27/2/14

Về quê



Tôi đi nhờ xe quen về quê thăm mộ đứa cháu, con gái độc nhất của chị Năm tôi vừa mới qua ngày giỗ thứ 8, thời gian quá ít để không thể ghé thăm người dì đã cao niên. Về lại nhà mẹ mấy tiếng đồng hồ thì nhận tin dì qua đời. Trong nhà, tôi là người duy nhất trong anh chị em có thể về ngay để phụ lo bước đầu.

Lại theo xe đứa em con cậu quay về.

Từ bệnh viện, các em đã đưa dì về nhà cậu, trên nền đất nhà ngoại ngày xưa,  là nơi ở của dì sau khi chồng, con gái dì lần lượt mất lúc dì còn khá trẻ đến khi tản cư rồi quay về lại sau 1975 và sau này giao cho đứa con đầu của cậu mợ cai quản. Đến nơi đã hơn 21h 30 tối, dì nằm đó, nét mặt thanh thản như người đang ngủ, không thấy chút gì tiếc nuối, trách hờn!

Cậu tôi, em út của dì định cư ở Mỹ đã lâu với gia đình hai đứa con gái. Con trai trưởng và con thứ ba sống với gia đình ở Sài Gòn báo tin sẽ bay chuyến 2g sáng, sớm nhất cũng đến nhà sáng sớm mai. Tôi cùng đứa em trai thứ hai, đứa em gái út ở quê của cậu và hai đứa em con một dì khác cùng với anh trưởng tộc, một số bà con gần cùng sắp xếp những việc chuẩn bị ban đầu.

Chỉ mới sau mấy giờ mà trên sân nhà ngoại đèn đuốc sáng trưng, người  của dịch vụ tang lễ đang làm rạp, bàn ghế đã bày biện, trong  khi đứa em đi coi ngày, tôi dành thời gian nhận mặt và gặp gỡ thăm hỏi những bà con gần bên ngoại vừa nghe tin đã đến thăm  mà đã từ lâu lắm tôi ít gặp vì ở xa, nhiều người nói là ngờ ngợ khi tôi bước vào!
Dì (bên trái) chụp với mẹ mồng 4 Tết Quý Tỵ
Họ đều là những nông dân chân chất hiền lành, là những viên chức hoặc giáo viên đương nhiệm hoặc đã về hưu, có gia đình, có nhà riêng, tuy không đầy đủ tiện nghi bằng dân thành phố nhưng vẫn tạm đủ sống hoặc có mức sống trung bình ở một xã nghèo nhất nước như một bài viết trên báo Thanh niên kể về cái Tết ở xã Quế Minh, quê ngoại tôi vào những năm đầu thiên niên kỷ này! Nhưng họ cũng rất giàu, cái giàu mà những nhà đại phú chưa chắc đã có: giàu tình nghĩa họ hàng, gia tộc, đồng bào!

Đứa con trai trưởng khi vào sống ở Sài Gòn gửi chìa khóa cho một người bà con vai em - qua điện thoại - chỉ được phép mở khóa nhà trên để đưa dì vào, các nơi khác phải chờ đến sáng mai khi anh ta về đến nhà!
Bên mâm cúng chiều ba mươi Tết ở nhà ngoại
Thấy dáng vẻ mệt mỏi của chúng tôi,  người em con cậu bà con xa bị câm ở gần đó vào nhà trên tìm được một chiếc giường xếp cá nhân, nhường cho cô em con dì và cô bé cháu từ Takoma về quê ăn Tết đang bệnh, tôi nằm dài trên sân, lơ đãng ngắm sao trời mà lòng nhớ về một lần đã xa, cũng về ngoại ra nằm dài trên bãi cỏ bên hông nhà, nhớ những ngày còn nhỏ theo mẹ về ngoại, “những ngày xưa thân ái” được bà và cậu dì nuông chìu đã trôi về quá khứ xa lơ xa lắc. Anh cả Chiến sau khi thuyết phục tôi về nhà anh ngủ nhưng tôi cám ơn và từ chối, lặng lẽ về nhà cách đó chừng 400m, một mình, nửa đêm, chân bị thấp khớp bước thấp bước cao  trên đường bờ ruộng lúa đang lên đem xuống một chiếc chiếu, mấy lon bia, khúc chả, ít trái cây mời những người còn ở lại và nói rằng khi đến nơi mới tiếc là quên lấy thêm mền gối! Chỉ ngần ấy với tôi đã thấy quý hóa biết chừng nào!
Một người em con dì, một đứa cháu rễ cũng rất chân thành rủ tôi về nhà nghỉ qua đêm để có sức lo việc sáng mai nhưng tôi cứ nghĩ, ăn ngủ là chuyện cả đời, thức với dì - có thể còn thần thức để cảm nhận những gì đang diễn ra - là việc rất nên.
Với gia đình cô cháu gái út đến chúc Tết dì trưa mồng một.
Hơn 1g sáng ngày hôm sau nghĩa là giữa khuya chú em còn đi gõ cửa mấy nhà gần đó mua gà (mà vẫn có người chịu bán vì biết nhà nào mua làm gì) về nấu cháo để mọi người ăn lấy sức mới thấy cái tình làng nghĩa xóm ở đây lớn đến nhường nào !

Hôm sau bà con họ hàng đến càng đông, gặp họ tôi gật đầu chào cho phải phép, chỉ những người đôi lần gặp và biết họ tôi mới ngồi lại hỏi thăm và nói chuyện tâm tình. Mãi đến khi anh tôi nhờ gõ vào máy thư gửi cho cậu mợ để thông tin về lễ tang dì (dầu rằng các em gọi điện thoại hàng ngày, cập nhật các video clip và hình ảnh) tôi mới biết thêm nhiều trường hợp rất đáng trân trọng của tộc ngoại, họ đến vì tình nghĩa với ngoại tôi và cậu dì, họ không ưa gì vợ chồng đứa con trưởng vẫn dẹp qua một bên những hiềm khích, bất bình đã có từ trước để đến cùng lo việc tang.

Ngồi với những cậu, những dì, những anh chị em, nghe họ hỏi thăm mẹ và anh chị em chúng tôi, kể về gia đình họ, tôi rất vui khi biết rằng làng ngoại tôi nhiều chục năm trước đây khốn khó là thế nhưng trong họ ngoại vẫn có nhiều người bấm bụng cho con ăn học, một thằng cháu hồi học phổ thông sáng đi học chiều giúp việc ruộng vườn nay cũng đã là một Tiến sĩ khoa học khá nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị quốc tế, một đứa em khác là giáo viên giỏi Văn có uy tín của tỉnh, con của em đang học năm III khoa Kinh tế tiên tiến của ĐH Huế (giảng và làm bài đều bằng tiếng Anh), nhiều người là giáo viên từ mầm non đến THCS, ai cũng có công việc, nghề nghiệp ổn định thu nhập vững vàng cho cuộc sống. Điều đáng trân trọng hơn là họ luôn tự thể hiện và nhắc nhau lấy tình nghĩa làm tôn chỉ sống, trong cuộc sống tránh những việc làm phương hại đến thanh danh họ tộc, gia đình. 
Trước khi...về với ông bà!
Một bà lão trên cữu tuần, (gần như) sống cô độc như dì tôi mà khi chết rất nhẹ nhàng, sau khi tắm gội xong, ra ngoài hiên nhà đứa cháu gái ngồi chơi, té xuống đất, đưa đến bệnh viện khoảng hơn ½ giờ sau thì ra đi và có một đám tang như đã tổ chức được quả là phần phước của dì rất lớn, tinh thần lo lắng, giúp đỡ của bà con rất cao nhưng với tôi, hơn hết thảy còn là tinh thần tương thân tương ái của họ hàng và các cư dân khác họ trong cộng đồng thôn xã bên ngoại tôi, thôn Đại Lộc, xã Quế Minh! Xin chúc lành, chúc phúc cho anh linh dì.

14 nhận xét:

  1. Người ở quê vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ nhờ tác động của kinh tế thị trường đến với họ chưa nhiều Nô ạ!

      Xóa
  2. Trời thương cho người dì của bác HN, ra đi nhẹ nhàng. Chân thành chia buồn.

    Trả lờiXóa
  3. Anh HN vẫn luôn gắn bó với quê nhà và tình cảm bà con dòng họ . Đám ở quê nhà luôn được mọi người lo chu đáo các nghi thức theo tập tục , điều này ở thành thị không thể sánh bằng .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ phần nào giống MB khi về Huế thăm Tết và đi thăm Cầu ngói Thanh Toàn vừa qua!

      Xóa
  4. Cái tình cái nghĩa ở quê nó nặng và thành lễ nghĩa . Nhiều người bây giờ lại cho là phiền toái ,
    Xin cầu chúc cho Dì của anh sớm siêu thoát về cực lạc .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vẫn hy vọng lớp cháu con của mình sau này, dầu bôn ba kiếm sống nơi phố thị vẫn nhìn thấy được những nét đẹp này DN ạ! Cám ơn lời chúc của DN.

      Xóa
  5. Xin được chia buồn cùng anh và mừng cho tình làng nghĩa xóm ở những vùng quê VN an bình!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn giao. Có chứng kiến những chuyện như đã kể trên mình mới thấy và yêu thêm cuộc sống này! Vùng quê Phan Rí quanh nơi giao sống chắc cũng dễ thương và đậm tình thế thôi!

      Xóa
  6. Em cũng xin chia buồn cùng gia đình anh Hongngoc nha, ở quê tình làng nghĩa xóm luôn là vậy anh Hongngoc à.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn MTB, em đã đến nơi "chuẩn bị đến" chưa?

      Xóa
  7. Em xin được chia buồn cùng bác.

    Trả lờiXóa
  8. Xin chia buồn với Hồng Ngọc. Dì HN có tuổi thọ rất cao, ra đi nhẹ nhàng như thế là một đại phúc.

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter