21/4/13

Vĩnh biệt anh Trầm Xuân Sáu

ANH SÁU
Ký họa của Dũng Nôbita

Chiều hôm qua, mở email, thấy tin buồn, Nobita báo tin anh Trầm Xuân Sáu tức nhà báo Thẩm Dương, Thẩm Diên An (trước 1975) đã đến “trạm cuối cùng trên chuyến xe đời hư ảo”! Chiều nay Nobita - khi biết tôi có bài viết về anh- gửi email đề nghị post lên blog như một nén nhang, một nắm đất tiễn anh về cõi vĩnh hằng. Anh Sáu ơi, khi viết những giòng  này, em vẫn biết sống chết là lẽ thường, vẫn biết lẽ “sinh ký tử quy” nhưng vẫn thấy xót xa, vẫn không cầm được nước mắt…Anh em vẫn mãi nghĩ về và nhớ thương anh.

Rời Nha Trang về sống với con cháu ở Sài Gòn rồi lại theo gia đình con gái qua Bangkok sống, nhớ nhà, nhớ cảnh, nhớ người nhiều nhưng nghĩ và nhớ về anh chiếm chỗ lớn trong tâm tưởng tôi. anh Sáu, Trầm Xuân Sáu.

Hồi giữa thập niên 1990, khi tôi đang dạy giờ ở trường bán công Lê Lợi  Diên Khánh, có lần một đồng nghiệp, cô Thu, mời về nhà ăn đám giổ, tôi đến dự và đó là lần đầu tôi gặp anh, là ba của cô Thu và là chủ nhà.
Hôm ấy mời khá đông, anh vui vẻ tiếp đãi đồng nghiệp của con mình, ân cần với mọi người, tôi thấy anh có vẻ dễ gần.

Không lâu sau, biết anh có bà con với anh Nhơn, anh Thông là những người bạn lớn tuổi, tôi có dịp gặp anh nhiều hơn, khi tại nhà anh, khi tại nhà anh Thông, khi quán xá.

Trước 1975, anh là Đại úy quân lực VNCH, chỉ “cải tạo” vài tháng theo đề nghị của anh với chính quyền địa phương cho “dễ coi” vì anh là Việt cộng nằm vùng (mà rất lâu sau này tôi mới biết). Lý do đơn giản vì chúng tôi chỉ nói chuyện văn nghệ, chuyện thơ văn, sách vở, trong câu chuyện, nếu có dính dáng gì đến chính trị thì thái độ của anh là không bằng lòng, hồi ấy tôi thích điều đó.

Sau khi học xong dự bị và vài chứng chỉ toán, anh làm báo, cộng tác nhiều nhất với tờ Thời nay của ông Nguyễn Văn Thái, bán nguyệt san có số ấn bản tiêu thụ nhiều bằng hoặc hơn cả Phổ Thông của ông Nguyễn Vỹ cùng thời, anh Sáu ký nhiều bút hiệu khác nhau nhưng bút hiệu tôi quen thuộc là Thẩm Dương và Thẩm Diên An. Thật không ngờ là sau này mình lại có duyên gặp được anh, tôi đã cố gắng tìm tòi trên internet về những vấn đề liên hệ đến Thời Nay và tìm cả ở ngoài vài số có bài viết của anh về tặng anh làm kỷ niệm nhưng chưa có duyên gặp!

Khi vào Thủ Đức, anh vẫn tiếp tục viết báo và do bất mãn với chính quyền Sài Gòn,  có chút lãng mạn nghệ sĩ, lại được bên kia móc nối do gốc gác gia đình có cha tham gia kháng chiến và người anh là liệt sĩ , anh trở thành “cơ sở cách mạng”. Chỉ có điều anh chưa kịp cống hiến gì cho “sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đảng và nhân dân ta” thì chiến tranh kết thúc.

Sau 1975, ít nhiều anh cũng là con cưng của chế độ, với xã, huyện quê anh, anh là trí thức, sĩ quan chế độ cũ sớm giác ngộ cách mạng, anh được tin dùng, được đưa ra miền Bắc công tác vài lần cho tỉnh, nhà anh trở thành nơi các yếu nhân từ Hà Nội vào ghé thăm vì xã Diên An của anh là mô hình HTX thí điểm đầu tiên của Huyện, cũng là nơi các ông bà Liên Xô đi du lịch ghé thăm…nhưng cũng chính những chuyến đi này, những cuộc tiếp xúc với các viên chức chính quyền mới từ chiến khu hay tập kết về, cái mà ngày- xưa-anh-nghĩ-là-đã-không-là-như-anh-nghĩ! Từ đó, cái nhìn về chế độ của anh khác dần.

Vừa để giải quyết nhu cầu tinh thần, vừa có thể - may ra - có thêm thu nhập, từ đầu thập niên 90 anh dịch sách, dịch thơ Đường, làm thơ, vẽ tranh sơn dầu, viết hồi ký, vào các dịp Tết còn làm vài ba câu đối, tuy không thường xuyên nhưng cũng đủ để gặp bạn bè tâm giao anh tặng họ. Và tôi, đứa em nhỏ nhất cũng được anh ưu ái gửi cho mà tiểu thuyết “Chuyện tình bên hồ Gấu” nxb Văn học là một trong những thành công sau này của anh vì cuốn này anh dịch thoát, hay và văn phong trẻ trung, ít thấy ở một người trên 60 ở nông thôn vào thời điểm anh dịch. Anh cũng ưu ái cho tôi xem chồng bản thảo viết tay “dày cui” một tác phẩm nửa tự truyện, nửa hồi ký nhưng rất tiếc không hiểu có phải chỉ là tay bị run do hẹp động mạch vành hay còn lý do nào khác khiến anh bỏ dỡ giửa chừng khi đã đi hơn nửa đoạn đường. Những bài thơ anh làm, anh dịch “rất thơ” không phải kiểu “ghép chữ thành vần”như vô số “nhà thơ” đụng đâu “ra thơ” đó!
Anh Sáu (tận cùng bên phải) trong lần ra mắt tập thơ "Khi ngó lại đời mình"  của Vũ Ngọc Giao 15.5.2010
Văn anh viết sáng sủa, gọn và chắc, viết ngắn nhưng sức chứa dài, tôi nghĩ có lẽ nhờ anh đã có một thời gian viết lách nhiều năm trước đây và sau này vẫn thường xuyên tiếp cận với văn học đương đại trong và ngoài nước.

Ngày ông Cung Giũ Nguyên (tác giả Le fish de la baleine), thầy anh qua đời, bạn bè cùng lớp giao anh viết điếu văn, anh viết súc tích cô đọng nhưng cũng rất xúc động, tiếc là sau đó không dùng vì ban tổ chức đám tang cần đến sớm hơn.

Điều thú vị khi nói chuyện với anh là anh hay nhắc kỷ niệm với người này người khác là những nhà văn, nhà báo, chuyện anh kể là cái tôi cần vì muốn biết thêm về họ qua nhân chứng sống là anh.

Có cảm tưởng ở Diên An anh Sáu không có bạn bè văn nghệ, có chăng chỉ là cùng xóm cùng làng, sĩ quan chế độ cũ, vài ông Việt cộng về hưu không trình độ, ít thức thời nên tôi thấy anh chỉ thường chơi với “anh em nhà Võ Cạnh”, mà họ ít khi ủng hộ anh trong sáng tác hoặc phát biểu, vì anh cũng có cái bệnh là khi gặp đúng chủ đề là anh thao thao bất tuyệt, anh dành đài, anh độc thoại… để xả những gì chất chứa từ khi gặp những người anh em lần trước. Do vậy, có bạn anh vẫn cứ cô đơn!

Những năm sau này, qua chúng tôi, anh gặp gỡ và giao tiếp với nhóm bạn Nha Trang của tôi, anh và anh Cuồng Từ cũng rất tin cậy và tâm đắc nhau nên họ có thêm nơi để chạy lên chạy xuống . Trong guồng quay do giao tiếp đó, khi được anh em đề nghị, anh  gom những bài thơ mình sáng tác và dịch thành một tập vào năm 2010. Vẫn là Dũng nobita biên tập, vẽ bìa và trình bày, vẫn là chỗ quen của anh em ở đường Bà Triệu in. Trước đó ít lâu, tôi cũng vừa in xong tập tản văn của mình. Vậy là hai anh em rủ nhau cùng phát hành một lần ở Sáu Lượng, nhà hàng khá thoáng mát, thức ăn ngon nhất nhì Diên Khánh, mời bạn bè ở Nha Trang lên ăn uống và…nhận sách tặng! Anh rất cảm động khi quen anh chưa lâu nhựng Nobita chăm chút kỹ lưỡng tập thơ Chút gì còn lại cho anh và khi dự ra mắt, lại tặng anh một bức ký họa về anh do chính Nobita vẽ.

Những lần từ Sài Gòn hay Bangkok về Nha Trang tôi đều ghé thăm anh chị, anh cũng rất vui và tiếp tôi như tiếp một đứa em ở xa về, Tết rồi, ghé thăm trước Tết, anh dốc bầu tâm sự nhưng đọng lại quan trọng nhất là một dự phóng anh muốn thực hiện sau Tết mà anh ấp  ủ đã lâu, mọi thứ đã chuẩn bị xong rồi, chỉ chờ bắt tay thực hiện. Tôi chỉ thưa rằng: biết chuyện này em rất mừng, mong rằng ăn Tết  xong, ngày rộng tháng dài anh vào việc vì thời gian và sức khỏe sẽ không chờ anh, nếu không làm được coi như anh có lỗi với con cháu và thế hệ nhỏ sau này.

Bây giờ đã là 21 tháng giêng âm lịch, không biết ở bên ấy anh Sáu đã bắt đầu chưa, có trục trặc gì không?, cũng thấy lo vì anh Sáu tuổi Hợi, Tết năm sau anh vào tuổi 80, xa xăm quá không thể làm gì ngoài việc chờ địa chỉ email của cô Thu, con gái anh để gửi thư về thúc hối vì tôi biết, riêng việc này, với anh, tôi khá có uy tín và thầm cầu chúc anh thành công, Anh Sáu nhé!
                                                                                      Bangkok  02/03/2013


22 nhận xét:

  1. Cảm động về những kể về Chút gì còn lại của Cụ Trầm Xuân Sáu. Về những ngày- xưa-anh-nghĩ-là-đã-không-là-như-anh-nghĩ!
    Cùng là những mến yêu, kính trọng của Bác với Người Bạn vong niên.
    .
    Bài viết thật xúc động.
    Em xin được sẻ chia và cầu chúc điều tốt đẹp cho vong linh CỤ.
    .
    Chào Bác!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác VanPham đã hiểu và chia sẻ tấm lòng của HN với anh Sáu, bác mà gặp anh ấy, HN nghĩ bác sẽ rất thích.

      Xóa
  2. Mong bác Sáu siêu thoát sang cõi khác yên bình hơn cõi ta bà này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một lời chúc, một cầu mong nghe mà thấy đã đời bác Bu ạ!

      Xóa
  3. MỘNG NỬA KHUYA

    Nửa đêm mộng mị phiêu bồng
    Dở dang phú quí tơ đồng lỗi duyên
    Cầu xin một giấc ngủ yên
    Bảy mươi tròn lẻ mãn viên cuộc đời
    Tiếc chi hoa bướm một thời
    Trắng tay rồi cũng một đời trắng tay
    Tấm thân tứ đại dan dày
    Bụi tro rồi cũng đến ngày bụi tro


    Thẩm Diên An - 2005

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài thơ viết cũng bảy tám năm rồi. Cám ơn Nô đã gửi lên để bạn bè hiểu thêm về người đã khuất.

      Xóa
  4. May còn một tấm hình chụp chung với bác Sáu để nhớ anh Hồng Ngọc nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ sẽ là bất ngờ với gia đình nếu họ biết HN cũng còn vài ba tấm hình và 3-4 đoạn ghi âm anh em nói chuện tâm tình nữa. Cám ơn GM về những suy nghĩ này.

      Xóa
  5. Bác Sáu có cái thanh thản của người “Thất thập cổ lai hy”. Trên tuổi 70 rồi thì không còn tiếc chi cái thú hoa bướm nữa mà chỉ cần một giấc ngủ yên. Không hiểu sinh thời bác có quy y Tam bảo không, chứ đọc thơ thấy bác hiểu đạo Phật lắm. Triết lý nhà Phật cũng nói con người ta lọt lòng với hai bàn tay trắng, rồi giàu có ức vạn thì cũng ra đi với hai bàn tay trắng, chỉ mang theo duy nhất là NGHIỆP - cái do chình mình tạo ra lúc đang sống, để rồi nó dẫn ta đi đầu thai, luân hồi… Nghiệp không hình không tướng cho nên “Trắng tay rồi cũng một dời trắng tay” là vậy.
    Bác Sáu thanh thản còn vì bác hiểu rất rõ “Tấm thân tứ đại dan dày”. Tứ đại ấy là địa, thủy, phong, hỏa. Bốn yếu tố này là sắc trong ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Cái tôi, cái bản ngã chung quy cũng là ngũ uân mà thôi. Nhưng địa, thủy, phong, hỏa là vô thường, là thay đổi liên tục, cho nên kinh Bát nhã mới nói: NGŨ UẨN GIAI KHÔNG. “Bụi tro rồi cũng đến ngày bụi tro” là cái chân lý hiển nhiên mà bác hiểu và chấp hành nghiêm túc.
    Nhà Phật tính ra trong một ngày đêm con người ta chết đi sống lại 6.400.099.980 lần. Trong 80 năm thượng tại bác Sáu của chúng ta đã từng “chết” rất nhiều lần …chỉ có lần này là cuối cùng để Hồng Ngọc và chúng ta vĩnh biệt bác vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Bu ơi, tiếc là Bác Sáu không đọc được entry này, những cmt của bè bạn và nhất là lời bình thơ ở trên của anh!. Giá mà người thân trong gia đình bác đọc được có lẽ họ cũng cảm thấy nhẹ lòng như HN. Cám ơn anh,

      Xóa
    2. Bác Bu đã đúc kết gọn triết lý của nhà Phật chỉ trong vài giòng comment.
      Vâng, chính NGHIỆP LỰC mà ta tạo ra ở cõi ta bà này sẽ dẫn ta đi..

      Xóa
  6. Anh HN ơi, có phải cái ông Sáu mà NT có gặp hôm ở nhà anh Cuồng Từ (14/2) không hở anh?

    Trả lờiXóa
  7. Khi biết tin anh ấy qua đời, trong cả chuỗi liên tưởng của HN có lần gặp ở nhà anh CT có cả NT, "anh em nhà Võ Cạnh" và hình như NT cũng có lần ngồi uống ở Vĩnh Trung có anh Sáu nữa?

    Trả lờiXóa
  8. Nặc danh06:41 23/4/13

    Xin chia buồn với HN. Ông anh văn nghệ của HN là người rất tài hoa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bức kí họa của Nobita cũng tài hoa lắm.

      Xóa
    2. @ BT: Cám ơn BT, HN cũng thấy anh ấy tài hoa và tính tình dễ thương lắm.
      @ Bu: Nobita vẽ cho bạn bè rất có thần!

      Xóa
  9. Em xin chia buồn với anh Hongngoc về người Anh đáng kính này nha .

    Trả lờiXóa
  10. Cám ơn MTB, mai mốt em về Nha Trang sẽ không được gặp anh ấy rồi!

    Trả lờiXóa
  11. giao đã qua nỗi đau buồn vì mất bạn nên hiểu lòng anh.
    xin được thành tâm chia buồn cùng anh!

    Trả lờiXóa
  12. Nặc danh08:07 25/4/13

    Nora hỏi thăm bác HN.

    Trả lờiXóa
  13. Nặc danh08:09 11/6/13

    Có phải anh Sáu đã viết hoàn chỉnh lại cuốn Mai Hoa dịch và đưa nhờ NXB in nhưng bị "người ta" cuỗm giấu bẵng mà lại bảo là sách mất, rồi sau đó in dưới tên khác không?

    Thương cho một con người có tâm!

    "Chữ Tâm kia trọng bằng ba chữ tài" (câu chữ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đó. Tâm trong cụm từ: Tâm Đức Khẩu Thành.)

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter