Gần đây, đọc được hai entry của bác Ngọc Hiệp Phạm, “Dơi và
Chuột” và “Đá dế”, nhìn những con dơi, con chuột, dế than, dế lửa bác làm và hình minh họa, nhất là các con dế
bác bảo là “Ra cổng đình ngồi làm… cho
con nít chơi” tôi thật sự kinh hồn, mới nhìn cứ ngỡ như thật và các
commentor ai cũng thán phục (như thán phục Nobita khi nhìn chân dung ký họa nhà
thơ Nguyễn Đức Sơn ở Phương Bối, B’lao do Nobita vẽ và post minh họa kèm theo
hình chụp khuôn mặt chính anh Sơn trong bài viết “Một ngày thấy núi” trên “Ký
ức nhỏ”). Qua những chuyện này trí nhớ tôi bỗng trôi về những ngày tháng thật
xa, tròm trèm nửa thế kỳ: những năm học tiểu học trường làng.
Đó là những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, thầy cô
lớp năm, lớp tư (lớp 1,2 bây giờ) là người làng nhưng các lớp ba, nhì, nhất là
ở các huyện khác đến, chương trình học thống nhất trên toàn quốc.
Không thể nhớ chính xác môn thủ công được học năm lớp nào và
mấy năm nhưng cùng với tập vẽ, tập hát và sinh hoạt thanh niên là các môn học
trò thích nhất vì không phải học bài, không phải vắt đầu nặn óc làm toán làm văn,
cũng không ê a học thuộc lòng môn khoa học thường thức trước đó gọi là cách trí
(chắc do chữ “cách vật trí tri” của ngài Khổng Tử ?). Vẽ, thủ công và hát, nếu
có chút tài năng bẩm sinh thì thường có điểm cao, riêng thủ công, môn đem về
nhà làm, nhờ người lớn làm hộ cũng dễ có điểm cao.
Tôi mãi nhớ trên bảng đen hồi ấy luôn luôn được viết trước,
ở trên cùng, hàng chữ Thứ…ngày…tháng…năm…,
có lớp/ trường còn cắt dán hoặc viết sẵn bằng sơn, qua một ngày, thầy cô tự cập
nhật. Hàng tiếp theo: Cách ngôn (có
nơi viết là châm ngôn) dùng để ghi các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ có tác
dụng giáo dục nhân cách cho học trò, mỗi tuần thay một câu. Có lẽ vốn ca dao
tục ngữ lứa chúng tôi có được đến bây giờ được ươm sẵn từ những ngày thơ ấu đó!
Hàng thứ ba: Tính nhẩm (có nơi viết
là tính trầm, còn gọi là tính rợ). Đó là tính trong đầu không phải dùng giấy
bút. Học trò bây giờ ỷ lại vào calculator, không biết tính nhanh, phép tính với
thành phần lớn nhỏ gì hễ đụng đến là rút cell phone ra bấm bấm, chậm hơn chúng
tôi rất nhiều! Thời khóa biểu đến môn nào là cô giáo viết tên môn học vào bên
dưới.
Hồi ấy, mỗi khi có giờ thủ công, thầy cô thường hướng dẫn về
nhà làm, các bài làm bằng giấy thường
là trang trí các hình hình học, khó hơn là hoa văn viền hình, hoa văn khung, bằng tre thường là vót nan đan rổ, (đan
lông mốt, lông hai – từ đơn giản đến phức tạp), vót đôi đủa tre ăn cơm, đủa cả
dùng trong bếp, bằng vừa giấy vừa tre
như làm lổng đèn bánh ú, lồng đèn ngôi sao. Trẻ con nhà quê ngày ấy khó tìm
được giấy màu cho nên khó có thể trang trí những lồng đèn màu sắc sặc sỡ như
bây giờ. Hình như đa số chúng tôi ngày ấy thích bài thủ công tạo hình bằng đất sét như làm trái xoài, trái mãng cầu
hay nắn hình súc vật như heo, voi, chuột…Tôi vẫn còn nhớ khi nắn xong trái xoài
bằng đất sét, chọt lỗ bằng chiếc đủa phía trên, anh Hai tôi dạy đem phơi nắng
cho khô, lấy lá khoai giã nhuyển bôi vào cho có màu xanh, ngày đem nộp cho thầy
bẻ một nhánh xoài nhỏ có vài lá cắm vào lỗ đã chọt, để trên bàn thầy, ngồi dưới
nhìn lên thấy “sản phẩm” mình làm y như
trái xoài thật, mặt vênh váo tự hào!
Thời đi học, tôi không có năng khiếu âm nhạc, hội họa, cũng
không khéo tay nên khá vất vả với môn học này nhưng tôi nghĩ, có lẽ do mày mò
từ khi học thủ công, một phần do chịu khó nên sau này tôi “độ, chế”, sữa chữa mấy
món lặt vặt trong nhà rất thành công.
Chương trình giáo dục trong nhà trường XHCN sau 1975 đến khi
đứa con sau của tôi xong tiểu học vào nửa cuối thập niên 90 tôi nhớ không có
môn thủ công này, không thấy lúc nào ở nhà chị em cháu làm như tôi ngày ấy
nhưng không hiểu sao, đứa cháu con thứ người em cọc chèo của tôi thì rất tài hoa,
khéo léo và tỉ mỉ mà cháu không hề qua trường lớp nào về môn này, cháu làm tàu
buồm hồi thế kỷ 19, máy bay, xe mô tô phân khối lớn bây giờ bằng giấy trông như
thật, còn tinh tế hơn mấy con dế của bác NHP nữa.Hihi.
Máy bay giấy chỉ bằng cái romote control TV! |
Xe mô tô phân khối lớn không thiếu một chi tiết nào so với hình mẫu! |
Khác với Việt Nam thời tôi đi học lẫn sau này, chương trình
giáo dục mầm non của người Anh mà hai cháu ngoại tôi đang học chú ý cái -mà
-tôi -gọi -là -môn -thủ -công từ ngay lớp nhà trẻ, lớp mẫu giáo “nâng cao” hơn
(tôi đã đề cập trong bài viết tiêu đề Thời
gian với vài hình ảnh post kèm). Các cháu có story time, music time,
painting time, drawing time, outside time, team work…Do vậy, theo dõi các cháu
tại trường trong giờ học, theo dõi trên website của lớp các cháu, tôi hiểu được
vì sao trẻ em Âu Mỹ trở thành những nghệ sĩ, nhà văn, nhạc công, diễn viên không khó khi các cháu
có một chút khả năng thiên bẩm cùng với lòng đam mê. Tất cả chỉ là do tiếp xúc
sớm, thường xuyên nên…rất mạnh dạn.
Lịch 2013 cháu ngoại mẫu giáo làm tại lớp. |
"Hoa" bằng đất sét pha màu do cháu làm ở nhà. |
Rồi tôi lại nghĩ rằng, ai tiếp
thu nền giáo dục ở Việt Nam
mà thành người nổi tiếng về tài năng trong lãnh vực nghệ thuật thì họ thật sự
có tài hoặc ít ra cũng gần với…thiên tài.
Hihi, bác HN có mấy đứa cháu thật khéo tay, tuyệt.
Trả lờiXóaBác nhắc ngày nhỏ học môn thủ công làm lồng đèn, nặn trái xoài, trái chuối, làm tôi nhớ lại ký ức, xưa tôi làm mấy món này cũng khá điểm.
Ngày xưa chúng ta được học môn thủ công, nhạc, thời cha anh còn học cả chữ Hán, rồi công dân giáo dục, đức dục, cổ văn... vậy mà hay quá, chúng ta không trở thành thợ thủ công, thành nhà nghiên cứu, khảo cổ... nhưng những thứ ấy lại giáo dục những thế hệ nên người tử tế...
Đúng là phần hình nhi hạ giúp ta thành người tử tế có đóng góp của những môn như bác nói này. Những năm đệ thất đệ lục HN cũng có học chữ Hán. Thầy dạy chữ Hán là một nhân sĩ ở địa phương về lại quê nhà (hồi cư bắt buộc) sau 1975 bị chết vì mìn trên tỉnh lộ! Học trò ai biết cũng tiếc thương!
XóaCái hình minh họa đầu entry là... "thủ công" hay "công thủ" hở anh??? :D
Trả lờiXóaMột cmt thật bất ngờ! Sao có người tinh tế đến thế!! Chắc hồi nhỏ cũng giỏi thủ công nên...kinh nghiệm?
Xóamột hoài niệm và một liên tưởng dẫn đến một kết luận buồn...
Trả lờiXóaHình như HN ít có kết luận vui trong các bài viết của mình giao ơi! Cám ơn giao đã đọc và share.
XóaTám thật là vụng về nên nhìn thấy những người tài hoa như thế này thật là phục lắm, kể cả các cháu nắn hoa bằng đất sét màu cũng thật là khéo léo.
Trả lờiXóaNghỉ hè, mấy nhóc ở nhà lục lọi, làm thứ này thứ khác cũng vui nhưng mình "giải quyết hậu quả" (dọn dẹp) cũng ớn lắm BT ơi. Mà mình thì cũng không muốn làm phiền người giúp việc nữa nên cũng mất thì giờ! Tám vụng về mà viết lách, dịch thuật, chọn cảnh, hoa, thú vật...để chụp nhưng tấm hình đẹp cũng tài hoa quá rồi. Tám mà thêm môn thủ công này nữa thì...phiền lắm!
XóaThoạt nhìn chiếc xe mô tô bu tui tưởng là xe thật, cậu bé này rồi sẽ là siêu nghê sĩ.
Trả lờiXóaLúc nhỏ đi học bu tui cũng có làm thủ công, vụng về, những thứ thầy cho đem về nhà làm thì nhờ người lớn làm hộ. Cái hay của môn này là phát hiện ra tài năng và tạo lập ký ức cho con người về sau này.
Không rõ sau này cháu thế nào nhưng cháu vừa tốt nghiệp khoa điện tử ĐHBK Sài Gòn và đang làm việc ở thành phố. Anh Bu mà thấy chiếc thuyền buồm cháu làm còn "mê tơi" nữa!
XóaMarg luôn có cảm tình với những chàng trai giỏi Toán và Kỹ thuật. Cậu cháu kỹ sư của anh HN vừa học giỏi , vừa có đam mê với trò chơi tạo hình công phu khéo léo này thì chắc đó là một thanh niên hay , sẽ không sa đà với những thú vui vô bổ như một số thanh niên hiện nay ((-:
XóaĐúng như MB nhận định, chàng này đúng là "một thanh niên hay", ít nói, đọc khá nhiều (và nói nhỏ với MB rằng bài viết về Mẹ Teresa Calcutta HN viết là nhờ đọc được sách cháu tặng dì đó!). Và HN rất vui khi biết MB cảm tình với dân Toán và Kỹ thuật!
Xóa