Những ý nghĩ
rời nhân tháng tư.
“Tháng Ba đã qua rồi và mùa hè sắp
đến. Mỗi ngày với em đang là một kì diệu được trông đợi anh à.” (Trích
thư của người quen, ba mươi tám tuổi)
1.Tháng tư, những
bài viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân kỷ niệm 12 năm ngày mất của ông trên blog,
trên FB, trên internet, những chương trình ca nhạc tưởng niệm ở các thành phố
lớn, hát nhạc TCS ở các quán café tỉnh lẻ cho thấy rằng công chúng yêu nhạc vẫn
còn nhớ ông, nói cách khác, ông vẫn tồn tại đâu đó bên đời của nhiều thế hệ.
Cho hay, đàng sau
mọi đồn đoán, mọi tị hiềm, mọi âm mưu, định kiến…bài viết của Trịnh Cung, Liên
Thành… cả những bài ca ngợi, xưng tụng ông rồi cũng sẽ theo thời gian phai nhạt
dần, chỉ còn lại nghệ thuật âm nhạc của ông trong lòng công chúng như nhạc Phạm
Duy, như thơ Bùi Giáng, như những tiểu luận về các vấn đề triết học của Phạm
Công Thiện…
Tưởng nhớ TCS với
tôi trong những ngày này, không hiểu sao tôi cứ nhìn thấy lại hình ảnh Khánh Ly
trong một chương trình ca nhạc của đài THVN trước 1975 phát ở Sài Gòn khi Khánh
Ly ở độ tuổi vừa 30 giới thiệu bài “Để gió cuốn đi” trước khi hát. Tôi còn nhớ
(gần như) nguyên văn lời giới thiệu này. Và tôi cứ lẩm nhẩm hoài để rồi viết comment
cho một người bạn: “Sống trong đời sống,
cần có một tấm lòng”, ôi, cần biết bao, đáng quý và trân trọng biết bao …những
tấm lòng bè bạn.
2. Tháng tư, lác
đác đã thấy vài bài viết về sự kiện 1975.
Thử tưởng tượng
rằng trong ngày mở đầu tháng 3.1975, một bé gái chào đời, đi học, ra trường, lập
gia đình, sinh con đẻ cái, ba mươi tám năm sau bé gái đó đã là một phụ nữ trung
niên, nếu ở nông thôn có thể đã có cháu nội, cháu ngoại. Vậy mà…
Nhớ lại hồi tôi
còn ở nhà quê, thập niên 1960’s, thấy trong nhà có tờ truyền đơn, thường do máy
bay L-19 rãi xuống những nơi nghi ngờ là có Việt cộng hoạt động để kêu gọi
chiêu hồi in bài thơ chép tay lấy từ ba lô của một anh bộ đội tử trận ở Quảng
Ngãi (lấy thủ bút làm bản kẽm để in), gửi về cho mẹ là bà Trần Thị Phần ở Hải
Dương, bài Thư gửi mẹ, kể lại việc
hành quân từ Bắc, qua Lào vào miền Trung và những chuyển biến tư tưởng khi đối
chiếu giữa điều được nghe trước khi vào Nam với những gì anh đã chứng kiến bằng
nhiều câu thơ thật xúc động:
Những chiều Trường Sơn núi rừng cô quạnh.
Mẹ hiền ơi con chợt nhớ quê mình
Khói lam chiều, giàn mướp lá lên
xanh
Con bướm nhỏ, mái đình xưa ôi, nhớ quá!
Anh nhìn thấy
miền Nam
không khác gì quê anh ngoài Bắc:
Cũng bóng dừa xanh, cũng những con
đường
Con trâu về chuồng, tiếng tiêu gợi nhớ
Anh bâng khuâng
khi phải làm nhiệm vụ người lính theo mệnh lệnh cấp trên dầu trong lòng không
muốn:
Xóm dưới làng trên niềm vui ngây
ngất
Sao
người ta bắt con đốt xóm, phá cầu?
Phải gài mìn, gây tang tóc thương đau?
còn đây nữa:
Đã
bao lần tay con run rẩy
Khi gài mìn để sau bỗng thấy
Xác người tuôn máu đổ chan hòa
Máu của ai, của bà con ta, của những người như con như mẹ! .
Rồi anh kết luận:
Đêm hôm ấy mắt con nhòa lệ
Ác
mộng về, con trằn trọc mãi không yên!.
Có thể có người
cho rằng đây là bài thơ dựng lên cho việc chiêu hồi nhưng nếu là có thật thì sau
chừng ấy năm, hài cốt anh có được đem về đoàn tụ với gia đình bà Phần và gia
đình bà có được hưởng chế độ gia đình liệt sĩ hay bị ghép tội là có con phản động về tư tưởng, nối giáo cho
giặc! ??.
3. Tháng tư, sinh
nhật cô bé học trò tôi dạy kèm ở nhà từ lớp 9 đến 12 khi tôi là sinh viên học ở
Huế, em là cô bé học trò ngoan, học giỏi và xinh đẹp, có năm được trường Đồng
Khánh Huế chọn sắm vai bà Trưng cưỡi voi diễu hành qua các phố lớn ở Huế trong
dịp lễ Hai Bà Trưng.
Bốn năm ròng, mỗi
tuần 3 buổi, mỗi buổi hai giờ, biết bao nhiêu kỷ niệm!
Mất dấu nhau một
thời gian dài rồi gặp lại khi em đã là trưởng khoa một bệnh viện lớn cấp tỉnh,
em than phiền về quan hệ trong gia đình không như mong muốn, hơi thất vọng về
chồng con nên đã chọn con đường tiếp tục học như em vốn rất ham học từ xưa và
rất may, em xong bằng Tiến sĩ Y khoa không lâu thì cả gia đình xuất cảnh, tôi
cứ hy vọng sự kiện này sẽ giúp em tìm thấy những thay đổi tích cực hơn.
4. Khi “Bên thắng
cuộc” vào tay mình năm ngoái, tôi đọc ngốn ngấu, bỏ qua những chương mục chưa
cần quan tâm, bây giờ đọc lại tập 2 : “Quyền bính” mới thấy những mất mát lớn
lao từ sau ngày đất nước thống nhất về con người, về lãnh thổ, về cơ hội phát
triển đất nước, về niềm tin của cán bộ đảng viên và nhân dân, của quốc tế đối
với đảng cầm quyền.
Vết thương do
chiến tranh chống Mỹ chưa liền da thì vết thương do chiến tranh biên giới Tây
Nam rồi biên giới Bắc tấy ra, mất mát liên hệ đến nỗi đau của những người mẹ,
người vợ thật không cùng, bất giác tôi liên tưởng đến thân nhân của những người
ngã xuống ngay cửa ngõ vào Sài Gòn những ngày cuối tháng tư 1975, của những
người chết trong các trại cải tạo từ Nam ra Bắc, của những người chết vì đói
khát, bị hải tặc hãm hiếp, bị chìm ghe trên đường vượt biển…
Tháng tư, tôi
cũng lại thản mản nghĩ về nỗi đau của người vợ người chiến sĩ tình báo, nhà báo,
nhà văn Vũ Bằng lặng thầm chịu đựng sự khinh bỉ của bà con, của xóm giềng nơi bà sống ngoài Bắc khi chồng bà lên đường
làm nhiệm vụ trong lớp vỏ của một người di cư vào Nam, theo giặc (!). Và sau
1975 một thời gian lâu ông mới được ra công khai, khi về lại miền Bắc để có thể
ăn “Món ngon Hà Nội”, để kể vợ nghe
những “Thương nhớ mười hai” của mình thì
bà đã qua đời!
![]() |
Nhà văn Vũ Bằng và vài tác phẩm của ông |
Những người cầm
nắm vận mạng đất nước này không có cách nào khác hơn để tránh những oan nghiệt
này hay cộng nghiệp của dân mình lớn đến mức phải lãnh những chuyện nói trên,
không cách nào khác hơn để nhà tù ở VN bớt đông đúc hơn, ngày xưa thì sĩ quan và binh lính chế độ cũ, ngày nay
thì bọn trộm cắp, cướp giật, bọn tham nhũng tép riu, bọn lừa đảo và những người
yêu nước hay sao??
Lần này DT nhất định dành quyền mở hàng cho bài viết này của anh HN vì những tản mạn sâu lắng của anh. Cảm ơn anh đã chia sẻ những cảm xúc đẹp đẽ này, DT rất thích!
Trả lờiXóaLâu rồi DT đi đâu mãi nay mới về lại blog này, mừng ghê! Cám ơn DT đã mở hàng, đọc và còn khen nữa. Chắc HN hên rồi! (Hèn chi cả nhà chỉ mình HN được/ bị xịt và tạt nước trong lễ hội Songkran). Haha
Xóagiao qua trễ rùi nè, hic... dzậy mà anh còn cười haha nữa chứ!
Trả lờiXóanhững ý nghĩ rời của anh cũng đủ đúc kết lại nhiều điều lắm và làm người ta cứ ngẫm ngợi mãi ko thôi...
anh bị xịt chưa thấm vào đâu, giao mà cầm "vũ khí" là anh bị ướt còn hơn chuột, hehe...
Vậy cho nên mới không có hân hạnh được giao XỊT! Bên này ướt càng nhiều người ta càng mừng, cho như thế lả hên! Hôm nào "ngẫm" xong rồi "đúc kết lại" cho HN nghe với nhé.
XóaTháng tư nhiều bôn ba..
Trả lờiXóaChiều tối về đọc tiếp nha anh HN.
Chiều nay đã đọc hết bài THẦY viết về tháng 4 nhiều đau thương thổn thức, chúng ta vẫn thấy đầy rẫy những vết thương mà tự mỗi người trong cuộc phải tự mình hàn gắn lại. Nhưng hình như chúng ta vẫn chưa nhìn thấy ánh bình minh bừng thật sáng như mong muốn..
Trả lờiXóaSáng nay thấy trời nhuộm xám, bên ngoài trời đang trở mùa, trời đang rơi hạt mưa rồi thầy HN ạ. Ngày mai trời sẽ nắng!
Cũng cố mà hàn gắn thôi GM ơi, hôm nay là ngày mai của hôm qua GM nói, nắng chưa? Hồi đó nói là "hết mưa rồi sẽ nắng" là chắc như cùi bắp lép!
XóaAnh HN nhắc đến những Trịnh Cung, TCS, PD, Phạm Công Thiện... là những người tôi đã đọc, xem tranh, hay nghe bài hát từ thuở còn đi học.
Trả lờiXóaCám ơn anh về những ký ức tháng tư...
Thiệt tình có người chia sẻ như anh NHP là HN vui lắm, cám ơn anh.
XóaÀ, câu chuyện ở mục 3 thật hay nhỉ!
Trả lờiXóaLàm bà già chợt nhớ đến mấy câu ca dao:
"..Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?"
hihi để bây giờ chỉ biết ngồi than thở:
"Bốn năm ròng, mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi hai giờ, biết bao nhiêu kỷ niệm!"
Vụ này lại là đầu đề của một câu chuyện khác GM ơi! (viết lâu rồi, không post lên blog mà sẽ ở một chỗ khác, biết đâu, nếu có duyên sẽ mời GM đọc).
XóaNỗi đau không của riêng ai !
Trả lờiXóaChỉ cần thế này thôi anh HHP ạ. Cám ơn anh nhiều.
XóaĐất nước mình tháng tư đầy ắp sự kiện.
Trả lờiXóa1- Với nhà văn Vũ Bằng “Tháng tư mơ đi tắm suối Mường”, suối Mường còn đó mà ông thì thành người thiên cổ mất rồi. Với bu “Thương nhớ mười hai” của ông là một kiệt tác.
2- Liên tục trong 38 năm nay cứ tháng tư đến, bộ máy tuyên truyền lại nói về ngày 30.4.1975. Bên thắng cuộc thì hân hoan niềm vui, bên thua cuộc xót xa uất hận. Nhưng thắng thì được gì nào? Độc lập? Giặc Tàu chiếm đất liền, chiếm biển đảo. Tự do? Hô đã đảo bọn đại Hán xâm lược thì vào tù. Ngẫm ra thắng thua cũng chỉ là tương đối mà thôi
3- Tháng tư lại thấy chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập hồi 75, hóa ra xe tăng biểu diễn. Thử hỏi bộ đội tiến ngoài đường vào dinh theo xe thì ai ngồi trong dinh chụp ra mà thấy đầu xe vậy. Người chụp cảnh phục dựng ấy là nhiếp ảnh gia Trần Mai Hưởng. Người ta tuyên truyền lấy được, bất chấp sự thật lịch sử.
4- Mãi đến tháng tư 2006 đọc bài viết của đại biểu Quốc hội – sử gia Dương Trung Quốc trên tạp chí Xưa &Nay mới thấy lịch sử bị xuyên tạc đến cỡ nào. Trung tá Bùi Văn Tùng chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 là người thảo văn bản đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh đọc trước đài phát thanh Sài Gòn. Lúc này đại úy Phạm Xuân Thệ trung đoàn phó trung đoàn 66 được ông Tùng phân công ngồi cùng ông Minh trên xe jep đến đài phát thanh, ông Tùng không ngồi cùng kẻ thua cuộc mà đi xe sau. Năm 2006 ông Tùng bị tai biến đi xe lăn, ông Thệ đã là trung tướng tư lệnh quân đoàn I. Có lẽ trung tướng cho rằng đồng chí Tùng lú lẫn mất rồi nên tuyên bố rằng ông mới là người thảo văn bản đầu hàng cho ông Minh đọc. Viện Quân sự bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo kết luận theo ý kiến ông Thệ. Không ngờ ông Tùng còn đủ minh mẫn viết thư gửi Viện lịch sử Quân sự nói rằng văn bản ông viết còn lưu trử ở bảo tàng, hãy đưa ra mà đối chiếu với lời đọc của tổng thống Dương Văn Minh, xem thử có sai chứ nào không. Lại đưa văn bản ông Thệ viết mà đối chiếu với lời ông Minh xem nó ra sao?
4- Thấy anh Hồng Ngọc nói về kỷ niệm tháng tư bu tui đâm dài dòng chút xíu, hy vọng không phiền lòng chủ nhà??
Tự nhiên bu nhớ lại một câu của sử gia nọ bảo: “Lịch sử là nói lên cái tệ hại hôm qua để chịu đựng cái tệ hại hôm nay”. Chủ nhà là người dạy sử, thấy nó quá cực đoan phải không? Nhưng ở cái thời lịch sử, văn chương, nghệ thuật …chỉ là minh họa ý tưởng các chính khách thì nó cũng không hoàn toàn sai.
Cám ơn anh Bu nhiều, hai mục 3&4 trong cmt của anh thú vị lắm! Tôi chưa được đọc bài trên Xưa&Nay, chỉ biết vụ xe tăng này là "trò mèo". Mãi sau này đọc "Bên thắng cuộc" của Huy Đức thì thấy chuyện xe tăng lại thêm một trò mèo nữa! Hồi kháng Pháp có một anh bộ đội tên là Hồ Thấu nghe nói bà con gì gì đấy với ông Hồ Nghinh ở trung ương có 2 câu thơ: "Chiến trường ai khóc chia phôi/ Khải hoàn ai nhớ tới người hôm qua?" cũng thấm thía buồn phải không anh? HN cũng cầu được lâu lâu các anh vào đọc mà viết comment cho thêm nhiều thông tin, nhận định quý hóa lắm chứ, sao lại phiền? Thêm một cuối tuần nữa rồi anh Bu ơi!
XóaTT đọc bài buồn lắm, lại liên tưởng đến Nguyễn Ánh tranh được ngai vàng. Thương cảm cho Vua Quang Trung thì ít, đau xót cho Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu thì nhiều. TT trật đường rầy (đọc bài anh HN mấy lần rồi mà cái cảm xúc về lịch sử cũ cứ lãng vãng) nên chén cháo cóc này không hẵn là lời còm theo bài anh viết, gọi là qua thăm hỏi anh HN vậy!
Trả lờiXóaBán nước
Hổ thẹn cho con cháu lạc hồng
Tranh ngai dẫu được cũng bằng không
Ngoại tranh xác rữa xương thành núi
Nội chiến thây phơi máu chảy dòng
Một mẹ quê hương phân tuyến lửa
Ba miền xứ sở dựa bờ đông
Vương quyền Nguyễn Ánh. Càng thêm nhục!
Rước giặc, vua thành chú gấu bông!
TT không hề dérailler tí nào! Với anh em mình và cách riêng, với HN thì chén cháo cóc này thành chén cháo...yến! Cám ơn TT, thi thoảng vào thăm HN nhé.
XóaCảm ơn anh HN về bài viết rất chân thực , cảm động . ! Hy vọng những nỗi buồn (trong lòng người ) sẽ nguôi ngoai & ánh sáng của niềm tin & tình yêu sẽ chiếu sáng ! Vivre pour esperer ( and vice versa ! )
Trả lờiXóaCám ơn những ký ức thật sâu lắng về tháng 4 của Sư phụ !
Trả lờiXóa...
Biết nói thế nào đây khi cuộc sống hôm nay vẫn đầy nghịch cảnh. Biết đến bao giờ lòng nhân mới rộ nở trên mảnh đất này đây?
Biết đến bao giờ !!!