17/7/13

Vài ghi nhận về người Việt ở Bangkok.

Xuống phòng tập dụng cụ ở tầng 6, thỉnh thoảng trong sổ LOG IN ghi tên người, số nhà, thời gian, loại hình sinh hoạt… thấy có tên viết bằng tiếng Việt, có lúc dưới hành lang tầng trệt nghe một phụ nữ ngồi với một người da trắng nói trên điện thoại bằng tiếng Việt. Vậy là chung cư mình ở có người Việt, thật vui. Về, khoe với cả nhà và nghĩ rằng sẽ tìm đến thăm họ...



Sống ở Bangkok được nửa năm, đi đây đi đó nhiều, tiếp xúc với một số đồng hương người Việt, tôi có ý định viết về người Việt ở đây nhưng đã hơn một năm cũng chưa tiến được bước nào. Lý do là rất ít tài liệu, chỉ là một số tin tức trên internet, việc trực tiếp tìm tòi, gặp gỡ cũng có những hạn chế vì không thông thạo tiếng Thái.
Tuy vậy, cũng có những ghi nhận bước đầu như sau:
Về thành phần, có thể xếp họ thành 6 nhóm:
1. Những người cư trú rất lâu đời, tuổi trung bình 70-80, thế hệ F2 không biết tiếng Việt sống ở khu vực chợ Samsen trên bờ sông Chao Praya gần thư viện Quốc gia (*1)
2. Những người làm việc ở các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái Lan.
3. Những người làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài và gia đình họ.
4. Những người có chồng/vợ là người ngoại quốc làm việc tại Bangkok và người thân.
5. Những người lao động phổ thông, buôn bán từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình chiếm số đông (mà sau Tết báo chí trong nước đã mô tả tình trạng quá tải ở các cửa khẩu đi Lào, Campuchia) và số ít hơn là dân các tỉnh khác.
6. Sinh viên VN sang học cử nhân, cao học và tiến sĩ tại các trường Đại Học Thái.
Ngoài ra, còn một số khác qua qua về về, buôn bán và hướng dẫn du lịch, không cư trú dài ngày.

Nghe bạn bè giới thiệu ở Bangkok có hội đồng hương Việt Nam, tôi cũng có ý định tìm hiểu, gặp gỡ nhưng sau đó nghe nói hoạt động không hiệu quả nên bỏ ý định này.
Có hai trang FB, một của Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Thái Lan, mục đích ban đầu là mua bán sản vật 2 nước (*2) và một của một người có nick NguoiVietNamOThaiLan(*3)
Tìm hiểu hai trang này thì trang sau hoạt động hữu hiệu hơn và giúp đỡ được khá nhiều người bước đầu đến Thái để làm việc, học tập hoặc buôn bán nhưng hiện nay admin của trang này đã về lại Sài Gòn.

Những người cư trú lâu dài ở đây cũng có khuynh hướng tìm đến nhau để nhờ vả hoặc chia sẻ nổi buồn xa xứ, họ không tập hợp thành hội đoàn mà chỉ là tự phát rồi giới thiệu dần để trở thành nhóm trên dưới mười người, cùng nhau đi chơi, đi lễ nhà thờ, làm từ thiện, đi ăn uống, hoặc nấu món Việt mời nhau. Nhóm này phần lớn có thu nhập cao đến rất cao. Tôi đã đến thăm một gia đình có chồng làm việc cho một công ty đa quốc gia, ở nhà do Công ty thuê là một biệt thự 2 tầng diện tích chừng 400m2, có hồ bơi trong vườn, giá thuê lên đến 7500 USD/tháng, có lúc gặp gỡ thêm vài người trong số họ nhưng chủ nhà cũng than phiền là đôi lúc gặp nhau nhiều cũng hay buôn dưa lê, khá mất thì giờ!.  Những người lao động phổ thông cũng tìm đến nhau theo kiểu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” nhưng mãi lo sinh kế nên ít có những sinh hoạt như nhóm trước.
Họp mặt ba gia đình có con cháu học chung trường Patana
Những người lao động phổ thông tôi đã gặp có một số làm phụ hồ hoặc các công trình cầu đường, rày đây mai đó theo công trình, không có chỗ ở nhất định, số khác phụ bán thức ăn lề đường, bán ở các sạp chợ mà tôi tiếp xúc nhiều và thường xuyên nhất vì hầu như lần nào đi chợ với con gái tôi cũng đều tìm đến thăm họ. Lâu dần, tôi thấy có xu hướng người đi trước giúp đỡ người mới qua sau. Có vẻ như họ dắt díu nhau tìm nơi ít vất vả và có thu nhập cao hơn ở quê nhà. Một sạp bán gà, vịt luộc trong một năm thay 5-6 người phụ việc, đều là bà con, họ hàng, hàng xóm của nhau ở một xã nghèo miền biển Hà Tĩnh, mới qua họ xin vào sạp này, quen dần, họ tìm việc làm khác, thu nhập cao hơn và thay thế bởi người mới qua sau mà không kể đến thiệt thòi của người sử dụng lao động vì người trước đã dần quen việc! Thu nhập của những người này là 350-400THB/ngày. Họ bảo rằng trừ chi phí nhà ở, ăn uống, giấy tờ… có thể dành dụm từ 4-5 triệu tiền Việt mỗi tháng hoặc hơn thế.
Sạp bán gà vịt luộc nơi những người Hà Tỉnh làm ở chợ Samyan
Một số khác may mắn hơn như một cặp vợ chồng trẻ người Nghệ An tôi gặp ở chợ nổi Dunwai, cách Bangkok chừng 70 km, họ thuê được một sạp nhỏ bán đồ khô và tôi nhận ra họ khi thấy một mặt hàng ghi nhãn “Bún khô Việt Nam” trên sạp. Nghe kể ở chợ này cũng có vài trường hợp tương tự là người cùng làng với họ.
Sạp hàng của cặp vợ chồng Nghệ An ở chợ nổi Dunwai
Một vài người mở tiệm ăn, nhà hàng bán món ăn Việt như nhà hàng Le Dalat của Madame Lý một người Mỹ gốc Việt mở đã 27 năm nay, bán món ăn thuần hương vị Việt (*4) hay nhà hàng Saigon Recipe (*5) của Thủy Tiên - đoạt giải hoa khôi học đường năm 1994 rồi trở thành người mẫu, diễn viên điện ảnh - với nhiều món ăn ngon, giá cả vừa phải và tiếp đón rất ân cần mà có lẽ ai đã đến đây khi ra về đểu không thể không khen anh chồng người Nhật rành tiếng Việt và rất dễ thương của Thủy Tiên!
Bảng hiệu nhà hàng của Thủy Tiên

 Đối với đa số người Việt, chuyện “tùy tục” khi “nhập gia”vào đất nước Thái Lan là vấn đề nan giải, đó là thủ tục và điều kiện cư trú.

Đi theo visa du lịch, bạn chỉ được ở đúng 30 ngày, đi theo diện làm việc và học tập, nơi tiếp nhận người làm việc và trường nhận sinh viên cử người lo thủ tục hoặc có văn bản gửi đến cơ quan di trú (Immigration Bureau) ở khu Chamchuri Square và cá nhân đến đó để xác nhận, những người thân trong gia đình đi theo thì chỉ được xác nhận cư trú một lần một (01) năm, phí xác nhận hoặc gia hạn là 5700 THB/ người. Quá hạn phải đóng phạt 500THB/ngày!

Những người lao động phổ thông thì sau một tháng đầu phải gia hạn, họ gọi là đi tòlay, có một số tổ chức chuyên lo dịch vụ này, chỉ cần gọi điện thoại báo địa chỉ, xe sẽ đón, chở đến biên giới Thái-Lào hoặc Thái-Campuchia và lo tất cả, phí mỗi lần từ 800 - 1000THB để cư trú thêm được 1 tháng. Có người được chủ lo việc này nhưng họ từ chối vì sợ ràng buộc, khó nhảy khi gặp chỗ làm lương cao hơn. Mất một ngày làm và 700.000đ tiền Việt mỗi tháng, xót, nên một số người  sống chui, nghĩ rằng biết dăm ba tiếng Thái, làm ăn lương thiện, không vi phạm pháp luật thì không lo gì và vì nhận định sai lầm do tiếc của này, đôi lúc có những việc đến bất ngờ để họ vô tình thành một phần của nhóm thứ 7 mà lúc đầu  tôi không có ý định đề cập đến trong bài viết này.

Nhóm thứ 7 đa phần “ngoài vòng pháp luật”, họ là những người trốn tránh pháp luật VN, bị truy nã, trôi giạt sang Thái, một số người tỵ nạn chính trị ở trong các trại tỵ nạn (điều này chỉ nghe nói lại) và còn một số khá đông chị em “buôn hương bán phấn” hành nghề đông nhất ở phố đèn đỏ Patpong, chỉ cần gõ “ăn chơi về đêm ở Bangkok” trên Google hoặc các trang về Du lịch Thái Lan có thể tìm thấy nhiều bài viết về những đối tượng này. Khi tôi viết những dòng này thì “chị em ta” đã tiến về một số nơi trong thành phố tổ chức làm ăn không lệ thuộc vào giới chủ ở Patpong và tiếp tục rủ rê, dìu dắt người trong nước. Đọc tin mà thấy buồn khi mình vốn buồn từ khá lâu về chuyện phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, bị bán sang Mã Lai và đọc bài “Hãnh diện là người Việt Nam” để trả lời bài  “Người Việt thông minh, chăm chỉ và anh hùng, thế bạn có hãnh diện là người Việt Nam không?” – (Câu hỏi của báo Thanh Niên trong nước) …!

Sống xa nhà, giao thiệp với dân bản xứ ít vì ngôn ngữ bất đồng, nhu cầu giao tiếp với người đồng hương trong mỗi người đều rất cao, nhiều khi đi vào một khu du lịch, rất mừng khi nghe từ hàng ghế bên cạnh một câu tiếng Việt là thấy dễ thương, gần gủi, thế là xoắn xuýt hỏi thăm đủ điều nhưng rồi, dĩ nhiên, ai đi đường nấy và vì vậy, rất se lòng khi đọc một tin trên báo về vụ giết người của người Việt ở Bangkok hoặc nghe một tin không vui khác: “Cháu vừa đi làm từ thiện về, ghé một trại tù, trời ơi, ở đây có khá đông người Việt, hỏi ra thì phần lớn là do trộm cắp và cư trú bất hợp pháp chú ạ!” Nghe mà thấy se lòng. Cái còn lại trong tôi luôn là câu hỏi : Vì đâu nên nỗi??

Chú thích: (*1) dulichhoanggia.com.vn/.../cho-nguoi-viet-tai-thai-lan.
                  (*2) https://vi-vn.facebook.com/.../Hội-Đồng-Hương...Tại-Thái-Lan/2035299
                  (*3)https://www.facebook.com/NguoiVietNamOThaiLan.



16 nhận xét:

  1. Người VN bây giờ có lẽ cũng giống người Trung Hoa, nghĩa là đã ở khắp mọi nơi trên thế giới, họ chịu khó học hành, làm ăn buôn bán, nhiều người thành đạt... Nhưng cũng lắm kẻ chẳng ra gì, băng đảng, buôn lậu, ma túy...
    Quả thật vì đâu nên nỗi...?

    Trả lờiXóa
  2. Nô nghĩ mọi sắc dân (dù ở trên tổ quốc mình hay tha phương xứ người) đều có những hạng khác nhau: thành đạt danh vọng hay bần cùng đạo tặc. Tùy tỷ lệ giữa hai hạng này để ta hãnh diện hay xấu hổ!

    Trả lờiXóa
  3. Đồng ý với bác NHP và Nô, hình như tục ngữ VN có câu "Ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên" nhưng khi ai đó có một hành xử không nghĩ đến quốc hồn, quốc thể cả trong nước lẫn ngoài nước thì người nghe, người thấy không trách cũng buồn! Do vậy mới có người lúc đầu xuất hiện thường xuyên trước màn ảnh TV nhưng sau khi qua Italia về thì chỉ lâu lâu mới "được" xuất hiện! Hichic!

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh16:19 18/7/13

    Tám đọc hôm qua nhưng chẳng biết nói gì. Có lẽ ai làm thì người đó hưởng vì thế mình không nên đặt mình vào vị trí bị tốt lây hay xấu lây. Nhiều khi hoàn cảnh đưa đẩy người ta có thể lâm vào cảnh tù tội dù thật ra người ta không hẳn là xấu xa. Tám nghĩ đến trường hợp của những nhân vật trong tiểu thuyết như Ngọn Cỏ Gió Đùa của Hồ Biểu Chánh, tuy là tiểu thuyết nhưng có thể tượng trưng cho phần nào sự thật.
    Tám nghĩ, là con người, khi túng thiếu quá độ, đang đói lạnh, thiếu thuốc men, đi đến chỗ ăn cắp ăn trộm và lâm vào vòng tù tội là chuyện có thể xảy ra. Nói như thế không phải để bênh vực hành động xấu, chỉ là điểu tự nhắc mình để có thể nhìn thấy cái hai mặt của một vấn đề.
    Và những thành công trong cuộc đời, hay thất bại cũng thế, đều có yếu tố may mắn trong đó. Mình đâu có thể chọn nơi mình sinh ra, hay chọn gia đình mình sinh ra. Chỉ cần bị sinh ra trong một môi trường tối tăm thiếu thốn nghèo nàn thì thấy cuộc sống của mình dường như chỉ có một lối đi, tối tăm hơn thiếu thốn hơn và dễ đến với bắt hạnh (trong đó có tội ác) hơn.

    Trả lờiXóa
  5. Trước những cảnh đời nghiệt ngã, HN thường chỉ xót xa hơn là phê phán và thường cho đó là cách "trả nghiệp". Cách nhìn của Tám đầy bao dung, Tám tự nhắc mình và HN cũng nhìn điều Tám nói như là cách để ai đó dọc được, cảm được cùng tự sửa mình vì ngày xưa cụ Khổng cũng từng than: "Vi nhân nan, vi nhân nan!"

    Trả lờiXóa
  6. Chào anh HN! Ghé thăm anh đọc bài và các lời còm đã đủ hết ý (hay khả năng nghĩ của TT cũng chỉ giới hạn bấy nhiêu). TT lại liên tưởng lung tung. TT không còm theo bài post của anh, xin kể anh nghe về chuyện gã Ngớ nhé!
    Gã Ngớ lang thang ngoài cửa điện Diêm la, gã thấy đủ nhiều những người lính, kể cả họ từng ở hai đầu tuyến lửa. Có khi họ ngồi quay quần với nhau, nơi đây không có chỗ cho hận thù và họ tìm đến nhau để kể nhau nghe và tìm được gì đó đồng cảm. Gã Ngớ nhìn những huy chương tren áo, dĩ nhiên họ là những anh hùng.
    - Các anh là anh hùng được chính phủ công nhận tuyên dương. Sao chưa vào điện! Chết còn không sợ, há sợ sống hay sao?
    - Dĩ nhiên chết mới không sợ! Sống mới sợ! Còn anh hùng ư! làm gì có anh hùng!
    - Sao lại không!
    - Nếu có là có với ai! Không phải với chúng tôi!
    - Xin làm ơn giải thích rõ hơn!
    - Có thể phần đông người đang sống họ nghĩ về ý nghĩa anh hùng, cũng có ít người không nghĩ vậy mà nghĩ giống chúng tôi. Chúng tôi lớn lên vào thời chiến, dù là chống giặc ngoại xâm, thì tận đáy lòng có ai muốn xa cha mẹ, anh em ... để dấn thân vào nơi sống chết. Nhưng lệnh là lệnh, nếu không cầm súng tất bị họa ngay, nhẹ thì tù tội, nặng thì lao công chiến trường khác gì người lính. Nơi chiến trường anh sống hoặc tôi sống, giết lẫn nhau. Chúng tôi quan niệm rằng, chiến tranh là tai họa của dân tộc, chúng tôi chiến đấu chống ngoại xâm đi nữa cũng chỉ là bổn phận trong hoàn cảnh tai ương, chứ chúng tôi làm gì có ý nghĩa anh hùng. Trên xương máu sinh mạng chúng tôi, trên nhà tan cửa nát, trên mất mất cha- chồng, anh em tang tóc mà gọi là anh hùng được sao? Đó là tai họa của dân tộc. Chúng tôi là nạn nhân như tất cả đồng bào. Chúng tôi không anh hùng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin lỗi anh HN cho tôi được chen vào ,người VN ai ai củng yêu quê hương đất nước mình,người trong nước,người ngoại kiều đều mong ước đất nước bình yên ,kể cả các dân tộc trên toàn thế giới đồng yêu chuộng hòa bình.
      Nếu họa chiến tranh xảy ra(cả hai phía đều công nhận)nền kinh tế trong nước sẽ thiệt hại nặng nề,mất mát tang thương hậu quả không lường hết, chính vì vậy cuộc chiến đang hồi kiềm chế leo thang .
      Người lính VN đang từng ngày ở quần đảo trường sa(còn lại mời mấy đảo nhỏ)ko phải vì hai chử anh hùng như TT nói,mà việc làm được phải làm chứ đâu thể triết lý suông như kiểu đông tà tây độc ám chỉ cái gì củng ko được,phải như TT thì mới được sao .
      Thời đại vủ khí tối tân chứ ko phải thời cổ kim mà luận nghĩa anh hùng
      Xem ra đạo bất đồng e trái ấu củng thánh bồ hòn thôi thì dài cảm nghĩ mong anh HN ko giận trách thằng em thất học này nhé .cám ơn anh.

      Xóa
    2. Không đọc bài viết, chẳng đọc lời còm hay không hiểu tiếng người!
      Hãy đọc bài anh HN viết rồi tự còm với tư cách của chính mình đó là phép xã giao ông còn biết tôn trọng chủ nhà. Ông qua đây vì bài viết của anh HN hay mục tiêu là tôi?
      Cứ sang nhà tôi chửi tục, vì chính tôi dạy ông 30 năm để ông làm người mà ông chỉ thành thứ tay sai hung hãn. Vậy trách nhiệm thuộc về tôi. Đừng làm phiền anh HN vì chuyện cá nhân của ông.

      Xóa
  7. 1- Anh Hồng Ngọc đã kê lên 7 nhóm người Việt sống ở Bangkok.
    Rất momg bài sau anh có một nhận xét người Việt sống ở Việt và người Việt sống ở Bangkok theo từng lứa tuổi, hoặc theo loại nghề nghiệp. Các cụ có câu "ở với bầu thì tròn ở với ống thì dài". Thái Lan, cứ theo báo lề trái và lề phải đã đi trước Việt Nam 89 năm, huhuhu... thế họ là cái bầu hay cái ống đây ???
    2- Bu ở Bangkok hai lần tổng cộng đâu 12 ngày, không đủ thì giờ mà thâm nhập để nhận xét. Nếu nói qua loa thì thấy dân họ hiền lành, nhỏ nhẹ. Khách khứa trong quán ăn không nói to, không có vụ cầm cốc bia hoặc rượu đứng dậy và gào lên: một, hai, ba, dô...dô ...dô. Tình trạng này xẩy ra trên cả nước Nam chứ không riêng cho một vùng nào. Nghe mà thấy nhục, thấy buồn. Hay là người ta hiểu sai lời dạy của cụ Hồ "Đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành công" !!!!
    3- Thái Lan lấy Đạo Phật làm quốc giáo. Việt Nam ta không mấy mặn mà với tất cả các loại tôn giáo. Ông chúa, ông Phật, ông Mô ha mét, ông Khổng ...chỉ là đầu têu ru ngủ nhân dân, không khác chi kẻ buôn nha phiến. Thế nhưng cái đạo cộng sản hứa hẹn làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, toàn dân hạnh phúc ấm no...chẳng thấy đâu. Càng chờ càng mất tăm. Chỉ thấy nhóm lợi ích thao túng đất nước, giàu nghèo ngày càng cách biệt, đạo dức ngày càng xuống cấp, người dân không còn chỗ để tin...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi xưa (từ sau vụ NVGP)ở miền Bắc, anh em văn nghệ sĩ phải viết theo đơn đặt hàng (làm thành giòng văn học minh họa), khi thủ trưởng hỏi tác phẩm đâu mà tác giả "rặn" chưa ra thì "Báo cáo thủ trưởng, em đang thai nghén!"!
      Đề nghị trong cmt này của anh rất thú vị, mấy ngày nay tôi cũng đang "thai nghén" rồi nay một tí mai một chút suy nghĩ tìm chất liệu cho gợi ý này. Cám ơn anh Bu nhiều!

      Xóa
  8. Cám on HN về tài liệu khá lý thú về Người Việt tại Thái.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Chính đã đọc và tìm thấy chút "lý thú" qua bài viết này. Tiếc là vì những lý do khách quan đã nói, chỉ là "Vài ghi nhận..." và không thể trở thành một bài viết như những bài có thể được dùng làm tư liệu tham khảo trong nghiên cứu như anh.

      Xóa
  9. Anh Hongngoc đúng lá Thầy Giáo có khác, em sang chào và chúc Anh sức khỏe luôn bình an nha.

    Trả lờiXóa
  10. Cám ơn MTB đã vào thăm và gửi lời chúc. Lâu nay thấy vắng em trên trang mình, cũng hơi buồn buồn (mà anh nghĩ sẽ có nhiều người giống anh). Qua FB mới biết MTB, vậy thì chúc MTB chóng khỏe để trở lại chỗ làm, không thôi bân bè ở sở...nhớ.!

    Trả lờiXóa
  11. Chị có gì cần trao đổi hay lấy thông tin thì vào hoi của e chị nhe fb cửa e tên là
    Gia Thiều Hà Tĩnh

    Trả lờiXóa
  12. Chị có gì cần trao đổi hay lấy thông tin thì vào hoi của e chị nhe fb cửa e tên là
    Gia Thiều Hà Tĩnh

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter