung lên thăm em gái ở trường, vậy là tôi có được một lần đi có bạn đồng hành, 170km mua vé xe đò hai bến và 7 hoặc 10km đi bộ qua các khu canh tác của nông trường.
Sáng ngày đi, tôi ra bến xe nội tỉnh xếp hàng mua vé trước cho hai người, đang chờ đến lượt thì nghe có ai vổ nhẹ vào lưng, giật mình quay lại, Dung đã tới với nụ cười thật tươi,  ăn mặc giản dị nhưng đẹp và sang mà hình ảnh còn lại trong tôi là áo lain cổ tròn màu Bordeaux chen vài ba hình vuông nhỏ màu đen và xanh đen ở thân trước. Lúc đó em chỉ vừa 24 tuổi nhưng đã có một con gái lên ba!
Xe chạy tới Vạn Giã thì Dung say xe, mệt, xây xẩm và buồn nôn. Tôi phải trổ tài thầy thuốc, xoa dầu, bắt gió … cho em tựa đầu vào vai tôi để nghỉ ngơi. Nhờ đó, em ổn định dần để đến khi xuống hết đèo thì em bình thường lại, nói cười vui vẻ và không hiểu sao tôi cũng thấy lòng mình vui khi nghĩ chắc hành khách trên xe nghe cách xưng hô của chúng tôi và nhìn thấy cách chăm sóc của tôi cho em, chắc chắn sẽ nghĩ đây là hai vợ chồng!
Ra tới Tuy Hòa thì biết được một tin vui: xe của trường xuống thị xã công tác, vậy là chúng tôi sẽ bớt được chín, mười cây số đi bộ và Dung cũng đỡ nhọc nhằn khi mới mệt xong. Chúng tôi cùng qua ngã ba lên Phú Thứ để ngồi chờ xe trường, rất may, có một mái tranh, hình như là quán sạp của ai đó đã không còn dùng, anh em tôi vào ngồi để xe về ngang dễ nhìn thấy.
Gần 2 giờ chờ ở đây, anh em nói chuyện lan man không đầu đuôi gì, Dung kể tôi nghe chuyện học vài năm luật ở Sài Gòn, chuyện lấy chồng, chuyện công việc hiện tại rồi bất ngờ nặn mụn trên mặt cho tôi, tôi nghĩ, vậy là mọi chuyện bắt đầu, chuyện say xe ở Vạn Giả không  chừng cũng “trong kịch bản”. Có điều, Dung trẻ trung, xinh đẹp, cư xử rất dễ thương cũng dễ làm mình xiêu lòng để rồi…”gone with the wind”!
Hình như có cái bẫy giăng ra và không ngờ tôi lại ngoan ngoãn chui vào trong đó!
Sau này, lần nào về Nha Trang kể cả khi chúng tôi đã rời miền núi, cô đồng nghiệp đã chuyển về Nha Trang tôi vẫn ghé thăm ông bà, thăm cả nhà, thăm mẹ con Dung, em vẫn nhận hàng HTX về nhà làm nên rãnh rỗi, buổi tối chúng tôi lấy xe đạp ra biển, đi uống nước rồi chạy vòng vòng nhiều nơi, nói là để sau này có chuyện mà nhớ nhau, để một trong hai đứa có dịp đi qua là nhớ đứa còn lại.
Chúng tôi về Diên Khánh ít lâu thì chồng em xong cải tạo về nhà, vài tuần sau, nhân sinh nhật con gái, họ mời vợ chồng tôi dự, khách mời và gia đình hơn 20 người ngồi trên một dãy bàn dài, vô tình tôi, vợ tôi, chồng Dung cùng ngồi một bên nhưng cách nhau, em đến sau tôi sau khi đã bấm trước với thợ chụp hình, tựa cằm vào vai tôi để thợ bấm máy. Em nói với tôi, đến lúc phải kết thúc mọi chuyện và tôi cũng thấy đó là điều cần thiết, rồi sau đó, chúng tôi đối với nhau như anh em, cho đến ngày gia đình em xuất cảnh, khi tôi biết thì em đã định cư rồi ở Mỹ rồi!.
Nếu có ai nghĩ đây là một chuyện tình thì tôi nói rằng, với tôi, đây là chuyện tình nhỏ có happy end!

Hoàng Dung ơi, hơn ba mươi năm qua, mỗi lần nghĩ đến em, nghĩ về quan hệ của bọn mình anh vẫn thầm cám ơn, trân trọng những tình cảm em dành cho anh và nhất là cách xử sự đầy hiểu biết của em nhưng vẫn thấy, ở khía cạnh nhân bản của mối quan hệ này, anh có lỗi với em. Rồi nghĩ lại, anh lại tha thứ cho mình vì lỗi do anh không cố ý và không hiểu biết để hành xử đúng trong tình huống này!
Hình chụp chung với em anh không có tấm nào nhưng chắc rằng chúng ta rất giống với người Việt khi vừa vượt biển đến Palawan phải không em?
Lần ghé gần đây nhất của anh là tháng 9 năm ngoái, lúc nghe tin ông ngoại bệnh nặng nhưng đến nơi thì rất mừng, ông khỏe, nói chuyện vui vẻ, tỉnh táo…chỉ đáng tiếc là sau bao năm, vật đổi sao dời, anh không còn nhìn thấy được một chút dấu vết, một chút hình ảnh ngôi nhà ngày xưa đã xa lắm rồi, để mường tượng hình ảnh em ở đâu đó trong nhà chạy ra, cười bằng mắt và hỏi: “Anh về khi nào, có khỏe không, bao giờ đi lại…?”.

24 nhận xét:

  1. Ôi, Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm hồ dễ có ai quên!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng chỉ là kỷ niệm, cũng là một chút rong chơi, một lần đi lạc. May mà không xa Nô há!

      Xóa
  2. Nha Trang, Diên Khánh, Ninh Hòa, Cam Ranh, Phú yên, Bình Định... Là những nơi tôi có ở đó trước năm 75, khi trong quân đội. Có một chi tiết bác HN có nhắc đến là bác có dạy học vào cuối thập niên 1970 ở một huyện miền núi Phú Yên, là ở Sơn Hòa hay Đồng Xuân (La Hai)? Trước năm 75 tôi có ở đó, 2 huyện nguy hiểm nhất bởi chiến sự.
    "Love story" của bác HN hay lắm :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sống sót sau những năm chiến tranh ác liệt, qua những địa bàn ác liệt trở về lành lặn... đối với những người cầm súng (kể cả sĩ quan cao cấp) là chuyện đáng mừng! Nơi HN dạy là vùng giáp giới giữa tây Phú Yên và Sơn Hòa, ở đó có một bãi xe cháy có hàng trăm chiếc của nhiều loại xe, phần lớn là dân sự trên đường di tản từ Tây nguyên về Tuy Hòa bị pháo kích và tấn công khi công binh VNCH lập một cầu phao qua sông Ba! Cám ơn bác NHP đã chia sẻ và có lời...khen! Hihi.

      Xóa
    2. Bác HN nhắc đến ký ức tháng 3 năm 75 của tôi, trong đoàn xe ấy có tôi đấy, lúc ấy tôi trên đường từ Pleiku về Phú Yên trên Liên tỉnh lộ 7, một con đường đã bỏ hoang từ thời Pháp, thật kinh khủng. Khi kẹt ở cái cầu phao do công binh làm trên sông Ba, thì tôi được một chiếc Chinook "vớt" khi đang ở bìa rừng, và đưa về sân bay Đông Tác Tuy Hòa. Hồi tôi ở Sơn Hòa khoảng năm 73 thì từ Tuy Hòa vào chỉ có thể đi bằng trực thăng, còn khi ở Đồng Xuân thì có thể đi xe nhưng rất nguy hiểm, 2 lần tôi đi đoàn xe bị phục kích nhưng may mà không sao. Chiến tranh nghĩ lại thật đáng sợ.

      Xóa
    3. May mà có chiếc Chinook đen hai cái chong chóng trên đầu, không thôi thì làm sao mà làm nhiều con "tò he" bằng giấy. HN đến Bãi Cháy 3 năm sau, vẫn còn đầy xe, thỉnh thoảng còn gặp đầu lâu, xương sọ.

      Xóa
  3. M đến Nha Trang vào năm M 11 tuổi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đến khi rời Cam Ranh vẫn không có lần nào ra Nha Trang sao GM??

      Xóa
  4. Hôm này ngày 7/7 ngày Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau, ngày mà bây giờ người châu Á tôn là ngày lễ tình yêu.. mà được đọc câu chuyện tình nho nhỏ đáng trân trọng mà bây giờ mới được bày ra trong trang giấy này. M tin rằng mối tình đó sẽ theo anh Hồng Ngọc suốt đời anh HN! Chắc chị nhà cũng sẽ trân trọng tấm tình này. Và bạn bè cũng thế!

    Mưa tạnh rồi, Ô thước đã gần rã cầu, năm nay dù hai người chưa gặp lại, tin rằng sau này khi móm mém rồi mà gặp lại nhau vẫn sẽ vui bên ly cà phê đắng mà ngọt ngào anh HN nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng là làm một "người ngồi thương nhớ bao ngày qua", nhắc nhớ chút kỷ niệm xa lơ xa lắc ấy mà. Chỉ là một thoáng và "đồng chí vợ" không nặng lòng gì vì chút lãng đãng của HN! Ở Thái Lan, ngày 12/8 là sinh nhật Hoàng Hậu cũng là Mother's Day. Rất vui vì đọc "tin rằng sau này..." của GM.

      Xóa
  5. Chiện bi giờ mới kể! hic hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng không phải là "tự thú trước bình minh" giao ha!

      Xóa
  6. Địa chỉ khó quên thường gắn liền với hình ảnh một người...phụ nữ đáng nhớ !

    Trả lờiXóa
  7. Anh HHP nói thì..."cấm có sai" ("được cái toàn nói đúng"). Hihi.

    Trả lờiXóa
  8. Nặc danh08:12 15/8/13

    Một tình cảm nhẹ nhàng đáng quí. Chẳng biết có người nào trong hai anh em một đôi lần ước ao giá mình đừng xem nhau như anh em. :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ không ai có ước ao như Tám mà nếu có thì chỉ là "giá như ngày xưa mình gặp nhau sớm hơn". Biết thế nào! Người thường ai dây vào những chuyện này cũng đều ưa sở hữu, nhưng nhân vật trong này, rất may, đều biết tự chế và nhờ thế, chuyện này mới được kể lại, nhẹ nhàng! Tám có nghĩ thế?

      Xóa
  9. 1- Riêng câu chuyện với em Dung đã là một ẻn thật hay rồi.
    Mọi việc ở đời cũng là "cuốn theo chiều gió" và hạn phúc thường là ngắn ngũi
    2- Bu tui đến Nha Trang lần đầu khoảng năm 1989, thực sự bàng hoàng trước vẽ đẹp con đường ven biển mà người ta đặt tên Trần Phú, tiếc thay!!!Quá trình làm việc bu đến đây nhiều lần nhưng cũng chi cưỡi ngựa xem hoa. Thú vị nhất là được một ông bạn cho mượn ô tô đi từ Đà Lạt về Nha Trang bằng con đường mới mở...
    3- có cái tình cờ là người thân bu đều ở các thành phố du lịch: Em gái và các bạn thân ở Hà Nội, quê vợ ở Huế, em trai ở sở Giáo dục Lầm Đồng có nhà tại Đà Lạt, con trai và cháu đích tôn ở Sài Gòn, hai bu ở Vũng Tàu gần con gái. Buồn nỗi Nha Trang không có ai.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thiệt là xứng với 10 năm kinh sách và rèn Trung quán! Con đường biển đó bây giờ dài hơn xưa vì mở thêm, lại có cả "cầu Trần Phú" nữa! Chán.
      Mai mốt HN về lại Nha Trang để sống thì mời hai bác Bu ra chơi, chỉ cần ngủ một đêm trên xe là tới, bạn bè của bác ở NT bây giờ nhiều rồi. Cũng là người thân đó thôi.

      Xóa
  10. Anh Hongngoc đến NHa Trang sớm thế 1968, hèn gì em khg biết....nhỏ chút chíu hà...Haha

    Trả lờiXóa
  11. Nếu biết thì chắc em đã bắt HN cõng ẻm đi mua kẹo rồi MTB ha?

    Trả lờiXóa
  12. " Cố nhân xa rồi
    Có ai về lối xưa ... "

    Người Nha Trang gốc thường hiền hòa , thân thiện và lịch sự , M có nhận xét như vậy , không biết đúng không ((-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ cần trích vài chữ trong Hoài Cảm cũng là một chia sẻ rồi. Cám ơn MB. Nhận xét về người Nha Trang khá chính xác, đất Khánh Hòa cũng khá hiền hòa, ít chịu ảnh hưởng của chiến tranh, thiên tai như vùng đất từ bên kia đèo Cả trở ra,

      Xóa
  13. Hic...
    Chắc là có một địa chỉ ở Nha Trang mà anh HN... đã quên!!!

    Trả lờiXóa
  14. "Em còn nhớ hay em đã quên!"??

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter