10/5/14

Hai năm ở Bangkok.



 Vậy là tôi đã sống ở Bangkok  tròn hai năm. Tôi đến đất nước này cùng vợ và gia đình con gái, có hai thằng cháu ngoại đầu tháng 5.2012. Hai năm đó, tôi đã viết 41 entry liên quan đến cuộc sống ở đây trong số 115 bài đã post lên blog của mình. Đa số những bài viết đều nhìn đất nước và con người ở đây với những tình cảm đẹp, những suy nghĩ từ lòng trân trọng của mình.
Hết năm đầu, tôi viết Nghĩ gì sau một năm sống ở Bangkok?* với những nhận định khái quát và chủ quan về những nơi mình đã đến, những events mình tham dự và quan sát, những con người mình tiếp xúc, tất cả đều là những game màu sáng, đẹp, là những tình cảm dễ thương trong đó có nhiều bài không thể và không nên thể hiện hết, nửa vì có phần cám cảnh khi liên hệ với đất nước mình và nửa khác vì không muốn làm người đọc buồn phiền khi so sánh với Việt Nam!
Chủ trang blog“Chuyện bâng quơ” trong một comment có nhắc chuyện hải tặc Thái Lan cướp bóc, hãm hiếp những thuyền nhân Việt Nam mà đến bây giờ vẫn còn là nỗi kinh hoàng cho những người còn sống sót đến được bến bờ tự do khi nhớ lại thân nhân họ bị hãm hiếp, bị giết chết hay bị bắt đi biệt tích… Không ai nhắc thì đó vẫn là nỗi ưu tư của tôi và tôi tự hỏi, những hải tặc này có phải là dân thiểu số, ít học, không phải là Phật tử, sống như bọn du đãng, giang hồ, cường sơn thảo khấu… nước nào cũng có mà những người vượt biển bất hạnh gặp phải?
Đến nhiều nơi đô hội trên đất nước này hoặc đi bộ trên lề đường hồi mới qua sống, tôi cứ lo ngay ngáy chuyện bị giật cái cell phone, cái máy ảnh, lâu lâu phải coi lại xem túi đựng ví tiền của mình đã cài chưa, có bị mở ra không…đến nay thì (hầu như) rất yên tâm!. Hồi ở nhà, xuống Cần Giờ chơi, nhiều du khách bị khỉ giật mất cell phone, mũ đang cầm trên tay hoặc đội đầu trên đường đi bộ tham quan rừng ngập mặn!. Ở bên này, hôm đi Hua Hin, lên núi chơi, khỉ từng bầy lại gần xin ăn, lịch sự và thân thiện, chỉ chịu đi khi mình ra dấu đuổi!
Trong ý hướng tìm hiểu về con người và văn hóa Thái, tôi đã tìm đọc khá nhiều bài viết, của những người Việt từ Mỹ, Châu Âu đến làm việc hay giao dịch buôn bán ở Thái, của những khách du lịch Việt Nam, đi tự do hoặc theo đoàn, những comments của họ. Phần lớn đều thấy những lời khen, nhất là khen tính cách đạo đức hấp thu từ tinh thần Phật giáo của người dân.

Hồi mới qua sống, tôi cũng được nghe, thử chú ý và biết rằng điều mình nghe được là đúng nên tôi đã trả lời  một cmt của bác NHP (ngày 03.5.2013) trong bài trên rằng: “Anh NHP ơi, cái cười của họ không xả giao mà rất thật lòng. Tuy nhiên người Thái trong công việc có một đặc điểm là khi họ không đồng ý với mình, thể hiện ra ngoài không rõ, phản đối không mạnh, dễ hiểu lầm! Còn anh bảo hiền hòa và tử tế trong buôn bán là số đông nhưng  vẫn có một ít...ba xạo!”. Một người bạn từ Sài Gòn qua học Tiến sĩ bên này, khi mới qua than phiền bị taxi làm khó dễ vài lần, tôi từng đi hàng trăm chuyến nhưng chưa hề gặp, thậm chí khi tôi ngồi trong xe chờ anh tài xế đi đổi tiền lẻ để thối, anh đi hơi lâu và lúc rời xe, quên chốt giá, khi quay về, đồng hồ vẫn nhảy tiền chờ, anh không lấy tiền thừa mà chỉ lấy đúng giá lúc vừa tới. Tất nhiên là mình nỡ nào để anh ta chịu thiệt. Nhưng cần phải biết rằng gặp tài xế xe Tuk Tuk thì coi chừng, lơ ngơ là phiền với họ!.
Nhiều bạn tôi ở Việt Nam cảm tình với bà Yingluck, nữ thủ tướng đương nhiệm, chắc là vì nhan sắc và tính cách của bà (tôi cũng thế),  thường phê phán phe biểu tình và cho rằng có tình trạng “dân chủ thái quá” ở Thái Lan!. Suốt thời gian ở đây, tôi cũng nghĩ như họ hoặc pháp luật có kẽ hở nào, nhiều lúc bức xúc với những hành động của phe biểu tình mà khi nói chuyện với những người  là nhân viên, là tài xế, là người bán hàng…họ cũng rất đồng tình. Từ 01.4.2014, phe biểu tình của ông Suthep dọn về Lumpini Park trên đại lộ Rama IV  là trục giao thông chính trong thành phố, buổi tối họ dựng rào chắn trên cầu vượt sát công viên, gây ách tắc giao thông rất nhiều, hầu như không đêm nào không kẹt xe. Hơn một tháng nay, họ cắm trại, ăn, ở, sinh hoạt một khu vực rộng lớn trong công viện nên những người đến tham quan bị giới hạn, chưa kể vấn đề vệ sinh, cảnh quan và chăm sóc công viên hàng ngày!.
Cũng từ sau 01.4, hằng ngày hoặc cách ngày, những người biểu tình di chuyển bằng xe từ Lumpini Park đến Chaeng Watthana cách đó chừng 7-8km, nghe đâu ở đó có một quảng trường để họ tụ tập diễn thuyết và đã đảo, hoan hô. Mỗi sáng vào khoảng 10g đoàn xe chuẩn bị xuất phát với gần cả trăm chiếc, phần lớn là xe du lịch và pick up, vài ba xe tải lớn không mui, năm mười chiếc xe bus, còn lại là vài chục xe máy, trên xe nào cũng có người, cờ, bandrole hai bên hông xe tải. Xe đi đầu có hệ thống âm thanh để chỉ huy hoặc phát hành khúc của phe biểu tình. Mỗi lần đoàn này xuất phát, phía đối diện nơi tôi ở trên đường Rama IV bắt đầu bị chặn xe, hai xe khác lên đường cao tốc chặn xe chạy về phía đoàn xe sẽ di chuyển. Từ lúc bị chặn đến khi chạy lại được phải mất từ 10-15’, ba làn xe đậu nối đuôi nhau, kiên nhẫn chờ! Chỉ riêng nhiên liệu đi về cho đoàn biểu tình, nhiên liệu mất đi do phải chờ vì kẹt xe, nước Thái đã tiêu tốn một ngân sách vô cùng lớn chưa nói đến khoản thu khổng lồ từ du lịch mất đi do lượng khách đến nước này giảm rõ rệt!
Có người bạn đi du lịch theo đoàn đến Thái hai lần, đến được nhiều nơi, khi về bảo rằng trong suốt hành trình đi xe đến các nơi tham quan, dọc đường không hề thấy cảnh sát làm khó các xe lưu thông trên đường, không thấy chuyện tài xế ngay ngáy lo bị “làm luật” và cũng chưa thấy việc cảnh sát nhận hối lộ như… “ở mình”! Việc này không phải không xãy ra, tôi đã gặp nhưng khi tài xế phạm luật, cảnh sát gọi lại và xe lớn xe nhỏ, taxi hay xe nhà Ferrari, Porsch…chỉ cần chi 100THB là đi, không kinh hoàng và tàn bạo như CSGT ở các thành phố lớn nhỏ hay trên các quốc lộ nước mình! **

Đối với người ngoại quốc sống và làm việc ở Thái, người Thái tử tế, ân cần và hiếu khách, tuy vậy cũng có trường hợp không fair play. Tôi có người bạn mua xe, salon bán lo thủ tục làm card verte, trước khi có biển số chính thức, họ giao biển số (màu đỏ), tạm thu 3000THB. Khi có biển số chính thức, khách hàng trả biển số tạm, nhận lại tiền và biển số chính. Anh bạn không nói được tiếng Thái, khi mua chỉ giao dịch bằng tiếng Anh. Ngày nhận biển số không lấy lại được tiền, chỗ này chỉ qua chỗ khác, nói toàn tiếng Thái, bực mình, anh bỏ về và mất toi hơn hai triệu tiền Việt!
Hồi mới qua, có lần cáp truyền hình chung cư tôi ở bị sự cố, theo số máy trên bill hàng tháng, chúng tôi gọi đến, nơi cho thuê bao cáp cử người đến ráp ráp, nối nối, thử thử, họ ra về mọi chuyện lại như cũ!. Lại gọi, họ trả lời là hỏng hệ thống cáp tòan chung cư, hẹn sẽ khắc phục. Mất cả tháng mới dùng lại được, lẽ ra tháng sau phải trừ tiền theo số ngày khách hàng không dùng nhưng trên bill vẫn y như …tháng trước. Hỏi, họ bảo đã quyết toán rồi! Có vẻ như khi tiền “đã vào tay ông”, khó trả lại dầu bất cứ lý do gì!
Hai chuyện trên đáng ra đã được  quên đi nhưng rồi lại có việc để nhớ: cái điện thoại của tôi bị rơi xuống nước! Hôm đó vợ chồng con gái tôi về Việt Nam, cả ½ tháng sau mới qua lại. Một mặt nghĩ rằng Nokia Care sẽ không bảo hành sự cố này, phần khác cũng nóng lòng muốn biết thế nào, tôi hỏi chị giúp việc, chị chỉ một nơi bán và sữa chữa gần nhà, tôi nhờ chị đem đến rồi chị gọi về hỏi có bằng lòng sữa với giá 500THB không? Tôi trả lời nếu chắc được và bảo đảm chịu trách nhiệm thì OK. Hôm sau, chị nhờ cô bảo vệ chung cư dẫn tôi đến lấy, máy dùng được nhưng một lát sau thì nóng. Đem tới đem lui vài lần thì thợ lắc đầu, bảo đem tới hãng! Chị về kể lại khi đòi lại tiền, anh thợ cứ lo trả lời cho khách hàng khác và khi chị hỏi gắt thì gây sự và bảo không trả. Đành về! Tôi nói để chị yên lòng: “coi như tiền đó mình đánh rơi” nhưng lòng thì nghĩ, ừ thôi cũng có chuyện không ưng ý, có người không như ý mình, đâu có thể đòi hỏi tất cả mọi người đều tốt cả. Nghĩ thế để rồi còn được nhìn cái tốt của dân Thái nhiều hơn.

Dầu sao thì, qua tất cả những gì đã nghe, đã thấy, đã đọc, đã cảm nhận, chúng tôi vẫn giữ cái kết luận rằng đây là đất nước có những người dân rất hiền hòa, dễ thương và đạo đức. Nếu có ai hỏi rằng điều gì làm bạn thích thú nhất khi sống ở Thái chắc tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng: “tuy là dân nhậu nhưng đi khắp nơi không thấy nơi nào bán thịt chó, thịt mèo, thịt động vật hoang dã, những nơi có người nhậu, không nghe họ đồng thanh hô: một, hai, ba… dzô!”.



14 nhận xét:

  1. "Hai năm tình lận đận/ Mình đã già như nhau". Hì hì, đọc tựa tư nhiên nhớ đến bài thơ phổ nhạc của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Người đâu cũng có tốt xấu (có thể tỉ lệ tốt xấu chênh lệch nhau), nhưng KHỈ ở Thái thì rõ ràng không "gấu" bằng KHỈ xứ mình. :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Comment của bác NHP thiệt dễ thương. Bác phải cám ơn HN nhắc nhớ một bài thơ hay nhé. Thích cái kết luận của bác vô cùng!

      Xóa
  2. 1- Sau hai năm sống ở Bangkok bác Hồng Ngọc có bài viết khá tỉ mỉ và khách quan.
    Tôi sang đó hai lần tổng cộng 15 ngày nên không thể nói gì về người Thái. Sơ bộ thấy người Thái hiền hòa, không nói to, không nhậu nhẹt lu bù trong nhà hàng. Trong nhà hàng có góc ngồi uống rượụ riêng không như bên ta bất cứ chỗ nào cũng uống được. Người Thái không lấy tội trừ công, ở một quảng trường có tượng ông bộ trưởng. Hồi đó ông ta bị thất sủng vì đàn áp biểu tình nhưng tượng ông vẫn để nguyên, người Thái bảo khi dựng tượng ông ấy có công với nước Thái.
    2- Hình như nhà cầm quyền Thái không triệt để với các tụ điểm ăn chơi trụy lạc. Có điều các điểm ăn chơi ấy không có người Thái tham gia, toàn là người nước ngoài trong đó khá nhiều người Nga . Nhiều điểm biểu diễn phục vụ du lịch, một nam một nữ ra hành sự cho bà con xem, các cô VN xấu hổ cúi đầu, các chàng thì coi say sưa, trên kia đôi nam nữ xinh đẹp làm tình một cách vô cảm, không khác nào cái động cơ. Phản cảm nhất là đưa phụ nữ ra biểu diễn, Bộ phận đáng trân trọng nhất trong người họ người ta dùng để bắn phi tiêu, bỏ một xâu dao lam vào rồi lôi ra cứ như không, lại mở nắp bia rót hết vào người lại rót ra đầy chai lại.
    3- Không thấy người Thái đoạt các giải thi quốc tế (toán, lí, hóa, âm nhạc, như ở VN) hay họ giỏi nhưng không quan tâm đến thi thố.
    4- Báo chí thống kê Ta thua Thái 95 năm, vậy thì có thua họ trong ứng xử văn hóa, trong văn minh giao tiếp cũng là phải.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những nhận xét của bác Bu cũng là những suy nghĩ của HN. Chuyện ăn chơi trụy lạc ở Bangkok gồm khu đèn đỏ Patpong, Nana và Cowboy chỉ dành cho khách nước ngoài. Nghe nói trong những ngày sinh nhật Quốc vương và Hoàng hậu phải tạm nghỉ và chính phủ không cấm hoạt động này vì muốn có doanh thu cho du lịch. Ở Pattaya những nơi có sexy show do nữ vũ công Nga thực hiện chỉ dành cho khách ngoại quốc trừ các khu local. Ở đó, phụ nữ Thái biểu diễn đến hàng chục màn như bác Bu kể, giá mềm! Hihi.

      Xóa
    2. Nặc danh12:45 17/12/17

      A Thai here.

      ...3- Không thấy người Thái đoạt các giải thi quốc tế (toán, lí, hóa, âm nhạc, như ở VN) hay họ giỏi nhưng không quan tâm đến thi thố... >>> Actually we had won since decades ago and still win. Just a few days ago before my post some students wins rewards from 11th International Olympiad on Astronomy and Astrophysics. Problem is that it's not a big news anymore. At first we were excited but as times goes by and years goes on it's fade. The winning students are just a small percentage of all Thai students, so what's the big deal?

      Xóa
  3. Sau hai năm, thấy anh sắc diện trẻ ra ; blog viết đều đặn, càng ngày càng hay. Rứa là Bangkok ăn đứt Saigon rồi đó!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Nô đã có những động viên chân tình! HN có khỏe ra và tăng cân nhưng chuyện viết "càng ngày càng hay" thì chưa dám nhận, có bạn bè đọc chơi là vui rồi!

      Xóa
  4. Tôi mới đến Thái Lan một lần, nhớ rõ là mua đồ ăn ngoài đường hay đi xe ôm đều không cần mặc cả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ơ lâu sẽ thấy là có lúc giá xe ôm đắt hơn taxi! Thức ăn đường phố ở đây rẽ, ngon, sạch và không vì thấy người nước ngoài mua mà ...chặt! Cám ơn bạn đã đọc. HN cũng đã có bài viết tỉ mỉ về thức ăn đường phố trên blog này!

      Xóa
  5. Nơi đâu cũng có người tốt người xấu mà anh. Chỉ là số lượng ít hay nhiều thôi. Phe áo đỏ của bà Thủ tướng trước đó cũng đã biểu tình cả mấy tháng, chiếm cả sân bay quốc tế và đụng độ dữ dội với cảnh sát của người tiền nhiệm. Bà ấy lên làm Thủ tướng cũng nhờ phe áo đỏ yểm trợ mà. Chính trường là thế, toàn là mưu đồ đen tối, toàn là bị những thế lực kim tiền chi phối, chỉ có dân đen là bị hại thôi! Giáo ghét chính trị!

    Trả lờiXóa
  6. Giữa chính trị vương đạo và chính trị bá đạo thì dầu ghét, cái trước vẫn hơn vì quyền lợi người dân được chú ý hơn là bị hy sinh! HN cũng chẳng thích gì chuyện này như giao thôi mà!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, tôi cũng ghét chính trị, nhưng dẫu có ghét chính trị thì chúng ta cũng vẫn phải "sống trong chính trị" (làm sao mà thoát ra khỏi?). Chính truòng ở Thái Lan mấy năm nay làm tôi nhớ đến Saigon của thập niên 60 của thế kỷ trước. Đám đông đưa nhân vật này lên, rồi cũng chính đám đông đó lôi nhân vật ấy xuống. Thái Lan, như bác Bu nói, có thể hơn chúng ta 95 năm về kinh tế, nhưng về chính trị có lẽ họ cũng chẳng hơn gì Saigon của thập niên 60.

      Nhưng đấy là sự cần thiết để đưa tới một nền dân chủ thực sự, rồi cũng như các nước tiên tiến khác trên thế giới, thay vì cả mấy chục ngàn người dân (phe này, phe kia), phải bỏ cả nhà cửa hàng tháng trời mà đi hò hét, có khi đánh đấm lẫn nhau đổ máu, gây thiệt hại cho kinh tế đất nước, đảo lộn cuộc sống của người dân... Họ sẽ đặt quyền giải quyết vào trong tay những người mà họ đã ủy quyền (Quốc hội), với điều kiện những người này thực sự có năng lực, "làm chính trị" vì dân, vì nước, chứ không phải vì quyền lợi và túi tiền của mình...

      Xóa
  7. Nặc danh05:56 14/5/14

    Hồng Ngọc đã nói rất đúng, Tám xin lập lại. "Ở đâu cũng có anh hùng. Ở đâu cũng có người đùng người khiên."

    Trả lờiXóa
  8. Nặc danh05:57 14/5/14

    Sửa một chút. Người đùn người khiêng.

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter