6/12/12

PLOENCHIT FAIR






PLOENCHIT FAIR.

Thứ 5, trường Patana nơi cháu ngoại đang học gửi email mời dự hội chợ từ thiện vào ngày thứ 7 tại trường, tôi chỉ đọc lướt qua và không để tâm vì ở xa nơi tổ chức quá, giá vé vào cửa lại cao, nhưng rồi các cháu vẫn rủ rê đi cho biết, nhất là mấy nhóc được vui chơi.
 Thì đi, vì một phần muốn biết hội chợ từ thiện ở đây thế nào, một phần vì từ khi đến Bangkok, qua tiếp xúc thực tế, tôi hiểu ảnh hưởng của Vương quốc Anh lên chính quyền và dân Thái không nhỏ. Đi để kiểm chứng việc này.

(Một trong những bảng hướng dẫn khách)
Trong khuôn viên khá rộng rãi, đầy cây xanh và rất đẹp mắt của trường khi chúng tôi đến nơi, khoảng 10g30 sáng, không khí đã tấp nập, mọi gian hàng đã hoạt động, đã có rất đông người đến nhìn ngó, mua sắm, thử thời vận ở các trò chơi và cả ngồi ăn uống, tâm tình…
Vào cửa, khi mua vé chúng tôi được phát một band giấy dài khoảng 30cm, ngang 1,5cm in liền nhau cờ Anh và cờ Thái, người bán đeo vào cổ tay cho khách (như đeo đồng hồ) để kiểm soát và một tập Guide book cỡ 15x21cm, 54 trang (kể cả quảng cáo) in màu trên giấy dày giới thiệu về mục đích, tổ chức đảm nhiệm, danh sách các nhà tài trợ, địa chỉ các nơi nhận sự giúp đỡ từ số tiền thu được qua hội chợ này, bản đồ vị trí các gian hàng…mà mãi sau này khi đọc kỹ tôi càng khâm phục những người tổ chức.
Tên đầy đủ  của hội chợ là “BCTFN Ploenchit Fair” do Tổ chức Cộng đồng người Anh ở Thái Lan đứng ra đảm trách  lấy tên con đường của nơi tổ chức lần đầu tiên là khu vườn trong khuôn viên tòa Đại sứ Anh, đường Ploenchit, Bangkok. Về sau, số người biết đến hội chợ hàng năm đông dần lên đến trên 20.000 người nên phải đổi địa điểm.
BCTFN viết tắt từ British Community in Thailand Foundation for the Needy (hiểu là quỹ vì người nghèo của cộng đồng người Anh ở Thái Lan), về sau đổi thành UKCTC (United Kingdom Committee for Thai Charities), năm 1999 lấy lại tên cũ này.
Tiền thân của hội chợ Ploenchit Fair là một hội chợ từ thiện ngoài trời của Câu lạc bộ Anh ở Bangkok trong chiến tranh thế giới II, năm 1956 hội chợ đầu tiên được tổ chức trong khuôn viên tòa Đại sứ và năm nay dời về trường Patana sau trận lụt kinh hoàng năm 2011. Do vậy, tổ chức này nhận được sự giúp đỡ tích cực của tòa Đại sứ và cá nhân các ông đại sứ cùng vợ ông ta trong nhiều nhiệm kỳ đại sứ từ xưa đến nay.
Có thể kể vài con số khá ấn tượng:
- Hội chợ quy tụ gần 70 gian hàng các loại từ cao cấp như giới thiệu xe Porsche, Bentley, kim cương, đồ cổ đến sách second hand tiếng Anh, văn phòng phẩm, bong bóng đủ kiểu, đủ màu…

(Hàng hóa từ...thượng vàng: xe hơi đắt tiền...)


(...đến...hạ cám: bong bóng!)
-   Có 10 gian hàng thức ăn quốc tế với hơn 70 món khác nhau của nhiều nước: Anh, Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ, Trung quốc, Nhật, Hàn, Tây Á…món đắt nhất thấy trên thực đơn ghi là 250 Bht, món rẻ nhất 30 Bht nhưng về thức uống tại chỗ thì chỉ có bia Chang (Thái) ở cửa hàng cùng tên, cửa hàng Paulaner Beer Garden bán bia lạnh Đan Mạch và bia pha của Đức (German shandies) rượu các loại đóng chai bán giá rẻ chỉ để đem về.

(Một góc các gian hàng ngoài trời)


(Một trong những nơi bố trí các gian hàng trong nhà)
-   Có 22 nhà tài trợ bạch kim  như Unilever, L’OREAL, RICOH, Pepsi, British Airways, Ngân hàng HSBC…trong số 150 nhà tài trợ được in trong Guide Book.
-   Có 2000 tình nguyện viên phục vụ mà bà Chủ tịch BCTFN nhắc đến trong diễn văn cám ơn của mình: “…we could not organize this event without them”
-   Có 12 chương trình ca nhạc vừa liên tục vừa cách khoảng (nhiều nhất là nghỉ 15’)  của 12 ban nhạc nổi tiếng ở Thái trình diễn trên sân khấu khá rộng có cả tầng lầu của trường Patana suốt từ 11g sáng đến 21g30 tối trong ngày.
-   Tổng tiền nhận được qua 12 lần tổ chức Ploenchit Fair từ năm 2000- 2011 là trên 60 triệu baht (#42 tỉ tiền VN) và số tiền thu được năm nay sẽ chi cho 20 dự án trên toàn đất nước Thái.

(Gian hàng trò chơi thu hút rất nhiều em bé)
Dạo chơi, nhìn ngó khắp các gian hàng, trong suốt khuôn viên nhiều hecta của trường Patana cả trong lẫn ngoài tôi nhìn thấy nhiều gia đình người Anh tụ tập ăn uống, tâm tình, nhiều người của nhiều quốc tịch cùng vui chơi như một thông lệ hàng năm mà nghe kể là các trò chơi cũng đổi nhiều qua các năm nên không nhàm chán.

(Một trong rất nhiều gian hàng ăn uống)
Giữa chỗ rất đông người tôi nhìn thấy một hình ảnh khá ấn tượng, một người đàn ông người Anh khá cao lớn trên dưới 70 tuổi, hóa trang như một anh hề với một đôi giày to chừng 15x25cm, mặt đầy son phấn, tay cầm một chai nước đi khắp nơi và không hiểu sao mỗi lần uống nước vào là hai lỗ tai ông ta có hai tia nước bằng cỡ ống hút…phun ra ướt những ai đứng gần, họ nhìn ông và chỉ biết cười, trớ trêu là ông ta đội một cái mũ cối của bộ đội cụ Hồ!. Không hiểu vì sao và với dụng ý gì??

(Anh bộ đội cụ Hồ...quốc tịch Anh!)
Nhìn ông ta, nhìn toàn cảnh hội chợ, suy nghĩ về mục đích của nó tôi chợt bùi ngùi khi nghĩ về một Việt Nam qua một bài trên mạng: “Những cuộc đời ngoại hạng và mạt hạng” viết và kèm hình ảnh nhà cửa nội thất như cung vua, nữ trang tiền tỉ của những tên tuổi trong làng showbizt Việt: Tăng Thanh Hà, Hồ Ngọc Hà, Lý Nhã Kỳ, Trang Nhung, Diễm My, Ngô Mỹ Uyên. Lại nhớ một tin trên báo kể chuyện Công an Vũng Tàu bắt quả tang tại một khách sạn hạng sang ở thành phố này nhiều người đang mua dâm, họ là thành viên của đoàn viên chức một tỉnh miền Trung đi cứu trợ bão lụt miền Tây cách đây đã lâu!.  
Có hai điều phải nói thêm về hội chợ này:
-Lời kêu gọi của hội chợ là: We hope you’ll help us to support this year’s Ploenchit Fair by spending lots today”
-Hội chợ quy mô lớn nhường ấy nhưng chỉ kéo dài từ 8g sáng đến 21g30 trong ngày thứ 7, hơn 13 giờ!!

Người Anh chỉ là một cộng đồng ít ỏi trong số 50.000 người Châu Âu cư trú ở Bangkok có đăng ký chính thức – theo Wikipedia – nhưng chỉ riêng việc tổ chức hội chợ từ thiện này, với tôi, đó là việc làm rất đáng…trân trọng!.
hongngoc's photo
4000
  • aqaqaqaqaq
    'Đi một ngày đàng học một sàng khôn' thế mà sư phụ đi gần cả 'năm đàng' rồi thì không biết phải lấy cái gì mà đựng đây!..
    • aqaqaqaqaq
      Đồng ý.
      Miêu Chưởng môn dạo này khỏe không?
  • Nhà gom lá bàng 2
    À, trên thế giới, có ít nhất là người Nhật và người Anh rất thích mũ bộ đội. LB đã từng gặp một người Anh, anh ta rất thích mũ bộ đội, thậm chí còn kỷ niệm cho LB một cái...
    LB thích bài này... Chúc anh HN bên í vui nhé.
    • hongngoc
      May quá, có LB kinh qua và nói lại, thiệt tình thì HN cứ théc méc và ấm ức hoài.
      Hôm đó tính lại hỏi cho ra lẽ vì "tự ái dân tộc" mà...security đông quá! Rét! Cám ơn LB về cmt này thật nhiều. HN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags..


Flag Counter