29/7/13

Đọc "OXFORD THƯƠNG YÊU" (*)

Bìa sách "Oxford thương yêu"
Nếu có ai bảo rằng tôi Khéo khen phò mã tốt áo! thì cũng đành. Với tôi, phò mã đã tốt áo (qua những tác phẩm đã xuất bản, qua 3 giải thưởng văn học từ 1999-2005) mà còn tốt cả một số khía cạnh khác về con người.
Phò mã này là nhà văn nữ Dương Thụy, tác giả của Oxfort thương yêu mà tôi vừa đọc gần đây.
Chuyện là hồi về thăm gia đình ở Huế và Đà Nẵng trong tháng 5, khi vào lại Sài Gòn để chuẩn bị đi, con gái tôi gửi e-mail như là một PO nhờ mua đem qua một lô sách nhiều thể loại, tiểu thuyết có dăm quyển mà trong đó 2 cuốn là của Dương Thụy.

Tôi có thói quen chưa đọc lời giới thiệu, tiểu sử tác giả, đánh giá của những người có tiếng đã đọc… để tự mình có suy nghĩ riêng về tác phẩm nên cầm sách là đọc ngay trang đầu. Và khi gấp sách lại ở trang 280, trang cuối cùng, suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tôi là: Viết tốt quá!  Cứ y như là tự- truyện- trình- bày- bằng- hình- thức- tiểu- thuyết! Dương Thụy là ai mà tài hoa thế!
Đây là chuyện tình của cô sinh viên Cao học Kinh tế Trần Nguyễn Thiên Kim ở đại học Oxford với Fernando Carvalho, trợ lý của giáo sư Baddley, là giáo sư trực tiếp bảo trợ cho cô trong học trình này. Một chuyện tình bình thường, cũng lúc đầu nhân vật nữ thấy ghét cay ghét đắng rồi dần dà cảm phục, thương yêu nhân vật nam, có cả giận hờn, chia tay, tái hợp và kết thúc bằng một happy end là hai người cưới nhau, chàng và nàng cùng về Việt Nam làm việc cho các công ty đa quốc gia sau thời gian 1 năm học và 3 năm làm việc ở Oxford của Kim cũng là 3 năm Fernando qua Mỹ làm việc. “Oxford thương yêu” cũng là tác phẩm mô tả tâm tư tình cảm của sinh viên Việt Nam ở ngoại quốc, những suy nghĩ của họ khi nhìn lại đất nước, dân tộc mình.
Có hai vị giáo sư được nhắc đến là Baddley, người thầy không thể di chuyển bằng chân mà bắng chiếc xe lăn điện, người thầy đầy lòng bao dung nhân ái dưới mắt của Kim và giáo sư Portlock “sát thủ máu lạnh” đối với những sinh viên học dở có nguy cơ làm mất uy tín của trường đại học danh tiếng này.
Cùng với hai vị này, còn chàng sinh viên đẹp trai gốc Chi lê, Mauricio, thường theo tán tỉnh, cùng đi bơi, đi ăn với Thiên Kim, anh David người Anh, trợ lý cho thầy Portlock, yêu Kim nhiều nhưng là kẻ đến sau, Thúy Hà, Thụy Vũ, những người Việt Nam tu nghiệp ngắn ngày, là ViVi Lê, sinh viên Luật của trường được giữ lại làm việc ở văn phòng giáo sư Portlock, cuối cùng, chiếm ít nội dung hơn là những người thân trong gia đình của Fernando và Thiên Kim.
Bằng cách đặt ra tình huống có vấn đề ở ngay trang đầu (do thủ tục hồ sơ trễ, Kim có thể phải tự túc tiền ăn học ở năm thứ hai nếu không xong được trong một năm như học bỗng đã cấp), tác giả đã dẫn dắt câu chuyện bằng những tên chương rất dễ thương, dễ hiểu và dí dỏm, qua đó giúp người đọc theo dõi diễn tiến rất hấp dẫn của chuyện tình, nêu được những hình ảnh khái quát về sinh viên cao học VN ở Oxford, phương pháp dạy và tự nghiên cứu của trường này qua tính cách nhiệt tình nhưng nghiêm khắc, đốp chát nhưng kiên quyết khi là người hướng dẫn;  hài hước, dí dỏm và đáng yêu nhưng “ưa ra lệnh” khi là người tình đối với Thiên Kim của Fernando.
Tác giả cũng đã rất nhẹ nhàng mô tả để người đọc hình dung về khung cảnh trường Oxford với 39 college, về khu học xá, thành phố London, Birmingham, một tỉnh lẻ miền Bắc Pháp, Lisbon, New York và quan trọng là chen vào đó tư tưởng của mình qua những đánh giá của giáo sư ngoại quốc về nền giáo dục VN (*1), suy nghĩ của một Việt Kiều ở Pháp, bà con với Kim về cuộc sống của họ(*2), của những người Việt đã sinh sống lâu đời ở Anh và con cái của họ về một Việt Nam hiện tại với quá nhiều vấn nạn qua ba mẹ và chính ViVi Le(*3, *4). Quan trọng nhất và thú vị nhất là vài suy nghĩ đậm đầy chất triết lý nhân sinh mà chúng ta đọc được và đồng tình (có lẽ cũng là điều tác giả nhận thức được) ký thác bàng bạc nơi này nơi khác trong tác phẩm này như khi Kim nghĩ về những bạn bè cô từng giao tiếp sau một năm ở trường lúc ra sân bay tiễn Thụy Vũ về Sài Gòn “…Họ đã cho Kim biết rằng mỗi người đều có giới hạn của mình và không ai có thể tròn trịa sống mà không chấp nhận một góc khuyết. Kể cả bản thân cô và Fernando người cô đã luôn tưởng là hoàn hảo.” (p.139) và cũng thế,  khi nói với ViVi Le, (cô gái sống ở Anh từ khi lên 7, người làm cùng trong văn phòng giáo sư Postlock rất ghét Kim vì tán tỉnh Fernando không được) sau khi hai chị em tâm tình về việc quay về VN dưỡng già của cha mẹ ViVi: “Em thích sự thẳng thắn của chị. Nhưng chị cũng đừng cực đoan quá. Ai mà không có những góc khuyết của riêng mình. Dân tộc nào mà không có những hạn chế…”.
Thử tham khảo nhận xét về Oxford thương yêu của một độc giả nữ nhỏ thua Dương Thụy ba, bốn tuổi, câu trả lời là: Cũng được! tôi nói ý kiến của mình, cô ta bảo: Tùy theo expert của mỗi người. Tôi cho rằng ý kiến này đúng.
Dương Thụy, qua giới thiệu của NXB Trẻ, sinh năm 1975 tại Sài Gòn “là một trong những cây bút tiêu biểu của thế hệ trẻ “100% TP.HCM”, sinh sau tôi ¼ thế kỷ tức là cách nhau vừa đúng một thế hệ, nhân vật của cô, Thiên Kim từ khi vào học Oxford đến khi lấy Fernando độ tuổi 25-28 nhỏ hơn cô 10 tuổi nghĩa là độ chênh tuổi tác giữa tôi và nhân vật chính khá xa nhưng tôi vẫn thầy gần, vẫn đi theo Kim qua những buồn vui xa xứ, thấy vui khi cô tăng cân, khỏe ra do thực hiện chế độ ăn uống và luyện tập bắt buộc của Fernando, lo lắng khi cô hỏng lần đầu môn thi của “sát thủ máu lạnh”… Được tất cả những điều đó, tôi nghĩ một phần nhờ mình tiếp cận thường xuyên văn học VN hiện đại và đương đại và phần khác nhờ lối viết nhẹ nhàng, dung dị của tác giả. Dương Thụy tả cảnh sắc London qua các mùa rất sắc nét, rất dễ hình dung, Dương Thụy có cách dùng từ và có nhiều từ dùng khá đời thường, cho Mauricio dùng từ “máu lửa” để nhận xét về Kim, cụm từ “nhào vô hưởng thụ” khi chê Fernando không chú ý đến phần sex trong quan hệ với Kim (trang 167), cho Thụy Vũ than “May mà không có anh chàng hâm mộ nào chứng kiến, nếu không cả Mauricio lẫn Fernando chắc chạy mất dép”khi Kim bỏ ăn, nằm vùi hai ngày lúc cho rằng bị Fernando lừa vì không báo trước chuyện đi Mỹ (p.137), chính Kim khi trả lời người khác hỏi về Fernando là “nhìn nét chữ của Fernando thấy ứa gan”.
Nói chung rất nhiều từ, cụm từ trong ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật: y chang, mặt tối hù, sáng nắng chiều mưa, cá chớn cà cháo, yêu quá hóa khùng, khớp, hợp tác cái khỉ khô…được dùng lúc này lúc khác (trong giới sinh viên). làm cho ta thấy những sinh viên trẻ này rất gần gủi với mình.
Điều đáng tiếc là, được giáo dục trong một gia đình nền nếp, đến Oxford ở vào độ tuổi bắt đầu chín chắn (vì đã đi làm 3 năm sau khi tốt nghiệp đại học) nhưng Thiên Kim vẫn còn vài thiếu sót đáng tiếc, cô ấy có vẻ dễ dải khi quan hệ với Mauricio, có vẻ thân thiện quá mức với David khi đang yêu Fernando, điều thường không có ở những con nhà danh giá, nó làm người đời dễ nghi ngờ về sự đoan chính của cô! Mặc khác, những từ và cụm từ Kim dùng với Fernando khi hỏi anh có bao giờ vì giận cô mà ngã vào vòng tay một cô đồi núi trập trùng nào không, nghe nói phụ nữ bên đó múp rụp, điện nước đầy đủ(tr.183) tôi nghĩ đã làm Kim giảm giá dưới mắt mình!
Về các nhà văn nữ Việt Nam, tôi đã đọc được từ Nguyễn Thị Vinh của Tự lực Văn đoàn, Ngọc Linh, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nhã Ca, Trần Thị Ng.h trước 75;  Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Võ Thị Hảo, Nguyên Hương, Quế Hương, Đỗ Hoàng Diệu, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư…, nơi này nơi khác, người này người khác cũng viết về sex để thấy là chuyện thường, khi Thụy Vũ hỏi rằng Kim đã “dâng hiến” cho Fernando rồi chứ gì?, Kim cho rằng, bên đây làm gì có từ dâng hiến, không ai dâng hiến cho ai mà “chỉ những người yêu nhau đến với nhau một cách bình đẳng, cho và nhận với cùng cảm xúc như nhau”(tr.138), tôi ủng hộ suy nghĩ này, quan điểm này có nghĩa là tôi cũng không quá khe khắc về quan hệ cũng như cách hành xử với người khác phái của Kim nhưng nói lại, vẫn thấy tiếc về điều đã nói ở trên.
Bìa sách "Cung đường vàng nắng"...sẽ đọc!
Dầu sao thì, không biết phê bình sách, không tham vọng trở thành “nhà phê bình”, đọc và nghĩ gì viết nấy. Tôi chỉ dừng lại ở Dương Thụy với riêng tác phẩm này, 7 tác phẩm khác đã xuất bản của cô từ 1997- 2005 tôi chưa được biết và Cung đường vàng nắng đang nằm trên kệ, sẽ đọc để tìm thấy thêm một Dương Thụy khác. Một cuốn sách tái bản đến lần thứ 18 khi sách giấy  bị lấn át bởi các phương tiện nghe nhìn thì đúng là rất thành công! Chúc mừng Dương Thụy!
­­__________________________________
Chú thích:
  • Tiểu thuyết của Dương Thụy, tái bản lần thứ 18- NXB Trẻ & Tủ sách Tuổi trẻ- 2012
  • (1)”Kim đứng laị suy nghĩ, có thể giáo sư trưởng khoa không muốn công nhận một người nước ngoài có nền giáo dục đáng lo ngại như cô”(tr.129).
  • (2) “Kim rên với dì sao cuộc sống bên đây cơ cực quá, dì cô cười buồn vẻ chịu đựng: Có việc làm là may, thất nghiệp còn chết nữa!...Hồi mới qua nhiều lúc nhìn tuyết trắng xóa chán muốn…tự tử. Gửi hình về Việt Nam ai cũng khen tuyết đẹp quá mà dì muốn khóc thét lên!   ... Chỉ mong bên nhà đừng trông chờ nhiều vào Việt kiều nữa!”
  • (3) “Vi Vi thở dài: Sau này cha mẹ tôi lớn tuổi sẽ về Việt Nam định cư. Nhưng tôi không phải là người Việt Nam dù vẫn nói được tiếng Việt. Tôi ghét người Việt. Người Việt có nhiều tật xấu nên có biết bao nhiêu người giỏi mà vẫn không ngoi lên được. Người Việt kỳ thị ngay chính những đồng hương của mình, kỳ thị giữa các vùng miền, rồi người Việt kỳ thị tiếp người nước ngoài. Người Việt kiêu hãnh nhưng lại mang trong lòng nỗi buồn nhươc tiểu…” (tr.243)
  • (4) Tác giả dành trọn một (1) trang (trang 245) nói về những ưu tư của ba mẹ Vi Vi Le về đất nước Việt Nam mà người viết không dẫn ra ở đây vì bạn đọc đã biết quá nhiều, chỉ xin nói rằng người viết rất thú vị và hẵn tác giả cũng rất…hả hê! Rất mong có người đã đọc truyện này chia sẻ với người viết suy nghĩ này!


27 nhận xét:

  1. đáng đọc để hiểu hơn về giới trẻ nhưng một Dương Thụy vẫn chưa phải là đại diện tiêu biểu của giới trẻ VN.
    chúc anh HN vui khỏe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN hiểu giao muốn nói ý gì, chuyện gì rồi! Hihi.

      Xóa
  2. Chắc DT cũng không thích cái nhãn "thế hệ trẻ 100% TP HCM". Mỗi vùng đất đều là một liên tục của lịch sử, không thể cắt khúc ra như vậy được!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN cũng "khó chịu" về cách gọi này. Suy nghĩ của Nô chắc là đúng, nếu thử đọc tác phẩm thì sẽ thấy. Và vì cái 100% đó nên nhân vật của DT hành xử theo cách bị "cắt khúc" (đó là cái mà HN cho là đáng tiếc)!

      Xóa
  3. HL đã có một bài về "Cung đường vàng nắng " khá ấn tượng về một thế hệ trẻ VN biết sống và hòa nhập với văn hóa của xứ Tây.Tuy nhiện có cảm giác hơi cường điệu về khả năng hội nhập vào giới "thượng lưu " xứ Tây của phụ nữ xứ ta.Biết có hoành tráng và đầy tự hào vậy không,anh HN ơi?Đó là cảm nhận riêng tư thôi ,không giận anh Hn nha!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiếc là anh HHP viết tắt chữ HL để HN không thể tìm được bài viết về "Cung đường vàng nắng" nhưng ngày cả trong Oxford thương yêu HN cũng cảm thấy chút cường điệu về "khả năng hội nhập" này rồi. Anh HHP đã nói điều HN nghĩ, chỉ khác nhau ở độ đậm, nhạt thì giận chỗ nào! Vui nữa là khác anh ạ!

      Xóa
  4. Từ sau năm 75 với những Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, Túy Hồng, Trần Thị Ng.H... thì tôi hầu như không đọc tiểu thuyết nữa, chắc là lạc hậu mất rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác NHP không đọc tiểu thuyết nhưng lại đọc nhiều và đều các báo cũng sẽ không lạc hậu đâu nhưng HN nghĩ đọc cũng là cách giải trí và thêm cho mình cách nhìn nhận về giòng chảy của lịch sử, của xã hội qua các đề tài văn học. Đọc đi rồi sẽ tìm ra những niềm vui cho riêng mình bác ạ. Cũng có rất nhiều người thuộc thế hệ chúng ta...không đọc như bác. Thân mến.

      Xóa
  5. Nặc danh07:36 30/7/13

    Thật sự là về tình dục và tình yêu, theo quan niệm Tây phương không có khái niệm dâng hiến. Họ bình đẳng và chọn lựa có ít nhiều toan tính. Đàn ông xứ nào cũng có cái hay cái dở. Phải thành vợ chồng sống với nhau lâu năm mới thấy chịu đựng nhau được hay không. Cũng không thể nói là mình quen biết được vài người đàn ồng là có thể đoán ra tính tình của đàn ông Tây hay đàn ông Việt. Mỗi người mỗi khác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui khi Tám xác định thêm quan niệm của phương Tây về vấn đề này. Đàn ông Tây khác đàn ông Việt, phụ nữ cũng thế có lẽ từ sự khác nhau giữa văn hóa hai nơi. Thật khó mà kết luận cách kết hôn nào là hay cách nào là dở.

      Xóa
  6. TT đã đọc bài bài và cả những lời còm. Thường TT tránh bình loạn các tác phẩm văn học (cũng như anh HN, TT chọn đọc sách là thú tiêu khiển), còn tác phẩm này chưa đọc lại không thể nhìn nó bằng mắt anh HN nên càng không còm theo bài viết luôn!
    Ghé anh, chều nay TT có chén cơm nguội và trái cà chua buồn tình bê sang nhà anh, biết đâu anh cũng vui mà cùng ăn. Không thì TT ăn một mình nhá!
    Giai thoại: Cụ Chu và Lý Nhân
    Lý Nhân vốn là học trò con nhà nghèo khó, nhân một lần thấy chuyện bất bình đã ra tay can thiệp và đánh trọng thương một sai nha của quan huyện. Chàng bỏ trốn và sau thành một lục lâm thảo khấu bị truy nã ở nhiều huyện.
    Sau nghe tiếng cụ Chu Văn An cởi áo từ quan về dạy học. Chàng bảo với bọn thuộc hạ:
    - Ta thì chẳng chóng chày tất có ngày bị bắt, e rằng cái đầu khó giữ! Các ngươi vốn chưa bị ai biết danh định tánh hãy đi phương khác lập nghiệp mà sống, theo ta chỉ có rước lấy tai ương. Từ ngày theo ta, ta đã cố dạy anh em chỉ cướp mà không giết người, chỉ lấy của bọn người giàu có và bọn quan lại chẳng được tơ hào đến của dân. Đó là uốn nắn các ngươi bớt tính hung ác. Còn ta, ta cũng đi. Ai muốn ở lại núi này thì ở ta chẳng can ngăn.
    Bọn lâu la từ ngày theo Lý Nhân, chúng quý chàng vì chàng đem tình anh em ra đối đãi, lại kính chàng vì chàng mạnh mẽ và là người có học. Chúng giải tán mỗi người mỗi phương. Lý Tiến cải danh là Trần Bình đến xin học với cụ Chu.
    Ba năm sau, nghe tin mẹ già bệnh nặng, Lý Nhân quyết về quê dù chàng có thể bị bắt nên đến từ tạ thầy và thú thật về bản thân mình. Cụ Chu vô cùng tức giận:
    - Ta đâu sợ thiên hạ cười chê ta nhận học trò xuất thân là phường cường đạo, biết bỏ ác tùng thiện đó mới thật là con người, nếu con thật thà từ đầu ta càng vui sướng ngàn lần để dạy dỗ cho con, nhưng con đến học đạo thánh hiền mà bỏ họ cha cho, cải tên mẹ đặt, tâm dạ như vậy làm sao thấy đạo. Con phụ tấm lòng ta yêu thương con!
    Lý Nhân chỉ biết khóc quỳ lại thầy và ra đi, Cụ Chu không thèm nhìn đến khi Lý Nhân đi khuất cụ mới quay lại lau giọt nước mắt của mình. Sau khi về chăm sóc mẹ già Lý Nhân ra đầu thú và bị kết án lưu đày.
    Một thầy phong thủy người Tàu sang tìm long mạng ở Việt nam, cũng như tất cả các thầy địa lý Tàu trước và sau vẫn không tìm được. Đất phú quý thì có mà long mạch thời không. Nhân đi ngang có viếng cụ Chu.
    - Xưa người là thầy của thiên tử, nay sĩ tử khắp trong nước đến thọ học, học trò của người đậu ra làm quan rất nhiều. Tôi được tiếp kiến thật là vinh hạnh.
    - Tôi chỉ là một thảo dân, sao khách bảo là vinh hạnh khi gặp mặt.
    - Người là thầy Vua, còn vô số học trò đổ đạt sao ngang với dân thường.
    - Khách sai rồi! Tôi dạy ra được trăm quan mà không vinh vì sao tránh khỏi dăm quan là tham quan hại dân hại nước. Tôi không nhục vì mấy học trò đi làm thảo khấu cướp của giết người vì biết bao học trò của tôi sống khắp nước làm lê dân mà biết giữ lấy đạo làm người. Có chăng tôi mừng cho học trò tôi dạy biết bỏ ác theo thiện, tôi đau đớn khi học trò làm quan mà nhũng nhiễu hại dân.
    Vị khách Tàu hỏi thêm:
    - Long mạch vốn động như dò tìm vẫn ra, nhưng sao An nam xưa nay chẳng ai tìm được? Có phải chăng long mạch thật chẳng có? Nếu vậy khác nào đất vô chủ, dù có chủ vẫn chỉ là hư chủ nếu vậy thật chẳng bền!
    - Các vị học địa lý thiên văn chỉ biết căn cứ trên ngũ hành bát quái. Cơ trời nhiệm mầu, nếu chỉ học lấy chữ, định theo nghĩa thì chỉ là hàng học giả cố chấp như nhìn người chỉ nhìn thấy cái áo. Từ xưa bậc thánh nhân học đạo dù thông lẽ huyền vi cũng chẳng dùng sở học mà chẳng vì danh lợi đi tìm long mạch, vẫn chú trọng nêu sáng gương đạo và giúp an dân. Các vị chạy quanh chỉ vì quyền lợi thì hưởng dụng được mấy chốc, cho dù 300 năm thì nhà Hán cũng bị diệt. Long mạch của Nam quốc ở trong lòng muôn dân, ai chiếm được lòng dân thì đó là chân mệnh thiên tử.
    - Sang đây dù tìm long mạch chẳng bằng hôm nay được thầy dạy dỗ.
    - Những điều tôi nói khách đã học được từ khi tóc còn để chỏm bên đại quốc, không nên nói vậy lại thành đãi bôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không viết comment có khi lại là điều hay vì nhờ đó, HN được ăn chén cơm nguội và trái cà chua này. Ăn xong, ấm lòng ngay! Cũng muốn hỏi TT là chuyện này chép ở sách nào hay cũng na ná như chuyện ngụ ngôn về các phán quan?. HN cầu Trời cho chuyện này có 51% là chuyện thật! Câu cụ Chu trách anh học trò thật thú vị: "...nhưng con đến học đạo thánh hiền mà bỏ họ cha cho, cải tên mẹ đặt, tâm dạ như vậy làm sao thấy đạo.". Có những anh học trò cải tên cải họ cả chục lần mà UNESCO suýt lầm nữa kìa! HN cũng nghĩ và tin như cụ Chu dạy rằng : "Long mạch của Nam quốc ở trong lòng muôn dân, ai chiếm được lòng dân thì đó là chân mệnh thiên tử". Lâu lâu TT ghé chơi nhé.Cám ơn nhiều về bữa cơm này.

      Xóa
    2. TT rất vui vì anh HN đã cùng chia nhau chén cơm nguội quả cà chua của TT. Với tấm lòng quý mến và kính trọng nên TT sẽ nói (TT quen nói thẳng nhưng TT tin anh HN không giận).
      1) TT có duyên được một người kể lại (TT đến nay càng thêm kính trọng cụ) về nhiều giai thoại không chỉ của cụ Chu, TT đã tìm hiểu và chẳng hề thấy được in thành sách ... ở đâu cả. Nên có thể nói nó đúng là giai thoại. TT xin đơn cử
      Giai thoại cụ Albert Einstein và CHARLIE CHAPLIN:
      - Ngài là một thiên tài, phát minh của ngài thật vĩ đại
      - Không! Chính ngài CHARLIE CHAPLIN mới thật là một thiên tài. Trong khi tôi giảng giải nóicả ngày mà chẳng mấy người hiểu. Còn ngài! ngài chẳng cần nói mà ai cũng hiểu.
      Vậy nên TT đã dùng từ giai thoại ghi lại theo ý mà lời văn (cái áo) là của TT. Thật hay hư cấu không quan trọng mà chính ở chỗ nếu nó được người đọc chấp nhận. TT là 1 và anh HN là 2.
      2) Cụ Nguyễn Du người ta biết không phải là thân xác cụ, cũng không phải 2 chữ "Nguyễn Du" mà người ta biết chính ở tác phẩm Truyện Kiều đã đang (có thể là sẽ) được đồng bào Việt nam lưu giữ và đọc. Khổng Mạnh cũng lại như vậy! Chính tư tưởng của những lời dạy đã trở thành đạo lý sống ở đời của không chỉ Việt nam (tất nhiên không phải tất cả mà chỉ 1 phần, cả 1 phần đó cũng đã được canh cải theo tâm hồn bình dị của mọi tầng lớp xã hội). Con người đó dù thật chỉ là 1 danh từ gọi, cái chính là tác phẩm và tư tưởng con người đó để lại có đi vào lòng người hay không
      TT muốn nói: Con người đã sai lầm khi lễ bái tượng Phật, ca ngợi cái tên "Thích Ca Mâu Ni" mà hãy sống thiện như tinh thần Phật đạo.
      Chỉ có bọn lưu manh trục lợi mới đem cái "danh từ gọi" và cái thây ma ra thờ phụng ngưỡng bái. Nếu TT không lầm cũng vì tranh nhau "thánh tích" mà từng có cuộc chiến đẫm máu ở nhiều nơi trên thế giới. Rõ nhất chỉ vì tranh "cái áo rách cũ chẳng bằng cái ghẻ lau nhà" mà nhiều người truy sát tổ Huệ Năng.
      Nếu suy nghĩ TT sai lầm cũng rất mong anh HN lấy sự thẳng thắn mà chỉ bảo.

      Xóa
    3. 1. Vậy là chúng ta "qua được cây cầu 1" rồi đó. Biết bao nhiêu chuyện hư cấu mà người đời hoan hỉ chấp nhận và còn hoan hỉ nữa!
      2. Thật ra TT bảo:"rất mong anh HN lấy sự thẳng thắn mà chỉ bảo." e có vẻ nặng nề, có vẻ anh em mình lâu nay đã vượt lên khỏi những xả giao bình thường, khiêm cung không cần thiết rồi. Bảo rằng:"Con người đã sai lầm khi lễ bái tượng Phật" thỉ HN không đồng tình, không nghĩ ai cũng sai lầm mà chỉ những ai không nghe được câu: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sắp thành" và những ai chưa nghe đức Thích Ca dạy:" Hãy nghe đây này các đệ tử, khi đến chùa, lễ Phật, hãy luôn thức tĩnh rằng ta đang quỳ lạy trước một cục đất hay một khúc gỗ tượng trưng cho một con người đã đạt đến giải thoát toàn diện" (lâu quá không nhớ trong kinh văn nào!. Ý tiếp theo của TT, HN hoàn toàn đồng ý. Thân mến.

      Xóa
    4. Những giai thoại ít thật và phần nhiều là hư cấu. Thật giả khó phân nhưng được tiếp nhận vì nó có giá trị hoặc thú vị. TT nghĩ chắc anh HN đã biết các giai thoại về cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Mượn nhà anh HN TT viết lại 1 giai thoại vui của cụ Trạng để cùng đọc lại (biết đâu những khách viếng nhà anh HN có người chưa đọc) cho vui.
      Giai thoại Cụ Trạng Trình và cây quạt
      Trạng Trình là một nhà lý số nổi tiếng của Việt nam và tương truyền là nhà tiên tri đã viết bộ Thái ất thần kinh biết trước việc xảy ra 500 năm về sau, Cụ Trạng hay lấy số tử của mọi thứ làm thú tiêu khiển.
      Ngày nọ, cụ mua 1 cây quạt và toán ngày chết của cây quạt. Sau cụ lại nghĩ, nếu dùng mà hư mất thì chẳng lạ. Chi bằng ta giữ gìn bảo vệ nó xem thử số sinh tử có khác chăng?
      Lấy giấy quấn lại, ghi ngày giờ tháng năm rồi cất.
      Đến ngày ấy lại trùng ngày cháu nội cụ Trình cưới vợ nên từ sáng vợ cụ Trình đã nhắc cụ mấy lượt. Tuy đã cáo lão về quê nhưng quan lại từ triều đình đến quan lại quê cụ đều rất kính cụ, nên con ai mà cưới hỏi lễ lạt được cụ viếng là mừng lắm hà huống cưới vợ được cụ làm chủ hôn càng trăm phần vinh hạnh.
      Cụ muốn tận mắt chứng kiến cái chết của cây quạt nên lấy nó ra giữ bên mình. Cụ còn phủi bụi cho nó. Sắp đến giờ cây quạt chết thì vợ cụ ra trách:
      - Sắp đến giờ qua rước dâu mà ông còn chưa thay đồ. Từ sáng đến giờ ông chỉ loay hoay với cây quạt.
      Nói xong bà đến lấy cây quạt và xé tan cái quạt (cả thiên hạ kiêng dè cẩn trọng khi đối đãi với cụ Trình mà chỉ có vợ cụ là độc nhất vô nhị ... giật lấy cây quạt của cụ mà xé). Cụ Trạng bật cười và thay đồ rồi cùng mọi người đi rước dâu

      Xóa
  7. 1- Nếu anh Hồng Ngọc chủ trương giới thiệu Oxfort thương yêu cho bạn bè cũng là phải vì Dương Thụy là nhà văn nữ nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay. Trong vòng 16 năm từ 2007 đến 2012 cô ấy cho ra đời 14 tiểu thuyết, trong đó Oxfort thương yêu tái bản đến 14 lần, bán ra tới 55000 ngàn bản. Tôi chưa đọc nó nhưng chắc là trong số sách vở bát nháo hiện nay thì Oxfort thương yêu rất đáng đọc. Có lẽ tôi phải kiếm một cuốn.
    2- Bu tui dạo này rất ngại đọc tiểu thuyết, vì quỷ thời gian không có nhiều, để vốn liếng còn lại mà thu nạp tri thức, như lịch sử, triết học Đông phương, thú vị nhất là đạo Phật.
    Ban đầu tôi đọc Phật để cho biết, càng đọc càng không biết, không biết lại càng muốn đọc, vị chi ngót nghét trên10 năm nay. Một lý do ngại đụng đến tiểu thuyết là sợ mình sa đà, bu rất dốt về Kim Dung vì biết chắc động vào ông này là bị ông giữ chặt không rời ra được.
    2- Một số nhà văn nữ anh nêu tên tôi có đọc. Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè thác loạn kiểu Vệ Tuệ bên Tàu, tôi không hăng lắm. Dương Thu Hương thì tôi biết rõ, trong chiến tranh nàng là nhân viên sở Văn hóa Quảng Bình, bu đầu têu lập ra Câu lạc bộ Âm nhạc Đồng Hới và thỉnh nàng làm cố vấn…Hihihi nghỉ lại cũng hay lắm. Sau giải phóng Dương Thu Hương nổi lên đột xuất với truyện ngắn Người thợ cắt móng tay, sau đó là một loạt tiểu thuyết: Thiên đường mù, Bên kia bờ ảo vọng…đến Đỉnh cao chói lọi thì phải nhận là cô ấy tài, nhưng mất đi cái non tơ tươi trẻ mà đi vào chì chiết, lý sự, đôi khi nghiệt ngã, phần đầu sách nói về một ông gìa dân tộc quá dài và quá nặng.
    Tôi lưu trử khá nhiều Phạm thị Hoài, những Thiên sứ, Man Nương, Mê lộ, Mari Sến… Trích ngang em này cũng giật gân lắm. Hoài đặc biệt khinh mạn đám nhà văn Việt Nam, cho là một lũ vô tích sự, ăn tốn viết tốn giấy. Hoài nhìn vào văn học nước nhà với con mắt u ám, hài hước, sâu cay. Có lẽ với Hoài thì Trần Dần mới đáng kinh trọng. Từ Đức về Hà Nội cô ấy đến Trần Dần đã thân tàn ma dại, gần như mất trí. Cô ấy nhặt nhạnh những mãnh giấy có bút tích Trần Dần mang về Đức biên tập lại thành sách TRẦN DẦN- ghi. Đọc thấy lạ và biết được nhiều thứ, có lẽ bu tui phải đưa lên blog vài mẫu chăng??

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1.Thì ra rất vui vì bác Bu vẫn theo dõi “gần sát” thời sự văn nghệ. Sách HN đọc XB năm 2012 ghi là tái bản lần từ 18! HN thường hay theo dõi, thấy lạ đọc cho vui, thấy tác giả nữ này có nhiều ý tưởng anh em mình thích nên “rủ rê” bạn bè chia sẻ. Bác Bu mua đọc sẽ hiểu “chúng ta” tâm đắc chỗ nào!
      2. Có 10 năm đọc sách Phật nên “công lực” bác rất hùng hậu. HN rất mừng khi thấy nhờ đó, bác giúp bạn bè giải quyết nhiều thắc mắc. HN thích cái ý bác cho rằng “càng đọc càng không biết”. HN cũng đọc nhưng ít chuyên cần vì có người dạy rằng, chỉ cần nắm những điều cơ bản về giáo lý, xem mình hợp với pháp mộn /tông phái nào thì RÁNG MÀ HÀNH theo pháp môn đó, lại đọc được rằng ngay cả Bát nhã Ba La Mật Đa tâm kinh 260 chữ, chỉ cần hành theo nó cũng quý hóa rồi. Thế là âm thầm lặng lẽ …hành, lâu lâu tự mình suy xét. Cũng có thể tự sâu thẳm, đây là lý do biện hộ cho sự lười biếng đọc của mình chăng?
      Tuy vậy, về việc này, HN cũng thiệt lòng đề nghị bác Bu bước thêm bước nữa (hay bác đã bước rồi mà không thấy đề cập đến?) là nên chăng, đọc qua “Thiền và Lão Trang”, “Huyền học đaọ Phật và đạo Thiên Chúa” chắc chắn sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị và bổ ích.
      3. Rất vui khi bác Bu cung cấp chi tiết về sự ngưỡng mộ của nhà văn Phạm Thị Hoài đối với nhà thơ Trần Dần. HN nể văn tài thì ít nhưng trân trọng tấm lòng của tác giả này với văn học VN qua việc lập trang Talawas (không lý đến vấn đề ý thức hệ), khi trang này đóng cửa HN cũng hay vào PRO&CONTRA để đọc.
      Bác Bu mà không đọc Kim Dung thì cứ gọi là “mất nửa cuộc đời” rồi đó. Vả lại, tư tưởng triết học Đông phương được KD gửi gắm khắp nơi trong khắp các tác phẩm của mình. Lo gì! Bây giờ thì có “ghiền” cũng không cần đọc hết mà chỉ nên đọc chừng 7-8 bộ truyện tiêu biểu thôi, dành thời gian đọc vài người khác cũng đề tài kiếm hiệp này.
      4. HN không đọc “Đỉnh cao chót vót” của Dương Thu Hương sau khi đọc vài chục trang đầu. Tự nhiên không thích nhưng HN “kết” nhất là bài tham luận của cô ta đọc tại ĐH VI Hội nhà văn VN mà lâu nay có ý tìm, không thấy. Bác Bu biết ở chỗ nào giới thiệu với nhé. Cám ơn bác Bu mọi việc! Thân mến.

      Xóa
    2. Nghe anh hongngoc đề nghị bác Bu "bước thêm bước nữa", Nô tôi giật nảy cả mình! :D May quá, không phải zậy!

      Xóa
  8. Cách đây hơn năm , một bạn trẻ học ĐH Kiến Trúc có tặng Marg quyển truyện "Venice và những cuộc tình Gondola" của Dương Thụy. Thú thực M cũng chưa xem hết . Tuy nhiên M thích cô Dương Thụy ,khi M biết cô là cô vừa tốt nghiệp MBA vào những năm 1998 nhưng lại rất thành công với nghiệp văn chương

    Trả lờiXóa
  9. MB thử đọc xem có trùng với HN vài nhận định về tác giả không nhé. Thấy trong sách giới thiệu cô có đến 2 bằng thạc sĩ, ở trung tâm đào tạo Pháp-Việt và ở Liege (Bỉ), không qua trường dạy viết văn. PS: HN vào blog của MB nhưng chỉ thấy "Lặng lẽ" hoài!. Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh HN , Marg sẽ dành thời gian đọc lại sách và sẽ cố gắng ra khỏi "Lặng lẽ" , hihi ...

      Xóa
  10. Vào nhà anh Hongngoc khó quá, đến khi vào được đây rồi , em chỉ xin phép đứng ngoài xem ké Tv thôi anh Hongngoc...Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều người khóc vụ này quá (AQ, Nobita, MTB...), anh hongngoc ơi!

      Xóa
    2. Bác Nô...Huhu...Lady first...Huhu

      Xóa
    3. Thiệt lòng xin lẫu (chữ này do có thời gian ở bắc Đèo Cả nên hay dùng chứ không phải lẫu cá kèo, lẫu lương gì nhé), không biết tại sao mọi người không vào được, chắc do nhà mạng chăng chứ chủ nhà mở rộng cửa hoài, không chỉnh sữa gì, khách cũng đâu có đông hè??

      Xóa

Flags..


Flag Counter