29/5/14

Cẩm nang sống




Hồi còn đi học tôi thường tìm đọc các sách trong tủ sách học làm người : Thuật xử thế của người xưa, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Đắc nhân tâm, Nghệ thuật nói trước công chúng, Tâm hồn cao thượng… Sau này ra đời, có dịp vẫn đọc lại và  tự vấn xem đã làm được bao nhiêu những thứ  học được trong hành trình làm người của mình?. Vài chục năm gần đây, khi internet du nhập vào Việt Nam, trên các tờ báo thỉnh thoảng có đăng những bài hoặc các câu ngắn kiểu “Lời hay ý đẹp”, “Cửa sổ tâm hồn”, “Nghệ thuật sống” hay “Chicken soup for the souls”…tôi  tỉ mẩn ngồi cắt báo, lựa các bài hay,  những câu có giá trị và tâm đắc, nhờ các bạn trẻ gõ vào máy, dàn trang rồi in ra tặng người thân và bạn bè. Không biết tác dụng của việc này đến đâu nhưng tự thấy vui vì vừa tự rèn vừa chia sẻ với bạn.
Hình xin trên blog của anh Nam Ròm
Dần dần sách loại này xuất hiện nhan nhãn ở các nhà sách, tựa đề kêu, bìa  trình bày trang nhã và bắt mắt, nhất là vào các dịp Father’s Day, Mother’ s Day, Valentine và cả Ngày nhà giáo… nhưng ăn khách nhất có lẽ vẫn là Chicken soup for the soul!
Lần về quê cách đây hai năm,  ghé thăm một người bạn là nha sĩ, cô ấy giới thiệu một quyển sách do con trai cô đọc được và gửi về, quyển “Người nam châm - Bí mật của luật hấp dẫn” của Jack Cansfield & D.D. Watkins.  Cô là người ham đọc sách nên khi cô khen quyển này tôi nghĩ đây là một lời khen đáng tham khảo và tìm cho được dù phải lặn lội và nhờ vả nhiều người! Có sách, đọc và thấy ra, đúng là danh bất hư truyền!
Bìa trước sách Người nam châm

Bìa sau.
Sách tôi đang có do Thu Huyền và Thanh Minh dịch, Thái Hà Books hiệu đính. Thái Hà Books và NXB Lao động-Xã hội phát hành, khổ 13x20,5cm dày 191 trang  và là bản tái bản lần thứ hai. Với khoảng 160 trang  nội dung, chia thành 15 vấn đề, mỗi vấn đề chỉ 6-12 trang size chữ 12, tác giả đã trình bày dưới dạng bài giảng hoặc thuyết trình theo trình tự từ giải thích khái niệm đến các cơ sở lý luận và hướng dẩn người đọc các bước phải thực hiện để luật hấp dẫn tác động một cách hiệu quả đến đời sống mình.
Mở đầu, tác giả đã vẽ ra một bức tranh với những game màu đẹp và hứa hẹn hấp dẫn: “Bằng cách sử dụng Luật hấp dẫn có chủ ý và trí tuệ, bạn có thể tạo ra chính xác những điều bạn muốn mà không cần phải nổ lực nhiều và bạn còn cảm thấy thú vị nữa” (tr.13). Tác giả cũng xác định mục đích cuốn sách : “Tôi muốn khi bạn đọc cuốn sách này, bạn sẽ thấy mình được truyền cảm hứng vì bạn nhận ra rằng bạn có thể tạo ra cuộc sống mà bạn khao khát, bạn sẽ được trao quyền khi sử dụng những công cụ, những chiến lược và những khái niệm cơ bản được chuyển tải trong những trang sách này”.(tr.15)
Chỉ cần đọc lời giới thiệu của ông Nguyễn Mạnh Hùng,  giám đốc Thái Hà Books  và gần 5 trang lời mở đầu của tác giả, tôi nghĩ, một độc giả dù khó tính,  bi quan và đầy hoài nghi cũng không thể không đọc những nội dung tiếp theo.
Không giải thích rõ Luật hấp dẫn là gì nhưng tác giả cho biết đây là quy luật quyền năng nhất trong vũ trụ. Đơn giản hơn, theo luật này ta sẽ hấp dẫn tất cả những gì ta tập trung vào, bất cứ việc gì ta dành công sức vào đều quay trở lại với ta.  Do vậy, nếu ta tập trung vào những điều tốt đẹp và tích cực, tự nhiên ta sẽ thu hút vào cuộc sống của mình nhiều điều tốt đẹp và tích cực. Dầu ta phát đi những năng lượng tích cực hay năng lượng tiêu cực thì vũ trụ sẽ - thông qua luật hấp dẫn - phản ứng lại với cả hai và không quyết định cái nào là tốt cho ta mà chỉ có thể phản ứng lại bất cứ nguồn năng lượng nào mà ta tạo ra, mang lại cho ta những điều giống như ta tạo ra và có khi còn nhiều hơn thế.  Quy luật này, tôi chắc nhiều người vào độ tuổi bốn mươi  trở lên có thể chia sẻ vì từng gặp vài lần trong đời. Tôi cũng không hiểu tại sao, có những người  gặp lần đầu trong đời, trong thâm tâm ta thấy không cảm tình thì chính họ, cũng…không cảm tình với ta dầu có thể có cả thời gian dài tiếp xúc!
Sau mục 2: BẠN LÀ GÌ? Và mục 3: BẠN LÀ AI? tác giả đề cập đến vị trí và vai trò của CẢM XÚC, nó là chìa khóa, là thành phần quan trọng trong việc ứng dụng luật hấp dẫn, chúng là hệ thống phản hồi nội tại cho biết phản ứng bản năng của cơ thể với trạng thái rung cảm mà bạn tạo ra (tr.43).
 Mục 5 có tựa là: TẬP TRUNG VÀO ĐIỀU TÍCH CỰC , theo cảm nhận chủ quan của mình, tôi cho rằng đây là nội dung cốt lõi của tác phẩm và là thông điệp chính mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc qua tác phẩm này, nó bàng bạc ở nhiều mục khác ví dụ ở BẠN LÀ AI? tác giả khuyên: “Vì vậy, bạn cần phải học cách suy nghĩ tích cực, phù hợp với điều bạn muốn trở thành, thực hiện hay trãi nghiệm trong đời”. Tác giả còn dẫn ở đây lời của Florence Shinn (1871-1940) một họa sĩ vẽ tranh minh họa cho sách : “Cuộc sống là một trò chơi boomerang. Suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta không sớm thì muộn cũng sẽ trở lại với chúng ta, chính xác đến độ đáng ngạc nhiên”. (tr.32). Tác giả còn dẫn lời của Willie Nelson, ca sĩ nhạc đồng quê Mỹ như sau: “Một khi bạn thay thế những suy nghĩ  tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực, bạn sẽ bắt đầu nhận được những kết quả tích cực”. Do vậy, việc tập trung vào điều ta thực sự muốn chứ không phải điều không muốn là rất quan trọng, không nên nói “Tôi không muốn bị điên” mà nên nói: “Tôi muốn được yêu thương hơn nữa và chấp nhận vạn vật như nó vốn thế”, đừng nói “Tôi phản đối chiến tranh” mà nên nói “Tôi ủng hộ hòa bình” vì phản đối cái gì thực ra là tái tạo lại nó, và nói ủng hộ hòa bình để vũ trụ nhận được rung cảm của từ hòa bình.
Trong tác phẩm “Hiểu về trái tim”, tác giả Minh Niệm khi nói đến việc  Phán xét (tr. 159-170) đã đề cập đến lý thuyết về Hiệu ứng cánh bướm của nhà khí tượng học Edward Norton Lorenz và tác giả cho rằng: “Không ai có thể ngờ rằng mọi hành vi của mình đều có thể tạo nên những hiệu ứng vĩ đại cho kẻ khác, và đáng sợ hơn là chính nó sẽ trả lại ta bằng một hiệu ứng lớn hơn gấp bội. Vì nó không những không biến mất khi xãy ra mà sẵn sàng chờ đợi những lực khác có cùng tần số đưa tới để hình thành hiệu ứng khác…chỉ cần năng lượng trong ta phát đi thì nó sẽ được truyền dẫn bởi những năng lượng có sẵn trong vũ trụ… Nếu ta đã vô cớ đem đến cho người kia khối cảm xúc xấu khổng lồ qua sự phẫn nộ và khinh miệt sai  lầm của đại chúng , thì ta sẽ phải đón nhận lại “khoản nợ” ấy cộng thêm “phần lãi” do vũ trụ gửi thêm cũng là lẽ đương nhiên”. Những nhận định này cũng không xa Luật hấp dẫn là bao.
Kết luận mục này, người đọc nhận được ba lời khuyên mà ai cũng có thể thực hiện được nếu chú tâm:
- Hãy trở thành một rung cảm tương thích với tương lai bạn mơ ước.
- Hãy tập trung vào phần tốt trong chính bạn và người khác.
- Hãy tập trung vào ánh sáng và cái đẹp trong cuộc sống của bạn.
Trong mục 5&6 tiếp theo, sách đề cập hai vấn đề: MỤC ĐÍCH VÀ ĐAM MÊ  và XÁC ĐỊNH ƯỚC MƠ, hướng dẫn người đọc:
1. Xác định mục đích sống qua việc trả lời các câu hỏi có sẵn để xác định mình là ai, muốn được là ai và muốn thể hiện mình trong thế giới này như thế nào?
2. Tạo lập danh sách ước mơ bằng việc lập 7 biểu đồ theo 7 chủ đề: Mục tiêu cá nhân, Các mối quan hệ, Sức khỏe và cơ thể, Sự nghiệp và học vấn, Giải trí, Tài chánh, Đóng góp. Mỗi biểu đồ chia làm hai cột, bên trái là ghi những mục Tôi không muốn, bên phải ghi những mục Tôi muốn. Sau đó, tác giả gợi ý 20 câu hỏi để người đọc tự hỏi mình ví dụ: Mục đích của cuộc đời tôi là gì?, Tôi muốn phát triển về mặt tinh thần như thế nào?, Tôi muốn tham gia vào quỹ từ thiện nào? Nếu tôi có thể thay đổi thế giới, tôi sẽ khiến nó trở thành một nới tốt đẹp như thế nào?... Tác giả còn gợi ý người đọc hãy đưa ra 101 điều bạn muốn làm trước khi chết, những thứ ta muốn làm, muốn trở thành hay muốn có với hai ví dụ sống động về hai nhân vật (*) với bản danh sách của họ và số mục tiêu họ đạt được ở tuổi 70 hiện nay. Riêng Jack, tác giả, cách đây 17 năm, tự đưa ra 109 mục tiêu, gần đây cũng đã đạt đến con số 63.
Các mục còn lại phần lớn là những biện pháp, lời khuyên và các kinh nghiệm để chúng ta có thể đạt thành công khi sống theo Luật hấp dẫn.
Đọc lại lần thứ hai, có thể kết luận rằng Người nam châm của Jack Canfield và D.D. Watkins là một công trình nghiên cứu rất nghiêm túc và công phu, Luật hấp dẫn là một trong những nguyên tắc tác giả đã giảng dạy hơn 30 năm nay, nó không là một khái niệm mới vì người ta đã biết đến hàng ngàn năm nay và gần đây, sự nhận thức về nó trở thành “một phần của xu hướng văn hóa” trong xã hội Âu-Mỹ.
Với 160 trang như đã nói, tác giả đã dùng đến 77 câu danh ngôn của các danh nhân Đông- Tây- Kim- Cổ để chứng minh hoặc minh họa cho những lập luận của mình. Đó là của Đức Phật (tr.29&60), của Albert Einstein (tr.33), của các chính khách như Abraham Lincoln, Mahatma Gandhi, Martin Luther King, các nhà văn nổi tiếng như Anatole France, Voltaire, Henri David Thoreau, các triết gia cổ đại Hy Lạp như Epictetus, Aristotle, Seneca, hiện đại như Sigmund Freud kể cả những nghệ sĩ lừng danh như Walt Disney, Tina Turner,  số còn lại là những nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhà hùng biện và các nhà diễn thuyết hiện đại.
Khi đọc đến những trang cuối cùng, tôi cũng rất vui khi được đọc đôi dòng về các tác giả và biết thêm rằng Jack Canfield là nhà đồng sáng lập và đồng tác giả (với Janet Switzer) của seri sách bán chạy nhất do New York Times bình chọn: Chicken soup for the souls (tôi đề cập ở trên) gồm 146 câu chuyện, bán hơn 100 triệu bản với hơn 47 thứ tiếng trên thế giới. Rất may là tôi cũng có trong tay một tác phẩm khác khá nổi tiếng của ông, The Success Principles (sách cũng được Thái Hà books dịch sang tiếng Việt và phát hành tựa đề là “Những nguyên tắc thành công”) mà nếu đọc bản tiếng Anh hẵn độc giả sẽ rất ngạc nhiên với 6 trang đầu in 50 lời khen, lời ngợi ca và giới thiệu của rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới kinh doanh, văn nghệ, giáo dục và truyền thông về quyển sách 475 trang này.
Hình trên: bìa sách  The Success
Principles và hình dưới:một vài trong 50 lời ca ngợi ở 6 tr. đầu.
Cách đây ba, bốn mươi năm, trong hàng chục người trưởng cơ quan nơi tôi làm việc , tôi gặp vài người là dân khu IV “ở A vào chi viện”. Tư cách, năng lực họ không có gì, gặp chuyện sai, tôi cãi lại vậy là mình bị mất cảm tình, rơi vào tầm marquer của họ!. Bất mãn, tôi nghĩ cách viết thư nặc danh gửi cơ quan cấp trên tố cáo những sai phạm của họ nhưng tất cả là “kế vô khả thi”, không hại được người mà lại hại chính mình, phải tính toán, phải nhìn trước ngó sau, không biết bao nhiêu tế bào thần kinh đã chết! Bây giờ, vận dụng luật hấp dẫn để lý giải, đúng là mình đã gửi vào vũ trụ nguồn năng lượng xấu vì mình không xuất phát từ mục đích tốt và ngay sau đó, vũ trụ đã phản hồi ngược lại làm mình lao tâm khổ tứ!
Sau khi đọc được tác phẩm giá trị này, tôi đã giới thiệu với rất nhiều bạn trẻ khi họ, bức xúc vì áp lực công việc, không bằng lòng về quan hệ ở nơi làm việc, bị đố kỵ, ganh ghét, có người buồn chuyện gia đình tôi đều khuyên họ hãy suy nghĩ  tích cực và xa hơn, tìm đọc "Người nam châm" nhưng không biết kết quả thế nào? Riêng tôi, dù ở vào độ tuổi gần hàng bảy, quyển sách này đã mang đến những niềm vui đích thực khi tôi thử vận dụng một vài hướng dẫn trong đó.
Cám ơn tác giả, cám ơn nhà xuất bản, nhà phát hành và người bạn đã giới thiệu nó. Mong rằng bạn cũng sẽ đọc và tìm thấy những niềm vui nho nhỏ, như tôi.

(*)John Goddart là một nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới, ở tuổi 15 đã đưa ra 127 mục tiêu ông muốn đạt trước khi chết: thăm Great Pyramyds, học lặn với bình khí, thăm Vạn lý Trường thành, trèo lên đỉnh Kilimanjaro (cao nhất châu Phi), đọc hết Bách khoa toàn thư về nước Anh. Ông hiện 70 tuổi và đã đạt được 109 mục tiêu trong danh sách đã đưa ra.

17 nhận xét:

  1. Nặc danh16:08 29/5/14

    Những cuốn sách như thế này mỗi lần đọc xong bao giờ Tám cũng thấy hơi buồn vì nhận ra những thiếu sót của mình.

    Trả lờiXóa
  2. Vậy thì mình hãy suy nghĩ tích cực đi Tám: 1. Không nói thấy hơi buồn mà nói là hơi ít vui. 2. Mừng vì biết mình biết thiếu sót chổ nào để bù vào (bổ bất túc). Hihi.

    Trả lờiXóa
  3. Trước hết là nói về Tủ sách học làm người mà bác HN đã nhắc đến ở đầu entry. Tôi hiện có được một số vài chục quyển của 3 tác giả tiêu biểu viết loại sách này trước năm 1975 ở Saigon, các học giả Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt... Sách của họ viết dễ hiểu, thực tế, đem lại cho ta nhiều điều hay. Ta học được ở nhà trường ví như cái nền móng, học được nơi những quyển sách này ví như xây cái nhà thô, còn lại là trang trí thì tùy ở ta. Không phải nói tôi, mà cả một thế hệ miền Nam trước năm 1975 tương đối sống tử tế, cũng là nhờ ở 3 yếu tố này (tôi cũng chỉ dám nói tương đối). Nhà trường và gia đình tử tế, đọc được sách vở tử tế, và xã hội tử tế...

    Những thời gian gần đây tôi có đọc một số sách Hạt giống tâm hồn, chưa đọc vài quyển bác HN giới thiệu, chắc chắn sẽ tìm đọc. Bác HN đã khen thì chắc phải là sách giá trị :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thiệt ra thì HN đọc kỹ, làm theo cũng mỗi quyển một ít, một số như "Luyện trí nhớ" chỉ phớt qua vì không cần kíp rồi...qua luôn nhưng nghe bác nói đến số hàng chục quyển loại này bác đang có thì giật mình, nhớ lại cái tủ sách mà bác và bác Bu chụp hình chung cũng thấy khiếp rồi. Cái anh "độc thư" của mình được xếp hàng thứ 5 trong những người giàu có nhưng không hiểu sao, thấy sách là ham, mà đến giờ này cũng thế.
      Đúng là loại này nuôi đưỡng tâm hồn và chắc chắn góp phần định hình bao thế hệ người miền Nam bác ạ. Bây giờ, nhiều lúc nói chuyện với các cháu HN cũng hay dẫn lời người xưa, dẫn những mẫu chuyện của Dale Carnegie...trong khi người ta lo đánh nhau, lo giải phóng, lo dạy 5 điều bác Hồ dạy, quên dạy cả văn hóa xin lỗi, cám ơn...
      Bác mua quyển này đọc cho vui, HN tự thấy thích rồi giới thiệu quấy quá với bạn bè, chứ HN "khen" mà không đúng chưa "chắc đã giá trị"! Hihi.

      Xóa
    2. Xin lỗi, thiếu hai chữ (nhân cách), trong reply ở đoạn 2: "...góp phần định hình nhân cách của bao thế hệ ..."

      Xóa
    3. Hihi, tôi có đọc những sách của các GS. Trịnh Xuân Thuận, Cao Huy Thuần, Nguyễn Tường Bách, Bùi Minh Đức, Nguyễn Văn Tuấn..., những vị này ở nước ngoài viết rất hay về nhiều vấn đề xã hội. Riêng tủ sách Học làm người của học giả Nguyễn Hiến Lê đã trên 100 quyển, chưa kể của Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuận Việt... Số sách tôi có chỉ là một phần nhỏ, loại sách này tôi đọc đi đọc lại hoài vẫn thấy hay.
      BS Đỗ Hồng Ngọc ở VN viết về Phật giáo cũng rất hay, ông ấy viết thuở còn đi học cũng nhờ đọc sách của Nguyễn Hiến Lê mà nên người. Mới đầu thoạt đọc tên tôi tưởng bác là ông ấy chứ :-)))

      Xóa
    4. Bác đọc sách của bác ĐHN là có duyên rồi, nhất là loạt sách viết về kinh (Gươm báu trao tay, Nghĩ từ trái tim, Thấp thoáng lời kinh, Ngàn cánh sen xanh biếc...) dưới nhãn quan và cách diễn đạt đời thường của ông ấy. Trước đây HN thích Cao Huy Thuần nhưng có lần (năm ngoái) dự buổi thuyết trình của CHT, ngồi 15 phút, bỏ ra và...cạch luôn!
      Ông anh Cả của HN (năm nay 83 tuổi) "gối đầu giường" hồi ký Nguyễn Hiến Lê từ mấy năm nay. Hihi.

      Xóa
    5. Hihi, viết sách đọc thấy hay, chưa chắc ăn nói hay. Cũng như ngày trước có nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, ông ấy viết về tuổi mới lớn rất hay, nhưng xưa có một lần đi xem ông ấy giới thiệu một quyển sách mới, nghe ông ấy nói thì... hỡi ôi.
      Hồi ký của những người như Trần Trọng Kim, Nguyễn Hiến Lê, Trần Văn Khê, Phạm Duy, Vương Hồng Sển... có một giá trị đặc biệt bác HN. Không phải nó chỉ cho chúng ta biết cuộc đời của các ông ấy, mà nó còn cho chúng ta thấy cả "một xã hội" các vị ấy đã sống. Hồi ký của ông Nguyễn Hiến Lê cho chúng ta biết một phần nào xã hội ngoài Bắc những năm 1920, 1930, 1940... và của miền Nam những năm 1950 trở về sau này (ông ấy mất năm 1984). Tôi rất thích đọc Hồi ký của các vị ấy.

      Xóa
  4. Tôi lại đến nhà anh và cảm nhận giá trị bài viết rất hữu dụng trong cuộc đời.Từ rất nhỏ,tôi đã mê đạo phật và đắm mình trong giáo lý nhà phật.Tôi không có cơ hội gặp để thọ giáo ân sư và rất ít đọc kinh sách thánh nhân cũng chẳng phải là người tu hành,chỉ nghe thuyết giảng câu kinh liền dựa vào xúc giác mà phân biệt thị phi.
    Quyển sách Người nam châm mà anh giới thiệu,tuy chưa được đọc ,nhưng những gì anh nói rất giống với những gì tôi hiểu.Mỗi thông điệp gởi đi và nhận lại hơn gấp bội,quả thực điều này rất đúng,cho nên mỗi khi gặp chuyện chẳng lành là biết ngay mình đã vướng vào nhân quả.Câu kinh chẳng sai như gieo nhân nào thì gặp quả đó,và quả thật nó luôn là nguyên bản gốc chẳng hề sai.Cám ơn anh và chúc anh nhiều sức khỏe.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn tvt đã góp phần làm sáng tỏ thêm bài viết của HN, khi viết bài này, HN cũng có nghĩ đến việc đưa lý thuyết nhân quả nhà Phật vào để làm rõ thêm vấn đề nhưng sợ đẩy nội dung chính đi quá xa nên chỉ trích một ý của Minh Niệm trong phần "Phán xét". Hiện nay, HN đang đọc "Sư tử tuyết bờm xanh" loại truyện cổ Tây Tạng do Nguyễn Tường Bách dịch, có một số truyện nói về nhân quả rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Bạn tìm đọc nhé. Chúc tvt thân tâm an lạc.

      Xóa
  5. Cẩm nang cuộc sống bây giờ bán nhiều ngoài hiệu sách, theo bu tui có mấy loại cẩm nang
    1- Loại cẩm nang do tác giả viết thành chương mục để tra khảo như: Đàm thiên thuyết địa luận nhân, Văn đàn bảo giám, Minh tâm bảo giám, thuật xử thế của người xưa
    2- Tiểu thuyết , truyện ngắn , bút kí ... Loại này người đọc tự rút ra cho mình ý nghĩa cuộc sống và hiệu chỉnh cho cuộc sống của chính mình
    3- Chinh cuộc sống thực của ta cũng là một cẩm nang: Bạn viết về cái bến xe bên Bangkok làm bu so sánh với các bên xe Việt Nam, chuyện nhỏ ấy thôi nhưng người đọc cũng biết ra nhiều điều rất bổ ích...
    4- Đọc cẩm nang và tuyệt đối tin vào cẩm nang đôi khi cũng không ổn. Trong Minh bảo giám Mạnh tử nói: Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại tức là có ba điều bất hiếu, nhưng nặng hơn cả là không có con nối dõi...cho nên tin sách tuyệt đối cũng như chưa đọc sách là đúng lắm vậy
    5- Bu sẽ cố gắn tìm mua quyển sách mà HN giới thiệu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu ơi, HN khoái ông Jack Cansfield và quyển này nên viết bài giới thiệu với bạn và khi viết, lấy tạm cái tựa như trên rồi để luôn chứ nếu ghi là: "Đọc...của..." thì ít hiểu lầm hơn. Đồng ý với 4 ý kiến trên của bác, ngày xưa cũng có người nói nếu làm theo sách Đắc nhân tâm đôi lúc lại...phản bội mình! Hihi.
      Cụ Khổng cũng dạy: "Sinh nhi chi tri, miễn nhi chi tri, khốn nhi chi tri" chắc cũng nói chuyện "cẩm nang" này?

      Xóa
    2. Bu đã trình làng bài " Đoạn trường khai sinh",...Viết chưa kĩ lắm mà đã dài rồi hihi

      Xóa
  6. Với Nobita, từ mấy tấn "cẩm nang sống" như ri, chắt chiết ra được nửa xị "kỹ năng sống" là mừng húm rồi!

    Trả lờiXóa
  7. Hồi mới giải phóng khi về Nam ,được tiếp xúc với nhiều tác phẩm trong tủ sach Học làm người tôi say mê đọc vì nhiều cái mới mẻ mà trước đó mình không biết.Sau này các tác phẩm này xuất bản lại ,tôi mua gần hết và đọc lại , càng thấy sự minh triết không hề cũ dù được viết ra rất sớm !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày xưa, hồi học cấp 2,3 nghe ai nói "Càng học càng thấy mình dốt", chả tin, bây giờ y như rằng phải không anh?

      Xóa

Flags..


Flag Counter