15/7/14

Thăm Kanchanaburi.




Anh bạn trẻ người Việt làm cùng hãng với con gái tôi qua Bangkok  trước khoảng  một năm  hôm ghé nhà chơi đề nghị cả nhà nên đi Kanchanaburi, nơi này không hề là địa điểm du lịch thời thượng nổi tiếng nhưng cũng không thể bỏ qua khi sống ở Thái.

1. Nhân ngày lễ Phật Arsanha Budhha Day vào thứ 6, con gái tôi có 3 ngày nghỉ liền, chúng tôi sắp xếp để đến thăm nơi này.
Chỉ cách nhà ở 140km nhưng đường cao tốc không thể chạy nhanh vì nhiều chỗ đang làm sky train ở giữa và dừng lại ăn trưa nên rời nhà hơn 10h15 mà gần 3g chiều mới nhận phòng xong.
Nhìn bản đồ Green Map giới thiệu các công viên Quốc gia ở Thái, thấy Kanchanaburi là tỉnh có biên giới chung với Mianma, từ Bangkok đến đó phải đi ngang tỉnh Nakhon Pathom nên cứ nghĩ là sẽ rất xa, không ngờ khoảng cách chưa bằng Sài Gòn – Phan Thiết và cũng gần hơn Huế - Đồng Hới! Theo đường AH 123, khi vào đến địa phận tỉnh này đã nhìn thấy ngay một chút gì của “tỉnh lẻ”, cây cỏ trên giải phân cách không được chăm sóc, nhà cửa kiến trúc lộn xộn, kiểu dáng ít đẹp và có vài nhà sơn màu nóng nhưng khi gần vào thành phố đã thấy đẹp và khang trang không thua gì Bangkok.
Không hiểu có phải con cá là biểu tượng của tỉnh này hay không nhưng trụ đèn ở giải phân cách từ đỉnh trụ tỏa xuống hai bên có hình hai con cá nhũ vàng, bầu thủy tinh bao quanh bóng đèn cũng có hình vãy cá? Trong phố và ngay cả resort nơi chúng tôi ở, biển chỉ đường đều có nền hình con cá!
Tượng cá trên giải phân cách.

Cá trên biển chỉ phòng trong resort.
Và cá trên trụ đèn đường.
2. Đang nghỉ ngơi sau khi tắm rửa xong thì các cháu rủ nhau đi bộ thăm cầu. Mới hay anh con rễ có ý  book phòng ở một resort sát sông Kwai, sông chảy qua phía sau nơi chúng tôi ở. Cầu sông Kwai là địa danh tôi cần đến nhất khi đi thăm tỉnh này.

Có lẽ cầu này, nơi này được biết đến nhờ đạo diễn David Lean dựng thành một phim đoạt giải Oscar năm 1957 theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của Pierre Boulle, phim Cầu sông Kwai - phim nổi tiếng ngang hàng The Longest DayPearl Habor - để người ta thấy được sự kinh khủng, dã man của chiến tranh khi những tù binh trong quân đội đồng minh và lao công người Châu Á bị quân đội Nhật cưỡng bức làm chiếc cầu này cùng lúc làm tuyến đường sắt Thái Lan-Miến Điện sử dụng cho mục đích chiến tranh của họ (1). 
Các nhà hàng nổi trên sông.
Sáng sớm trước ngày về, vợ tôi lại muốn đến thăm cầu một lần nữa, từ nơi ở, đi chưa đến 800m là đến cầu. Các thông tin từ Wikipedia cho biết cầu này đã bị bom của Đồng Minh trong chiến tranh làm hư hại nên được phục dựng trên nền cũ, giữa hai ray và hai phía bên ngoài lát thép tấm dày cho người đi bộ khi không có tàu chạy qua, chừng vài chục mét là có một hành lang nhỏ ở hai bên có lan can để người đi bộ tránh tàu. Không hiểu sao cả hai lần đặt chân lên cầu chúng tôi đều thấy xúc động, một thứ tình cảm lạ không diễn tả được giống như khi ngồi trên xe chạy qua cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải sau 1975!
Cầu có hai nhịp hình thang ở giữa và ba nhịp cong ở hai đầu. Hai nhịp giữa được làm tại Nhật và được  tặng cho Thái Lan sau chiến tranh nên dấu vết tàn phá của mưa nắng và thời gian đã hiện rõ, cầu như một ông già …70 tuổi (1945-2014)!
Du khách trên cầu.
Cầu thang nhỏ dẫn xuống chân cầu.

Dưới chân cầu.
 Bên kia cầu là một khu phố nhỏ buôn bán phục vụ khách du lịch, ngay gần đó, trên bờ sông là một bảo tàng chiến tranh, bảo tàng JEATH nhưng tôi không vào thăm được vì vừa ít giờ vừa vì cả hai lần đến đều quá sớm hoặc quá trễ! 
Biển chỉ đường đến bảo tàng chiến tranh.

Bảo tàng JEATH và WWII
Mỗi ngày, có các chuyến tàu địa phương với đầu máy và toa tàu cũ kỹ từ 6-12 toa chạy qua, lại cũng có một tàu du lịch dăm ba toa như xe điện chỉ có mái che, không rõ lộ trình dài bao nhiêu cây số. Tôi đến đúng vào ngày lễ nên du khách thăm cầu khá đông có cả nhiều người Châu Âu đã lớn tuổi, họ say sưa ngắm, say sưa chụp hình, tôi tự hỏi không biết có ai trong số họ là hậu duệ của những tù binh năm xưa? 
Chuyến tàu lửa qua cầu đến ga cuối, ga Namtok.
Có ai trong số họ là hậu duệ của những tù binh năm xưa?
3. Phía bên phải lối mòn nhỏ có biển chỉ đường đến cầu đủ cho một chiếc xe bò chạy qua đi từ nơi tôi ở trước khi đến cầu, là một đài tưởng niệm quân đội viễn chinh Tưởng Giới Thạch trên khu đất chừng 500m2, ở chính giữa, thoạt nhìn cứ tưởng là một lô cốt nhưng nhìn kỹ thì có hình dáng một đầu người, đội mũ có hai cánh bên tai, giữa mũ là cờ Trung Hoa Dân Quốc, sát đất dựng những vỏ đạn đại bác sơn trắng, cạnh bờ rào là một căn nhà làm nơi ở của một ông già người Hoa, chắc là người cai quản khu tưởng niệm này. 

Trong khu tưởng niệm quân đội viễn chinh THDQ.

Hiểu như một ...đài tưởng niệm.
Giữa khu này và dòng sông là một ngôi chùa Phật giáo của người Hoa khá rộng lớn và có lẽ chỉ mới xong ¾ công trình. Chùa này có một tượng Phật bà Quan Âm hình dáng như ở các chùa Việt Nam rất cao nhìn qua hướng cầu. Khi chúng tôi ghé thăm, chùa đang chuẩn bị đại lễ khánh thành tượng nhân ngày vía Phật bà 19.6 âm lịch này. 
Ngôi chùa mới xây dựng của người Hoa khá lớn.

Tượng Phật Bà Quan âm sắp khánh thành.
4. Ngày thứ hai trong hành trình, chúng tôi đi vườn quốc gia Erawan, thăm thác có cùng tên ở cách thành phố Kanchanabury 74km về hướng tây bắc, hướng đầu nguồn sông Kwai. Trên đường đi chúng tôi nhìn thấy đập thủy điện Khao Leam, một khu tưởng niệm các tù binh đã chết trong chiến tranh nhưng chúng tôi không đủ giờ vào thăm cũng như rất tiếc đã không thể vào bảo tàng Hellfire Pass là bảo tàng lớn nhất ở phía bắc ga cuối, ga Namtok hiện nay (2).
Thác Erawan được đánh giá là một trong những thác đẹp nhất châu Á, có 7 tầng chia thành 7 đoạn chảy qua những địa hình khác nhau trên một khoảng đường có lẽ gần 2km. Tôi không đến tất cả mà chỉ dừng lại ở tầng 4, vợ chồng con gái tôi và các cháu lên đến tầng cao nhất, tôi quay lại tầng đầu, nơi bán thức ăn và có bãi đổ xe điện từ ngoài vào. So với Prenn, Cam Ly, Gougah, Datanla của Đà Lạt, thác của vườn quốc gia Khao Yai thì nơi này không hơn gì nhưng việc tổ chức du lịch thì có quá nhiều chuyện để ca ngợi! 

Khi bắt đầu đi vào thác, khách đã được thông báo việc không được đem rượu, vũ khí và chó vào cùng, có quy định cả hình phạt bằng tiền nếu vi phạm. Dầu đã xuống cấp nhiều nhưng ở từ tầng 1 đến tầng 4 đều có chỗ cho khách ngồi nghỉ chân. Đặc biệt ở tầng 1 có hàng chục sạp bằng tre cho khách ngồi nghỉ ngơi, ăn uống sau khi tắm. Ở một trạm khi bắt đầu lên tầng 2 có tủ để khách gửi hành lý mang theo vì khách chỉ được đem theo nước uống, không được đem thức ăn lên các tầng trên. Tầng 1 và 2 có nơi dành cho khách hút thuốc lá, đừng nghĩ là trong rừng, hút đâu vất đó được và cả hai nơi đều có toilet, phòng tắm để du khách tắm lại!

Nơi nghỉ chân cho du khách.
Vợ chồng tôi mua đồ ăn trưa trong khi chờ các cháu và…có vài giờ để ngắm người. Lượng khách thăm thác nhiều vô kể, dòng người cứ nườm nượp đổ vào cho đến mãi 16g chiều khi chúng tôi ra lại bãi đậu xe để trở về dầu theo quy định 16h30 thác đóng cửa!
Qua cách ăn mặc, cư xử, và sinh hoạt trong các party của khách nội địa, tôi hiểu rằng  phần lớn khách thuộc tầng lớp thu nhập trung bình và thấp đến đây, họ lặn hụp thỏa thích trên hồ nhỏ ở hạ lưu giòng thác nước ít trong nhưng cái đáng quý là họ biết giữ trật tự và vệ sinh nơi công cộng dù không có camera, không nhân viên kiểm soát, nhắc nhỡ!
Người rất đông nhưng không ồn ào, không bia rượu vì thế không nghe một hai ba...dzô!

5. Ra phố ăn tối, chúng tôi đi qua khu phố Tây, không như loại phố này ở Pattaya, Bangkok hay khu Đề Thám Sài Gòn, chỉ vài đọan đường ngắn nhưng cũng có nhiều người ngoại quốc qua lại, ăn uống. Ở nơi này, tôi nhìn thấy một loại xe ôm đặc biệt mà sau này để ý còn thấy có ở cả những nơi tôi đi qua của tỉnh này. Chỉ là một xe máy hiệu Dream, Wave… nhưng gắn thêm bên trái một wagon/ remorche có hai dãy ghế  thằng góc nhau cho từ 2-4 người ngồi, cũng là loại xe dùng phổ biến cho việc chở vật liệu, hàng hóa, thực phẩm của các resort.
Xe ôm kiểu ...Kanchanabury!
Ở nông thôn Kanchanaburi, kể cả trên đường đến vườn quốc gia Erarawan, hai bên đường trồng nhiều sắn (khoai mì), mía, bắp nhưng nhà cửa khang trang, sạch đẹp, chỉ một điều lạ mà không thể hỏi ai là tất cả nhà trệt từ lợp tôn đến lợp ngói, từ nhà xây đến nhà vách ván đều rất thấp, bề cao chỉ ½ đến 2/3 so với các nhà trệt (cấp 3) ở Việt Nam? chúng ta loại trừ lý do khí hậu vì tỉnh này ở vào vĩ tuyến 13,9 độ Bắc, tương đương với khoảng giữa hai tỉnh Bình Định-Phú Yên thì không thể vì lạnh! 
Còn rất nhiều nhà thấp hơn ngôi nhà này cả một mét!

Trên đường về lại Bangkok, chúng tôi định ghé nghĩa địa của những quân nhân đồng minh chết trong WW II ở Thái nhìn thấy khi hôm gần tới nơi nhưng cháu lại ghé một nghĩa trang khác, nghĩa trang Chung Kai, như một công viên vô cùng sạch đẹp do Hội đồng Nghĩa trang Chiến tranh khối Thịnh vượng chung bảo trợ kinh phí cho việc bảo vệ và chăm sóc, nhìn mà cứ ngỡ như đang đứng trước một nghĩa trang quốc gia Âu Mỹ nào đó mà mình đã nhìn thấy trên phim ảnh!. 
Đẹp như công viên!


Rời Kanchanaburi, “say good bye” với Felix River Kwai Resort và River Kwai, lòng tôi vẫn cứ nghĩ về những di hại của chiến tranh, về những tham vọng của con người, về tư tưởng này, chủ nghĩa nọ mà chủ nhân của nó là những quỹ sa tăng mang hình dáng con người nên đã đem đến cho loài người biết bao nhiêu chết chóc, chia ly, hư hao, và tổn thất! 

Một kỳ nghỉ ngắn ngày trong một chuyến đi không xa, những nơi đến không nhiều nhưng âm hưởng của nó và những gì đọng lại trong lòng tôi thật không hề nhỏ!


Chú thích:

(1)”Nổi tiếng qua tiểu thuyết của Pierre Boulle và phim cùng tên của David Lean, cây cầu được xây dựng năm 1943, và bị ném bom nhiều lần bởi quân đội đồng minh năm 1945. Cây cầu hiện nay được xây dựng lại trên kết cấu cũ. Cây cầu là một phần nhỏ trong Tuyến đường sắt Chết chóc (Death Railway) bao gồm 688 cây cầu các loại và 415 km đường ray. Được xây dựng nhằm mục đích cung cấp người, lương thực và vũ khí cho quân đội Nhật bản tại Miến Điện chiến đấu với quân đội Anh, tuyến đường sắt chạy từ Nong Pla Duk ở Rachaburi thuộc Thái Lan tới Tanbesusayud tại Miến Điện. Tuyến đường này được hoàn thành bởi 61.000 tù binh đồng minh và 250.000 nhân công người châu Á dưới sự giám sát chặt chẽ của lính gác Nhật Bản. Do địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh và sự ngược đãi của quân đội Nhật và Triều Tiên, đã có 16.000 tù nhân chiến tranh và hơn 70.000 người châu Á chết dần chết mòn trong thời gian xây dựng tuyến đường” (wikipedia.org/wiki/Kanchanaburi_(tỉnh))
(2) Các nghĩa trang và đài tưởng niệm
“Các nghĩa trang của những người đã chết đã được chuyển từ nơi chôn cất của trại và các địa điểm hiu quạnh dọc tuyến đường tới ba nghĩa trang chiến sau sau cuộc chiến, ngoại trừ với những người Mỹ, họ đã được đưa về nước.
Nghĩa trang chính của tù binh chiến tranh nằm tại thành phố Kanchanaburi, nơi chôn cất 6.982 tù binh chiến tranh, chủ yếu là người Anh, Australia, Hà Lan và Canada. Một nghĩa trang nhỏ hơn và hơi xa hơn phía ngoài thành phố là Chung Kai với 1.750 ngôi mộ. Tại Thanbyuzayat ở Myanmar có 3.617 ngôi mộ tù binh chiến tranh)3.149 Khối thịnh vượng chung và 621 Hà Lan) đã chết ở phần phía bắc tuyến đường, tới Nieke. Ba nghĩa trang được Hội đồng Nghĩa trang Chiến tranh Khối thịnh vượng chung duy trì.
902 tù binh chiến tranh Hoa Kỳ thuộc Trung đoàn Pháo binh Trận địa số 131 và những người sống sót từ chiếc tuần dương hạm USS Houston-668 đã được gửi tới làm việc trên tuyến đường, trong số đó 133 người chết.
Có nhiều bảo tàng dành cho những người đã thiệt mạng khi thi công tuyến đường sắt, bảo tàng lớn nhất nằm tại Hellfire Pass (phía bắc ga cuối hiện nay ở Nam Tok), nơi có số thiệt hại nhân mạng lớn nhất. Cũng có một đài tưởng niệm Australia tại Hellfire Pass. Hai bảo tàng khác tại Kanchanaburi, Bảo tàng Đường sắt Thái Lan-Miến Điện (được mở cửa tháng 3 năm 2003), và Bảo tàng Chiến tranh JEATH. Tại cầu Khwae có một tấm bảng tưởng niệm và một đầu máy lịch sử được trưng bày.
Một đoạn được bảo tồn của tuyến đường tại Đài tưởng niệm Quốc gia ArboretumAnh Quốc.” (wikipedia.org/wiki/Đường_sắt_Miến_Điện)

14 nhận xét:

  1. Bài ký hơi dài nên sẽ đọc lại kỹ hơn, tôi quan tâm đến cây cầu sông Kwai, xem phim mới thấy xúc động và phục tính kỷ luật của người Châu Âu. Ở Châu Á thì người Nhật, Đại Hàn và Singapore, may ra Thái Lan sẽ tiếp nối... là có tính kỷ luật cao, nhờ thế họ mới tiến.

    Trả lờiXóa
  2. Thật ra thì các website về du lịch thế nào cũng đã nói về cây cầu này. HN đưa một số hình ảnh vào để bớt chán nên bác NHP thấy dài chứ không cố ý viết dài, cũng có những ghi nhận vui vui như xe ôm Kanchanabury. Phải chăng là do lấy ý tưởng từ mô tô "ba" thời thế chiến?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi rất thích đọc các bút ký như thế này, nó chứa đựng nhiều thông tin của một người biết quan sát, phân tích, nhờ thế bài viết sống động và bổ ích. Tôi đã đọc một bài viết trên tạp chí VN Xưa và Nay, nói về một quyển sách viết dưới dạng du ký An Nam của một người Tây Phương ở vào thế kỷ XVIII, quyển sách cũng có nhiều thông tin như thế (đấy là một cách viết khoa học, tuy mang danh nghĩa bút ký), bài viết trên tạp chí nói quyển sách ấy mang nhiều "thông tin tình báo" cho các gíao sĩ, và những kẻ đi xâm chiếm (?!).

      "Méc xì" bác HN :-)))

      Xóa
    2. Tạp chí Xưa và Nay hình như ông DTQ chủ biên?, HN nghe bác nói thế thì hiểu thế chứ không tin đây là tập du ký phục vụ tình báo. Ngược lại, đối với người nghiên cứu lịch sử, đây là một loại tư liệu khách quan và bổ ích, ví dụ các tạp chí B.E.F.E.O. hay B.A.V.H. Tks of all.

      Xóa
  3. Du lịch mà nghiên cứu và tìm hiểu kỹ như anh thật thich !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mỗi lần đi HN đều cố gắng tìm hiểu và ghi chép, phần vì sợ quên phần vì muốn sử dụng hết công suất chuyến đi anh HHP ạ!

      Xóa
  4. Một bài ký sự du lịch vừa hay vừa bổ ích. Giáo đã coi phim rồi, coi mấy lần luôn nên thấy hình ảnh anh chị đứng trên cầu Giáo cũng thấy xúc động. Chia vui cùng anh chị và gia đình các cháu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn giao, chỉ sợ HN ham kể cho bạn bè nghe nhiều chuyện nghe thấy, bài viết dài, sẽ nhàm. Đi lại ngày hôm sau, cô ấy còn định qua hết cả cây cầu như lần trước nhưng HN chỉ qua hơn một nửa cũng thấy vui rồi.

      Xóa
  5. Nặc danh16:28 18/7/14

    Cám ơn bài du hành ký này, HN! Cầu sông Kwai là một chứng tích thê thảm của chiến tranh và cái bất nhân của quân phiệt. Bài Cầu Sông Kwai Tám vẫn còn nhớ được hát theo điệu quân hành. "Về lo mà ngủ đi ở đây quấy rầy trẫm đổ lì bắt cu li..."
    Hai ông bà trông đẹp đôi lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quân phiệt, Phát xít đều là tai họa cho loài người. Cũng còn những chủ nghĩa tương tự, kết hợp tinh hoa của Neron, Tần Thủy Hoàng, Võ Hậu, Mussolini, Hitler, Staline... nữa thì kinh khủng đến mức nào. Hồi xưa HN thuộc nhạc điệu bài này nhưng không biết vụ hát "trại" này Tám ơi. Tiếc thiệt!

      Xóa
  6. Nặc danh16:29 18/7/14

    Những ngôi nhà thấp, có lẽ để tránh gió mạnh hơn là tránh không khí lạnh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Suy đi nghĩ lại có lẽ cách giải thích này rất hợp lý Tám ạ. Tks a lot!

      Xóa
  7. Nặc danh17:32 18/7/14

    Chết thật. Già đâm ra lú lẩn. Câu hát hài hước đó phải là "trẫm đổ lì bắt tru di." Trở đi trở lại hai ba lần, mong HN và bạn đọc không cười, bảo là bà già này stalk tác giả bài du hành ký

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN rất quý cái vụ trở đi trở lại này. Nếu là lú lẩn thì, xin lỗi, HN coi là một thứ lú lẩn dễ thương!

      Xóa

Flags..


Flag Counter