27/3/14

Nhạc Trịnh Công Sơn trong cuộc sống đời thường.



 (Để tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân ngày giỗ thứ 12 của ông, 01.4.2014)

Hiếm có một nghệ sĩ nào ở Việt Nam mà khi qua đời được nhiều người tiếc thương,  nói về, viết về nhiều đến như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn! 
John C. Schaffer,  đến Việt Nam lần đầu tiên vào mùa hè năm 1968 trong vai trò tình nguyện viên của Tổ chức Tình nguyện Quốc tế (International Voluntary Services) dạy Anh ngữ tại trường Trung học Phan Chu Trinh ở Đà Nẵng viết :  “Khắp cả Việt Nam và những thành phố khác trên thế giới nơi có người Việt Nam định cư – từ Melbourne đến Toronto, từ Paris đến Los Angeles và San Jose – tất cả đều bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của ông và hàm ơn gần 600 ca khúc mà ông để lại cho đời. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng ngàn người dự tang lễ của ông và khắp nơi diễn ra những buổi trình diễn văn nghệ, một số chương trình được thu hình và trình chiếu lại trên TV, đặc biệt những ca sĩ trẻ hát những ca khúc của ông để nói lời chia tay với người đã làm rung động hàng triệu con tim.”*
 
Những bài viết, những công trình nghiên cứu về Trịnh Công Sơn nói nhiều về lời bài hát (ca từ) hơn là về (chất) nhạc hay âm hưởng trong nhạc của ông nhưng có một sự thật hiển nhiên không ai chối cãi được là nhạc tình của ông được xem là những tình khúc vượt thời gian. Nhà văn Nhật Tiến theo lời kể của nhà phê bình văn học Đặng Tiến khẳng định: "nó đi thẳng vào đời sống" còn nhà văn Hoàng Khởi Phong thì : "Riêng với nhạc Trịnh Công Sơn, tôi nghĩ nó đi thẳng vào lòng người".
 Nhạc sĩ Văn Cao, một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam cũng nói về nhạc của Sơn như sau:  Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ... Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra”.**

Từ  nhiều năm gần đây, kể cả khi Trịnh Công Sơn còn tại thế, việc trích dẫn một cụm từ hay một đoạn lời nhạc của ông được dùng khá nhiều trong văn học lẫn đời sống hàng ngày. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, một nhà văn, nhà thơ và cũng là bạn của Trịnh có lẽ là người dùng nhiều câu chữ của Trịnh làm đề tựa cho tác phẩm của mình như  Gió heo mây đã về (trong nhạc phẩm Nhìn những mùa Thu đi) một biên khảo về tuổi chớm già. Từ đó cụm từ này được dùng rộng rãi trong cuộc sống, khi người ta nói chuyện với nhau, than phiền về sự mỏi mệt mỗi lần thời tiết thay đổi hay than về hiện tượng nhớ nhớ quên quên, họ sẽ nói ngay: Bọn mình đều ở vào độ tuổi  gió heo mây đã về rồi còn gì! Rồi những bài viết trong đó, thỉnh thoảng tác giả vẫn đệm thêm hoặc lấy ngay tựa đề cũng từ…nhạc Trịnh!

Cuối năm 2011, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lại cho ra đời một tập tạp văn: Nhớ đến một người  (trong nhạc phẩm “Nhớ mùa Thu Hà nội”), tác giả dành bài viết thứ năm: “Đi cũng là về” viết về Trịnh Công Sơn trong 45 bài viết của mình. Bắt đầu bài này, tác giả viết như sau: "CÓ NGƯỜI HỎI TÔI CÓ PHẢI TRỊNH CÔNG SƠN là một thiền sư không mà sao cứ thấy tôi nhắc và trích dẫn ca từ của anh trong các bài viết về Thiền, về Phật pháp của tôi?”. Với đoạn trích này, ta hiểu rằng hơn một chục tác phẩm của ông đều bàng bạc đây đó những đoạn, những bài có…ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn.
Sẽ không lạ lùng gì khi ta gặp ở một đám cưới, khi tiễn khách ra về ở ngoài hiên nhà hàng, một người bạn của ba mẹ cô dâu/ chú rễ vổ vai chú rễ và nói với cả hai rằng: Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau!
Ta cũng có thể nghe, trong một góc khuất của một quán café vắng khách vào một buổi chiều, hai người bạn cũ quá tam tuần xa nhau đã lâu bất ngờ gặp lại, khi hỏi thăm về chuyện vợ con, một trong hai trả lời là vẫn còn độc thân, người kia ngạc nhiên vì bạn mình hội đủ nhiều yếu tố để có thể lập gia đình sớm, hỏi thì nhận được câu trả lời: Từng người tình bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ…nhìn lại mình đời đã xanh rêu (trong bài Tình xa) nhất là câu sau, nhìn lại mình… có vẻ được dùng khá phổ biến.

Lại cũng từng nghe, có người mượn Trịnh Công Sơn nói lời ta thán của mình khi “Chí chưa thành/ danh chẳng lập/ Trai trẻ bao lâu mà đầu bạc/…” như Nguyễn Bá Trác trong “Hồ trường” rằng: “Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi!” (“Cát bụi”).

Hai câu sau đây trong bài “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”  tuy tần suất có vẻ ít hơn nhưng không phải không có người dùng nhất là trong những gặp gỡ bạn bè là những nghệ sĩ/ có chút tâm hồn nghệ sĩ ngồi uống rượu và đàm đạo thơ văn, khi chén thù chén tạc làm thực khách ngà ngà: “Tôi là ai mà còn trần gian thế/ Tôi là ai mà yêu quá cuộc đời này?

Một bản nhạc người viết cho rằng tính phổ cập trong đời thường rất cao là “Một cõi đi về”, người ta nghe trong các đám ma từ quê ra tỉnh, nếu có đội “nhạc Tây” thì chắc chắn trong nội dung không thiếu bài này, các đám ma ở quê, có những người dùng nhạc cụ dân tộc như  đờn cò, đờn nhị cũng “chơi” “Một cõi đi về” nhưng nó làm người nghe thấy buồn vì âm hưởng mang đầy tính bi ai, áo não!
 
Cũng theo John C. Schaffer thì: “Một cõi đi về”, [3] như tựa đề cho thấy, tràn ngập bởi ý tưởng rằng đến và đi cũng không khác nhau lắm. Mặc dù bài này thường được coi là bài hát nói về sự chết – nó được hát gần như trong tất cả những chương trình ca nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn và một người thổi saxophone đã chơi bài này khi đưa quan tài ông ra huyệt – nhưng trong bài hát này, cái buồn vì chia ly và cái chết được an ủi vì chia ly nối kết với hội ngộ và cái chết thì được nối kết với tái sanh”.
Cùng nhắc đến nhạc phẩm này, Wikipedia cho rằng: “Trịnh Công Sơn từng nói từ khi còn trẻ ông đã luôn ám ảnh bởi cái chết nên âm nhạc của ông mang trong đó một sự mất mát của những số phận con người. Ông cũng ảnh hưởng bởi Phật giáo của phương Đông và chủ nghĩa siêu thực của phương Tây, nhạc Trịnh Công Sơn thấm đượm màu sắc hiện sinh của các tác giả văn học phương Tây thập niên 60 như Jean Paul Sartre, Albert Camus,... Tiêu biểu là các ca khúc Cát bụi, Đêm thấy ta là thác đổ, Chiếc lá thu phai, Một cõi đi về, Phôi pha,.... Trong đó nhiều bài mang hơi hướng thiền như Một cõi đi về, Giọt nước cành sen”.

Cuối năm 1974, trong một show ca nhạc trên đài truyền hình Sài Gòn (THVN), ca sĩ Khánh Ly giới thiệu nhạc phẩm  “Để gió cuốn đi” rằng: “Năm nay tôi ba mươi tuổi, cuộc đời chưa dạy tôi được gì, chỉ anh Trịnh Công Sơn dạy tôi rằng: Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng dầu là…để gió cuốn đi…”. Bài hát ngày ấy được những người yêu âm nhạc tán dương và sau này, khi tác động của kinh tế thị trường vào xã hội ở mặt trái của nó, con người đối xử với nhau nặng về tiền bạc, quên tình quên nghĩa, lòng nhân ái trở thành một khái niệm xa xỉ, thói vô cảm hoành hành trong quan hệ xã hội thì “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…” được người đời nhắc đến rất nhiều trong các bài viết, các buổi tọa đàm, giao lưu, gặp gỡ.

Theo Wikipedia thống kê, trong vòng ba mươi năm từ 1980-2010 đã đến 10 bộ phim dùng bài hát và nhạc Trịnh. Mới đây, nhà văn Hoàng Xuân Sơn đặt tên cho tập “phóng bút” của mình là “Cũng cần có nhau” (Da màu giới thiệu trong mục giới thiệu sách)

Tất cả đều không ngoài ảnh hưởng to lớn của người nhạc sĩ tài hoa này khi ông  nghĩ và nói đến ở một trong những bản nhạc viết trong những năm cuối đời: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”:
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Ðã yêu cuộc đời này bằng trái tim tôi

Với tất cả những gì nói đến ở trên, chắc rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngay khi nằm xuống đã “thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang” rồi.

