16/1/16

XẢ.


Có việc phải đi xa trong thời gian chưa đầy 48hrs, nghĩ rằng sự chờ đợi trước khi vào máy bay và thời gian bay không dưới 5hrs khi đi cũng như về, tôi nhét vội vào xách hành lý của mình một quyển sách nhỏ khổ 10.5x14.5cm của nxb Hồng Đức: “Nhìn thấu là trí huệ chân thật” do Pháp sư Trang Trí và một cư sĩ ẩn danh đã “sưu tầm và trích tuyển những lời khai thị trọng yếu nhất của lão hòa thượng Tinh Không đối với vấn đề Nhìn thấu và Buông xuống” dành cho những người niệm Phật, Minh Trí và Mẫn Đạt chuyển dịch sang Việt ngữ. Tôi có duyên với sách này do một người chưa quen tặng khi họ giao hàng theo order mười bộ sách “Khuyên người niệm Phật” (của tác giả Diệu Âm) mà chúng tôi đặt mua.

Sách có 26 đoạn hiểu như mỗi bài giảng ngắn, trước mỗi đoạn dành riêng trang đầu ghi lời Hòa thượng Tịnh Không như là nội dung khái quát. Người dịch, trong phần dẫn nhập cũng lưu ý độc giả là bản dịch so với nguyên tác có vài thay đổi : đoạn 3 của sách được lược bớt và thay bằng một đoạn khai thị của Hòa thượng, đoạn 25 & 26 là lời khai thị của tổ Ấn Quang.
Điều đặc biệt trong suốt tập sách này là, trừ đoạn 1, 13 và 25,26 nói trên, trong 22 đoạn còn lại đã có đến 51 trong số 178 trang của sách từ “buông xuống” xuất hiện với tần suất khá cao: 120 lần (trừ trang 36 là buông xả, trang 51 là buông bỏ), trang 74 xuất hiện 6 lần, trang 51, 127 có 7 lần và trang 67 từ này được nhắc đến 8 lần! Điều này đã buộc tôi đặc biệt chú ý và phải đọc lại.
Từ nhiều năm nay, những đẩy đưa của hoàn cảnh đã khiến tôi không thể bám víu vào những thứ vẫn thường bám víu: sự gần gũi những người thân, nhà cửa, phương tiện sinh hoạt, sách vở, những thứ gắn với ngôi nhà, kỷ niệm… Tôi cũng tự nhủ mình hãy buông xả, buông những vật ngoại thân, buông những tham ái, những tình cảm mà mình ngỡ là thường hằng, miên viễn vì thật sự, dầu không muốn buông thì cũng không thể giữ được, sống ở Nha Trang thì nghĩ đến mẹ, anh chị và người thân ngoài Trung, nhớ con cái ở Sài Gòn. Qua Bangkok thì tài sản cả vật chất lẫn tinh thần thứ để ở Nha Trang, thứ ở Sài Gòn. Buông xả giúp mình thấy nhẹ lòng, tất nhiên nó còn cần tác động thêm bởi các khái niệm về nhân duyên, nghiệp lực để giải thích và củng cố thêm niềm tin của mình.
Đọc kỹ sách này mới hiểu thêm rằng khái niệm buông xuống là khá rộng, muốn vãng sanh phải hội đủ hai điều kiện: một là lòng tin chân thật, tâm nguyện thiết tha (chân tín, thiết nguyện) và hai là buông xuống vạn duyên. Hòa thượng còn giảng thêm rằng đó là những thứ thị phi, nhân ngã, danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, trong tâm phải trống rỗng, mây trần chẳng nhiễm. (tr. 41). Tôi cũng rất thích ngay đoạn đầu tập sách này khi Hòa thượng Tịnh Không trích lời tổ Huệ Năng: “Nếu thật sự là người tu đạo chẳng nhìn thấy lỗi lầm của kẻ khác” để giảng rằng điều làm cho Hòa thượng “khâm phục sát đất là Phật pháp chỉ dạy một cá nhân tôi chứ chẳng dạy một ai khác” (như thế để biết xét đoán chính mình, nhìn lỗi của mình mà tu sữa hơn là lo đi chê bai người khác).
Từ những thu nhận ở sách này, tôi lại tìm hiểu thêm về khái niệm XẢ trong tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỉ, xả mà khi nhỏ khi vào chùa thường thấy khắc hai bên cổng phụ của tam quan, bên này TỪ BI, bên kia HỈ XẢ). Những lý giải đáng chú ý là:
1.Xả là sự chấp nhận sự chuyển biến của sự vật và chấp nhận sự biến đổi về tư tưởng. (1)
2. Xả là tâm buông xả. Xả cái gì? Là phát tâm cho chúng sinh, bạt trừ cái khổ , giúp người nào đó thoát khỏi cảnh nguy khốn. chúng ta đừng nên chấp vào đó lưu giữ mãi trong tâm thức mong muốn được đền đáp trả ơn. Khi xong việc rồi là quên đi và bỏ hết tất cả. (2)
Ở một tài liệu khác còn nói rõ như sau: XẢ là buông bỏ, không chấp, không kể.
-Khi dư của cải, chúng ta nên xả bỏ, nghĩa là đem bố thí.
-Khi làm được việc gì tốt, chúng ta không kể công, không tự hào.
- Khi có ai không cùng quan điểm, ý kiến với ta, ta cũng không tranh chấp.
-Tha thứ lỗi lầm của người khác, không ghi nhớ, không thù hận. (3)
Tôi không phải là Phật tử, không là tín đồ Tịnh độ tông, đọc sách Phật giáo để học hỏi và sửa mình, tin chắc chắn rằng đây là một giáo lý giải thoát rất phù hợp với mình nhưng cũng không dễ dàng chấp nhận tất cả những gì thấy không thỏa đáng. Dầu có rất nhiều đoạn giúp ta tham khảo để dần dà buông xả nhưng vẫn thấy “Nhìn thấu là trí huệ chân thật” có vài điểm khó đồng tình khi (ở đoạn 14, tr. 97) Hòa thượng Tịnh Không khen “Ấn Quang đại sư có một phương pháp vô cùng khéo léo“ đó là “người thật sự tu đạo nên dán chứ CHẾT lên trán, từng giờ từng phút nghĩ mình sắp chết”. Nếu để được giải thoát mà (cho rằng dành) năm bảy năm trong đời theo phương pháp này thì còn gì là ý nghĩa cuộc sống?. Ở đoạn 21 (tr. 141), Hòa thượng giảng rằng: “Chuyện tốt nhất trong thế gian là có công phu niệm Phật, thật sự có thể buông xuống hết thảy thân tâm thế giới, chắc thật niệm câu A Di Đà Phật này. Người như vậy là người làm chuyện tốt mỗi ngày, làm chuyện tốt hạng nhất…”. Tôi đang tự mình buông xả, không chấp vào ngôn ngữ, văn tự nhưng nếu theo lời giảng trên thì không rõ chuyện tốt nhì, ba trong thế gian là chuyện gì? Hay các vị dịch có nhầm lẫn gì chăng?
Tại Việt Nam, Thích Nguyên Tạng viết sách về Hòa thượng nhan đề là “Pháp Sư Tịnh Không, Người Truyền Bá Giáo Lý Tịnh Ðộ qua con đường giáo dục”. Qua tiểu sử của ngài đọc thấy trên nhiều trang web, trong 55 năm ở cửa Thiền, bằng những hoạt động và nội dung hoằng dương Phật pháp tại Đài Loan quê hương ngài và khắp thế giới, Hòa thượng xứng đáng được tôn xưng là Người có công phục hưng Tịnh độ tông thời hiện đại .

Chú thích:
1.-Xả là chấp nhận sự chuyển biến của mọi vật: Nguồn gốc của khổ đau là vô minh. Vô minh thể hiện bằng hai loại tâm, thứ nhất là tham lam với những đối tượng khả ái; thứ hai là lòng sân hận với những đối tượng bất khả ái. Tham mà không được cho nên khổ, ghét mà cứ xuất hiện trước mắt cho nên khổ. Nói một cách khác hai loại khổ này là do sự ‘chấp trước’ mà có. Thế nào gọi là chấp trước ? chấp trước là sự không chấp nhận thật tại không ưa thích, có nghĩa là thật tại là như thế mà chúng ta không muốn nó như thế, muốn nó tồn tại theo sự suy nghĩ chủ quan của mình, sự không chấp nhận này được gọi là chấp trước….Sự chấp nhận sự vô thường chuyển biến của mọi sự mọi vật và ngay cả con người chính là tâm xả,
- Xả là sự chấp nhận biến đổi về tư tưởng: Loại khổ thứ hai là loại khổ về tư tưởng. Loại khổ này được xuất hiện do sự cố chấp về mặt tư tưởng, có nghĩa là quan điểm tư tưởng không đúng hoặc không còn phù họp với thực tế nữa, nhưng vẫn khư khư cố chấp cho nó là đúng, giữ vững lập trường quan điểm tư tưởng của mình, chính sự cố chấp này đã tạo thành nổi khổ không những cho chính mình mà còn gây nổi khổ cho kẻ khác, nếu như quan điểm đó có liên quan đến người khác.
Có hai loại xả: Một là xả về mặt vật thể và hai là xả về mặt tri kiến. Xả về mặt vật thể là xả bỏ hay chấp nhận sự biến hoại tự nhiên của các vật thể, như sự đau bịnh và tử vong của con người, hay sự hoại diệt của cái mà chúng ta thường gọi là vật sở hữu. Xả chỉ xuất hiện khi nào chúng ta thấy rõ bản thân của mọi vật là vô thường vì sự hiện hữu của chúng do duyên khởi. Khi nào chúng ta như thật tuệ tri như vậy, chúng ta mới chấp nhận sự biến đổi của chúng. Sự chấp nhận biến đổi là ý nghĩa của chữ xả trong đạo Phật.
Kế đến, xả về mặt tri kiến là sự chấp nhận sửa đổi quan niệm sai lầm của mình. Quan điểm sai lầm được xuất hiện từ sự tư duy không chính xác, trong kinh điển thường dùng là ‘không như lý tác ý’, do đó hình thành quan điểm không đúng, nó là nguyên nhân của mọi khổ đau. Thái độ chấp nhận sửa đổi quan điểm sai lầm là tinh thần xả trong đạo Phật

--> Read more..

Flags..


Flag Counter