8/4/13

Gửi bài của người khác cho có



Đi chơi hai ngày, sáng sớm chỉ đủ thời gian để check mail và thăm trang Facebook. Về, vào blog, nhiều entry mới, chưa kịp đọc, phải khất lại với bạn bè. Hôm trước đọc “Vài chữ gọi là có viết” trên blog Chuyện bâng quơ của BT cũng chưa kịp viết comment dầu thấy không thể gọi theo cách khiêm nhường của BT là “gọi là có viết”.

Sáng nay đọc được một bài viết nói về văn chương, văn học  rất thú vị. Nghĩ rằng blog cũng là đất dành cho thơ văn nên HN chia sẻ với bạn bè, bắt chước cách đặt đầu đề của BT, cho vui.


Thư ngỏ của Trần Mạnh Hảo gửi Viện trưởng viện văn học
 Trần Mạnh Hảo


Kính thưa ông PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp Viện trưởng
Ông Viện trưởng kính mến,

Tôi tên là Trần Mạnh Hảo, quê Nam Định, sống tại Sài Gòn, tuổi đời thuộc lứa U70, viết văn làm thơ, viết phê bình văn học vô luồng ( không ở trong luồng cũng không ở ngoài luồng – vô lề :không ở trong lề phải mà cũng không ngoài lề trái) xin thưa cùng ông mấy việc như sau :

Việc thứ nhất : về tên gọi của cơ quan ông đang làm thủ trưởng : VIỆN VĂN HỌC

Thưa ông, theo thiển nghĩ của chúng tôi, gọi Viện Văn học là danh không chính nên ngôn không thuận, ngôn không thuận thì việc không thành ( lời Đức Khổng Phu tử)

Có lẽ những ai đặt tên cho cơ quan ông, một cơ quan nghiên cứu lý luận phê bình văn học  là VIỆN VĂN HỌC thực sự đã không rành rẽ tiếng Việt. Chưa ở đâu như ở cơ quan ông lại có nhiều người mang học vị tiến sĩ và học hàm giáo sư văn học như thế mà lại dốt tiếng Việt đến như thế. Có lẽ các vị PGS.TS, GS.TS nhiều như …thế chưa bao giờ mở từ điển ra coi xem từ VĂN HỌC nghĩa là thế nào ?

Chúng tôi xin tra từ điển dùm ông nhé : “ VĂN HỌC dt.Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, xây dựng hình tượng để phản ánh hiện thực : văn học dân gian-tác phẩm văn học-nghiên cứu văn học” ( trang 1796, Đại từ điển Tiếng Việt. NXB Văn hóa thông tin 1999).

Theo định nghĩa từ VĂN HỌC này, nội hàm của nó quy định phần lớn nghĩa của từ chỉ việc sáng tác văn học, sau rốt mới có tí ti : nghiên cứu văn học mà thôi.

Vậy, việc gọi tên cho một Viện chuyên môn làm nghiên cứu lý luận phê bình văn học là VIỆN VĂN HỌC là không chính danh, là các ông, xin lỗi rất dốt tiếng Việt. Khi đã dốt tiếng Việt cỡ thế này, thì làm sao các ông có khả năng nghiên cứu văn học đây ?
Nhớ thời hai vị tiền bối : GS. Đặng Thái Mai làm Viện trưởng và nhà văn, nhà phê bình Hoài Thanh làm viện phó Viện mang tên rất đúng tiếng Việt là VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HỌC.

Xin ông vì danh dự chung của giới cầm bút mà kịp thời bỏ cái tên KHÔNG CHÍNH DANH = VIỆN VĂN HỌC  đi để thay bằng tên ngày trước là VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HỌC, không Tầu nó ngó thấy sẽ cười vào mũi dân Việt Nam mà rằng : dốt thế này thì để cho NGỘ dùng lưỡi bò liếm mẹ nó nước NỊ đi cho khuất mắt.


