12/5/14

Cố đô Ayutthaya ở Thái Lan



 Năm ngoái, cả nhà đến thăm Ancient Siam (tên khác là Ancient City), nơi được xem là bảo tàng  ngoài trời lớn nhất ở Thái Lan. Với diện tích 320 hecta thuộc  tỉnh Samut Prakan cách trung tâm Bangkok  33km về phía ĐN, người ta đã xây dựng theo lối mô phỏng 116 công trình hiện đại và di tích lịch sử của nước này (nghe nói các di tích được xây dựng đúng theo vị trí của nó trên thực địa). Đến khu phế tích Ayutthaya, nhìn cảnh hoang tàn đổ nát của cố đô này, tôi nghĩ sẽ tìm dịp đến thăm .

Hôm qua, nhân có người bạn từ Việt Nam qua chơi, vợ chồng con gái tổ chức cả nhà cùng đi.
Theo tài liệu hướng dẫn du lịch của Tourism Authority of Thailand Phra Nakhon Si Ayutthaya Office, có 4 loại phương tiện  để đi từ Bangkok đến nơi này: xe ca, xe bus, tàu lửa và thuyền nhưng chúng tôi đi bằng xe nhà để chủ động đến những nơi cần đến và cả giờ giấc đi, về.
Từ điển wikipedia nói về nơi này như sau:  Công viên lịch sử Ayutthaya nằm tại thành cổ Ayutthaya, Thái Lan. Thành phố này được vua Ramathibodi I (U-thong) thành lập năm 1350 và đã là kinh đô của Thái Lan cho đến khi nó bị phá hủy bởi quân đội Myanma năm 1767.
Nằm cách thủ đô Bangkok 76 km về phía Bắc, công viên lịch sử Ayutthaya thuộc địa phận tỉnh Ayutthaya, bao trùm một diện tích rộng lớn tới 2.556km2. Đây là một tổ hợp di tích bao gồm rất nhiều đền, chùa, bảo tàng, v..v.. Công viên hiện tại là một trong những di tích hàng năm thu hút rất đông du khách. Đây thật sự là một thành phố vĩ đại và là một trong những di tích lịch sử có sức hấp dẫn và được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới vào tháng 12-1991”.
 Cũng theo một trang khác của từ điển này:
“Công viên lịch sử Ayutthaya là một phế tích với rất nhiều đền đài, mà đặc trưng cho loại kiến trúc này đó chính là được xây dựng bằng chất liệu gạch đỏ trần. Di tích nằm bên bờ sông được hợp bởi 3 dòng sông là sông Chao Phraya, Mae Nam Lop Burisông Pa Sak. Có lẽ vì vậy Ayutthaya được lưu dấu trong ký ức nhiều khách du lịch như là một ốc đảo của những chùa chiền bên sông.”

Đưa vài trích dẫn trên để người đọc hình dung khái quát nơi chúng tôi đến. Lúc đó gần 11g trưa, nắng như đổ lửa, nơi đầu tiên chúng tôi đến là Wat Maha That, khu vực đậu xe hầu như không còn chổ trống. Điều đập vào mắt tôi thật ấn tượng là hình dáng và trang trí ở những xe Tuk-tuk rất đẹp, khác xa loại xe này ở Bangkok và những xe lôi đạp phía sau có remorche trên hai bánh! Vào bên trong đã thấy mát mẻ  nhờ những tàn cây rậm rạp che nắng. Khu đền này khá rộng lớn được xây bằng gạch đã sụp đổ và bị tàn phá của quân đội Miến Điện gần 80% với rất nhiều tượng Phật bị gẫy tay, gãy chân, cụt đầu! Tuy sự hoang phế thể hiện rất rõ nhưng quang cảnh chung không thấy buồn. Có lẽ hào khí chiến đấu của quân đội với người Miến để bảo vệ hoàng cung, bảo vệ đền đài còn vướng vất đâu đây – tôi nghĩ – hoặc nhờ rất đông khách quan sát, say sưa nhìn ngắm và quay phim, chụp hình. Nơi phải chờ lâu để chụp được hình là một gốc cây cổ thụ, sát đất có một cái đầu của tượng Phật bị rễ cây bao quanh đã cố định vị trí!

Trong tiếng Thái, “Wat” có nghĩa là chùa, tôi đếm trong tài liệu hướng dẫn có đến 39 Wat đánh số thứ tự trong bản đồ. Theo sách vở, số đền chùa ở đây còn hơn rất nhiều nhưng con số 39 này là những chùa còn lại chút dấu vết và trở thành những điểm tham quan.
Trong lúc gia đình con gái đi cưỡi voi, chúng tôi vào thăm chùa Wihan Phramongkhon Bophit nổi bật với hai màu trắng đỏ dưới nền trời xanh giữa nắng trưa mùa hạ. Đang là mùa Phật đản nên thiện nam tín nữ khá đông và bên trong cũng trang trí rất đẹp. Bên trong chùa, các khuôn mặt đầy thành khẩn và tin tưởng của những thiếu nữ tuổi teen đến dưới ba mươi, miệng lâm râm khấn vái hai tay đưa cao quá đầu với một ống xăm, nơi này lắc lắc, nơi kia lắc lắc tạo thành một âm thanh lách cách vui tai. Người ta đến chùa ngoài lễ Phật còn để xin xăm, chắc cầu nhân duyên, gia đạo hoặc tài lộc! Chỉ khác với Việt Nam là lễ vật dâng cúng ở đây chỉ một búp sen và 3 cây nhang mua từ bên ngoài.


Ở một chùa khác, Wat Phanangchoeng, nơi có tượng Phật vàng rất lớn ở giữa, khách thập phương cũng đến khá đông, phần lớn họ mua y thay cho Phật và tôi chỉ nghe đến thế chứ chưa thấy ai thay!
Website “dulichthailand.travel” cũng cho biết: “Ở Ayutthaya có 3 cung điện, nổi bật nhất trong số đó là đại hoàng cung – Grand Palace, Chan Kasem Palace và Wang Lang nằm ở phía tây thành phố. Đại hoàng cung bao gồm 6 tòa nhà là nơi ở của tất cả đức vua và hoàng gia thuộc vương triều Ayutthaya. Một phần không thể tách rời đại hoàng cung là chùa Wat Phra Si Sanphet, được xây vào thế kỷ 14. Đây là ngôi chùa mà các vị vua Ayutthaya thường đến làm lễ đăng quang cũng như những nghi lễ quan trọng khác. Đáng chú ý ở Wat Phra Si Sanphet là ba ngọn tháp kiểu Ceylonese (Sri Lanka), vốn là nơi cất giữ tro cốt của ba vị vua trị vì trong thời kỳ Ayutthaya.”. Chúng tôi không đến nơi này vì dành thì giờ để đưa người bạn đến thăm một chợ nổi khá nổi tiếng: Ayutthaya Klong Sabua Floating Market. So với Dunway và Amphawa là hai chợ nổi tôi đã đến thăm, tuy mỗi nơi mỗi khác nhưng về quy mô thì chợ ở đây rộng lớn hơn hai nơi trước nhiều, khung cảnh đẹp và còn có cả sân khấu nhạc nước (ở Amphawa thì có dịch vụ đi thuyền máy trên sông quanh cù lao vào ban đêm để khách nhìn đom đóm - tiếng Thái là “hìn hoi”- trên các cây ven bờ).

Đã hết ngày, chúng tôi không đến thăm các bảo tàng, không khám phá lịch sử của các công đồng người ngoại quốc thời kỳ Ayutthaya qua việc thăm các Portuguese Village, Japanese Village và Dutch Village mà theo sử sách, họ đã có quan hệ tiếp xúc và làm ăn với vương triều từ thế kỷ XVI, XVII. Ăn trưa ở Baan Mai Rim Nam là một trong 24 nhà hàng ven sông được guide book giới thiệu, lúc đi vào, hai anh cháu ngoại nói gì đó với nhau, anh giữ xe liền hỏi: “Các bác là người Việt?”. Chúng tôi trả lời và dừng lại nói chuyện, anh là dân Hà Tĩnh, qua Thái đã hơn 20 năm, tại nhà hàng này còn có 2 cháu trai khác cùng làm với anh. Khi đến chợ nổi, thấy một chiếc xuồng nhỏ bán kem, lót dưới gáo dừa đường kính chừng 60cm là cơm dừa, hai bố con tôi dừng lại mua ăn, lại gặp hai người bán là… người Việt nhưng  luôn miệng rao hàng bằng tiếng Thái, y như người Thái, hai anh này từ Thanh Hóa qua. Gặp đồng hương Việt Nam ở quê người, dầu chỉ nói vài ba câu nhưng cũng thấy vui vui và ấm lòng!

Nhìn những hoang phế của đền đài, chùa tháp do sự tàn phá của quân Miến lòng chợt thấy buồn khi nghĩ đến sự tàn nhẫn của con người, sự tàn bạo của chiến tranh nhưng rồi nghĩ lại, có cuộc chiến nào mà không thương vong, không hư hao mất mát, không để lại những thương đau trong suốt dọc dài lịch sử của loài người?

18 nhận xét:

  1. Tôi cũng có vài quyển sách viết về Vương quốc Thái Lan, và thủ đô Bangkok (Vọng Các) của họ. Ayutthaya là cố đô được thành lập từ giữa thế kỷ XIV (1350) bởi Phya U Thong, đến cuối thế kỷ XIV vị vua cai trị Ayutthaya bấy giờ là Ramesuen chiếm vùng Angkor của Khmer. Ayuthaya hùng mạnh trong vòng gần 400 năm rồi suy yếu và bị thôn tính bởi Miến Điện.
    Đến thế kỷ XVIII kinh đô Thái Lan được chuyển về Thonburi gần Bangkok và sau đó là bangkok.
    Nước Thái Lan cũng trải qua những thời kỳ cực thịnh và suy yếu (đánh nhau với cả VN), nhưng may mắn là không bị ngoại bang chiếm đóng lâu dài, cũng may mắn là họ có được Phật giáo là quốc giáo đến tận ngày nay, cho nên con người Thái Lan tương đối hiền hòa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một trong những điều mình thấy những người có trách nhiệm đối với các di tích này là họ bảo vệ, trùng tu nhưng không làm mất đi nguyên bản như VN đã làm ở một số nơi. Cám ơn những thông tin của bác NHP để bạn bè rộng đường tham khảo, HN cũng có đọc thấy nhưng không đưa vào bài viết nhiều chi tiết. Khi Đông Dương ở phía đông bị Pháp đô hộ, Mã Lai, Miến Điện ở phía Tây là thuộc địa Anh, các triều đại ở Thái thời kỳ này đã có những chiến lược, chiến thuật ngoại giao khôn khéo, nhờ vậy đất nước này không bị đô hộ.

      Xóa
  2. Cũng phải chúc mừng nhà bác HN, dẫu sao bác cũng có thời gian cùng gia đình ở một đất nước tương đối tử tế. Cám ơn bác đã đưa những bài viết, những hình ảnh văn hóa về đất nước ấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác NHP về lời chúc đậm tình này!

      Xóa
  3. Nhìn khung cảnh thanh bình của người ta mà thấy buồn và lo cho cảnh dầu sôi lửa bỏng hiện tại của nước nhà!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bên này cũng chỉ mới tạm yên sau quyết định của Tòa Hiến Pháp đối với nữ Thủ tướng Yingluck nhưng cũng có lúc họ đứng trước bờ vực của nội chiến giao à. HN và gia đình vẫn ưu tư về tình hình biển Đông, nhất là các vụ Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng gần đây.

      Xóa
  4. Chiến tranh là 1 lẽ còn đập phá chùa tượng lại là chuyện khác !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với DN, những chuyện tàn sát người dân, đập phá đền đài, chùa tháp này thuộc về ...tội ác. Cám ơn đã đọc.

      Xóa
  5. Nặc danh07:19 14/5/14

    Đẹp quá. Xứ sở người ta trông thịnh vượng giàu có quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Điều chắc chắn là nước này không thể bằng Mỹ, Nhật, Tây Âu nhưng cũng thuộc loại có hạng ở Đông Nam Á, rất ấn tượng về hệ thống giao thông, thành phố sạch đẹp và người dân hiền lành, tử tế BT ơi!

      Xóa
  6. 1- Bạn HN đã dẫn bà con rời Băng côc về với Cố đô Ayutthaya xa xưa. Phế tích lâu đài bị tàn phá bới quân Miến gợi lại một thời hào hùng của dân tộc Thái chiến đấu chống giặc bảo vệ đất nước, người Thái nào có kém chi người Việt
    2- Đươc biết người Thái gốc gác ở Vân Nam buộc phải di chuyển về đây do quân Mông Cổ chiếm đóng thủ đô Nam Chiếu của Họ. Cũng thời điểm đó Nhà Trần bên ta đã hùng mạnh thắng giặc Mông Cổ. Như vậy nước Thái hình thành từ thế kỉ 13 sau VN trên 1000 năm. Vậy mà ngày nay ta còn thua họ 95 năm trong kinh tế xây dựng đất nước thì đáng buồn quá.
    3- Vua Ra ma 1 trị vì từ 1782 - 1809 là người sáng lập ra thủ đô Bangkok. So với thủ đô Hà Nội Bangkok có sau khoảng 700 năm. Nhưng đến Bangkok bu cũng đã choáng ngợp bởi sự giàu có hiện đại của họ. Hay là VN ta càng già lão càng yếu kém ?
    4- Cái hạnh phúc vô biên của người Thái là không có biên giới với Tàu, không bị nạn ức hiếp như vụ biển Đông VN hiện nay...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bác Bu cả hai tay ý 1. Ý 2 thiệt tình là HN chưa biết, có khi đã đọc rồi nhưng lại quên, điều chắc chắn là HN không biết làm hai phép so sánh ở ý 2 và ý 3 để rút ra nhận định hay đặt vấn đề để chúng ta cùng tham khảo. Riêng mục 4 thì rất nhiều người cũng nghĩ như bác. Rất nhiều người Thái gốc Hoa (Chinese Thai) giàu có, có chức vị ở đất nước này nhưng theo nhiều người cho biết, họ không nhớ gì đến cái "pays natal" của họ như kiểu của người Singapore, họ lo làm ăn, thờ kính Phật và tôn vinh Quốc vương cùng những quyết định của Hoàng gia như những người Thái bản địa.

      Xóa
    2. Những ý sau cùng của HN rất trùng hợp với nghiên cứu về người Thái gốc Tàu của nhiều học giả. Có lẽ vì thế: người Tàu lập ra nhiều viện Khổng Tử ở Thái để nhắc nhỡ con emnhớ về tổ quốc gốc chăng,,,hihi

      Xóa
  7. Đến một số thủ đô các vương quốc cổ lân cận mới thấy sự vĩ đại,hưng thinh một thời ... thật dữ dội !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng giống như anh HHP đến thăm Angkor Wat, Angkor Thom ở Siemreap (Campuchia) hoặc cố đô vương triều Pagan vùng Mandalay ven dòng Irrawaddy ở Mianmar ấy mà! Đúng như anh nói: "Thật dữ dội!".

      Xóa
  8. Cố đô Thái và gần đây... anh có nói đến cố đô Huế! Không muốn so sánh cũng hổng ... xong! :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thiệt buồn Nô ơi, đó là chưa nói chuyện bún- chưỡi- cháo- mắng- phở- quát... ở kinh đô Thăng Long hay cái khó của những người làm du lịch khi sắp xếp chương trình tour cho du khách ngoại quốc ở Sài Gòn! Biết thế nào!

      Xóa
    2. Một góc Phu Văn Lâu ở Huế vừa mới sụp đổ xong, huhu!

      Xóa

Flags..


Flag Counter