4/4/14

Trở lại Patana




Buổi tối, con gái báo tin ngày mai chàng rễ sẽ đưa con đi học để quan sát việc dạy của  thầy cô ở lớp và việc học của con mình, một hoạt động thường xuyên của nhà trường rồi gợi ý: “Ông ngoại cùng đi cho biết”, vợ tôi thì bảo:“Bố đi để về viết bài”.Vậy là đi.

Patana School là trường hai anh cháu ngoại tôi đang học, đứa anh tên ở nhà là Sóc, vào mẫu giáo lớn (K2J) hồi tháng 8 năm 2012; Nhím, đứa em, đến lớp nhà trẻ đầu tháng 01.2013. Do vậy, tôi đã đến trường này rất nhiều lần, ngoài việc theo xe bus nhà trường cùng đi với mỗi cháu 4 ngày khi cháu đi học lần đầu tiên, tôi còn đến trong các dịp trường tổ chức Ploenchit Fair, International Day, Fun Day, Sport Day và Christmas Day.
Tôi đã viết trên blog về trường này bốn bài: “Trường Quốc tế”, “International Day”, “Ploenchit Fair” và “Kể chuyện Nhím đi học” Vì vậy, đặt đề bài có từ “Trở lại” chỉ một phần vì ngày xưa thích bộ phim Úc: “Trở lại Eden”, thích tên một tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Elia Kazan: “Trở lại thiên đường” và âm hưởng khi đọc lên với hai chữ đầu vần trắc, hai chữ sau vần bằng, nghe dễ thương và êm tai thế nào. Phần khác, nói “trở lại” chỉ là trở lại lớp Nhím học hai lần, một vào dịp Giáng sinh và lần này.

Khi Nhím đến trường mấy ngày đầu, vợ chồng tôi, nhất là tôi, thương và lo lắm. Lúc còn ở Việt Nam, Sóc đã tiếp xúc với tiếng Anh khi đi học trường Việt-Mỹ-Úc, khi học hè ở Ruby School, khi học Anh văn Hội Việt Mỹ dầu ở cả ba nơi, thời gian đều không dài nhưng Nhím thì không, chưa hề, mọi việc chỉ là đi theo chúng tôi và anh cháu khi phỏng vấn ở trường vào tháng 6/2012, lúc gia đình mới đến Bangkok vài tháng. Chấm hết! Do vậy mà lần đưa cháu đi học, cháu ở trong lớp, tôi ở ngoài người cứ thắc tha thắc thỏm mong buổi học kết thúc để sớm gặp cháu, để coi cháu thế nào?. 
Ngày đầu tiên Nhím đi học, 08.01.2013.

Bạn tưởng tượng đi, một thằng nhóc 4 tuổi lần đầu tiên xa vòng tay ông bà, cha mẹ, đến một lớp học toàn người lạ, bạn học vài mươi đứa toàn là hoặc người Thái hoặc người Âu, cô giáo vừa người Anh vừa người Thái, Nhím ta độc nhất là người Việt, lẻ loi, đơn độc tột cùng vì Nhím nói, không ai hiểu, mọi người nói, làm sao Nhím hiểu?

Vẫn theo dõi thường xuyên việc học của cháu qua “Red book”, một loại sổ liên lạc giữa gia đình và cô giáo, vẫn hỏi thăm mỗi lúc ba mẹ cháu đi họp về, vẫn nhìn thấy các bài làm của cháu, đôi khi còn “khoe” bài làm với bạn bè trên facebook nhưng khi tôi đến dự Giáng Sinh ở lớp mẫu giáo tháng 12 vừa rồi, rất mừng, Nhím tự tin và hội nhập với không khí chung, Nhím còn có bạn là một cháu cha Tây mẹ Thái tên là Josua, Nhím hát theo mọi người, vỗ tay, múa theo mọi người khi các cô quản trò trên sân khấu làm các động tác, Nhím có vẻ như hiểu được – dầu không trọn vẹn – cô hướng dẫn yêu cầu làm gì và có vẻ những bài hát này đã được tâp trước.
Nhím tự tin ở trường khi dự X-mas Day 2013.

Hình ảnh, thậm chí cả video clip về các hoạt động của cháu trên trang web của trường, sách cháu mượn và những bài tập làm ở lớp đem về, những gì cô giáo của Sóc Nhím báo tin…tất cả đã cho tôi có cái nhìn tổng quát về phương pháp giảng dạy của nhà trường. Sẽ không có từ nào khác hơn là exellent, là wonderful, hơn tất cả những gì mình từng nghe, từng đọc về hệ thống giáo dục Anh- Mỹ, cách riêng là giáo dục mầm non.

Mỗi năm học ở trường 3 terms, cuối mỗi term các cháu thường nghỉ từ hai đến hơn ba tuần (15- #25 ngày), như vậy Nhím chỉ học lớp Nursery 2 terms rồi lên K1 và ở lớp này cũng chỉ mới 2 terms nhưng từ hơn một tháng qua, thỉnh thoảng nghe hai anh em chơi với nhau trong phòng buổi chiều khi đi học về hoặc những ngày cuối tuần nói với nhau các câu tiếng Anh thông dụng: It’s me!, Let’s me see!, Be careful, I win…có lúc Nhím hát một mình nhạc tiếng Anh học/ nghe ở lớp, phát âm rất hay và chuẩn, tôi tỉ tê hỏi Nhím trái chuối nói thế nào, cháu trả lời banana, đưa hình con voi hỏi con gì đây cháu bảo elephant, rồi hỏi viết thế nào, cháu đánh vần từng mẫu tự, thích lắm!.

Khi rãnh ở nhà, ba cháu cũng dạy cho hai anh em, dùng sách mượn ở trường về, đọc và giải thích các hình ảnh cho các cháu và như vậy, Nhím đã có được một số từ ngữ còn anh Sóc thì bây giờ giao tiếp và nói chuyện với các bạn và cô giáo bằng tiếng Anh khá thoải mái, chỉ là vốn từ còn ít, chưa viết được nhiều và chữ viết chưa đều nhau như trẻ em VN cùng độ tuổi.

Nhím sống rất tình cảm và rất “ghiền” ba cháu nên hôm qua đến trường, ba cháu dắt anh Sóc đến lớp để kịp học PE và trả sách cho thư viện, bảo Nhím vào lớp trước với ông, ba sẽ tới sau, vậy mà cu cậu cứ bịn rịn, lừng khừng, khi theo tôi vào, cháu làm tất cả mọi việc nhanh chóng, rành rọt và đến bàn nơi đặt các đồ chơi (để học) đó là những quả cầu tròn cỡ ngón chân cái có gai là những sợi kim tuyến như sao biển có bốn màu khác nhau, đũa để gắp, pince trung, pince lớn có thể gắp 2 quả một lần, đồng hồ cát, bút lông, bìa nhựa, ly đựng các quả cầu.

Bài học là cô-cháu cùng gắp trong cùng thời gian vài phút (miễn sao kết quả <10) bỏ vào ly sau đó đếm và trả lời cho cô số quả cầu cháu gắp được, vẽ các quả cầu vào một bìa, viết con số vào một bìa khác và chọn trong xấp bìa in từ số 1-9 bìa có con số ứng với số quả cầu cháu đã gắp được. Vậy là có 1 cách để biết một con số và có 3 cách để thể hiện! Cũng tương tự, cháu lại đếm số quả cầu cô gắp được, trả lời như trước rồi cô viết trên bìa số của cháu cộng số của cô rồi yêu cầu cháu điền kết quả sau dấu bằng (=). Với những quả cầu này còn  giúp tập nhanh tay bằng cách dùng đồng hồ cát để ấn định thời gian gắp cầu, cách chọn dụng cụ nào để gắp hiệu quả nhất… Khi cát trong đồng hồ sắp hết, Nhím dùng tay bốc cầu bỏ vào ly, cô nhẹ nhàng lấy bỏ ra ngoài và bảo vậy là phạm luật!
Nhím đang ghi số quả cầu gắp được trước cô giáo.

Có nhiều cách để học đếm như việc dùng máy tính kết nối màn hình lớn để các cháu quan sát và đếm số con vật trong rừng đang đi trên đường, có việc cho các cháu nằm đắp chăn nhưng khi tôi từ một nơi khác đi đến thì bài học đã xong rồi nên không rõ “bài” học này.
Nhím đang chuẩn bị vào trong chăn cùng các bạn.
Khu vực này có 3 lớp K (Kindergarten) kề cận và các phòng thông nhau vì cửa đều mở ra một khu vực chung, mỗi lớp có một cô người Anh chịu trách nhiệm chính và 3 cô giáo người Thái phụ giúp nhưng các cô người bản địa này có thể hoạt động, hướng dẫn các cháu của 3 lớp học và chơi, các cháu có thể vào hai phòng của hai lớp còn lại, cả ba trang trí khác nhau nhưng cũng có một khu vực trang trí và học cụ, chung cho ba lớp nói trên. Tôi nghĩ, chính điều này đã giúp cả cô lẫn trò không thấy nhàm chán.
Ông ngoại chụp cùng cô Luktaan, cô giáo người Thái của Nhím.
Có hai giờ để quan sát mọi việc, những gì trông thấy đều làm mình thích thú, ở lớp Nhím có nơi dán hình và tên 17 “bạn” trong lớp, hàng trên ghi “WE ARE FSG”, có nơi dán hình gia đình của các cháu và gia đình cô giáo ghi WE ARE FAMILY, tôi thấy hình vợ chồng mình ở đó, lại còn có bảng ghi tháng nào có sinh nhật bạn nào, cập nhật hình sinh nhật theo từng tháng ngoài các lab nghe nhìn và những trang trí khác vô cùng bắt mắt.
Cũng dịp này, trường tặng một tập tài liệu 12 tờ A4 giới thiệu cách để phụ huynh về nhà giúp con em học toán : Maths is Fun – Ideas for supporting your child at home.”
Hình gia đình các bạn trong lớp, gia đình Nhím ở góc phải, dưới.

 
We are FSG. Nhím hàng trên, bên phải

Bản ghi ngày sinh của các bạn
Phương tiện nghe nhìn.

Quan sát xong, tôi nói đùa với chàng rễ: dạy thế này thì không cần giáo án! Các cô đứng quan sát các cháu tự chơi và thấy cần đến giúp đỡ thì đến. Khi Nhím ngồi ráp hình người, cô giáo lại cùng chơi, cô yêu cầu cháu tìm cho cô 5 con khủng long nhựa đựng hàng mấy chục con vật khác nhau trong hộp lớn, cô nói rất nhanh, tôi đứng nghe không kịp. Vậy mà Nhím nghe và thực hiện đúng! Cô khen và nói thêm, cháu nhớ được rất nhiều chuyện kể. 
Nhím và các hình nhân vừa ráp xong.

Qua tất cả những việc này, đến bây giờ, khi “trở lại Patana” tôi thấy lòng vui và yên tâm nhiều, việc giao tiếp và tiếp thu bài vở sắp tới sẽ càng thuận lợi, mỗi ngày đến trường với cháu là một ngày vui, không cảm thấy đơn độc như những ngày đầu nhưng rồi, lại phát sinh một nổi lo khác: với đà này, nếu cứ tiếp tục thì việc nói và viết tiếng Việt sẽ thế nào đây? Không biết vợ chồng con gái tôi có làm được cái việc mà tôi trân trọng và khâm phục với nhiều người quen còn trẻ ở Mỹ: sinh con bên đó nhưng khi dắt về thăm thân nhân ở Việt Nam thì các cháu vừa nói vừa viết rành tiếng Việt, vốn từ rất phong phú, thậm chí còn biết cả tiếng lóng (slang) như: mánh mung, chôm chỉa, đi mại cái xế…

Mà thôi, đã là lo thì nói mấy cho cùng! Chuyện chưa đến và nên biết rằng: “What will be, will be!”.



16 nhận xét:

  1. Trẻ con coi vậy chứ chúng hòa nhập với môi trường nhanh hơn người lớn nhiều.
    Chúc mừng tương lai của cháu ngoại bác HN. Nhìn hậu duệ của mình thế là yên lòng rồi bác HN :-))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật sự thì HN vẫn tâm nguyện câu "Đắc nhất nhật quá nhất nhật, đắc nhất thời quá nhất thời", được đến đâu mình mừng đến đó và như đã nói ở trên, "Que sera, sera!" bác NHP ơi. Cám ơn bác về lời chúc này.

      Xóa
  2. Bai viet that hay ! Chuc anh HN va gia quyen luon an vui !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn đã đọc và có lời khen, HN vẫn theo dõi thường xuyên blog của bạn, vẫn chờ những bài thơ nặng tình quê hương, làng mạc, gia đình của bạn. Có lần thích quá, nhờ Nobita in vào tập tản văn của HN một bài thơ của THD mà HN đã xin qua comment. Chúc vạn an.

      Xóa
  3. Tấm lòng ông ngoại thiệt là đáng quý! Khi các cháu lớn lên, hình ảnh ông ngoại sẽ ko phai trong ký ức của chúng đâu. Cuối tuần anh vui cùng các cháu nhe!
    Biết chừng nào ngành Giáo dục ở VN bằng với Thái?! hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện này cũng không biết thế nào giao ơi, hiện giờ có vẻ các cháu cần game online, cần cái Ipad hơn cần mình nhưng ...thương thì cứ thương vậy mà. Cám ơn giao về mọi sự nhé.

      Xóa
  4. Được Ông Ngoại đưa đi học còn gì vui và hạnh phúc hơn anh Hongngoc ạ....Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình mà không đi cùng cháu những ngày đầu mà ở nhà thì chắc chắn HN cũng cứ lao lư mà chẳng làm được việc gì em ạ!

      Xóa
  5. Bu đang là ông ngoại của hai thằng cháu cỡ tuổi Nhím và Sóc nên đọc kĩ bài này để biết Tư bản họ dạy dỗ trẻ con thế nào. Nguyên cái việc trong lớp dán hình người thân như bố mẹ, ông bà, bạn bè, ngày sinh của ban... thì bu tui quá phục luôn. Người ta không dạy trẻ yêu chung chung như yêu tổ quốc, yêu đồng bào, mà yêu người thân, yêu bạn bè. Một nền giáo dục khoa học và nhân bản vô cùng
    .
    Nỗi băn khoăn của ông ngoại là rất đáng quan tâm. Sóc và Nhím sẽ là học trò ngoan, giỏi, nhưng phải là người Việt, tâm hồn Việt. Các cháu nào đó ở Mỹ như bạn kể là một trường hợp cho ông ngoại HN tham khảo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui vì những điều HN trân trọng ở trường này được anh Bu thấy và hưởng ứng. Một điều nữa là các cháu tham dự vào việc học, việc chơi, tranh luận...rất tự tin, tự tại có lẽ một phần là cô giáo cho "huậy" thoải mái ví dụ chơi với cát, với bột, với cá lóc trong thau, với con trăn sống...như bạn, khi học vẽ thì thích gì vẽ nấy và cô uốn nắn, khác xa với con nít ở VN mình, có khi bị cô chê trước cả lớp. HN vẫn nhắc cháu chuyện tiếng nói, chữ viết và tâm hồn Việt còn sau này ra sao thì phải chờ nữa bác Bu ơi.

      Xóa
  6. M cũng đặc biệt chú ý đến tính nhân bản của nền giáo dục nước ngoài . Việc đầu tiên là phải biết yêu cha mẹ , ông bà , người thân ... rồi mới rộng hơn là đồng bào , tổ quốc , nhân loại , lòng thương người nói chung .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có một bài làm của Sóc (lớp 1) là 5 bìa dày, 5 màu khác nhau và đường kính khác nhau: cam đường kính 9cm, xanh lơ 13cm, đỏ 17cm, xanh lá cây 21cm và vàng 28cm. Tờ giấy tròn nhỏ nhất vẽ người, dán một mẫu giấy nhỏ ghi chữ "Me", vòng thứ hai chữ "House", vòng thứ ba "My City", vòng thứ tư "My Country" và vòng lớn nhất "My world", trên các tờ đều do các cháu trang trí, riêng trên My Country là...bản đồ nước Thái Lan thu nhỏ mà tiếc là HN không biết post hình nên các bạn không nhìn thấy! Tuyệt lắm MB ơi.

      Xóa
    2. Còn một điều nữa quên nói là 5 tờ bìa này dán lại ở một điểm tiếp xúc nên nhìn vào là hình dung được ngay MB à.

      Xóa
    3. Đúng là tuyệt anh HN nhỉ . Cái này mới đúng là "trực quan , sinh động " , rất ý nghĩa ...

      Xóa
  7. Nặc danh07:17 8/4/14

    Ông ngoại thật là yêu cháu tuyệt vời. Trẻ con học tiếng nước ngoài nhanh lắm HN ạ. Chỉ cần 6 tháng là nói vanh vách luôn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bên này thì chắc khó hơn vì các cháu còn tiếp xúc với bạn học là người Thái nữa BT ơi. Thương các cháu nhiều nhưng cũng dần chuẩn bị tư tưởng cho mình là càng lớn, cháu càng xa dần ông bà vì lo học hành, lo chơi với bạn, lo khám phá, tiếp xúc với xã hội...để đỡ thấy hụt hẩng khi chuyện này đến với mình Tám ạ!

      Xóa

Flags..


Flag Counter