20/4/14

ĂN CẮP...vượt thời gian!



 1. Đọc entry “Đầu tuần” của bác NHP như mục “điểm báo giùm bạn” từ báo Tuổi Trẻ, có 4 vấn đề được nêu mà vấn đề nào cũng làm người đọc nhức nhối: “Triển lãm ảnh treo ở Festival Huế”, “Các vua Hùng sống lâu đến kinh ngạc”, “Tính xấu của người Việt” và xót xa lẫn phẫn nộ nhất là “Bị làm nhục vì lấy cắp hai cuốn truyện” của một bé gái 13 tuổi ở Gia Lai.
Chuyện xãy ra ngày 10.4 và sau đó báo chí đồng loạt đưa tin nhưng sôi nỗi nhất là trên facebook. Xin mời tham khảo ý kiến của nhà văn Nguyễn Quang Vinh : "Tôi không ngủ được cả đêm vì bức ảnh này. Tôi mong các bạn hãy tìm cho ra địa chỉ siêu thị này và hãy hỏi cho ra nhẽ, truy vấn bằng được những người chịu trách nhiệm đã có hành vi hạ nhục cô bé này - dù cô bé đã ăn cắp, dù như thế thì không ai được phép hạ nhục như vậy, trói hai tay cô bé vào lan can, và treo biển trên cổ, dọc lối đi của những khách hàng vào ra. Đây là một hành vi đốn mạt. Phải lên án…” Còn theo Vietnamnet dẫn lời cô giáo chủ nhiệm của nạn nhân thì cháu này trên đường ra lấy tiền để trong cặp sách gửi ờ quày nhân viên thì bị bắt (?).

Giáo sư Ngô Đức Thịnh trả lời phỏng vấn của báo GDVN nhân việc này có ý như sau: “Xã hội có nhiều người ăn cắp. Từ quan chức trở xuống”… “Tham nhũng là gì? Cũng là ăn cắp thôi, nguy hiểm nhất là nó quen với con người rồi, ăn cắp đã trở thành điều bình thường trong xã hội của chúng ta.
Đó cũng là cách phân phối lại xã hội vì cùng sống với nhau mà một anh giầu sụ, một anh nhà không có gì thì bây giờ xã hội phải tự tìm cách phân phối lại bằng cách này hay cách khác thôi.
Cái đạo đức xã hội kém tới mức mà tôi có lấy trộm, lấy cắp cũng không sao. Rõ ràng tôi có lấy thì tôi mới có cuộc sống hơn anh, đây là một vấn đề đáng nói.”

Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, trên đất nước thân yêu của chúng ta xãy ra quá nhiều việc, từ chuyện hôi của khi xe chở bia Tiger bị lật ở Đồng Nai đến chuyện tiếp viên Vietnam Airline bị câu lưu ở Nhật, hình ảnh nhiều nước tẩy chay người Việt Nam, một bài viết (bị nghi ngờ là) của một du sinh viên Nhật ở Việt Nam… chưa nói đến trước đó là chuyện dân chúng đánh chết người trộm chó xãy ra ở nhiều địa phương. Từ đó, các từ trộm cắp, trộm cướp, tàn nhẫn, độc ác, thờ ơ, vô cảm được dùng với tần suất ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin khi đề cập đến thực trạng xã hội Việt Nam!.
Chuyện có lẽ sẽ đi vào lãng quên như hàng ngàn chuyện tương tự nếu không có việc vài ngày sau đó, một chàng trai tên Tử Dạ, 26 tuổi, biên kịch phim truyền hình đứng trước một nhà sách ở Nguyễn Huệ quận I với một bích chương trước ngực cao hơn 2/3 chiều cao cơ thể anh, in nội dung kêu gọi hãy đối xử nhân đạo với trẻ em ăn cắp vì hơn 10 năm trước, anh cũng từng ăn cắp tại đây và bị bắt nhưng những người có trách nhiệm chỉ khuyên răn, nhắc nhỡ mà thôi.

Thú vị hơn, trên Facebook có nick Anh Tư Sang ngày 17/4 đăng “Thư trần tình của em bé ăn cắp sách” Đọc thư này, những người am hiểu Phật pháp sẽ (có thể) nghĩ rằng cháu học sinh ở Chư Sê Gia Lai là “trợ duyên” để thức tỉnh đảng, chính phủ và các bộ ngành liên quan không thể tiếp tục làm ngơ và biết phải làm gì trước thực trạng xã hội vô cùng bi đát này! vì có cảm tưởng rằng trước bao nhiêu sự việc động trời, người dân không hề thấy một động thái nào của chính quyền qua các văn bản pháp quy nhằm cải thiện tình trạng tệ hại trên ngoài việc công an, kiểm sát, tòa án…xử. Mà công an thì, để làm được việc, họ sẵn sàng bức cung và bức tử, như đã xãy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, lâu nay!

Những chuyện kể trên dắt trí nhớ tôi lùi về những tháng năm xa lắc “thời Mỹ ngụy”, tính từ khi vào trung học đến 1975 tôi có 12 năm sống dưới chế độ này, chuyện trộm cắp, lừa đảo đều có nhưng  không xãy ra hàng ngày, không chiếm nhiều chỗ trên các báo, chỉ là những vụ ăn cắp vặt, lớn một tí thì đưa vào mục “xe cán chó, chó cán xe” kể cả ăn cắp ở sở Mỹ. Không hoài niệm chuyện ngày xưa nhưng chắc chắn đó là những năm yên bình, con người sống ít bị đe dọa vì trộm, cắp, cướp! Vì sao lại như thế?

2. Hồi cách đây hơn 10 năm, một anh bạn trẻ giới thiệu cuốn tiểu thuyết của nhà văn Bùi Ngọc Tấn: “Chuyện kể năm 2000”và nói thêm rằng“Tác giả chỉ kể chuyện mình ở tù, chế độ nhà tù, có sao nói vậy, không đưa vào ý kiến cá nhân và nhất là không hề thấy ở bất cứ trang nào thể hiện sự căm thù”. Hồi đó khá bận bịu vì công việc, tôi bỏ qua. Gần đây, nhân đọc một bài trên mạng nhắc lại tác phẩm này, tìm và thấy bản ebook có đuôi . prc, vậy là download về “amazone kindle” để đọc, và đọc say sưa dầu chuyện nhà tù thì chẳng hấp dẫn gì nhưng vì cái bố cục lạ và hấp dẫn của nó. Không phải là sách giấy nên không biết mình đọc đến số trang nào nhưng đến chỉ số 25% bên dưới tức ¼ cốt truyện thì Tuấn, nhân vật chính, ra tù, không biết vì sao được phóng thích cũng như không biết vì sao bị bắt từ 1968-73 khi anh đang là một nhà báo, nhà văn sáng giá. Ra tù là tự do, là hạnh phúc, là sum họp nhưng 5 năm trong tù ám ảnh anh trong từng bữa ăn, từng giấc ngũ, trong từng hình ảnh người qua đường… Mỗi khi liên tưởng, quá khứ trong tù lại hiện về và Tuấn lại kể lại. 

Lúc đầu, tôi không hề biết Bùi Ngọc Tấn là ai vì không tiếng tăm gì nhưng tìm hiểu thêm thì mới hay rằng nhà văn đã cao tuổi, cùng thế hệ với những nhà văn, những nhà cách mạng lão thành!. Giới thiệu tác giả và tác phẩm này, nhà giáo Phạm Toàn đã viết:
“Để đừng quên”. Quên làm sao được? Quên làm sao cho được!
Những gì ta đã trải, ta đã làm, đã yêu thương và thất vọng, làm sao ta quên cho được? Tôi còn đồ chừng rằng, ngay bọn ăn cắp của công (bây giờ gọi bằng bọn quan tham hoặc bọn tham nhũng) thì chúng cũng không bao giờ quên tội ác của chúng. Nhưng cái không quên trong sợ hãi nơm nớp của chúng hoàn toàn khác với cái không thể nào quên thanh thản của nhà văn. Bùi Ngọc Tấn không quên những nỗi đau mà anh trải qua, nhưng anh không hằn thù. Lấy gì làm bằng? Lấy cái giọng văn còn biết cười còn biết đùa cợt còn biết nheo mắt làm cái mốc đo sự cao cả của con người – của nhà văn – của Bùi Ngọc Tấn”.
Tôi đề cập đến chuyện này vì trong tác phẩm có một đoạn kể những ngày vất vả tìm việc làm sau khi ra tù của Tuấn vì không muốn làm khổ vợ con sau 5 năm ở tù. Có rất nhiều việc anh đã làm vì việc nào cũng không bền do lý lịch, do người bắt anh vào tù trước đây làm khó. Một bạn cũ trong tù, Giang và vợ đến thăm và giúp đỡ vợ chồng Tuấn - Ngọc rất nhiều, hồi đó họ đang gia công túi nhựa, mỗi lần nhận hàng về nhà phải chở cả xe cải tiến, việc giao nhận theo cách tính trọng lượng và theo số lượng thành phẩm có kẽ hở nên Len, vợ Giang đề nghị lấy bớt một ít túi để tiêu thụ bên ngoài, tác giả kể lại chuyện này và nói lên suy nghĩ của mình (chương 39) như sau:
“Hắn đưa cho Len mấy túi lẻ nữa. Thực sự hắn không quan tâm nhiều đến việc Len bán hộ hắn. Cái trò ăn cắp thế này không bền. Một bữa ăn cắp để sống. Mười bữa khác không ăn cắp được thì sao? Hắn không sống bằng nghề ăn cắp. Hắn muốn sống bằng sức lao động của hắn, dù có kham khổ, nhưng được đảm bảo bằng công việc làm, bằng mồ hôi của hắn. Điều đó mới bền, mới quan trọng. ăn cắp ở trong tù thì được. Vì đó là phản kháng, là giành lại cái mình bị tước đoạt. Là biện pháp tồn tại, là để có những hồi hộp lo âu, niềm vui mà quên đi thời gian tra tấn, mà vượt được từng ngày. Nhưng ở cuộc đời, ở ngoài xã hội thì không thể ăn cắp mà sống. Nhục. Xấu xa. Đê tiện. Và không ai có thể sống cả đời bằng của ăn cắp.
Hắn không ngờ cuộc đời hắn sau này gắn chặt với việc ăn cắp. Không ăn cắp trắng trợn, không thò tay móc túi người khác. Không phá kho nhà nước.
Nhưng vẫn là ăn cắp. Bởi vì không ăn cắp khó mà tồn tại Không phải chỉ mình hắn. Chung quanh hắn bao nhiêu người ăn cắp. ăn cắp bí mật. ăn cắp công khai. Bàn nhau ăn cắp. Khoe của ăn cắp. Chia nhau của ăn cắp. ăn cắp mọi thứ có thể ăn cắp được. Phá một triệu chỉ để ăn cắp một hào. Ai không có gì ăn cắp thì ăn cắp thời gian. Và nếu thời gian của mình chứ không phải của nhà nước, thì đành rơi vào số phận hẩm hiu, đói nghèo, do đó đáng khinh bỉ: Làm người lương thiện. Có biết bao loại ăn cắp, bao kiểu ăn cắp. ăn cắp bẩn thỉu. ăn cắp sang trọng. ăn cắp trèo tường khoét ngạch. ăn cắp đi xe hơi, bệ vệ, đĩnh đạc, đường hoàng. ăn cắp kiểu gà què. Kiểu chuột. Kiểu mèo. Kiểu sói. Kiểu hổ. ăn cắp để sống, để đỡ đói. ăn cắp để làm giàu. Để ngoi lên một địa vị cao sang. Càng ăn cắp càng giàu có, càng được mọi người kính trọng. Tệ hại nhất là ăn cắp, nhưng vẫn dạy dỗ mọi người chống ăn cắp, vẫn thuyết giảng lý tưởng một cách rất thành thật, thiết tha.
Nhưng đó chỉ là số ít (tính theo tỷ lệ phần trăm, chứ con số tuyệt đối thì nhiều lắm lắm). Phần lớn ăn cắp để tồn tại. ăn cắp, mà không muốn mình phải ăn cắp. Như hắn. Hắn ăn cắp, mà ý thức được mình đang làm một việc đau khổ. Mà mong muốn, mà khao khát chấm dứt được cảnh này. Hắn muốn làm người lương thiện. Ai? Ai đã nói như thế nhỉ? Chí Phèo! Chí Phèo thét lên với Bá Kiến:
“Tao muốn làm ngttời lương thiện”. Cả nước này có bao nhiêu người muốn được như Chí Phèo, thét lên như thế. Cả nước này có bao nhiêu người muốn kêu to: “Tôi muốn làm người lương thiện. “
Những năm tháng sống trên trái đất này là quà tặng quý nhất mà tạo hóa dành cho mỗi sinh vật có cái may mắn được gọi là người. “Người ta chỉ sống có một lần. Cho nên đòi sống quý giá vô cùng. Vậy mà người ta lại thích thú đi tiêu diệt đời sống kẻ khác!” 
Và đây là một nhận định khác của nhà văn nữ TK:Ra tù Bùi Ngọc Tấn viết Chuyện kể năm 2000 đầy tính nhân văn, mô tả cuộc sống trong tù mà không hề hằn học, chỉ có một giọng khi nên thơ khi hài hước đến nao lòng. Sau bản dịch tiếng Anh, bản tiếng Pháp của tác phẩm này sắp ra mắt bên Pháp, do anh Nghiêm Phong Tuấn dịch, cái tên sách dịch đã thấy hay và sang trọng rồi: Conte pour les siècles à venir – chuyện kể cho nhiều thế kỷ tới.”

3. Cũng nên biết thêm rằng, ra tù năm 1973, hai mươi năm liền nhà văn không cho ra đời tác phẩm nào nhưng sau đó thì viết “Chuyện kể năm 2000” trong nhiều năm và  xuất bản vào cuối thập niên 1990. Mười lăm năm từ khi tác giả cầm bút trở lại mà chuyện ăn cắp như tác giả mô tả như trên thì đến nay, ăn cắp kinh khủng đến nhường nào?.


Cuối entry “Đầu tuần”, bác NHP ghi hàng chữ: “Những ngày tháng tư 2014”, bất giác, tôi nhớ lại những ngày hào hùng của tháng tư 1975, vào những ngày này, chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã kết thúc thắng lợi, trong khi quân ta tiến công như chẻ tre về Sài Gòn thì quân đội Sài Gòn ngày càng co cụm, binh lính rã ngũ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cũng chỉ một tuần nữa là bắt đầu để đem lại thắng lợi hoàn toàn cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vậy mà sao ba mươi chín năm sau ngày toàn thắng ta vẫn lẩn thẩn ngồi đọc, lẩn thẩn ngồi viết, lẩn thẩn nghĩ về…toàn là các chuyện ăn cắp! Thiệt buồn!


Mời đọc thêm:

16 nhận xét:

  1. Đã từng có thanh niên rơi vào tình cảnh em này ; chỉ 1 phong kẹo cao su thôi mà bị đánh đến phẫn uất dùng kéo đâm vò người tự sát ,,, thế mà mọi việc vẫn chìm xuồng !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Buồn quá ha bạn? Cám ơn DN đã đọc và cung cấp thêm thông tin này.

      Xóa
  2. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh lên tiếng về vụ đối xử thô bạo quá đáng với em bé ăn cắp hai quyển sách là hành vi đốn mạt phải lên án là quá phải.
    Bọn tham nhũng là kẻ ăn cắp nhưng chúng vẫn đè đầu cưởi cổ người khác, không ai dám lên án mới là sự bất công đến nhức nhối ở xã hội Việt Nam hiện nay
    Hồi ông Tấn ở tù bị đói khát khổ sở, khi vào rừng có hái lá sắn, củ rừng về ăn thêm bị quản tù cho là ăn cắp thì thật là vô lý. Hóa ra chân lý thuộc về kẻ mạnh
    Bu tui cho là bắt người ở tù vô căn cứ như với Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên cũng là một lũ ăn cắp đúng hơn là kẻ cướp. Cướp tự do, cướp mạng sống , cướp tuổi trẻ và tài năng phục vụ cộng đồng của họ. Dân gian nói đúng lắm: Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan
    Bùi Ngọc Tấn và Vũ Thư Hiên cho đến nay vẫn không hiểu tại sao mình vào tù, vì người ta không lập phiên tòa, không xét xử, không tuyên ân....Lạ!!
    Vũ Thư Hiên ở tù 7 năm khi ra tù anh ta chỉ xin cái giấy cho hay ở tù vì lí do gì. Cai tù kiên quyết không cho. Ông Hiên nài mãi cai tù bảo: Tôi như là thủ kho, anh là hàng hóa, Cấp trên bảo nhập thì tôi nhập, nay bảo xuất thì tôi xuất....Nhân phẩm con người của một thời và chắc là còn nhiều thời...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bác Bu cả hai tay. Còn nghe kể rằng, khi VTH đòi hỏi chuyện này căng quá, những người có trách nhiệm cộng thêm 2 năm vì đáng lẽ ông được ra từ khi đủ...5 năm, không biết thực hư thế nào? Và chân lý trên đầu lưỡi lê, nòng súng, trên cái chốt lựu đạn chứ "hóa ra", hóa vô gì nữa bác Bu!

      Xóa
  3. Cái vụ 2 quyển sách này đúng là thấy... nóng máu. Nhưng qua sự việc theo dõi trên mạng có khi sự việc đã bị đẩy đi quá xa, chẳng hạn vụ bà PGĐ Sở GD. Gia Lai đề nghị cả siêu thị sắp hàng xin lỗi em học sinh này trước sân trường em học vào buổi chào cờ sáng thứ hai. Điều này thì thật quá đáng.

    Nếu tôi là chủ nhân của siêu thị (có lẽ siêu thị này của tư nhân), tôi sẽ cùng 4 nhân viên đã làm nhục em học sinh đến tận nhà, đích thân hỏi thăm và xin lỗi em cùng gia đình, xin lỗi cho cái hành động thiếu hiểu biết và phi nhân tính của nhân viên mình. Đồng thời một cách thực tâm tặng cho em gấp 10 lần số sách em đã lấy, và tôi cũng sẽ thực tâm liên lạc với nhà trường, giúp lập một tủ sách nho nhỏ cho các em, bởi trường này là huyện miền núi Tây nguyên. Không biết bây giờ ra sao chứ trước năm 75 thời tôi ở, những huyện miền núi ở Pleiku như Dakto, Tân Cảnh, Cheo Reo... thế này trường lớp nghèo lắm.

    Đổi lại, cha mẹ em cũng cần phải xin lỗi chủ nhân siêu thị vì dù sao về lý lẽ thì em này cũng khó cãi được là không có ý lấy 2 quyển sách.

    Nếu được như vậy tôi nghĩ sẽ giải tỏa được cho em mặc cảm phạm tội, và từ một chuyện không mấy tốt đẹp, sẽ trở thành một chuyện tử tế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giá như trong đời sống có nhiều người như chúng ta, như bác nghĩ và hành xử thì tình trạng đâu có tồi tệ đến mức này. Bác kể làm HN nhớ đến chuyện bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ ở TP.HCM đánh chết cháu bé 18 tháng tuổi nhưng cha cháu, anh Hồ Ngọc Nhờ quyết định: "Không kiện, cho cô ta (cô bảo mẫu) được về với con". Hơn thế, vợ anh còn mang hộp sữa của đứa con xấu số đang dùng dỡ cho con của bảo mẫu Nhờ vì mẹ cháu đang bị giam giữ! (mời đọc "Bài học đầu tiên" trên Văn hóa Phật giáo số 195 ngày 15.02.2014 trang 10).

      Xóa
    2. Qua một câu chuyện không phải là quá ghê gớm này, tôi thấy đúng là xã hội của mình còn có suy nghĩ (tâm lý) "đám đông" (cũng có người dùng từ nặng hơn là "tâm lý bầy đán") quá bác HN. Người ta "ùn ùn" lên án những người làm bậy ở ST, điều này đúng chứ không sai. Nhưng đúng là như bạn GiaoLang nói, thế thầy cô của em nhỏ này có cảm thấy xấu hổ không? Khi học trò của mình mắc phải chuyện như thế?

      Và điều quan trọng hơn nữa, lẽ ra phải ở phía ngành GD, phía nhà trường, những người có trách nhiệm trong xã hội (những Ủy ban này nọ). Sau vụ việc này phải đi tìm những nguyên nhân sâu xa hơn, chẳng hạn như chuyện thiếu sách cho học sin đọc trong các trường học, để phải dẫn tới hành động ăn cắp sách. Chứ đâu phải ồn lên chửi rủa là xong?

      Xóa
  4. Nặc danh17:42 20/4/14

    Qua chuyện em học sinh ăn cắp sách chúng ta có thể nhìn thấy một điều nữa, đó là nền giáo dục của VN có khuynh hướng trừng phạt hơn là sửa đổi. Cứ nghĩ trừng phạt cho nặng thì người ta sẽ không dám phạm tội nữa.
    Chuyện ăn cắp rất phổ biến, ở ngay cả những nước giàu có tân tiến, chuyện ăn cắp đồ trong siêu thị xảy ra, có thể nói, hằng ngày. Có những người mẫu, nữ minh tinh tài tử, đi ăn cắp đồ đắt tiền, son phấn, nữ trang. Có nhiều nhà tâm lý cho rằng ăn cắp, tùy theo trường hợp, có thể là một chứng bệnh tâm lý.
    Ở xứ mình, lúc sau này, chuyện ăn cắp là một hiện tượng xã hội đáng quan tâm. Không biết hiện tượng ăn cắp này có phải bắt nguồn từ một quan niệm chung của xã hội, ăn cắp thì chẳng sao, nhiều khi ăn cắp mà không nghĩ là mình đang ăn cắp. Thí dụ như lấy giấy bút của sở, in copy bằng máy sở, gọi điện thoại bằng máy sở, ... . Download sách, nhạc, phim không trả tiền cũng là hành động ăn cắp. Dùng văn của người ta mà không đề nguồn cũng là ăn cắp.
    Điều đáng buồn là ăn cắp nhỏ, ăn cắp vặt thì bị trừng phạt nặng. Còn ăn cắp nhiều ăn cắp lớn ăn cắp chính thức thì làm ông lớn, bà lớn.
    Trong quyển người đọc của Bernhard Schlink tác giả cũng có nói đến nạn ăn cắp. Nhân vật, về sau là một luật sư, kể lại hồi còn nhỏ đã vào siêu thị ăn cắp một cái áo ngủ đẹp để tặng người cậu ta yêu. Nhân vật này là con của một gia đình rất đàng hoàng. Tác giả là một quan tòa trở thành nhà văn nên ông không lạ gì chuyện ăn cắp. Ông đưa hành động ăn cắp vào truyện để nói về vấn đề đạo đức của xã hội. Nhiều khi người ta vi phạm đạo đức mà không hề nghĩ là mình đang vi phạm một đạo đức trong xã hội.
    Nếu những người làm việc trong siêu thị nghĩ sâu một chút, họ sẽ thấy họ có khi cũng đã từng ăn cắp lặt vặt đâu đó trong đời và sẽ không làm nhục em bé ăn cắp sách. Nhưng nghĩ cho cùng, em bé lăn cắp có lỗi. Những người chịu trách nhiệm hàng hóa trong tiệm sách, họ có thể bị trừng phạt nếu sách bị mất mát, và có thể sẽ bị mất việc, chúng ta cũng nên thương xót cho họ chứ.
    Tám đang nghĩ đến lời của Lão Tử. Hãy quan sát ý nghĩ của bạn, ý nghĩ có thể biến thành hành động. Tám chẳng dám phê phán ai, hồi nhỏ ăn cắp tiền của má hoài. Ăn cắp đồ nhà đem cho bạn :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Tám rất nhiều, những nhận định của BT rất cận nhân tình, BT đã phân tích vấn đề bằng cách soi rọi dưới mọi góc độ để không có những kết luận hồ đồ, để không kết tội vội vã. Người ta nói nhiều về chuyện một nữ biên tập viên VTV có NHỮNG hành vi tương tự, con ông lớn, cựu quan chức lớn của VTV rồi thỉnh thoảng vẫn thấy cô ta xuất hiện trên màn hình VTV!
      Giá những người có trách nhiệm đọc được những cmt như của bác Bu, bác NHP, của BT, của giaolang… thì tốt biết bao!. Khi viết vài này, HN chỉ nhắc đến “Thư trần tình…”, nay, nhân Tám phân tích, HN xin copy lại dưới đây để mọi người khỏi mất thì giờ tìm kiếm:
      Kính thưa các anh chị cô chú bác đang hau háu hoặc thờ ơ trước vụ của em!
      Tại sao em ăn cắp, xin thưa đó là do em tập đấy ạ! Em quan sát thấy một Xã hội mà em sẽ phải bước vào ai cũng ăn cắp cả, ai ăn cắp càng nhiều càng giỏi thì càng giàu có sung sướng!
      - Thầy cô em ép em học thêm thì chả phải ăn cắp tiền của ba mẹ em và tuổi thơ của em còn gì!
      - Trong siêu thị bán toàn hàng nhái nhẵn hiệu và sách in lậu thì chả phải ăn cắp bản quyền là gì?
      - Chị hai em đi làm việc ở Thành Phố nơi gần 100% dân văn phòng xài các phần mềm bẻ khóa thì chả phải ăn cắp là gì!
      - Mọi người load phim trên mạng về xem thì chả phải là ăn cắp chớ là gì!
      - Mọi người đi làm trễ về sớm, lén lên mạng Facebook trong giờ làm việc thì chả phải là ăn cắp giờ làm của chủ là gì!
      - Đưa hối lộ cho công an giao thông thì cả hai chả phải đang ăn cắp tiền Nhà Nước là gì?
      - Rồi ai cũng lách, né, trốn thuế kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân thì chả phải ăn cắp là gì!
      - Rồi ôi thôi mấy vụ nghìn nghìn tỉ gì đó nữa, chả phải là ăn cắp vĩ đại là gì!
      Đứng trước một xã hội như vậy, em nghĩ mình phải tập từ bé để có được kỹ năng ăn cắp nhằm làm hành trang bước vào đời! Em mà không biết ăn cắp chắc em chệt!
      Nhưng em vốn lơ ngơ chậm phát triển nên mới tập đã bị bắt, bị hạ nhục gì đó như mọi người nói, nhưng thật ra em chả nhục gì! Bạn bè em đứa nào chả ăn cắp, nhục gì, xui thôi!
      Em bù lu loa lên cho đúng kịch bản chớ thật sự em đang rất khoái vì em đã có số má từ đây! Có mấy chú bên mấy tập đoàn Nhà Nước hứa sẽ tuyển dụng nhân tài như em vào giúp mấy chú!
      Túm lại, em chả nhục gì cả và sẽ còn tiếp tục tập luyện ăn cắp để có thể tồn tại được trong xã hội này!
      Thôi em đi lấy sách quyên tặng cho em đây, sao hông tặng tiền cho gọn, tặng sách em cũng bán hà!
      Chúc cô chú anh chị vui khi đọc thư này!
      P/s: em nhờ chú Tư Sang đăng, cũng share không cần hỏi ạ!

      Xóa
  5. Giáo cũng đồng ý với các anh chị về chuyện em bé. Nếu Giáo mà là GV chủ nhiệm của em ấy, Giáo cũng sẽ cảm thấy đau lòng nhiều hơn người khác, và phẫn nộ và xấu hổ cho thái độ của những người lớn vô nhân tính! Dù sao cũng xấu hổ cho học trò mình, bởi một phần trách nhiệm vẫn là gia đình và thầy cô chưa giáo dục em tới nơi tới chốn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với giao nhưng liệu giao có quá bao dung khi cho rằng "một phần trách nhiệm vẫn là gia đình và thầy cô chưa giáo dục em tới nơi tới chốn..."?

      Xóa
  6. Đọc đến đoạn kết của entry này , tự nhiên M liên tưởng tới một câu nói của anh bạn đồng nghiệp của M , anh đã mất cũng hơn chục năm và hồi đó có lần anh nói :" tuổi trẻ của chúng ta bị đánh cắp" . Một thời đại của "bị mất cắp" và "lấy cắp" ?!? Nhức đầu anh HN nhỉ .

    Trả lờiXóa
  7. Cầu mong linh hồn anh bạn MB siêu thoát ở cõi vĩnh hằng, khỏi vất va vất vưởng để nghe và nghĩ lan man về chuyện... ăn cắp như thế hệ chúng ta. Còn hơn nhức đầu nữa nè!

    Trả lờiXóa
  8. TT nhớ đủ rõ bài "quả cầu tuyết" trong tác phẩm Tâm hồn cao thượng. Ông hiệu trưởng trường học đã ngăn việc người ta định "bắt cậu bé quỳ gối" trước người bị nạn, nhân phẩm của cậu bé phải được tôn trọng. Trước giải phóng 30/4 miền nam được học về nhân phẩm về đối nhân xử thế giữa "con người và con người". Đạo đức mới ngày nay nếu ai đủ "sức chịu đựng" tìm hiểu sẽ chết sớm vì ngộ độc khi đến cả viẹc ngược đãi và giết cha giết mẹ đã không còn xa lạ.
    Còn những khuất tất của nông dân với luật "đất đai thuộc sở hữu TOÀN DÂN" thực chất là che đậy việc trục lợi của các quan tham hại dân hại nước.
    TT gởi anh link ngẫu nhiên TT thấy trên mạng: http://www.youtube.com/watch?v=hwS_4qNaCH8
    Biết anh sẽ buồn thêm. nhưng TT thấy cần có người cùng buồn đau.
    Thăm và kính chúc anh cùng gia đình luôn được vạn an

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vẫn thấy những bài viết của bạn nhưng những bài viết nặng đô quá. HN nói rất thật lòng, chỉ vào thoáng rồi chay ra, không tiện gửi cmt và vẫn thấy vui khi bạn còn viết. Một người bạn gửi qua FB của HN bài viết này nhân tháng tư, HN chuyển lại để nếu TT còn quay lại bài này thì đọc để cũng "cùng buồn" : http://tuongtri.com/2014/04/25/tran-tro-nhung-ngay-thang-tu/
      Cám ơn link bạn gửi. Sẽ bỏ vào chỗ cần giữ trong laptop để ngâm cứu và ...buồn.
      Mong được đọc những bài nhẹ đô hơn của bạn, Thăm và chúc vạn sự lành.

      Xóa
  9. Thú thật với anh HN, ngày nay nổi cục 2 loại tăng lữ của đạo Phật đang thịnh phát: Một là bọn cơ hội trục lợi, hai là người của chính phủ. Cả hai đăng đàn bái tướng mở vô số các khóa tu học, chúng giảng những bài giảng ghi trong kinh điển và tự ý phăng chế đủ kiểu bài giảng về đạo đức giáo khoa thư và cả những vấn đề xã hội chính trị (quay phim ghi ra đĩa CD, DVD phát hành rộng rãi và post cả trên mạng). Nói chung là "cố ý phá hoại Phật pháp" có chủ định. Có vài vị tai tiếng (danh tiếng) lẫy lừng vu vén có thể nói lên đến gần ngàn tỷ thí dụ như xây thiền viện tráng lệ ở Đà lạt mặc cho xã hội đồng bào bá tánh vẫn đầy rẩy những người đói ăn và ôm bệnh chờ chết.
    TT viết là thừa vì ngữ lục của cổ đức chẳng hề gây ngộ nhận vẫn còn lưu hành, nhưng viết chỉ là viết như một sinh hoạt co duỗi mà thôi. Có chăng là bài viết của người đương thời mà thôi!
    anh HN nói nặng đô, TT tin anh nói với TT rất thật lòng, TT biết anh HN và nhiều anh chị khác xưa nay với cửa từ vẫn chỉ là người tự đọc tự suy ngẫm và tự HIỂU (hiểu không thể đủ) nên cũng khó cho TT khi viết về chủ đề này, nói thẳng ra là viết không phải để hiểu, nó là một vật như mọi vật khác trên đời chẳng đợi người nhìn, ai nhìn thì nhìn không thể bảo là không thấy và nó cũng không phải để hiểu. Nhìn thấy là đủ anh HN ạ!
    Sau bài viết này, TT sẽ post bài về con người về xã hội sẽ có nội dung để đồng ý hay phản bác.

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter