3/8/14

Món ăn quê.






Mấy hôm nay buổi tối trời mưa lớn, sáng dậy xuống vườn cho chim ăn, chân dẫm trên cỏ ướt mà lòng nhớ về những buổi sáng sớm khi còn nhỏ ở nhà quê, cũng thời tiết này, mấy chị em cùng đi hái nấm.

1. Hồi còn nhỏ ở quê, tiếng là một gia đình khá giả, gà vịt, trái cây đầy vườn nhưng chừng như người lớn trong nhà tôi chỉ để dành cho giỗ chạp hoặc khách khứa, hiếm có những bữa ăn ngon như người thành phố. Thức ăn cũng có cá thịt tôm trứng nhưng món ăn chủ lực vẫn là rau dưa mắm muối, những thứ có sẵn trong vườn và dự trữ trong nhà. Việc này có lẽ là tính cách cố hữu của người dân quê: ưa chắc lót, dành dụm.
Nấm là thứ thực phẩm mà dân quê tôi ít ăn nhất vì hiếm có và ngày ấy, thập niên 1950-60  không có những loại nấm công nghiệp bán rộng rãi như bây giờ. Nhà tôi, mỗi khi có đám đình giỗ chạp mới đi chợ huyện mua nấm mèo khô cùng với kim châm, phù chúc cho xào nấu, nấm mèo cũng được dùng cho việc làm món mọc để cùng với nem chả là món khai vị trong các đám tiệc. Thỉnh thoảng ra vườn, trên những thân cây mục ngã xuống lâu ngày thấy nấm mèo là hái về, lại phơi khô, cất trên giàn bếp để dành!

2. Quê tôi cũng thường hay có nấm mối, không hiểu tên gọi này có phải xuất phát từ việc chúng xuất hiện  gần các tổ mối là những ụ đất cao và to do mối đùn lên hay không. Nấm mối thường thấy khoảng 6-7g sáng sau một cơn mưa lớn trong đêm và hình như mỗi năm chỉ có chừng vài lần. Vị nấm mối ăn rất ngon, hái về thường dùng “đúc” bánh xèo (“đúc” là từ dùng để chỉ việc làm bánh), nấm xào với một tí dầu là khi ăn đã thấy “ngọt tê đầu lưỡi”,  nhà nào hái được nhiều thì xào sơ qua để dành hôm sau nấu cháo. Xóm tôi cũng có  một lệ rất dễ thương là những gì thuộc “của Trời cho” ít ai hưởng một mình, mỗi khi thấy nấm mối là cả xóm gọi nhau í ới để đi tìm hái vì  thường sau 9 giờ sáng, không hái kịp, nấm sẽ héo và mất vị ngon.

Có chuyện khôi hài mà mỗi lần thấy nấm, nhà nào cũng nhớ!. Bác Tư Lý - gọi theo tên con đầu là bác Tuyết - làm thầy phù thủy ở gần nhà tôi trong xóm có một bầy con, Tuyết và Nhạn là hai đứa lớn trạc tuổi tôi, khi nghe sau cơn mưa đêm trước, ngoài vườn có nấm chúng cũng theo xóm đi tìm, tìm hoài không gặp, trên đường về, thấy một vạt nấm dại, chúng không biết và hái về, xào nấu cho cả nhà ăn. Không hiểu sao ăn vào không lâu thì đứa nhỏ nhất trong nhà ngồi cười, rồi đứa lớn hơn cũng cười và cứ thế, cả nhà nhìn nhau cùng cười như nắc nẻ, cười liên tục không kìm được?. Bác Tư đi cúng trong làng về, biết là ngộ độc, qua nhà tôi mua thuốc giải vì cha tôi làm thuốc Bắc. Sau này mới hiểu rằng đứa nhỏ nhất cười trước vì thể lực yếu nên ngộ độc nhanh và vì lượng nấm mỗi người ăn vào gần như nhau!

3. Do địa hình và khí hậu, mỗi năm làng tôi chỉ làm được hai vụ lúa theo nước trời, vụ hè và vụ đông. Lúa vụ đông gặt về, cho trâu đạp, lấy hạt phơi trong nhà những ngày mưa, rơm thì chất thành từng đống lớn đầu sân. Mưa dầm lâu ngày rơm mục dần, những buổi sáng mặt trời hửng lên báo hiệu một ngày nắng ráo từng đụn khói ngoằn ngoèo tỏa ra như hơi nước trên mặt hồ vào sáng sớm khi trời lạnh . Khi cây lúa rơm đã mục và chuyển sang màu xám đậm cũng là lúc trong đống rơm bắt đầu có chỗ meo xuất hiện, thọc tay vào rơm nghe ấm thì vài ngày sau đã thấy vài hạt nấm nhỏ như đầu đủa xuất hiện chỗ này chỗ khác. Ngày còn nhỏ, lúc đầu ngày nào tôi cũng háo hức mỗi sáng dậy ra thăm chừng, nấm lớn chậm quá, chán rồi quên dần. Lúc nhớ lại chạy ra thì nấm đã lớn bằng từ ngón tay đến ngón chân cái. Vào khoe với mẹ rồi lấy rổ ra “thu hoạch”. Lượng nấm thu được chỉ đong đầy bốn năm lon sữa bò nghĩa là xào được một đĩa nhưng vui. Khi nấu bữa cơm chiều, mẹ sai ra vườn hái vài tấm lá chuối, bà rửa sạch dăm mười cái nấm, bỏ vào tí muối, lấy lá chuối gói lại rồi lùi vào đống than đỏ trong bếp. Lát sau mẹ lấy ra, chờ nguội và gọi tôi ăn. Thật không thể nào tả được sự ngon miệng và thích thú của tôi lúc được ăn nấm rơm lùi trong tro than nóng vì chạy nhảy cả buổi chiều cũng đến lúc đói và thèm ăn nhất là khó quên vị ngon và mùi thơm của nấm nướng, có lẽ hơn cả thịt gà.

Nhiều năm sau, khi tôi đã sống xa nhà và có gia đình, có những ngày trời mưa, thời tiết và kiểu mưa lay lắt giống quê mình, cũng trong khi trời lành lạnh, chở vợ đi chợ nhìn thấy nấm rơm, tôi bảo vợ mua về, cũng làm y như mẹ làm ngày nào, lần này còn tiến bộ hơn nhờ bỏ thêm vào đó tí bột ngọt, cũng lùi vào tro than nóng, cũng háo hức chờ như ngày xưa nhưng khi ăn, không ngon bằng!. Và không chỉ riêng món nấm rơm nướng mà nhiều món khác cũng không thể nào và chắc không bao giờ có thể có vị ngon của những món ăn ngày xưa vì tuổi đời, vì không gian, vì khẩu vị và chắc chắn là vì không do mẹ tự tay làm trong hoàn cảnh thiếu thốn của ngày ấy, cũng có thể vì đời sống chúng ta ngày càng khá hơn, thưởng thức thường xuyên nhiều món ngon hơn nên ít thấy… thèm thuồng!

8 nhận xét:

  1. Loại nấm này cũng chỉ từng vùng có thôi chủ nhà nhé -có nơi tui thấy có nhiều mà có nơi thì không hề thấy -mặc dù nơi nào cũng rất nhiều đống rơm mục -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có thể nó phụ thuộc vào thời tiết hay là phong thổ gì gì đó bạn à. Cám ơn đã đọc!

      Xóa
  2. Đi xa người ta thường nhớ đến những món ăn quê chứ ít ai nhớ đến những bữa tiệc thành phố.
    Ngày trước khi tôi ở trong lính nơi rừng Tây nguyên đến mùa mưa tha hồ ăn nấm. Chắc ăn nhất là ăn những nấm do những người Thượng trong đơn vị hái về. Nấm mối đúng là thường mọc ở nơi có tổ mối, ăn rất ngọt.
    Món ăn do mẹ nấu hồi xưa là tuyệt nhất đó bác HN :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thôi thì cũng là dịp để bác NHP đọc và nhớ lại Tây nguyên ha! HN là con út trong nhà, bố mất sớm nên mẹ và anh chị chìu chuộng nhiều, may mà không "hư" bác ạ!

      Xóa
  3. Chắc chắn là các món ăn cùng kiểu không thể nào ngon bằng ngày xưa vì nhiều lý do !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụm từ "nhiều lý do" của anh HHP như là một...công án Thiền! Hihi.

      Xóa
  4. Bao giờ cho đến ngày xưa, kể cả vị nắm nướng trong lá chuối.
    Ở Quảng BÌnh có một thứ nấm mà không chắc nơi khác có ấy là nấm Tràm. Nấm mọc dười gốc tràm (một cây họ dầu - dầu tràm). Nấm tràm đắng hơn cả khổ qua, càng đắng càng ngon, càng quý. Bà xã hay mua về xào với tôm tươi. Đặc biệt ăn nấm tràm ngủ rất ngon giấc.
    Hồi khoảng 13 tuổi bu được ăn nấm mối nướng lá chuối một lần, nay nghĩ lại còn thấy ngon tuyệt hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nấm tràm là một loại đặc sản cao cấp của Huế nữa bác Bu à. Trên Đà Lạt thì có nấm ngo, cũng ra theo mùa nhưng không thể nào có vị ngon như nấm mối và nấm rơm tự nhiên bác ạ. Nhiều lúc nhớ hương vị ngày xưa hình như vì kỷ niệm lúc nào vẫn đẹp dẫu buồn hay vui phải không bác?

      Xóa

Flags..


Flag Counter