28/5/15

Những gì cháu tôi học được. (1)

Từ khi đến Bangkok, hai anh cháu ngoại nhà tôi vào học ở Patana School. Tôi đã có một số bài viết trên blog, notes và hình ảnh trên FB về hoạt động của các cháu ở trường nhất là khi có các events lớn: International Day, Fun Day hay Ploenchit Fair …tại đây. Cô cháu gọi bằng cậu lúc đầu thích thú, sau bảo là “khoe”. Tôi nghĩ khác, có gì đáng để “khoe”, chẳng qua là giới thiệu với bạn bè một cách làm, một phương pháp không học theo “đỉnh cao trí tuệ của loài người” của một trường học do “thằng thực dân cũ” đầu tư nhưng rất… có lợi, rất hiệu quả với người học mà thôi.  Hihi.

Anh cháu ngoại học lớp 2 đi học về, đặt cái cặp sách xuống là lấy cái ly sứ lớn hằng ngày  uống sữa đến lấy nước, tưởng cháu lấy nước uống, nghĩ thầm: bạn này giỏi, biết lo uống nước!. Ai ngờ anh lại xin tôi: ngoại ơi cho cháu bỏ ly nước này vào ngăn đá tủ lạnh nhé! Tôi hỏi: làm gì?, cháu bảo: làm đá, lại hỏi:  ai dạy? cháu bảo đọc từ một quyển sách mượn của thư viện trường.Tôi tìm cho cháu một hai ly nhựa mỏng, kích cỡ khác nhau đổ nước vào, đặt trên ngăn đá và bảo cháu chờ đến tối. Khi cháu đến lấy, nước đã đông cứng, mừng lắm (vì chính mình làm); cháu lại bảo, ngoại ơi, khi ném ly đá này xuống sàn gạch, đá sẽ vỡ ra thành những miếng có mũi nhọn nguy hiểm phải không? Tôi bảo chỉ ngay lúc đó, khi đá tan ra thì hết, cháu bảo thầy dạy đừng ném, nguy hiểm!. Cháu lại hỏi thêm tôi là ông ngoại có biết chuyện tàu Titanic bị chìm vì đâm vào khối “nước đá lớn” không? Thiệt hết biết, cháu chỉ mới lớp 2!




 



Lại có lần khác, cũng đi học về cháu lục từ cặp một tờ giấy, tự mình đến tủ đựng các loại thực phẩm khô và  tủ lạnh, tìm bột, đường, bơ, trứng… hỏi làm gì, cháu bảo làm pan cake (một loại bánh nướng), lại hỏi, ở đâu con có tờ giấy này, cháu trả lời là thầy dạy làm tại lớp và phát tờ giấy này để về nhà tự làm. Vậy là ba cháu phải “vào cuộc” để hỗ trợ nhưng không được trực tiếp nhúng tay vào vì cháu không đồng ý!
Ba năm theo dõi chuyện học hành của 2 cháu, từ lớp nhà trẻ của thằng em đến lớp 2 của thằng anh, tôi thật sự thú vị và thán phục phương pháp giảng dạy và giáo dục của nhà trường, tấm lòng của thầy cô giáo dành cho các cháu trong đó nổi bật lên là dạy ý thức và tinh thần tự học, tự làm chủ, tự xoay xở   học qua sách là một phần rất quan trọng!. Ở đó, cháu hoàn toàn tự do và được khuyến khích tối đa cho việc phát triển năng lực sáng tạo và tư duy độc lập.


 



Từ lớp mẫu giáo (chỉ 2 lớp: nhỏ và lớn – K1 & K2)  các cháu đã làm quen với sách trưng bày trong phòng học, trong tủ sách chung cho các lớp cùng khối, đã được khuyến khích mượn sách đem về nhà, vào lớp 1 được giáo viên dẫn lên thư viện hướng dẫn việc mượn và trả sách để sau đó hàng tuần đều có một ngày cháu đem vài quyển sách về nhà khoe khi có truyện hay. Có lúc, ba mẹ cháu đến thư viện trường chọn sách và mượn giúp. Sách có quá nhiều kích cỡ, dày mỏng khác nhau, to nhất đến 45x70cm và nhỏ nhất chừng 7x10cm, phần lớn là chữ to và tranh vẽ hoặc hình chụp nhưng có một loại sách mà hai cháu và cả ông thích vô cùng là loại thể hiện mô hình bằng không gian ba chiều như lâu đài, cây cầu hoặc con khủng long… Tôi cho rằng nhìn các loại mô hình này nhiều lần cùng với các hoạt động học tập khác trong lớp thế nào trong óc các cháu sẽ nảy sinh trí sáng tạo. Mà quả thật, mình nhìn thấy óc sáng tạo ngay khi cháu xếp lego không theo sách hướng dẫn với giải thích kèm theo rành mạch về mô hình cháu tự xếp!

 

 

 

 



Qua thời gian, từ việc chọn mua ở hội chợ từ thiện đến việc theo ba mẹ đến nhà sách lúc mua quyển này khi mua quyển khác,  hai anh em đã có được một số sách để trên kệ nhìn thiệt mát lòng!



Tiếp cận với những chuyện này, tôi bỗng thấy ưu tư. Từ khi các phương tiện nghe nhìn được bán rộng rãi đến cả các vùng  xa xôi hẻo lánh cùng với sự xâm nhập của “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, chuyện đọc sách ở nước mình ngày càng trở thành một thứ xa xỉ, mai này e rằng “nhà sách” và “thư viện” sẽ là những từ xa lạ với lứa tuổi học trò kể cả sinh viên sau khi tốt nghiệp!. Rất may, sự lo âu này cũng đã có người  lên tiếng hộ trên RFA blog. Xin cám ơn tác giả bài viết! (*)

(*)  http://www.rfavietnam.com/node/2602.

1 nhận xét:

  1. Sách luôn là chọn lựa hàng đầu của tôi trong cuộc sống, hơn cả món ăn, hì hì!
    Ở ngoại quốc họ giáo dục con trẻ toàn diện, không khập khiễng, lổn nhổn như ở ta. Chúc mừng những đứa cháu của nhà bác Hồng Ngọc.

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter