12/5/13

Bản luận tội Nhạc Bất Quần



Trước 1975, tôi đã đọc “Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung” của Đỗ Long Vân. Sau này, còn được đọc 3 tập (thượng, trung, hạ) “Kim Dung giữa đời tôi” của Vũ Đức Sao Biển. Ngoài ra,  còn một số bài viết về Kim Dung của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh…nhìn chung, tất cả đã có sự nhìn nhận, đánh giá khá công phu về tác gia này và đó cũng là suy nghĩ của những người từng “gối đầu giường” bằng sách của ông. Trong lúc đó,  số tác phẩm Việt dịch của Kim Dung tôi đọc không sót bộ nào (tiếc rằng chỉ có 1/3 đọc trước 1975, tập trung vào những tác phẩm được người đời xếp vào hàng “kinh điển”, số đọc sau thì chỉ mới gần đây khi đầu óc đã lão hóa đi nhiều).
Bên cạnh những quyển sách, bài viết nói trên, trong nhiều chục năm, tôi còn được nghe khá nhiều “tao nhân mặc khách” trong lúc “trà dư tữu hậu” đã “cao đàm khoát luận” về Kim Dung để tích cóp lại, củng với chủ kiến của mình làm thành một file trong trí tưởng về ông ta.
Trên blog, trước đây thấy anh HNK (nhà gom lá bàng) viết khá nhiều, vừa rồi lại đọc một bài của anh Van Pham có kèm theo nhiều hình ảnh trong phim Tiếu ngạo giang hồ, có cả tiêu cầm khúc do Nhậm Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung song tấu rất “trực quan”. Chợt nghĩ, bài viết trước đây của mình chả đi về đâu, tới đâu và thật không sai khi tôi chọn tiêu đề bài viết là “Một thoáng Kim Dung”!
Gần đây, có người bạn gửi email một bài viết về nhân vật Nhạc Bất Quần, chưởng môn phái Hoa Sơn thuộc Ngũ Nhạc kiếm phái trong Tiếu ngạo giang hồ. Bài viết không có tên tác giả nhưng là một góc nhìn khác, vui vui, mời những vị mê Kim Dung cùng đọc và xin hẹn những vị không mê một bài khác.              
Bản luận tội Nhạc Bất Quần
   
Kính thưa hội đồng xét xử,

Hôm nay, phiên toà nhóm tại đây để xét xử một tên trọng phạm lớn là Nhạc Bất Quần trong bộ tiểu thuyết võ hiệp Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung. Thay mặt Viện Công Tố, tôi xin đọc phần luận tội về bị cáo Quần.
Nhạc Bất Quần là chưởng môn phái Hoa Sơn, có ngoại hiệu là Quân tử kiếm. Thật ra cái ngoại hiệu ấy chỉ là một dạng hình dung từ để diễn tả biểu hiện bề ngoài nho nhã, khiêm tốn của bị cáo Quần. Ở bề trong và đặc biệt là qua tất cả những hành vi gây án của bị cáo, những tác hại nghiêm trọng mà bị cáo đã thực hiện đối với đồng đạo võ lâm, bị cáo chỉ là một kẻ nguỵ quân tử, một thứ quân tử giả mạo. Mà đại phàm lại hàng giả mạo thì nguy hiểm gấp nhiều lần so với hàng thật. Do vậy, theo quan điểm của chúng tôi, nguỵ quân tử nguy hiểm gấp nhiều lần so với chân tiểu nhân.
Khi đang đảm nhiệm chức vụ chưởng môn, qua báo cáo của một tên đệ từ là Lao Đức Nặc, Nhạc Bất Quần đã hiểu được phái Thanh Thành có âm mưu chiếm đoạt bộ Tịch tà kiếm phổ của dòng họ Lâm ở Phúc Châu, Phúc Kiến. Cho nên khi phái Thanh Thành xuống Phúc Châu, Nhạc Bất Quần đã sớm cho Lao Đức Nặc cùng con gái là Nhạc Linh San đến trước, sang lại một tiệm rượu nhằm mục đích dòm dỏ động tĩnh của phái Thanh Thành. Phái Thanh Thành thực hiện âm mưu chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ của họ Lâm một cách thô thiển, còn Nhạc Bất Quần thì thực hiện âm mưu này một cách tinh vi, thâm độc hơn. Nhạc Bất Quần chỉ đợi phái Thanh Thành chiếm được Tịch tà kiếm phổ là y ra tay cướp giật ngay. Nói chung, ban đầu thì y chỉ muốn cướp của một thằng ăn cướp.
Thế nhưng, phái Thanh Thành không tìm ra được kiếm phổ. Người tìm ra kiếm phổ lại chính là Lệnh Hồ Xung, đại đệ tử của bị cáo Quần. Trong lúc Lệnh Hồ Xung ngất xỉu, bị cáo Quần đã lấy kiếm phổ trong người đệ tử mình, đem cất giấu để rồi sau đó “dẫn đao tự cung” để luyện Tịch tà kiếm phổ! Hành vi thâm độc đó đã đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự.
Để đánh lạc hướng những kẻ cùng nuôi âm mưu như mình, Nhạc Bất Quần loan tin trên giang hồ rằng Lệnh Hồ Xung kết giao với tà ma, định mượn tay những người chính phái trừ khử Lệnh Hồ Xung. Nguy hiểm hơn, Quần cho đệ tử của mình rình rập Lệnh Hồ Xung khi thấy kiếm pháp của Lệnh Hồ Xung phát triển vượt bậc để các đệ tử nghi ngờ rằng Lệnh Hồ Xung đã “nuốt” Tịch tà kiếm phổ. Thực ra là, theo công tác phúc tra của Viện chúng tôi, đối chiếu với lời khai các nhân chứng có trong hồ sơ vụ án, gã Lệnh Hồ Xung này chỉ học Độc Cô cửu kiếm do thái sư thúc tổ phái Hoa Sơn là Phong Thanh Dương truyền dạy. Tịch tà kiếm phổ mà đem so với Độc Cô cửu kiếm thì chẳng khác gì đem nhạc sến so với nhạc cổ điển. Bị cáo Nhạc Bất Quần còn gửi thư công khai đến chưởng môn các môn phái kể tội Lệnh Hồ Xung, lời lẽ tuy rất mực khiêm nhường nhưng bộc lộ dã tâm hết sức đen tối. Hồ sơ vụ án còn lưu một bản thủ bút của y gửi đồng chí chưởng môn phái Thiếu Lâm là Phương Chứng đại sư. Trong thư, y kêu gọi phái Thiếu Lâm ra tay tru diệt Lệnh Hồ Xung vì Lệnh Hồ Xung đã kết giao với tà mà ngoại đạo. Bị cáo Quần đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của một chưởng môn, lại vu khống Lệnh Hồ Xung phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của y đã đủ yếu tố cấu thành tội danh vu khống theo Khoản 2 Điều 122 Bộ luật Hình sự. Lệnh Hồ Xung không bị đồng đạo giang hồ giết chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo.
Không dừng lại ở đó, Nhạc Bất Quần đã liên tiếp thực hiện những hành vi gây án đê hèn, man rợ hơn. Khi Lâm Bình Chi, đứa con duy nhất của dòng họ Lâm ở Phúc Châu và là đệ tử của bị cáo Quần, biết được bị cáo đã lấy được Tịch tà kiếm phổ của tổ tiên mình thì bị cáo đã đâm Lâm Bình Chi một nhát kiếm chí mạng. Ngay lúc đó, một đệ tử khác của bị cáo là Cao Căn Minh chứng kiến được cảnh thầy giết trò, lỡ miệng la lên một tiếng; bị cáo đã xoay kiếm lại, giết nhân chứng Cao Căn Minh. Nhờ đó mà Lâm Bình Chi thoát chết. Lời khai của nhân chứng Lâm Bình Chi trước phiên toà hôm nay hoàn toàn phù hợp với lời khai của vợ bị cáo là Ninh Trung Tắc và con gái của bị cáo là Nhạc Linh San trước khi họ qua đời, có cơ sở để tin cậy. Mặc dù bị cáo ngoan cố phản cung, khai rằng không biết ai đã giết Cao Căn Minh và đâm Lâm Bình Chi nhưng chúng tôi vẫn đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Quần phạm tội giết người theo Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự, hành vi giết người của bị cáo Quần phạm vào Tiết a (giết nhiều người), Tiết g (để thực hiện hoặc che dấu tội phạm khác), Tiết i (thực hiện tội phạm một cách man rợ), Tiết q (động cơ đê hèn). Tôi đề nghị Hội đồng xét xử đặc biệt quan tâm đến hành vi phạm tội này của bị cáo Quần bởi hành vi này đã khái quát được bản chất nguỵ quân tử của bị cáo.
Vượt xa hơn nữa, Nhạc Bất Quần đã giết hai vị sư thái Định Nhàn và Định Tĩnh của phái Hằng Sơn ngay trong hậu viện chùa Thiếu Lâm. Hai vị sư thái đã chết, không còn ai đối chứng nhưng nhân chứng Nhậm Doanh Doanh đã từng cởi áo hai vị sư thái quan sát vết thương, đã cho biết vết thương rất nhỏ, đâm trúng vào tim mạch. Loại vết thương này chỉ có thể xuất phát từ hung khí gây án là cây kim thêu. Mà đại phàm ai luyện được Tịch tà kiếm phổ thì mới dùng được kim thêu để gây án. Cho nên chúng tôi thấy đã đủ cơ sở kết luận Nhạc Bất Quần giết hai vị sư thái này.
Khi phái Hằng Sơn họp hội nghị tấn phong chưởng môn mới, bị cáo Nhạc Bất Quần đã sử dụng thuốc mê, bắt hết toàn bộ nữ đệ tử của phái này đem về giam giữ dưới các hang động trên núi Hoa Sơn. Mục đích của bị cáo là làm cho chưởng môn mới của phái Hằng Sơn phải đầu hàng, làm tay sai cho bị cáo để bị cáo yên tâm làm chưởng môn Ngũ Nhạc phái. Điều may mắn là trong bọn nữ đệ tử phái Hằng Sơn, ngoài các nữ ni ra còn có đệ tử tục gia. Các nữ đệ tử tục gia này vẫn được phép dùng son phấn, nước hoa. Họ là khách hàng quen thuộc của các hãng Sài Gòn mỹ phẩm, Lancôme, P&G, De Bon… Và trong đám nam đệ tử phái Hằng Sơn có Điền Bá Quang, một nhân vật có cái mũi thần kỳ, đứng xa ba ngàn thước vẫn đánh hơi được mùi mỹ phẩm. Nhờ kỹ năng đặc biệt này, Điền Bá Quang đã hít hơi, tìm và cứu được mấy trăm nữ đệ tử phái Hằng Sơn bị giam dưới các hang động. Hành vi bắt, giữ và giam người trái pháp luật của bị cáo Nhạc Bất Quần là có tổ chức, phạm tội đối với nhiều người, xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá cao quý của nggười phụ nữ, đặc biệt là đối với các ni cô; gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đối với các hãng mỹ phẩm. Hành vi ấy đã phạm vào tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định tại Khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự.

 Thưa Hội đồng xét xử,
Nhạc Bất Quần đã phạm các tội trộm cắp tài sản theo Khoản 2 Điều 138 có mức án từ 2 đến 7 năm tù; tội vu khống theo Khoản 2 Điều 122 có mức án từ 1 đến 7 năm tù; tội giết người theo Khoản 1 Điều 193 có mức án tử hình; tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Khoản 2 Điều 123 có mức án từ 1 đến 5 năm tù. Chúng tôi đề nghị mức án tổng hợp tử hình đối với bị cáo Nhạc Bất Quần về cả bốn tội danh trên.


Xin cảm ơn Hội đồng xét xử
--
H
c Vin CSQG VNCH

15 nhận xét:

  1. Tôi đọc Kim Dung từ hồi còn nhỏ, trước năm 70, khi những Cô Gái Đồ Long, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp... còn viết feuilleton trên nhật báo Saigon, do dịch giả Hàn Giang Nhạn dịch từ báo Hongkong, hôm nào báo cáo lỗi do báo từ HK qua không kịp là ngày hôm ấy thấy thiếu thiếu cái gì.

    Những nhân vật của tiều thuyết võ hiệp Kim Dung xưa nay nhiều người đã bàn, nổi tiếng trước năm 75 có Đỗ Long Vân, sau này có Vũ Đức Sao Biển, Huỳnh Ngọc Chênh, Huỳnh Ngọc Chiến..., như bác HN đã nói. Những nhân vật của Kim Dung dưới ngòi bút tài hoa của ông rất đặc biệt, gần như không còn phân biệt đâu là chính, đâu là tà, những Hoàng Dược Sư, Âu Dương Phong, Vương Trùng Dương, Hồng Thất Công, Quách Tĩnh, Triệu Minh, Hoàng Dung... đã mê hoặc dân Saigon một thời.

    Trả lờiXóa
  2. hehe... đọc bản luận tội thấy sợ quá! dzậy thì thà làm chân tiểu nhân hơn làm ngụy quân tử! cách tốt nhất là làm... phó thường dân, anh HN ha!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có phải giao nhớ lại một câu nói của người xưa:" Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh"? Nhiều phó thường dân là thánh nhân đó giao ơi!

      Xóa
  3. Bài viết phê phán NBQ là ngụy quân tử thì được đọc nhiều rồi! Giá có bậc cao nhân nào viết tốt về ông thì chắc là thú vị lắm! Và cũng phải có người làm luật sư cãi lại bản luận tội này chứ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. nhất trí đề cử bác Nô làm luật sư cho bị cáo NBQ! ai đồng ý, giơ tay lên đê! tui, tui, tui...... Vậy là đa số! hehe... làm đi bác Nô!

      Xóa
  4. Đọc xong bản luận tội rồi! anh Nô nói đúng đó, mới chỉ nghe một phía công tố viên luận tội, để nghe biện giải ở tập kế tiếp vậy!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Luật bất hồi tố! thời buổi mà Kim Dung viết làm gì đã có bộ Luật dân sự và hình sự này, vậy mà bây giờ lại đem Nhạc Bất Quần ra mà luận tội nè trời!

      Xóa
    2. Cỡ như chưỡng môn phái Hoa Sơn này mà GM còn bênh vực y nữa sao???

      Xóa
  5. Trong tiểu thuyết của Kim Dung chúng ta thường thấy ông hay viết về những bi kịch, những bi kịch tình yêu và những bi kịch quyền lực. Nhân vật Nhạc Bất Quần của ông cũng như nhiều nhân vật khác, chẳng hạn như Âu Dương Phong, đã rơi vào cái bi kịch của quyền lực, khi trong lòng luôn cháy bỏng cái ước muốn bá chủ võ lâm. Cái ước muốn "duy ngã độc tôn" ấy đã làm mờ mắt Nhạc Bất Quần. Ông không từ bỏ bất cứ một thủ đoạn nào dù là tàn ác, nham hiểm đối với bất cứ ai, ngay với những anh em sư đệ cùng môn phái để trở thành võ lâm chí tôn, và ngay cả đối với chính bản thân nhân vật này cũng tự biếm (thiến) để khổ luyện Quy Hoa Bảo Điển, mong vô địch thiên hạ, một sự đánh đổi quá tàn nhẫn.

    Nhưng không phải xưa nay chỉ có Nhạc Bất Quần đam mê quyền lực đến mức mê muội như thế. Nhân vật Nhạc Bất Quần xem ra vừa đáng ghét, lại vừa đáng thương!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cho HN chia sẻ với anh NHP ý cuối này: Nhạc Bất Quần vừa đáng ghét, lại vừa đáng thương!

      Xóa
  6. Nặc danh07:12 13/5/13

    Tội trộm cắp tài sản - 2 đến 7 năm tù.
    Tội vu khống - 1 đến 7 năm tù.
    Tội giết người - tử hình.
    Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật - 1 đến 5 năm tù.
    Việt Nam có nhiều Nhạc Bất Quần lắm, xử làm sao đây?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cho hết NBQ ấy ở chung một chỗ, thía là họ xử nhau!

      Xóa
    2. Lâu rồi mói được đọc một câu hỏi thật thấm thía của BT và cách giải quyết gọn nhẹ của giaolang!

      Xóa
    3. Bà phải chú ý đến tình tiết: Quần quân tử có công lao cho đảng ( phái Hoa Sơn).
      Chuyển về cơ quan xử lý.

      Xóa
  7. Đồng chí Nhạc Bất Quần, vì đảng quên thân ( phái Hoa
    Sơn), vì thân tàn bạo. Tôi đề nghị các đồng chí xem xét và rút kinh nghiệm sâu sắc. Chúc các đồng chí công tác tốt.
    .
    ....

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter