2/1/12

Bánh chưng
Jan 8, 2012 3:21 AMPublicPageviews 8 7
Năm dương lịch 2012 đã qua một tuần, chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết nguyên đán. HN gửi đến bạn bè blog bài viết của một người bạn ở xa với ước mong mọi người sẽ thấy vị bánh chưng ngày Tết ngon hơn. Do nội dung bài này chiếm đến 11 trang A4 nên "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ" các bạn tự sắm, cây nêu chắc là ở thành phố không chỗ cắm,riêng pháo thì...nhà nước cấm!

 


Chuyện cái bánh chưng
Thái Cát


Xác định:
Bốn chữ “Chuyện cái bánh chưng” là tiếng Việt Nam. Rõ hơn phải nói là tiếng Việt Nam-Mường. Rõ hơn nữa, là tiếng Việt Nam-Mã Lai. Bốn chữ này hoàn toàn không có dính dáng tới thứ tiếng của người Trung Hoa, tức là tiếng Tàu. Tuy ghi dưới dạng chữ gốc La Tinh nhưng không phải vì vậy mà trở thành “Chữ nước ngoài” hay “Tiếng nước ngoài” như các Cụ có tinh thần Cực Đoan Phong Kiến rất sính chữ có thể dõng dạc phán là “Văn tự ngoại quốc!” hay “Ngoại quốc văn tự!” hoặc “Ngôn từ ngoại quốc!” hay “Ngoại quốc ngôn từ!”. Thưa: Dân Việt Nam viết “Chuyện”. Dân Trung Quốc viết “Truyện”. Mẫu quốc dẹp qua một bên!

Bốn chữ “Chuyện cái bánh chưng” và một số những chữ liên hệ khác dùng trong bài này đều được truy nguyên từ các cuốn từ điển như Nguồn Gốc Tiếng Việt của Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng M.D.; Từ Điển Tiếng Nghệ của Trần Hữu Thung và Thái Kim Đỉnh; Tự điển Tiếng Việt - Mường - Pháp tức là cuốn Lexique Vietnamien - Rục - Francais của Nguyễn Phú Phong, Trần Trí Dõi và M. Ferlus; Từ Điển Việt-Bồ-La của Alexandro De Rhodes tức là cuốn Dictionarivm Anamiticvm Lucitanvm Et La Tinvm Ope Sacrae Congregationis De Propaganda Fide In Lvcem Editvm AB Alexandro De Rhodes* và cuốn Từ Điển Tiếng Huế của Bác sĩ Bùi Minh Đức M.D.

Giải nghĩa:
Chuyện: Theo Nguyễn Hy Vọng MD trong cuốn Tự Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt, vần ch (Chùy... Chuyện...), trang 139 giải thích: “...từ này đã thoát xác và có một đời sống riêng dồi dào, sinh ra được vô số ý nghĩ mới, khác hẳn với truyện!, nhưng bắt buộc phải phát âm với ch!...” (xem sự, việc, điều biết được, cái xẩy ra, lời nói lại, lời kể/bài ghi chép, sách viết  về). Tiếng Nùng: Tuyên, phuối tuyên: nói chuyện, hớ tuyên oc: hở chuyện ra; Tiếng Tàu: Truyện.

Cái: là một tiếng rất nhiều nghĩa, nếu không cẩn thận có thể hiểu sai.
Chỉ về thân thể như cái đầu, cái mặt, cái ngực, cái bụng, v.v. Riêng Cái Buồi tức là cái giống hay bộ phận sinh dục của người nam. Bây giờ ít dùng tiếng Cái Buồi. Cái ở đây trở thành Con. Riêng người Nghệ An có người vẫn còn gọi là Cái: Trong cuốn Từ Điển Tiếng Nghệ, trang 34, vần B, chữ “Buồi: Cái cặc. Vd: Anh có tật, Đi mô cũng trật buồi ra. Làm ngã bảy ngã ba, Tiếng cười chê không ngớt (Vè)”; Tiếng Thái: Kai, cay: vật chất, thân thể, tèng kai: sửa soạn, ăn mặc; Tiếng Myanmah: Kai: phần dưới cơ thể; Tiếng Khmer: Kai: cơ thể, ang kai: thân hình.
Chỉ về giống cái như đực cái, cái hĩm, bò cái. Tiếng Thái: Kái, kấy, kí: giống cái, Ka Kây: Quạ cái; Tiếng Khmer: Kây: giống cái, Ka Kây: Quạ cái; Tiếng Mon: m.kai: đàn bà có chồng; Tiếng Mường: Kí, pkí: giống cái; Tiếng Hmong: nxt-kái: giống cái; Tiếng Hor: kai: giống cái, kai hon: con gái. (Tiếng Huế vùng quê: Con cấy: Con gái, con mái - Đực-Cấy.)
Chỉ về to, lớn, dài, rộng, quan trọng, chính, đầu tiên, v.v. Sông cái, nhà cái, cột cái, ngón cái, đũa cái, cầm cái, sổ cái, thẻ cái, bán cái, v.v. Tiếng Việt: Bố cái: Vua lớn, đại vương - Phùng Hưng được tôn là Bố Cái, tức là vua lớn, là đại vương. Về sau vì không hiểu rõ nghĩa, cứ cho Bố là Cha, Cái là Mẹ nên tán rộng ra là Phùng Hưng đức độ nên người dân xem như cha mẹ, mới gọi là Bố Cái Đại Vương nghe rất luôn vần và rất chi là háng rộng; Tiếng Malay: Laki: to lớn, đực, trống, Pu kai: vua lớn; Tiếng Nùng: Cái: to lớn, cái quá: to quá, việc cái: việc to lớn; Tiếng Chàm: Li kai: to, lớn, mạnh; mu kai: ông bà, tổ tiên, laki likai: đàn ông, nam, trống, đực; Tiếng Tày: cái: to lớn; Tiếng Aslian: Kai: to lớn; Tiếng Khmer: Kai: to lớn; Tiếng Bahnar: A-kai: quan trọng; Tiếng Myanmah: Kai: to lớn.
Chỉ một số đồ vật: cái bàn, cái ghế, cái cán dao, cái thớt, cái nồi, cái chén, cái áo, cái nhà, cái cổng, cái đình, cái ống tre, cái sợi lạt, cái bếp lò, cái bánh chưng, v.v. Chưa xác quyết một cách rõ ràng tiếng Cái ở đây sẽ thuộc về to lớn, quan trọng, giống cái (khác với giống đực là Con? Cái Thằng Con Trai, Cái Ông Đàn Ông, Cái Con Mẹ Đàn Bà?!), ...?
Câu “Con dại cái mang” cũng cần nên suy xét lại.

Bánh: Một dân tộc thiểu số chỉ còn khoảng 125 người theo thống kê năm 1988 ở Quảng Bình thuộc sắc tộc Rục không có chữ viết. Khác với một số các dân tộc khác, người Rục có họ, chữ lót và tên như Cao Bác Nhện, Hồ Pứa ở thôn Cu Nhái ghi dưới tấm hình chụp năm 1988 in trong cuốn tự điển Lexique Vietnamien - Rục - Francais của Nguyễn Phú Phong, Trần Trí Dõi và M. Ferlus soạn và Universite de Paris VII xuất bản năm 1988. Theo âm nói được ghi nhận tiếng của người Rục thuộc vào thứ ngôn ngữ Việt Mường. Trong khi người Nghệ An và hầu hết người Việt Nam đều nói Bánh, người Rục nói Pén, người vùng quê Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên nói Bén hay Béng; Tiếng Mon: k-vanh, t-vanh; Tiếng Sre: banh-n; Tiếng Nùng: pẻnh; Tiếng Mường: Pénh, péng; và các người nước ngoài như Tiếng Thái: Pẻng; Tiếng Chàm: Pey; Tiếng Tàu: Bỉnh; English: Cake; Francais: gâteau. Ngoài hai âm Kếch và Ga-tô không đồng âm. Những âm còn lại, nghe từa tựa như nhau!
Tự điển Alexande Rhode trang 122 có ghi: Bánh chưng.
Trong cuốn Từ Điển Tiếng Nghệ của Trần Hữu Thung và Thái Kim Đỉnh ghi 3 thứ bánh là Bánh Ong, Bánh Ống và Bánh Tàu. Cũng có ghi bánh ít. Không thấy ghi bánh chưng. Các loại bánh tét, bánh bèo, bánh ú, bánh dầy, bánh tráng, v.v. cũng không thấy ghi.

Chưng: Trong cuốn Từ Điển Tiếng Nghệ của Trần Hữu Thung và Thái Kim Đỉnh in và xuất bản tại Nghệ An năm 1987, nhưng vì bị cho là “tiếng nước ngoài” (Trang 318, nguyên văn: “... tiếng ngoại quốc...”) mãi đến tháng 1-1988 mới nạp được lưu chiểu và phát hành. Dò xem chữ Chưng, (Trang 69), thấy ghi gồm mười một (11) chữ, một (1) dấu hai chấm, hai (2) dấu chấm, hai (2) dấu gạch nối và hai (2) dấu móc ngoặc đơn như sau: [Chưng: Nấu - Chưng lên mà ăn. Chưng hửng - Tưng hửng (láy)]. Hai làng Hoàng Trù và Kim Liên (Nam Đàn) của Hồ Chí Minh thuộc địa phận tỉnh Nghệ An có lệ nấu loại bánh dân tộc cổ truyền vào dịp tết và vẫn quen gọi là bánh Chưng. Các tỉnh miền bắc Việt Nam cũng gói nấu loại bánh tương tự vào dịp Tết và cũng gọi là bánh Chưng. Cả nước Việt Nam đều có bánh Chưng. Phần lớn các người Việt Nam sống ở nước ngoài vẫn có bánh Chưng vào dịp Tết. Cách sửa soạn vật liệu, thể thức gói và thời gian luộc nấu có thay đổi chút ít theo địa phương hoặc hoàn cảnh.
Các tự điển ghi Bánh Chưng, chỉ dẫn cách làm nhưng không chịu giải thích vì sao gọi là “Chưng”. Vì vậy có vài người giải thích ý riêng, chẳng hạn như sở dĩ gọi là Chưng vì được gói kín khi luộc nước không thể thấm vào bánh như trong các cách Chưng Thuốc, Chưng Mắm. Nghe qua cũng có lý, nhưng xét lại lối chưng thuốc như thuốc ho dùng trái chanh non thái lát mỏng bỏ vào bát thêm đường phèn xếp trong nồi có nắp, đổ vào lượng nước không làm lật chén, nấu sôi chín thuốc gọi là “chưng cách thủy”;  hay bát mắm trộn đủ thứ như mắm lóc (hoặc cá sặc, cá thu, cá chuồn, v.v.), thịt, gừng, mộc nhĩ, miến, đường, tiêu, hành, trứng tươi hòa trộn các thứ sền sệt xong cũng chưng cách thủy. Cách chưng này hơi nước tràn vào dễ dàng. Như vậy mà gọi là bánh “chưng” là không chính xác. Lại nữa, các loại bánh giò, giò chả, giò lụa, bánh tro, v.v. cũng gói kín khi luộc để tránh nước vào sao không gọi là “chưng”? Còn như loại bánh dùng để “chưng bày” (trưng bày) trong mấy ngày tết thành tên bánh “chưng” không thấy các bậc học giả bàn đến. Biết đâu đấy! Bốn ngàn năm còn chờ được. Chờ thêm vài năm nữa để nghe giải thích một cách chính xác cũng không sao!
Công việc dùng lửa và các dụng cụ thích hợp như vạc, bung (vung), nồi, chảo, vò, soong, quánh, v.v. để biến thức ăn sống thành thức ăn chín hoặc thức ăn cứng thành thức ăn mềm đối với người Việt Nam là chuyện thường tình. Những lời để trỏ cách thức nấu nướng rất đầy đủ như: nấu (cơm), nướng (chả), chiên (cá), xào (thịt), luộc (rau), lùi (khoai), tráng (bánh phở), hầm (gà), ninh (xương), hấp (bánh bèo), chưng (mắm lóc), hông (xôi), cất (rượu), trần (hành, hay chần hành), v.v. Tiếng nói của người Việt Nam diễn tả về những gì có trong quê hương xứ sở đầy đủ nhất thế giới, khỏi cần vay mượn của người nước ngoài để làm rõ nghĩa.

Vào chuyện:
Tức là nói chuyện về cái bánh chưng.
Nói có sách, nhất là nói chuyện lịch sử. Vậy các sách sau đây được dùng khi nói chuyện Hùng Vương: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Lược (khuyết danh), Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Việt nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Việt Sử Toàn Thư của Trần Trọng Sơn, Đại Nam Nhất Thống Chí của Cao Xuân Dục, Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê.

Truy nguyên nguồn gốc:
Xét từ đời Lộc Tục tức là Kinh Dương Vương (2879 trước Tây Lịch) làm vua nước Xích Quỷ. Lộc Tục lấy con gái của Động Đình Quân là Thần Long Nữ sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân lập ra triều đại nhà Hồng Bàng, lấy tên nước là Văn Lang. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc gồm 100 trứng. Trứng nở ra 100 con trai. Âu Cơ cùng 50 người con lên sống miền rừng núi, thành người Thượng gồm các giống dân Mường, Mán, Nùng, Dao, Rục, Lô Lô, v.v.  Lạc Long Quân cùng 50 người con xuống vùng đồng bằng ven biển thành người Kinh tức là người Việt Nam sau này, lập nước Văn Lang nối nhau làm vua được 18 đời gọi là Hùng Vương trị vì cho đến khoảng năm 158 trước tây lịch (năm Quý Mão) thì bị nhà Thục cướp mất nước... Thong thả dò xem: Họ Hồng Bàng gồm 20 đời làm vua suốt 2721 năm. Lấy 2721 chia cho 20 sẽ được khoảng 136 năm. Chia đều ra như vậy thì mỗi đời vua trị vì 136 năm. Chuyện này khó tin vì chẳng có người Việt Nam nào sống đến 136 tuổi. Vậy nên đặt lại giả thuyết: Bắt đầu từ Hùng Vương thứ nhất. Chuyện lên làm vua Hùng có thể học theo chuyện Lộc Tục tức là Kinh Dương Vương được vua cha là Đế Minh rất thương yêu muốn truyền ngôi cho nhưng Lộc Tục không “ham thích” mà chịu nhận ngôi vua, nhường lại cho anh là Đế Nghi làm vua phương Bắc. Sau đó mới chịu làm vua ở phương Nam, đặt tên nước là Xích Quỷ. Sử ghi họ Hồng Bàng bắt đầu từ Kinh Dương Vương. Tuy nhiên, không thấy văn kiện nào ghi Hồng Bàng Lộc Tục, hay Hồng Bàng Sùng Lãm. Con của Sùng Lãm và Âu Cơ cũng không thấy ghi tên là gì. Hùng Vương thứ nhất sử ghi là khiếm danh. Hùng Vương thứ 7 tên là Lang Liêu (Tiết Liêu?). Đời Hùng Vương thứ 6 bị giặc Ân quấy phá. Cứ cho bánh Chưng phát xuất vào cuối đời Hùng Vương thứ 6, như “sách sử” ghi, cách nay cũng hơn 4 ngàn năm. Vào cuối đời Hùng Vương thứ 6, các Quan Lang (Hoàng tử hay con trai của vua gọi là quan lang) đã có lòng ham muốn làm vua và vua cha chọn người cho làm vua tùy theo ý thích. Lại cho thêm rằng, kể từ Hùng Vương thứ 7, chỉ có một đời của Lang Liêu. Kế tiếp là Hùng Vương thứ 8 sẽ là con trai của Lang Liêu do chính Lang Liêu chọn chứ không chia cho một trong số những anh em trai của Lang Liêu như các đời Hùng Vương thứ 6 trở về trước. Mười hai đời Hùng Vương tiếp theo là Hùng Vương thứ 7 đến Hùng Vương 18 sẽ trị vì khoảng 1100 năm. Như vậy một đời cũng gần 100 năm. Vua Hùng thứ 18 bị nhà Thục đánh bại và chết sớm. Từ Hùng Vương thứ nhất xuống tới Hùng Vương thứ 6 trị vì gồm 1421 năm. Không thể tính được cả thảy bao nhiêu ông vua. Một điều có thể tiên đoán là Hùng Vương thứ nhất gồm 50 ông vua như đã bàn qua. Hoặc giả, tin rằng 18 đời Hùng Vương chỉ gồm 18 ông vua, thì phải dựa theo số năm để tính tuổi thọ. Công thức tính sẽ theo phương pháp giảm dần, có nghĩa là tuổi thọ của con người dưới đời Hùng Vương thứ nhất sống dai hàng trăm tuổi, dần dần trụt xuống không quá 60 năm dưới thời Thục Phán, tức là khoảng 150 năm trước tây lịch, hay khoảng 2150 tính đến ngày hôm nay. Bàn chuyện tính tuổi thọ: Người Việt nam dễ tính và dễ tin. Cứ nói làm sao nghe cho có lý là được. Này nhé, chuyện ông Bàn Cổ của Trung Quốc sống 18000 tuổi (mười tám ngàn tuổi). Các tổ phụ trong kinh cựu ước của Do Thái: Ông A-Dong sống 930 tuổi. Con trai thứ ba của A-Dong là Sết sống 912 tuổi. Con ông Sết là E-Nốt sống 905 tuổi. Con ông E-Nốt là Kê-Nan sống 910 tuổi, v.v. Họ sống lâu là vì có thần khí của Thiên Chúa. Ông Nô-E được 600 tuổi khi đóng thuyền tránh nạn Đại Hồng Thủy, và sau khi nước rút, ra khỏi thuyền ông sống thêm 350 năm nữa. Như vậy ông Nô-E thọ 950 tuổi (Chín thế kỷ rưỡi!). Về sau, con cháu của họ lấy loài người làm vợ nên thần khí dần mất hết, những người sinh ra sau này chỉ sống tối đa 120 tuổi mà thôi. Ông Môi-Se là người đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập sống 120 tuổi. Dân Việt Nam hiền hòa của chúng mình cứ cho một đời người chừng 100 tuổi là vừa, sống lâu làm chi khiến mất hết phước lộc của con cháu. Ngài Lộc Tục sống 100 tuổi theo lời cầu xin của con dân Việt Nam “Sống lâu trăm tuổi!”  Giả thử năm Ngài Lộc Tục 99 tuổi mới chịu lấy vợ là Thần Long để năm sau sinh con trai là Sùng Lãm. Sinh con trai xong, Lộc Tục “băng”. Sùng Lãm mới vừa “dứt sữa” chứ không “thôi nôi” vì chắc gì lúc đó dân Xích Quỷ đã biết đan nôi để có “nôi” mà nằm. Sùng Lãm lên nối nghiệp đế xưng là Lạc Long Quân và đổi tên nước từ Xích Quỷ thành Văn Lang. Sùng Lãm có thể vừa mới biết “đi!”. (Ba tháng biết lảy. Bảy tháng biết bò. Chín tháng lò dò theo sau). Chừng nào Sùng Lãm mới cưới Âu Cơ? Cứ cho là khi Sùng Lãm già khú đế tức là 99 tuổi mới gặp Âu Cơ vừa tròn kinh nguyệt tức là 13 gốc rạ hay 13 năm tuổi!  Âu Cơ thụ thai sinh ra một bọc gồm 100 trứng. Âu Cơ cho mang bọc trứng ra để ngoài bờ ruộng. Nhờ nắng ấm mưa thuận gió hòa, trứng nở thành 100 người con trai, xong các con tự động kéo nhà về kêu Pá và Má vang lừng. Sự kiện này có thể xảy ra vì là Con Rồng Cháu Tiên. Rồi lại chia đôi. Lũ con trai 50 đứa theo mẹ lên núi. Lũ con trai 50 đứa theo cha vể đồng bằng thuộc Phong Châu, lập thành họ Hồng Bàng truyền nhau 18 đời làm vua nước Văn Lang! Đời Hùng Vương thứ nhất, truyền từ người anh cả đến người em trai thứ 50.  Không rõ vua Hùng thứ nhất tên là gì và được bao nhiêu tuổi khi lên ngôi. Cứ xét như thế này: Sau khi nở từ trứng ra cho đến khi chạy từ ruộng về nhà tìm Pá tức là Cha và Má tức là Mẹ là 1 gốc rạ tức là 1 tuổi. Cứ cho lũ con 100 đứa ùn ùn kéo về trong 1 ngày. Hôm sau Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay. Người con trai lớn nhất trong số 50 người con theo Sùng Lãm tức Lạc Long Quân được lên ngôi vua là Hùng Vương thứ nhất. Lẩn thẩn tính theo gia phả thì “Nguyên xưa Đế Minh là cháu ba đời của Viêm Đế Thần Nông. Đế Minh sinh Đế Nghi và Lộc Tục. Lộc Tục sinh Sùng Lãm. Sùng Lãm là Lạc Long Quân.” Cháu ba đời tức thuộc vào đời thứ năm và gọi đời thứ nhất là ông Cao (Ông sinh Cha; Cha sinh Con; Con sinh Cháu (cháu đời 1); Cháu sinh Chắt (cháu đời 2); Chắt sinh Chút (cháu đời 3). Tính ngược trở lại: Chút gọi đời Chắt là Cha, gọi đời Cháu là ông; gọi đời Con là Cố; Gọi đời Cha là Cao; Gọi đời Ông là Tằng hoặc Tổ). Vì thế Đế Minh gọi vua Thần Nông là Tằng Tổ. Từ đời vua Thần Nông là đời thứ nhất xuống tới đời Đế Minh là đời thứ năm, xuống tới đời Lộc Tục tức Kinh Dương Vương là đời thứ sáu, xuống Sùng Lãm tức Lạc Long Quân là đời thứ bảy và Hùng Vương thứ nhất là đời thứ tám. Vì cháu vua Thần Nông nên phải biết làm ruộng. Như vậy, đã có sẵn cái gọi là “bờ ruộng” để Âu Cơ là vợ của Sùng Lãm cho đem bọc trứng ra để ở đấy, ta nên chấp nhận. Ta chỉ nên thắc mắc khi người viết sử vì lý do nào đó lỡ ghi là Âu Cơ cho đem bọc trứng ra bỏ trong sân Đền Hùng, vì lúc sinh ra bọc trứng chưa có Đền Hùng! Và cũng vì Con Rồng Cháu Tiên nên sau khi nở ra, biết đường chạy về nhà kêu Pá kêu Má và xưng Con với Âu Cơ và Lạc Long Quân không cần ai chỉ bảo. Chuyện nữa là vì đã biết làm ruộng sáu bảy đời, kể từ đời vua Thần Nông, nên từ đó phải rành việc tính theo mùa gặt mà kể tuổi. Mỗi năm làm một mùa. Lúa cắt xong, chừa gốc rạ chứ không nhổ cả gốc như các dân tộc khác thuộc miền cực bắc kém văn minh chưa làm nỗi cái liềm hay cái hái nên phải dùng tay mà nhổ. Tính từ lúc cắt lúa, tức là lúc ruộng còn gốc rạ theo vụ mùa hàng năm. Ba gốc rạ là ba năm. Mười ba gốc rạ là mười ba năm. Chắc chắn Âu Cơ được mười ba gốc rạ là được mười ba tuổi khi lấy chồng. Gốc rạ và mặt trăng làm mốc thời gian. Mặt trời khó nhìn, khó phân biệt. Mặt trăng dịu dàng, biến dạng từng đêm ai cũng nhìn thấy. Con mắt nhìn lên nhìn xuống để phân biệt cao thấp như “cái con trăng” khi vừa mọc và khi lặn. Phân biệt này tạm gọi là Kinh, tức là lời phán truyền của thượng đế, hiểu như chỉ thị Rồng Tiên của người Việt Nam hay “kinh thánh” của người Do Thái. Con mắt nhìn qua lại theo hướng con trăng khi vừa mọc cho đến khi lặn, để phân biệt phải trái. Phân biệt này tạm gọi là Vỹ, khác với Kinh. Những việc trong tháng xảy ra đúng hẹn gọi là kinh nguyệt. Lúc đầu hai tiếng kinh nguyệt dùng rất rộng rãi, như chuyện người dân Quảng Nam xem cái đùi ếch ở bờ ao để theo dõi thời tiết trong tháng. Hay trận lụt thường xảy ra vào ngày 23 tháng 10 âm lịch ở Huế: “Ông tha mà bà chẳng tha, Làm cho trận lụt hăm ba tháng mười”, “Tháng tám heo may, chuồn chuồn bay thì bão”; v.v. Sau này, càng ngày càng văn minh. Hai chữ kinh nguyệt chỉ còn dùng một cách hạn hẹp dành riêng cho phái nữ trong lứa tuổi có thể sinh con khi bị trời phạt hàng tháng một lần dài khoảng 3 ngày! Nhiều khi còn bị “tướt đi tướt lại” thêm vài ngày nữa tức là “chuột chạy mất rồi” như theo lời của mấy cô “trong Nội”! Triều nghi phân định rõ ràng: Tên nước gọi là Văn Lang. Vua gọi là Hùng Vương. Con trai của vua gọi là Quan Lang. Con gái của vua gọi là Mị Nương. Quan văn là Lạc Hầu. Quan võ là Lạc Tướng. Các quan khác gọi là Bồ Chánh. Người trong nước gọi là Lạc Dân. Luật pháp theo lối thắt dây mà trị. Càng nhiều nút thì càng nhiều tội. Tùy theo tội lớn nhỏ mà phạt đền bằng cách nạp từ một con gà đến một con trâu hay nhiều hơn. Phong tục thuần hậu. Không có trộm cắp, bài bạc, đĩ điếm và không có những kẻ ăn xin tức là ăn mày. Mỗi người chỉ cần có tên gọi, không chú trọng nhiều đến tên họ, ngay vua và các con vua cũng thế. Đời Hùng Vương thứ 6 ở làng Phù Đổng bộ Võ Ninh, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, có Phù Đổng Thiên Vương một mình phá tan giặc Ân và hiển thánh ở núi Sóc (Sau này dò hoài các sách chẳng thấy có giặc Ân). Chẳng ai biết cậu bé làng Phù Đổng tên gì. Rồi thì cũng trong đời vua Hùng thứ 6, bắt đầu ghi chuyện vua lựa con trai để truyền ngôi. Lang Liêu được chọn vì chế ra cái bánh chưng khiến vua cha thích ăn, cho trúng tuyển làm vua Hùng thứ 7. Đời thái bình thịnh trị, đâu cần tay lương đống lên ngôi! Vua Hùng có thể xem như ông “Trưởng họ Hồng Bàng” được chăng? Lại nữa, Lang Liêu có phải là Quan Lang Liêu tức Hoàng Tử Liêu chăng? Có thể vì không hiểu, nên người viết sử vội bỏ chữ Quan trong tiếng Quan Lang là con trai vua mà ghi Lang Liêu mà thôi? Nếu như vậy thì nên sửa lại cho đúng. Người Việt mình có khi ưa nói tắt vài việc như “Rau Răm cứ gọi là Răm (vô nghĩa), Thịt Ruốc Chà Bông gọi gọn là Ruốc (mắm tôm), v.v.” hay ưa thêm cho luôn vần êm tai như “Đường Quốc Lộ (lộ là đường), Cửa Ngọ Môn (môn là cửa), Sông Hương Giang (giang là sông), Núi Sóc Sơn (sơn là núi), Bố Cái Đại Vương (Bố cái là ông vua lớn, là đại vương), v.v.” Như vậy Lang Liêu là quan lang Hồng Bàng Liêu hay Hồng Bàng Lang Liêu? Nếu có thì giờ nên duyệt lại tí xíu! Bây giờ trở lại số năm trị vì của từng đời Hùng Vương. Kinh Dương Vương chỉ là một người tên Lộc Tục. Lộc Tục sống cho giỏi là 100 tuổi! Kế tiếp Lộc Tục là Sùng Lãm tức Lạc Long Quân. Vì là Rồng nên cho sống rất lâu. Nhưng khi nào thì Lạc Long Quân lấy Âu Cơ? Cảnh ông già 99 tuổi lấy trinh nữ mới 13 coi chông chênh khó chịu. Phải là trai tài gái sắc ngang trang ngang lứa mới đẹp đôi. Có đồng ý như vậy không? Nếu đồng ý thì cho Sùng Lãm cưới Âu Cơ khi chàng được 16 gốc rạ! Tuần trăng mật kéo dài bao lâu? Vài mươi gốc rạ? Càng lâu càng tốt! Mãi cho đến Âu Cơ gần dứt kinh nguyệt để sinh ra một bọc 100 cái trứng. Chỉ phải có “phép lạ” thì bà già 90 tuổi mới thụ thai và sinh con như bà Xa-ra vợ ông Áp-ra-ham ghi trong kinh Cựu Ước. Như vậy, con số ba mươi năm coi có vẻ “được”. Ngày xa xưa, mỗi thế kỷ chỉ có 60 năm. Từ Giáp Tý đến Quý Hợi là 60 năm. Mười hai con giáp không phải của người Tàu bày ra như mọi người lầm tưởng mà chính là do người Việt-Mã Lai nghĩ ra. “Lục thập hoa giáp” chỉ là sự sao chép của các chú tự cho mình là con trời trong tư thế “bỉ võ tức là ăn cắp” vay mượn một cách khôn ngoan! Người Âu Châu vào Việt Nam mang theo lịch của tòa thánh Rô-ma nên mới có chuyện một thế kỷ gồm 100 năm và gọi đó là dương lịch hay là tây lịch tức là lịch của người tây phương. Nhưng cho dù dương lịch hay âm lịch thì mỗi gốc rạ cũng vẫn là một năm! Âu Cơ đến mãi khoảng trên dưới 43 gốc rạ mới sinh trăm trứng đem ra bỏ ngoài bờ ruộng. Gà, vịt, ngan, ngỗng sau khi chịu “đạp mái”, thụ thai vài ngày thì đẻ trứng. Đẻ trứng đầy ổ thì ấp. Gà ấp 21 ngày trứng sẽ nở gà con. Vịt 28 ngày. Ngan ngỗng lâu hơn vịt vài ngày. Người thụ thai, 4 ngày trứng nở. Cưu mang 9 tháng 10 ngày trong bụng sẽ sinh con, có nín lại cũng không được. Riêng Âu Cơ sinh ra bọc trứng 100 cái. Bỏ ngoài bờ ruộng không rõ bao lâu mới nở thành 100 người con trai. Bốn ngàn năm sau, dưới triều vua Thành Thái, trong quyển thứ 5 “Tỉnh Quảng Nam” thuộc bộ Đại Nam Nhất Thống Chí, mục Từ Miếu, có ghi “Đền Thờ Tam Vị Thủy Tướng Quân” tại phía nam núi Túy Ông xã Ái Nghĩa Huyện Hòa Vang trong hồ nước sâu có đền thờ “Tam vị Thủy Tướng” trên hòn đảo nhỏ. Nguyên Huỳnh Lân có vợ là Nguyễn thị Đạo là người chuyên đồng bóng. Một hôm thị Đạo nằm mơ thấy rồng rắn quấn thân mình. Tỉnh dậy, thụ thai. Khoảng 10 tháng sau thị Đạo sinh ra 3 quả trứng. Huỳnh Lân cho là quái thai, làm bè tre thả trôi sông. Khi trôi đến xã Thanh Hà thì trời đổ mưa và 3 quả trứng liền nở ra 3 con rắn lớn. Người trong xã làm lễ đưa đi. Ba con rắn khi thì ở trong xã Thanh Hà, khi thì lội vào đảo nhỏ trong hồ xã Ái Nghĩa. Về sau, nhập vào đồng bóng xưng là “Tam vị thủy tướng” và cho tên là Huỳnh Trạm, Huỳnh Ba và Huỳnh Hoạt. Người làng lập miếu thờ rất linh ứng. Chuyện người đẻ ra trứng, có đền thờ đàng hoàng, sách sử của nhà vua cũng ghi lại rõ ràng, vậy thử hỏi không có tích làm sao mà dịch nên tuồng? Tin hay không tùy ý. Trở lại bọc trứng của Âu Cơ. Chưa thể xác định bao lâu thì trứng nở. Và cũng chưa thể xác định bao lâu sau khi trứng nở thì chồng vợ phân ly đem con lên núi và xuống biển. Thôi thì cứ tạm cho là trong vòng mấy năm gốc rạ. Mười lăm gốc rạ được chăng? Lũ con trai khi được 16 gốc rạ cần cưới vợ. Biết đâu đấy! Trong 1 năm Lạc Long Quân và Âu Cơ có thể được thêm 100 người con dâu! Chia trước ra đi cho nó tiện! Đàn con theo Âu Cơ lên núi sống hiền hòa không tranh chấp. Đàn con theo Lạc Long Quân xuống vùng đồng bằng lập nên triều đại Hùng Vương giữ nước Văn Lang. Đời Hùng Vương thứ nhất dài bao lâu, chưa thể tìm ra. Thôi thì như thế này: Anh cả làm vua vài ba gốc rạ tức vài ba năm, xong truyền cho em hai. Anh Hai cũng vậy, xong truyền cho em ba. Anh Ba truyền cho em tư. Cứ vậy mà truyền cho đến Em Năm Mươi! Từ anh Cả truyền xuống đến em  Năm Mươi kể là một đời! Chẳng thể nào chứng tỏ là tất cả 100 trứng trong bọc đều nở cùng một ngày. Cũng chẳng có gì ghi rõ là Âu Cơ và Lạc Long Quân có đủ 50 người con trai khi chia tay. Biết đâu chừng, khi chia tay, Âu Cơ chỉ có một “cái thằng con trai” và Lạc Long Quân cũng chỉ có một “cái thằng con trai” đi theo! Như vậy, 98 quả trứng kia vẫn còn ngoài bờ ruộng. Về sau này, hễ nở ra sẽ tự tìm Má hay Pá mà đến. Vì là Rồng, là Tiên nên Âu Cơ và Lạc Long Quân tất có quyền phép nên biết trước mọi việc xảy ra như trứng sẽ nở đủ và các con trai sẽ tìm đến đủ số không thiếu sót. Cứ như vậy mà tuần tự diễn tiến. Khi người em thứ năm mươi hết muốn làm vua Hùng, bèn kiếm người con trai trưởng của anh cả tức là người đầu tiên làm vua Hùng thứ nhất mà truyền ngôi làm Hùng Vương đời thứ hai. Người con trai trưởng này sau đó cho người em trai kế lên làm vua cũng vẫn gọi là Hùng Vương đời thứ hai. Cứ như vậy mà tiếp tục chuyền dần xuống các em trai ruột qua các em trai con các chú. Như vậy, chuyện năm tháng trong một đời của vua Hùng mới tạm thấy ổn thỏa. Lý tưởng mà nói: đời Hùng Vương thứ nhất có 50 ông vua vì 50 con trai theo Lạc Long Quân đều làm vua. Không ai biết đời Hùng Vương thứ hai có bao nhiêu người lên làm vua. Rồi thì Hùng Vương thứ 3, thứ 4 và thứ 5 cũng vậy. Kể đến đời Hùng Vương thứ 6: Cách truyền ngôi thay đổi: Quan Lang nào nấu món ăn mà vua cha thích sẽ được truyền ngôi! Ngôi vua còn thua bữa tiệc! Hoàng tử Liêu không dọn tiệc mà chỉ dâng lên vua cha chiếc bánh chưng! Nhưng làm sao chứng minh được đó là cái bánh gọi là “Chưng” như hiện nay? Đã mấy ngàn năm rồi còn gì. Âm gọi có thể thay đổi. Cách làm có thể thay đổi. Năm nay là năm 2009 tức là năm con trâu, viết theo lối nhà quan phong kiến trong văn tế Nam Giao là Kỷ Sửu Niên, còn như nói theo dưới thời Gia Long Lập Quốc sẽ gọi là năm con Tlu và phát âm là “Con Tờ-Lu” hoặc “Con Bờ-Lu” hay là “ Con Tru”! Năm 1988 tại tỉnh Nghệ An vẫn còn gọi con trâu là con “Tru” như ghi trong Tự Điển Tiếng Nghệ trang 269. Người Bắc nước Việt Nam nổi tiếng về việc nấu các món ăn. Nhưng khi hỏi về nguồn gốc của “phở” thì không trả lời được. Xứ Huế có “Bún Bò”. Đây là món của bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức mang từ Gò Công ra. Một trăm năm sau, món bún bò thay hình đổi dạng rất là thảm thương! Y như món phở của người bắc chịu không biết bao nhiêu lần “tái giá!” Món bánh chưng cũng vậy. Tuy vẫn là “Chưng” nhưng thoái hóa và cập nhật cho kịp trào lưu. Cái bánh chưng cuối thời vua Hùng Vương thứ 6 của Lang Liêu và cái bánh chưng năm Kỷ Sửu 2009 chắc chắn phải có những điểm khác nhau.

Hình thức cái bánh chưng:
Hiện giờ ai cũng thấy mặt cái bánh chưng hình vuông và chiều cao của phía cạnh bánh hình chữ nhật, hay khoảng gần một nửa khối vuông. Bánh được gói bằng lá dong tươi, lá chuối tươi hay lá tre bương rộng bản tươi hoặc lá tre khô. Không ai dùng lá chuối khô hay lá dong khô để gói bánh chưng. Bánh được buộc bằng giây lạt tre giang, giây gai, hay giây hiện đại: Hoặc buộc một sợi ngang và một sợi dọc cho thứ bánh nhỏ, hai sợi ngang và hai sợi dọc cho bánh vừa hoặc ba sợi ngang và ba sợi sọc cho loại bánh lớn.
Bốn ngàn năm trước, Lang Liêu gói chiếc bánh chưng đầu tiên hình dáng như thế nào? Các bài bản sau này, nhất là trên mạng lưới (web), tha hồ “tán”. Từ “Sự tích bánh chưng và bánh dầy” đưa ra triết lý trời tròn (bánh dầy) và đất vuông (bánh chưng) giống như của người Tàu. Thời Hùng Vương đã biết tư tưởng này chưa? Thời Hùng Vương chỉ biết “Cái con trăng” và “gốc rạ” để tính lịch. Luật pháp theo lối thắt dây để trị. Chưa có chữ viết. Văn kiện theo lối truyền khẩu: Lời nói, khúc hát, v.v. Hoặc qua các tiếng chiêng, trống, cồng, mõ, sênh, phách, tù và, v.v. Chưa bị Tàu đô hộ, triết lý trời tròn đất vuông rất xa vời như Khổng Tử nói là không biết dân Bách Việt ở đâu! Vả lại, thời Hùng Vương có trước thời Khổng Tử hơn 2 ngàn năm. Thời vua Nghiêu vua Thuấn có trước thời Khổng Tử 1700 năm. Hùng Vương lại có trước Nghiêu Thuấn 4, 5 trăm năm. Thời Nghiêu Thuấn chưa có chữ viết, như vậy làm gì có chuyện Trời Tròn Đất Vuông! Do đó triết lý Bánh Dầy và Bánh Chưng tượng trưng cho Trời Tròn Đất Vuông theo kiểu Trung Hoa không xác đáng. Chuyện cái bánh Dầy không nên bàn đến để tránh cái cảnh lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia! Chừng nào truy nguyên được thời khai sinh ra cái giò lụa để ăn với cái bánh Dầy hẳn hay! Thời cái bánh chưng ra đời chỉ biết gói, luộc. Chuyện vằm nhỏ hay giã nhuyễn gạo hay thịt để gói luộc làm bánh hay giò chả chắc phải về sau, không thể cùng thời với Lang Liêu!
Về dáng thế: Nhìn quanh, thấy cơ thể con người có dạng thể hình tròn nhiều hơn dạng hình vuông: Ngón tay tròn ống, cánh tay tròn ống. Đầu tròn. Cổ tròn. Bụng tròn. Bắp vế tròn. Cổ chân tròn. Ngoại vật thấy: Thân cây tròn. Mặt trời tròn. Mặt trăng cũng có khi tròn khi khuyết. Trái bắp tròn có cái hột góc cạnh hơi vuông! Các dân tộc Nùng, Hmong, dân trung Việt gọi là “Bắp”. Người miền Bắc nước Việt nam gọi là Ngô hay Lúa Ngô vì cứ cho là lấy giống từ bên Tàu tức là nước Ngô. Bắp có tối thiểu 3 loại: Bắp hột màu trắng gọi là bắp Nếp, bắp màu vàng gọi là bắp Lòn, bắp hạt màu tím nâu gọi là bắp Thượng hay bắp Mọi.  Xứ An Nam đã có đủ cả ba loại bắp từ ngàn xưa, chứ không cần các vị thừa sai truyền giáo mang sang từ châu Mỹ. Nhiều nhất là thứ bắp cho hạt màu vàng tức là thứ bắp Lòn, tuy cứng nhưng rất ngọt. Thời Hùng Vương dùng thứ bắp Lòn này để chế rượu uống gọi là “hách lộc”. Vua Hùng Vương thứ 18 thua nhà Thục đến độ mất nước vì khi giặc đến vua đang còn say rượu. Người Kinh sau này thấy cách uống rượu bằng ống hút từ vò làm bằng cần cây hóp (loại tre nhỏ) uốn cong bèn gọi tắt là rượu cần cho tiện! Bắp vàng luộc chín xong, bỏ vào vò ủ với một loại lá rừng cho lên men. Người Thượng giấu nghề rất kỹ, không cho người Kinh sau này biết là loại lá gì. (Giống như dùng đậu khuôn sống tức tàu hũ, tẩm muối xong xếp ra sàng ủ với lá Ngái họ hàng với lá Sung vài ngày cho lên men để làm chao theo kiểu người Huế). Rượu cần sau khi dậy men có màu vàng nhạt, vị ngọt chua, đặc như mật ong non. Một ly nhỏ rượu cốt này uống vào có thể say ngủ vùi 3 ngày (Kinh nghiệm cá nhân, lúc tỉnh dậy thấy trong người khoan khoái thiệt là sướng cách chi!). Khi uống chỉ cần đổ nước lạnh vào. Uống hết lại đổ thêm cả thùng nước vào hũ mà rượu vẫn không thay đổi hương vị. Một điều nên biết là cho dù mới mua được vò rượu cần, nhưng trước khi uống, phải thuê người “châm” mới ra rượu, chứ không phải đổ nước bừa vào là xong. Chỉ châm một lần thôi cũng đủ, sau đó nếu uống hết sẽ tùy nghi đổ thêm nước. Rượu cần vị hơi chua, ít nồng, say nhẹ, không làm nhức đầu hay gây ra cảnh “tửu nhập ngôn xuất”! Thời Hùng Vương vẫn uống rượu cần.** Vò rượu uống xong, bã rượu đổ ra cho heo ăn rất chóng lên cân. Chiếc cần tre dùng uống rượu dạng tròn. Vò rượu dạng tròn. Cổ vò rượu dạng tròn. Đít vò rượu dạng tròn. Lò lửa dạng tròn. Cối và cán chày dạng tròn. Cái gùi dạng tròn dài. Chiêng, trống, cồng dạng tròn. Cái kiềng đeo cổ dạng tròn. Cái xuyến đeo tay dạng tròn. Cái khuyên đeo tai dạng tròn. Cái nồi dạng tròn. Cái nỏ dạng vòng cung. Cái ống điếu dạng vòng cung. Kích thước lớn nhỏ do ngón cái nối với ngón cái và ngón trỏ nối với ngón trỏ là một vòng bàn tay, là một cái vòng tròn dùng để đo cái bó sắn, cái bó lúa, cái bó bắp. Một ôm vòng tay tròn để đo cái chiêng, cái cồng, cái vò rượu. Lớn hơn nữa là vòng tay ôm của hai hay nhiều người người nối lại để đo cái con “tlu” tức là cái con trâu hay cái con “oui” tức con voi. Tròn nhiều như vậy, cớ làm sao cái bánh “chưng” lại hình vuông? Cái khố và cái xà-rông dạng góc vuông. Cái hòn đá dùng để mài dao bên suối khi trăng tròn dạng láng bằng góc vuông. Cái nhà “rông” dạng hộp dài một nửa dạng vuông. Cái hạt bắp hình hơi vuông. Cái hột gạo hình bầu. Thân cái cây gậy xoi đất rẫy làm mùa hình tròn. Cái nồi nấu bắp bằng đồng hình bầu vừa một vòng ôm. Cái chén ăn cơm tròn trĩnh vừa lòng bàn tay xuất hiện vào lúc nào? Cứ cho là phần còn sót lại của cái ống cơm lam khi ăn gần hết mà nảy sinh ra cái chén. Có chén để san thức ăn sẽ không dùng lá nữa, rồi đến chừng nào mới hết ăn bốc để dùng đũa? Tước mảnh vỏ ống nứa nấu cơm lam ra, dùng xắn cơm trong ống mà ăn. Sau cặp hai mảnh để gắp, khai sinh ra đôi đũa, liệu nghe được không? Cái tô nhỏ, tô lớn hình tròn từ cái ống tre nhỏ ống tre lớn mà ra. Cái mâm hình tròn. Cái rổ, cái rá hình tròn. Khi biết dùng bàn ghế giường chõng thì đồ dùng mới có góc cạnh hình vuông hình chữ nhật như cái đòn, mặt ghế, mặt bàn, tấm phản. Kể từ triều Khải Định tức là sau năm 1916, vua mới ngồi trên ghế ăn cơm bày thức ăn trên mặt bàn. Vua Duy Tân và các tiên đế ngồi trên sập mà ăn cơm. Sập gỗ hình vuông. Người dân thì ngồi trên phản gỗ, chõng tre hoặc ngồi ngay trên mặt đất và ngồi xếp bằng thành vòng tròn quanh mâm cơm. Các buổi tế làng hay tế họ, vẫn trải chiếu trong chiếu ngoài ngay trên mặt đất từ chân bàn thờ ra tới ngoài sân, người ăn ngồi theo thứ bậc trên những chiếc chiếu trải ngay hàng thẳng lối. Như vậy, gần bốn ngàn năm trước, cái bánh chưng của Lang Liêu gói dâng lên vua Hùng Vương không thể vuông vắn “ngay lập tức” như chúng ta thấy ngày hôm nay. Cái bánh chưng thời đó có thể hình tròn, hinh bầu dục, hình méo, hình dẹp, v.v. Lần lần hình thể cái bánh chưng cải thiện thẳng cạnh vuông góc dễ nhìn như bây giờ. Cho đến thời Bảo Đại, năm Kỷ Mão (1939), vua mở Hội chợ tại Huế, treo giải thưởng đủ thứ. Nhân dịp này, người ta mới chế ra cái khuôn làm bánh chưng để gói những cái bánh đều nhau thật đẹp hầu mong đoạt giải. Trăm hay không bằng tay quen. Hiện nay vẫn có những người gói bánh chưng nhanh, đẹp không cần khuôn.

Vật liệu gói bánh:
Lá dong, lá tre bương có sẵn. Cây tre giang có thân ống nhỏ, dài mắt, tính rất mềm dẻo dùng làm dây lạt để gói bánh rất tốt. 
Nếp có nhiều thứ. Loại nếp thượng vẫn dùng nấu cơm lam ít dẻo. Muối biển hay muối than đốt từ loại cây đặc biệt trong rừng. Hành hương nguyên củ và lá. Đậu xanh đãi vỏ. Thịt heo cỏ hay heo nọi, tức là loại heo đen bụng õng (Pot-belly), không già quá 1 tuổi. Heo đực phải được thiến, heo cái phải được hoạn, nuôi vỗ cho thật mập. Thịt heo già mà người Bắc vẫn gọi là thịt Lợn Xề không ngon. Ngon nhất là thịt bụng vừa nạc vừa mỡ, vẫn thường gọi là thịt ba chỉ hay ba rọi. Kế là thịt nạc lưng, lớp mỡ quá dày. Thịt nạc vai, nạc mông tệ nhất vì không có đủ mỡ. Chẳng ai dùng thịt đầu, thịt chân giò, gan, tim, phổi, lưỡi, tai, v.v. để làm nhân bánh chưng. Thịt cắt dày khoảng lóng tay gồm da, mỡ và thịt, rộng bằng hai ngón tay xếp lại và chiều dài miếng thịt phải ngắn hơn cạnh cái bánh chưng. Thịt vẫn thường ướp hạt tiêu giả bể mảnh hay tán nhỏ. Nếp ngâm qua đêm khiến bánh nấu mau chín nhưng thường bị nát, dẻo dính, không ngon và dễ bị thiu. Đậu xanh ngâm lâu cũng không ngon. Có người cẩn thận hấp đậu xanh trước, giả nhuyễn, ép thành bánh làm nhân. Cách này khi cắt bánh, thấy nhân nhụy đậu xanh đều, nhưng ăn cũng không ngon. Cũng có người chỉ cho hành nguyên củ, hoặc chẻ hai, hoặc thái lát dày, không dùng hành lá. Hạt tiêu cho nhiều ít tùy người. Thông thường, vo nếp và ngâm theo ý, vớt ra rá, để ráo nước xong tùy theo mà rắc muối vào tính cho vừa vặn, xóc đều rồi để nếp cho thật khô trước khi gói. Có kẻ lại rắc thêm bột ngọt!


Cách gói: Xếp trải lá ra bàn gói hay trong khuôn, xong xúc nếp đổ vào lá, khỏa đều. Cho đậu xanh dàn trên và nhỏ hơn lớp nếp. Xếp thịt heo lên lớp đậu xanh. Lèn hành bên ngoài và giửa những lát thịt. Kế tiếp là đổ rãi đậu xanh lên trên lớp thịt. Ém xếp phẳng phiu. Sau cùng đổ lớp nếp, làm phẳng và ém sơ vào bốn góc. Kéo hai bên lá gói lại. Thêm một lớp nữa cho kín. Cột những sợi lạt vừa tay. Gói lỏng thì nước thấm vào làm nhão bánh. Cột chặt bánh không có chổ nở sẽ cứng. Dùng khuôn gói cũng tương tự như thế.
Ở nước ngoài, có thể mua lá chuối đông lạnh để gói, hoặc kiếm không được thì dùng lá tre bương khô mua ở các siêu thị người Tàu để gói, bên ngoài lại bọc thêm một lớp giấy nhôm tức là aluminum foil và cột bằng dây ni lông hay dây gai. Muốn bánh có màu xanh tươi hơn thì trộn thêm màu vào nếp. Nấu trong thùng rác bằng thiếc trên 100 lít (32 gallons) hay nồi lớn. Nấu bằng củi lớn, bếp ga hay bếp điện. Thời gian nấu hiện nay dài khoảng từ 6 đến 8 giờ đồng hồ. Nấu xong, vớt ra dằn ép cho vuông góc cạnh. Tháo bỏ lớp giấy nhôm, dùng dây nhựa màu đỏ cột lại cho đẹp. Nếu làm để bán thì dán thêm nhãn hiệu. Có người chỉ nấu vài cái trong nồi nhỏ cho “có hương có hoa” chứ chẳng bao giờ được ngon như bánh nấu trong nồi lớn. Có khi còn nghe lời chỉ bậy là sau khi sôi một hồi, phải vớt bánh ra đổ nước đi thay nước khác nấu tiếp. May là nấu vài cái trong nồi nhỏ còn làm được, chứ nấu vài chục cái trong nồi lớn to như cái thùng rác thì làm sao mà thay nước đây?
Nửa thế kỷ trước, một số người Huế Xưa cũng vẫn hay gói bánh chưng “không dây”. Chuyện này có thể làm cho một số các bà “Trong Sông” tức “Hà Nội” vốn lừng danh “món bắc” kinh ngạc. Triều Bảo Đại, các bà “Trong Sông” này đã sững sờ vì các thứ “Bánh bột măng tre”, “Chè cá”, “Chè thịt”, v.v. của mấy Mụ Cô Xứ Huế! Chuyện “Bánh Chưng Không Dây” cũng dễ thôi. Vật liệu sửa soạn cũng như vừa nói ở trên. Chỉ dùng lá chuối sứ và lá dừa. Theo như cách làm bánh phu thê (su sê), bẻ khuôn to hơn, lớn cả gang tay. Cũng dùng tăm gài lại giữ khuôn vuông vắn. Xếp lá chuối sứ vào khuôn lá dừa, gói như...thường nhưng gói cao gấp hai cái khuôn lá dừa! Gói xong xếp gọn lá chuối bên trong khuôn lá dừa, vuốt thẳng thớm. Xong lấy cái khuôn lá dừa thứ hai úp lên và cái bánh sẽ cao chừng 3 lóng tay. Bên ngoài sẽ cẩn thận gói thêm một lớp lá chuối cho kín rồi dùng lạt tre giang gói “hơi lỏng lỏng”. Nấu một ngày. Nấu xong, vớt ra khỏi nồi, để nguội sẽ tháo bỏ lạt và lớp lá chuối bên ngoài. Sắp chèn ém sơ những chổ phình lại cho thẳng. Cái bánh chưng không dây giống hệt cái bánh “su sê” khổng lồ! Đó là chuyện nửa thế kỷ qua, “chừ thì còn mô nữa!”

Dụng cụ nấu bánh:
Đã biết làm ruộng, tất nhiên phải biết chế vật liệu dùng nấu cơm và thức ăn thịt, cá, rau, v.v. Thường chỉ ăn một bữa tối thật no. Xế chiều mới cho bắp hay lúa và cối giã. Xong xuôi sẽ dựng tiếp bếp lửa mà nấu một nồi lớn. Chín thì vệt ra lá mà Xa-Vong tức là ăn cơm. Ăn xong thì Hách-Lộc tức là uống rượu. Tối nằm ngủ quanh bếp lửa. Tình trạng đời sống càng ngày càng thay đổi tốt đẹp hơn. Kể từ khi biết bóc vỏ hạt lúa ra, xong kiếm cách nấu cho chín thành cơm cũng cần thời gian thử nghiệm. Muốn nấu chín phải có thứ đựng và chịu được lửa. Từ ống tre non đến cái nồi đất không biết phải mất bao nhiêu năm. Rồi từ cái nồi đất đến cái nồi đồng cũng không biết phải mất bao nhiêu năm. Lấy gạo cho vào ống tre non để trên bếp lửa thành thức ăn gọi là cơm lam. Lam là cái ống, vật hình ống. Cơm lam là cơm nếp nấu trong ống tre rất quen thuộc của người Lào và người Thái. Tiếng Lào là Khạo lam: Cơm lam; Tiếng Thái, tiếng Nùng cũng gọi Khạo lam; tiếng Khmer là Kr-lan: cơm lam. Một số các dân tộc thiểu số của Việt Nam như Mường, Thái Trắng, không những cũng biết nấu cơm lam, mà nấu ngon là đằng khác. Cơm lam của Thái Lan, Lào không sánh kịp. Lấy ống tre non, loại quá già để ăn măng và quá non để làm lạt, giữ lại hai đầu mắt ống. Chọc một lổ nhỏ ở chính giữa một đầu mắt, xong cho gạo vào ống. Loại gạo nếp ít dẻo của người Thượng, Lào, Thái. Không nên cho đầy ống và cũng đừng đổ nước. Để ống tre trên lửa. Thường là qua đêm tức khoảng từ đầu hôm đến sáng. Lấy ra khỏi bếp, dựng vào chổ mát. Khi ăn chỉ cần tách vỏ ống tre ra. Nước trong vỏ ống tre gọi là trúc lịch có sẵn vị mặn và vì nấu từ từ suốt đêm nên hạt nếp chín tới, để được cả tháng vẫn không thay đổi. Người Lào thêm đường. Người Thái Lan thêm đậu đỏ, nước dừa, đường, muối và dùng ống tre xanh già hơn măng non. Khi nấu xong, thường chẻ bỏ bớt phần vỏ ống tre cho nhỏ và sạch sẽ. Ăn chắc bụng, lâu đói. Từ cơm lam, liên tưởng hình ảnh đòn bánh tét. Không có ống tre non thì dùng lá. Khi gói, lại dễ dàng thêm các thứ như đậu, thịt, hành, tiêu, chuối v.v. Nấu cũng lâu, phải qua đêm hay lâu hơn để hạt nếp chậm “sống lại”. Cách nấu khó khăn hơn cơm lam vì dùng nồi, thêm nước và phải canh đủ lửa để sôi đều. Thời Lang Liêu có thể dùng nồi bằng đất nung và cũng có thể dùng nồi đồng. Có quân lính, tất phải chế nồi lớn để nấu cho từng đội 5 hoặc 10 người ăn. Vậy sau này mới có loại nồi 5 nồi 10 cho tới nồi 30. Cho dù vẫn chưa đào thấy di tích nồi bằng đất hay bằng đồng, nhưng cứ dựa trên nền văn minh Đông Sơn với trống đồng Ngọc Lũ mà cho rằng thời Hùng Vương đã có nồi đồng hay vạc đồng cũng như các loại chiêng, cồng v.v.
Dùng đá xếp làm bếp. Củi gỗ để nấu đun.
Nấu vội từ 6 đến 8 giờ đồng hồ. Nếu ngâm nếp qua đêm thì nấu cách này sau khi vớt ra để khoảng 10 ngày hạt nếp mới trở lại gạo tức là “sống lại”.
Ngày xưa, nhất là lúc còn ông vua trong Đại nội. Cuối năm nhiều người họp nhau lại chung tiền mua một con heo làm thịt để ăn Tết. Chuyện này gọi là “chia thịt” hay “chung thịt”. Tùy từng loại thịt sẽ dùng để nấu, hầm, làm nhân bánh chưng hay bánh tét, kho, luộc nước mắm, giò thủ, chả lụa, chả quế, nem, dồi, giả cầy, v.v. Lại chung nhau để nấu một nồi bánh chưng hay bánh tét thiệt to. Gói ít thì “gởi”, gói nhiều thì “chia tiền củi”. Thường dùng nồi lớn chứa được vài chục cái bánh chưng hay vài chục đòn bánh tét. Bánh của từng nhà được làm dấu bằng cách buộc thêm những sợi lạt khác biệt. Hẹn ngày sẽ nấu, mang bánh tới, xếp vào nồi, dằn xếp kỹ càng cho đến khuya. Sáng sớm chưa tinh sương, tức là đầu giờ Dần, tức là đầu của một ngày, tức là 3 giờ sáng, người lo nấu bánh bấy giờ mới đổ nước gánh sẵn vào nồi và nhóm lửa. Nồi lớn, nước nhiều, phải quá nửa giờ Dần nước mới bắt đầu “kêu” rồi mới sôi. Khi nước sôi, thường khoảng chừng 4 giờ sáng tức vào khoảng nửa canh năm! Từ khi đổ nước, lên lửa cho đến nửa canh năm, người nấu bánh phải làm thật nhẹ nhàng, im hơi lặng tiếng, che lửa kín đáo không cho hắt sáng ra ngoài để con gà trống trong chuồng vẫn ngủ yên cho tới gần cuối canh năm mới cất tiếng gáy như thường lệ. Gà gáy trước khi nước trong nồi bánh sôi là điềm không hay, bị cho là “không nên”, cần kiêng cử. Người ta tin như thế này: Buổi tối sau khi lên chuồng mà gà cất tiếng gáy là trong xóm trong làng có người chửa hoang. (Gà gáy chạng vạng có người chữa hoang). Gà gáy trước khi trời sáng tức nhằm giờ Dần, người ta cho rằng chủ sẽ gặp khó khăn trong năm tới vì thức dậy quá sớm (Gà gáy giờ dần bần thần khốn khổ). Vì vậy người luộc bánh rất lo ngại về chuyện gà gáy khi lên lửa. Nấu nồi bánh suốt ngày cho đến khi gà lên chuồng thì dừng. Cuối đông, vào lúc 5 giờ chiều tức giờ Dậu trời bắt đầu tối. Từ giờ Dần đến giờ Dậu là 8 giờ âm lịch hay 16 giờ tây lịch. Tắt lửa để thêm một giờ nữa cho nước nguội bớt mới vớt bánh ra. Như vậy từ khi nấu cho đến khi vớt sẽ lâu chừng 17 hay 18 tiếng đồng hồ! Bánh tét vớt ra khỏi nồi không cần phải ép cho tròn. Bánh chưng có một số người dằn ép cho vuông. Người Bắc có tục nấu bánh chưng, vớt bánh gần giờ giao thừa, bóc bánh còn nóng hổi dâng cúng gia tiên. Người Huế thường cúng nguyên cả đòn bánh tét “nguội” trên bàn thờ, tức là thứ bánh luộc trong những ngày 27 hay 28 Tết! Từ cúng “rước” chiều 30 Tết, đến cúng “đưa” vào chiều mồng 7 hay mồng 10 Tết, bánh vẫn dẻo ngon. Luộc kỹ, đến khi “ra giêng” bánh vẫn còn mềm, ngon, không mốc, không sống lại.

Cách ăn bánh chưng:
Năm mươi năm trước, cô Hoàng Thị Kim Cúc dạy môn Gia Chánh ở trường Đồng Khánh - Huế, chuyên môn cho học trò làm bánh bột lọc, bánh quai vạc, bánh nậm, bánh bèo, bánh ít đen, bánh ít trắng và các thứ mứt dừa, mứt khoai, v.v. Xoay quanh các thứ cũng đã hết niên khóa! Cô Kim Cúc rất nổi tiếng về nấu ăn. Tuy nhiên, cô Kim Cúc không phải là người bất kỳ món ăn gì cũng biết nấu. Cô không biết nấu phở, không biết nấu bún bò, không biết làm bánh tét, bánh tày, bánh ú! Ra sách, Cô cho ăn phở với trứng gà tươi xổ vào! Ôn mệ ơi! Ngụy tặc! Nổi tiếng mà còn sai như vậy, huống chi về sau, chẳng nên trách các “cái con mụ bà cô” cho dầu chuối vào bánh ít đen tức là bánh ít lá gai cho nó thơm, thêm bột năng vào bột bánh bèo cho nó dẻo, lột vỏ tôm khi làm bánh bột lọc cho khỏi mắc răng, tô bún bò cho thêm cục huyết heo luộc to tổ chảng cho nó có vẻ đầy đặn cọng thêm mớ rau sống lều phều và tương ớt màu nâu đen cháy toàn cả hột rất ư là rừng rú! Như vậy có ai thắc mắc thì bảo là người đó không phải người Huế nên không biết! Lại nữa, cô Kim Cúc cho ăn bánh tét, bánh chưng chấm với nước mắm! Thôi, phải lôi người xếp chữ khi in sách ra mà hạch tội vì dám cả gan bỏ đi hai chữ “dưa món”. Đúng ra phải sắp chữ là ăn bánh chưng với dưa món hay chấm với “nước mắm dưa món”. Có lẽ khi nghe “dưa món” người thợ sắp chữ bèn cho ngay thứ này đồng loại với dưa cải, dưa hành, dưa hẹ, dưa chua, dưa giá, v.v. mà không biết cái thứ “dưa món” mặn mặn ngọt ngọt dòn dòn làm bằng nước mắm và đường dầm các thứ phơi khô khô heo héo như đu đủ, cà rốt, ớt trái, tỏi tươi, củ cải, dưa leo. v.v. nên mới bỏ hai chữ “dưa món”. Bác sĩ Bùi Minh Đức tuy là người Huế, viết cuốn Tự Điển Tiếng Huế nhưng vì cứ thuê người đánh máy sao y chánh bản và không có thì giờ dò lại kỹ càng, chứ đoan chắc rằng Bác sĩ Bùi Minh Đức chưa bao giờ chấm bánh tét hay bánh chưng với nước mắm mà ăn. Còn chuyện chấm bánh chưng vào nước mắm mà ăn, nếu như có thật, có lẽ xảy ra mô đó ở ngoài bắc hay trong nam nơi mà có kẻ luộc xong dĩa rau muống, đổ “một cục” nước mắm sống vào cái bát con xong dùng chấm rau muống luộc khỏi cần pha trộn thêm bất cứ vị gì khác! Còn như mặn quá thì miễn cưỡng vắt vào tí chanh. Nếu không có chanh thì cho vào tí nước rau muống luộc. Nghĩ mà thấy tội nghiệp cho dĩa rau muống luộc và thương xót cho miếng bánh chưng bị chấm nước mắm! Sau này, có một số những “người Bắc” ăn bánh chưng với giò lụa, giò thủ và chè kho, v.v.
Muốn ăn bánh chưng trước hết phải bóc lá. Thường thì dùng dao cắt bánh, để ra đĩa. Dùng đũa gắp chứ không bốc tay như ăn gỏi cuốn. Riêng bác sĩ Trần Ngọc Ninh MD của Viện Việt Học cho là nên dùng ngay sợi dây lạt gói bánh mà cắt. Thường là cắt chéo các góc trước, xong cắt thêm hình chữ thập. Như vậy cái bánh được cắt thành 8 miếng đều nhau. Miếng bánh cắt xong có hình tam giác. Các miếng bánh có đủ trong ngoài trên dưới như nhau. Các thứ nhân nhụy nếp đậu thịt hành phân đều chia đủ. Còn như cắt theo dấu các sợi lạt thì miếng này thừa nếp, miếng kia dư nhân.
Miếng bánh chưng thơm mùi lá dong, mùi lá chuối sứ, mùi nếp, mùi đậu xanh, mùi tiêu, mùi hành quyện lại thật khó tả. Dẻo. Lền. Mịn. Thơm. Có người không hạp, ăn vào thường bị “nóng” sinh ợ chua. Luộc vội, bánh chưa chín tới: Thịt còn nguyên sớ, hành vẫn dai lá củ, và nếp sau vài ngày sẽ “sượng câng sống lại”. Bánh chưng ngon ở chổ thấy vẫn còn nguyên hột nếp óng ánh nhưng mềm dẻo. Miếng thịt heo thấy còn nguyên nhưng cho vào miệng là tan biến không cần nhai. Mỡ, bì, hành thấy vậy nhưng mềm nhũn cho vào miệng thấm tận chân răng. Muối nêm vừa vặn để khi nhai cảm thấy thoáng tí mặn mà. Miếng dưa món dòn tan. Lát củ cải khô dầm nhai sần sật. Hương vị nếp chín rục nhừ quyện tiêu hành mỡ thịt xông lên tận mũi thật bình an. Mùi lá dong lá chuối dịu dàng. Ngon chưa? Lẩn thẩn chấm vào thứ mật mía, đường hùn vàng nâu, đường cát trắng đơn giản quê mùa nhưng ăn hoài không thấy ớn. Ngon thiệt là ngon miếng bánh chưng ngày Tết.

Triết lý bánh chưng:
Bày đặt nói rằng: Quan Lang Liêu sau khi thần báo mộng, cứ theo thế mà làm cái bánh chưng đầu tiên của họ Hồng Bàng. Lang Liêu xét ra thấy không nghèo như vài tác giả viết vì Lang Liêu có đủ nếp, đủ đậu, đủ thịt để làm bánh dâng lên vua cha là Hùng Vương thứ 6. Phải làm thử trước nhiều lần, có thành công mới dâng nạp. Nói Lang Liêu nghèo là nói tầm bậy. Y như hôm nay nói con gái của tổng thống Mỹ là Sasha Obama hay Malia Obama nghèo là chuyện trời ơi đất hỡi không như chuyện băng giá vừa bể tung dưới vùng Antarctica thuộc Nam Bán Cầu.
Cái bánh chưng loại nhỏ, vẫn gọi là cái bánh rùa. Gói bằng hai sợi dây. Chia làm 4 miếng. Tứ thân phụ mẫu hay Tứ tượng biến hóa  vô cùng!?
Cái bánh chưng loại vừa gói bằng 4 sợi dây: Âm dương hòa hợp. Các cụ lại nhìn ra hình con rùa có chín cung, tượng trưng cho sự thành công và sống lâu. Gói với 4 sợi dây nhìn hình mặt của cái bánh chưng sẽ thấy chia làm 9 ô. Mỗi ô là một cung. Mặt bánh có ba hàng ngang dọc, mỗi hàng ba ô. Ô giữa là con số 5, làm trung ương, tượng trưng đất tức là Thổ. Hàng trên tính từ trái sang là cung 1, 2 và 3. Hàng giữa tính từ trái sang là cung 4,5, và 6. Hàng cuối tính từ trái sang là cung 7, 8 và 9. Bây giờ theo sách Lạc Thư vẽ hình rùa: Cung số 1 là chân trước bên trái mang số 4. Cung số 2 là đầu rùa mang số 9. Cung số 3 là chân trước bên phải mang số 2. (4+9+2=15). Cung số 4 là hông trái mang số 3. Cung số 5 là bụng mang số 5. Cung số 6 là hông phải mang số 7. (3+5+7=15). Cung số 6 là chân sau bên trái mang số 8. Cung số 8 là đuôi rùa mang số 1. Cung số 9 là chân sau phía bên phải mang số 6. (8+1+6=15). Các số ngang dọc và chéo cọng lại đều thành 15. (4+3+8=15; 9+5+1=15; 2+7+6=15; 4+5+6=15; 8+5+2=15). Số 15 gồm số 1 và số 5. Số 1 là hành thủy, nguồn của sự sinh. Số 5 là hành thổ, nguồn của sự dưỡng. Thủy thổ tương ứng. Vạn vật sinh ra và lớn lên. Ghê chưa? Hình ảnh cái bánh chưng là nguồn kinh Dịch. Triết lý thật tuyệt vời!


 

Cái bánh chưng loại lớn gói bằng 3 sợi dây. Mười hai ô vòng ngoài tượng trưng cho mười hai con giáp, mười hai nghề, mười hai hạng dân. Nói sao tin vậy. Bốn ô vuông bên trong tượng trưng cho Nghĩa, Tín, Hiếu, Trung do Nguyễn Trãi lập ra dưới triều Lê Thái Tổ. Lợi tức thâu được ở các ô đất ruộng Tín, Hiếu và Trung dùng làm tế tự trong làng, giúp học trò hiếu thảo nhưng nghèo khổ, các bà mẹ góa con côi trong làng. Ruộng Nghĩa thâu huê lợi giúp những người khác xứ tha phương cầu thực. Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, Viện Trưởng viện Việt Học thuyết  như vậy, đúng hay sai, về sau cứu xét! Nhưng “chắc có lẽ” là đúng!

                                               
Kết luận:
Như vậy thật rõ ràng vì “Chuyện cái bánh chưng” là “Chuyện cái bánh chưng”!

Thái Cát
(1-2009)

Ghi chú:
* Thời Alexandro De Rhodes chưa dùng chữ u mà vẫn dùng chữ v những khi muốn bày tỏ sự trang trọng như đề tựa cuốn sách, thư văn ngoại giao, v.v.
** Sau này, Tích Quang và Nhâm Diên sang mới bày cho dân Việt cách dùng trâu và lưỡi cày sắt để làm ruộng gọi là Canh điền. Dạy thêm lễ nghi cưới hỏi giao tế v.v. Bày cách nấu rượu bằng gạo dùng trong các cuộc lễ tang hôn quan tế tức là loại rượu trắng hay rượu đế. Khổng Tử uống rượu này suốt ngày nhưng không hề say. Người Tàu lại mang rượu trà hút xách xướng ca cờ bạc đĩ điếm sang Việt Nam trong thời gian 1000 năm đô hộ.

  • cuồngtừ
    NGười ta đập cục pin cũ bỏ vô luộc chung , bánh tét mau chín , lại xanh lá nữa . Không biết có độc không .
    • hongngoc
      Bây giờ thứ gì "mau thấy", miễn có tiền là người ta làm ngay thôi mà. Cần gì chuyện độc hay không độc hả anh lsct??
  • hoa_xuongrong21
    tớ chỉ thích ăn nhân bánh trưng thôi, chứ k thích ăn vỏ đâu.
  • hoa_xuongrong21
    tớ chỉ thích ăn nhân bánh trưng thôi, chứ k thích ăn vỏ đâu.
    • hongngoc
      Cám ơn đã đọc entry, sẽ vào thăm blog của bạn. Nhân sinh mỗi người thích mỗi kiểu, miễn là bạn không thích lá gói bánh là vui rồi. Bạn có thấy hình hoa xương rồng của HN trong entry trước không?  HN
  • sauhien25
    Hồng Ngọc tặng cái bánh chưng Mới cắn mấy miếng,rưng rưng cất vào ! Bánh này ăn thấy sao sao Có lẽ béo quá,khiến bao tử đầy ! Lỡ ăn,đâu dám thày l..
    • hongngoc
      Tính kỹ ra thì bánh này vẫn chưa bằng "bánh chưng đạt Guiness VN" trong chợ Tết Bến Thành (đường hoa Nguyễn Huệ) hay bánh chưng của khách sạn Yasaka-SaiGon ở Nha Trang 6 Hiền ơi!
  • Nhà gom lá bàng 2
    Ôi chao ơi, ai viết bài này tại hạ thật bái phục. Té ra mỗi vua Hùng Vương thọ ghê quá, có thể đến TB 136 năm/người???, con cháu chúng ta ngày nay ă..
    • hongngoc
      Anh hnk ơi, ba cái vụ "té ra" và "cứ tưởng" này còn xãy ra dài dài...Rồi anh sẽ thấy nhất là khi thời sự quá khứ (cái gọi là lịch sử) không được vẽ ra y như chính nó! HN
  • nobita
    Ẩn sĩ lusoncuongtu có nói nguyên thủy cái bánh chưng giống cái bánh tét ngày nay! Bánh chưng tượng hình buồi , bánh dày tượng hình hĩm : âm dương ph..
    • hongngoc
      Rồi ra, chuyện gì "nghe cũng có lý" cả cụ Nô ạ! Có điều từ lâu HN vẫn nghiêng về cái ý anh lsct nói, kể cả khi chưa đọc bài này. Thân mến. HN
  • Rose Pham
    Dài quá...không đủ kiên nhẫn! Đọc hết bài này là nồi bánh chưng cũng vừa chín!
    • hongngoc
      Theo đà tiến bộ của KHKT, bây giờ người ta có kỹ thuật nấu bánh chưng sau 2 giờ là chín. (Cứ hỏi tiệm bán bánh chưng, bánh giò góc đường Hùynh Thi..

2 nhận xét:

  1. Nặc danh08:58 3/1/13

    Thấy bánh chưng là nhớ Tết. Chúc HN và gia đình một năm mới thịnh vượng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã vào thăm, blog mới này HN mới làm quen, còn vướng víu nhiều. Sẽ vào thăm bolg bạn sau nhé. HN

      Xóa

Flags..


Flag Counter