7/7/14

Thăm chùa (Wat) Bun Phen Nua.



Một tuần trước khi trường các cháu nghỉ hè, anh bạn tôi, anh Asanee Trekul là tài xế xe đưa đón học sinh trường  Patana mời chúng tôi đi chùa mặc dầu anh là tín đồ Thiên Chúa!. Nếu các cháu đi được, sẽ đến thăm cả trại cá sấu ở Samut Prakan. Sáng thứ bảy vừa qua anh đem xe đến, cả nhà cùng đi. Theo hướng Bangna, đi thêm một ít nữa, cách Bangkok chừng 30 cây số, trên đường Seri Thai Soi 60 đi vào là đến chùa. 
Wat Bun Phen Nua là ngôi chùa ngoại ô khá lớn gồm hai cơ sở xây dựng hai bên bờ kênh đào, loại kênh nhỏ rộng chừng một trăm mét, người Thái gọi là “Klon”, đổ vào sông Chao Phraya thường gặp ở rất nhiều nơi, nhất là khi đi các chợ nổi như Amphawa, Dunwai . Nơi đây cũng có một chợ nổi hai tầng rộng rãi, khang trang, sạch sẻ và bán khá nhiều mặt hàng. Trên biển đề tên chợ thấy ghi tiếng Thái, đọc là Nam Khuang Riem nhưng tạp chí du lịch Siam Travel World thì gọi tên chợ là Rim Klong San Sap 2.
Từ cổng vào chừng vài trăm mét, bên trái lối đi là ngôi chùa lớn, bên phải là nơi để xe và rất nhiều nhà, chừng như là nơi ở của các sư. Vào trong , hai bên bày bán nhiều loại thức ăn, nước uống, hàng lưu niệm, trái cây, đặc biệt là một quày bán thủy sản nước ngọt còn sống  để khách thập phương  mua phóng sanh. Chúng tôi dừng lại mua thức ăn, mỗi người  kể cả các cháu một phần, đựng trong túi nhựa nhỏ để tặng cho sư. 
Chuẩn bị mua quà ở phiá ngoài để tặng Sư.

Thủy sản nước ngọt còn sống bán cho người mua phóng sanh.
Anh bạn dẫn chúng tôi quẹo phải rồi đi tiếp một đoạn trong chợ, lúc ấy chỉ mới hơn 7h30 mà hai bên bờ kênh hầu như đã kín người đủ mọi lứa tuổi ngồi xếp bằng hoặc quỳ trên chiếu trãi sẵn trên một khoảng dài vài trăm mét, chắp tay cầu nguyện theo tiếng loa phóng thanh phát ra từ trong chùa, trước mặt mỗi người, hoặc là hoa sen, hoa phong  lan cột thành bó nhỏ, nhang, đèn nến, túi đựng quà. Tôi cũng thấy nhiều người mua thực phẩm dạng viên thả xuống nước, rất nhiều cá to từng bầy nổi lên ăn. Gần 8 giờ, hai chiếc ghe nhỏ có người chèo, trên đó có ba sư bưng bình bát và hai thiện nam ngồi, xuất phát từ đầu chợ, chèo dọc theo hai bờ kênh để nhận vật phẩm cúng dường. 
Ngồi chờ ghe Sư đi qua để cúng dường ở bờ kênh đối diện.

Quà  dâng Sư của người này có cả hoa sen trắng.
Chú bé này cũng đang cầu nguyện và chờ Sư đi ngang như người lớn!
Nhìn cảnh các Sư khất thực, tôi chợt nghĩ đến clip “Biển đông dậy sóng”, bài giảng của ngài Thích Chân Quang trên Youtube (1), nhìn những hoa sen Phật tử mua cúng dường cho Sư tôi lại thấy buồn vì con người đã làm ô uế vẻ đẹp của hoa sen khi đọc bài “Loạt ảnh thảm họa khoe hàng họ của trai gái chụp sen” trên kienthuc.net  (2) và bài  “Mùa sen Hà Nội, sự thật kinh hoàng với thiếu nữ bên hồ sen” trên nguoiviettudoutah.org (3). Liên tưởng nào cũng làm mình xót xa, ray rức!
Các Sư đang đứng trên ghe nhận vật phẩm cúng dường.
Ở Thái Lan, tôi đã đến rất nhiều ngôi chùa, đã dự các buổi lễ cầu nguyện của sư tại chùa, chung cư và nhà riêng cũng như có lần dự lễ Merit Making của một Công Ty lớn cho hàng trăm sư ở khu Centre World, tôi cũng từng đến nhiều chợ nhỏ hoặc trên phố, gặp những thiện nam tín nữ cúng dường khi sư bưng bình bát đi ngang, đều đọc được trên nét mặt của những người dâng cúng một sự thành tâm vô hạn, và tôi nghĩ, chắc hẵn họ vừa trọng sư như kính Phật và vừa trọng chính bản thân con người tu hành này. Riêng tôi, nhìn các sư, không hiểu sao tôi ít thấy nét hiền từ, bỗng dưng liên tưởng đến một sư bị kêu án năm năm rưỡi tù mà BBC loan tin và đăng hình hôm 26/6.(4)

Việc này chỉ diễn ra mỗi tuần hai lần vào thứ 7 và chúa nhật, anh bạn tôi kể rằng ngoài những Phật tử ở gần thường đến còn có những Phật tử ở xa cũng tìm đến vì họ cho rằng ở ngoại ô, dân nghèo hơn trong phố, do vậy, của cải cúng dường cũng khiêm tốn hơn. Dầu thế nào thì đây cũng là một nét văn hóa đáng ghi nhận và đáng trân trọng đối với Phật giáo và người dân Thái Lan.
Cầu xi măng nhỏ bắc qua dòng kênh để qua chùa đối diện.

Cầu sắt rộng lớn để qua chùa và chợ phía đối diện
Có một cây cầu xi măng nhỏ và một cầu sắt rộng với độ tĩnh không lớn bắc qua kênh để qua  ngôi chùa bên kia, trước khi đến chùa cũng có chợ nhưng thay vì song song (như ở bên này) là thẳng góc với kênh, ít xô bồ hơn nhưng bán nhiều hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ loại đắt tiền và cả những hàng giá bình dân nhưng rất sắc sảo. Tôi cũng được uống ở chợ này một ly café Boran (có lúc nghe phát âm là Bò ràn) ở một quán nhỏ thấy có hai bàn tròn, tám ghế. Café không ngon, ít vị cà phê, hơi ngọt vì nhiều sữa nhưng nghe nói là giống cây do người Tàu đem vào Thái từ một trăm năm trước.
Có hàng chục ghe máy có chỗ ngồi thiết kế đơn giản hai bên mạn chở khách xuôi dòng kênh để tham quan với giá 40 THB/người nhưng ở đây ít cảnh đẹp như chợ nổi Dunwai ở Nakhon Phathom, và nếu so sánh thì tour này không giá trị như ở chợ nổi Amphawa nhìn đom đóm trong đêm với một hành trình rất dài, quang  cảnh đẹp nhưng giá chỉ 60THB. Đi Wat Bun Phen Nua, khách tham quan, mua sắm hoặc cúng dường cho sư đều có thể ăn uống ở hàng chục  tiệm ăn từ bình dân đến sang trọng hoặc trên các thuyền bán thức ăn trang trí màu mè.  
Với anh bạn Asanee Trekul trên ghe máy tham quan dòng kênh.
Con gái tôi hỏi bạn bè làm cùng Công Ty, hầu như  rất ít người biết chùa này nhưng khi đến viếng chùa và cúng dường cho sư, tôi hiểu rằng nếu chưa đến đây một lần sẽ là điều đáng tiếc khi sống ở Bangkok.




(4)


9 nhận xét:

  1. Nặc danh00:34 8/7/14

    Bài du hành ký rất hay. HN gom chừng vài chục bài in thành sách được đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Một lời như cởi tấc lòng". HN nhớ mang máng hình như câu này của cụ Tố Như, Sợ mai này, xa Thái Lan sẽ quên hết nên HN ghi lại những gì nhìn thấy và suy nghĩ rất riêng cho vui thôi Tám ơi.

      Xóa
  2. Anh viết có cảm nhận riêng nên rất thích và nhẹ lòng vì"gặp những thiện nam tín nữ cúng dường khi sư bưng bình bát đi ngang, đều đọc được trên nét mặt của những người dâng cúng một sự thành tâm vô hạn, và tôi nghĩ, chắc hẵn họ vừa trọng sư như kính Phật và vừa trọng chính bản thân con người tu hành này. "

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh HHP. Đó là những gì HN thấy và nghĩ là phải viết lại ở đây. Chúc anh vui khỏe.

      Xóa
  3. Bài bút ký "Ký sự đường xa" của bác HN rất hay. Tôi thích những bài như thế này, mang nhiều thông tin, cho ta hiểu được những nền văn hóa khác :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Điều thú vị là chính những người dân Thái chưa biết đến chùa này khi nghe việc cúng dường mỗi tuần 2 lần vào thứ 7 và CN này cũng ngạc nhiên và thích thú lắm. Bên này, các sư sắp vào mùa an cư suốt ba tháng. Cám ơn bác NHP đã có lời khen. Hihi.

      Xóa
  4. Phật giáo là quốc giáo của Thái Lan nhưng đất nước họ văn minh và phát triển
    Những thể chế xem tôn giáo là mê tín dị đoan nên sáng Thái mà học
    Tượng Phật chưa bị ai xô đổ nhưng tượng các ông cho tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ dân chúng lại bi dân chúng, kéo đổ mang đi bán đồng nát.
    Bu tui đã đến nhiều chùa Thái, chùa Lào, chùa Miên, chùa MIến và cứ nghĩ lẩn thẩn vậy...

    Trả lờiXóa
  5. Chuyện kéo sập "tượng các ông" đã, đang và sẽ còn diễn ra nhưng kỳ thật thì nó đã sụp đổ trong tâm tưởng dân chúng ở nhiều quốc gia cũng lâu lắm rồi. HN rất thích những suy nghĩ lẩn thẩn này của bác Bu. Cám ơn bác.

    Trả lờiXóa
  6. Nhưng cũng ko phải là oan gì khi tôn giáo ở ta mang nhiều màu sắc mê tín. Thấy ở những lễ hội coi, người ta đi cúng dường rất hỗn tạp, chẳng còn thấy lòng thành kính ở đâu cả! hic...

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter