6/12/13

Lan man về năng lực học sinh và giáo dục Việt Nam.




Thông tin về việc học sinh Việt Nam đạt vị thứ 17/65 trong cuộc sát hạch PISA do tổ chức OECD công bố ngày 03/12 đăng tải trên báo chí mấy ngày qua đã tạo ra khá nhiều dư luận, nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Từ  khen, chê, tin tưởng, ngạc nhiên đến cả những suy nghĩ dung hòa.
Là một giáo viên lưu dung – được đào tạo, giảng dạy ở miền Nam trước 1975 và được nhà nước sử dụng lại – tôi cũng có hơn 30 năm đứng trên bục giảng, cũng từng  buồn vui, từng trăn trở trước những thành bại của “sự nghiệp trồng người”. Đến nay, dầu đã về hưu, thông tin này vẫn không khỏi làm cho tôi suy nghĩ và tự hỏi : học sinh Việt Nam giỏi đến thế sao? Có thể hơn cả học sinh các nước Anh, Mỹ, Pháp hay có gì không bình thường trong kỳ thi này? (ví dụ đối tượng được cử đi thi là từ các trường chuyên lớp chọn…). Để trả lời thắc mắc của mình, tôi lục tìm khá nhiều bài báo, tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau nhưng trước hết, chúng ta hãy nghe những người có trách nhiệm lên tiếng:
1.Giáo sư TSKH Lâm Quang Thiệp, một chuyên gia cao cấp về đánh giá chất lượng giáo dục trả lời phỏng vấn báo Điện tử giáo dục (*1) rằng ông ngạc nhiên. Lúc chưa có kết quả, ông tin rằng học sinh VN chỉ đạt mức trung bình nên được như thế thì rất cao, ông tin ở sự thông  minh và chịu khó của hs VN nhiều hơn là bản thân sự đóng góp của nền giáo dục.
Trả lời câu hỏi chương trình đánh giá này có thực sự khách quan, có công bằng và có đáng tin cậy không thì Giáo sư Thiệp rất tin tưởng. Ông nói: “Đây là  một đánh giá rất khoa học, rất nghiêm túc, nó là thước đo rất tin cậy. Vì, người ta dùng những người thiết kế, người làm có chuyên môn cao về đo lường và đánh giá trong giáo dục, họ thiết kế rất khoa học. Ví dụ, họ không đánh giá chương trình đào tạo mà đánh giá bản thân học sinh ở độ tuổi 15 (độ tuổi sắp bước vào đời), đánh giá này do không gắn với chương trình nên họ không dựa vào một chương trình của một lớp nào cả, họ thấy những người ở độ  tuổi đó được đào tạo ở đâu, được tích lũy trong cuộc sống để có một năng lực như thế nào đó để chuẩn bị bước vào đời.”   
Giáo sư Thiệp cũng nói rằng đối tượng đi thi được chọn mẫu theo phân tầng ngẫu nhiên, do vậy rất khách quan nhưng điều chúng ta thắc mắc vì không thấy ở đâu nói đến là chương trình này được gửi cho VN bằng bản tiếng Anh và tiếng Pháp để dịch ra, liệu chừng khi dịch xong rồi in ra có gửi về cho các đối tượng đi thi “tham khảo” trước vì nếu ngày thi, người của OECD mang đề do chính họ tự dịch “còn nguyên dấu niêm phong” khui ra trước sự chứng kiến của hội đồng thi như ở các kỳ thi quốc gia thì lại là vấn đề khác!
Với ý kiến vì sao hs VN giỏi hơn học sinh Anh, Pháp, Mỹ… giáo sư Thiệp nói rằng:  “Nói chung, nền kinh tế cao, phát triển thì trình độ học sinh sẽ cao, nhưng có những trường hợp nằm ngoài như đặc điểm về xã hội, về văn hóa để học sinh vượt lên trên khó khăn kinh tế để đạt thứ hạng cao. Ở Việt Nam thì tỉ lệ học sinh vượt khó cao nên nâng điểm trung bình xếp hạng lên phù hợp với trình độ kinh tế của mình. Một số nước nhiều khi rất giàu nhưng học sinh không có tố chất chịu khó, cố gắng nên điểm trung bình của họ cũng thấp.”  
2. Trong khi đó, trả lời cho phỏng vấn của đài BBC(*2), giáo sư Phạm Toàn nói việc này “không có ý nghĩa!” Bản tin BBC viết: “Bình luận về chuyện Việt Nam đứng thứ 17 trong bảng xếp hạng của PISA, một trong các nhà giáo đi đầu trong việc cải cách giáo dục ở Việt Nam nói:
"Đó là một thành tích vô bổ. Đó là một thành tích không dẫn đến một cái gì có ích cả."
Ông nói thêm: "Hiện nay ở Việt Nam tất cả các giá trị đều là những giá trị giả cả. Cái nguy hiểm nó là ở chỗ ấy.
"Học giỏi cũng không chắc đã là giỏi, mà có một thể chế dân chủ cũng chưa chắc là dân chủ, có tình trạng tự do cũng chưa chắc là tự do."
Nhà giáo Phạm Toàn nói việc học phải được đặt trong bối cảnh chung của sự phát triển xã hội.
Trong một lần trả lời phỏng vấn dài với trang tin Bấm VietnamNet, ông Toàn từng nói:
"Nhìn xa hơn thì chúng ta phải nghiên cứu hệ thống dạy trẻ con một lối sống mới, lối sống ấy phải có một nguyên lý mà từ ông Thủ tướng đến thằng bé con phải tuân theo."
……
Khảo sát PISA một lần nữa khơi dậy tranh luận về chất lượng giáo dục của Việt Nam.
Thứ trưởng giáo dục Nguyễn Vinh Hiển giải thích: “Vì PISA chưa đánh giá được toàn diện học sinh, những năng lực khác của chúng ta cũng còn yếu”.

Hai vị giáo sư, hai cách nhìn khác nhau!
Nhưng dầu muốn nói thế nào thì đó vẫn là một kết quả để chúng ta có quyền lạc quan và không thể phủ nhận sự thông minh và cần cù của hs VN. Người Việt Nam nói chung, hs VN nói riêng ở ngoại quốc có biết bao nhiêu người, bao nhiêu cháu học giỏi, giải thưởng này, bằng cấp vị thứ cao nọ. Điều đó không đáng cho chúng ta tự hào hay sao?
 Đã rất nhiều lần học sinh VN đạt huy chương vàng, bạc trong các kỳ thi quốc tế nhiều người tỏ ra bi quan khi cho rằng chính phủ các nước Âu Mỹ không mưu cầu giái nhất trong các kỳ thi quốc tế, chủ trương của họ là trong một trăm ngàn học sinh, họ cần mười ngàn em (10%) đạt giải nhì ba tư hơn vài ba em đạt giải nhất (như là VN!).

3. Tôi cũng đã tìm đến và đọc kỹ Nghị quyết 29-NQ/TW (*3): Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa- hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường XHCN và hội nhập quốc tế. Với 10 trang A4, NQ đề cập mục tiêu đổi mới, mục tiêu cho từng cấp học, 9 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nghe cứ như những bài chính trị chúng tôi học trong dịp hè suốt những năm 1975-90, nghĩa là cứ như… hô khẩu hiệu vì làm được điều này không phải dễ, đã bao nhiêu năm, bao nhiêu nghị quyết cũng nói na ná thế này.
Tôi rất tâm đắc với một ý của mục tiêu là : Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc có hiệu quả nhưng sẽ thực hiện việc này như thế nào khi mà theo giáo sư Hoàng Tụy (*4): “Chúng ta đứng ở thứ hạng rất thấp trong bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu, báo động đỏ là đúng, không oan. Thực ra chẳng cần phải nghiên cứu kỹ, ai cũng thấy rõ điều này ít nhất từ 20 năm nay rồi”.
Cũng rất khó mà đạt được những mục tiêu mà NQ đề ra khi mà tại hội thảo “Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho giáo viên phổ thông- đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” do Viện nghiên cứu giáo dục trường ĐHSP Sài Gòn tổ chức ngày 29/11 vừa qua (*5), phát biểu của các đại biểu đều cho rằng khó mà nâng cao năng lực giáo viên, năng lực tự học tự nghiên cứu vì họ…không có thì giờ! Họ phải soạn (có người, có trường) đến 5 loại giáo án, họ phải hội họp: nhóm, tổ, trường, công đoàn, đoàn TN, phụ huynh, dự các đại hội, dự giờ, làm sổ sách, chấm bài, cộng điểm và cả làm sáng kiến kinh nghiệm (dù chỉ mượn của đồng nghiệp ở trường khác chép lại và sau đó sẽ …bỏ xó kể cả những sáng kiến cấp Sở)… đến mệt nhoài!
Về phía học sinh, áp lực của các cháu cũng không nhỏ khi mà từ lớp 1 đã phải đi học thêm (hình thức gửi cô trông hộ vào buổi cháu không đến trường), những cháu là con nhà giàu phải gánh chịu những áp lực học hành để “xứng đáng” với công sức, đồng tiền và kỳ vọng của cha mẹ khi chạy chọt cho con vào trường điểm, trường nổi tiếng. Học hành đã căng thẳng như thế nhưng không có một nơi để nô đùa giải trí, đôi lúc có cháu quên cả khái niệm nghỉ hè!
Một phụ nữ từ Việt Nam đến Thụy Sĩ định cư không lâu, khi đã ổn định cuộc sống, con cái được đến trường, nhìn lại chuyện học hành của con trẻ ở VN viết rằng (*6): “…Trong những câu chuyện trao đổi với nhau, các ông bố bà mẹ Việt Nam luôn hãnh diện khoe chuyện con em mình đạt thứ hạng học tập cao, có bao nhiêu điểm 10, bao nhiêu danh hiệu. Những đứa trẻ không có thành tích như kỳ vọng thường phải chịu nhiều sự quở phạt của gia đình, thậm chí bị chính cha mẹ bạo hành hay nhục mạ vì đã không làm cha mẹ tự hào như những trẻ giỏi giang khác. Trẻ nhỏ tại Việt Nam không chỉ phải sống cho riêng cuộc đời chúng, chúng còn bị mặc định nghĩa vụ làm rạng danh gia đình, phải lo sống cả phần vinh quang của người khác.
Trong trường học, các thầy cô cũng được ghi nhận thành tích cá nhân bằng cách đo đếm số lượng danh hiệu học sinh giỏi do mình phụ trách. Đây cũng là điều rất quan trọng liên quan tới sự thăng tiến hoặc lương, thưởng của người giáo viên. Ngay cả báo chí cũng không ngoại lệ khi luôn hết lời ca ngợi những tấm gương thành tích trong học tập. Và vô hình chung, trẻ em lại vô tình trở thành nạn nhân cho những áp lực thành tích của người lớn, khi chúng phải miệt mài học đêm học ngày, hết học chính khóa tới phụ đạo, học thêm để đáp ứng những kỳ vọng đó… Không khó khăn gì khi nghe nhiều bậc phụ huynh than thở con em mình bận học tới nỗi mất cả tuổi thơ, thậm chí nhiều cháu còn bị stress nặng cũng bởi lý do học quá nhiều!
Với những chuyện lan man ở trên, bạn nghĩ gì về tương lai giáo dục Việt Nam, về việc học hành và phát huy năng lực của học sinh ở các độ tuổi?

Chú thích:
(*1) http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ly-giai-viec-hoc-sinh-Viet-Nam-thang-lon-tren-bang-xep-hang-the-gioi/327808.gd
(*3) http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-quyet-29-NQ-TW-nam-2013-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-dao-tao-hoi-nhap-quoc-te-vb212441.aspx
(*4) http://ttxva.org/nguoi-viet-khon-vat-lau-ca-hay-sang-tao/#ixzz2mZIyq2vx
(*5) http://tuoitre.vn/Giao-duc/582841/tram-viec-khong-ten-giao-vien-het-duong-nghien-cuu.html
(*6) http://vietsn.com/forum/showthread.php?t=704107
Mời đọc thêm: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Doi-moi-toan-dien-giao-duc-Tran-danh-lon-hay-hoat-dong-nho/319412.gd

25 nhận xét:

  1. Nói như ô. P. Toàn có hơi quá đáng .Nhưng chỉ đánh giá ở 1 độ tuổi và 1 vài môn học cũng chưa đủ .Có thể điều kiện và hoàn cảnh của trẻ em VN là tích cực cho các môn học tiếp thu kiến thức ; nhưng các môn hay các yêu cầu vận dụng sáng tạo thì lại không có . Chứng cứ là ở cấp đại học thì VN lại thua kém .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bạn DN, việc vận dụng kiến thức của hs VN ở tất cả khác khối lớp đều yếu vì các cháu chỉ học vẹt. Đã có nhiều giáo viên tiểu học khi ra đề toán đổi các con số so với đề mẫu thì số các cháu "pó tay" rất đông!

      Xóa
  2. Trước hết cũng phải khen các em đi thi sát hạch này. Tôi đã đọc những ý kiến của các vị GS mà bác HN đã trích dẫn bên trên, và tôi chú ý đến ý kiến của GS Phạm Toàn, và của thứ trưởng GD Nguyễn Vinh Hiển. Có 2 câu chuyện tôi muốn nói ra đây về GD:

    1/ Có những lần nói chuyện với người nhà, hoặc bạn bè thân đã sống nhiều năm ở nước ngoài, những nước có nền GD tốt như Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Úc, Nhật... tôi được nghe họ nói, học sinh, sinh viên VN ở nước ngoài, khi còn đi học thường học giỏi hơn, kết quả học tập cao hơn học sinh, sinh viên bản xứ. Nhưng sau khi tốt nghiệp, ra làm việc, thì sinh viên bản xứ lại thường làm việc tốt hơn, có nhiều sáng kiến, làm tốt về chuyên môn hơn, kết hợp với các người khác trong công việc tốt hơn sinh viên người Việt. Nói chung là SV người Việt mình thường có khuynh hướng cố gắng cao khi còn ngồi ghế giảng đường, còn khi đã ra đi làm thì "chựng" lại. Còn SV bản xứ thì ngược lại với SV Việt.

    2/ Trước đây tôi đã được đọc về ý kiến của một số "ông chủ" người ngoại quốc khi sử dụng nhân viên VN tại VN. Họ nói, khi cần người họ đã chọn những SV VN đã tốt nghiệp thứ hạng cao trong ngành nghề họ cần, nhận vào họ đã đào tạo lại một thời gian nữa. Nhưng sau đó số người làm việc được mà họ ưng ý cũng không quá nửa. Cái thiếu của người làm việc VN không phải là thiếu sự cần cù, hay thông minh, mà là thiếu sáng tạo, và thiếu khả năng phối hợp làm việc với các người khác, bộ phận khác.

    Những điều này đáng để chúng ta suy nghĩ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1. Học ở trường thì giỏi, ra làm việc hiệu quả không cao có thể do không biết vận dụng, thiếu sáng tạo và cũng có thể do yếu tố đạo đức nghề nghiệp nữa chăng?
      2. Chuyện kỷ năng làm việc nhóm VN chỉ mới áp dụng gần đây vì khi phỏng vấn, cá doanh nghiệp rà soát kỹ năng lực này. Từ 1975, các trường học ở VN đã cho hs học theo tổ, nhóm nhưng chỉ là...hô khẩu hiệu, làm phong trào!

      Xóa
  3. Nặc danh08:05 7/12/13

    Nếu tổng quát hóa, quơ đũa cả nắm thì chắc chắn sẽ sai. Tùy theo trường, tùy theo khu vực, trình độ chung của học sinh tiểu học và trung học ở Hoa Kỳ nhiều nơi cũng yếu kém lắm. Tám đoán ở VN cũng vậy. Học sinh ở những trường danh tiếng trình độ cao hơn những nơi xa xôi hẻo lánh. Cùng một lớp (grade) ắt có học sinh VN giỏi hơn học sinh Mỹ và ngược lại. Nói chung người Mỹ có điều kiện để cho dân của họ một nền giáo dục tốt nhưng không phải học sinh nào cũng muốn học. Và chuyện trình độ học sinh của Việt Nam cao hơn trình độ học sinh nhiều nước khác là chuyện có thể lắm chứ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Là có thể nhưng "nhân dân" cũng có thể và có quyền nghi ngờ BT ơi nhất là khi họ là "kinh cung chi điểu". Cám ơn BT đã góp thêm ý này.

      Xóa
  4. Trước hết phải thật: Tầng lớp lãnh đạo mà cứ nói láo nhoen nhoẻn, giáo chức cũng không thể nói thực... thì học sinh cũng chỉ giỏi láo mà thôi !
    Một vài cá nhân có tư chất vượt trội là chuyện thường chứ chẳng có gì phải tự hào!
    Làm sao để xã hội không phải tồn tại trên cái nền giả dối lúc đó mới mong có được nền giáo dục tốt, học sinh giỏi thực.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như không thể nào đúng hơn. Anh Nguyễn Văn Bé, anh Lê Văn Tám là chuyện rành rành, giáo viên có tiết thao giảng thì đưa những câu phát vấn có sẵn trả lời cho học trò học trước, khi vào cuộc thì chọn toàn hs khá giỏi để hỏi chưa phải là việc không xãy ra! Hihi.

      Xóa
  5. Cầu tre xin được kính chào gia chủ và xin phép được lan man một chút ạ.
    Với những gì mà CT quan sát được và đã trải nghiệm, CT thấy học sinh Việt rất thông minh. Còn thông minh đến độ nào so với bạn bè thì CT chỉ như con ếch trong đáy giếng thôi ạ.
    Nếu được xem một vở kịch, một điệu múa, hiện đại và dân gian, một tờ báo tường, một đoạn video do các em tự làm... nhiều người sẽ đồng tình với CT là các em rất thông minh. Dù các em không được dạy phải tạo ra chúng như thế nào...
    Và nếu được nghe các em chối tội, bao bao biện hay tranh luận, bình phẩm, bình luận... nhiều người cũng sẽ thấy các em quả thật thông minh...
    Điều này CT nói hoàn toàn nghiêm túc.
    - Kết quả thi PISA, VN đứng thứ 19/65 ở môn Đọc - Hiểu; thứ 17/ 65 ở môn Toán; 8/65 ở môn Khoa học. Nhưng xét về chỉ số phát triển con người thì trong số các quốc gia tham gia vào chương trình đánh giá của PISA, VN lại đứng thứ 70/70.
    Có thể chưa phải là tuyệt đối, nhưng CT tin vào những kết quả trên. Đặt 2 kết quả cạnh nhau, thấy VN đã có và chưa có nhiều thứ rất quan trọng. Tài nguyên con người đang rất sẵn nhưng vẫn ở dạng thô, đánh thắng vẻ vang một trận lớn nhưng thắng rồi thì làm gì tiếp theo. Khai thác tài nguyên hiệu quả thế nào, ứng xử với chiến thắng ra sao, chắc không chỉ một mình CT muốn được nhìn thấy câu trả lời vui vẻ và tự tin...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Cầu tre đã đọc, đã có những nhận định có lý có tình với các số liệu làm chứng rất đáng cho chúng ta tham khảo. Câu kết luận của cmt này có lẽ cũng là trăn trở của nhiều người!
      Điều đáng bâng khuâng nhất (hình như) là đối xử với quá khứ của nhà nước chúng ta?
      Mời bạn tham khảo thêm thông tin này về chuyện kết quả PISA:
      http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/12/131209_pisa_exam_truth.shtml.

      Xóa
  6. Chiện lớn giáo hỏng dám tham gia. Giáo chỉ biết dạy học cho tốt thui hè và tập cho học trò tính thiệt thà. Vậy là tạm đủ, phải hong quý anh?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng zậy đó !

      Xóa
    2. Nhưng đã bao nhiêu thầy cô làm được những điều khiêm tốn như giao? Có bao nhiêu viên chức bộ, sở, phòng, hiệu trưởng... tâm nguyện điều này???

      Xóa
  7. Nặc danh19:07 8/12/13

    Tám đọc ở trang http://www.oecd.org/pisa/ để tìm hiểu thêm về vấn đề này. PISA là chữ viết tắt của Programme for International Student Assessment, Khảo sát trình độ học sinh quốc tế, chủ yếu là thi đọc, nhấn mạnh về thi toán, đề thi bằng tiếng Anh ở dạng trắc nghiệm. Bài thi dài chừng hai giờ đồng hồ. Học sinh dự thi ở vào lứa tuổi 15, hay có thể 16.
    Theo đúng nghĩa cuộc khảo sát trình độ chung, người dự thi phải được chọn một cách bất kỳ, cả trường học lẫn học sinh dự thi. Khi dự thi, cả hiệu trưởng của trường cũng phải tham gia trả lời một số câu hỏi của ban tổ chức. Cuộc thi sẽ mất ý nghĩa, khảo sát trình độ chung của học sinh trong một quốc gia, nếu người dự thi là học sinh giỏi được tuyển chọn. Nếu dự thi với học sinh được tuyển chọn thì kết quả là học sinh được điểm cao, hãnh diện cho quốc gia, nhưng kết quả này không phản ảnh trình độ thật của học sinh trong nước.
    Theo Tám, những học sinh dự thi PISA lần này, phải biết và giỏi tiếng Anh, và như thế có thể kết luận là đây là những học sinh đã được chọn lọc, không phản ảnh trung thực trình độ chung, trung bình của học sinh trên toàn quốc gia.
    Học sinh Việt Nam, nói chung, giỏi toán; có thể nói, giỏi toán hơn học sinh Mỹ cùng cấp; nhưng chúng ta ai cũng biết là học sinh Việt Nam không được học tiếng Anh từ cấp tiểu học (theo kiểu toàn quốc).
    Theo Tám, chúng ta có thể kết luận một cách tự tin, số học sinh đi dự thi PISA năm 2012 là học sinh giỏi đứng hàng thứ 17/65 trong số những học sinh đã dự thi. Nhưng không nên tin là trình độ chung của học sinh Việt Nam đứng hàng thứ 17 trên thế giới, vì tin như thế không có ích lợi gì khi chúng ta tự dối mình. Học sinh giỏi, có thể đưa đến nước mạnh dân giàu là một niềm tin mà bất cứ một công dân yêu nước nào cũng ấp ủ, nhưng chúng ta không nên bị mụ mị với những ảo tưởng. Ở VN học sinh giỏi có thể chỉ là học sinh giỏi, mà không thể phát triển tài năng, không thể cống hiến vào công việc xây dựng kinh tế quốc gia, vì nhiều lý do mà không cần nói ai cũng hiểu.
    Có thể nói chúng ta có thể chúc mừng các em học sinh giỏi đã thi kỳ này. Mong sao cái giỏi của các em có thể đóng góp vào sinh mệnh quốc gia.
    PISA là một tổ chức dự thi, cũng như những tổ chức dự thi như TOEFL, SAT nhưng không nổi tiếng bằng. Thật ra, đây là lần đầu tiên Tám nghe đến PISA. Không cần phải hiểu biết nhiều, chúng ta có thể kết luận là PISA không thể kiểm soát người dự thi để bảo đảm tính chất tổng quát, đại diện cho một nền giáo dục của một quốc gia.
    Thêm một điểm nữa, nếu cho học sinh thế giới dự thi toán và khoa học bằng tiếng Việt, chắc chắn điểm của học sinh VN sẽ đứng vào hàng thứ nhất, bởi vì không học sinh thế giới nào biết tiếng Việt Nam. Chi tiết này cho thấy tính chất tương đối của cuộc thi. Trình độ toán của học sinh VN (15 tuổi) có thể cao hơn trình độ toán của học sinh Mỹ nhưng vì không biết hay không giỏi tiếng Anh nên không được ghi nhận.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Tám đã quay lại, sau khi tìm hiểu về kỳ sát hạch PISA để bạn đọc có thêm thông tin. Rất vui vì được đọc những dòng tâm huyết của một công dân xa xứ đã lâu. Đồng ý với Tám rằng "có thể kết luận một cách tự tin, số học sinh đi dự thi PISA năm 2012 là học sinh giỏi đứng hàng thứ 17/65 trong số những học sinh đã dự thi". Theo trả lời phỏng vấn của giáo sư Lâm Quang Thiệp thì PISA gửi đến VN cả đề tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, yêu cầu dịch ra tiếng Việt, như thế, hs VN sẽ trả lời bằng tiếng Việt, vấn đề là dịch xong các bố có gửi về các trường để học sinh làm trước? Câu trả lời cho những thắc mắc trên sáng nay đã có lời giải đáp. Mời Tám xem nhé: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/12/131209_pisa_exam_truth.shtml

      Xóa
  8. Hôm qua tôi đọc tin cô gái Phương Uyên (trong vụ xử bị tù treo ở Long An) bị trường Đại học cô ấy đang học đuổi học. Hôm nay đọc hai bài viết trên mạng của Luật gia Lê Hiếu Đằng và GS Tương Lai trên trang mạng Quê Choa, về việc đuổi học này. Ông NQL quản lý trang Quê Choa viết "người ta có thể chấp nhận một nền giáo dục yếu kém chứ không chấp nhận một nền giáo dục xấu xa".

    Sự việc đã nói lên tất cả không cần phải bình luận điều gì nữa :-(((((

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mời bác NHP và các bạn đọc thư của giáo sư Tương Lai gửi ông Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận về chuyện cháu Phương Uyên cũng thú vị lắm!

      Xóa
  9. Anh Honngoc ơi! Lại vắng nhà dìa Nha Trang hay sao..................?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh HN có lúc cũng đi lang thang nên khách thăm không tiếp ngay được thôi mà!

      Xóa
  10. Vấn đề giáo dục của VN thì không còn gì để bản cải nửa, chỉ có bỏ hết làm lại từ đầu thôi. chúc bạn buổi chiều an vui nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với cách nghĩ của bạn nhưng vấn đề là ai làm? Làm theo định hướng này hay theo kiểu giáo dục VNCH ngày xưa (như trong bài Huỳnh Long An trả lời phỏng vấn của Nguyễn Quang Lập (Quê Choa blog)?

      Xóa
  11. Nặc danh12:53 12/12/13

    Đây là bí quyết
    Từ tháng 5-2011, ngành giáo dục đã chính thức triển khai tập dượt chương trình PISA tại 40 cơ sở giáo dục, thuộc 9 tỉnh thành phố (Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, T/p Hồ Chí Minh, Gia Lai, Công Tum, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định). Tháng 4-2012 đã tổ chức khảo sát chính thức PISA tại 162 trường, thuộc 59 tình thành, với 5.100 học sinh tuổi 15. Các thầy cô giáo đã biết rõ điểm yếu của hầu hết học sinh và kết luận: Nếu không chuẩn bị kỹ cho học sinh làm quen với tư duy của các dạng đề thi PISA, các em sẽ không thể giải đúng”. Do đó “Trường nào cũng phải cho học sinh hiểu, làm quen với PISA từ 4 đến 8 buổi, trong đó không thể thiếu việc giải đề mẫu để làm quen với hình thức ra đề ở những năm trước” …

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã ...nói thẳng! Về vấn đề này, HN đã tiên liệu trong bài viết, và sau đó mấy ngày, đọc được nên đã trả lời cho bạn Cầu tre và Bà Tám ở link này.: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/12/131209_pisa_exam_truth.shtml

      Xóa
  12. Tôi mới đọc bài trả lời phỏng vấn của GS Hoàng Xuân Sính trên báo Đất Việt về vấn đề thi này, có đoạn "Khả năng toán học là điều mà các nước phát triển không coi trọng ở bậc phổ thông. Quan điểm của họ ở bậc học này là: đọc thông, viết thạo, biết tính toán. Mục tiêu của họ là dạy cho học sinh học để làm, học để định hình bản thân và học để chung sống với người khác…"

    Vâng bác HN ạ, "học để định hình bản thân và học để chung sống với người khác…", chứ không phải kiểu "nuôi gà chọi" để lấy thành tích như ở ta. Nếu biết "định hình bản thân và chung sống với người khác…", QH VN vừa rồi đã không biểu quyết đến chín mươi mấy phần trăm bản HP mới.

    Và nếu ngành GD Việt Nam tự hào về nền GD, thì tại sao bậc Đại học và cao hơn, tất cả con cái của những người có quyền, có tiền, lại cho ra nước ngoài học hết, chứ không học ở trong nước? Đây là câu trả lời cụ thể và rõ ràng nhất.

    Trả lờiXóa
  13. Cám ơn bác NHP đã trăn trở cùng với HN và bạn bè về vấn đề này, vừa rồi HN cu4ngt đọc một bài viết của bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn trên "tuan's blog" mới biết thêm nhiều điều kinh khủng về kỳ thi này bác ạ!

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter