20/11/14

Tản mạn về Huế của anh “học trò trong Quảng”.



Cuối tháng 8 tôi về VN, hai tháng trời đi nhiều nơi, thăm viếng và gặp gỡ nhiều người.  Thông tin với mọi người về hành trạng của mình chỉ gửi lên Facebook. Suốt tháng 9 chỉ post một entry lên blog, tháng  10 không có bài nào và hai mươi ngày đầu của tháng 11 cũng vậy. Có vẻ FB thuận lợi và nhẹ nhàng hơn nên quay lại blog thấy vắng lặng, thấy buồn và cảm tưởng như có lỗi với những người từng đọc và thỉnh thoảng quay lại blog mình. Nay gửi lên bài này để hâm nóng ý tưởng và hy vọng rằng từ tháng 12 blog sẽ trở lại nhịp điệu bình thường.

1. Khi nói về cái nhìn của chàng học trò xứ Quảng với những người đẹp đất thần kinh tôi nghe nhiều lần hai câu:  Học trò trong Quảng ra thi
                    Thấy cô gái Huế chân đi không đành.
Có lẽ vì mặc cảm thua sút, thấp cơ so với người đẹp, chàng học trò xứ Quảng nói lại bằng cách thay chữ “Thấy” bằng chữ “Mấy” để vớt vát:  Học trò trong Quảng ra thi
                                                                  Mấy cô gái Huế chân đi không đành.
Tôi là dân Quảng, nhìn nhận theo cách riêng và thuần cảm tính của mình, rất khách quan và thật lòng, vẫn nghiêng về hai câu trước ít nhất là dựa trên sự chiêm nghiệm của mình trong 5 năm sống và học hành ở Huế chỉ vì một điều rất dễ hiểu là tôi đã ở vào tình trạng “chân đi không đành” khá nhiều lần!.
Cho đến bây giờ, đã bốn mươi năm xa Huế, hẵn là hai chữ “thấy” và “mấy” vẫn là vấn đề tiếp tục được nói đến, được mổ xẻ để giành phần hơn cho trai Quảng hoặc gái Huế. Không chắc  rằng hai câu này có phải là ca dao hay không, tôi gõ câu đầu vào Google, không tin được là tôi nhận được 4.590.000 câu trả lời chỉ trong 0.55”!.

Với bạn bè ở Huế tại cafe Mai Uyển trên bờ sông Hương.
2. Tôi đến Huế hai lần năm lên chín, một lần theo mẹ thăm người quen và lần khác thăm cha tôi bệnh điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế, tôi cũng sống với Huế cùng nhân vật trong truyện “Trong gia đình” được phóng tác từ “En Famille” của Hector Malot lấy bối cảnh không gian là Huế, một lần ở lại mấy ngày  trong trường NHSQG bên đường Ngô Quyền khi thăm chị tôi làm việc ở đó và thực sự sống nhiều năm ở cư xá sinh viên Huỳnh Thúc Kháng số 127 đường cùng tên, ngày xưa còn có tên là đường Hàng Bè. Địa chỉ này là tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc này đang được quản lý bởi Hội Ái hữu Đồng châu QuảngNam tại Huế do ông Nam Thiên có nhà trước cửa Thượng Tứ phụ trách.

Sinh viên cư xá dưới 40 người gồm dân các quận của Quảng Tín, Quảng Nam và Đà Nẵng, mỗi năm chừng bốn năm người ra trường, cư xá lại nhận thêm con số đó thay vào. Năm năm sống ở cư xá tôi hiểu tính cục bộ địa phương trong tâm tư chàng sinh viên xứ Quảng, một số người là dân quận huyện, thời gian đầu chưa am hiểu nhiều về đất và người của Huế nên khá mặc cảm, nhất là trước các cô gái Huế, chưa nói đến những Tôn Nữ con nhà!

3. Gần bốn mươi chàng trai đó sống ở cư xá cả trên dưới lầu mỗi tầng hai dãy giường có lối đi ở giữa, hai người một ô, mỗi dãy bốn ô, tính chung một tầng là 16 người, có thêm một gác xép và một phòng nhỏ sau phòng khách khoảng 8 người nữa. “Cơm đùm gạo bới” đi học nên chỉ tập trung vào việc dùi mài kinh sử, lộ trình chính là từ nơi ở đến trường và ngược lại, thời gian đầu thường ngại tiếp xúc ngoại trừ bạn cùng lớp trong khoa. Tuy vậy, máu Quảng Nam vẫn rần rật trong tư tưởng họ, có lần, ngồi hóng mát trước hành lang phòng khách cư xá, sát lề đường, chứng kiến hai anh bạn chọc ghẹo hai cô gái đi qua, tôi can không kịp vì việc này luôn được Ban Đại diện cư xá nhắc nhỡ thường xuyên trong các buổi họp thường kỳ: không nên để dân địa phương đánh giá thấp sinh viên nội trú và có những việc làm khiến cư xá nói chung và sinh viên Quảng Nam nói riêng mang tiếng xấu. Các cô gái có lẽ từng gặp chuyện này nên thủ sẵn vũ khí loại hàng độc, khi bị chọc, một cô nói ngay: Chiếu không? đó là từ người Quảng Nam cho là bị xúc phạm vì khi người Huế chê dân Quảng thì thường dùng ba chữ  mang tính miệt thị: dân bán chiếu. Tôi chưa gặp nhưng nghe nói là có rất nhiều người dân Quảng gánh chiếu đến các vùng quê và cả đi vào các ngỏ hẽm phố phường để bán. Hai anh bạn này là sinh viên năm hai, có lẽ do đàn anh truyền kinh nghiệm nên hỏi ngay: Bán chiếu để trãi dưới đò à? Ác đến thế, đốp chác đến thế là cùng!
Cơm hến Huế!
Từ thập niên 70, bên tả ngạn sông Hương có 34 vạn đò sống trên sông nước với nhiều nghề nghiệp khác nhau,từ Phu Vân Lâu, Thương Bạc xuống đến chợ Đông Ba, rẽ về sông Đông Ba có một số đò là nơi kinh doanh thân xác phụ nữ phần lớn phục vụ khách làng chơi là những người lính về từ “địa đầu giới tuyến”. Dân Huế nói chung và phụ nữ Huế nói riêng, tôi biết, không chấp nhận chuyện này! Đò Huế không còn là nơi để những đêm trăng sáng, chèo ra giữa sông Hương nghe câu “mái nhì mái đẩy”, không phải là nơi bạn bè tri kỷ gặp nhau cùng ngược dòng Hương Giang vừa thưởng thức khúc “Nam ai Nam bình” vừa uống rượu ngăm trăng, qua khỏi Tuần đến Tả Trạch Hữu Trạch tìm mùi thơm của hoa Thạch xương bồ, mùi thơm khó quên nên người Pháp đặt tên sông là Rivière de Parfume mà đò Huế trở thành chốn Bình Khang được biết đến trên cả nước không khác gì  “Number 9” thường nghe gọi là “năm bờ nay” tức cây số 9, Cam Ranh.
Bún chả cua tại quán Na ở Tây Lộc, ngon có tiếng.
4. Không có số liệu chính xác về số sinh viên Quảng Nam học ở 5 khoa của Đại học Huế, những người học ở trường Cán sự Y tế, Nữ hộ sinh Quốc gia hay Trung học Nông Lâm Súc, những trường  không mở ở Quảng Nam Đà Nẵng nhưng nếu tính cả vào lúc tôi ở Huế  sẽ có con số phỏng chừng dưới 200. Cư xá Nam Giao, Đội Cung, Xavier, Jeanne D’Arc, Huỳnh Thúc Kháng, cư xá của hai trường y tế là những nơi cư trú của họ trong những năm đi học, số còn lại thuê nhà ở hoặc dạy kèm ở ngoài. Năm năm tôi sống ở nơi này, chưa nghe thấy ai có đóng góp hoặc cống hiến gì nổi bật ở các trường hay trong các hội đoàn ngoại trừ đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh chống Mỹ của các đô thị miền Nam mà cư xá tôi ở, con số tham gia lên đến gần chục người! Có lẽ lo học nhiều nên kết quả của các chàng sinh viên xứ Quảng khá khả quan và điều này làm họ lọt vào mắt xanh của những người đẹp, khóa Huỳnh Thúc Kháng của tôi cũng có người rước được người đẹp về làm dâu đến tận Tam Kỳ!

5. Khá nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu người Huế đã viết về tình thương yêu và nhớ nhung của họ khi sống xa thành phố nắng nẻ đất, mưa trắng trời này, đó là giáo sư Cao Huy Thuần, là giáo sư Nguyễn Tường Bách, là nhà văn Trần Kiêm Đoàn… Ngày tôi về thăm Huế, Thanh Nhã tặng mấy cuốn sách trong đó có “Từ ngõ Huế xưa” một quyển sách chọn lựa những bài hay nhất về Huế của Trần Kiêm Đoàn, bài nào đọc cũng không thể không xúc động, trong bài Mưa Huế (trang 36) anh trích một đoạn trong Nhớ Huế (năm 1995) của nhà văn Nguyễn Mộng Giác mà anh dùng là “người bên kia đèo Hải Vân” như sau: “Mưa tê tái, mưa lạnh lùng nhưng ngay trong cái tê tái nhợt nhạt ấy, Huế vẫn cứ thơ…Tình yêu của Huế không cần viện đến nắng vàng, trời trong, mây xanh.Ủ dột u ám cũng có nét đẹp của nó”.

Bạn bè tôi, những con dân sinh ra và lớn lên trên đất thần kinh  luôn âm ỉ trong lòng một niềm tự hào về đất và người xứ Huế, nơi đã là kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng: nhà Nguyễn, cũng không ít người khi nghe ai đó ngợi ca Huế đã có những phản ứng trái chiều dầu những ngợi ca đó được số đông ủng hộ vì đã có cái nhìn sâu sắc đến mức có thể đi vào văn học sử như hai câu nổi tiếng của nhà thơ Thu Bồn:
                                      Con sông dùng dằng, con sông không chảy
                                      Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Hay: Huế đẹp, Huế thơ, Huế mơ, Huế mộng họ liền thêm vào 5 chữ đầy ác ý và giễu cợt, chưa bàn đến đúng, sai: Huế tộng bộng hai đầu!
Lại nữa, từ câu ca dao về sông Hương núi Ngự như :
                                       Núi Ngự bình trước tròn sau méo
                                       Sông An Cựu nắng đực mưa trong.
Họ trả lời ngay:              Núi Ngự không cây chim ngủ đất
                                       Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời   

6. Hồi sống ở cư xá, có lần tôi được nghe một đàn anh kể lại một chuyện tình trai Quảng -  gái Huế, không cần thẩm định mức độ khả tín của câu chuyện nhưng tôi biết anh và không tin đây là chuyện đùa. Anh kể rằng, có một chàng trai Quảng ra học đại học, ở trọ và kiếm tiền phụ thêm tiền nhà chu cấp hàng tháng bằng việc kèm trẻ (hồi ấy gọi là précepteur). Không rõ nhan sắc và sức học của cô học trò thế nào nhưng cô là con của một chủ tiệm buôn lớn trên đường Trần Hưng Đạo. Có tình yêu nảy nở sau quan hệ thầy trò này không hay chàng trai này có ý “đào mỏ” hau không cũng không rõ nhưng một thời gian sau cô học trò này… có bầu! Cha cô bé đề nghị chàng sinh viên làm rễ mình, sẽ tổ chức một đám cưới xứng tầm với gia sản và vị thế của ông trong giới doanh nhân và hứa hẹn sẽ cho hai vợ chồng trẻ một căn nhà riêng trong phố. Chừng như ý thức được “thế thượng phong” của mình, chàng trai đòi hỏi thêm một chiếc xe hơi và vốn liếng. Ở đời, “già néo đứt dây”, sau nhiều lần “đàm phán” không tìm được mẫu số chung, ông chủ quyết định đưa con vào Sài Gòn sống chờ ngay sinh nở. Không biết “cái hậu” thế nào, những nhân vật trong chuyện này ra sao nhưng nếu là chuyện tình thì nó thiếu cái happy end!
Các bậc tiền bối Quảng Nam  ra học, ở lại làm quan, làm việc ở Huế nhiều thế hệ khác nhau đã có nhiều đóng góp cho triều đại nhà Nguyễn, cho Huế nhưng đọc một bài viết của tác giả Phạm Phú Phong (1) tôi không khỏi cảm thấy chạnh lòng về việc đối xử của chính quyền hiện tại với những danh nhân, những di tích liên quan mà nơi tôi ở, cư xá SV Huỳnh Thúc Kháng ngày xưa bây giờ hoang tàn đổ nát vì chính quyền giao cho Đại Học Y làm nơi ở của cán bộ, họ cơi nới, chia nhỏ, thậm chí  có người dùng cho thuê mặt bằng buôn bán là một thực tế đắng lòng!
Hình ảnh điêu tàn của cư xá SV Huỳnh Thúc Kháng nơi ngày xưa là tòa soạn báo Tiếng Dân!
Sau Mậu thân, Huế đổ nát, điêu tàn do bom đạn, Huế tang thương với hàng ngàn vành tang trắng do thành tựu “giải phóng” qua các mồ chôn tập thể, coi phóng sự trên  tivi về các buổi khai quật những mồ chôn này, phóng sự luôn kết thúc bằng bản nhạc “Thương về cố đô” của nhạc sĩ Thanh Sơn mà mỗi lần nghe, tôi nhớ - dầu chỉ mới đến Huế vài ba lần - minh đã không cầm được nước mắt!
Sau này, khi lập gia đình, tôi lại lần nữa gắn bó với Huế tuy vợ tôi chỉ lớn lên ở Huế từ thuở lên năm lên sáu. Và bởi đó, tôi luôn giữ trong tim lòng biết ơn xứ Huế nơi một anh, một chị tôi đã học và làm việc, nơi cha tôi trút hơi thở cuối cùng, nơi tôi sống suốt thời sinh viên sôi nổi, nơi tôi đã không ít lần thấy lòng mình dậy lên những xôn xao về một nét đẹp Huế, một giọng nói Huế, một ánh mắt Huế, một tấm lòng Huế… cho tôi nhiều người bạn Huế vô cùng dễ thương và sau cùng, ít nhiều cũng cho các con tôi một …chút chất Huế trong người.    
                                                                                                                      
    

6 nhận xét:

  1. Chào mừng bác HN đã trở lại với một bài kha khá về Huế của anh hoc trò xứ Quảng năm xưa. Hy vọng bác sẽ thường xuyên "ở" lại đây. Xóm blogspot hồi này khá im ắng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác NHP "mở hàng" trở lại chắc là "mắn" khách rồi!. Cứ tưởng lâu quá rồi bạn bè quên luôn, sáng nay vào blog cầu may lại thấy bác và MB. Cám ơn bác rất nhiều.

      Xóa
  2. Nhớ lần đầu tiên ra Huế , mệ nội chồng ngồi trên sập hay gọi M đến cầm tay nói toàn ca dao , vè Huế . M nghe chẳng được chữ nào và dĩ nhiên chẳng hiểu mô tê chi hết , hihi ...
    Lâu quá mới thấy anh HN trở lại blog ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quay lại blog, gặp bạn bè xưa, có ông (NHP), lại có cô/bà (MB) thiệt vui. Sẽ cố gắng để khỏi phụ lòng mọi người. Dân Trưng Vương ra Huế lần đầu thường "nghe" bằng mắt!. Hihi. MB có thấy mệ nội ăn trầu và chơi xăm hường không? Cám ơn đã đọc.

      Xóa
  3. Yêu Huế lắm đông buồn mưa không dứt
    Yêu cả khi nước lụt xô chân cầu
    Thương nhớ Huế nhiều bởi vì đâu
    Có lẽ chỉ một câu-Tôi yêu Huế

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã biểu đạt tình yêu Huế qua bốn câu thơ trên.

      Xóa

Flags..


Flag Counter