21/1/14

Như là giải thoát!



1. Hồi mới đến giúp việc ở nhà tôi, thỉnh thoảng chúng tôi hỏi về gia cảnh, có lúc hỏi về những người Khun Mai phải lo nuôi dưỡng,  cô trả lời là hiện cô chỉ có hai mẹ con, đứa con gái đang năm cuối trung học nhưng cô phải lo cho hai bà cháu người bà gia của chị ruột mình .
Khun Mai giúp việc cho chúng tôi chỉ hai tuần sau khi chúng tôi đến sống ở Bangkok (tôi đã viết một entry về cô vào tháng 5.2012), hầu như  đã gần hai năm nay cả nhà tôi chưa ai phật lòng cô ấy điều gì mà càng ngày càng thấy thương vì những vất vả khi cô phải làm việc quá nhiều, ngoài mỗi tuần ba buổi, mỗi buổi 4 giờ ở nhà tôi, cô còn 3 jobs khác nữa, cô không có giờ rãnh, cứ sợ có một ngày cô sẽ ngã quỵ!
Sống ở đất nước này, tôi vẫn mong có dịp sống ở một làng quê ít ngày, ăn uống làm việc với người dân như những tour du lịch nhà vườn ở VN để có dịp tìm hiểu cuộc sống của những người bình dân nên  tôi đề nghị với Khun Mai sẽ đến thăm nhà cô,  cô rất vui nhưng khi nhắc lại, cô e dè vì lo rằng nhà  không được sạch sẻ, cô chỉ có một ngày Chúa nhật dọn dẹp lau chùi nhà cửa, cả tuần đi làm, bà cụ ở nhà lại không chủ động được trong  vệ sinh cá nhân khi ở nhà một mình 3g mỗi buổi vì mẹ con người chị đi làm, con gái cô đi học suốt ngày…
Kể chuyện nhà cho tôi nghe bằng tiếng Anh, đôi lúc tâm tình với con tôi cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Thái, tôi hình dung rằng bà cụ đang sống yên lành bằng tiền hưu thì tai họa ập đến với  gia đình bà khi cách đây năm năm cô con dâu bà (chị ruột Khun Mai) qua đời vì bệnh ung thư, bỏ lại cho chồng ba đứa con, 20, 15 và 8 tuổi và bà khi ấy gần 80. Quá buồn vì sự ra đi của vợ, anh chồng bỏ bê công việc, suốt ngày lấy rượu làm vui nên  không bao lâu sau cũng bị bệnh gan hành hạ và chết sau vợ đúng một năm. Bà chỉ còn ba đứa cháu nội, đứa lớn biết lo cho bà nhưng vừa nghèo vừa phải lo cho vợ con, đứa tiếp theo không quan tâm gì nên bà trơ trọi một mình. Trong hoàn cảnh đó, ba chị em, mà trước hết là Khun Mai quyết định cưu mang bà. Một nghĩa cử rất đáng quý!
Tai điếc do tuổi tác nhưng mắt mù do buồn, khóc nhiều, nhãn lực yếu dần mà không chữa, lại phải sống nhờ vả người lạ nên bà ngày càng cáu gắt, hai năm trở lại đây – theo Khun Mai – bà trở nên khó tính và thế là chỉ một mình cô chịu nổi bà và bà cũng chỉ sợ mình cô. Vừa thấy thương hoàn cảnh của bà vừa ái ngại  về hoàn cảnh của cô, tôi hay hỏi thăm, mỗi khi nhắc đến, Khun Mai chỉ cười buồn,  tôi nghĩ chắc từ tiền kiếp họ “nợ nần” nhau!
Hôm cô đến làm vào thứ 5, bà bỏ ăn, chỉ uống rất ít sữa,  ngày hôm sau, cô gọi báo tin bà chết và xin nghỉ vài ngày. Bà chết ở tuổi 83, cũng đã là sống thọ, chỉ thương bà là những năm cuối đời bà không khỏe mạnh, vừa điếc, vừa mù lại không có người thân bên mình!
Nghe chuyện, chúng tôi vừa mừng cho bà mà cũng mừng cho cô ấy. Bà khỏi mang nợ, khỏi mặc cảm làm phiền người khác và cô cũng trút bớt  gánh nặng phải mang bên mình dầu cô lúc nào cũng nghĩ đó là chuyện làm phước. Cũng là một giải thoát cho nhiều người!.
2. Tôi và vợ chồng con gái đi điếu tang. Trước khi đi, con gái tôi đã tham khảo những người bạn Thái để biết rõ các lễ nghi, tục lệ. Gọi cho Khun Mai và chúng tôi đến Wat Ton sai trên đường  Onnut  29 trước 7g tối. Hỏi vì sao không tổ chức ở chùa gần nhà, cô trả lời là phải chọn chùa có chi phí thấp nhất. Wat Ton sai có hai hội trường rộng, quan tài bà cụ quàn ở hội trường bên trái, hội trường còn lại cũng có một đám tang khác.
Vào bên trong, chúng tôi lễ Phật rồi viếng  bàn thờ trước quan tài người quá cố. Khác với phong tục nước mình, ở đám tang này, bàn thờ người chết đặt dưới đất, bên hông quan tài kê rất cao, đáy quan tài cách sàn nhà đến 1,5m. Di ảnh đặt trên một cái giá như giá vẽ cao ngang tầm quan tài. Không thấy có người nhà lạy tạ người viếng tang, không rõ do trường hợp riêng của nhà này hay là phong tục của người Thái?. Đúng 7 giờ, bốn sư áo vàng ngồi bên phía trái bàn thờ Phât đọc kinh (cầu siêu), thân nhân và khách ngồi dưới đọc theo có vẻ như hộ niệm ở các đám ma VN. Những người thân duy nhất là ba anh cháu trai và vợ con của anh đầu, còn lại là gia đình Khun Mai và vài người bạn, tất cả ở đây khoảng  ba mươi người!
Bốn sư cùng thân nhân người chết trong lễ cầu siêu.

Sau đó, gia đình dâng hoa, dâng y và bì thư công đức cho sư rồi mọi người được mời ăn tối, món chay đặt nấu tại chùa. Sau 22g, tất cả đều về nhà, quan tài thuê những người có trách nhiệm  ở chùa trông nom và thắp nhang, hôm sau trở lại! 
Henry Holmes & Suchada Tangtongtavy trong “Working with the Thais” (*) kể rằng khi một người Thái chết, có 3 nghi thức riêng biệt trong tang lễ: lễ tắm gồm việc người chết được  rửa ráy, mặc áo quần mới rồi bạn thân và gia đình tưới nước lên bàn tay phải người chết, trong thời gian chịu tang từ 1 tuần – 100 ngày, gia đình và bè bạn cúng người chết qua  lễ cầu siêu, cúng dường cho sư và cuối cùng là lễ hỏa thiêu. Lễ chúng tôi dự là lễ cầu siêu cho người chết và cúng dường cho sư.
Rất tình cờ mà tôi xem được  3 tang lễ của người Thái thuộc 3 thành phần khác nhau, một của một người có vẻ là nhà giàu (có vai vế) căn cứ vào lối phục sức của khách dự và trang hoàng trong đám tang ở Wat Hua Lampong, nơi chi phí tổ chức thường rất lớn, hai đám ở Wat Ton sai (một của người có vẻ thuộc tầng lớp trung lưu và của bà cụ nói trên, đám tang nghèo!) Cả ba đám tôi không thấy người khóc, không thấy khóc than, bi lụy, vật vả, trách hờ… của thân nhân ở nơi tổ chức và nghĩ rằng có lẽ do thấm nhuần giáo lý nhà Phật, ý thức rằng không nên tiếc thương, níu kéo,  người chết sẽ khó về được cõi Phật A Di đà, tìm hiểu thì biết thêm rằng một trong những nét văn hóa giao tiếp của người Thái là chuyện buồn của cá nhân, của gia đình thì cố nén lại, không nên than khóc với khách đến điếu tang, như thế là làm phiền họ, như là bắt họ phải chịu đựng nổi buồn của riêng mình!. 

Hai hình trên: đám tang nhà giàu ở Wat Hua Lampong
3. Vẫn biết – theo một câu danh ngôn của Pháp – rằng “ La comparaison n’est pas raison!” (Mọi sự so sánh đều khập khiểng) nhưng qua những đám tang này, tôi không khỏi liên tưởng đến chuyện tang ma ở nước  mình: tốn kém, ồn ào, ô nhiễm…đó là chưa kể đến chuyện cãi vả, gây gỗ trong gia đình, gia tộc!. Bạn tôi là người miền Tây kể rằng ở nhiều nơi khi trong nhà có người chết, việc trước tiên là mua ngay vài ba canh rượu (mỗi canh 20 lít) để trong nhà, người tới giúp đỡ và điếu tang tự sang ra chai nhỏ uống tùy thích. Ở miền Trung, những gia đình khá giả còn giết heo, mổ bò, khách đến điếu tang được mời ăn như ăn cưới với suy nghĩ rằng làm thế để người chết “không mắc nợ” người sống.
Chuyện khóc than thương tiếc cũng thuộc loại chuyện dài. Ở Chợ Lớn có nhà còn thuê những người Pê đê (ái nam ái nữ)  đến khóc mướn, chuyện thấy nhiều  trên các xe tang ở Sài Gòn. Nhiều nhà ngoài chuyện mời thầy tới tụng kinh mở loa phóng thanh lớn còn thuê cả “giàn nhạc Tây”, thuê gánh hát về trình diễn các tuồng tích cổ, có những trường hợp coi không được ngày tốt hoặc chờ người thân ở xa về, cả tuần hoặc mười ngày sau mới di quan, ồn ào náo nhiệt mà không nghĩ đến chuyện  phiền lòng hàng xóm, khi đưa quan tài ra nghĩa địa thì tàn đuốc bằng rơm, bả mía, tre, giấy vàng mả rắc đầy đường!
Lại nhân chuyện này, tôi thấy  những nhận định về người Thái của mình trước đây rằng thời đệ nhất Cộng hòa, Thái Lan thua xa miền Nam Việt Nam về kinh tế, văn hóa. Người miền Nam nhìn người Thái như người kinh nhìn đồng bào thiểu số! cần phải coi lại. Tôi đã đề cập đến chuyện này  trong entry “Trường Sóc học” khi thấy rằng ở Bangkok từ 1959 đã có trường Quốc tế, sau này còn đọc được rằng các vua ở Thái Lan đều sớm tiếp xúc với hoặc được đào tạo ở các nước phương Tây như Chulalongkorn (Rama V) được học với gia sư người Châu Âu, trước khi lên ngôi (10.1868) đã từng đến Singapore, Java, Ấn, đã từng viếng Châu Âu hai lần trên cương vị quốc vương 1877, 1907; quốc vương Rama IX hiện còn tại vị sinh ở Mỹ, học tập 14 năm ở Thụy Sĩ trong khi ở Việt Nam người duy nhất có liên hệ với phương Tây là vua Gia Long,  khi ông băng hà thì Hoàng tử Cảnh, người được Đức Cha Pigneau de Behaine giúp đỡ học tập ở Pháp lại chết non trước đó ở tuổi 21, con là Nguyễn Phúc Mỹ Tường (**)không được lên thay mà người kế vị là con một bà khác :  Minh Mạng, người có tư tưởng bài Tây, các vua kế nghiệp như Thiệu Trị, Tự Đức càng cấm đạo Thiên Chúa  ngặt nghèo. Kết quả là Thái vẫn duy trì được độc lập giữa gọng kìm Anh- Pháp trong khi Việt Nam thì bị Pháp xâm lăng và đô hộ ngót 82 năm!.

 Chú thích: * Quyển sách nói trên là sách dùng làm giáo trình giảng cho những viên chức nước ngoài làm công việc quản lý ở Thái, đo đó cũng đề cập khá nhiều vấn đề cần biết về văn hóa Thái.               ** Nghi án Hoàng Tử Cảnh và đòn hằn Minh Mạng – Linh mục Trần Cao Tường

13 nhận xét:

  1. Câu chuyện về Khun Mai thật cảm động!
    Thái Lan là đất nước thấm nhuần tinh thần Phật giáo. Tôi mới qua Băng Kốc một lần, thấy người Thái Lan rất hiền, mua đồ không cần lo mặc cả.
    Người ta nói các nhà sư bên Thái Lan không phải ăn chay, đúng không bác?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã vào đọc, các nhà sư bên này theo Nam tông (Theravada), khi đi khất thực, tín đồ cúng dường phẩm vật gì họ dùng thứ ấy. Ở bên này, quên hàng hóa, đồ đạc ở chợ, ở cửa hàng ít khi mất!

      Xóa
  2. Khun Mai là mẫu phụ nữ đúng chất phụ nữ Á Đông, thuần hậu, chất phác, đáng tin cậy... Nhà anh rất may có cô ấy giúp đỡ. Mẫu người ấy giờ đây hiếm gặp lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có thể cô này và chủ nhà (vợ chồng con gái HN) "hạp tuổi" giao ơi! Nhưng Khun Mai không có chỗ để chê!

      Xóa
  3. Cám ơn bác HN cho biết được ít nhiều tục lệ của người Tah1i trong tang ma. Tục lệ thì mỗi nơi mỗi khác, nhưng tôi thấy thích tục của người Thái hơn. Người Việt mình có suy nghĩ khi mất càng rình ràng, ồn ào càng có hiếu (đối với cha mẹ...), hoặc càng có tình có nghĩa...

    Bây giờ xem lại sách sử có nhiều điều suy nghĩ... nhưng lịch sử lại không bao giờ có chữ "nếu".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện "Sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi" chúng ta cũng được nghe và chứng kiến nhiều. Rất nhiều vở kịch, phim, truyện của các tác giả phía Bắc phản ánh tình trạng này. Con làm lớn ở HN, dâu đanh đá, sống với con trai út ở quê nhưng khi bố qua đời (có lúc) dành nhau tổ chức đám tang! Đúng là lịch sử không thể viết có chữ "nếu". Cám ơn bác đã chia sẻ.

      Xóa
  4. Trong khu vực Đông Á này, ngoài Nhật Bản là một thế lực đế quốc, thử hỏi có nước nào giữ được độc lập của đất nước mình như Thái Lan! Đó là điều đang phải nể phục, và họ phát triển mạnh mẽ là tất nhiên!
    Trong khi ta tự hào đánh thắng các đế quốc to, thì người Thái hãnh diện là họ chả phải đánh nhau với ai cả!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng giờ thì họ đang... đánh nhau đó cụ Nô à!

      Xóa
    2. Và cụ Nô lẫn giaolang cũng "đánh nhau" mà blog này là ...chiến trường nè! Hahaha.

      Xóa
    3. Làm sao mà 'đánh" lại cụ Nô anh HN ui! Người ta là... liễu yếu mờ lị! Giáo đã tôn cụ Nô làm... sư phò từ lâu rùi, phải hong cụ Nô? (coi chừng MTB trả lời giùm đó nhe! hehe...)

      Xóa
  5. Thật xúc động, thăm khuya bạn, chúc ngủ ngon!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã vào thăm trang này, sẽ ghé bạn để "đáp lễ" sau nhé! Lang thang trên blog giờ này chắc bạn rất bận trong ngày?

      Xóa
  6. Mong cuộc đời của Khum Mai từ đây về sau sẽ gặp nhiều thuận lợi may mắn.

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter