30/4/14

NHƯ QUỲNH ĐÃ HÔN BAO NHIÊU ẾCH ?






Mãi đến đám cưới Mai Khôi – Ben tổ chức ở một khu du lịch ven biển Cam Ranh, quê nhà của Khôi, tôi mới biết Ngô Như Quỳnh khi em ra làm MC trong đám cưới bạn. Khi ấy, Quỳnh đã khá nổi tiếng qua những hoạt động trên đài truyền hình Sài Gòn và ngoài xã hội. 

Tiếp xúc đầu tiên với em trên trang facebook của “Quỳnh Scarlett”, nhìn hình ảnh dễ thương, ưa tạo dáng và nhí nhảnh một cách (có vẻ) hồn nhiên trong đám cưới, tôi khá cảm tình và điều này được nhân lên ngay sau đó khi đọc một note em viết những suy nghĩ về đời sống một anh tài xế taxi tỉnh lẻ, người chở em từ Cam Ranh ra sân bay Nha Trang để về lại Sài Gòn.

Vậy là trong cùng một lúc – bỏ qua những ca ngợi của “một rừng” LIKE và comment từ              những người hâm mộ em – Quỳnh đã được tôi chấm 3 điểm cộng (1: bạn Mai Khôi, cô bạn nhỏ ruột rà của tôi, 2:.hình ảnh và (nhất là) 3: bài viết của Quỳnh upload trên facebook) dầu tôi chẳng là một cái đinh rỉ gì trên trần gian đầy khổ ải này!

Từ đó, tôi gửi friend request cho em trên FB, thỉnh thoảng đọc các notes và comment cho em. Rất dễ thương là, chắc chắn em rất ít thì giờ nhưng vẫn chịu khó trả lời các comment của tôi rất lễ độ dầu em chả biết tôi là anh mặt ngắn mặt dài nào? Thêm một điểm nữa!

Không lâu sau, (có cảm tưởng là) những người hâm mộ Quỳnh cũng như giới văn nghệ Sài Gòn bị hút vào một event đình đám: Quỳnh Scarlett ra mắt bộ sách hai tập: Phải hôn nhiều ếch mới gặp được hoàng tử, mà theo Quỳnh thì đó là một câu ngạn ngữ và em lấy đó làm phương châm trong việc đi tìm một nửa thứ hai của mình. Tôi không nhiều thời gian để sa vào và theo đuổi chuyện thời sự văn nghệ này, chỉ biết rằng nó tiêu tốn khá nhiều giấy mực trên các tờ báo giấy và làm mòn bàn phím của không ít các PC, laptop, Ipad, kể cả các smart phone để viết về phénomène này! Vậy là tôi thấy lòng vui và mừng cho em, vì tôi nghĩ, rất chủ quan, rằng Quỳnh xứng đáng nhận được những cổ vũ này bởi những gì em trãi ra cho cuộc đời này! 

Tháng 9, về Việt Nam, con gái tôi nhờ mua bộ sách của Quỳnh, tìm một số nơi không có, gửi message trên FB, em hứa sẽ chuyển đến nhưng chờ hoài không có (?), qua lại bên này không lâu thì con trai ở Sài Gòn mua được và gửi qua. Tôi đọc và viết vài suy nghĩ.

Có lẽ lời giới thiệu nặng ký của nhạc sĩ Quốc Bảo đủ để người đọc hình dung khái quát giá trị của tác phẩm và khi đọc lời giới thiệu của Như Quỳnh, chắc độc giả cũng sẽ rất cảm tình, Quỳnh không biết sẽ nhận được tiếng khen hay điều chê nhưng viết như một sự bộc bạch, một sự trãi ra trên giấy những chuyện đời mình mà sẽ có người nghĩ là tự truyện (“Chỉ có ta trong đời” tr.122). Nhân vật Hạ Hương có thể là hình ảnh của Quỳnh ở một số góc cạnh, bình diện trong cuộc sống qua những gì thấy được từ tác phẩm có vài điểm tương đồng với các status trên FB của Quỳnh. Sự hư cấu, cường điệu nếu có và đạt đến bao nhiêu phần không bàn ở đây.

Với hơn 400 trang sách chia làm hai tập kể về hành trình đi tìm tình yêu và đón nhận  tình yêu từng mong chờ rất mực, Hạ Hương đã dắt độc giả đi theo mình, chia sẻ với mình để hiểu thêm tính cách của một con người  trung thành tuyệt đối với việc tìm một tình yêu đích thực, tình yêu đó vượt ra ngoài mọi đam mê trần tục, mọi mưu cầu giàu sang danh vọng, mọi của cải tiền bạc mà chỉ đơn giản là một người nam làm rung động con tim khát khao yêu thương của mình. Dầu gặp phải nhiều xót xa, luyến tiếc, ân hận khi cảm thấy phải mất mát, đánh đổi… nhưng dòng sông nào rồi cũng đổ về biển cả, “dòng sông Hạ Hương” cuối cùng cũng đổ về biển  như mơ ước của nàng. Bởi thế, người đọc khó tính có thể không hoàn toàn đồng tình với Hương khi em đã sống hết mình, cho chính mình, bỏ qua một bên những thứ gọi là nề nếp, là lề thói, là ước lệ xã hội…

Tôi không có chuyên môn để biết gọi tên cách sắp xếp bố cục của tác phẩm này  nhưng với gần hai trăm trang của tập một: “Ngoại tình với cô đơn” tác giả đã chia thành 18 đề mục, kể chuyện đi tìm hoàng tử của Hạ Hương. Ngoài những Mike, những Alex, Jonathan…chỉ được nhắc tên như các vai quần chúng làm đề dẫn cho cốt truyện, đã có đến mười “con ếch” được nàng “hôn”. Mỗi nhân vật nam là một tính cách, một mảnh đời, khác nhau về hoàn cảnh xuất thân, về tuổi tác nhưng có mẫu số chung là đại diện cho lớp người có học, có tiền bạc và địa vị. May mà, tác giả đã biết dừng lại kịp thời chỉ với mười nhân vật nam để chuyển qua phần hai của cốt truyện: gặp được hoàng tử, (tôi cũng đã gần thấy chán thì vừa hết tập!).

Có đến ba “chú ếch” mắt xanh mũi lỏ, tóc vàng: Daniel, mà theo Hạ Hương là biết nhiều, đĩ thỏa, điếm đàng, giám đốc một công ty truyền thông nhưng là người “sinh ra để làm một kẻ quyến rũ”, thứ đầu tiên thu hút sự chú ý của Hạ Hương nên chỉ mới sau lần gặp lại, Hương đã sẵn sàng dâng hiến: “Thân ấp thân, môi tìm môi, tay chân cuốn lấy nhau như tầm gửi”(tr. 22). Mark, chú thứ 8, dân Tiệp, người Prague và Nicolas, chú ếch thứ 9, chủ một công ty nổi tiếng ở Mỹ,  là người ngoại quốc tiếp theo được hân hạnh “ăn nằm” với Hạ Hương với sự đồng điệu hết mực của nàng khi Hương “Chỉ trong phút chốc, nàng thấy mình nằm trên nền nhà trên người không một mãnh vải” trong lúc “mùi con đực lấn át không gian”.(tr.132)

Trong mối quan hệ với hàng chục người, Nguyên Khôi là người để lại trong Hương nhiều ấn tượng sâu sắc mà khi chàng vuột khỏi tầm tay, sự đau khổ dày vò nàng không ít. Khi quan hệ với bất cứ ai sau này, hình ảnh Nguyên Khôi luôn quay về trong nhớ thương da diết của nàng và phải một thời gian dài, khoảng trống do mất Nguyên Khôi mới dần được lấp đầy trở lại. Tôi thích “Chỉ chừng đó thôi”, có vẻ như tác giả mô tả rất thật tình cảm của Hạ Hương với nhân vật nam này mà trong đó việc đụng chạm thân xác tạo ra những xúc cảm không nhỏ.

Các nhân vật nam còn lại, trong quan hệ với họ, Hạ Hương cũng gặp đủ các trạng huống tình cảm, cũng đầy đủ những hỷ, nộ, ái, ố thường tình, như Đỗ Duy, gặp nhau khá bất ngờ khi cả hai cùng đến BV Chợ Rẫy, có nhà đẹp ở quận 5, mua món quà cho Hương giá trị hàng 500 USD như mua một cây bút Thiên Long giá 2000 đồng nhưng lại là người có vợ!,  Phi Vũ, con nhà giàu, có cách sống kỳ lạ, nhỏ hơn Hạ Hương đến 7 tuổi, sống biệt lập nhưng lại là nơi Hương tự nguyện tìm đến hằng đêm để phải uống thuốc ngừa thai, để có “cái ý nghĩ mình thật tầm thường, nàng cứ thế tiến công như con cái đến mùa sinh nở. (tr.64). Tôi cũng thấy tiếc rằng giá mà trong mười chú ếch này, có một chú là bạn học ở quê, ngày xưa thầm yêu trộm nhớ Hương và nàng cũng có cảm tình, nay gặp lại ở Sài Gòn, biết là chàng có nhiều cố gắng ngoi lên, tuy không giàu có nhưng cũng đỗ đạt, có một chỗ làm, thu nhập ổn định, mạnh dạn săn đón và tán tỉnh Hương… thì cốt truyện sẽ thú vị hơn.

Ngoài công việc phải làm hằng ngày, Hạ Hương dành khá nhiều thì giờ còn lại cho việc tìm ếch để hôn, coi đó như một phần không thể thiếu, như cơm ăn nước uống, như không khí để thở…Mỗi khi có điều kiện, có cơ hội, có party, có bạn bè rủ rê, Hương ít khi từ chối, do vậy, những nhà hàng, quán ăn, tiệm café, bar rượu, Hương biết khá nhiều. Để khỏi làm người đọc nhàm chán, tác giả chỉ cho cô đến chừng hơn mười nơi, có thể kể là Highland, Lush, Xóm café, 4pic Pizza, Cún Lounge, Au Parc, nhà hàng Lá Phong, l’Amour, Cục Gạch, Bệt…chưa kể còn  những Góc Xưa, Shri, Hoa Túc, làm bối cảnh không gian cho những gặp gỡ của nàng, những nơi không phải ở Sài Gòn như Sealink Mũi Né khá nổi tiếng và nhiều nơi khác ở Úc.

Hạ Hương cũng là một người đa tài, không có môn nào thật xuất sắc nhưng cái gì cũng  am hiểu: Âm nhạc, phim ảnh, kiến trúc, thời trang, mỹ phẩm, rượu, lại còn biết cầm đàn để hát và hơi bất ngờ, Hương biết cả …nấu ăn! Một phụ nữ tài hoa như Hạ Hương với một connaissance générale như thế ngày nay đúng là… hàng hiếm! Có lần, hồi 2007, tôi nhận một tin nhắn dễ thương, khiêm tốn của một bạn nhỏ, cũng là bạn của tác giả mời dự sinh nhật của em ở Chu Bar dưới Lý Tự Trọng (quận I). Tôi đến, enjoy và adopt rất thật lòng với họ dầu chỉ là một trong vài người lớn tuổi có mặt, tôi hiểu những người trẻ họ đã sống, đã giao tiếp, đã vui chơi như thế nào, chừng như họ mượn nơi này để quên đi những bận rộn trong đời sống hằng ngày hoặc để hưởng thụ thêm những gì mà ban ngày chưa đủ, có vẻ không quan tâm đến dòng chảy của xã hội bên ngoài. Có lẽ những cuộc vui của Hương không khác nhiều với buổi sinh nhật này?
Như Quỳnh và bánh sinh nhật năm 2014.

Từ liên tưởng trên, tôi nghĩ rằng, nếu tác phẩm này được đọc bởi một người Việt Nam sống ở ngoại quốc, không hề biết tin tức quê nhà qua báo chí, TV, internet… chắc rằng họ sẽ mừng cho đất mẹ của họ, mừng cho quê hương Việt Nam có một cuộc sống đang lên, mừng cho người dân sống sung túc, xã hội yên bình, dân có mức sống cao, giới trẻ có điều kiện và tự do hưởng thụ tất cả những gì họ muốn qua tất cả những trang tác giả kể chuyện, ngoại trừ “Về với Tara” (phần viết mà tôi tâm đắc nhất) có một chi tiết nhỏ là khi Hạ Hương về thăm mẹ: từ bên trong máy bay nhìn ra, “sân bay Tuy Hòa trông hoang sơ, cỏ mọc ngút ngàn phía xa”(tr.104), chi tiết mô tả thực trạng sân bay khác với những hào nhoáng của Sài Gòn trong các trang viết của Quỳnh!

“Chỉ có ta trong đời” (tr.120), một tự bạch, một “lý lịch trích ngang” về cuộc đời, về con đường tiến thân và “Hôn bao nhiêu chàng ếch?” (tr.186), một “sơ kết” chặng đường đã qua là những trang viết dễ thương nhưng khi đọc đến trang cuối cùng của tập 2, gấp sách lại, tôi vẫn thấy thiếu một thứ gì, cứ như thiếu một chén ớt tỏi có vắt vài giọt chanh trên bàn ăn, tuy các món ăn đều vừa miệng không cần chấm nhưng thiếu nó, về mặt tâm lý, thực khách vẫn thấy chưa thỏa mãn về bữa ăn và (tuy) chủ nhân đã thành công trong ý tưởng khi dọn bữa ăn này. Điều đó có nghĩa là tác giả đã thành công trong việc gửi thông điệp đến các đối tượng mà cô hướng tới. Mừng cho Như Quỳnh, một tác phẩm đầu tay được đến thế này là vui rồi!

Điều tôi thấy thiếu có lẽ là do sự đòi hỏi của một độc giả lớn tuổi, cầu toàn: Tác phẩm của Như Quỳnh thiếu hơi thở cuộc sống hoặc nếu có chỉ là cuộc sống của giới có tiền. Điều này có nghĩa là tác phẩm xa rời cuộc sống ở một đất nước mà chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, người nghèo làm lụng cật lực cả ngày chưa chắc đã (hoặc chỉ) nuôi sống bản thân mình và phần nào cho con cái, mọi mơ ước xa hơn đành gác lại! Có phải vì là viên chức nhà nước, là cảm tình/ đối tượng đảng, Quỳnh không dám viết hay vì chỉ nhắm vào việc gửi thông điệp về cách yêu, cách sống cho độc giả tuổi teen mà quên đi hàng chục triệu con người khốn khổ còn lại?. 
Như Quỳnh phỏng cấn NSND Lê Khanh.
 Đưa “cuộc sống” vào tác phẩm tôi nghĩ chắc chắn Quỳnh sẽ thành công như các nhà văn đàn anh, đàn chị, những ai không tham vọng có tên trong văn học sử mà đó là Quỳnh viết không vì để trở thành nhà văn mà viết vì: “nghiệp viết lách mà tôi đã trót yêu và theo đuổi”(tr.5). Cũng từ lý do đó, đọc truyện của Quỳnh rất thích, hành văn gọn gàng, tự nhiên, không màu mè, không gượng gạo, chữ nghĩa tuôn ra nhẹ nhàng, trôi chảy từ tả cảnh, tả tình đến tả tâm trạng, rất thực như chính tâm hồn tác giả mà theo tôi, Quỳnh cũng còn thành công ở những lúc kể chuyện gối chăn. Ngày xưa, tôi đã đọc Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, (những người được nhà văn Thế Uyên nói đến trong Tình dục và những nhà văn nữ miền Nam 55-75), sau này đọc truyện ngắn Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, ở nước ngoài chỉ đọc Dương Như Nguyện, kể cả Haruki Murakami của Nhật. Tuy chưa đào sâu tất cả tác phẩm của họ nhưng cũng đã biết họ nói về cái gọi là ân ái, là make love, là faire l’amour hay trần trụi hơn: giao hợp, như thế nào, mỗi người có cách riêng tùy theo mục đích khi dùng nó.

Như Quỳnh kể chuyện gối chăn rất nhẹ nhàng như lần Hạ Hương theo Nguyên Khôi đến “một vùng biển vắng, gió xơ xác thổi qua mấy hàng dương”“căn phòng Khôi chọn nhỏ xíu lợp bằng tranh, khuất nẻo tiếng người, chỉ nghe tiếng sóng và gió rin rít lùa qua kẽ lá”. Chỉ chừng nửa trang giấy (trang 32) nhưng trong khung cảnh lãng mạn thế này, họ đã trãi qua những giờ phút thần tiên, đầy thi vị mà người đọc cứ nghĩ như chuyện thật cuộc đời. (Mà biết đâu đây không là chuyện thật, chỉ là tô thêm một tí màu sáng cho bức tranh để giảm bớt những trần tục của đời thường như chuyện con đực, con cái?).

Dầu sao thì tôi cũng đã đọc để biết những người trẻ Việt Nam, những người có học, có nghề nghiệp, có tiền bạc, sinh sau 1975 khoảng mười năm làm gì, nghĩ gì, có chút gì ưu tư đến vận mạng dân tộc, đến hiện tình đất nước hay chỉ là một thế hệ vong thân?. Dầu sao thì tôi cũng đã suy nghĩ và viết gần 4 trang size chữ 12, nếu nói tầm xàm cho vui thì ít ra, cũng phần nào giúp đầu óc mình bớt lão hóa. Cám ơn Như Quỳnh!. Tôi cũng như em, nhưng hơn em một bậc vì là loại “trâu già không sợ dao phay”, tôi cũng không sợ khen chê. Đó là quyền của độc giả.

                                                                                        

22 nhận xét:

  1. Bài viết này thật hay. Tôi chưa đọc cuốn sách nào của tác giả Như Quỳnh, nhưng entry của bác gợi lại cho tôi nhớ những cuốn tiểu thuyết diễm tình mà tôi đã từng đọc. Những cuốn tiểu thuyết đó đọc rất dễ dàng, một đêm có thể đọc mấy cuốn nếu không quá mỏi mắt, vì không phải suy nghĩ gì nhiều. Khi đọc ta không cần xác định xem các nhân vật đang sống trong không gian nào, trong thời điểm lịch sử nào, chỉ biết là họ luôn có nhà lầu xe hơi, có người giúp việc, trong đầu họ luôn chỉ có thương nhớ giận hờn chứ không phải lo việc kiếm sống, lúc nào họ cũng là công tử hay tiểu thư...

    Hồi còn học cấp hai, đứa bạn cùng lớp cùng xóm tôi khoe một cuốn tiểu thuyết mà nó bảo tôi nên đọc, vì nó đọc thấy vô cùng xúc động. Mặt bìa sau cuốn sách ghi vài lời tác giả giới thiệu rằng đó là tác phẩm viết cho "dân đen", thương xót số phận "đời là bể khổ" của họ. Tôi đọc rồi không xúc động nổi mà phá lên cười, vì câu chuyện phi lý từ đầu đến cuối, có lẽ tác giả của nó cũng ngồi trong biệt thự mà tưởng tượng những cảnh sóng gió cuộc đời. Đứa bạn tôi là đứa ngây thơ, đến truyện cổ tích dân gian mà nó còn tin là chuyện thật. May sao nó cũng không có nhiều thời gian để đọc sách, cuộc đời thật là cuốn sách mà nó phải đọc hàng ngày.

    Tôi thích đọc tiểu thuyết kiếm hiệp hơn nhiều so với tiểu thuyết diễm tình. Mặc dù các nhân vật kiếm hiệp cũng không phải lo chuyện mưu sinh (có lẽ khinh công thượng thặng cho phép họ trộm cướp của nhà giàu để tiêu xài thoải mái, còn những nhân vật kiếm sống bằng nghề bảo tiêu cũng không nhiều), nhưng những công phu của họ thì người đọc phải chấp nhận để trí tưởng tượng theo sự dẫn dắt của tác giả, vì họ có bao giờ được trải nghiệm đâu, người đọc đã chấp nhận hẳn nó là chuyện bịa, là chuyện viễn tưởng về quá khứ, và tác giả đã dành nhiều công phu để sáng tác ra những "bí kíp". Nhưng với chuyện tình ái thì nếu không phải trẻ con, mấy ai lại chưa từng "tu luyện", thế cho nên để dẫn dắt độc giả rất khó nếu tác giả không tưởng tượng ra chuyện tình ái của những người ngoài hành tinh.

    Trong truyện cổ về hoàng tử ếch, con ếch và hoàng tử là một. Nghe nhan đề truyện của Như Quỳnh thì có vẻ "ếch" và "hoàng tử" là hai loại đối tượng khác nhau. Chặc chặc...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn lời khen của Ái Nữ và comment khá thú vị bàn về chuyện đọc sách này. HN không đồng ý với bạn khi cho rằng tiểu thuyết diễm tình chỉ cần đọc qua một đêm là xong. Cũng có nhưng đó là sách của bà Tùng Long như Bên giòng sông Trẹm, Dương Hà như Em vẫn chờ đợi anh…còn nếu bạn thâm nhập vào các tác giả phương Tây thì không đến nỗi tệ thế (nghĩa là theo như bạn nói đó là loại tiểu thuyết mà người đọc khi chỉ cần đụng đến 1/3 tác phẩm thì sẽ thấy hướng diễn biến tiếp theo ra sao). Chắc Ái Nữ đọc đi đọc lại Cuốn theo chiều gió hay Docteur Jhivago rồi, đọc của Elia Kazan hay là E.M. Remarque sẽ thấy người ta viết đọc thích vô cùng.
      Nhân chuyện Ái Nữ bảo thích đọc kiếm hiệp, HN cũng mê vô cùng. Ngày xưa đọc Kim Dung bì bà bì bõm, nay có dịp đọc lại thật thú vị, chỉ tiếc là trí nhớ tồi quá, đọc trước quên sau. Ngoài Kim Dung, HN cũng thích truyện của Cổ Long, vừa rồi cũng “chơi” xong Tru tiên rồi Mật mã Tây Tạng của Hà Mã, mê tơi, không khác gì mê Harry Potter của J.K Rowling hay loại sách sau này của Dan Brown, thấy là “chơi” vì bị cái bệnh ghiền. Xin gửi đến Ái Nữ link một bài viết của HN về Kim Dung như một chút tình dân mê kiếm hiệp với nhau với mong mỏi được biết ý kiến của bạn, chúc thường an. http://hongngocblog.blogspot.com/2011/12/mot-thoang-kim-dung-dec-27-2011-536-am.html

      Xóa
    2. Là tôi nói "những cuốn tiểu thuyết diễm tình mà tôi đã từng đọc", toàn tiểu thuyết lá cải của mấy tác giả nào đó mà tôi chả bao giờ nhớ tên, đều là phụ nữ hết, hình như đàn ông họ không bao giờ viết kiểu đó hay sao? Tôi không xếp tất cả những tiểu thuyết đề tài tình yêu vào truyện "diễm tình".

      Có những người đánh giá thấp tác phẩm của Kim Dung, cả những tác phẩm như Harry Potter, thậm chí sách của Dan Brown. Tôi rất thích các tác giả ấy. Nếu không có tài năng và trí tuệ không thể viết ra những cuốn sách như vậy được. Tôi sẽ đọc bài viết về Kim Dung của bác.

      Xóa
  2. Bây giờ tôi có một cái dở, là ít đọc được tiểu thuyết, cho nên... mù tịt về đề tài này :-((

    Nhưng đọc cái tựa của bác HN cũng có chú ý, và đã đọc hết bài viết. Hôn ếch để hy vọng kiếm được hoàng tử, nhưng có khi kiếm được hoàng tử rồi hôn lại thấy chỉ là... ếch, hí hí!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tuyệt lắm bác NHP! Cũng có người viết sau khi sách của Quỳnh phát hành là, hôn nhiều ếch quá đến khi gặp hoàng tử thì cái miệng nhớt nhợt, hết hôn được! Hihi.

      Xóa
  3. Hồi đó , ngoan ngoãn theo giáo dục của bố mẹ , M không ghé mắt tới các tiểu thuyết của Nguyễn thị Thụy Vũ , Túy Hồng . Nguyễn thị Hoàng thì xem duy nhất "Vòng tay học trò" , xem mấy chương tả tình tả cảnh ở Đà lạt thôi . Đến mấy chương cuối mô tả các mối quan hệ phức tạp của các nhân vật ở SG thì không muốn xem nữa . Sau đó là được , bị tiếp xúc với văn học CM . Còn bây giờ dzà dzồi nên "lãnh cảm" với các loại tiểu thuyết đại loại vậy , hihi ...
    M cũng thấy giống như bác H nói , có khi tìm được hoàng tử , thời gian sau thì thấy cũng chỉ là ... ếch , hehe ...
    Tóm lại , như đã có lần nhận xét , anh HN còn đọc nhiều , còn cảm là vẫn còn trẻ trung lắm (((-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo như MB nói thì không phải chỉ MB gặp cảnh này mà bạn bè HN cũng có dăm người, thì bây giờ tìm lại để đọc vẫn trễ đâu mà! Và HN nghĩ, nếu bỏ qua mãng này hoặc mãng phim nhất là phim Pháp, phim Ý, đôi lúc phim Mỹ thì đúng là mất nửa cuộc đời. Hình như không có lúc nào rãnh mà cặp mắt HN không nhìn vào bàn phím hay cái tay không cầm một thứ gì đó để đọc và cũng có duyên may là các cháu ở nhà thuộc "họ nhà mọt", cháu mua về, mình ké.

      Xóa
  4. Nặc danh07:18 2/5/14

    Văn thì Tám chưa đọc nên không biết thế nào, nhưng thịt da thì mát mẻ lắm. Vừa đọc văn vừa ngắm chân cẳng cũng hấp dẫn lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN cũng chờ đợi trước xem Tám sẽ còm thế nào, bây giờ thấy nói chuyện "thịt da", chuyện "ngắm chân cẳng" thì đúng cách củaTám rồi. Hoan hô Tám.

      Xóa
  5. Giáo cũng thuộc loại "vừa già vừa cầu toàn" nên có lẽ giống chị Tám, ngắm hình em chút xíu cho mát mẻ vì trời VN đang nóng khủng luôn. Còn đọc thì Giáo chỉ lang thang trên FB và blog của các anh chị bạn bè đã... mướt mồ hôi rùi, hỏng đọc nỗi tiểu thuyết diễm tình đâu anh HN ui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng phải đọc coi xã hội bây giờ thế nào chứ người ơi! Giao rãnh, vào FB của QNH thế nào cũng thấy nick của Quỳnh, theo đó sẽ còn mát nữa nếu ở VN còn nóng ha!

      Xóa
  6. 1- Bu mừng vì thấy bạn HN còn dồi dào quỷ thời gian để đọc tiểu thuyết diễm tình của các tác giả sinh sau 75. Mừng thêm nữa là thấy bạn đọc nhiệt tình với những nhận xét kĩ càng hấp dẫn.
    2-Theo bu một tiểu thuyết hay không nhất thiết phải đề cập đến mọi giới, mọi tầng lớp người, với mọi mặt sinh hoạt xã hội của họ. Có thể thuần túy một cô gái hôn nhiều để chọn hoàng tử.Vậy thì trong từng con chữ đã mang hết máu thịt, gan ruột, hồn cốt, của nàng chưa. Đã yêu là chết bỏ, chớ không yêu giả đò kiểu trái tim chia ba phàn ,đảng phần nhiều, phần cho thơ phần để em yêu
    3- Đọc sách của Quỳnh bu hình dung như nghe nhạc RAP, người ta đọc giật cục, đọc gằn ừng tiếng "như, có, bác, Hồ, trong,, ngày, vui, đại, thắng,,, lời, bác,, nay, thành,, chiến, thắng, huy, hoàng..." nghe lạ tai, cả khán phòng đứng dậy hưởng ứng bu thì trố mắt ngồi im, nhưng thấm thía rằng không có tài không hát đươc Rap như vậy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi nào nhìn thấy cuốn sách này của Như Quỳnh tôi sẽ đọc, mục đích duy nhất là để hiểu... comment của bác Bu. Bác Bu cũng dồi dào thời gian không kém bác Hồng Ngọc. Tôi thì đương nhiên rảnh rỗi rồi. Hic hic...

      Xóa
    2. Người đẹp ÁI NỮ ơi, là bu tui hình dung sách NQ qua bài viết của bác HN chớ chưa thấy mặt mũi nó ra sao. Nghe chuyện tình yêu như nghe nhạc Rap nó vừa lạ vừa tối tân quá đỗi....hihi

      Xóa
    3. 1. Bác Bu ơi, cám ơn nhận xét 1 với cái "mừng" cho HN của Bác, với HN, thứ gì mang tính đình đám mà qua tay mình thì ít khi bỏ qua.
      2. Đồng ý với Bác, "một tiểu thuyết hay không nhất thiết phải đề cập đến mọi giới, mọi tầng lớp người, với mọi mặt sinh hoạt xã hội của họ" nhưng dứt khoát những nhân vật phải chảy trong giòng chảy chung của xã hội, vì vậy một giới nào đó là điểm nhưng xã hội là diện chứ bác, tác giả khai thác sâu một giới nhưng không thể không nói giới đó trong bối cảnh xã hội nào. Bác đồng ý.
      3. Cũng nên đọc, cách này hay cách khác bác Bu à. Dầu sao thì đây là comment rất thú vị mà HN được đọc. Cám ơn Bác.

      Xóa
    4. Ái Nữ ơi, nếu chưa kịp mua, thử vào Thư quán Việt Nam xem sao nhé.

      Xóa
    5. @ Bác Bu
      Tại bác viết "Đọc sách của Quỳnh..." nên tôi phải hiểu là bác đã đọc sách ấy.

      @ Bác Hồng Ngọc
      Một cuốn tiểu thuyết có thể viết về đề tài người ngoài hành tinh trên một hành tinh không phải là Trái Đất, vấn đề là khi đọc nó độc giả vẫn nhận thấy tâm hồn mình trong đó thì mới được. Tôi mê truyện "Hoàng Tử Bé", mặc dù nhân vật Hoàng Tử Bé không thể "chảy trong giòng chảy chung của xã hội".

      Xóa
    6. Người đẹp Ái nữ phát hiện ra chỗ thiếu sót của bu, cảm ơn lắm
      Đáng ra phải viết là " Nghe chuyện HN đọc sách của Q bu hình dung...."

      Xóa
  7. cám ơn ad vì những chia sẻ của mình nhé
    Tiến Đạt – Nhân viên giao dịch
    -------------------------------------------------------------------
    Xem chi tiết về Kế hoạch đám cưới sẽ hoàn hảo khi có kịch bản phim cưới cốt truyện

    Hoặc Ke hoach dam cuoi se hoan hao khi co kich ban phim cuoi cot truyen

    Trả lờiXóa
  8. cám ơn vì những chia sẻ rất hữu ích như vậy nhé
    Tiến Đạt – Nhân viên giao dịch
    -------------------------------------------------------------------
    Xem chi tiết về Địa điểm quay phim cưới ngoại cảnh rẻ đẹp ở TPHCM
    Hoặc Dia diem quay phim cuoi ngoai canh re dep o TPHCM

    Trả lờiXóa
  9. Chào bác chủ nhà !

    Em tình cờ đọc được bài viết nhận xét sách rất hay và chi tiết của bác, lướt xuống xem lại càng ấn tượng với những cmt giữa bác chủ nhà và khách, đều là những người người đọc rộng, biết nhiều nên mạo muội viết đôi dòng, hy vọng có duyên được học hỏi thêm nhiều từ chủ nhà và các vị khách.

    Em sống ở Sài Gòn, thuộc nhóm sinh sau 1975, ham đọc sách và cũng là bạn Như Quỳnh.
    Có vài điều em muốn hỏi thêm chủ nhà, không biết chủ nhà có thể cho em email để tiện trao đổi riêng không ạ ?
    Email của em: cecil3545@gmail.com

    Xin cám ơn ! :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Cecilia Hoang đã đọc và có lời khen. HN rất quý những người thích đọc sách vì thuộc loại mọt sách! Nó gần như hơi thở vì vậy ngày nào không đọc là bứt rứt. Tuy vậy, trong thời đại IT này, sách vở và thông tin quá nhiều, nếu không định hướng sẽ mất thì giờ bổ ích của mình. Sẽ gửi ID email cho bạn sau nhé.

      Xóa

Flags..


Flag Counter