5/8/14

Quê ngoại





Nhân Vu Lan - mùa báo hiếu - 2014, post lại một bài viết cách đây đã 14 năm


Sau Tết, giở lại chồng báo chưa có thì giờ đọc, tôi thấy trên tờ Thanh Niên bài báo "Tết ở một xã nghèo nhất nước". Vốn quan tâm đến chuyện thời sự xã hội, tôi đọc kỹ và ngờ ngợ bài báo viết về quê ngoại của mình, mà đã quá lâu, không có dịp trở về.

Tôi xác minh thì quả đúng như vậy. Ngờ ngợ vì sau giải phóng tên đất tên làng đã thay đổi cả và tôi rời khỏi chốn này ngót ba bốn mươi năm. Anh em thân thuộc cũng phiêu dạt nhiều nơi vì thời cuộc và miếng cơm manh áo. 

Quê ngoại còn lại trong tôi là ký ức của một ấu thời hạnh phúc tràn đầy tình cảm với mẹ và tất cả anh chị em, mỗi khi có dịp nhớ về…

Đó là một vùng bán sơn địa, nghèo nàn. Làng ngoại cách làng tôi khoảng bảy tám cây số. Đường quê hẹp, người đi bộ, hiếm hoi thi thoảng mới có một chiếc xe đạp.

 Hai nhà nội ngoại tôi đều thuộc hàng khá giả ở quê. Đám cưới cha mẹ tôi là đám cưới lớn giữa hai gia đình môn đăng hộ đối. Khi mới về làm dâu, mỗi lần về thăm nhà, mẹ tôi thường đi cáng, bốn người thay nhau khiêng. Chỉ có con nhà khá mới đi như vậy. Những người khiêng cáng được trả tiền công và được lo ăn uống đầy đủ trong những ngày mẹ tôi thăm nhà. Khi lớn lên, tôi còn thấy chiếc cáng treo trên xà nhà, như thấy cái thời xưa vang bóng của cha mẹ mình sau bao thăng trầm lịch sử.

Sau này, mỗi lần được về thăm ngoại, hai mẹ con phải đi bộ gần cả nửa ngày. Với ký ức non trẻ của một cậu bé con chưa đầy 10 tuổi, đường về ngoại thật là "sơn khê cách trở". Có đoạn vắng tanh hai bên um tùm rào giậu. Có đoạn truông bụi âm u, như giấu bầy quái vật sẵn sàng xồ ra chụp lấy mình. Có đoạn cầu tre liêu xiêu bắc ngang con sông mùa nước lớn trở nên dữ tợn, sợ nhất khi vịn những cây tre nhỏ qua cầu, cứ nghĩ mình sẽ trật tay rớt ùm xuống nước.

Thú vị nhất những đoạn băng ngang lộ lớn. Một chiếc xe đò nào đó chạy ngang qua đủ để cậu bé nhà quê thẩn thờ nhìn theo biểu tượng của "văn minh đô thị" và hít mãi mùi khói xăng, mơ ước có một ngày được đến chốn thần tiên đó.

Ông ngoại mất sớm khi tôi còn nhỏ. Sáu dì cậu mất hai còn bốn: Dì Ả, mẹ tôi, dì Năm, cậu Sáu. Dì Cạnh đã mất nhưng dượng và con cái ở gần bên. Dì Ả, dì Năm góa chồng không con ở chung với ngoại và gia đình cậu Sáu. Thành ra về ngoại là gặp hết mọi người.
Không thể nào quên tâm trạng vui sướng khi hai mẹ con vừa ra khỏi cấm bọ (đường vắng, quanh co vài trăm mét ít người dám qua lại những khi trời chạng vạng tối), đã thấy cánh đồng xanh xanh chạy dài trước nhà ngoại, đã gặp những bà con chòm xóm vui vẻ chào hỏi như bản tính vốn hiếu khách của người dân quê cùng lòng trọng vọng của họ đối với gia đình ngoại và cả mẹ tôi nữa.

Đi thêm một đoạn đường mòn nữa là lúc chân tôi đã mỏi nhừ và bên kia cánh đồng nhỏ các em con dì Cạnh đang í ới đốt rạ ngày mùa tháng tám hoặc làm cỏ lúa tháng tư.
Bà ngoại, dì Năm, gia đình cậu Sáu và chú em con dì Cạnh (1956).

 Từ đó, bắt đầu những ngày hội hè, vui chơi thỏa thích. Quả là không gì thích hơn khi cái thằng tôi, đứa cháu út ở xa về được thương yêu, chiều chuộng hết mực và nhất là được đùa nghịch hết mình với các anh em con cậu, con dì mà không phải len lén dè chừng ánh mắt nghiêm khắc của cha tôi.

Cho nên mỗi lần rời nhà ngoại trở về, biết bao là luyến lưu, bịn rịn. Chân bước đi mà đầu cứ ngoái lại, mãi đến khi nhà ngoại và những người thân khuất hẳn sau bờ tre thẫm xanh.

Những ngày Tết về ngoại, được theo mẹ đi chúc tết những bà con tận Diên Lộc, Hiền Lộc càng vui hơn nữa. Có khi mất hơn nửa ngày hết nhà này sang nhà nọ, mà đến đâu cũng được dọn đãi cả mâm đầy bánh trái thức ăn.

Nhưng không nhà nào có được món bánh khảo và món thịt heo kho đường tuyệt vời của dì Năm tôi. Miếng bánh khảo phủ ngoài một lớp mè rang giòn tan trong miệng, miếng thịt heo vàng ươm, béo thơm ngọt lịm trên đầu lưỡi của cậu bé nhà quê. 
Dì Năm và gia đình con gái út của cậu trên nền đất nhà ngoại xưa.

Rồi những đêm ra sân đình coi hát bội. Cả làng như đám hội tưng bừng, vì ở cái miền quê xa xăm ấy vào những năm năm mươi sáu mươi, làm gì có trò giải trí nào vui hơn. Nhiều năm liền, vẫn gánh hát ấy, đào kép ấy, tuồng tích ấy đến nỗi những người có "trình độ" như dì Ả (có thể đọc vanh vách bất cứ đoạn Kiều nào) có thể nhắc trước tất cả những lớp, những hồi, những trích đoạn tuồng trừ phi trên sân khấu diễn viên tự ý "nhận lớp"…

Thương yêu, gắn bó với quê ngoại, anh chị em tôi đều thân thuộc với bà con xóm giềng xung quanh, từ ông Ba Chai lầm lì, ít nói, khi nói thì như gà mổ đến chú Liêm, chú Lợi hiền từ, đến chú Tuất ưa pha trò và sau này khi nghe tin con Xí Tuất bỏ làng đi xa thành đạt trở về ai cũng thấy mừng như chính anh em mình thành đạt…

Khi phải bỏ làng ra đi để tránh bom đạn trong những năm chiến tranh ác liệt, gia đình tôi và gia đình ngoại đều đùm túm nương tựa nhau sinh sống bằng nhiều nghề nghiệp khác nhau. Tuy vậy, người đi học, kẻ đi làm khó có dịp gần nhau, dầu rằng khoảng cách hai nhà chỉ còn là một bờ giậu.

Ở nơi phố xá chật chội, ai cũng tất bật việc mưu sinh nên những tình cảm hồn nhiên, ngây thơ của ngày xưa cũng có nhạt dần, nhất là khi khung cảnh đã đổi thay. Không còn bờ ao trước nhà rợp bóng bàng, nơi bầy ểnh ương kêu uềnh oang lúc tối trời với đám tổ đầy bọt trắng. Không còn hòn đá to dưới gốc xoài râm mát, nơi chúng tôi thường nghịch ngợm vui đùa. Không còn cả đám ruộng chạy dài trước mặt nhà những đêm cùng nhau đi soi ếch. Không còn những tối vừa thích vừa sợ nhìn ma đuốc chập chờn ở cuối đồng sau buổi giông chiều …

Ngoại tôi cũng đã già, lẩn thẩn và mất sau khi đi lạc mấy ngày.

Quê ngoại từ đấy và mãi về sau này chỉ còn là thiên đường thơ ấu để mà hồi tưởng, để mà nhắc nhớ …

Chiến tranh đi qua, cậu, dì tôi hồi hương, làm lụng vất vả, chuyên cần bất kể sức khỏe và tuổi tác. Vậy mà suốt bao nhiêu năm, vài lần tôi có dịp về thăm vẫn thấy cuộc sống còn quá nhiều nghèo khổ, nhọc nhằn. Chỉ có một hạnh phúc lớn nhất là trong bất kỳ hoàn cảnh nào mẹ tôi và các cậu dì vẫn hết lòng thương yêu, chăm sóc nhau, điều mà xuống đến thế hệ chúng tôi có chiều hướng ngày càng mai một,  dù đã cố gắng gìn giữ những nếp xưa!

Khi ngồi viết những dòng này thì di Ả đã qua đời, dì Năm già yếu, mẹ tôi đã trên tám mươi, cậu mợ Sáu sống ở Mỹ, con cái dì Cạnh mỗi đứa mỗi nơi. Các em con cậu mợ đều đã trưởng thành, anh chị em tôi cũng đã có cháu nội cháu ngoại, nhưng khi đọc xong bài báo tôi vẫn thấy lặng buồn. Buồn như chính chúng tôi vẫn còn sống nghèo nàn lây lất trên vùng đất khốn khó ấy. Ơi quê ngoại đã xa, xa cả không gian lẫn trong những tháng năm bộn bề chồng chất, biết bao giờ ta mới có được một lần sống lại cái êm ái ngày xưa?


Đã ở ở cái tuổi lực bất tòng tâm này, tôi vẫn thầm mong những cư dân Sơn Lộc ngày xưa và Quế Minh bây giờ thành đạt ở một nơi nào đó trên trái đất, đọc được bài báo này, có thể làm bất cứ điều gì giúp cho mảnh đất mình đã sinh ra và cho thế hệ đang vượt qua gian khó, cố vươn lên những điều tốt đẹp mà … không biết đến bao giờ.


Cuối tháng 02/2000

14 nhận xét:

  1. Nặc danh02:51 6/8/14

    HN viết văn cũng đã lâu rồi nhỉ. Viết trước Tám đó nhen. Viết tiếp bài mới đi, nhà văn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN "tập làm văn" từ hồi học tiểu học kia chứ! Mà Tám và chúng ta đều vậy cả thôi và viết trước Tám là cái chắc vì sinh trước Tám nên đi học trước Tám. Hihi. Nói cho vui chứ HN nghĩ chỉ là ghi chép lại những suy nghĩ mình và "hành hạ" bạn bè đọc chút đỉnh cho vui (nếu có người thích bị hành hạ) . HN có vẻ là "văng khỏi nhà" vì cứ ngồi trên máy hoài chứ được như Tám nói thì lẫm liệt biết bao!

      Xóa
  2. Anh làm Nô cũng ... NHỚ lây!

    Trả lờiXóa
  3. Kí ức quê ngoại của HN làm xúc động người đọc, nói như bác Nobita là ..nhớ lây

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN có một anh bạn, không viết lách gì nhưng đọc nhiều. Khi đọc bài này anh ấy bảo " tôi đã đọc nhiều người viết về quê ngoại, thấy nơi ấy trong ai cũng mất đi, chỉ trong anh là còn!", không biết thực hư thế nào hay chỉ là lời động viên nhưng nếu có ai đó xúc động, nhất là bác Bu thì thiệt vui.

      Xóa
  4. Tôi chẳng biết tí tẹo nào hết quê nội ngoại. Bác HN có quê ngoại để nhớ hay quá :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác NHP có lẽ xa quê khi còn nhỏ rồi lại tiếp tục xa hơn nữa nên không biết, bù lại bác lại được nghe, được cảm khi ai đó hát "Giấc mơ hồi hương" của nhạc sĩ Vũ Thành phải không ạ?

      Xóa
  5. Ngày xưa cháu về quê ngoại là được cưng nhất vì là khách ! Viết bài này chắc mắt anh cũng nhòe cay ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sau này thì đời sống những bà con ở nơi đó có khá hơn, đất đai được triệt để tận dụng trồng keo lá tràm hình như bán cho nhà máy giấy anh HHP ạ. Bây giờ mình về lại chỉ còn bà con xa và già mất rồi!

      Xóa
  6. Những hoài niệm quê nhà lúc nào cũng làm ta ngậm ngùi, buồn nhớ anh ha!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đi đây đi đó, tiếp xúc dân thị thành sao cứ thấy dân quê hiền hòa, chân chất và dễ thương cũng là lý do mình thường hướng về nơi đó giao à!

      Xóa
  7. Có quê để về và để nhớ là hạnh phúc rồi anh HN ạ . M nhớ hồi còn bé , mỗi lần được theo ba mẹ về quê là nôn nao , đêm trước đó không ngủ được luôn ((-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN lớn lên từ lưng trâu và gốc rạ, đầu năm đệ ngũ mới ra thành phố sống nên có một ấu thời gắn với các vùng quê nội ngoại. Vì vậy, mỗi lần trời chuyển tiết, mỗi lần thấy ở đâu đó một loài hoa dại giống quê mình, mỗi lần thấy tổ chim dồng dộc, nghe tiếng kêu của chim tu hú...là kỷ niệm ngày xưa cứ ồ ạt hiện về MB ơi!

      Xóa

Flags..


Flag Counter