23/6/14

Dấu hỏi (?) khi đọc sách.





Chuyện Tái Ông thất mã (塞翁失) kể về một người ở cực Bắc nước Tàu giáp với nước Hồ mất ngựa rồi được ngựa … ai cũng đã nghe, có người còn thuộc cả hai câu thơ của Cụ  Huỳnh Thúc Kháng: “Chuyện tụ tán chẳng qua là tiễn biệt/ Ngựa Tái Ông họa phước biết về đâu?”. Chỉ cần gõ 5 chữ vào Google để search thì chỉ trong 0.5” người ta đã tìm thấy 1.440.000 kết quả. Tôi không đưa vào đây sợ làm phiền người đọc, chỉ nói rằng rất nhiều bài viết đều lấy cốt truyện từ sách Hoài Nam Tử (còn gọi là Hoài Nam Hồng Liệt của Hoài Nam Vương Lưu An) đầu thế kỷ thứ II trước công nguyên. Cuốn cổ thư này theo Phạm Xuân Hy trong “Nghi án về cái chết của Lưu An” là một kiệt tác vì đã “tổng hợp và chỉnh lý những tư tưởng bách gia thời Tiên Tần cũng như bảo lưu nhiều thông tin lịch sử giá trị thời Tần Hán”
Chỉ qua xuất xứ của chuyện, ta biết rằng nó đã được viết cách chúng ta hơn  2200 năm.
Thời gian vừa qua, sau khi đọc “Mùi hương trầm” ký sự du lịch của Nguyễn Tường Bách, không hiểu sao tôi đâm ghiền Phật giáo Tây Tạng để rồi đọc lại “Đông phương huyền bí” đọc tiếp “Tây Tạng huyền bí” rồi “Con đường mây trắng” và gần đây là “Sư tử tuyết bờm xanh”  (The Snow Lion`s Turquoise Mane). Cuốn này do Surya Das tập hợp các mẩu chuyện do các vị Lạt-ma Tây Tạng kể lại, được xuất bản năm 1992 tại Mỹ do Nguyễn Tường Bách dịch (sách tôi đọc từ thư viện Ebook, copy về Amazone Kindle, đuôi .prc). Ngay trong truyện đầu tiên : “Người quay bánh xe”, tuy hình thức diễn đạt, nhân danh địa danh, nói chung là bối cảnh không gian có khác nhưng về nội dung, chuyện này giống hệt “Tái Ông thất mã”. Xin chép lại dưới đây như sau (*):

1. Người quay bánh xe 
Tại Tây Tạng, ‘mani’ hay bánh xe cầu nguyện là một loại bánh xe với vô số mật chú và văn tự bí ẩn, thường được quay xung quanh một trục, cùng chiều kim đồng hồ. Nhiều ‘mani’ nhỏ như đầu ngón tay út, có thứ to như cả một căn phòng. Từ xưa, người Tây Tạng thường đặt bánh xe này trong dòng nước chảy để bánh xe được quay mãi với thời gian, để công đức của lời cầu nguyện lan tràn trong xứ sở. Tương truyền rằng, ai quay bánh xe hay treo cờ cầu nguyện trong gió, người đó sẽ thực hiện được ước nguyện của mình.
Tỉnh Kham tại Tây Tạng cũng được ví như miền Tây hoang dã của nước Mỹ ngày xưa. Dân miền Kham vốn là dân kị mã và chuyên nuôi ngựa. Chỉ cách đây khoảng trăm năm, Kham gồm có nhiều tiểu quốc biệt lập có quân đội riêng. Ở đây người dân phải thi hành nghĩa vụ quân sự, không có thanh niên nào được miễn.
Ngày xưa, ở miền Đông tỉnh Kham có một ông lão, người ta gọi tên ông là ‘lão quay bánh xe’, vì tay ông suốt ngày quay bánh xe cầu nguyện. Bánh xe này mang mật chú đại bi, Án Ma Ni Bat Mê Hồng, và do ông lão tự đẽo lấy.Bà lão vợ ông đã chết từ lâu, sau một cuộc đời đáng quý trọng và đã tái sinh trong một cảnh trời. Từ ngày đó, ông lão sống trong một lều đá với đứa con trai duy nhất mà ông hết lòng thương yêu. Đứa con này có một con ngựa tuyệt vời, và nó yêu con vật này hơn mọi thứ trên đời.Một ngày kia, con ngựa bỗng biến đâu mất, không còn gặm cỏ trên thảo nguyên, tìm đâu cũng không thấy. Nhiều người tốt bụng cũng đi tìm ngựa giúp ông, cuối cùng không tìm ra, họ bắt đầu than van cho số phận hẩm hiu của ông. Còn ông lão lại bình thường như không. Tay ông quay bánh xe và niệm chú ‘Án Ma Ni Bat Mê Hồng’, như người Tây Tạng hay thầm đọc mật chú đại bi này của chư Phật thương xót loài hữu tình. Ông nói với người hàng xóm thường than thở thay ông: ‘Bạn thân mến, than thở làm gì... Bạn biết không, cái đến, cái đi đối với tôi, tôi đều thầm cảm tạ cả. Cứ đợi đi ta sẽ thấy’.
Chỉ vài ngày sau, con ngựa bỗng quay trở về như một phép lạ. Và cùng với nó có hai con ngựa hoang đẹp tuyệt. Ông lão và đứa con trai bắt đầu sắm sửa đai cương cho ngựa. Hàng xóm mừng rỡ đến vỗ vai chia vui. Ông lão lại quay bánh xe và nói: ‘tôi hết lòng cảm tạ sự may mắn này, nhưng ai biết đâu, đợi đấy. Ta sẽ thấy’.
Vài tuần sau, đứa con trai cưỡi ngựa hoang bị té gẫy chân. Hàng xóm mang đứa con về, than khóc cho sự rủi ro này, đứa con không làm việc được nữa. Ông lão ngồi im lặng thì thầm trước giường con, nhưng không hề than thở. ‘Cảm tạ đức Quan Thế Âm, dù sao con tôi cũng còn ở bên tôi. Hãy đợi xem’.
Không đầy một tuần trăng sau, lính tráng nhà vua đi lùng sục bắt thanh niên nhập ngũ để chiến đấu chống quốc vương láng giềng. Chỉ đứa con nằm liệt giường kia mới khỏi bị kêu đi. Hàng xóm vui mừng cho ông, vì ông là người duy nhất còn có con trai bên mình. Ông lão mỉm cười, đặt bàn tay nhăn nheo lên đốt chân gãy của đứa con, đưa mắt nhìn ba con ngựa đang gặm cỏ ngoài đồng. (chuyện này còn một bài kệ của ông lão hát tặng con, rất dài) **

Đã là chuyện cổ tích thì không thể xác định tác giả và thời gian sáng tác. Tuy nhiên vì Phật giáo du nhập vào Tây Tạng thời Tùng Tán Cương Bố trị vì (620-649) khi Đường Thái Tông gã Văn Thành công chúa cho “Vua xứ Thổ Phiên” này. Sử chép rằng công chúa là người mộ đạo nên khi đến Tây Tạng làm dâu, nàng đem theo tượng Phật và kinh sách, mở đầu cho thời kỳ hình thành và phát triển của Phật giáo ở đây.

Căn cứ về thời gian, giả sử chuyện “Người quay bánh xe” ra đời ngay khi Phật giáo có mặt ở Tây Tạng (tk VII) thì chuyện “Tái Ông thất mã” phải xuất hiện trước 900 năm!
Xin nêu lại vấn đề này ở đây để độc giả cùng bàn bạc nhất là lý giải nguyên nhân vì sao có sự giống nhau về nội dung này.
Có lẽ không thể có trường hợp “đạo truyện ” (xuyên quốc gia) ở đây.


Chú thích: * http://thuvienhoasen.org/a15207/su-tu-tuyet-bom-xanh-the-snow-lion-s-turquoise-mane-surya-das-nguyen-tuong-bach-dich

17 nhận xét:

  1. Không những chỉ có truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại... mà thành ngữ, tục ngữ, cách ngôn, nghệ thuật (tôi gọi chung là văn hóa) của nhiều dân tộc, nhiều nước ở cách xa nhau lại rất giống nhau đó bác HN. Tôi nghĩ điều này nằm trong mấy lý lẽ sau:
    Thứ nhất là nguồn gốc, thí dụ như người Chăm ở nước mình, nguồn gốc của họ là từ vùng Nam đảo (Đông Nam Á), cho nên về văn hóa họ có nhiều nét tương đồng với người vùng Đông Nam Á như Khmer, Thái Lan... hơn với người Việt.
    Thứ nhì là về ảnh hưởng trong việc giao thông, giao lưu. Ngày xưa tốc độ và ảnh hưởng lan truyền không như bây giờ, nhưng vẫn xảy ra tuy chậm chạp, bằng con đường giao thương buôn bán, truyền giáo, chiến tranh, di dân do tự nhiên, do chiến tranh...
    Thứ ba là những cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, cách ngôn... nói riêng thường có motif giống nhau, như truyện lọ lem, tấm cám... dì ghẻ con chồng, ăn khế trả vàng, sống thiện được phước, sống ác phải trả quả. Suy nghĩ trong tôn giáo, triết lý dân gian về số phận, may rủi rủi may... cũng thường giống nhau...
    Cho nên tôi nghĩ câu chuyện Tái ông thất mã và Người quay bánh xe có giống nhau trăm phần trăm. cũng chỉ nằm trong 3 yếu tố ấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác NHP đã có cách lý giải khá thuyết phục này. Chuyện giao lưu và thâm nhập văn hóa một cách tự nhiên là bình thường. HN thiên về lý do thứ ba trong cmt đầu của bác. Ví dụ, khi đọc, mình gặp khá nhiều thành ngữ Đông Tây giống nhau như bác nói. Điều quan trọng là người đọc có thêm thông tin để xác tín quan niệm ... Tái Ông thất mã!. Ở VN, thấy tác giả Phangxipang (trong bài Chơi Xuân cùng bà chú thơ Nôm) cũng dẫn ra chuyện ý thơ Hồ Xuân Hương trong bài thơ Chơi đài Khán Xuân có khổ cuối như sau:
      Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn
      Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.
      Nào nào cực lạc là đâu tá?
      Cực lạc là đây chín rõ mười.
      Điều bất ngờ là khổ này rất giống đoạn kết bài bát cú Thích câu trong Hồng Đức quốc âm thi tập:
      Bể thảm muôn tầm mong tát cạn,
      Sông ân nghìn trượng dễ khơi vơi.
      Nào nào cực lạc là đâu tá?
      Cực lạc là đây hẳn tỏ mười.
      Và ông ta thắc mắc, “Vậy bài nào là “phó bản” của bài nào?”

      Xóa
  2. Còn chuyện giống nhau như thế nằm trong yếu tốn nào trong 3 yếu tố trên chắc phải dành cho những nhà nghiên cứu uyên bác. Chẳng hạn như truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ trăm trứng trăm con trong lịch sử VN, thì motif trăm trứng nở trăm con, hay người sinh từ trứng có từ nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới (với dân tộc Mường thì trăm con sinh ra từ quả bầu). TS Lê Mạnh Thát trong quyển sách Lục độ tập kinh và Lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta, đã trích từ Lục độ tập kinh (một quyển kinh của PG Ấn Độ) một truyền thuyết trăm trứng nở trăm con trai, và cho rằng truyền thuyết trăm con của VN có nguồn gốc từ kinh này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui khi bác NHP cần thận bổ sung thêm chi tiết này. Loạt bài của ông Lê Mạnh Thát về nguồn gốc dân tộc VN đăng nhiều kỳ trên báo trước đây hình như chỉ mới có vài ý kiến phản bác từ các nhà nghiên cứu phía Bắc, nay vẫn chưa ngã ngũ??

      Xóa
  3. Đọc bài anh hongngoc thú vị nhất là biết thêm nhiều tư liệu (ngày tháng, câu chữ, trích dẫn...) y như có sẵn cuốn tự điển trong đầu của anh!
    Những câu chuyện cổ nội dung giống nhau như anh nêu cũng có rất nhiều (TD: chuyện Tấm Cám cũng na ná Cô bé lọ lem). Điều đó chứng tỏ Đông Tây vẫn có giao lưu về văn hóa từ ngàn xưa, thông qua Con đường tơ lụa, hoặc các nhà hàng hải...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Nô đã tin tưởng và có lời khen, post một bài lên HN cũng cẩn thận ngó trước ngó sau vì quý những người đọc bài mình và đây là thói quen rèn từ hồi đi học. Chuyện giao lưu qua ngã Con đường tơ lụa cũng thêm một ý để chúng ta cùng soi rọi. Nô đọc thêm reply của HN cho bác NHP nhé.

      Xóa


  4. Việc trùng khớp chuyện vổ tích, các giai thoại, một vài hiện vật khảo cổ …giữa các dân tộc là chuyện có thật, nhưng tại sao như thế là chuyện khó, phải có kiến thức chuyên môn hẹp mới trả lời được. Trong thực tế, thế giớ có nhiều bí ẩn đến nay các nhà khoa học đang bó tay .
    1- Trống đồng xem ra không phải “đặc sản” Việt Nam. Một số nước như In đo. Malay..có trống đồng. Phải chăng cư dân đa đảo trong thành phần dân Việt đã từng mang trống đồng đi theo trong các cuộc di dân từ đảo và đất liền?? Phía Nam Trung Hoa cũng có trống đồng…có người bảo do Mã Viện mang từ Đại Việt về, bây giờ khảo cổ Tàu mới khai quật được, nghe khó tin quá….
    2- Trong chữ Nhật có đến 60-70% chữ Hán trong khi đó người Hán chưa hề đô hộ nước Nhật. Quân Nguyên Mông không thèm chinh phục Nhật vì nó cho dân Nhật hồi đó mọi rợ, đất Nhật nghèo nàn. Vậy là dân Hán di cư sang Nhật và mang theo chữ Hán chăng???
    3- Trong số sách của bu nói về văn hóa Chăm, có nhà nghiên cứu cho rằng người Ấn Độ muốn tìm hiểu kiến trúc đền đài cổ, chữ viết cổ xưa của họ thì phải sang vùng người Chăm Việt Nam. Ở đó còn lưu giữ những gì thuộc về văn hóa Ấn cổ xưa…Tức là văn hóa Án tràn sang đa đảo sau đó từ đa đảo tràn vào vùng người Chăm Việt Nam. Người ta pháy hiện ra một số tiếng nói của người Tây Nguyên giống tiếng nói của người In do…
    3- Trong Lục độ tập kinh, giáo sư – thiền sư Lê Mạnh Thát dẫn ra chuyện trăm trứng của người Việt có trong thiên anh hùng ca Mahàbàrataủa Ấn Độ. Vùng Quảng Tây bên Tàu cũng có câu chuyện đó.
    Như vậy tạm xem có mấy nguyên nhân
    - Sự di dân từ vùng này qua vùng khác từ xa xưa trong lịch sử
    - Hiện tượng giao thoa văn hóa làm cho người vùng nọ hư cấu câu chuyện na ná như của người vùng kia..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những chuyện bác Bu góp vào thật thú vị và phong phú, bác và bác NHP đúng là một ...từ điển sống! Thiệt không ngờ troang Maharabata lại có cả chuyện trăm trức của Việt Nam. Cám ơn hai bác!

      Xóa
  5. Tôi có tra được trên Google viết về Thi Sách, như bác HN đã viết bên nhà tôi, tôi copy lại dưới đây:

    Vào thế kỷ 6, Lịch Đạo Nguyên từ Trung Quốc sang Giao Chỉ, có đến vùng Mê Linh. Khi trở về nước, ông viết sách Thủy kinh chú, trong đó có đoạn:
    Châu Diên Lạc tướng tử, danh Thi, sách Mê Linh Lạc tướng nữ, danh Trưng Trắc, vi thê. Trắc vi nhân hữu đảm dũng, tương Thi khởi tặc. Mã Viện tương binh thảo Trắc, Thi tẩu nhập Cấm Khê (quyển 37, tờ 6a. Nguyên tác không có dấu phẩy).
    Theo GS. Nguyễn Lý Tưởng thì câu văn trên có nghĩa là: "Con trai Lạc tướng huyện Châu Diên tên là Thi, hỏi con gái Lạc tướng huyện Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ. Trắc là người có can đảm và dũng lược, cùng với Thi nổi lên làm giặc. Mã Viện đem quân đánh đuổi. Trắc, Thi chạy vào Cấm Khê" (ở đây "sách" có nghĩa là "hỏi").

    Nhưng vì câu văn chữ Hán ngày xưa không có dấu câu, dễ lẫn lộn câu này qua câu khác, nên khi chú thích phần chính văn viết về Hai Bà Trưng trong Hậu Hán thư của Phạm Việp, Thái tử Lý Hiền đời nhà Đường đã chép lầm là "Thi Sách". Sau, các tác giả khác cứ theo đó mà chép lại nên sai mãi về sau. Người phát hiện ra việc này là học giả Huệ Đống, đời nhà Thanh[7]

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác NHP nhắc thì HN nhớ ra, ngày xưa HN học là Thủy kinh chú của Lệ Đào Nguyên. Đúng là: "Dân ta phải biết sử ta/ Những gì không biết, mình tra Gúc gồ"! Hihi.

      Xóa
  6. TT không bình loạn về tác giả truyện (có thể trùng hợp trong sáng tác, có thể nội dung đã theo con đường "thời gian" và người xứ nào cũng nhận tác quyền dù không cố ý "đạo văn". Ngay trên tư liệu làm căn cứ vẫn có thể sai về mặt thời gian...Ghé thăm anh, không nhận cái dấu hỏi mà kính anh chén cháo cóc và lời chúc anh mạnh khỏe.
    Tái ông thất mã
    Tái ông thất mã kể mà nghe
    Ngựa cái chồn chân tuổi cặp kè
    Ngỡ rủi dăm ngày thêm ngựa đực
    Tưởng may một buổi hóa anh què
    Thuốc thang chưa khỏi, chân cà thọt
    Tuyển lính vẫn chừa, luật khắc khe
    Cơ tạo xoay vần ai biết trước
    Trăm năm một cõi mặc đi về

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hai câu luận đối chưa chỉnh nhưng hai câu thực thì thiệt là OK. Cám ơn chén cháo cóc này của TT, mai mốt mình sẽ cùng uống rượu pha ... tiết cóc,mật cóc và vắt thêm ít nước gừng nữa nhé!

      Xóa
    2. TT vui vì anh HN bây giờ mới chịu thẳng thắn chỉ chỗ sai của TT. Nhưng còn hai chỗ sai anh còn "tế nhị" để TT tự nhận ra, một là dùng 2 từ ngựa và viết sai lỗi chính tả "khắt khe". Xin sửa lại
      Tái ông thất mã kể mà nghe
      Muôn thú chồn chân tuổi cặp kè
      Ngỡ rủi dăm ngày thêm ngựa đực
      Tưởng may một buổi hóa anh què
      Tuyển quân chẳng tuyển chân cà thọt
      Cày ruộng nào chê kẻ lặc lè
      Chắp cánh tự do cười cuốc bộ
      Mang vòng nô lệ khóc ngồi xe
      Ngày anh về Vietnam thăm người thân (hay TT sang Thailand du lịch) TT rất vui nếu được ngồi với anh uống vài chung rượu không hóa chất của Trung quốc và cùng tận lực phá mồi.

      Xóa
  7. Giáo lâu quá mới ghé thăm anh, chỉ biết đọc và lắng nghe các anh bàn bạc để có thêm kiến thức, ko dám lạm bàn. Chúc anh ngày vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Càng đọc sâu về Phật giáo Tây Tạng càng thú vị giao ơi. Cám ơn đã ghé thăm nhé.

      Xóa
  8. Nặc danh07:56 28/6/14

    Chuyện đời, giữa cái mất và cái được thật khó lường. Biết, cái được bây giờ có thể dẫn đến cái mất về sau, và cái mất bây giờ có thể đưa đến cái được về sau, giúp cho lòng mình an nhiên tự tại, phải không HN?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người xưa bảo: "Họa phước vô môn", ranh giới giữa họa-phước mong manh như tơ trời nhưng nếu mình biết lường trước thường xuyên, biết chuẩn bị tinh thần như Tám nghĩ để "an thời xử thuận" thì sẽ rất...an nhiên!

      Xóa

Flags..


Flag Counter