
Nhiều lần đi xa về, ra khỏi máy bay ở Tân Sơn Nhất là thấy
phiền hà ngay ở nơi làm thủ tục check out, những viên chức không ngồi bàn giấy
ở đây thấy mình quê mùa, gọi riêng ra hỏi han lằng nhằng chuyện hàng hóa, tiền
bạc đem về. Ra đến nơi tìm taxi về nhà khi không có người thân đón càng phiền
hà hơn vì taxi sẵn sàng từ chối khi mình đi quãng đường ngắn. Ra tới Cộng Hòa
thì xe cộ đông đúc, người ngợm chạy xe xô bồ, đó là chưa kể nghe cánh tài xế
than van, không hiểu có phải để đánh thức hảo tâm của khách đi xe?. Sài Gòn là
vậy dù tôi đã sống ở thành phố này nhiều năm (đi xa không lần ào quá nửa năm) không
hề khá hơn mà ngày càng có khuynh hướng tệ hơn nhiều!
Ngồi trên xe, tôi phải nhắc vợ mình hết sức cẩn thận với
hành lý, giấy tờ tùy thân, điện thoại… phần tôi cũng thế và cài kỹ cúc túi áo,
túi quần!
Xuống sân bay Đà Nẵng thì khác hẵn, ra khỏi sân bay kể cả
trong giờ cao điểm, dù đi xe nhà hay taxi đều thoải mái, đường phố rộng rãi,
nhiều cây xanh, tài xế nhiệt tình chỉ trừ điều không thể thay đổi được là cái
lạnh cắt da của trước và sau Tết nguyên đán hoặc cái nóng khó chịu của những ngày hè khi thành phố chịu tác động
ít nhiều của hiện tượng fohn của khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị.
Hôm 12 âm lịch, tôi đi Huế bằng xe đò, tới bến xe An Cựu đã
thấy bất bình để rồi khi chụp được tấm hình bên chợ Tây Lộc, vội post lên facebook
để than thở với bạn bè. Chuyện là, ngồi xe lâu, khi xuống xe tôi đi tìm toilet,
nhà vệ sinh ở đây dơ dáy không tả được nhưng chẳng đặng đừng phải vào, bước ra
thì bà già ngồi thu tiền chặt đúng 3000VND, ngọt như dùng dao lam Gilette mới!
Hôm đó, trời mưa lâm thâm và lạnh ngọt ngào, vội tìm xe ôm về nhà cậu em vợ,
giới xe ôm bến xe “hợp tác” với nhau làm
giá nên lại bị chặt thêm lần nữa trên một đoạn đường mà nếu ở Sài Gòn giá
thấp hơn 5000VND và Đà Nẵng thì sẽ thấp hơn 10.000VND!
Người dân Huế - và cả tôi -
dân ngoại đạo cũng thế nhưng chắc chỉ tự hào về Huế những năm trước 1975
hoặc đó là những người Huế xa quê tự hào về đất thần kinh, quê hương mình hoặc
tự hào có Kinh thành, có Nhã nhạc cung đình được UNESCO công nhận là di sản văn
hóa vật thể và phi vật thể thế giới nhưng tôi thì không thể khi đàn Nam Giao bị
đập đi để xây đài liệt sĩ, khi một số người con Huế là tác giả của những mồ chôn
tập thể Tết Mậu thân, khi có ông cựu bí thư tỉnh ủy làm hồ sơ xin phong danh
hiệu anh hùng qua vụ ném lựu đạn vào nhà một người bà con trong đám giỗ người
thân mình mà chính những đồng đội ông ngày xưa là người viết đơn tố cáo. Lại
càng không thể khi những người bạn tôi từ Nha Trang đi du lịch Hà Nội nghỉ đêm
tại Huế, lớ ngớ bị cánh xích lô ngọt ngào dụ dỗ đi dạo ngắm sông Hương về đêm
rồi vào nhà hàng Karaoke hát, khi ra, phải bấm bụng trả một người ngót ½ chỉ
vàng chỉ trong vài giờ uống bia và hát! Và tôi cũng còn nghe khối chuyện đại
loại như thế từ những nạn nhân kể về những tiệm ăn, quán nước ven đường!
Những người lớn tuổi đủ mọi giai tầng ở Đà Nẵng, kể cả những
người của chế độ cũ cũng đều ca ngợi thành phố nơi đang sống, khen ông cựu bí
thư Nguyễn Bá Thanh dầu phê phán cách đổi
đất lấy hạ tầng của ông ta theo kiểu “Ừ, thì có tật (nhưng) có tài, ngựa
chứng (nhưng là) ngựa hay”. Riêng tôi, rất ngạc nhiên khi cầm thẻ giữ xe ở bệnh
viện với tờ giấy bạc 2000đ khi vào thăm
người quen ra trả tiền giữ xe, câu trả lời là các bệnh viện ở đây từ nhiều năm
nay đều…miễn phí và rất vui khi biết rằng, năm nay, những người hành nghề xe
thồ, xích lô chuyên nghiệp được thành phố tặng ăn Tết thêm 50.000đ so với năm
ngoái!
Không bàn đến sự thuận lợi về vị trí địa lý, địa hình, khí
hậu giữa Huế và Đà Nẵng vì đây là những yếu tố tự nhiên, nhiều năm trước tôi đã
xót lòng khi nghe những người làm du lịch bảo rằng lượng khách lưu trú qua đêm
ở Huế rất ít, doanh thu của các khách sạn không cao vì nhiều khách lấy phòng ở
Đà Nẵng, chỉ hơn 2 giờ xe, ra Huế tham quan và về lại trong ngày! Không biết
điều này đúng đến mức nào và bây giờ ra sao nhưng tôi nghĩ yếu tố nhân văn cũng
rất cần cho việc thu hút khách.
Than phiền với anh xe thồ trẻ chở tôi từ bến xe An Cựu về
nhà cậu em, anh ta bảo: “Chú ơi, muốn thu
hút khách du lịch thì đâu chỉ chính quyền lo mà phải là việc của cả người dân,
của toàn xã hội!”.
Ông Hoàng Tuấn Anh, bộ trưởng bộ TTVH-TT-DL không biết sẽ
nghĩ gì khi biết chuyện này nhưng riêng tôi, cứ nhớ một chuyện tiếu lâm có thật
rằng khi một đoàn khách du lịch vào thăm chợ Đông Ba, ban quản lý chợ đón chào
du khách, giới thiệu sơ lược về lịch sử và sự bố trí các gian hàng ở chợ, sau
đó phát bản nhạc có đoạn Ơi Huế của ta,
ta có Huế tự hào* rồi sau nữa, đề nghị
quý khách cảnh giác đề phòng kẻ gian móc túi! Hihi.
May mà, trong lần về thăm này, tôi được gặp một số bạn bè
cũ, có người xa đã 40 năm trong dịp tôi mời họ đi uống café để được thăm và nói
lời xin lỗi khi không về dự họp mặt mừng 40 năm ra trường của hai khóa Lương
Văn Can và Huỳnh Thúc Kháng ĐHSP Huế cùng dịp Festival Huế tháng tư này vì ở xa,
họ là những người trong ban tổ chức và chủ biên tập san nhân hội khóa. Gặp để
tâm sự, để thăm hỏi và qua đó, ôn lại những kỷ niệm thời đi học đã lùi quá xa
vào quá khứ!
Thành thật xin lỗi Huế và những người bạn Huế rất dễ thương
của tôi về bài viết này!
* Lời hát này sau đó được trẻ con ngoài đường sửa lại: Ơi Huế của ta, hai phần ba là Quảng Trị!
Bài viết hay quá , anh HN ơi ! Được đi một "tour du lịch bằng...những con chữ " với anh rất thú vị.
Trả lờiXóaChúc anh & gia đình an vui !
Lâu quá mới gặp THD dầu mình vẫn đọc các bài trên blog bạn. Cám ơn đã đọc, đã để lại lời khen và lời chúc.
XóaỞ đâu có nhiều con người tử tế là ở đó xã hội tốt đẹp. Cứ nhìn cảnh chặt chém bát nháo trong những cái gọi là lễ hội, tâm linh nhiều nơi mới thấy xã hội của ta giờ không còn gì để nói, nó tha hóa đến mức mất hết nhân tính rồi. Ít nhất cũng còn có nơi trên đất nước này được như bài viết của bác HN. Hoan hô anh xích lô, ủa quên xe thồ :-)))
Trả lờiXóaĐúng như bác NHP nói: "xã hội của ta giờ không còn gì để nói, nó tha hóa đến mức mất hết nhân tính rồi". Buồn ơi! biết đến bao giờ?
XóaVề Huế, khi phải tiếp xúc mua bán chi đó , M rất ngại mở lời , không muốn để lộ cái giọng SG của mình, thường là để người... Huế đi cùng nói giúp, hihi, cũng vì những lý do mà anh HN đã nói trong entry .
Trả lờiXóaHôm 12 âm lịch , đúng là trời rét ngọt nhưng M vẫn chạy lòng vòng TP buổi sáng để chiều lại trở vào SG . Đối với M , Huế vừa thấy thương , vừa thấy buồn đến tội tình .
Dầu sao, MB đã trọn vẹn nghĩa tình với đất và người của Huế, đã viếng từ đường và bà con trong gia tộc nhất là đã thăm, viết bài và gửi hình ảnh đẹp về Cầu ngói Thanh Toàn. Huế, với HN luôn là cái nôi của những kỷ niệm một thời!
XóaCác bệnh viện ở Đà Nẵng miễn tiền phí gửi xe hả bác? Tuyệt! Lần đầu tôi biết thông tin này, chưa đi đến đó bao giờ.
Trả lờiXóaĐây là quyết định thời ông NBT còn làm việc ở thành phố này, nghe nói ở BV Hòa Vang, ngoại ô Đà Nẵng đang rục rịch...thu phí gửi xe lại. Mời bạn đến Đà Nẵng một lần để thấy, để biết và cũng để xác tín rằng người dân cần biết bao những quyết sách đầy nhân ái của nhà cầm quyền!
XóaCũng còn mừng vì còn có một thành phố đáng sống. Sao người ta ko nhân dịp này mà nhận rộng cái điểm tốt đẹp đó ra để có thêm nhiều thành phố đáng sống nữa thì hay quá anh HN ha!
Trả lờiXóa"It's too difficult!" giao ơi.
XóaCái khó nó thường bó cái khôn !
Trả lờiXóa