Việc thứ hai chúng tôi xin thưa với ông là chuyện ông làm thành viên ban giám khảo cuộc thi thơ Làng Chùa, cùng với toàn Ban Giám khảo ( có cả ông phó chủ tịch Hội Nhà Văn VN Nguyễn Quang Thiều) đã cho một trường ca có tên “ Nơi ngày đông gió thổi” của tác giả Đinh Thị Như Thúy giải nhất, mà blog Văn chương+ đã tường thuật như sau :

NHÀ THƠ ĐINH THỊ NHƯ THÚY – TRẠNG NGUYÊN GIẢI THƯỞNG THƠ LÀNG CHÙA VÀ TRƯỜNG CA “NƠI NGÀY ĐÔNG GIÓ THỔI”

Vừa ẵm giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy lại chơi thêm cái giải trạng nguyên thơ làng Chùa nữa. Nhưng là làng thơ được cả nước biết tên tuổi. Quả là phúc trùng lai. Cái làng này lạ, tổ chức thi thơ mà đến cả Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều về làm thư ký thơ làng.
Ban Giám Khảo thì toàn cây đa, cây đề như Viện trưởng Viện văn học Nguyễn Đăng Điệp, Phó GĐ Nxb Hội Nhà văn Trần Quang Quý, nhà thơ Mai Văn Phấn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội – Dương Kiều Minh, rồi nhà thơ Y Phương… nhìn vào BGK mà suy ra kết quả giải hưởng cuộc thi. Giải làng mà quy tụ được quá nhiều anh hùng và giai nhân về chơi hội. Sáng nay 9h ngày 17/3/2012, tại Làng Chùa, Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội diễn ra Lễ trao giải thơ rất độc đáo này. Trân trọng giới thiệu, bài thơ đoạt giải nhất của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy với bạn đọc. (Văn chương +)”

Tạp chí nhà văn đã in lại lời tuyên dương có cánh ca ngợi hết lời “ Nơi ngày đông gió thổi” của ông, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp Viện trưởng viện văn học như sau :

“Nơi ngày đông gió thổi”… có sự kết hợp hài hòa giữa thực và ảo, giữa hơi thở thao thiết của tình yêu và hạnh phúc, cô đơn và đau khổ… Hấp lực thơ Đinh Thị Như Thúy không nằm ở những cách tân táo bạo, những cách nói gây sốc mà là sự trường sức và phóng khoáng của một trường liên tưởng mạnh với nhiều hình ảnh đẹp, gợi cảm và đầy nữ tính…
Trao-gia-cuoc-thi-Tho-ca-va-nguon-coi-lan-thu-II-1117/

Chúng tôi đã vào công cụ tìm kiếm  http://google.com đánh tên “ Nơi ngày đông gió thổi- Tiền Vệ” tìm thấy bài thơ này dài đến nỗi tôi đã đọc trong bốn tiếng đồng hồ mới hết. Chúng tôi thấy “ Nơi ngày đông gió thổi” không phải là thơ mà là một bài văn xuôi huyên thuyên dễ dãi viết không chuẩn tiếng Việt.

Chúng tôi mong ông và các ông trong ban giám khảo giải thơ Làng Chùa, cùng các PGS.TS va các GS.TS nơi Viện ông hãy thương lấy chúng tôi cùng mà viết bài lên báo phân tích vì sao một bài thơ nhạt nhẽo và dở cỡ nhất thế giới như thế lại được các ông vinh danh thành trạng nguyên thơ Làng Chùa ? Chúng tôi sẵn sàng tranh luận với cả Viện của ông và cả Hội của ông Thiều.
Nếu các ông cứ im lặng không trả lời yêu cầu này của tôi thì việc trao giải thơ Làng Chùa này đích thị là việc treo đầu dê bán thịt chó, đánh lừa giới văn học cả nước, làm sai lạc thẩm mỹ thơ lớp trẻ, gây đại họa cho văn học Việt Nam. Và như thế, ông Viện trưởng sẽ bị mang tiếng mãi là người không hề biết tí ti gì về văn học, không có thẩm mỹ thi ca chân chính, sao lại làm Viện trưởng Viện Văn học được ?


Việc thứ ba là chuyện Viên Văn học của ông chuẩn bị hội thảo : ““Nguyễn Quang Thiều trong sự đổi mới thơ Việt Nam đương đại”

Nhân dịp “Châu thổ”, thơ tuyển lần thứ nhất của tác giả Nguyễn Quang Thiều được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, Viện Văn học tổ chức Tọa đàm khoa học “Nguyễn Quang Thiều trong sự đổi mới thơ Việt Nam đương đại”. Qua trường hợp thơ Nguyễn Quang Thiều, tọa đàm hướng đến việc tìm hiểu và định giá thơ ca của Nguyễn Quang Thiều như một tiếng nói đại diện của thế hệ nhà thơ sau 1975 trong bối cảnh của quá trình đổi mới thơ Việt Nam đương đại”

Chúng tôi thấy thơ ông Nguyễn Quang Thiều viết rất dễ dãi, tào lao, nếu chọn cho ông này năm bài thơ hay để vào tuyển thơ hay e rằng không có. Xin ông xem bài viết của chúng tôi về thơ ông Nguyễn Quang Thiều : “ Về trường phái thơ “TÂN…CON CÓC” của Nguyễn Quang Thiều”, hãy đánh tiêu đề này vào công cụ tìm kiếm http://google.com để tìm sẽ thấy ít nhất 50 web và blog có in bài này.

Vừa qua, chúng tôi có viết bài phê bình thơ ông Nguyễn Quang Thiều và một số nhà thơ cùng trường phái thơ “ Tân…con cóc”. Ông Thiều không tranh luận lại mà lên mạng Internet chửi chúng tôi như một ả mất gà rằng :

“Ông Hảo có viết thơ thì chắc không phải là kẻ ác độc đến tận cùng. Nhưng ông ấy là kẻ vô phúc. Kẻ vô phúc thì đáng thương hơn là đáng giận con ạ. Chắc thể nào trước khi chết, ông ấy sẽ nhận ra điều đó. “…“làm điều bẩn thỉu”
“Nhưng với những gì anh viết về tôi ( tôi xin nhấn mạnh: không liên quan đến thơ ca của tôi ) tôi chỉ còn biết nói với anh một câu duy nhất: anh là một thẳng đê tiện và bỉ ổi.”…Ký tên Nguyễn Quang Thiều.”
Tin-tuc/Nha-tho-Nguyen-Quang-Thieu-
Pho-chu-tich-HNV-Viet-Nam-chui-nha-tho-Tran-Manh-Hao-408/

Một người làm thơ dở khi bị phê bình chửi người khác là “Thằng đê tiện và bỉ ổi” kiểu ông Nguyễn Quang Thiều chửi chúng tôi như trên, trong lịch sử văn học nước nhà chắc chưa ai dám hành xử kiểu này ? Một người có nhân cách và hành vi đầu đường xó chợ như thế này, người đó có xứng làm phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam hay không, có xứng được Viện Văn học của ông vinh danh bằng một cuộc hội thảo sang trọng  đến thế hay không, thưa ông PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp ?

Mấy yêu cầu nhỏ nhoi của tôi mong ông trả lời, cốt là để giữ danh dự cho ông và nền văn học nước nhà hầu như đang bị bọn đầu cơ …thao túng, nhằm kết liễu nền văn chương đương đại Việt Nam.

Kính chúc ông và gia đình mạnh khỏe

Trân trọng kính chào ông :
Thường dân : Trần Mạnh Hảo
Sài Gòn ngày 20-6-2012
Trần Mạnh Hảo


11 nhận xét:

  1. Kiều này thì MTB không thể gọi là anh Nô mà phải gọi là bác về cái khoản tem!
    Có những điều mình nhìn mà không thấy, có người thấy giúp; nói mà không nói được, có người nói giúp há chẳng vui sao??

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gọi bằng Bác Nô lâu rồi mà anh Hongngoc, giờ phải gọi lại là Cụ Nô thôi...haha

      Xóa
  2. Trước hết bái phục thường dân Trần Mạnh Hảo về những nhận định sắc bén qua lá thư ở trên.

    Hai nữa là bái phục luôn người đi lụm bài này về đây, chẳng phải là "Gửi bài của người khác cho có " cho có đâu! mà là giúp các bạn chưa thấy chưa biết cùng biết đó. Cám ơn nha! bạn gầy.

    Trả lờiXóa
  3. Thế chứ ,muốn làm gì thì làm à?

    Trả lờiXóa
  4. Văn thi sĩ mà cũng biết chửi nhau sao anh HN? Thất vọng quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giáo làng ơi! TT thất vọng về GL một chút (không phải thất vọng quá!) vì GL không biết chữi nhau trong làng thơ ư!
      Bảo mã tây phương huếch hoác lai,
      Huyênh hoang nhân tự thác đề hồi.
      Viên trung oanh chuyển "khề khà" ngữ,
      Dã ngoại đào hoa "lấm tấm" khai.
      Xuân nhật bất văn sương lộp bộp,
      Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài.
      Khù khờ thi tứ đa nhân thức,
      Khệnh khạng tương lai vấn tú tài.
      Cao Bá Quát
      Đó là chưa kể cụ Trần Tế Xương chữi văng vãi xít con bọ hung...
      Dù chữi cách nào cũng là chữi cả mà GL. TT đã chữi đổng và bi giờ chữi tiếp cho GL nghe nhé! Có vậy GL mới biết "trong thơ nên có chữi" và "nhà thơ cũng phải biết bung xung"
      Trạng thi … toe toét ngẩn cao đầu
      Tiết tấu, lời vần chẳng thấy đâu
      Mã mẹ ca từ chôn mất nghĩa
      Mồ cha di huấn lấp vùi câu
      Văn xuôi rời rạc, thưa đầu chó
      Thơ ngược lập lờ, rậm đít trâu
      Lơ láo tấn tuồng trao giải “rút”
      Giữ mà không chặt … lộ chùm râu

      Xóa
  5. Việc cậu bé thần đồng 11 tuổi là sự kiện hot!!! TT nghĩ mọi đứa trẻ đều đẹp đều là thiên thần mà chẳng cần là thần đồng. Thiên thần của yêu thương và thần đồng tự mỗi người cân nặng nhẹ. Việc cô người mẫu xinh đẹp "óc rỗng" phát biểu những câu để thiên hạ ném đá cũng được đăng tải làm sự kiện hot. Tự mỗi người cân nhắc nó có đáng phí một chút quan tâm không?
    Theo link
    http://vanchuongplusvn.blogspot.com/2012/03/nha-tho-inh-thi-nhu-thuy-trang-nguyen.html
    TT đọc và chợt tự hỏi mình quá ngu dốt để không biết mình đang đọc cái quái quỷ gì hoặc nó quá siêu phàm... đến không tưởng.
    Rồi qua nội dung liên quan thì TT chợt nghĩ nó là một trò hề lố lăng ... như vô vàn những trò hề khác.
    Phải chăng nó cũng được hot! Nhờ ném đá mà ai cũng biết.
    Đinh Thị Như Thúy sẽ được nhiều người biết đến. TT chợt nhớ như Milady với dấu nung hoa huệ để 1 khắc được vinh danh.

    Trả lờiXóa
  6. 1- Bu tui không phải nhà ngôn ngữ học nên không hiểu được ông Hảo đúng hay sai đến đâu. Nguyên việc ông chê cả cái viện ấy dốt tiếng Việt, nghe không ổn. Tại sao ông Hảo không nói từ tốn hơn, có văn hóa hơn. Không biết cái viện của ông Điệp có chức năng gì, biết đâu ngoài nghiên cứu văn học ra có những việc khác không phải nghiên cứu văn học thì sao?? Đặt tên viện Văn học, chắc các vị lãnh đạo phải có cái lý của họ. Không thấy ông Điệp phản ứng vụ này, hay ông cho ông Hảo nói tào lao nên không thèm chấp… hihihi.
    2- Việc nhà thơ Đinh thị Như Thúy có xứng đáng trạng nguyên trong cuộc thi thơ làng Chùa hay không ta sẽ nói sau. Ông Hảo viết “Cái làng này lạ, tổ chức thi thơ mà đến cả Phó chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều về làm thư ký thơ làng”. Sao lại lạ? ông Thiều sinh ra và lớn lên ở làng Chùa, ăn rau khúc, rau lang, dế, và châu chấu làng chùa mà lớn lên. Trước khi thành nhà thơ, rồi làm ông nọ ông kia, Thiều là công dân làng Chùa, vậy thì làm thư ký trong hội thi thơ của làng là phải chứ sao?
    Về lý do trường ca “Nơi ngày đông gió thổi” được trạng nguyên thì ông Điệp đã nói: “Nơi ngày đông gió thổi”… có sự kết hợp hài hòa giữa thực và ảo, giữa hơi thở thao thiết của tình yêu và hạnh phúc, cô đơn và đau khổ… Hấp lực thơ Đinh Thị Như Thúy không nằm ở những cách tân táo bạo, những cách nói gây sốc mà là sự trường sức và phóng khoáng của một trường liên tưởng mạnh với nhiều hình ảnh đẹp, gợi cảm và đầy nữ tính…” Ông Hảo không đưa ra lý lẽ gì cụ thể đề phủ định nhận xét trên, mà chỉ nói chung chung ““ Nơi ngày đông gió thổi” không phải là thơ mà là một bài văn xuôi huyên thuyên dễ dãi viết không chuẩn tiếng Việt.”Nói thế nghe thiếu sức thuyết phục.
    Trường ca của Đinh thị Như Thúy gồm 21 đoạn mà theo đường link của ông Hảo giới thiệu chỉ có 4 đoạn, nên bu tui không thể nói chắc được điều gì về trường ca này. Với lại cuộc thi thơ ấy có 1 người giải nhất, 2 người giải nhì, 3 người giải ba. Biết đâu trong 6 người thì thơ của 5 người kia dở hơn so với thơ cô Thúy, vậy Thúy giải nhất là hợp lý.
    3- Trong tọa đàm Khoa học thơ Việt Nam hiện đại & Nguyễn Quang Thiều ngày 28.6.2012 ở Hà Nội, nhiều nhà phê bình, nhà thơ ngợi thơ Thiều.
    * Nhà thơ Inrasara: Nhà thơ vừa xuất hiện đã tìm thấy giọng thơ riêng là điều hiếm. Hiếm hơn nữa khi giọng thơ đó có sức lan tỏa khá rộng. Với thế hệ đi sau ở miền bắc Nguyễn Quang Thiều làm nên sự thể ấy.
    * Mai Văn Phấn: Thơ ông tỏa sáng và khuynh loát trong nhiều đề tài với những cách biểu hiện khác nhau, với nhiều cung bậc cảm xúc vượt khỏi phạm vi cảm hứng hiện thực và cả siêu thực.
    Ông Hảo chê thơ Thiều “viết dễ dãi tào lao” nhưng lại không đưa ra dẫn chứng nào. Nên nhớ là thơ hiện đại khác với thơ dưới hiện đại. Người hát được dăm ba bài đi nghe giao hưởng cổ điển kể như vịt nghe sấm. Cậu học trò cấp 3 sẽ không hiểu được Lô ba sep ski khi ông nói hai đường thẳng song song có thể cắt nhau ở một điểm, ba góc trong của một tam giác cộng lại có thể khác 180 độ.
    Hy vọng ông Hảo không phải là người nghe giao hưởng cổ điển và cậu học trò nọ.

    Trả lờiXóa
  7. Bu tui định viết thêm về trích ngang Trần Mạnh Hảo nhưng còm trên dài quá nên thôi.
    Chúc anh Hồng Ngọc một ngày vui
    Bài trên bu tui sót chứ ca..."Nhà thơ ca ngợi Thiều"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN rất trân trọng những nhận định có lý có tình của anh Bu, từ lâu HN vẫn biết ông TMH khá là bổ bả trong nhiều bài viết, tham luận nhưng không dưng mà lão Thiều bị ông Hảo đập, chẳng qua cú đập này chưa đủ trọng lượng để thuyết phục được những người nghe "có số má" thôi anh Bu ơi.

      Xóa

Flags..


Flag Counter