* http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12221&rb=0206
** http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%8Bnh_C%C3%B4ng_S%C6%A1n  

19 nhận xét:

  1. Năm thứ 13 kỹ niệm ngày mất của ông :một ngày đặc biệt 1/4 ! Bài viết là góc nhìn về sự gần gũi ,"bình dân " hóa những triết lý cao siêu vào cuộc sống mà ai cũng cảm nhận được -đó là tài năng hiếm có của TCS!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài viết như là một nén nhang tưởng niệm, viết cũng là cách để lục tìm thêm tư liệu viết về TCS anh HHP ơi!

      Xóa
  2. Giáo thì ít trích dẫn ca từ của TCS dù thuộc khá nhiều bài hát của ông và cũng là một trong hàng triệu triệu người ngưỡng mộ ông. Ko biết tại sao!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều người, kể cả HN cũng thắc mắc như giao vậy!

      Xóa
  3. Nhớ hồi mần tập NHỚ của anh, cũng "đổ mồ hôi" tìm lời của Trịnh để làm đề từ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không những "lời của Trịnh" mà còn "thơ của Giáng" nữa Nô à. Ba chương Nô tìm được những câu đề ác liệt cả, tiếc là khi mần DẤU CHÂN QUA Nô không tìm nữa cho nó...khí thế!

      Xóa
  4. TCS là một nhạc sỹ, thi sỹ, và họa sỹ, và có thể ông cũng là một... thiền sỹ. Trong nhạc của ông có thơ và họa, trong họa của ông có nhạc và thơ, cũng như trong thơ của ông có họa và nhạc... Nhạc, thơ, họa của ông đều phảng phất hơi thiền...

    Về âm nhạc thì ở miền Nam tôi nghĩ Phạm Duy và TCS là hai tên tuổi lớn nhất, mỗi người mỗi vẻ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vấn đề bác NHP nói có lẽ cũng thành đề tài cho giỗ lần thứ 13 nhé bác! Cái "hơi thiền" này thú vị lắm, riêng bài "Nguyệt ca" cũng đủ đã rồi! Phải thế không bác?

      Xóa
    2. Tôi cũng vừa viết xong một bài đại khái như thế, để đọc lại rồi post lên, bác HN và các bạn qua xem... ủng hộ nhé :-)))

      Xóa
  5. Hồi những năm 68...70..., tuy còn nhỏ, nhưng M vẫn cảm nhận nỗi khắc khoải với những : " đại bác đêm đêm dội về thành phố ... " hay " xác người nằm trôi sông , trôi trên ruộng đồng .. "

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi đó HN lại nghĩ về "khi đất nước tôi thanh bình..." và "dầu hôm nay tôi chưa về Hà Nội, dầu mai kia em chưa đến Sài Gòn nhưng/ em/ và/ tôi/ cùng nói tiếng/ Việt Nam...". Đất nước thanh bình 40 năm rồi đó MB!!

      Xóa
  6. Nặc danh23:54 28/3/14

    https://www.youtube.com/watch?v=hEXGBR2fj-s&list=UUYHf8w3aCmWmn4SfkRvoHdA
    Tưởng nhớ Cố Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong ngày Giỗ 1.4.2014 với ca khúc "NGƯỜI VỀ HƯ VÔ" , sáng tác của Cố Nhạc sỹ Hoàng My để tiễn biệt Người Nhạc sỹ tài hoa về cõi vĩnh hằng : "Bằng ngôn ngữ âm nhạc, kính dâng hương hồn Trịnh Công Sơn chút tình cảm thương nhớ. Hoàng My, 1 tháng 4 năm 2001", đó là nguyên văn Nhạc sỹ Hoàng My viết trong bản nhạc của mình.
    - - -
    Cùng thắp nến và hương để tưởng nhớ hai linh hồn nghệ sỹ : TRỊNH CÔNG SƠN (1939-2001) & HOÀNG MY (1936-2012)
    - - -
    NGƯỜI VỀ HƯ VÔ - CA KHÚC TIỄN BIỆT NHẠC SỸ TRỊNH CÔNG SƠN VỀ CÕI VĨNH HẰNG
    Sáng tác : Cố Nhạc sỹ HOÀNG MY (1936-2012)
    Trình bày : Ca sỹ Tuyết Tuyết
    Thực hiện clip : ML ( Phim & ảnh tư liệu về Cố Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn : sưu tầm từ internet . Ảnh tư liệu về Cố Nhạc sỹ Hoàng My do Nhạc sỹ cung cấp )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã cung cấp những link này, thật ra thì HN cũng chưa được biết đến cố nhạc sĩ Hoàng My. Chúng ta cùng tưởng niệm hai nhạc sĩ này nhưng sao bạn thức khuya quá vậy. Take care of yourself nhé!

      Xóa
    2. Nặc danh19:52 30/3/14

      Cảm ơn Hồng Ngọc quan tâm và chia sẻ !
      Nhạc sỹ Hoàng My là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội: 19 Hàng Buồm, chủ tịch là nhạc sĩ Hồ Quang Bình lên thay cho nhạc sĩ Phạm Tuyên từ 28/12/2010. Nhạc sĩ Phạm Tuyên là Chủ tịch danh dự, nhạc sĩ Phó Đức Phương và nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh giữ chức Phó chủ tịch hội.
      ---
      Nhạc sỹ Hoàng My là người Cha quá cố của người thực hiện clip NGƯỜI VỀ HƯ VÔ - CA KHÚC TIỄN BIỆT NHẠC SỸ TRỊNH CÔNG SƠN VỀ CÕI VĨNH HẰNG : https://www.youtube.com/watch?v=hEXGBR2fj-s&list=UUYHf8w3aCmWmn4SfkRvoHdA

      Xóa
    3. Nặc danh06:40 1/4/14

      Vidéo clip : https://www.youtube.com/watch?v=3kJQ260RWaE
      Tưởng nhớ Cố Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong nhạc điệu quen thuộc của "Nắng thủy tinh" với lời ca là sự kết nối tựa đề các ca khúc nổi tiếng : "Diễm xưa" "Tuổi nào cho em" "Vết lăn trầm" "Rừng xưa đã khép" "Cát bụi" "Một cõi đi về" "Phôi pha" "Ngẫu nhiên" "Tuổi đời mênh mông" "Mưa hồng" "Chiều một mình qua phố" "Tuổi đá buồn" "Tình xót xa vừa" "Hãy cố như" "Hãy yêu nhau đi" "Biết đâu nguồn cội" "Quỳnh Hương" "Níu tay nghìn trùng" "Tình xa" "Lời buồn thánh" "Hôm nay tôi nghe" "Đóa hoa vô thường" "Nỗi đau tình cờ" "Tưởng rằng đã quên" "Ru em" "Biển nhớ" "Ru tình" "Hạ trắng" "Hãy khóc đi em" "Con mắt còn lại" "Này em có nhớ" "Ca dao mẹ" "Lặng lẽ nơi này" "Còn ai với ai" "Đêm thấy ta là thác đổ" "Em còn nhớ hay em đã quên".
      Bằng sự khéo léo, trong hơn 2 phút, Cáp Anh Tài đã ghép nối tựa đề những ca khúc gắn liền tên tuổi của Trịnh Công Sơn thể hiện trong giai điệu của "Nắng thủy tinh", đưa người nghe tưởng nhớ đến Người Nhạc sỹ tài hoa trong kỉ niệm ngày mất của ông 1.4.2001
      ---
      Thực hiện clip : ML
      Hình ảnh : sưu tầm Internet, nhạc nền : giai điệu "Nắng thủy tinh" của Cố Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn với lời ca, tiếng hát của Cáp Anh Tài
      http://www.youtube.com/watch?v=3kJQ260RWaE

      Xóa
    4. Nặc danh18:42 2/4/14

      Cafe Trịnh Ca : https://www.facebook.com/photo.php?v=631950400209322&set=vb.371239049613793&type=3&theater

      Xóa
    5. Nặc danh18:43 2/4/14

      Kyo York ra MV tưởng nhớ Trịnh Công Sơn : http://motthegioi.vn/.../kyo-york-ra-mv-tuong-nho-trinh...
      HẠ TRẮNG - KYO YORK (Viet + English) : https://www.youtube.com/watch?v=lE0hqVAtSiU

      Xóa
  7. Nặc danh07:22 29/3/14

    Cám ơn bài viết. Nói về TCS bao nhiêu bút mực dường như cũng không đủ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Coi như mình thắp nhang trong ngày giỗ TCS vì không ở SG để ra nghĩa trang Gò Dưa viếng ông đó BT à!

      Xóa

Flags..


Flag Counter