Tiếu ngạo giang hồ là bộ tiểu thuyết áp chót của KD (trước Lộc đĩnh ký) mà tôi được biết đến trước 1975. Ngày ấy, chỉ có Thiên Long bát bộ và Tiếu ngạo giang hồ là được đọc kỹ, còn các bộ khác chỉ chập chà chập chờn. Đầu tiên là đọc báo hằng ngày kiểu feuilleton mà sáng nào tôi và một thằng bạn cùng lứa cũng giành nhau chạy ra đường mua báo (hồi ở gần cây xăng Trương Minh Giảng) chỉ để đọc trước, để biết tình tiết hôm qua nay biến diễn thế nào?. Nghĩ rằng bộ này phản ánh khá sâu tư tưởng KD cho tòan bộ các tác phẩm của ông – cũng là tư tưởng cốt lõi của triết học phương Đông – bàng bạc khắp cùng tác phẩm, tôi bèn mua về nhà cả bộ 14 tập để dành…dùng dần, mỗi khi thích ý nào là lôi ra đọc, ngẫm nghĩ. Sau này lại được coi phim VTV phát (Thu Hiền thuyết minh hơn xa những phim cùng tên mà người khác thuyết minh). Lại còn đọc Kim Dung giữa đời tôi của Vũ Đức Sao Biển, vài bài báo sau này của nhà báo Hùynh Ngọc Chiến. Rồi nhớ, khi chuyện này, lúc chuyện khác trong não bộ ưa liên tưởng của mình, như chuyện Lệnh Hồ Xung nghe Tổ Thiên Thu bình về uống rượu, học lóm rồi đem ra dùng ở Cô Sơn Mai Trang , chuyện anh em nhà họ Đào – Đào cốc lục tiên, những nhân vật đời thường, hồn nhiên, rất dễ thương qua ba “món” nỗi bật: ưa người ta khen (kể cả khen xạo), thủ pháp bốn người nắm hai tay hai chân đối thủ xé làm tư thì nhanh không ai bì kịp, và cái tôi thích nhất ở họ là cãi nhau, cãi cối cãi chày ở bất cứ đâu, từ hoang sơn, địa cốc đến cả trước tượng Bồ tát trong chùa! (trừ một lần duy nhất cãi mà quần hào thán phục là ở Phong thiền đài khi Tả Lãnh Thiền đại hội thống nhất Ngũ nhạc kiếm phái vì lần này do Doanh Doanh bí mật chỉ đạo bằng phép truyền âm nhập mật ).
Lệnh Hồ Xung sau khi thất tình với Nhạc Linh San, bị sư phụ sư nương và đệ tử phái Hoa Sơn nghi ngờ đánh cắp Tịch tà kiếm phổ của nhà họ Lâm mà ra đi… rồi bị thương, được Đào cốc lục tiên truyền chân khí chữa thương, được Bất giới hòa thượng – qua Nghi Lâm – cũng truyền chân khí vào người thì bẩy luồng chân khí dị chủng đó đã hành hạ chàng, chưa kể của phương trượng chùa Thiếu Lâm – Phương Chứng đại sư là người sau cùng (dầu người ta giúp đỡ với nhiều thiện ý), cứ vận nội công để chuẩn bị đánh nhau thì đầu chóang, mắt hoa rồi ngã lăn ra đất. Buồn sự đời, biết mình sắp chết, Xung ta bèn …đi lang thang xem thử ai là người kết thúc đời mình với nhiều trận giao tranh theo kiểu lưỡng bại câu thương, mà thú vị nhất là việc giúp Hướng Vân Thiên, Quang mình tả sứ của Hắc Mộc Nhai bị giáo đồ Ma giáo và rất đông hào sĩ chính giáo tìm cách tiêu diệt ở quán Lương đình vì là người thân tín của Nhậm Ngã Hành (bị Đông phương bất bại cướp ngôi giáo chủ). Sau khi cùng với Hướng Vân Thiên đánh lại quần hùng hai phái chính tà, họ kết nghĩa anh em, xưng hô huynh huynh, đệ đệ…rồi đi cùng Hướng Vân Thiên đến Cô sơn Mai trang ở Tây hồ - Hàng Châu gặp Giang nam tứ hữu của Mai trang. Không hề biết ý đồ của họ Hướng, cứ ngỡ y sẽ giúp mình, Lệnh Hồ Xung làm y những lời họ Hướng khi vào Mai trang. Tại đây cả hai được tiếp xúc với nhân vật đầu tiên là Đan Thanh tiên sinh, tứ trang chúa. Lệnh Hồ Xung đã trổ tài bình về rượu, đúng sở thích của Đan Thanh vì thế mối hảo cảm giữa họ càng tăng khi vò rượu vơi dần để cuối cùng tiên sinh xem Xung là tri kỷ. Đan Thanh khoe với Lệnh Hồ Xung là đã dùng ba chiêu kiếm pháp đổi bí quyết làm cho rượu Thổ phồn ngon hơn với Mộc Hoa Nhĩ ngừơi Tây Vực và có ý nói cho Xung nghe bí quyết này nhưng cả hai lần Xung đều từ chối với lý do: “Tại hạ được tiên sinh cho thưởng thức rượu ngon đã là đại hạnh cho mình, lẽ nào tại hạ dám nghe một bí quyết mà tiên sinh đã phải dùng ba chiếu kiếm bản gia đánh đổi mới có”. Sau hai lần bị từ chối nghe, Đan Thanh tiên sinh càng khâm phục tính cách của Lệnh Hồ Xung và trong cơn hứng khởi, tự nói lại với chàng!
Vì sao Lệnh Hồ Xung từ chối trong khi người khác muốn học chưa chắc đã được? Có lẽ biết mình sắp chết, không ham muốn gì xa xôi, có thể do tính lãng đãng, chàng ít quan tâm việc này mà cái quan tâm chính là…được uống nhiều rượu! Nhưng trước và trên hết mọi lý lẽ là vì chàng tự trọng.
Chuyện tự trọng của Lệnh Hồ Xung làm tôi nhớ câu tôi trả lời một bạn nhỏ, là một nghệ nhân cây cảnh, xương rồng, khi mỗi lần tôi đến chơi em đều có ý tặng tôi vài giống lạ, nài nỉ mãi thì tôi cũng chỉ nhận duy nhất một giống: “ Cám ơn em đã có nhã ý nhưng em phải rất khó khăn mới có giống này, anh chỉ ghé thăm chơi, nhìn ngắm cho vui, còn nhận thì áy náy, giống nào anh cần, em tử tế thì bán… rẻ cho anh là quý hóa rồi!”. Và, một lần khác với một bạn lớn mà tôi coi là bậc thầy, kiểu Raxun Gamzatop nói về Abutalip trong Daghextan của tôi vậy. Khi ông cho tôi xem quyển sổ sưu tầm những câu danh ngôn, hệ thống hóa theo từng chủ đề dùng dạy các con trong xử kỷ tiếp vật và đối nhân xử thế , bảo tôi thích câu nào thì ghi lại, tôi chỉ ghi dăm câu rồi trả lại. Ông trố mắt nhìn và hỏi lý do. Tôi thưa: “Cháu rất thích và cám ơn hảo ý của bác nhưng cháu không được phép nhận nhiều câu trong cái công trình mà không phải ngày một ngày hai bác mới có được. Cho phép cháu không ghi nhiều, chỉ xin vài câu như là kỷ niệm một lần đến thăm bác. Lần khác đến thăm, cháu sẽ xin thêm” Ông lại nhìn, chặp sau bảo “chú là người cá tính đặc biệt!”.
Ấy là “Thấy người mà ngẫm đến ta” vậy!
- Thấy người mà ngẫm đến ta Thấy ta bụng tốt suy ra bụng người Kẻ cho kẻ nhận cùng cười Khi biết buông nhẹ xuống đời túi tham.
- Cám ơn anh ghé thăm nhà. Theo suy nghĩ hàm hồ của KT thì a là người khái tính, "lòng tham hữu hạn", nên ít muốn lợi dụng người khác.
- Cái này gọi là dùng "vô chiêu" đó, anh hn à! Không đòi nhưng thiên hạ cứ dâng cho! Ngoài chuyện võ công ở entry ni, anh viết tiếp về những mối tình kiểu "không khảo mà... dâng" của Xung nhà ta, thì thật là trọn vẹn!