25/9/13

Chuyện ở quê



 1. Cô cháu họ (hệ dưới) ở quê ra thăm mẹ tôi năm nay tròn trăm tuổi, nó không khỏe nhưng rất chìu bà, mẹ tôi thích lắm, các chị thuyết phục cháu ở lại giúp chăm sóc bà, gửi tiền cháu đưa về quê để chồng con thuê người làm những việc ruộng vườn cháu cần làm hàng ngày. Cháu ở lại.
Về thăm mẹ, thấy có nó trong nhà thật mừng, lại nhẹ nhàng cho các chị đều đã trên bảy mươi vì có người phụ cùng với chị người làm vẫn hơn. Những lúc cháu rãnh, tôi hỏi thăm tất cả những người tôi biết từ những “ngày xưa còn bé” của mình ở một nơi tôi đã rời xa gần ½ thế kỷ, có dịp về thăm, ở nhiều nhất cũng chỉ hai ba ngày, hỏi các chị, các anh, điều họ biết thì lờ mờ và câu trả lời ít khi làm mình thỏa mãn.

Trên nền nhà và vườn của cha mẹ tôi ngày xưa hiện nay có 5 gia đình đang ở: thằng Nhạn con ông Tuyết, con Dục con chú Thể, con gái chú Năm Đông, o Hiền con ông Hữu, thằng Phong cháu nội bà Xoan, những người quanh xóm, gần nhà. Gọi là “thằng, con” là cách gọi ngày xưa, bậy giờ họ đều là những ông, bà nội/ ngoại. 
Đình làng Thuận Long quê tôi xây lại trên nền cũ
 Chiến tranh, bom đạn, nhà cửa họ tan tác nên làm lại trên đất “nhà Ông Huống”, nghe nói giờ ai cũng khá giả, chỉ nhà con Nhàn con chú Năm Đông đóng cửa không ở và chòm xóm nói là đi làm ăn xa! Họ làm nông, cuộc sống dựa vào ruộng vườn, được mất phụ thuộc vào nắng mưa nhưng ai cũng căn bản, ai có thêm đồng lương hưu thì khá giả hơn, thằng Phong khá nhất vì có con rễ là bác sĩ, có phòng mạch khá đông khách ở đường Ba Tháng Hai Sài Gòn, sui gia nó là bạn tôi, gặp tôi hôm đám tang anh Năm Trí khoe với tôi và cho địa chỉ, số điện thoại để gặp cho biết và thăm cháu!. Cùng lứa với hoặc nhỏ hơn tôi trong làng, có nhà con cái có xe tải nhỏ như con chú Chuẩn, còn cháu nội chú bốn Oai là thành viên đội tuyển robotcon BKĐN, cháu ngoại chú Thể và chồng đều là giảng viên đại học Bách Khoa! 
Khu vườn bên kia ruộng là vườn và nhà cũ của gia đình tôi.
Giữa thập niên 50-60 thế kỷ trước một số trong họ là kẻ ăn người làm của nhà tôi hoặc là những người nghèo, nay có dịp về thăm quê, thăm mộ, nhìn thấy nhà cửa họ khang trang, không gian chung quanh yên ắng và đầy màu xanh dịu mát, trong nhà có TV, có cell phone, xe máy…có thể họ sung sướng hơn cư dân thành phố về môi trường sống, họ không chịu áp lực của việc chạy ăn vất vả hàng ngày nhưng tôi vẫn nhận ra cái lam lũ muôn đời của những người dân quê và thấy thương họ rồi nghĩ lại, biết đâu họ cũng… thương hại mình!

2. Tôi về, có lúc các anh ghé chơi, có lúc ba chị em tôi ngồi chơi nói chuyện khào trong khi mẹ nằm giường bên cạnh, hỏi thăm, tự kể chuyện này chuyện nọ và trong cái lan man đó cũng có những… chuyện mắc cười !

Sau 75, gia đình bác sui mẹ tôi ở thành phố quy cố hương, về che chái tạm trên nền nhà cũ ngày xưa để ở, nhà đông người nhưng về lại chỉ có bác Tôn, chị ả Sửu năm ấy 39 tuổi, chị Hiếu cũng gần 30, cả hai chị đều không chồng con gì, làm lụng chăm sóc cha cùng với tiền con cháu ở phố gửi về.

Vài năm sau nghe kể chị ả Sửu phải lòng một anh thương binh, không phải người bằng xương bằng thịt mà người… cõi âm sau một cơn bệnh và từ đó chị ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Khi “anh ấy” về (nhập vào), chị không làm chủ, nói lảm nhảm, thần thái khác thường, vào vai người thương binh, có lúc nói chuyện chiến trường, có lúc nhớ về những đồng đội cũ!

Ở quê lâu ngày nhớ cháu, nhớ bà con chị ra thăm, có lần ở nhà anh tôi, chị gặp người quen đến chơi, họ hỏi về sức khỏe, chuyện “đàng dưới” của chị. Chị trả lời: mỗi lần chị ra phố là “anh ấy” gây khó khăn, hành hạ chị đủ điều (người nghe hiểu là chị mệt, bệnh và hay vật vả!). Ông người quen không tin, tức máu, hỏi sao chị không nói thẳng với ông ấy rằng: Tôi lo cho ông, thờ phượng ông, ông cũng phải để tôi đi đây đi đó thăm bà con, thăm cháu vài ngày rồi về chứ ông còn đòi hỏi gì?. Ông cứ thế thì tôi trất (từ địa phương nghĩa là chìa ra) con c…tôi đây này!
Chị thiệt tình trả lời lại người hỏi: Tôi làm gì có cái…đó mà “trất”? Anh kia nghĩ lại, Ờ há! Thì chị trất cái l…của chị!
Điều thú vị và ngạc nhiên là ông khách nhà anh tôi, người hỏi câu này là người cao niên và dưới cái nhìn của người dân quê tôi, là người đáng kính, biết thế nào? Ở thành phố, giàu có, thành đạt bao nhiêu năm vẫn chưa gột hết cái chân quê, ưa nói năng thoải mái của mình! Hihi.

Chuyện ở quê, kể hoài không hết, buồn vui có đủ!.

8 nhận xét:

  1. Nhìn khu vườn cũ thấy "đã đời gì đâu!". Nô mà có cái ảnh vậy, sẽ lấy làm background cho nó mặn mà!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hơn 30 năm trước, chị KN có về thăm, đi cả 1/2 buổi sáng vẫn chưa hết vườn (bây giờ là của người ta), khiếp! HN sẽ bắt chước như Nô nghĩ hè!

      Xóa
  2. Đi xa thì luôn nhớ về quê nhà, như Hoàng tử bé ấy :-))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình thì Hoàng tử khú rồi chứ bé gì nữa bác NHP ơi?

      Xóa
  3. 1- Mình thương họ quê mùa lam lũ
    Họ thương mình không có đủ nắng gió trong lành
    Hóa ra không ai hơn ai
    Và ai cũng thua ai
    2- Đọc bác HN nhiều lắm, biết bác có học Đại học Huế ...Nhưng quê gốc bác ở Khánh hòa chăng???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vụ này tục gọi là "diễn thơ" (hay diễn văn ra thơ) mà thiệt hay bác Bu ơi. HN chính hiệu Quảng Nam, nhà ở vùng mở cửa đụng núi, chỉ là nhà rời quê ra phố từ sau đảo chánh cụ Diệm và HN (coi như) tha phương cầu thực từ Mậu Thân.

      Xóa
  4. Chuyện ở quê lúc nào cũng đau đáu trong lòng những người con xa xứ... Chắc anh HN nhớ quê lắm. Nhưng chuyến về thăm vừa rồi có lẽ đã hâm nóng lại tình quê rùi hở anh? Chúc anh vui nhiều!

    Trả lờiXóa
  5. Cám ơn giao về những đồng cảm này, càng già (hình như) tình quê càng nặng!

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter