30/6/14

Buồn vui Phây xờ búc.



 Tôi gia nhập cộng đồng facebook hồi cuối năm 2010, sáu năm sau khi trang mạng xã hội này ra đời. Chuyện là,  trường ngày xưa nơi tôi dạy kỷ niệm 35 năm thành lập, tôi về dự, học trò chụp hình và hứa sẽ post lên FB, mục đích đầu tiên là tôi lập trang này để coi hình. Trước đây chỉ nghe  rằng đây là một nhật ký mở, ai muốn viết gì lên đó thì viết để thể hiện mình, ghi lại những tâm tư, tình cảm hoặc cũng có thể giới thiệu những bài viết, bản nhạc, phương thuốc, vị thuốc hay … cho mọi người. Khi sử dụng mới hay là công năng của nó vượt xa những suy nghĩ lúc đầu rất nhiều vì một lý do rất căn bản: FB là không gian ảo.
Có cảm tưởng rằng, nhiều người nghĩ, nếu không upload hình ảnh, không nói tên thật, những người không phải là friend sẽ không biết mình là ai. Do vậy, việc dùng diễn đàn này một cách vô tội vạ trở thành phổ biến.

Qua 4 năm “lăn lộn” với FB, tôi nhận ra rằng, ở Việt Nam, trẻ- già- trai- gái đều “chơi” facebook, từ người có học vị rất cao, bằng cấp đàng hoàng đến những người chỉ vừa lớp 3, biết đọc biết viết, làm 4 phép tính cộng trừ nhân chia, miễn là có thể gõ bàn phím hay nhắn tin trên smartphone. Tuy nhiên, phổ biến nhất là tuổi từ thành niên đến trung niên chiếm tỉ lệ cao, tuổi vị thành niên (chỉ cần học ngang lớp 5) và từ tuổi trung niên đến 70 ít hơn, do vậy, FB quy tụ nhiều thành phần xã hội:  nông dân, người lao động bình thường, trí thức, doanh nhân, học sinh sinh viên, chính trị gia … đều có.
Chừng như mục đích đầu tiên là “ghi nhật ký” nhưng tìm hiểu thì thấy gồm cả than thân trách phận, show up bản thân, quảng bá thương hiệu, kinh doanh trên mạng, kêu gọi  từ thiện (giúp đỡ những hoàn cảnh bệnh tật, ngặt nghèo), kết bạn tâm tình là khá phổ biến và cũng không thiếu những trang FB mà trên status có lúc xuất hiện tình trạng tình trạng chỉ trích, chê bai người khác. Đây cũng là diễn đàn của những người làm chính trị!

Giám đốc truyền thông Facebook và cựu biên tập viên công nghệ của BBC Iain McKenzie tóm gọn tại sao Facebook lại tồn tại và phát triển mạnh mẽ: “Ngày nay mọi người chia sẻ về sự ra đời của đứa con đầu lòng, sự họp mặt, chia ly, than khóc. Người ta nói ra những điều ngớ ngẩn hoặc sâu sắc hay thú nhận cuộc sống quá đau khổ đối với họ. Có người tâm sự được một người bạn hoặc một người lạ mặt kéo ra khỏi vực thẳm. Có người thông báo tìm việc hay thậm chí mất việc. Có người tìm hiểu một sự việc có thể cứu vớt cuộc đời họ một ngày nào đó. Có người tìm thấy bài hát yêu thích mới và nhấn nút like lên một bức tranh trên một con mèo. Tất cả hoạt động này đều diễn ra trên Facebook” - Iain McKenzie viết”. (http://nhipsongso.tuoitre.vn/Nhip-song-so/592449/Facebook-tuoi-len-10-123-ti-nguoi-dung.html)

Gần 4  năm nay, con số bạn bè tôi lên đến hơn hai trăm người. Con số này có được là do chính mình mời kết bạn và 2/3 trong số đó là, nhiều khi vì  cả nễ mà ai request friend là mình confirm ngay nhưng có một số chỉ là kết bạn rồi để đó, không vào thăm, không nhắn tin cũng chẳng gửi lời chúc mừng sinh nhật họ! 

Chúng tôi có một số khá đông học sinh cũ từ sau 1975 sống ở nước ngoài, qua FB, các em liên lạc và  nối lại tình bạn cũ với người ở lại mà xa cách không gian và thời gian làm  các em mất dấu nhau.  Cũng qua FB, tôi gặp lại, nhìn thấy lại nhiều học sinh cũ của mình nay đã trở thành ông bà nội/ ngoại! Khá nhiều lần chúng tôi, rất vui mừng tìm gặp được nhau trên không gian ảo, đã cám ơn internet và facebook và rất vui khi thấy các em “tán tỉnh” nhau như thời còn đi học!

Gia đình tôi có 9 thành viên, vợ chồng tôi, con trai con gái dâu rễ và các cháu, có 6 người là facebooker nhưng có điều thú vị là có lúc ba bố con tôi cùng là fan của một facebooker khác. Vợ tôi là người gia nhập sau cùng nhưng khá tích cực trong liên lạc với bạn bè, học trò cũ, share các bài giá trị đọc được về Phật pháp, về nghệ thuật sống, về sức khỏe, dùng FB messenger để chat hay nhắn tin với con trai, con dâu và các cháu con anh chị em mình. Riêng tôi, FB còn là một trường học cho mình, tôi đã copy về máy rất nhiều kiến thức có lợi, cũng là nơi để mình hiểu hoặc suy đoán đời sống tình cảm, tinh thần của một ai đó như là cách làm giảm tốc độ lão hóa của đầu óc và rèn luyện óc phán đoán của mình, dầu họ không thể hiện rõ trên trang này!
Giao diện facebook khi mới ra đời năm 2004.
Facebook nói chung đem đến cho mọi người nhiều lợi ích, tuy vậy không phải không có những mặt trái phiền hà. Có việc cần nhắn tin cho người quen  trên FB messenger, không thấy trả lời, coi lại, thì ra chàng này làm FB theo động viên của một người anh cột chèo, chỉ thấy suốt cả nửa năm một tấm hình bánh sinh nhật của “người anh” ấy upload mừng trên wall “ông” em! Cũng có lúc, friend của mình không biết làm gì khác nhưng lại muốn thể hiện trên trang này rồi cũng up hình lên trang của mình, mệt nhất là tôi đã phải xin lỗi nhiều bạn vì ID e-mail và facebook của mình bị hack, hacker lợi dụng xin bạn mình nạp card điện thoại, trò lừa đảo tôi nghe ít nhất đã 6 năm nay!

Từ nhiều năm nay, mỗi sáng thức dậy sớm, uống café, mở máy  là check email và facebook rồi đọc báo, nếu trên status của mình post hôm trước không thấy những nick là bạn thân, là “khách hàng tiềm năng” thường ghé thăm, không comment hoặc LIKE thì vừa lo vừa buồn, họ bệnh, họ có vấn đề gì hay mình có gì làm họ buồn lòng? Vậy là lò dò vào trang họ xem thử thế nào, không có những status mới,  lại càng…lo thêm!  Thế đó, đôi lúc cái buồn vui dẫu thoáng qua của mình cũng theo những nóng lạnh thất thường của FB như vui khi thấy hình con trai học trò cũ nhận văn bằng tốt nghiệp một ĐH ở Mỹ hoặc rất buồn khi đọc  tin báo một người lãnh đạo cũ qua đời, cái buồn vui mà thế nhân thường tình không ai khỏi trãi qua dầu phải qua trung gian của một không gian ảo! Chưa kể còn có những phim Youtube lý thú hoặc tệ hơn như học trò cấp 2 đánh thầy cô giáo,  những nữ sinh tuổi teen cùng hùa nhau vừa đánh vừa lột áo bạn mình!

Sẽ không thừa nếu phải “Say thanks” một lần nữa với facebook, với Mark Zuckerberg và  những nhà đồng sáng lập trang này, một trang mạng xã hội đã thu hút đến 1,23 tỉ người trên hành tinh tham gia và nhận được nhiều lợi ích từ nó theo số liệu thống kê được sau 10 năm ra đời.

10 nhận xét:

  1. Hihi... Cũng qua phay sờ bút, NT biết ông anh mình còn ... sung nhắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và mới thấy bức chân dung ký họa cụ Nô vẽ tặng cô em ... miền! Liên lạc với cô em trên FB messenger lẹ hơn nhiều so với trên email. Hình như chưa có email nào HN gửi cho cô em mà nhận được reply! Hihi.

      Xóa
  2. Nặc danh15:28 30/6/14

    Facebook thật là popular. Muốn liên lạc với người nào đó có khi tìm họ trên fb dễ hơn tìm trong không gian thật. Nhưng vì nó popular quá nên mình không còn dám nói thật những ý nghĩ không dễ nói nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN cũng rất cẩn trọng khi khen chê hay góp ý, đọc đi đọc lại rồi mới dám Enter. Tuy vậy, không hẵn là không phiền. Khá nhiều người, khi đọc một status, hay dở gì cũng ...khen! Mà BT cũng có FB chứ, có thể liên lạc với Tám qua kênh này không?

      Xóa
    2. Nặc danh16:10 1/7/14

      Tám có link facebook nhưng cũng chỉ đăng lại bài trên wordpress, không có gì lạ hay mới cả. Tám cũng ít khi check facebook, vì mất nhiều thì giờ cho nhiều thứ quá. Chỉ muốn giữ wordpress một phần vì nó ít popular và có quen nhiều người thích viết hơn.

      Xóa
  3. Tôi không có địa chỉ bên FB, hì hì! Nhưng như Thomas Loren Friedman, một nhà báo Mỹ đã viết quyển Thế giới phẳng nổi tiếng nói đại khái, chính Internet ra đời đã làm phẳng thế giới, và ngay cả những thể chế chính trị hùng mạnh một thời như Đông Âu, Liên Xô sụp đổ, cũng có nguyên nhân từ Internet, với Mạng xã hội mà bây giờ FB là "bá chủ" thì không có gì che dấu được nữa, cho nên những nhà nước độc tài rất sợ nó.

    Chơi trên FB nói riêng, hay trên mạng xã hội nói chung tuy "ảo" thế nhưng cũng cần phải cẩn trọng. Một tấm hình, một câu viết đưa lên không phải chỉ có một mình mình biết như Nhật ký viết trên giấy, hay tếu táo cà phê chơi cùng vài người bạn, mà cả thế giới đều biết. Người mình có khi khá "vô tư" trong vấn đề này...

    Chúc bác HN khỏe để viết cũng khỏe và hay như thế này :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng ko hẳn là vậy anh Phạm à! Bên FB có mục giới hạn người chia sẻ với mình. Nếu người chơi lựa chọn công khai, thì cả thế giới mới biết và lúc đó mới nhiều hệ lụy. Còn chỉ chọn trong vòng bạn bè được sàng lọc kỹ thì nó cũng như bên blog dzị anh à, chỉ có những người mình chịu kết bạn mới coi và bình luận bài viết của mình được. Anh qua FB thử đi, cũng vui lắm. Đôi khi mình chỉ cần viết ngắn một đôi dòng cũng đã là chia sẻ. Bởi vậy người ta mới mê FB, nó đại chúng hơn blog nhiều.

      Xóa
    2. Cám ơn giao đã trả lời bác NHP thay HN. Có người dùng FB với những ý đồ không tốt thế là chủ trang, không những cấm cửa mà còn thông báo và cả team cấm cửa anh ta.
      Bác NHP cũng lập một trang cho vui, thấy bác Bu cũng có rồi và chừng như khá nhiều bạn bè chúng ta lơi dần với blog mà chuyển qua FB những bài viết của mình. Cứ vào Gốc Mai, Nô, Tina Huynh, AQ ...thì thấy bác ạ! Anh em chờ bác NHP vào chơi đó!

      Xóa
  4. Gõ vào đây rồi, hôm nào vào đọc tiếp sẽ gõ sau nha.

    Trả lờiXóa
  5. Bu tui có lập cái FB chủ yếu để bà xã vào đọc con trai con gái và chú em viết gì.
    Khi nào đưa bài lên blógspot thì thuân tay nhấn vào chữ f sau đó cũng không quan tâm có ai đọc hay không nữa....Vào FB như đi chợ phiên ngày tết, như chiền chiền vào rừng xanh hihi

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter