27/8/13

MERIT MAKING (DÂNG VẬT THỰC)


Những năm sau 1975, trong những buổi học chính trị tôi thường nghe báo cáo viên nói nhiều lần, qua nhiều năm một câu (hình như của ngài Thủ tướng Phạm Văn Đồng?):
“Ở Việt Nam, ra ngõ là gặp anh hùng!”. Ngày ấy, tôi ngờ ngợ chuyện này. Hơn một năm sống ở Thái Lan tôi lại nói: “Ở Thái Lan, ra đường là thấy Phật!”. Phật ở đây dĩ nhiên không phải là tượng Phật mà là “tánh Phật”, “tâm Phật” trong mọi con người thuộc đủ mọi giai tầng xã hội, đủ mọi trình độ  khác nhau mà tôi từng tiếp xúc, từ ông cảnh sát nghỉ hưu đến cô giáo đương nhiệm, từ chị dọn quét, lau kính trong chung cư đến anh xe ôm, bác tài xế tắc xi, đến cô manager, đến người bán tạp hóa ở chợ… với tỉ lệ rất cao.

1.
Là một quốc gia mà đạo Phật được công nhận là quốc giáo với  khoảng 95% dân số là Phật tử, ở Thái Lan, đạo Phật đi vào đời sống người dân khá rõ, chùa chiền được xây dựng to rộng ở nhiều nơi, người tu hành được xã hội trọng vọng là nét phổ quát nhất nhưng nếu để tâm quan sát sẽ thấy thêm nhiều chuyện khác mang tính làm chứng rõ hơn:
- Ở nhiều nơi, các văn kiện hành chánh, bích chương, hạn sử dụng  trong nhãn hàng hóa (date) ghi năm theo Phật lịch (2556) thay vì theo Dương lịch (2013).
- Theo nhiều tài liệu tiếng Việt trên các website về đất nước và Phật giáo ở Thái, các công trình giao thông lớn và quan trọng  chính quyền nhờ  Nhà Chùa và Tăng Lữ  giám sát thi công để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình dầu bản thân các chủ thầu cũng là những tín đồ Phật tử thuần thành.
- Mỗi năm có nhiều ngày lễ Phật, các nhà máy, công sở, trường học… được nghỉ .
- Trong những ngày lễ lớn, tín đồ đến chùa rất đông để cầu nguyện, nghe pháp, kinh hành với thái độ trang nghiêm đúng mực, ngày thường thỉnh thoảng cũng có người đủ mọi lứa tuổi đến lễ Phật, cúng dường, đóng góp từ thiện hoặc góp tiền trùng tu chùa chiền. Ngoài hoa trái thường bán ngay lối vào chùa để dâng bàn thờ, Phật tử còn mua y để cúng dường cho sư, gạo, nước tương, nấm các loại, …biếu bếp ăn nhà chùa.
- Trên con đường nhỏ vào trường Patana ở Bang na cách trung tâm Bangkok chừng 20km có một tự viện, vào mỗi buổi sáng  rất nhiều người dân bỏ thức ăn vào bình bát khi sư đi ngang một khu buôn bán ven đường rất trang nghiêm và thành kính!

2.
Mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tại Thái Lan, Công Ty Nestle của Thụy Sĩ  bây giờ là một Công ty đa quốc gia (được biết đến ở VN với các nhãn hiệu hàng hóa như NestCafe, NestTea, Sữa Milo, nước khoáng La Vie…) tổ chức lễ Dâng Vật Thực Cho Sư ngay trước tòa nhà Centre World, trung tâm Bangkok, nơi đặt Head Office của Công Ty. Đây là một nét trong sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của người Thái Lan.

Hơn 7g sáng, việc chuẩn bị đã hoàn thành, có hai hàng bàn dài được xếp ngay thẳng, mỗi hàng 7 dãy ngăn cách nhau bởi các cột lớn, mỗi dãy có 5 bàn, loại bàn học của học sinh cỡ 1m x 0.4m trên đó đặt rất nhiều quà, phần lớn được gói giấy kính thắt nơ vàng lịch sự, trên một số bàn khác đặt rất nhiều cà mèn 3 tầng và hàng trăm chai pet nước khoáng.
Một trong 7 dãy bàn có sẵn quà và nhân viên dâng quà

Các nhân viên Nestle đã sẵn sàng trước các gói quà!
Các nhân viên công ty áo quần trang trọng đứng trước các dãy bàn. Một số đến sau trên tay đều mang theo các bao quà tặng cá nhân.
Những người đến sau đem theo quà tặng cá nhân của mình trước dãy chính giữa
Bên kia đường có  một hàng 15 xe 17 chỗ đang đậu.
Xe chở các sư áo vàng bên kia đường và cà mèn đựng thức ăn
Đúng 7g30, từ phía trái của sảnh có 48 sư theo hàng dọc mặc áo nâu, vừa nâu đậm vừa nâu nhạt từ ngoài đường đi vào. Đây là những sư tu ở ngôi chùa lớn tại khu Siam, khu sầm uất nhất ở trung tâm Bangkok, chùa Wat Pathumwanaram cách nơi tổ chức lễ chừng 300m. Các sư được hướng dẫn đi hàng một đến trước các bàn, nhân viên Công Ty vái chào thành kính rồi trao tận tay sư các món quà. Các sư đi chân đất nên người tặng quà cũng tháo giày dép bỏ ra ngoài (để thấp hơn các Sư)  khi tặng và theo quy định mà tất cả phải tuân thủ, quà hay vật thực chỉ được đặt vào bình bát và khay bạc do chính các sư đem theo. Chỉ là nhận tượng trưng vì sau đó, một số nhân viên gom vào các xe loại đẩy hàng siêu thị giúp đưa về chùa hoặc giỏ cần xé nhựa đem ra xe vì mỗi sư cùng nhận được nhiểu gói quà khác nhau và số lượng giống nhau.
Sư ở Wat Pathumwanaram đang đi bộ vào nơi tổ chức lễ

Các nhân viên đang dâng quà, chân không giày dép

Trong lúc các sư áo nâu nhận vật thực thì các sư trên những xe đậu trước mặt sảnh xuống xe xếp hàng và tuần tự vào nhận. Những sư này mang y màu vàng cam, vừa cam đậm vừa cam nhạt, tôi đếm được có 150 vị, nhiều độ tuổi khác nhau, có những sư rất già, tuổi trên 70 và cũng có những sư vào độ tuổi 12-13 mà ở Việt Nam chúng ta thường gọi là chú tiểu (điệu). Những sư này ở các chùa chung quanh thành phố. Dầu áo nâu hay áo vàng, biểu hiện trên nét mặt các sư khi nhận vật thực đều giống nhau, nghiêm trang,  lặng lẽ.   
Sau khi  tất cả nhận quà xong, các sư đứng thành hàng trước các bàn chắp tay tụng kinh, cũng là chúc phúc cho Công Ty Nestle và mọi người rồi lần lượt ra về.

Trong một entry năm ngoái, tôi đã có bài viết về chuyện làm từ thiện của công đồng người Anh sinh sống ở Thái: Ploenchit Fair tổ chức hàng năm hội chợ gây quỹ từ thiện. Và hoạt động Dâng Vật Thực cho sư, là một hoạt động ngoại giao- xã hội của Công Ty này cũng ý nghĩa như việc tổ chức hội chợ của người Anh. Ngoài hoạt động này, số tiền đóng góp từ thiện xã hội của Nestle ở Thái cũng thường xuyên và không nhỏ.


Bỏ qua mục đích quảng bá thương hiệu, tôi nghĩ rằng đây là một việc làm mang ý nghĩa văn hóa, tôn giáo rất lớn và chắc chắn những quà tặng, vật thực đến tận tay các sư cũng như tiền từ thiện sẽ đến đúng địa chỉ cần đến trên đất nước nhiều Phật này, không thất thoát, không vào túi cá nhân như ở đất nước nhiều anh hùng kia!.

26 nhận xét:

  1. tu vậy mới là tu. phật tử vậy mới là phật tử.
    càng nhìn ra thế giới càng buồn cho nước ta.
    sư ko ra sư, phật tử ko ra phật tử.
    lễ hội thì bát nháo, giành giật, mê tín, nhét tiền vào tay Phật...
    buồn!!!

    Trả lờiXóa
  2. Mừng vì được giao "mở hàng" (tem vàng). Sợ làm phiền giao không thì HN tìm gửi giao link Youtube về một nhà sư ở một đạo tràng góp vui cho Phật tử đến nghe pháp bằng bài hát nhại lại bài hát có câu " Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn" thành "Đời tôi đi tu...". Và chắc giao cũng thấy hình Đàm Vĩnh Hưng hôn môi một sư trên sân khấu? Nhìn vào người ta, nhìn lại mình chỉ biết kêu Trời: thời mạt pháp!

    Trả lờiXóa
  3. Ở xứ mình cũng có những Công ty dâng vật thực (cúng dường chu tăng) như thế, nhưng cách làm không được văn hóa như bác HN mô tả bên Thái. Nhà tôi ở kế một ngôi chùa, tháng 7 âm này lễ lạt kinh kệ suốt, năm ngoái có một cái ngân hàng to cúng dường và nhờ nhà chùa làm lễ, ngồi nhà tôi nghe được qua loa khi cúng nhà sư xướng tên ngân hàng, rồi tên tuổi, chức vụ của những người có vai vế..., để chúc phúc cho họ... Nghe nói ngân hàng ấy đã phong bao lại cho nhà chùa rất nhiều...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có thể động cơ và ý nghĩa việc làm này ở hai nơi khác nhau bác NHP ạ, một đàng là kính ngưỡng, một nẻo là đổi chác chăng? Chuyện phong bao thì không tránh khỏi rồi, chỉ vài thầy đến cầu an, cầu siêu trong gia đình có nơi mặc cả trước nhưng phong bao chưa chắc lúc nào cũng thuộc về nhà chùa mà lại thuộc về...sư!

      Xóa
  4. TT tin không chỉ ở Thailand mới "chắc chắn những quà tặng, vật thực đến tận tay các sư cũng như tiền từ thiện sẽ đến đúng địa chỉ cần đến trên đất nước nhiều Phật này" (nhưng anh HN ghi thiếu câu "đến đủ" nữa).
    Có lẽ còn lâu, đủ lâu để những tiền tài từ thiện của đồng bào Việt nam ta đến đúng người và đến đủ cho đồng bào gặp thiên tai.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ là vì HN chỉ biết đến ở đây mới "chắc chắn", những nơi khác thì chỉ "tin", chỉ "hy vọng". Khi viết có nghĩ đến chữ "đến đủ" nhưng có lẽ từ niềm tin nên vô hình trung đã "đúng" là có cả "đủ".
      Ý TT lo ngại bây giờ cũng giảm bớt rồi vì nhiều cá nhân, tổ chức tự đi, tự gửi quà không qua trung gian nữa.

      Xóa
    2. Anh HN chắc chưa biết vụ "quyên góp" đâu! Đến từng nhà có quyển sổ ghi, chẳng hề bắt buộc đóng góp dù đã được trả lời "đã gởi tiền quà giúp thiên tai ở nhà thờ,..." nhưng cán bộ vẫn ngồi chờ ... cho đến khi ...
      Riêng TT chỉ 1 lần nói thẳng (liều mạng gây mếch lòng) là đã góp tiền cứu trợ ở nhà thờ rồi, không đóng cho chính quyền vì không tin. Họ mới đi và mấy năm nay chẳng ghé nhà TT nữa!
      Việc tổ chức và cá nhân cũng vẫn còn nhiêu khê lắm. Bây giờ thì không bắt giam người làm từ thiện nữa nhưng thiếu thông tin và phương tiện đi lại trên sông nước nên hiệu quả rất thấp anh HN ạ!

      Xóa
  5. "Ra ngõ gặp anh hùng"

    Cho nên một dạo báo chí tuyên truyền có nhiều người ngoại quốc
    "mơ ước sáng ngủ dậy thấy mình là người Việt Nam"...
    Nhờ trời, Chúng ta khỏi phải mơ thêm gì nữa .
    hihihi!!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình như (lại hình như! ơi cái tuổi già lẩm cẩm!) người nói đến mơ ước mà bác Bu nhắc là cô đào Mỹ Jane Fonda. Cô này và cả ca sĩ nhạc đồng quê Joan Baez đều nhìn lại và tiếc thời tuổi trẻ nhiệt tình nhưng dại dột của mình, người thì viết bài tự phản tỉnh, người thì lên tiếng trên BBC khi thăm Hà Nội sau 40 năm, lên tiếng về nhân quyền ở VN...
      Chúng ta khỏi cần mơ nhưng có bao giờ bác Bu mơ như ca từ một bài hát dành cho học sinh mẫu giáo, tiểu học??

      Xóa
    2. Nặc danh21:34 30/8/13

      Đêm qua em mơ gặp túi tiền.

      Xóa
  6. Ước gì ...đừng ước anh ạ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những cmt của bác HHP luôn là điều mà HN chờ sau khi up bài. Thú vị và dí dỏm vô cùng!

      Xóa
  7. Merit making là tiếng Anh hay tiếng Thái hở anh?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chưa thấy bác HN hồi đáp câu hỏi của bác Nô, xin mạn phép bác HN phúc đáp bác Nô nhé. Tôi nghĩ đây là câu tiếng Anh (vì bản thân nó là tiếng Anh) mà Cty Nestlé bên Thái đã dùng (hoặc người Thái dùng, hay chữ của bác HN cũng nên :-)) ), để nói về sự "cúng dường chư tăng", mà bác HN mở ngoặc đơn ghi là "dâng vật thực". Chữ "cúng dường" hay "dâng vật thực" chuyển sang tiếng Anh hình như không hết được ý. Trong một quyển từ điển Phật học tôi có ghi xuất xứ nước ngoài (Nguyên Hảo - Về Nguồn xuất bản - Canada), thì chữ "cúng dường" tiếng Phạn Sancrit&Pali là PÙJÀ (LỄ, CÚNG DƯỜNG, LỄ BÁI), còn tiếng Anh là WORSHIP, CEREMONY, RELIGIOUS SERVICE.

      Xóa
    2. Cảm ơn bác Phạm nhiều! Nô hơi bộp chộp vì thấy chữ merit có vẻ là tiếng Thái (latin hóa) nên còm hỏi luôn. Giờ mới biết đó là tiếng Anh, có nghĩa là công đức. Vậy cả cụm từ là có nghĩa đen là làm công đức. Anh hongngoc chú là "Dâng vật thực" thì rất hay!

      Xóa
    3. Cám ơn bác NHP và dungNobita về hai cmt này. HN nghe người ta nói đến hai từ chỉ hai việc: dâng y (áo) và dâng vật thực (có thể là đồ ăn hoặc là thực phẩm và vật dụng) nên thấy việc này hợp là dùng luôn chứ không phải chữ trong ngoặc đơn ( ) trên đề bài là dịch ra. Chữ công đức hàm nghĩa rộng hơn và không chỉ hạn chế trong phạm vi nhà chùa. Do vậy có lẽ đúng nhất (vừa theo từ điển vừa theo ý nghĩa việc làm) nên dùng chữ Cúng dường. Nhưng không nên edit mà cứ để vậy mới vui bác NHP và Nô há? Nhờ bác chuyên lời cám ơn thêm đến... mấy quyển tự điển nữa nhé. Hihi.

      Xóa
  8. Không biết TT còn vào blog được bao lâu nữa! Nên nếu TT dừng hẵn thì anh HN cũng nên xem còm nào cuối cùng của TT là lời tạm biệt. Còn đời thường nếu có duyên biết đâu 2 anh em mình sẽ cùng nhau uống ly cafe hay chung rượu.
    chén cơm nguội (đã gần 30 năm về trước) này riêng tặng anh HN.
    Giai thoại cụ Chu: Làm quan rất khó
    Ở huyện Cổ Phí, có việc xô sát nơi tửu lầu, con trai quan huyện bị ngã lầu mà chết, còn chờ ngày xét xử. Cụ Chu hỏi mọi người:
    - Nội vụ ra sao? Quan huyện là người thế nào?
    - Con ông phú hào Đinh đang nhậu chắc đã say thì con trai huyện lệnh đến nắm ngay cô hát chầu ra phục rượu. Thế rồi tranh nhau, con trai họ Đinh đánh ngã ngay tên gia đồng đi theo và lăm lăm tiến đến đánh con trai Huyện lệnh, con trai huyện lệnh chạy lùi đến hành lang thì ngã rơi xuống đất chết. Theo án xử nếu không là cố ý làm chết người thì án lưu đày từ 10 năm đến 30 năm. Có tính hung bạo hay có việc tỵ hiềm từ trước thì tăng nặng, có chủ tâm giết người thì phải chết. Quan huyện là người khoan dung nhân từ thường chỉ xử từ 10 đến 15 năm.
    Cụ Chu bảo:
    - May lắm anh họ Đinh được án 30 năm.
    Quả nhiên! Quan huyện xử 30 năm. Người nhà họ Đinh dâng cáo trạng lên Lộ xin được xử lại.
    Cụ Chu bảo:
    - Sẽ giảm án còn 20 năm.
    Quả nhiên, quan trên xử lại chỉ còn 20 năm. Học trò xin cụ Chu giải thích.
    - Quan huyện tuy sáng, xử án việc người là chống tội ác không chống con người lỗi lầm. Nay xử việc nhà tình riêng khó tránh nên lại là chống con người, xét xử khắc nghiệt. Quân Lộ là quan tham nên nhận tiền đút lót của nhà họ Đinh nên ý sẽ giảm nhẹ, Với quan huyện là bạn đồng liêu tất cũng phải lưu tình. Nên giảm án 20 năm là hợp lẽ.
    - Vậy nếu nhà họ Đinh nghèo khó thì thế nào?
    - Chắc chắn sẽ y án cũ.
    Cụ Chu nhìn học trò và bảo:
    - Quan lộ xưa nay hung hiểm. Làm quan dù nhân từ hơn cả quan huyện cũng khó tránh tư vị. Làm quan tốt không thể tránh khỏi tai vạ, còn hùa nhau bè đảng tất lấn được quyền vua thì tha hồ vinh hiển giàu sang mà dân nghèo khổ. Cái họa hưng suy các triều đại cũng từ đó mà ra.
    Đạo lý xưa dạy “thời bình ra giúp nước, thời loạn ẩn mình”. Phải hiểu đó không chỉ là thời chiến hay hòa bình mà chính vào lúc vua hèn quan nhũng đó mới thật là loạn.
    (Tiếc là hình luật nhà Trần TT thiếu hẵn tư liệu nên không dùng nó làm cơ sở, tạm dùng khung hình khác để diễn lại nội dung của tác giả)

    Trả lờiXóa
  9. Cám ơn về "chuyện xưa tích cũ" này còn việc còm nào là còm cuối thì hãy đang còn phía trước. Phật đã dạy mà Krishnamurti cũng nói: "Quá khứ là chuyện đã qua, tương lại là chuyện chưa đến. Sống là sống với hiện tại" mà TT?. Lo gì, cứ có cơm nguội, tương cà và cháo cóc là vui rồi!

    Trả lờiXóa
  10. Thuyền đua thì lái cũng đua
    Cung đường vàng nắng bu mua đọc rồi.

    1- Quyển bu đọc tái bản lần thứ tư và đề là Truyện dài.
    Có lẽ gọi chuyện dài cũng phải, vì tác giả ngắt ra 33 chương, đọc độc lập mỗi chương cũng cảm nhận được một mẩu trong toàn mạch chuyện.
    Cô Phương vy sang Tây du học với hai mục đích rõ ràng: Thâu nạp kiến thức và tìm một ý trung nhân.
    Dương Thụy vẫn xuất hiện với giọng văn trong sáng, mạch lạc, trẻ trung, đầy ắp những cảm nhận ở một nơi xa lạ về cảnh quan, về tâm lí con người, về văn hóa châu Âu.
    Việc chọn Jean là Vy dấn thân vào một cuộc hội nhập, một cuộc tự đổi mới mình theo chiều hướng hiện đại trong thế giới Phẳng. Bản sắc văn hóa cho dù là đặc trưng cho một dân tộc nhưng nó không nên và không phải là một hằng số.
    Tiểu thuyết hiện đại theo bu rất kị mối tình tay ba, nhưng bộ ba: Vy, Quang, Jean, là một cuộc đụng đầu văn hóa, nó loại trừ và chấp nhận nhau để có một thực thể mới. Bộ ba này không phải để tạo ra kịch tính dễ dãi mà một thời các nhà văn hay mắc phải.
    2- Bu đã gửi qua đường dây thép quyển Oxford thương yêu cho vợ chồng cậu bạn thân ở Hà Nội đọc. Chồng nguyên là phó tổng biên tập báo Văn nghệ của Hội nhà văn, vợ là giáo viên dạy văn giỏi của thủ đô. Bu đang chờ chúng nó nói gì, dẫu sao hai bạn ấy cũng là nghề nghiệp thứ thiệt, còn bu tui là anh lục lộ, đôi khi nói tào lao… hihihi.
    (Phải gửi vì anh này rất sợ xe cộ tử thần ngoài đường phố Hà Nội, nếu phải đi mua sách)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với cách nhìn nhận một tác phẩm văn học như bác Bu, nhìn chuyện tình tay ba trong "Cung đường vàng nắng" mà cho là cuộc "đụng đầu văn hóa" và nâng lên cấp toàn cầu là một ý tưởng - chắc chắn rằng - ít người nhận ra. Với cách nhìn sắc sảo thế này mà bác Bu vẫn làm lơ với Ỷ thiên đồ long ký, Thiên long bát bộ và ráng thêm Tiếu ngạo giang hồ nữa thì đúng là thiệt thòi cho những anh lai rai đọc, lai rai bình (chữ dùng của bác NHP), nói chung là cho "quần đạo giang hồ" là những blogger!
      HN cũng đang chờ nghe bác Bu kể lại khi ông phó tổng đọc xong cho ý kiến gì nhưng chắc chắn rằng sau khi đọc xong cả hai, bác Bu đồng ý với HN là quyển sau tác giả viết cứng cáp, tự tin, làm chủ câu chuyện và ngòi bút của mình hơn quyển trước??? Thì ra "Cung đường vàng nắng" viết sau "Oxford thương yêu" những 5 năm!

      Xóa
  11. Em chỉ sang chào anh Hongngoc thôi, khg dám chen chân vào nới các Bác người lớn " bàn chuyện", anh Hongngoc cho phép em đứng nghĩ chân tí rồi dìa nha, hay nhân tiện anh Hongngoc cho em xin lon nước ngọt nhá....Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. MTB qua chơi là anh HN vui rồi, hay là em lấy thêm lon nước ngọt nữa phòng lúc ở nhà hết mà mua chưa kịp! Haha.

      Xóa
  12. Đọc hết bài MERIT MAKING (DÂNG VẬT THỰC) của anh Hồng Ngọc tôi có hai loại cảm xúc trái ngược hẳn với nhau. (1) Tôi hoàn toàn đồng ý với câu “Ở Thái Lan, ra đường là thấy Phật!” của anh. Phật ở dây là “tánh Phật”, “tâm Phật” trong mọi con người thuộc đủ mọi giai tầng xã hội, đủ mọi trình độ khác nhau… (2) Tự nhiên tôi lại nghĩ đến những trường hợp ngược lại, cũng từ đất nước hiền hòa này sao lại có những tên hải tặc đã từng làm khổ dân mình một cách “khát máu” trên đường vượt biển tìm tự do: cướp vàng bạc, hãm hiếp phụ nữ… Đồng ý ta có thể nói bao giờ cũng có 2 mặt của vấn đề: thiện-ác, quỷ-thần… nhưng không hiểu sao tôi vẫn bị ám ảnh bởi trường hợp người Thái, họ là những Phật tử thuần thành nhưng đồng thời cũng có thể là… những con quỷ dữ mất hẳn lương tri. Đó là những cảm xúc nhất thời của tôi khi đọc xong bài viết rất hay của anh về Đất nước của Nụ cười. Mong anh đừng buồn về những ý nghĩ chân thành này. Thân mến.

    Trả lờiXóa
  13. Chuyện này, một commentor khác, Bà Tám cũng có lần đề cập đến trong một bài viết khác của HN về Thái Lan năm ngoái. Thật ra, anh Chính à, ông bà mình cũng có câu: "Ở đâu cũng có anh hùng/ ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên", HN cũng nghĩ nhiều đến hải tặc Thái, đến vài chuyện khác nữa được nghe từ nhiều năm trước cũng chẳng hay ho gì. Chẳng qua bài này viết theo kiểu "có sao nói vậy người ơi" của "nhạc sến" ấy mà!

    Trả lờiXóa
  14. Lần đầu nghe 'Ở VN, ra ngõ là gặp anh hùng!' hay 'VN ta rừng vàng, biển bạc, đất kim cương!'... Aqa cảm thấy rất xấu hổ.
    - Ai phát biểu mà thiếu khiêm tốn đến thế?
    - Đức khiêm tốn của bốn ngàn năm văn hiến đấy ư?
    ...!
    Theo Aqa thiếu khiêm tốn thì ít vị tha và kém về văn hóa!
    Kết quả quá xấu của xã hội ta hôm nay là do những ứng xử thiếu khiêm tốn kiểu đó trước đây vậy.
    ...
    Merit Making, theo Aqa là một trong những cách rất hay để dân tộc Thái luôn giữ được đức khiêm tốn nhằm làm giàu lòng vị tha cho dân tộc sớm đến với nguồn thực.

    Trả lờiXóa
  15. Ngay từ sau ĐH VI 1986 đạo diễn Trần Văn Thủy trong 2 phim tư liệu ra mắt đồng thời: "Hà Nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế" đã lên án chuyện thiếu khiêm tốn này. Mà thiếu khiêm tốn đa phần là do dốt nát, một số khác do nói theo, nói dừa, một số khác (như...) là trong thế phải nói! Hihi!

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter