18/9/13

Mạt pháp



 1. Cuối những năm 50 đầu những năm 60 thế kỷ trước, tín ngưỡng chính của người dân quê tôi là thờ ông bà, mọi chuyện quan hôn hiếu hỷ cứ theo kiểu xưa bày nay bắt chước. Cả một vùng mênh mông chỉ có một nhà thờ Tin Lành gần huyện lỵ, ở huyện kế bên có nhà thờ Công Giáo ngay huyện lỵ, trong vùng lác đác có vài thánh thất Cao Đài của các họ đạo.
Khi tôi vào trung học mới biết đến Phật giáo rõ hơn qua vụ đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm cấm treo cờ Phật giáo nhân Phật đản 1963 mà bây giờ người ta gọi là pháp nạn. Năm sau, được theo anh tôi ra phố cách nhà 60 km dự lễ Phật đản, coi diễu hành xe hoa, trang trí đẹp đẻ ở tất cả các chùa sau khi chính quyền Tổng Thống Diệm sụp đổ. Mấy năm sau, khi đã lớn, tôi biết đến và chứng kiến sự can thiệp ngày càng nhiều của Phật giáo vào sinh hoạt chính trị miền Nam.
Sau 75 tôi mới có duyên tiếp cận với kinh sách đạo Phật tương đối hệ thống nhờ tấm lòng của một đàn anh, một cư sĩ tại gia rất uyên thâm về Phật pháp, anh Cao Đình Đãi, nay đã qua đời, anh giới thiệu, cho mượn sách đọc và giải thích cho tôi những điều tôi chưa hiểu.
Khi có gia đình, các con cũng đã lớn, chúng tôi thỉnh tượng Phật về thờ ở nhà, ăn chay mỗi tháng vài ngày, thỉnh thoảng đi chùa, không quy y, chưa tự xem mình là Phật tử, vẫn kính Phật, mộ Pháp và trọng Tăng (có điều kiện, có xem xét!)

2. Khoảng 1978, đứa em họ con cô tôi cưới vợ, giấy mời gửi bà con bạn bè gần xa từ nửa tháng trước, cô em dâu tương lai là xã viên HTX, nhà cách nhà cô tôi chừng 30 cây số. Theo lệ ở quê, một ngày trước ngày nạp lễ là nhóm họ, cáo tổ tiên, tiếp đãi họ hàng ở xa đến dự. Chuẩn bị, trang trí, chợ búa, sắm sửa xong thì đùng một cái, hủy đám cưới! May mà quyết định trước 3 ngày, bà con xa chưa đến. Tuyên bố của chú rễ làm cả gia đình lẫn họ hàng đều ngỡ ngàng, họ yêu nhau là thế, xứng đôi vừa lứa đến thế, gần gủi quấn quýt nhau thế sao lại có chuyện này? Tôi ở xa, mãi sau này mới biết lý do nghe mà nổi gai ốc, lạnh cả người!
Gần nhà “cô em dâu hụt” có một ngôi chùa mà sư trụ trì ở đó được tín đồ và dân địa phương ca ngợi là bậc chân tu, hay làm phước và có tài chữa bệnh, đã chữa được nhiều bệnh ngặt nghèo đến nỗi cách chùa hàng trăm cây số vẫn có bệnh nhân tìm đến nhờ thầy giúp. Để giải quyết hết những bệnh vặt trước khi về nhà chồng, cô em đến nhờ thầy giúp và thầy đã giúp em bằng một liệu pháp mà, trước cha mẹ mình và chồng sắp cưới em thú nhận: bắt bệnh nhân cởi áo quần và thấy nằm lên trên người em để chữa! Thật là trong y văn tự cổ chí kim chưa ai đọc thấy bao giờ!
Thầy chữa tới lần thứ ba thì thằng em biết được, không hiểu bằng cách nào. Sau việc hủy đám cưới, nó quyết định làm lớn vụ này trước chính quyền, chưa kịp “ra tay” thì sư trụ trì đã âm thầm lặng lẽ bỏ chùa, bỏ tín đồ trốn đi biệt. Có người bảo rằng chắc thầy lại đi tìm một nơi thật xa để tiếp tục…chữa bệnh cứu người!

3. Tôi vừa đọc xong ký sự du lịch “Mùi hương trầm” của Nguyễn Tường Bách, một tiến sĩ vật lý sống ở Đức, cũng là một doanh nhân vừa là một Phật tử mộ đạo viết về chuyến đi Ấn Độ, Trung Quốc và Tây Tạng, tìm đến thăm những di tích lịch sử liên quan đến đạo Phật và Đức Phật, nơi mà trang sachhay.org giới thiệu là “những vùng đất chứa đựng sự huyền bí gắn liền nền văn hóa cổ xưa”. Những điều ông viết, có điều mình đã đọc qua, đã biết nhưng khi đọc quyển này, tôi hết sức thán phục, trước hết là lòng thành và sau nữa là những tìm tòi, thâu thập được của ông qua chuyến đi “hành hương về cội nguồn tâm linh” mà tôi hy vọng sẽ trở lại trong một bài viết khác. Thích thú với thứ ngôn ngữ đầy biểu cảm, nhận định sâu sắc và miêu tả tinh tế của ông, tôi tìm đọc tiếp tập tùy bút “Mộng đời bất tuyệt”. Chưa đọc xong cả tập nhưng những gì ông viết trong bài “Hoài niệm Hội An” làm tôi trăn trở không ít! Bài viết thực hiện sau chuyến đi tháng 6.1996 đề cập đến thân phận kiều dân, những người Nhật và Trung Quốc đến Hội An từ thế kỷ 16 rồi liên tưởng đến những người Việt Nam rời xa tổ quốc sống khắp nơi trên hành tinh này! Nhưng điều làm tôi suy nghĩ là chuyện về Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều), cây cầu người Nhật xây dựng vào thế kỷ 17 và sau này còn bỏ tiền ra trùng tu khi kiến trúc này xuống cấp. Tác giả kể lại rằng: “Người Việt thuyết minh kể một cách hãnh diện rằng năm ngoái năm kia, một đoàn nhà sư Nhật đã đến Hội An để thăm mộ tổ tiên và trấn huyệt cho cả xứ Nhật…nhờ vậy mà năm đó nước Nhật bớt bị động đất”. Tác giả khâm phục những vị sư già đã không quản đường xa khó nhọc mà “làm tất cả vì tiền nhân và xã tắc của họ”. Chưa dừng ở đây, tác giả còn kể rằng khi đến thăm vài ngôi chùa của các bang hội người Hoa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị thần ngày xưa từng phù hộ cho họ vượt biển an toàn, nhìn cách bảo quản, chăm sóc nơi thờ tự này, ông trở lại Chùa Cầu thì nhìn thấy “Án thờ trưng hình vị Bắc Đế Trấn Vũ xung quanh đầy bụi bặm. Ảnh thờ cong queo khô rốc, lạnh tanh”, hỏi cán bộ bán vé tham quan vì sao không có người lau dọn, quét tước thì không nhận được câu trả lời và còn nhiều, nhiều chuyện tồi tệ khác chung quanh ngôi chùa này. Cách đây gần 20 năm đã thế, bây giờ thì sao?

3. Thời gian gần đây, đọc các trang mạng, cả lề phải lẫn lề trái và trên Facebook thấy nhan nhãn “chuyện các thầy”:
- Thầy tu lên sân khấu giao lưu với “ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng và hân hạnh được ca sĩ vừa nổi tiếng vừa tai tiếng này “khóa môi” trước hàng triệu khán giả, vừa ở nhà hát vừa xem hình trên internet!
- Thầy tu hát nhại bài hát “Đời tôi cô đơn” thành “Đời tôi đi tu” trước một số khán giả đông đảo là những Phật tử, những người đi nghe pháp tại một đạo tràng (*).
- Hòa thượng Thích Chánh Lạc, Chủ tịch Văn phòng II Viện Hóa Đạo tại Hoa Kỳ, tức lãnh đạo cao nhất của tổ chức này tại nước ngoài, bị cáo buộc “vi phạm trọng giới Dâm và Vọng”, chuyện được biết đến khi Đệ ngũ Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ ban hành cáo bạch tuyên bố từ nhiệm vì có sự bất đồng trong hàng ngũ lãnh đạo giáo hội về cách xử lý.
Thầy tu thời hiện đại! (trong phòng treo hình phụ nữ khỏa thân)
 - Bài báo của tác giả Nhiếp Vĩnh Trang viết về thầy tu Thích Chân Quang như sau:
“Tôi đã kiên nhẫn ngồi nghe băng ghi hình phát trên Youtube của ông thầy chùa (nói theo ngôn ngữ của dân miền Nam) – Thích Chân Quang, thuyết giảng cho khá nhiều tín đồ Phật giáo trong một hội trường khá đông người nghe’’về đề tài Biển Đông…’’.

Tôi kiên nhẫn…kiên nhần đến…mệt, rồi không thể kiên nhẫn hơn khi nghe  ông Quang nói đến câu’’ Trung Quốc là anh mà (anh hùng Việt nam) Lý Thường Kiệt (lại dám) mang quân truy kích tới hang ổ kẻ xâm lược –  đánh TQ, (ông anh) – là…’’Hỗn’’ , thì không thể kiên nhẫn nghe ông ta nói tiếp nưã, mặc dù băng ghi hình còn dài (1 giờ 21 phút).”
Thích Chân Quang
Tại sao ngày càng có nhiều những chuyện không nên xãy ra đối với hàng ngũ tăng sĩ Phật giáo?
Tất nhiên, tùy theo thông tin thu nhận được, tùy cách nhìn nhận vấn đề, mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình nhưng tôi vẫn suy nghĩ mãi một điều, có phải đây là những biểu hiện ngày càng dồn dập của thời mạt pháp, trong một ngàn năm đầu của thời kỳ kéo dài cả vạn năm như sách vở Phật giáo đã viết ??

__________________________________________________

Một số trích dẫn của tác giả Nguyễn Tường Bách vì đọc trên Amazone Kindle nên không thể ghi số trang.

25 nhận xét:

  1. Nô đọc thôi, anh nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Hay là cũng một cách phản ánh thực tế cuộc sống xã hội ,anh ạ!

    Trả lờiXóa
  3. "Thời mạt pháp anh hùng mạt vận". Thơ Nguyễn Đức Sơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còn anh thư thì xuất hiện nhiều nữa bác NHP ơi!

      Xóa
  4. nghe anh kể càng buồn! nhưng mà bạn bè trong nhóm blog của chúng ta đều là người tốt hết mà, bởi vậy ko nên buồn nhiều, hehe...
    hình như theo chu kỳ cứ thịnh rồi suy, suy rồi thịnh anh à. điểm qua các triều đại nước Việt thì biết, hoặc lâu dài, hoặc ngắn ngủi, đến thời cực thịnh thì sẽ có lúc suy tàn. vậy ta cứ hy vọng một thời cực thịnh sắp đến, để còn vui mà sống tiếp chứ biết sao giờ, lực bất tòng tâm mừ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn giao về những suy nghĩ này. Mọi chuyện đều nằm ngoài khả năng hữu hạn của mình! Người xưa cũng khuyên: "Trí lự con người thì hữu hạn mà nỗi ưu tư lo nghĩ thì vô hạn. Đem cái hữu hạn phục vụ cái vô hạn là nguy vậy". Thôi thì "Let's it be!" giao ha!

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
  5. Anh HN thân!
    Thời blog yahoo có người trách TT ác cảm nặng nề với tăng lữ. Trong khi chính TT lại viết về thiền tông.
    Có vẻ trái ngược mà thật là không có!
    Những gì TT viết chẳng phải từ kinh điển nào cả. Với ít ỏi kinh điển TT đẫ đọc ... nó chỉ là để đối chứng những gì TT viết.
    Gần đây các tăng tha hồ "thuyết pháp" rồi quay phim ghi đĩa CD, DVD mà nội dung thì là một trong 3:
    - Một là nói về đạo đức xã hội nhưng kiến thức về nho học thì quá kém, nghe chỉ thấy nói về tiền, quyền, đàn bà, ăn nhậu...
    - Hai là ca ngợi Đảng và Bác Hồ!!! Chữi xã hội Mỹ băng hoại, ... (bây giờ mới nghe vị Tăng đem tổ tiên là cụ Lý Thường Kiệt ra chữi : hỗn)
    - Ba là giảng về Thiền tông rặc là triết học, nói theo nghĩa nào đó là kẻ huỷ hoại phật pháp. TT có thể điểm thẳng mặt những tăng (già rồi, dịch kinh, giảng giải kinh điển đại thừa) này dối mình dối người để trục lợi và kiếm danh.
    TT mạn phép bày cái dốt về chính pháp, tượng pháp và mạt pháp theo nghĩa khác.
    Chính pháp là bổn lai diện diện mục, còn gọi là thuỷ giác, là bổn tâm...
    Tánh giác vốn chẳng tự giữ bổn nguyên mà duyên nên tương tục sinh tử chẳng dứt. Người kiến tánh chẳng lìa vạn hạnh Phổ Hiền mà chẳng nương gá là tượng pháp vềquy về chính pháp.
    Tượng pháp là vạn pháp như huyễn, còn gọi là pháp dành cho hạng trung căn, hạng này còn gọi là thanh văn thừa và duyên giác thừa, vì có nương gá, có tu hành, có tu có chứng, có tu không chứng và không tu không chứng.
    Mạt pháp là chỉ chung tất cả chúng sanh từ phàm phu đến hàng thanh văn và duyên giác còn nương gá, chưa kiến tánh. Theo một nghĩa khác là bậc thiện tri thức hay Phật chưa ra đời dạy "nhất thừa nhất tâm".
    TT xin lưu ý chữ nhất thừa là tạm dùng vì vốn chẳng có thừa nào khác, ngoài phật thừa. đã chẳng có thừa khác nên nói nhất thừa là phỉ báng. Bất dắc dĩ nên dùng vì chúng sanh chấp trước phải có thừa mà thôi.
    Nói nhất tâm cũng là phỉ báng, tâm chẳng hai ba, chẳng có tâm khác nên vì chúng sanh nói là nhất.
    Với cửa từ, anh HN đừng bận tâm trò con buôn và bọn lưu manh đầy... làm gì! Mỗi người chỉ cần quay về thiện nghiệp là có duyên gặp Phật. Phật đây chính là tâm, là bổn tánh thiên chơn của ta vậy!
    Kính chúc anh cùng gia đình vui khoẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Comment của TT làm sáng thêm nhiều vấn đề. HN rất tâm đặc với kết luận của TT. Cám ơn nhiều!

      Xóa
  6. 1- Đề tài Mạt pháp của bác quá rộng, quá dài, khó nói cho đủ được. Vụ ông sư chơi gái, vụ thầy Chân Quang nói ông Lý Thường Kiệt hỗn, và nhiều sự kiện khác nữa… nằm trong cả tiến trình mạt pháp.
    Ta tạm chia Phật Giáo ra bốn thời kì:
    - Thời kì thứ nhất: Phật giáo Nguyên thủy (phần lớn trùng khớp với giai đoạn sau này ta gọi Tiểu thừa)
    - Thời kì thứ hai: Được đánh dầu bằng giáo lý Đại thừa
    - Thời kì thứ ba: Sự phát triền của Thiền tông và Mật tông
    - Thời kì thứ tư: Là khoảng 1000 năm trở lại đây.
    Rất nhiều học giả Phật giáo danh tiếng nhất trí rằng 1000 năm nay Phật giáo ở vào giai đoạn Mạt Pháp.
    2- Ngay tại Ấn Độ Phật giáo đã mất đi khỏng từ năm 1200 tại sao vậy?
    - Tư cách, đạo đức, giới tăng ni xuống cấp, giới, luật, luận, không được thực hiện nghiêm chỉnh.
    - Người Hồi giáo tiêu diệt thẳng tay Phật giáo, tiêu diệt cả đạo Hin đu và đạo Jain.
    - Đến lượt Hin đu tiêu diệt Phật giáo
    - Đạo Phật không chống đỡ bằng khí giới và vũ lực, thụ động đối phó bằng cách chạy trốn hoặc bị tiêu diệt.
    - Vua Asoka là cứu tinh đạo Phật, nhờ ông mà đạo phật còn lại ngày ngày ở Myanmar, Thái, Lào, Cam pu chia, Việt Nam, Tàu, Nhật, Hàn….
    3- Tại Việt Nam từ năm 1927 đến năm 1938 báo chí đã dấy lên phong trào Chấn hưng Phật giáo (có mạt Pháp mới phải chân hưng) đến 1945 -1954 đánh Pháp, những gì ngoài học thuyết Mác Lê đều xem là tà thuyết, là mê tín dị đoan. Từ 1975 đến nay hai ông Lê Mạnh Thát và Tuệ sỹ bị án tử hình do muốn chấn hưng Phật giáo theo quan niệm của họ. May mà trong nước ngoài nước kêu trời, hai ông khỏi bị bắn.
    4- Thầy Thanh Từ nhiệt huyết với Thiền tông có viết trong một tập sách đại ý: Hỏi bất cứ một nhà sư nào rằng, ông đang tu theo môn phái nào thì ông ta sẽ không trả lời được. Vì trong kinh Nhật tụng đủ các loại kinh của nhiều môn phái, ảnh hưởng Tàu quá nặng…
    Bu tui lấy làm lạ trong kinh Nhật tụng có “Hồng danh bửu sám nghi thức” ông Phật thứ 92 là Đấu chiến thắng Phật. Khi đọc tên ông này phải lạy một lạy và thỉnh một tiếng chuông. Ông ấy là Tôn Ngộ Không do Ngô Thừa Ân hư cấu ra trong tiểu thuyết Tây du kí.
    Ông khỉ trong tiểu thuyết thành Phật lại được chúng sanh quỳ lạy và niệm Nam mô thì có mạt pháp không đây.
    5- Bu tui đã nghe toàn bộ đĩa Dậy sóng biển đông của thầy Chân Quang và định nói vài câu nhưng dài quá rồi xin chấm hết vậy,

    Trả lờiXóa
  7. Đính chính: "mất đi khỏng"
    xin đọc "mất đi khoảng"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Niềm vui của một blogger khi post bài là gửi những trăn trỡ của mình để bạn bè chia sẻ. HN cũng thế, không đủ sức và không tham vọng viết về chuyện này nhưng qua đây cho thấy các cmt của mọi người đều thêm cho mình những tri kiến để tham khảo và suy ngẫm, đó cũng là những tư liệu giá trị. Cám ơn bác Bu. Vui vẻ bác nhé. HN thú vị lắm!

      Xóa
  8. Nặc danh07:22 20/9/13

    Ai muốn bàn chuyện chính trị thời thế cũng được. Nhưng hễ đăng đàn thuyết pháp hay bàn chính trị thì phải có hiểu biết. Không phải ai khoác áo thầy tu cũng là nhà sư.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với Tám hoàn toàn. Những người làm từ điển tiếng Việt sau này chắc sẽ viết thêm đàng sau từ sư nhiều từ đệm khác rất đúng, rất chính xác và thú vị về họ Tám ơi!

      Xóa
  9. Ngày trước trong quân đội tôi ở trong một ngành khá "nhạy cảm". Tôi đã được đọc một tài liệu "mật" lúc đó (do chính tôn giáo viết) nói về những thực trạng "nhức nhối" trong tôn giáo. Thực ra nhũng người đi tu (thời nào và ở đâu cũng thế) cũng đều là con người, khi chưa thành Thanh Văn, La Hán, Bồ Tát..., hay chưa vào được nước Trời... cũng đều ít nhiều vẫn còn tham, sân, si... thất tình lục dục... Tài liệu đó nói lên chỉ để nhằm cách ứng phó với những thực trạng nhức nhối đó...
    Về những "thực trạng nhức nhối", cũng chỉ là những gì bác HN đã viết trong entry, có chuyện đồng tính, có vị khoái xem... Playboy, hoặc lạm dụng quyền hành để tư lợi vật chất, cả chuyện tình cảm...
    Có điều hình như chuyện này ngày trước không đến nỗi "phổ biến" như bây giờ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác NHP chỉ được cái...nói đúng. Thú nhất là cái kết luận!

      Xóa
  10. Riêng chuyện nhà sư bàn về thời sự biển Đông, tôi cũng có nghe, và đọc một số những ý kiến trên những trang mạng. Hihi, vị tăng này thích nói chuyện thời sự, nhưng suy nghĩ và phát biểu trước tăng chúng hơi "bình dân giáo dục", chứng tỏ là một người ít hiểu biết mà thích nói...

    Thỉnh thoảng tôi cũng được nghe một vài đĩa gọi là thuyết pháp của các vị tăng, phải nói bây giờ có những vị học vấn, kiến thức rất cao, nói về tôn giáo, hay đời sống rất hay, đáng cho chúng ta học hỏi, nhưng cũng có vị nói mà chừng như ít suy nghĩ, không có mấy kiến thức, tôi kể sơ chuyện thế này:

    Tôi nghe đĩa một vị tăng thuyết pháp nói, thấy có nhiều Phật tử trong nhà thờ Quan Công song song với thờ Phật, sư nói: Quan Công là người Tàu, mắc gì ta phải thờ. Nếu tôi có mặt ở đó tôi sẽ hỏi lại sư, thế Phật là người gì? có phải Việt Nam không? Cũng vấn đề này có vị Thượng tọa nói rất hay, đại để: Tôi thấy có nhiều gia đình Phật tử thờ Quan Công, Mẹ Sanh..., đấy là những vị đã hiển thánh, được dân gian thờ phượng xưa nay... Điều này tốt không sao cả. Nhưng nếu bây giờ Phật tử mới lập bàn thờ, thì ngoài thờ Phật, các vị có thể thờ thêm những bậc thánh có công với đất nước như Trần Hưng Đạo..., thay vì thò những bậc thánh của người...

    Cái khác nhau về học thức, trình độ là ở chỗ ấy...



    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những vị sư "nói bậy" khi đăng đàn đúng là thuộc típ người "xấu ưa làm tốt, dốt ưa nói chữ" và chắc chưa hề nghe đến câu tục ngữ "Biết thì thưa thốt..." bác Hiệp há!

      Xóa
  11. Nam Mô A Di Đà Phật!

    "Giọt sương treo mái Lương Đình
    Nửa đêm thức giấc hỏi mình tan chưa?"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu này ở đâu mà "tới" quá vậy GM? Cám ơn GM đã gửi nhé. Mô Phật!

      Xóa
    2. Mình hỏi rồi mình lại thưa
      Tan rồi tan nữa nhưng chưa hết mình

      Xóa
  12. Tìm hiểu vị tăng Thích Chân Quang TT được nghe y dạy con nít “…không cảm hoá được thì tiêu diệt…” ngạc nhiên tay này dốt tiếng việt không hiểu được giáo hoá và cảm hoá. Để làm rõ nghĩa từ cảm hoá TT bèn nấu cơm bê sang Thailand mời anh HN ăn cơm nguội (xa quá nên nguội rồi)
    Cảm hoá
    Thời đức Thích Ca Mâu Ni có 18 tên cướp của giết người chẳng từng run tay, ngày nọ chúng vào thành Xá Vệ nghe tiếng Phật thuyết pháp ở tịnh xá Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên bèn đến xem. Khi ấy có một con chó hoang cũng lẫn vào đó, Phật liền dạy chư tỳ kheo lấy cơm cho nó ăn. Bọn cướp thấy hàng ngàn tỳ kheo, tỳ kheo ni và rất nhiều dân chúng cùng quan chức đều kính ngưỡng Phật nên chúng cũng phát lòng kính trọng (tâm lý bầy đàn). Phật thấy 18 người sắc mặt hung ác liền đứng dậy khỏi bồ đoàn, đi đến chỗ con chó hoang bị cột giơ tay đánh khẻ vào đầu nó, tuy không đau nhưng con chó biết nó bị đánh nên sợ lùi ra sau, Phật liền bảo tên đầu đảng cướp:
    - Ông đi xin hay mua thịt cá về cho con chó ăn, ta chờ!
    Rất ngạc nhiên, nhưng chúng cũng y lời đem thịt cá mua về và tự tay cho chó ăn. Tất cả im lặng chứng kiến nhưng chưa hiểu. Phật liền ngồi nhắm mắt toạ thiền. Đến chiều, Phật lại đến gần con chó cũng đánh như buổi sáng, con chó lùi lại sợ sệt. Phật lại dạy bọn cướp đi mua thịt cá về cho chó ăn. Chúng ngạc nhiên nhưng cũng làm theo.
    Đến sáng hôm sau, Phật cũng lại làm như thế, Phật chưa đánh nó nó đã lùi lại lẫn tránh, khi tên cướp đến gần con chó vẩy đuôi mừng và chạy đến nhận phần ăn, Phật liền dạy thả con chó ra. Tức khắc con chó chạy đến quấn quít tên cướp.
    Phật đến gần tên cướp khẻ đánh vào vai y, con chó liền gầm gừ sủa Phật. Phật về toà ngồi rồi gọi tên cướp đến hỏi:
    - Tại sao con chó lẫn tránh ta, nó lại quấn quít theo ông? Tại sao ta đánh ông thì bị con chó sủa?
    - Thưa Thế tôn, người đánh nó nên nó sợ nó ghét, tôi cho nó ăn, tôi vuốt ve nó nên nó theo. Người đánh tôi nên nó sủa.
    - Con chó còn biết ghét kẻ ác, biết thương người đã giúp đỡ chăm sóc nó, con chó còn biết sủa kẻ ác, còn biết bênh vực người thân. Đạo lý đó vốn có ở trong ông!
    Đến hôm sau, Phật lại bảo:
    - Ông rút cây đao của ông, đến nhìn con chó thật kỷ, suy nghĩ thật kỷ, hỏi lòng mình rõ ràng rồi chém đầu con chó đem đến cho ta!
    Tất cả ngạc nhiên vô cùng, chẳng ai hiểu ý Phật đều im lặng chờ xem. Tên cướp xưa nay khi cướp bóc chúng chẳng nghĩ gì ngoài giết cho nhanh, cướp được đồ thì chỉ nhìn tài vật và đi. Nhưng cầm đao đến gần con chó, con chó vui mừng vẩy đuôi, đôi mắt trong ngần nhìn tên cướp rồi cọ đầu vào chân tỏ dấu yêu thương. Đứng hồi lâu, tên cướp chợt rung động sâu xa, rồi giắt đao vào lưng đến thưa:
    - Con chó thương tôi, tôi cũng thấy thương nó, thật không thể giết! Xin Thế tôn bảo người khác.
    Phật liền bảo Ca Diếp tìm dao chém con chó. Ca Diếp thản nhiên tìm dao rồi dắt con chó đến trước mặt 18 người, chân đạp lên sợi dây sát cổ để con chó không chạy được, giơ cao tay đứng măc niệm. Tất cả hồi hộp, con chó rên rĩ như van xin và mắt nhìn tên cướp trân trối. Tên cướp chợt thấy đau xót liền đứng lên che cho con chó và thưa:
    - Con chó nó có đủ cảm xúc yêu thương xin đừng giết nó!
    - Lành thay! Con chó là loài vật khác giống con người mà còn biết yêu con người, còn biết gần người thiện, xa kẻ ác, há đâu con người được cha mẹ sanh ra yêu thương nuôi dưỡng. Đạo lý ấy vốn có sẵn trong ông, trong mọi người. Hôm nay ông đã mở được điều gây nên oan nghiệt cho tất cả mọi người rồi vậy!
    Tất cả bấy giờ mỗi người đều hiểu theo cách riêng của mình, nhưng chung quy đều nhận “xa điều ác, làm việc thiện”. Riêng 18 tên cướp chợt tự rung cảm rồi liền rút đao ném xuống đất quỳ gối xin được quy y theo Phật

    Trả lờiXóa
  13. Thiện tai, thiện tai! A di đà Phật. Cám ơn TT nhiều, cầu cho bọn cướp quy y theo Phật ngày càng nhiều.

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter