24/8/13

CŨNG MỘT CÁCH NHÌN.

1.
Anh bạn thân của tôi, hiệu trưởng một trường trung học lớn, là người có tài. Ở trường, lãnh đạo công việc dạy và học rất thành công, ở nhà, tổ chức kinh doanh hiệu quả, viết lách tốt, thường có nhiều bài viết gía trị đăng trên một số tờ báo trung ương, viết kịch bản và tổ chức thành công nhiều buổi lễ, sự kiện lớn trong trường…

Anh quen biết rộng, phòng khách nhà anh có nhiều hình chụp chung với nhiều người nổi tiếng như đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… với lời đề tặng sách, hình của họ nhiều người đọc đều thán phục.
Trong đời thường, anh sống chan hòa, có một kho chuyện tiếu lâm, tại những họp mặt, anh là “cái đinh”, ngoài những chuyện nhớ trong đầu, còn có cả một sổ tay sưu tầm “hàng độc” bỏ túi, bí, anh vào toilet đọc rồi ra …kể tiếp. Tiếc là anh không uống được bia rượu, mất vui, đôi lúc nói tục ở những chỗ không nên, mất nghiêm! Có người bảo anh bị libido!
Anh đi dự hội thảo nước ngoài về, tôi gửi email hỏi thăm, anh trả lời có đoạn sau:
“Qua xứ người mới thấy được hết giá trị của dân tộc mình và tầm vóc của quốc gia mình. Nó đã, đang và sẽ là niểm tự hào vô cùng to lớn của muôn đời con cháu chúng ta:
* Mình hơn họ tới 3.000 năm lịch sử
* Mình đã từng đánh thắng 2 đế quốc to là Pháp và Mỹ
* Mình có một đảng chân chính Mác xít Lê nin nít lãnh đạo
* Mình có tự do và dân chủ gấp vạn lần họ. 
Hết biết!

Lần sinh nhật mừng anh tròn 60 tuổi, anh cám ơn mọi người đến dự và làm bộ thiểu não nói: “Cuộc sống của tôi bây giờ chỉ còn tính từng ngày, thậm chí từng giờ!”. Vài người không hiểu và lo lắng, anh bảo: “Thì tôi chỉ còn sống được có 14.600 ngày chứ mấy!. Người nghe nhẩm lại, cười xòa!

Ngẫm những chuyện này, dù không biết anh bi quan hay lạc quan đến mức nào trong cuộc sống nhưng mỗi chúng ta, nếu cứ làm một phép tính như anh, lâu lâu lấy ra trừ dần để biết thời gian ta còn được sống (giả định rằng ta được sống tròn trăm tuổi) thì chắc là rất hữu ích trong việc tu thân và biết cố gắng hoàn thành đến một mức nào đó các hoài bảo, dự phóng của mình và điều chỉnh những quan hệ gia đình, xã hội.

Riêng tôi, từ khi còn đi học đến nay vẫn thường tự nhủ lòng và tâm sự với  học sinh của mình theo một câu nói nổi tiếng của Gandhi mà ngày xưa tôi đọc được: “Vivez comme si vous devez mourir demain. Apprenez comme si vous devez vivre éternellement!” (Hãy học hỏi như sống được đời đời và hãy sống như phải chết nay mai!).

2.
Một anh bạn trẻ khác, tôi biết đã lâu, ba năm trước cùng là khách mời trong một buổi lễ, ngồi gần nhau, nói chuyện rồi quen, trở thành bạn, hay liên lạc và quý nhau đến bây giờ.
Trong một email cho tôi gần đây, anh gửi kèm một bài viết trên net tựa đề “Chết mà vui” kể chuyện một Ông Tư nào đó, biết bị ung thư sắp chết, vui vẻ chuẩn bị cái chết của mình, qua nhân vật hư cấu này tác giả muốn giải thích với người đọc về sự chết dưới nhãn quan Phật giáo, Thiên Chúa giáo và trấn an người đọc bằng kết luận: chết là chuyện bình thường, không có gì phải âu lo, tiếc nuối, sầu thảm…! Truyện dài 7 trang A4 (font 14) kể từ lúc ông Tư biết có bệnh đến đám tang ông, toàn những ý không mới mà người ta thường nghe, đọc được ở nhiều nơi nhưng hệ thống hóa và viết thành một câu chuyện đọc thú vị và có nhiều điều đáng suy nghĩ.
Tôi trả lời thư, cám ơn anh và kể rằng tôi đã gửi cho những thân quen của mình, hy vọng họ cũng sẽ có một chuẩn bị cho ngày sau trong tinh thần lạc quan hoặc khi đối diện với cái chết của người thân của họ vì chính vợ chồng tôi, khi đọc xong đều tủm tỉm cười vì thấy rất có lý. Đây là một đoạn:
“Nếu có ai biết ông Tư đang cận kề cái chết mà ái ngại cho ông, thì ông cười vui mà an ủi họ - chứ không phải là họ an ủi ông - rằng, nếu tin theo đạo Chúa, thì khi chết được về thiên đàng, ngồi dưới chân Chúa, sung sướng thế sao mà ai cũng sợ chết?

Nếu theo đạo Phật, thì khi chết cũng sẽ về Tây Phương Cực Lạc, vĩnh cửu an bình, thì mừng vui chứ sao lại bi ai? Và nếu nói theo đức Đạt Lai Lạt Ma, thì cái xác thân ở trần gian, có thể ví như bộ áo quần ta mang, khi nó đã sờn cũ, xấu xí, rách rưới mục nát rồi, thì nên bỏ đi, mà mang bộ áo quần khác, đại ý nói đi đầu thai kiếp khác, mang thân xác mới hơn.”
Và một đoạn khác: Trong giới bạn bè thân tình, có người nói là ông Tư đã tự chọn lấy con đường ra đi nhẹ nhàng, không để bệnh hoạn hành hạ trước khi chết. Ông Tư thường đùa rằng, còn nước thì còn tát, biết là dù có tát thì thuyền cũng chìm, thì quẳng gàu đi cho đở mệt trước khi thuyền chìm.

Anh bạn tôi phúc đáp với những bâng khuâng về “chuyến xe đời hư ảo” mà hẵn nhiên mọi người ai cũng có lúc thắc mắc không biết trạm cuối ở đâu, lúc nào thì đến?:
“Một đời ta có bao nhiêu chuyến đi, nhưng chuyến đi cuối cùng cuộc đời lại không chuẩn bị gì cả nếu so với những chuyến đi trước đó. Nào là đi đâu, đi với ai, đi bao lâu, bằng phương tiện nào... khi nào trở về...nhưng chuyến đi cuối cùng này mấy ai định hướng và qui hoạch cho được?
Cho nên, nếu coi cuộc đời là chuyến công tác làm xong thân phận con người, nếu hết hạn thì ta sẽ ra sao, nếu làm chưa xong thì ta phải tự túc trở lại để hoàn thành nhiệm lệnh làm người của kiếp trước đó, nếu ...

Anh bỏ dở ý nghĩ bằng ba chấm lững ở trên nên tôi không biết nên mừng hay lo cho anh nhưng chưa trả lời được nên viết bài này để tự nhắc mình tu sửa, và gửi cho anh…

Không hiểu sao một loạt lời trong các bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cứ ồ ạt về trong tâm trí tôi: “Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già, một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua”,  “Hãy yêu nhau đi cho rừng thay lá, hãy yêu nhau đi bù đắp cho trăm năm…” , chữ yêu lúc này không phải là tình yêu trai gái mà là yêu thương mọi người, yêu thương cuộc đời. Và: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…để gió cuốn đi, để gió cuốn đi!”.

Ta đã già quá rồi chăng?


19 nhận xét:

  1. "Cũng một cách nhìn", cái tựa và entry của bác HN viết rất đúng, cùng một sự việc nhưng mỗi người có cái nhìn khác nhau, người có tính bi quan nhìn khác, người lạc quan nhìn khác. Học giả Nguyễn Hiến Lê trong một quyển sách loại "Học làm người" có viết đại ý, chớ ở gần những người bi quan, suốt ngày chỉ biết càu nhàu, cằn nhằn hết chuyện này đến chuyện khác, ở gần người vui vẻ, lạc quan sẽ cho ta thấy yêu đời hơn...

    Đúng là "sống trong đời sống cần có một tấm lòng", dù chỉ để cho gió cuốn đi...

    Không phải ta đã già, mà ta đã chiêm nghiệm ra lý lẽ của cuộc sống...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như bác làm rõ:"cùng một sự việc nhưng mỗi người có cái nhìn khác nhau, người có tính bi quan nhìn khác, người lạc quan nhìn khác". Cùng nửa ly nước trên bàn, người bi quan bảo: "Chết cha, chỉ còn có nửa ly!", người lạc quan thì: "May quá, cũng còn được nửa ly". Vì thế: " A pessimist sees a dificulty in every opportunity. An optimist sees an opportunity in every difficulty".
      Có lẽ bác NHP cũng đúng nữa khi cho rằng "ta đã chiêm nghiệm ra lý lẻ cuộc sống", thế là bằng an rồi đó bác, nếu không muốn nói khái quát rằng "Bình thường tâm thị Đạo".

      Xóa
  2. Giao biết anh HN muốn nhắn nhủ điều gì. Ai cũng có thể nói mình ko sợ chết khi còn đang sống, nhưng giao đã mục kích 1 con người khá mạnh mẽ, coi thường sống chết nhưng khi đối diện nó đã hoảng sợ đó anh HN à! Điều đó là lẽ thường tình bởi bản năng sinh tồn của con người rất mạnh, nhờ nó ta mới vượt qua được nhiều thăng trầm, khốn khổ. Người ta còn sợ chết khi quá iu thương người thân, ko nỡ xa rời... Bởi thế người ta chỉ có thể tự thấy được mình khi cận kề cái chết, và những con người thản nhiên đón nhận nó chỉ đếm được trên đầu ngón tay! Ông TCS đã suốt đời bị cái chết ám ảnh và ông đã viết ra những lời nhạc nhẹ nhàng như thế cũng chỉ để... tự trấn an mà thôi. Ông là con người rất đỗi bình thường, nhưng có một tài năng đặc biệt do tâm hồn nhạy cảm. Mọi người quá tôn vinh, đôi khi coi ông gần như vị thánh. Thật ra ông sợ rất nhiều điều và ko dám thử nghiệm, trong đó có cả chiện... lấy vợ nữa, hehe... Giao mến thương ông ở những biểu hiện bình thường ấy của một con người đặc trưng, biết yêu và cũng biết sợ... những gì ko thể biết trước,kể cả chuyện lập gia đình...
    Chúc anh một CN hồng cùng gia đình!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui khi giao đã hiểu được ý của HN. Chuyện TCS lại là một loại chuyện dài, nếu xét về ông ta, để khỏi phiền hà, nên tách bạch con người TCS và tài năng âm nhạc TCS. Cám ơn giao về lời chúc. giao cũng thường an nhé.

      Xóa
  3. 1- Để xem xét nhận thức của ông hiệu trưởng trường Trung học mời anh Hồng Ngọc vào nhà ông Gúc Gồ gõ mấy câu:
    - Những điều cần nói rõ thêm
    - Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh
    (Hai bài trên của ông Lê Hiếu Đằng, 45 năm tuổi đảng, đã từng dạy triết ở đại học TP HCM, cán bộ cấp cao của Tp HCM)
    - Nghĩ về hiện tượng Trần Độ.
    (của giáo sư Tương Lai, nguyên viện trưởng Viện KHXH, thành viện nhóm tư vấn cho thủ tướng Phan Văn Khải và thủ tướng Võ Văn Kiệt)
    2- Bu tui con rể Huế, la cà núi Ngự, sông Hương 13 năm. Ngày mới “giải phóng” bu hay đi họp khu phố với Trịnh Công Sơn. Người dự họp cởi dép ngồi dưới đất, thường Sơn cho tui mượn một chiếc, vì tui đi giày không dùng làm ghế ngồi được. Lãnh đạo khu phố rao giảng các chủ trương đường lối của Đảng, dưới sân họp Sơn nhai “bánh mì không người lái”, có hôm tui hỏi, sao ông không sang Mỹ ở Với Khánh Ly, Sơn bảo, bên nớ không có ruốc tui sống không nỗi. Trong đời Sơn suýt lấy một cô người Nhật sang VN làm luận văn tiến sĩ nhạc Trịnh, gia đình cô này thách cưới cao quá nên anh đường anh, tôi đường tôi. Sau đó Sơn cưới một cô danh ca người Hoa. Ra khỏi lễ cưới các bạn tiển vợ chồng Sơn về phòng riếng thì Sơn nện giày mỏm nhái lộp cộp chạy theo đám bạn khẩn khoản, đại ý, tụi bây cho tau về ngủ với, chớ nằm với mệ đàn bà ngó chi lạ… hihihi.
    3- Trịnh Công Sơn có sợ chết quá không, Bu tui cho là không, tại sao vậy, nói ra dài quá, mà anh spot này không cho còm dài, nhờ trời có dịp khác.
    Chúc anh Hồng Ngọc một ngày chủ nhật vui vẻ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã giới thiệu các bài viết trên Google. Lê Hiếu Đằng là Phó CT UBMT Thành phố, ngày xưa là dân tranh đấu, 2 bài này HN đọc được mấy hôm nay trên net. Giáo sư Tương Lai là người cùng với Danh Đức có những bài tiểu luận chính trị khá cứng trên Tuổi trẻ CN hàng chục năm trước, bài về Trần Độ HN cũng đã đưa về máy nhân đọc trên blog bạn bè. Chỉ không biết học hàm giáo sư này do trường nào cấp mà thôi.
      Bài viết này chỉ là nhắc qua TCS khi ca từ của một vài bản nhạc của ông chạy qua đầu mà thôi. Ngày 01.4.2009, bài viết của Trịnh Cung "TCS, con người và tham vọng chính trị" trên damau.org đã làm nổ ra một loạt ý kiến thuận nghịch rất vui, vài ngày trước HN được đọc một bài viết mới khá nghiêm túc và thú vị của một tác giả là bạn của TCS một thời. Cám ơn bác Bu rất nhiều.

      Xóa
    2. bác Bu ui, giáo hỏng có nói ông TCS sợ chết. Con người đầy chất lãng mạn và tài năng như thế, có khả năng thấu suốt lòng người như thế, nhân hậu như thế có nỗi ám ảnh về cái chết từ khi ba ông ấy mất và nỗi ám ảnh ấy dai dẳng suốt một đời khi ông thấu suốt được cái mong manh của kiếp người (cái này giáo đọc những hồi ký, tự sự của ông và bạn bè chứ hỏng phải giáo tự nghiễn ra). Không ai mong muốn cái chết dù biết đó là chuyện tất yếu, ko sớm thì muộn. Người ta chỉ rèn cho mình cái bản lĩnh kìm chế nỗi sợ trước một chuyến đi về thiên cổ, ko trở lại thế gian, ko tái ngộ người thân... Có phải chăng đạo Phật và đạo Thiên Chúa nói về kiếp sau cũng chỉ là để nói lên nỗi khát khao của con người được tái sinh, ko đành lòng biến mất sau khi chết! Nỗi sợ đó của con người, nếu có, cũng chẳng có gì để phải cảm thấy xấu hổ khi nói lên rằng "ta sợ"! Khi ta yêu cuộc đời này, yêu con người, dù cuộc đời và con người đôi khi có gây cho ta lắm nỗi truân chuyên, thì ta mới cảm thấy sợ hãi cái chết. Ta chỉ chấp nhận Nó nhưng không hề vui vẻ đón nhận Nó, chỉ trừ những con người tuyệt vọng!
      Có thể trong khuôn khổ này giáo ko thể nói hết ý và cũng ko có tài như bác để biểu đạt một cách ngắn gọn, sâu sắc, đủ đầy... Nhưng giáo sẽ trở lại đề tài này bên nhà giáo vậy! Mong được bác Bu vui lòng chỉ giáo thêm!

      Xóa
  4. Hôm nay em vào nhà anh Hongngoc dễ dàng rồi đấy..Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mừng quá, anh sẽ tìm cái gì đó gửi tặng MTB bên FB há!

      Xóa
  5. Cho nên với những tài năng âm nhạc, cỡ như TCS, Phạm Duy..., hay nhiều người khác nữa, tôi luôn chỉ nhìn họ qua lăng kính âm nhạc, hay về những tài năng của họ, tôi nghĩ thế là đủ, mình thích TCS, PD... là thích "tài" của họ, về ca từ, về tiết tấu..., còn con người của họ (của mỗi người), là một cái gì đó riêng tư... Những người có tài nhiều khi trong cuộc sống riêng họ cũng lắm tật, thấy họ danh tiếng, danh giá thế trước công chúng, mà sống gần họ mới biết, ta chịu không thấu đâu, hìhì!
    Trước tôi có anh bạn nhạc sĩ chơi với nhau thời còn đi học, sau 75 khá danh tiếng trong giới nghệ sĩ. Một hôm lâu gặp lại bạn, bạn kéo vào Hội Nghệ Sỹ, tưởng cà phê, ai dè đã có một số nhạc sĩ khác ở căng tin, buổi sáng sớm mà mỗi người đã có vài chai trên bàn, nói năng vung mạng... đành ngồi một chút rồi chuồn... :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bác NHP hai tay luôn. Ông bà mình hay nói "Có tật - có tài" (hoặc ngược lại), "Ngựa hay là ngựa chứng" HN từng gặp nhiều người nghệ sĩ thiệt tình (chứ không phải làm ra vẻ, không phải tự tạo ra cái tật để ra cái điều ta đây tài hoa) như bác nói: "họ danh tiếng, danh giá thế trước công chúng, mà sống gần họ mới biết, ta chịu không thấu đâu" trong đó có hai thứ: ở dơ, ký sổ nợ dầu túi có tiền, còn có người khi túng thiếu, thèm nhậu hay cà khịa với những fan của mình để...có cái nhậu! Hihi.

      Xóa
  6. Nô thích cái poste mà anh hongngoc "nhẹ nhàng và bí mật" gắn vào đầu bài: Life is beautiful". Cuộc đời vẫn đẹp bao hàm cả cái chết!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Nô ơi! Đừng bao giờ nói từ CHẾT nha, vì ai ai trước sau CŨNG CHẾT , nên khg nghĩ khg suy thế nào CÁI CHẾT cũng đến và mọi người SẼ CHẾT Bác Nô à, dzọt lẹ...haha

      Xóa
    2. Kekeke, sợ quá nên hỏng dám nhắc đến tên ha! Vậy thì gọi là "cái X" cho nó thời sự, MTB nhé!

      Xóa
    3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    4. @ dungNobita: Định chơi thêm mấy câu chú thích bên dưới:"...dù đạn bom man rợ thét gào, dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích.." mà sợ không thì "chơi luôn! rồi đó chơ!
      @ MTB: câu anh HN gửi cho em bên FB y chang ý của em luôn!

      Xóa
    5. Vậy mà anh Hongngoc chơi luôn câu tiếng ngoài nước, làm em đọc chẳng hiều tí xíu chữ nào hết anh Hongngoc ui...hihi. Nói đúng ra phải cám ơn Bác Nô đã bắt chữ.......trước phải khg anh Hongngoc...hihi

      Xóa
  7. Nặc danh04:39 27/8/13

    Thật ra sống mà đau đớn, tàn tật, hay phải lệ thuộc sự sống vào tay người không yêu mến mình thì sống cũng đáng sợ lắm.

    Trả lờiXóa
  8. Và nói chung, chất lượng cuộc sống mà thấp là đã thấy đáng buồn nhưng cũng may là có rất nhiều người an phận thủ thường, chấp nhận mọi chuyện đến một cách thản nhiên nên rồi...mọi thứ cũng qua, đến cuối đời. Ngay cả Đức Phật cũng dạy "oán tắng hội, ái biệt ly, cầu bất đắc" đã là khổ rồi, nói gì đến những chuyện như Tám nhắc đến ở trên!

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter