29/6/13

Mẹ Teresa Calcutta


“Theo huyết thống, tôi là người Albani. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian này. Và theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về những người bất hạnh, khổ đau” (lời Mẹ Teresa)


Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo cách thành phố những 60 cây số, cách quốc lộ I theo ngã ba Hương An đi lên khoảng 20 cây số. Làng tôi bốn bề núi đồi bao bọc, có nhà mở cửa sổ hoặc cửa sau là đụng núi!.
Hè năm 1963, hết đệ lục, tôi theo chị Ba ra thành phố học hè môn Pháp văn. Chị Ba thời Việt minh học hành dang dở nên sau 1954, phụ việc đồng áng với gia đình một thời gian rồi ra phố học tiếp chương trình đệ ngũ, đệ tứ để thi lấy bằng trung học.
Hai chị em ở trọ nhà ông bà Như, từ Cây Quăng hoặc sau bến xe đi vào chừng ba trăm mét, nhà chỉ cách bờ rào khuôn hội Vĩnh An một đường hẽm nhỏ chừng 2m. Ở đó, tôi được nghe tiếng chuông mõ, tiếng tụng kinh ngày rằm mồng một và chuông công phu sáng chiều. Gia đình ông bà đều là Phật tử thuần thành nên mỗi tháng ăn chay 2 ngày, chị em tôi cùng ăn theo nhưng kiến thức về đạo Phật của tôi lúc ấy quá nghèo nàn.
Gia đình tôi từ bao đời đều thờ cúng ông bà, thời cha tôi có thỉnh kinh Ông (Quan Công) về thờ và nghe kể lại cha tôi tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của việc thờ cúng này như dọn mình, ăn chay nằm đất mấy ngày trước khi đọc kinh.
Do khuynh hướng này, cùng với những khách quan của lịch sử, tôn giáo đối với gia đình tôi là điều xa lạ. Ngày ấy quê tôi chỉ có những vị thân hào nhân sĩ bạn với ông nội tôi theo và rủ rê ông tôi theo đạo Cao Đài, nhánh Tam kỳ phổ độ thuộc Tòa thánh Tây Ninh nhưng ông tôi từ chối.
Cả một vùng rộng lớn mấy chục cây số vuông chỉ có một nhà thờ Tin Lành phía trên chợ Đông Phú cách nhà tôi 7km, một nhà thờ Công giáo ở Hà Lam cách nhà tôi gần 20km, hầu như không thấy một ngôi chùa, phần nhiều là các Thánh thất Cao Đài xây dựng quy mô nhỏ. Mãi sau này, khoảng 1956-57 làng Thuận Long mới có một nhà nguyện Công giáo bằng tranh tre mà (hình như) hai giáo dân đầu tiên là mẹ con bà Luân và anh Năm Sắc, lúc đó có lẽ chính quyền Tổng thống Diệm phát triển Công giáo để chận đứng tuyên truyền CS ở vùng xa quận huyện!
Đó là những hiểu biết trong thời thơ ấu của tôi về các tôn giáo.

Chị Năm tôi khi đi học rồi ở lại Huế làm việc có duyên gặp gỡ và quen biết với một vị linh mục, cha Trần Thắng Trung người gốc Quảng Bình, vài nữ tu làm việc ở bệnh viện như soeur Félicité, soeur Margarita, về sau khi tôi ra học đại học có thêm soeur Jean du Calvaire cũng làm ở BV và qua giới thiệu của chị lúc đó đã chuyển về làm ở Đà Nẵng, tôi quen soeur Calvaire và được chị đối xữ như em (đỡ đầu)!
Ở cùng phòng với tôi trong cư xá có một anh bạn người Công giáo, hàng tuần đều đi lễ, tôi vẫn thường theo anh như là cách để hiểu đạo và đến gần Thiên Chúa vì trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ mình nhận được nhiều hồng ân Thiên Chúa qua tình thương yêu rất mực nhân danh Chúa mà chị Calvaire và cha Trung dành cho tôi. Và tôi cũng mong nhận từ Thiên Chúa một mặc khải, từ đó tôi sẽ trở lại đạo để thành con chiên của Chúa nhưng chuyện đó mãi rất lâu về sau cũng không thành!

1. Khi còn là sinh viên, từ Huế về Đà Nẵng thỉnh thoảng tôi đến thăm bác Đoàn Kim Vui, một công chức người Công giáo, có lần bác kể tôi nghe về một người nữ tu mà bác gọi là thánh nữ, thánh nữ Tê rê xa, kể về đức hy sinh của bà vì tình yêu Thiên Chúa, và tôi ghi lại một khẩu hiệu của bà như là một cách học tập đặt trên bàn học của mình, câu “Sacrifice par amour!”.
Sau này, đọc sách báo biết rằng có một người mà thế giới ca ngợi tình yêu của bà dành cho những con người nghèo đói, bệnh tật, mồ côi và không nơi nương tựa, đó là mẹ Tê rê xa mà tôi vẫn chưa nghĩ hai người kể trên là một!

 2. Cách đây không lâu, nhận được email một người bạn kèm theo một bài viết 14 trang ghi lại một cuộc phỏng vấn của tác giả với một nha sĩ người Mỹ gốc Việt, anh Nguyễn Bình về chuyến đi làm từ thiện của anh với tổ chức Arpan Global Charity đến Deesa, một vùng nghèo ờ Đông Ấn Độ và rất tình cờ, anh đến Calcutta ở Tây Ấn, giúp việc cho Missionary Sister of Charity, một tổ chức thiện nguyện của Mẹ Tê rê xa ở Ấn, giúp đỡ the poorest of the poor. Chuyến đi Calcutta đã làm anh nha sĩ hoàn toàn thay đổi nhân thức về cuộc đời, thay đổi cả nhân sinh quan khi anh viết: Ngày một, ngày hai trôi qua, mình bắt đầu nhận ra nhiều điều thay đổi trong tâm mình. Mỗi sáng, mình đứng nhìn dòng người dài ngoằn đang xếp hàng để được phân chia công tác. Có một hôm mình tò mò đứng đếm, trên 200 người mỗi ngày. Họ từ khắp nơi đổ về đây để làm từ thiện. Mình hỏi thăm, thì có người đến từ Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Chile, Brazil, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật, vân vân... và họ thuộc đủ mọi tôn giáo khác nhau. Ai ai cũng đều tự móc tiền túi ra để mua vé đến nơi này làm việc thiện. Mình đã tự hỏi rằng: "Tại sao? Công việc của các nữ tu trong Hội của Mẹ Teresa có gì mà hấp dẫn đến vậy? Hội chưa hề bao giờ quảng cáo, kêu gọi đóng góp, xin tiền... hay gì gì cả. Thế mà mọi người vẫn biết đến và tìm về".

Và rồi anh cũng tìm thấy câu trả lời như sau:
Tối về mình không ngủ được, cứ tự hỏi tại sao trên đời có nhiều người bất hạnh đến thế và lại có nhiều người hy sinh đến vậy? Động lực nào đã giúp các sơ luôn luôn mỉm cười mỗi ngày và vui sống? Tò mò lắm, nên mình đã sống và làm theo y hệt công việc của một nữ tu hằng ngày. Bảy ngày trôi qua đã giúp mình tìm ra đáp số. Có những đến 3 phần tạo nên câu trả lời đầy đủ nhất:
1. Nguyện cầu trong cuộc sống: Mỗi sáng sớm, các sơ đều tập trung tại nhà chính để đọc kinh và cầu nguyện. Các thiện nguyện viên đều vậy. Họ đến, không phân biệt tôn giáo, im lặng, ngồi bệt dưới đất và cùng nhau cầu nguyện. Họ cầu nguyện hết sức chân thành và liên tục trong 2 tiếng đồng hồ. Mỗi chiều sau khi xong công việc, các sơ lại họp nhau nơi đây và tiếp tục cầu nguyện trong một tiếng rưỡi đồng hồ, rồi mới đi ngủ. Mình đã tham dự những buổi cầu nguyện như vậy, và lần nào mình cũng đều xúc động. Mình biết là ở trên cao, Mẹ Teresa luôn mỉm cười khi các con của Mẹ đã và đang tiếp tục làm tròn nhiệm vụ Mẹ giao. Và mình hiểu ra rằng nhờ có sự che chở ban phước lành của Ơn Trên, các sơ mới làm được những điều vĩ đại ấy.
2. Sự đơn giản: Bạn cứ thử hình dung ra một buổi hội họp với hơn 200 người trong vòng 2 tiếng đồng hồ mà không hề có một tiếng phone reo? Con người ở đây sống với sự đơn giản tuyệt đối. Không cell phone, không máy fax, không wifi, không computer, không laptop, không internet, cũng không cần texting hay iPod. Họ không có cả cái ghế để ngồi. Ghế của họ là sàn đất, không xi măng, không gỗ, không thảm.Bởi thế suy nghĩ của họ đơn giản hơn chúng ta nhiều lắm. Không tính toán, không lo toan, không ích kỷ, không ganh tỵ hẹp hòi, không thù hằn đố kỵ. Và vì vậy đầu óc họ cũng thảnh thơi hơn chúng ta nhiều lắm. Không sợ mất nhà, mất tiền, mất job, không sợ tai tiếng thị phi, không sợ cả cái chết dù ngày mai có đến.
3. Niềm vui tự có: Lúc mới tới đây mình gớm công việc giặt đồ quá đi. Đã có lúc muốn bỏ về. Nhưng khi tiếp xúc với các em, mình mới nhận ra là mình hạnh phúc hơn nhiều người lắm. Mình không phải nghèo (the poor), còn họ lại là những người nghèo khổ nhất (the poorest). Họ không ăn được, không tự đái ỉa được, không tự lo được, thì còn gì là cuộc sống. Vậy mà đã có em bé nhìn mình cười. Nụ cười vô tư và dễ thương làm sao. Mình cười, nhưng tim mình thắt lại, và lòng mình chùng hẳn đi. Liệu em có hiểu biết gì không, có cảm nhận được gì không khi tặng mình nụ cười vô tư ấy? Có một buổi chiều khi làm xong hết việc, sắp đi về ngủ thì tình cờ mình trông thấy một bông hoa nở bên một khe lạch. Mình chạy lại xem ngay, và mừng rỡ đứng ngắm thật lâu bông hoa lạ kia. Hạnh phúc và niềm vui tự đâu cứ tràn về. Mình happy quá, vì mình còn đôi mắt để nhìn, để ngắm, còn đôi chân để chạy lại xem, còn hai tai để nghe tiếng nước chảy tí tách. Và mình chợt hiểu ra rằng niềm vui không phải là những trò game trên máy tính, không phải là những bữa ăn buffet anh ách cả bụng, cũng không phải là những text message cứ trao đổi nhau mỗi ngày xoành xoạch. Đừng tính toán cho cái tôi của mình nhiều quá. Khi không tìm thì niềm vui sẽ tự đến. Bảy ngày đã mang đến cho mình biết bao là niềm vui nho nhỏ...

Vui cứ đến mỗi ngày nho nhỏ
Như từng nụ hoa đỏ mọc bên hồ
Vui cứ đến tự bao giờ chẳng rõ
Như suối nguồn trăm ngách chảy trăm nơi...

 3. Trong lần về thăm một ngày giữa tháng 5, đến Sài Gòn ngày hôm trước thì hôm sau nhằm sinh nhật vợ tôi, vợ chồng cậu con trai tặng mẹ mấy quyển sách Phật, đứa cháu thì tặng dì cuốn sách đề tài Thiên Chúa giáo, tác giả là Mẹ Teresa:  NO GREATER LOVE (Trên cả tình yêu) loại sách Cửa sổ tâm hồn do Trí Việt phát hành. Sách dày 200 trang, ngoài một số trang giới thiệu, lời nói đầu, tóm tắt tiểu sử Mẹ, phần còn lại chia thành 12 đề mục: Cầu nguyện, Tình yêu thương, Trao tặng, Thánh thiện, Công việc và phụng sự, Chúa Giê su, Người nghèo và cảnh bần cùng, Sự tha thứ, Con trẻ và gia đình, Nỗi đau đớn và cái chết, Hội truyền giáo Bác ái, Đối thoại cùng Mẹ Teresa. Tuy thuộc về những vấn đề khác nhau nhưng đều sắp xếp theo một trình tự được tính toán, có quan hệ chặt chẽ và rất logique phản ánh niềm tin, những lời mẹ nói, những việc mẹ làm. Có thể nói tác phẩm này là một bức tranh về thế giới chúng ta đang sống, những thông điệp Mẹ gửi gắm cho chúng ta, tôi nghĩ sách rất cần cho độc giả tuổi trưởng thành, các bậc làm ông bà, cha mẹ. Tôi đã đọc đến hai lần, lần nào cũng thật sự xúc động và tôi đã tự trả lời được những thắc mắc từ xưa của mình: Vì sao các nữ tu dòng Saint Paul có thể hy sinh vô bờ bến trong việc phục vụ bệnh nhân ở bệnh viện, trong việc chăm sóc trẻ mồ côi chưa đầy tuổi và tàn tật ở các trại trẻ mồ côi cũng như những thắc mắc sau này dầu rằng mỗi lần nghe các soeur  khấn (khấn tạm, khấn lại hay khấn trọn đời) nhân ngày bổn mạng thánh Phao lô, tôi vẫn vô cùng kính phục : Tôi nguyện dâng hiến trọn đời tôi bằng các đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục trong hội dòng chị em Thánh Phao lô thành Chartre! Lý do đơn giản là Mẹ và những nữ tu trong Hội truyền giáo Bác ái của Mẹ nhìn thấy hình ảnh chúa Giê su trong những người khốn cùng, giúp đỡ họ tức là đã lo cho Chúa, họ tin điều đó và hằng ngày họ dốc lòng cầu nguyện để gìn giữ đức tin này. Mẹ từng nói: “Chúa Giê su cho tôi cơ hội cho Ngài ăn bằng cách cho những người đói khát ăn, cơ hội mặc cho Ngài bằng cách mặc cho những người trần trụi, cơ hội chữa cho Ngài bằng cách chăm sóc cho những người bệnh và cơ hội cho Ngài nơi cư trú bằng cách cung cấp chỗ ở cho những người vô gia cư và bị ruồng bỏ” (sđd trang 99)

Đã có quá nhiều sách vở, tài liệu, phim ảnh bài viết về Mẹ Teresa cả trên giấy lẫn trên internet, nhân loại đã ca ngợi Mẹ nhiều rồi, tôi không có tham vọng nói thêm nhưng chỉ xin nói rằng, cùng với hai cơ may gần đây để được biết về Mẹ và hội truyền giáo Bác Ái của Mẹ, tôi đã lục tìm thêm trên các trang mạng để tìm hiểu và qua đó, có thêm hiểu biết về một con người đáng tôn quý mà lâu nay mình chỉ biết một cách mơ hồ. Tất cả đã cho tôi thêm cách nhìn về cuộc đời, biết mình phải suy nghĩ, làm gì trong phần đời còn lại của mình và lần nữa tăng xác tín về một câu nói đọc được từ lâu của Léon Tolstoi: “Con người có tình yêu trong đời là có Chúa vì Chúa là tình yêu”.
                                              Bangkok, ngày bổn mạng thánh Phao lô 29.6.2013




21 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Anh có viết: mà tôi vẫn chưa nghĩ hai người kể trên là một! Đây là hai vị. Vị đầu là Thánh Nữ Teresa Hài Đồng (tk 19). Vị sau là Mẹ Teresa Calcutta (tk 20), Mẹ mới được phong Chân Phước, chưa phong Thánh.

    Trả lờiXóa
  3. Anh vẫn biết là có hai người nhưng sao câu "Sacrifice par amour" là của mẹ Teresa Calcutta kia mà? Nô check lại chỗ này giúp nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nô không tìm ra tư liệu gì cụ thể, nhưng câu "Sacrifice par amour" có thể là của Mẹ Teresa Calcutta nhiều hơn là của Thánh Nữ Teresa Hài đồng!

      Xóa
    2. Vậy thì chắc cụ Vui trân trọng quá nên tôn vinh Mẹ Teresa Calcutta là Thánh nữ rồi!

      Xóa
    3. Dẫu chưa phong thánh, nhưng cuộc đời và công nghiệp của Mẹ Teresa đã làm Mẹ trở thành Thánh trong trái tim của mọi người rồi, anh nhỉ!

      Xóa
  4. Mẹ Teresa Calutta, Bà xứng đáng là vị Thánh của những người cùng khổ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hy vọng là bác NHP cũng đọc "No Greater love" rồi! Nếu chưa, đọc đi bác nhé để anh em mình chia sẻ nhiều điếu.

      Xóa

  5. Hạnh phúc của một con người là làm cho người khác được hạnh phúc
    Ông Mác nói câu này chí lý

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng nhiều người theo đường của ông (và có thể theo nửa vời hoặc nhân danh ông) thì dẫn đến kết quả ngược lại anh Bu há?

      Xóa
    2. thì Chúa và Phật dạy toàn là những lời vàng ngọc cả nhưng có được bao người làm theo cho đến nơi đến chốn đâu anh!

      Xóa
    3. Nhưng lời Chúa và Phật dạy ít nhiều hình như không có phản tác dụng giao ơi!

      Xóa
  6. TT luôn gọi Mẹ. Một từ thiêng liêng

    Trả lờiXóa
  7. Lâu rồi không thăm anh HN. Hôm nay ghé được biết thêm mẹ.
    Để làm quà cho anh TT chưa nấu cháo, nên viết tặng anh câu chuyện phiếm.
    Một anh nọ từ bé rời làng đi học, anh thích thú nghiên cứu về Khổng học và rất lấy làm tâm đắc. Sau đó, anh về quê nói chuyện phiếm với một ông nông dân mù chữ còn sót lại trong làng.
    Ông nông dân bảo:Bà vợ tao thì tao chịu! không nói lý được, chỉ có nghe theo bả thôi. Giống như thằng Ba Xị xom dưới, nó từ nhỏ chẳng làm gì chỉ trộm vặt và nhậu đế với cóc ổi.
    - Cụ nói phải thì họ phải nghe chứ!
    - lại nói chuyện Tề Thiên, bả đời nào chịu nghe theo tao, còn thằng Ba Xị trời nói nó còn chẳng nghe nữa là!
    - Cha cha, cụ chắc có học kinh thư của Khổng Tử?
    - Tao chưa từng nghe tên ông thầy nào lạ vây! Ổng dạy mày cái gì mà bảo là tao học ổng.
    - Khổng Tử bảo: "Kẻ tiểu nhân và đàn bà khó dạy"
    - Có vậy mà mày cần phải học ổng sao? Có ai không biết điều đó!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn TT rất nhiều, chuyện nào của bạn cũng thâm thúy, cũng phải "nát óc" mới nghĩ ra, mà cũng chưa chắc đã "ra" theo ý tác giả. Có điều, thú vị lắm.

      Xóa
  8. Niềm vui tự có - đơn giản của sự giản dị ,anh ạ !

    Trả lờiXóa
  9. Hành thiện từ mỗi sát na, mỗi sát na qua đi đều có những con người, những sinh linh đang chìm trong đau khổ, bất hạnh và hạnh phúc, mà hạnh phúc thì ít ỏi quá nên mới có Mẹ. Chỉ một số ít người như mẹ nhưng đâu đó đã có người được ấm áp.

    Trả lờiXóa
  10. Nặc danh07:53 2/7/13

    Bà chủ trương sống khắc khổ để phụng sự nhưng có nhiều người trách là vì bà quen sống khắc khổ nên số tiền người ta dâng cho nhà thờ để cứu trợ người nghèo khổ bệnh tật đã không được sử dụng đúng mức. Người ta trách là bà đã không biết sử dụng nguồn tài chánh để làm vơi bớt nỗi đau của người nghèo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN cũng đọc trên tài liệu thấy có vài ý kiến chống đối bà, lúc đầu cứ nghĩ vội là tổ chức từ thiện của bà "lèm nhèm" trong chi tiệu, sổ sách nhưng đọc BT thì rõ rồi. Cám ơn Tám nhiều lắm.

      Xóa
  11. Hoàn toàn đồng ý với GM.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý có nghĩa là vẫn có vô vàn sinh linh đau khổ ở trong cõi đời này.

      Xóa

Flags..


Flag Counter