4/9/13

CẢO THƠM LẦN GIỞ...


1.NAM TRÂN:
Trái nam trân (bòn bon)
Hồi học năm đệ ngũ trung học,  tôi được đọc tập “Thơ Tường Linh” với nhiều bài viết về quê hương Quảng Nam của nhà thơ Tường Linh. Có một bài thơ trong đó có câu “Những mùa thu ngọt trái nam trân”, tôi đọc mà thắc mắc hoài chữ “trái Nam trân”, không biết là trái gì? Hỏi thì được các anh tôi bảo là trái bòn bon, một loại trái kết thành chùm, cơm ngọt, mủ ở vỏ thường có vị chát và có vỏ giống trái dâu gia. Người ta gọi bòn bon là Nam trân vì nghe kể rằng hồi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, thiếu lương thực, quân sĩ đói và không thể dừng lại nấu ăn, khi đi ngang qua vùng núi Đại Lộc, Quảng Nam quân sĩ  gặp trái bòn bon hái ăn thử nghe ngon, cả đoàn quân cùng hái ăn tạm qua cơn đói và tiếp tục hành quân tránh được sự truy kích của Tây Sơn. Về sau, khi lên ngôi, Nguyễn Ánh nhớ chuyện này và đặt tên trái bòn bon là Nam trân (hạt ngọc phương Nam).
Một nhà thơ ở vùng này, xã Đại Quang huyện Đại Lộc, ông Nguyễn Học Sỹ sinh năm 1907 là hội viên sáng lập hội Nhà văn Việt Nam, có tên trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh Hoài Chân và được tác giả dành một vị trí đặc biệt trong hàng ngũ những nhà thơ được giới thiệu cũng lấy bút hiệu là Nam Trân.

2. GIÁNG CHÂU
Trái giáng châu (măng cụt)
Đọc blog một bạn học cũ ở Huế có đăng một bức thư đề là “Thư gởi chị Giáng Châu” của thầy Hà Thúc Hoan* dạy môn quốc văn trường Đồng Khánh Huế và giảng dạy ở khoa Việt Hán ĐHSP Huế trước 1975. Bức thư ca ngợi ông Nguyễn Hữu Thứ, hiệu trưởng trường Quốc Học Huế về nhân cách và tài năng, ca ngợi cô Thân Thị Giáng Châu vợ ông Thứ,đồng nghiệp, hiệu trưởng trường Nữ Trung học Đồng Khánh năm học 1965-66, 1966-67 và là đàn chị của thầy. Trong thư thầy giải thích tên Giáng Châu còn là tên trái măng cụt trồng nhiều ở miền Nam như sau:
Nhà vườn Nam Bộ có một thứ cây ăn trái thuộc loại đặc sản là măng cụt. Măng cụt là một trong số rất ít cây trái phương Nam có thể trồng được ở Huế vì thích họp với thổ nhưỡng Thừa Thiên. Nở hoa kết trái ở kinh đô, dâng tặng cho cho vua quan cùng thứ dân một loại trái cây ngon ngọt đặc biệt, cây măng cụt dân dã của miền Nam đã được người đất  kinh kỳ đặt cho một cái tên Hán Việt sang trọng và có ý nghĩa : Giáng Châu. Giáng Châu là châu ngọc quý hiếm rơi xuống từ trời cao, hòa hợp mật thiết với địa danh Thừa Thiên có nghĩa là tiếp nhận những gì thiêng liêng, cao quý và tốt đẹp nhất ở trên trời.

3. SỰC TẮC
Xe mì gõ, hủ tiếu gõ 
Chị Năm tôi học nữ hộ sinh, ra trường được giữ lại làm việc ở trường Nữ hộ sinh Quốc gia Huế. Tôi ngày ấy đang học đệ tam nhưng vẫn là một chú nhóc con được cả nhà cưng chìu, được ra Huế thăm chị và ở lại vài ngày, có hôm hơn 9 giờ tối, nghe mì gõ ngoài đường chị mua để hai chị em ăn, ngon như là được ăn “nem công chả phượng”! Sau này, khi là sinh viên học ở Huế, những tối đi dạy (kèm) về, mùa đông, trời Huế lạnh và mưa lất phất, nghe tiếng gõ vào nhau rất thanh bằng hai thanh tre cật của xe mì gõ, tôi lại nhớ về bốn năm năm trước, nhớ chị mình. Vừa rồi đọc lại “Hà Nội ba mươi sáu phố phường” của Thạch Lam sau gần 50 năm, thấy ở phần “Quà Hà Nội” ông nhắc đến mì gõ và vằn thắn của người Tàu, tên gọi cho món mì gõ mà tôi đã từng nghe nhiều là : “sực tắc”. Hồi ấy cũng chỉ nghe qua rồi bỏ, bây giờ đọc, thấy Thạch Lam giải thích rất thú vị: Sực tắc là thực đắc nghĩa là ăn được, chỉ một loại mì bình dân, không sang trọng, cầu kỳ như mì ở các tiệm nổi tiếng. Ông viết:“Người Hà Nội ăn quà sành nên khó mà lấy nhiều làm hoa mắt người ta được. Có lẽ người bán nghĩ rằng quà rao là sực tắc, hai thanh tre gõ vào với nhau như tiếng guốc đi của một gái về đêm mà sực tắc chính là hai tiếng Tàu:  “thực đắc” mà ra. Thực đắc là ăn được, cho nên quà chỉ cốt ăn được, không cốt gì ăn ngon!”. Đọc hết phần này trong sách và nghĩ về những ý ông giải thích, thú vị vô cùng!

4. GIÒNG HỌ NGUYỄN TƯỜNG.
Nhà văn- họa sĩ Duy Lam trong phòng triển lãm tranh của ông
Nhà văn Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn**, cháu gọi nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là cậu ruột, gia nhập Tự Lực Văn Ðoàn năm 1958, lúc ông mới 19 tuổi, là thành viên trẻ tuổi nhất. Trả lời phỏng vấn ký giả Mặc Lâm đài RFA*** nhân cuộc triển lãm tranh của ông ở Virginia, Hoa Kỳ gần đây, khi nói về cuốn hổi ký mà mẹ ông, bà Nguyễn Thị Thế viết về gia đình Nguyễn Tường, Duy Lam cho biết:
Trong sách học thì ghi là Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam sinh ở Hải Dương, không nói gì đến gốc gác của họ Nguyễn Tường, là một dòng giõi quan từ đời ông Nguyễn Tường Vân là Binh bộ Thượng thư của vua Gia Long

Khi quyển hồi ký ra đời vào năm 1968 ở Sài Gòn thì nó đã làm cho tất cả các sách giáo khoa phải thay đổi vì cái gọi là gốc gác của họ Nguyễn Tường là ở Cẩm Phô, Quảng Nam. Trước đó không ai hề hay biết. Trong sách học thì ghi là Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam sinh ở Hải Dương, không nói gì đến gốc gác của họ Nguyễn Tường, là một giòng dõi quan từ đời ông Nguyễn Tường Vân là Binh bộ Thượng thư của vua Gia Long. Chữ Tường là bởi vua Gia Long đi đến chân núi Phước Tường, Hội An thì hỏi mọi người núi này là núi gì, ông trả lời “Thưa Chúa đây là núi Phước Tường”. Vua Gia Long nói với ông Nguyễn Tường Vân đi bên cạnh là hầu cận rất thân “Phước là họ ta nhưng Tường thì ta ban cho nhà ngươi”. Từ đó trở đi thì mới là họ Nguyễn Tường, trước thì chỉ Nguyễn không thôi.

Hồi trung học, khi học môn “Kim văn” (phân biệt với Cổ văn) về các tác giả Tự Lực Văn Đoàn, tôi vẫn còn nhớ phần tiểu sử Nhất Linh “sinh năm…tại huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương, Bắc Việt…”, khi hồi ký bà Thế được xuất bản thì tôi đã học lên rồi, không biết chuyện “tất cả các sách giáo khoa phải thay đổi vì cái gọi là gốc gác của họ Nguyễn Tường là ở Cẩm Phô, Quảng Nam”.

Viết lại những ghi chép ở trên, tôi vẫn lo không biết liệu có “mua vui cũng được một vài…phút giây” cho bạn bè không?


*Ông Hà Thúc Hoan là tác giả nhiều bài viết giá trị đăng trên tập san Văn Hóa Phật giáo.
**Tác phẩm của ông gồm truyện ngắn Chồng Con Tôi, Ngày Nào Còn Ðàn Bà, Nỗi Chết Không Rời, Em Phải Sống.  Hồi ký Gia Ðình Tôi. Truyện dài Cái Lưới, Lột Xác.

*** Bài đăng ngày 24/8/2013 trên rfa.org

34 nhận xét:

  1. Bài viết thú vị lắm bác HN, xin góp mấy ý nhỏ:

    1- Nam trân: trái bòn bon, trái này trồng nhiều ở miền Nam, gốc gác từ vùng Mã Lai, Thái Lan, người Thái gọi là long-kong (bác ở Thái Lan chắc rõ).
    2- Măng cụt: trái này cũng thế, gốc mã Lai, Thái Lan, tiếng Thái là mang-kout).
    3- Riêng chữ sực tắc, thay cho tiếng rao mì gõ của xe hủ tíu mì người Hoa ngày xưa, mấy tay "chạy bàn" giúp việc đi cùng xóm gõ bằng hai thanh tre lóc cóc, có âm điệu đàng hoàng. Tôi không thấy sách vở nói, nhưng nghe người lớn giải thích "sực tắc" là âm thanh của 2 thanh tre gõ vào nhau. Giải thích sực tắc là "thực đắc" cũng hay, nhưng có vẻ hàn lâm, không phù hợp mấy với món ăn dân dã ngày xưa rất quen thuộc đường phố buổi tối. :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác NHP về mấy ý nhỏ này, HN thiệt không biết gốc của hai loại trái này ở VN là do di thực, cứ tưởng là gốc, chừ thì biết thêm. Hồi ở SG lâu lâu mới ăn măng cụt vì đắt quá, bên này vào vụ chỉ 20THB một kg #14.000VND và tên gọi thì đúng như bác nói.
      Chữ sực tắc ông Thạch Lam nói dài lắm, bác đọc lại sẽ tìm thấy những cái hay mà 50 năm trước mình chưa thấy! Hihi.

      Xóa
    2. Cũng chỉ nhờ đọc sách thôi bác HN, miền Nam khá nhiều cây trái có nguồn gốc như thề, như trái sa bô chê mà người miền Bắc gọi là hồng xiêm, xiêm là Xiêm La, tên Thái Lan xưa, vịt xiêm nữa...
      Để tôi sẽ tìm đọc lại, nhân đang lúc ham... ăn, cũng từ ý bài viết của bác, tôi đang viết bên nhà về món hủ tíu mì ngày xưa của người Hoa ở Chợ Lớn, mai mốt viết xong mời bác và các bạn sang đọc.

      Xóa
  2. Trả lời
    1. Cám ơn anh HHP vào đọc và thấy thú vị. Vậy là vui rồi!

      Xóa
  3. rất vui và bổ ích! chúc anh ngủ ngon!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. giao và bạn bè thấy vui và bổ ích là HN vui lây. Cám ơn về lời chúc, giao cũng vậy nhé.

      Xóa
  4. Nhờ entry này của anh HN , Marg mới biết được bòn bon , măng cụt có những cái tên đẹp và ý nghĩa như vậy .

    Hồi xưa , trường Nữ trung học Gia Long ở Sài Gòn có giáo sư Nguyễn Tường Lan Phương là cháu của nhà văn Nhất Linh . Bà là người tài năng , giảng bài học sinh rất mê , những dịp Tết hay lễ Hai Bà Trưng , bà sáng tác và dàn dựng các vỡ kịch thơ về lịch sử cho học sinh trình diễn .
    Học sinh thời đó vẫn còn nhớ câu thơ trong một vỡ kịch của bà :
    " Đất nước còn không em cũng được
    Đất nước không em có cũng bằng không "

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN chỉ làm cái việc gom góp, giữ gìn rồi sắp xếp lại để bạn bè đọc cho vui, mình biết mà sai thì bạn bè phản bác, đính chính hộ. MB vẫn còn nhớ cô Lan Phương, cả thơ của cô nữa thì hay quá, chỉ là không biết cháu xa gần của Nhất Linh thế nào và hiện nay chắc cô cũng già vì thế hệ bọn mình không trẻ gì nữa rồi. Hai câu thơ của cô hình như dùng được cả cho bây giờ (thì mình gọi là thơ vượt thời gian!) nhưng HN sợ BT quên dấu phảy ở mỗi câu? Cám ơn MB đã góp thêm chi tiết này.

      Xóa
    2. Vâng , anh HN nhắc mới để ý :
      "Đất nước còn , không em cũng được
      Đất nước không , em có cũng bằng không ..."
      ( Vì trong ký ức không lưu dấu phẩy , hihi ... )

      Xóa
  5. Mấy Bác dạo này cứ đem " đồ măm" ra " kêu gọi"....Huhuhu, thèm chết được......

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. May mà chị giao, anh Nô, chú Aq và chị GM chưa đem ra chứ có họ đem nữa thì cứ gọi là...

      Xóa
  6. Những entry thế này là... nghề của chàng rồi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thiệt không đây cha nậu? Mà ngẫm lại hình như thế thật!

      Xóa
  7. Nam trân (hạt ngọc phương Nam).
    Một thiên nhiên che chở trong nghèo đói, chiến tranh, một khác biệt phương trời lạ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào mừng bác VanPham "tái xuất giang hồ" và vào thăm HN.

      Xóa
  8. 1- Từ rất lâu bu tui đọc sách và biết được dòng dõi mấy nhà văn Nguyễn Tường...là người Quảng Nam. Nhưng vụ vua Gia Long cho chữ Tường thì bây giờ mới được nghe HN nói lần đầu.
    2- Cây cỏ bình thường mà đặt tên Hán Việt vào thì nghe đài các sang trọng lắm. Quê bu có cây "chó đẻ" tên chữ là "Diệp hạ châu" hạt ngọc dưới lá, nghe như tiếng chuông kêu. Phạm Tiến Duật có mấy câu thơ nói về quả cũng hay lắm:
    Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu
    Thắp mùa đông ấm những đêm thâu,
    Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
    Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng...
    3- Hồi nhỏ xíu ở nhà quê bu tui mê tơi Hà Nội bởi một ý văn của Thạch Lam : Hà Nội 36 phố phường ...có nước mắm cà cuống thơm thoang thoảng như một sự nghi ngờ
    Từ đó con cà cuống đối với bu tui thiêng liêng cho đến tận bây giờ... hihihi

    Trả lờiXóa
  9. Đọc cmt bác Bu bên bài của Nôbita, HN đã ngã mũ về kiến thức âm nhạc của bác, giờ lại chơi luôn thơ nữa!
    Nhà văn- Họa sĩ Duy Lam năm nay trên 80, có lẽ hơi lẩm cẩm nên trả lời phỏng vấn có chỗ chưa chuẩn, Phước Tường, Hội An là không ổn mà phải là Phước Tường, Đà Nẵng vì núi đá này chỉ cách ĐN 3km đường chim bay nhưng HN vẫn tôn trọng nguyên bản mình trích dẫn. HN nói là lẩm cẩm vì khi mang lon trung tá (Nguyễn Kim Tuấn) đầu 1970’s, ông ta làm việc ở Bộ tư lệnh quân đoàn I gần Đà Nẵng!
    Đúng là có nhiều thứ dùng từ Hán Việt hay tiếng Hán nghe sang sang thế nào! Món cơm chiên (dương châu) nén cơm trên đĩa hình oval như cái mai rùa, trứng chiên mỏng xắt sợi rộng 0,5cm xếp chéo lên trên tạo ra những hình thoi nhìn như mai rùa, dưa, ớt đỏ…làm thành đầu rùa, quanh thành đĩa rắc ngò rí thế nghiễm nhiên có món Quy thượng thảo, tên thiệt hay!
    Về Thạch Lam nhớ và thích nhất là “Trời muốn trở rét…” và ông ta được đánh giá là nhà văn viết truyện ngắn hay nhất của Tự lực Văn đoàn!

    Trả lờiXóa
  10. Bu tui hoàn toàn nhất trí đánh giá nhà Văn Thạch Lam viết chuyện ngắn hay nhất nhóm Tự lực văn đoàn. Và không hiểu sao bu đặc biệt thiện cảm với chuyện "Dưới bóng hoàng lan". Có lẽ vì bu tui đọc nó ở nhà 24 Cột cờ Hà Nội, dưới bóng cây hoàng lan và bên hàng xóm thấp thoáng bóng hồng xinh như mộng hihihi

    Trả lờiXóa
  11. Trần thị Bảo Vân11:38 6/9/13

    Lang thang, tình cờ ghé nhà bác, đọc, thấy bài viết có nhiều chi tiết hay hay thật thú vị!
    Cám ơn bác!
    Vui vui, mạn phép góp thêm một chút chút thông tin về trái "bòn bon", bác nhé!

    - Bản địa bòn bon là bán đảo Mã Lai nhưng nay cây này phổ biến trồng khắp vùng Đông Nam Á và Nam Á. Danh pháp hai phần: Lansium domesticum là loài cây ăn quả nhiệt đới thuộc họ Xoan.

    Lansium domesticum belongs to the genus Lansium under the family Meliaceae.
    It is known under a variety of common names:

    • Bengali: latka, bhubi
    • Burmese: langsak, duku
    • Cebuano: buahan, lansones
    • English: langsat, lanzones
    • Indonesian: duku, langsat, kokosan
    • Malay: langsat, lansa, langseh, langsep, duku
    • Sinhalese: gadu guda
    • Philippine Spanish: lanzón (plural: lanzonés)
    • Tagalog: lansones, buwa-buwa
    • Thai: langsad (for the thin-skinned variety), longkong (for the thick-skinned variety)
    • Vietnamese: lòn bon, bòn bon
    (Dâu da đất (phương ngữ Bắc), hay Bòn bon (phương ngữ Nam), Lòn bon (phương ngữ Quảng Nam)

    http://en.wikipedia.org/wiki/Lansium_domesticum#cite_note-Morton1987-5

    Trả lờiXóa
  12. Trần thị Bảo Vân11:45 6/9/13

    Trong bài viết về trái bòn bon, Bác có nhắc đến thi sĩ Nam Trân, chợt nhớ nhà văn Võ Phiến có bài tùy bút ngắn về 4 câu thơ ngũ ngôn của thi sĩ Nam Trân thật thú vị!

    - "Hai tay xách hai vịm,
    Một vài mụ le te,
    Tiếng non rao lảnh lót
    Chốc chốc: “Ai ăn chè?”


    Mời mọi người đọc vui vui... thư giãn...


    CHÈ VÀ VĂN MINH
    – Võ Phiến

    Trong một bài thơ tả cảnh đêm hè ở Huế, Nam Trân kết thúc bằng bốn câu ngũ ngôn như sau:

    “Hai tay xách hai vịm,
    Một vài mụ le te,
    Tiếng non rao lảnh lót
    Chốc chốc: “Ai ăn chè?”

    Tôi không nghĩ “tiếng non” là một lối nói điêu luyện, “chốc chốc ai ăn chè” là một câu thơ hay. Nhưng tôi nhớ đến Nam Trân, vì Nam Trân đã nhớ đến chè...

    (...)

    http://www.trieuxuan.info/?pg=tpdetail&id=8364&catid=3

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Chào bạn Bảo Vân, tên bạn có các vần trắc bằng hợp nhau nghe thiệt êm tai. BV lang thang vào thăm và bổ sung những chi tiết rất thú vị nhất là bài của nhà văn Võ Phiến. Cám ơn bạn đã vào đọc, HN cũng lang thang vào "Chuyện bâng quơ" của Bà Tám lại thấy TTBV, âu cũng là duyên, HN và giaolang là bạn hàng thân thiết của blog này (nếu được BT ưu ái nghĩ như thế). Hihi. HN sẽ thăm blog bạn sau nhé,

      Xóa
    2. Trần thị Bảo Vân20:39 8/9/13

      Kính chào bác chủ nhà,
      Ôi, lần đầu tiên Bảo Vân đường đột vào nhà bác, còn bày đặt còm "linh ta linh tinh", bác không trách, lại còn ưu ái còm hồi đáp, Bảo Vân đọc còm của bác "tiếp khách" thấy thật...dễ chịu đến lạ!
      Cám ơn bác nhiều, bác nhé!
      Vâng, Bảo Vân cũng là một độc giả mới gần đây ở trang "Chuyện bâng quơ" của Bà Tám đó bác!

      Xóa
  13. Những trái nêu trên trái nào bà già cũng rất thích măm cả!

    Trả lờiXóa
  14. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  15. Ghé thăm anh HN. TT không còm mà gởi anh Hn 1 link. Có thể anh HN thích vì nó là dấu tính lịch sử.
    Riêng TT chẳng thể nuốt trôi ông Nguyễn Ánh nhưng cũng phải dành phần kính trọng với vua Hàm Nghi (TT vốn dĩ chẳng xem các vua chúa ra cái đinh gì)
    http://thongreo.blogspot.com/2013/08/ngoi-mo-vua-ham-nghi-o-thonac-phap-mot.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện của vua chúa ngày xưa là chuyện của lịch sử, có điều những vị vua yêu nước thương dân đều đáng kính trọng chứ TT? HN đã cất link này vào máy rồi. Cám ơn TT.

      Xóa
    2. Nếu sinh thời hoàng đế Quang Trung, nghe ngự ngài đến TT cũng tự nguyện quỳ gối cung đón. Giả sử ngài lên ngôi mà cũng hãm hại bày tôi thì khó khỏi đạo lý người đời khinh bỉ. Nếu quan lại nhũng nhiễu hại dân thì TT vẫn ghét.
      Thời chưa có nhân quyền TT hẵn trọn lòng trung quân theo khổng mạnh, giữ phận con dân.
      TT đã viết là con dân khó tránh ác cảm với vua quan. Vua dẫu yêu dân nhưng sao quản trọn khắp miền đất nước nên kêu chẳng tới trời. Quan lại sao tránh khỏi cảm tính mà lạm quyền, kém trí mà bất minh. Đó là lý do TT chẳng bao giờ xem vua chúa xưa và cả nay ra cái đinh gì là vậy.
      Còn TT luôn kính trọng người yêu nước đâu chỉ vua Hàm Nghi. Người dân yêu nước cũng đáng kính trọng.
      Chúc anh vui khoẻ.

      Xóa
  16. Nặc danh07:20 9/9/13

    Trái cây tên thật là xinh đẹp. Nam Trân và Giáng Châu nghe đẹp như tên công chúa vậy. Bảo Vân là quyển tự điển Bách Khoa di động đó Hồng Ngọc. Biết nhiều chi tiết rất thú vị.

    Trả lờiXóa
  17. Tám có nhớ hồi trước 1975, một thời sách dịch của Quỳnh Giao đắt như tôm tươi, "Thố ty hoa" dịch ra là "Cánh hoa chùm gửi" nghe cũng êm tai thiệt há! HN muốn vào thăm blog của Bảo Vân nhưng không biết phải làm sao?

    Trả lờiXóa
  18. Đúng là cảo thơm đó Sư phụ!

    Trả lờiXóa
  19. Gặp, giữ lại trong đầu, dồn lại rồi viết ra cho mọi người cùng đọc và phản biện cho "vui thôi mà" (bắt chước 3 chữ sau của cụ Giáng nè) AQ ơi.

    Trả lờiXóa
  20. Thôi mà... vui, anh HN ha?

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter